Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ: Mưa hồng – Trịnh Công Sơn

Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ: 

Mưa hồng – Trịnh Công Sơn

Tôi đang nghe lại bài Mưa Hồng của Trịnh Công Sơn trong một buổi chiều tháng tám mưa vừa tạnh, trời ấm lên những hạt nắng cuối cùng. Những con nắng xám trắng trên những tàng cây. Nắng rong chơi làm tôi mệt mỏi, buồn rầu. Nắng vô tâm không biết rằng mình cũng như mưa, chỉ là một hạt bụi nhỏ nương náu qua nhân gian này..
Lâu lắm rồi tôi không có một chút thảnh thơi để khắc hoạ lại khuôn mặt của chính mình. Ý tôi là khuôn mặt mà những người yêu thương tôi vẫn nhận ra ở bất cứ lúc nào, nơi nào chứ không phải là những nét kí họa vội vàng, rời rạc.
Này em, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”…
Giọng hát của Khánh Ly trong ca khúc này làm tôi liên tưởng đến những chiếc lá xoay xoay, chao chao trong mưa. Những chiếc lá thích ở lưng chừng, nhìn đời nghiêng nghiêng chứ chưa vội rơi xuống im lìm cùng mặt đất. Tôi đang nhớ về những cơn mưa ngày xưa nay đi vắng đã lâu.
Trời ươm nắng vàng hoe cho mây hồng tụ lại tan chảy thành những cơn mưa. Những cơn mưa nhoà đi trong xác phượng đỏ rực thành những cơn mưa hồng rỉ rả. Mưa hồng là ảo ảnh trong đôi mắt, đau vùi trên đôi tay. Tôi chỉ thấy cơn mưa ấy nơi đây, trong các sáng tác của người nhạc sĩ họ Trịnh, bên cạnh những con phố hẹn và bàn tay chờ, những dòng sông đã qua đời gọi trùng dương khơi nước lên sóng mềm.
Thời còn nhỏ, tôi thắc mắc sao lại là mưa hồng? Có bao giờ mưa lại màu hồng. Nhưng rồi có một lần trời mưa trong cơn nắng, và ánh nắng soi vào màn mưa một màu hồng lung linh, tôi mới chợt hiểu, có mưa hồng thật. Và rất đẹp nữa.
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên
Những ngày hè, trời xanh và rất cao, những đám mây bồng bềnh phiêu lãng có một màu hồng nhẹ rất đẹp. Giữa trời hè đó, lá xanh hơn, tiếng ve rộn ràng hơn, con tim cũng loạn nhịp hơn khi thấy bước chân người con gái mong manh đi lại. Một chút buồn len lỏi, một niềm vui âm thầm, một tình cảm lâng lâng khó gọi thành tên trong trái tim chàng trai mới lớn cứ dâng tràn. Thành thơ thành nhạc là thế. Nhưng tình đầu thường quá mong manh, tuổi hoa qua cũng nhanh, chia ly sớm tới để kéo dài thêm nỗi đợi chờ, để người ngồi ngóng mưa, và buồn vương vấn, cho dù ngoài kia vạn vật vẫn theo quy luật của tự nhiên, mưa vẫn rơi và nắng vẫn lên, lá vẫn xanh và phượng vẫn hồng.
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
Tôi thấy đâu đó trong tiếng cười hồn nhiên của trẻ nhỏ là “tiếng khóc tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi”. Tôi thấy trên từng phiến lá, “loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, màu vàng úa đang lấn dần màu xanh. Tôi thấy ở đâu đó trong trăm năm, tiếng hoang vu vọng về. Cuộc đời tạm bợ chỉ là cõi ngụ để ta ghé chân qua…
Và tôi nghe thấy tiếng em khóc trong một chiều mưa hồng từng cánh phượng tả tơi. Tiếng khóc như tiếng nấc nghẹn nức lòng lời ca muộn phiền.
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau

Trong tiếng guốc mộc mòn tê của tuổi, em đi về phía con “đường phượng bay mù không lối vào”. Cuộc đời lận đận, vô thường, long rong. Em đi về phía ấy làm gì. Đường mưa ướt áo, “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…”…
Khi xa thật rồi, lòng mới thấy nuối tiếc cho những lời chưa nói, cho những ánh mắt chưa trao. Rụt rè, e thẹn, bối rối, hình như tuổi trẻ ngày nay với thời đại interner không còn những trạng thái cảm xúc ấy nữa rồi. Bọn trẻ yêu cuồng sống vội, nhạc trẻ bây giờ cũng loạn những ca từ nghe phát kinh, chẳng còn chút nào lãng mạn như xưa. Những hẹn hò trên net thật chóng vánh, những cuộc vui thâu đêm, những mối tình yêu cuồng sống vội, những tranh giành vật chất phù du, hiếm thấy còn người trẻ nào biết nghe và sống như nhạc Trịnh. Họ bảo rằng nhạc này xưa rồi. Thật buồn, sao họ không nghe những ca từ này đi để thấy nó đẹp và buồn nao lòng thế nào:
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du
Mây thường trên cao, làm sao có mây ngang đầu? Nhưng không phải mây thật, mà là mây trong tưởng tưởng, là tóc mây hờ hững vai thon. Có khi cũng là mây mù trong ký ức nhớ nhung khi người ngồi đó ngắm dòng người qua lại mà không thấy bóng dáng người xưa đâu sau bao nhiêu chiều ngóng đợi. Tháng năm qua những  gót chân đi về đã mòn mỏi trên những viên gạch lát đường, những rêu phong xưa đã che lấp dấu yêu ngày cũ, những vòng tay học trò vụng dại đã xa dần theo kỷ niệm. Sao ta vẫn lẫm cẫm còn mãi mong nhớ kỷ niệm xưa.
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Câu kết nghe thật ý nghĩa: cuốc đời thật ngắn ngủi và qua mau; sao không yêu thương nhau, sao không tử tế với nhau, chân thành và nồng nhiệt với nhau; sao nỡ hững hờ để những ân tình trôi mau như nước mưa qua ô cửa, để những cơn đau nối dài những chuyến mưa qua trên những bàn tay chờ đợi những bàn tay?
Những bài hát của Trịnh luôn có một nỗi buồn, nhưng lại luôn có những thông điệp rất thiền như thế. Sống, là không hờ hững, sống là không chờ đợi, là biết tận dụng mọi cơ hội của cuộc sống để sống chân thành và yêu thương hết mình; để được nhận lại những gì đáng có; biết cho đi sẽ được hạnh phúc, biết đón nhận mọi điều với tâm thế thật thoải mái và tích cực, bởi: cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ.

bacsiletrungngan



Như cánh vạc về chốn xa xôi

Như cánh vạc về chốn xa xôi

Cũng không biết từ bao giờ nữa, mình đã nghe nhiều lần bài hát “Như Cánh Vạc Bay”… Nhưng hiểu gì về nó? Có lẽ là không gì cả. Chỉ đơn giản là thích, nghe và cảm nhận. Cảm nhận bằng tất cả tình cảm của mình. 
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Hình tượng trong bài hát là một cô gái. Có lẽ là rất đẹp. Nàng đẹp, nhưng sao buồn thế, hay tại mình lại có suy nghĩ như thế. Môi nàng hồng, màu hồng của ánh nắng ban mai, màu hồng mà không thể cảm nhận được bằng thị giác, chỉ là hình dung, là tâm tưởng, là một cái gì đó rất riêng của cá nhân từng nghe và từng cảm nhận. 
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

… Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mình mới có thể hiểu hết được. Có lẽ thế. Chỉ đơn giản cảm nhận là buồn, rất buồn, một nỗi buồn không thể gọi tên. Cái thứ buồn đó cứ ma mị, bào mòn, rủ rê ta. Nghe mãi, nghe mãi…Buồn về thân phận một người con gái có tài, có sắc nhưng sao cuộc sống cứ có một cái gì đó không thể thoát ra được, không thể …. Có tưởng tượng ra cuối con đường này, mình sẽ đi về đâu không? Ta thấy một dòng sông đã chết, một ngọn núi đợi, vầng mặt trời khô và bầy chim ưu phiền mỏi cánh đang nghỉ ngấp nghé nơi lưng đèo. Và tiền kiếp, rêu rong im lìm…Em có buồn như đôi môi của nắng? Nắng hanh khô, nẻ toác những tháng ngày rong chơi. Em có buồn như đôi mắt của mưa, mưa rỉ rỉ những chiều muộn trái mùa, bàn tay em năm ngón xanh xao trầm mặc đưa gió vào vùng ăn năn tội lỗi. Em có buồn như năm tháng biết lãng quên nhau? Có buồn không mà từng lọn tóc nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh, ta nhìn vào hoe hoét cả chừng ấy những tháng ngày tươi vui?

Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ trên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi …
Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt em
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng …
.
Không hiểu sao khi nghe đoạn này mình lại cứ nghĩ đến những câu thơ trong Truyện Kiều:
"Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da" Và:
"Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…"

Một vẻ đẹp thật chẳng kém nàng Kiều. Nếu như trong chuyện Kiều, đó là "Mây thua…" , là "Tuyết nhường…" là "Hoa ghen…" là "Liễu hờn…" thì ở đây nàng cũng đẹp lắm. Cũng là "Mây hờn…"; là "Nắng có còn hờn ghen môi em.." nhưng cái hình ảnh đẹp nhất, sâu sắc nhất, hình ảnh mà theo mình nghĩ đã làm cho "Nàng" đẹp hơn Kiều lại là ở bờ vai: 
Vai em gầy guộc nhỏ.
Mình hạc xương mai. Hình ảnh một đôi vai bé bỏng, đang run rẩy trước gió Đông thật sự làm mình xúc động. Vai gầy của một người phụ nữ? Điều đó là hoàn toàn bình thường, bởi vì họ đã có những bờ vai rắn chắc của những người đàn ông. Khi nào yếu đuối, mệt mỏi thì họ có thể dựa vào đó, có thể khóc cho vơi đi nỗi buồn để còn có đủ niềm tin và sức lực để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu…. Nhưng ở đây, hình như điều đó nàng cũng không có được. Hình ảnh "Vai gầy…" rất đẹp nhưng " Vai gầy guộc…." thì thực sự làm cho con ta xúc động, thương cảm. Mình cảm thấy đây là một bài thơ, một bài thơ tình hơn là một bài hát. Ca từ quá đẹp, quá hoàn thiện mà ngay cả một nhà thơ chuyên nghiệp chắc gì đã viết nổi. Có thể cái hình ảnh "Mây hờn….. Nắng hờn ghen…" kia, Trịnh đã chịu sự ảnh hưởng của truyện Kiều. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu thôi khi những câu Kiều là những kiệt tác của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Điều đáng nói ở đây là Trịnh biết tìm tòi và phát huy trong tác phẩm của mình. 
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi …
Bài hát kết thúc cũng bằng một hình ảnh thật đẹp:
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.
Thế rồi như cánh vạc, Nàng bay đi để lại nơi này một người đang ngày đêm trông ngóng. Để mỏng mảnh và gầy guộc đi về tuổi đá buồn trơ trọi từng nốt sol la. Để rồi như cánh vạc về chốn xa xôi, em ôm từng vạt mây hờn ngủ quên trên vai đi hết những phím cầm rong của mùa vừa kịp hát tinh khôi đã vội tàn lụi. Em ưu tư mà đời mênh mông quá, đi bao lâu nữa cho trọn một kiếp người?

Và đôi khi ta tự hỏi, em sẽ về đâu sau nỗi buồn mùa cuối ấy? Khi cây cỏ không còn nghe em hát, mặt trời cuồng nộ không còn lắng nghe tiếng em thì thầm và rừng đã cháy, loài người đã ngủ, chẳng còn ai đi cùng em trên con đường gót phiếm du đã mỏi. Và còn điều gì ôm em bao dung đi về kiếp trước không?
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u …
Có thể cuộc đời này nàng chẳng bao giờ có thể là của chàng nữa, nhưng chàng vẫn ngóng trông vẫn chờ đợi và vẫn mong tin nàng. Cầu chúc cho nàng ở phương trời nào đó sẽ luôn vui và luôn hạnh phúc. 
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em

Còn ở nơi này, có thể chàng sẽ buồn, sẽ khóc, khóc tới giọt nước mắt cuối cùng
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.
Lời bài hát: Như cánh vạc bay
Nắng có hồng bằng đôi môi em 
Mưa có buồn bằng đôi mắt em 
Tóc em từng sợi nhỏ 
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh 
Gió sẽ mừng vì tóc em bay 
Cho mây hờn ngủ quên trên vai 
Vai em gầy guộc nhỏ 
Như cánh vạc về chốn xa xôi 
Nắng có còn hờn ghen môi em 
Mưa có còn buồn trong mắt trong 
Từ lúc đưa em về 
Là biết xa nghìn trùng 
Suối đón từng bàn chân em qua 
Lá hát từ bàn tay thơm tho 
Lá khô vì đợi chờ 
Cũng như đời người mãi âm u 
Nơi em về ngày vui không em 
Nơi em về trời xanh không em 
Ta nghe từng giọt lệ 
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.

bacsiletrungngan




Buồn ơi, chào mi!

Buồn ơi, chào mi!

Tôi biết “Buồn ơi, chào mi!” lần đầu tiên không phải từ một bài hát mà là từ một cuốn tiểu thuyết. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Francoise Sagan với tựa đề Buồn ơi, chào mi (Bonjour Tristesse). Cuốn sách có những ngày nắng hè rực rỡ, có cuộc sống phóng khoáng tự do mang màu sắc hiện sinh của một cô gái mười bảy tuổi, và có cả nỗi buồn của cô khi bước chân vào thế giới của người trưởng thành. Nỗi buồn đầu đời của cô chỉ là khởi đầu của một chặng đường với biết bao muộn phiền trăn trở. Khi chạm tay vào nỗi buồn, là cô đã cất tiếng chào một người bạn mới, một người bạn sẽ đồng hành cùng cô trong suốt quãng đường đời.

Có nhiều người lầm tưởng bài hát Buồn ơi, chào mi! là một bản nhạc Pháp được dịch lời Việt. Nhưng có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chỉ mượn tựa cuốn sách trên cho bản nhạc này mà thôi. Cũng lạ, bài hát về nỗi buồn mà nghe nhẹ nhàng, trong trẻo làm sao, từ giai điệu đến lời ca. Đón nhận cái buồn một cách thanh thản. Đón nhận sự chia ly một cách nhẹ tênh. Không nước mắt, mà dường như đâu đó còn phảng phất một nụ cười…rất nhẹ…
Buồn ơi! ta xin chào mi khi người yêu đã bỏ ta đi
Buồn ơi! ta xin chào mi khi tình yêu chấp cánh bay đi…

Buồn, vui là hai cực cảm xúc luôn luôn tồn tại ở mỗi con người. Không có ai suốt cuộc đời chỉ thấy toàn là niềm vui, và ngược lại. Dù là người có hạnh phúc viên mãn nhất chắc chắn cũng có những giây phút mà nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn. Buồn, không hẳn có một biến cố cụ thể tác động thì con người mới buồn. Đâu chỉ có tình yêu làm ta buồn, đâu chỉ có công việc làm ta buồn. Đôi khi một vài hình ảnh gợi nhớ về ký ức cũng làm ta xốn xang, đôi khi nghe một bản nhạc hay cũng làm ta rưng rưng. Mà lắm lúc ta buồn cũng chẳng hiểu vì lý do gì nữa, buồn một cách rất chi là vô lý, như Xuân Diệu đã từng nói vậy:
Hôm nay trời nhẹ lên cao,
tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn…

Cuộc sống không thể thiếu niềm vui, mà cũng không thể vắng nỗi buồn. Buồn để khi vui ta cảm nhận được niềm vui một cách trọn vẹn hơn. Nếu đã coi buồn như một người bạn, để có thể cất lên một lời chào kèm theo một cái vẫy tay Buồn ơi, ta xin chào mi! thì thấy nỗi buồn không còn gì đáng sợ nữa. Vui, tất nhiên ai cũng mong được là bạn lâu dài, thì buồn cũng là một người bạn vong niên, sóng bước theo ta trên quãng đường dài đằng đẵng. Hãy sống hòa thuận với cả vui lẫn buồn, xem niềm vui nỗi buồn là gia vị của cuộc đời chứ đừng để nỗi buồn níu bước.
Ở đâu đó có một câu khá hay: Buồn ơi ta xin chào mi… đó là lời đầu tiên trong bài hát mà mình rất thích. Nhưng không phải lời chào đón khách đến nhà mà là lời chào người bạn gặp ngang qua đường thôi nhé. Riêng mình thì mình không xem buồn là khách, cũng không phải là người bạn chỉ gặp ngang qua đường. Mà là một người đồng hành. Khi ta vui thì bạn đi chơi. Khi ta buồn thì bạn lại trở về, để ta gởi bạn một lời chào tái ngộ…
Buồn ơi ta xin chào mi…
 bacsiletrungngan


Tản mạn những ngày cuối năm

Tản mạn những ngày cuối năm

Và như thế, những ngày cuối năm đã đến! Thời gian sao sải bước quá nhanh, có lẽ nên biết ơn cái khoảng lặng đáng quý khi năm sắp hết đôi lúc đã ban phát cho mình được vài phút riêng tư, đủ để thả hồn ngẫm nghĩ. Có những lúc phát hiện lòng mình chợt phẳng lặng như cõi vô hình. Một cái nhắm mắt khẽ khàng để cảm nhận từng phút giây trôi qua cho cuộc sống thật viên mãn.Những ngày cuối năm luôn mang đến cho mọi người nhiều cảm xúc.
Tây Ninh vào những ngày cuối năm, trời chợt se lạnh bởi những cơn gió xa tít ùa về… Thời tiết bỗng dưng như được pha trộn thêm chút ít gia vị lãng mạn từ cái lạnh bất chợt này… Màu sắc những chiếc áo ấm xuất hiện trên đường phố, dấu hiệu của mùa Đông. Miền Nam dù chỉ hai mùa mưa nắng, nhưng mọi người lại thích đua đòi, dù chỉ một thoáng  hương vị của ngày Đông.
Có những sáng, phố xá chợt phủ xuống một màu trắng mù sương, những tàng cây trơ trụi lá, những cánh hoa dầu khô úa phủ ngập đường, những ngõ vắng hiếm hoi chợt  thoảng qua làn gió lạnh buốt. Trong quán café nhỏ, tay tìm tay siết chặt nhau, ấp ủ hơi ấm một thuở…
Khi những vòng kim thời gian khép lại trọn vẹn một năm là khi chúng ta ngồi nhìn lại chặng đường đã qua của mình. Giữa thời khắc giao mùa, việc nhìn ngẫm lại những việc đã xảy ra và những điều sắp tới khiến mỗi người có cảm giác hồi hộp và háo hức lạ kỳ. Một năm qua đi, chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì và định hướng xem cần phải làm gì trong một năm mới đến.
Có những nỗi buồn đã buông bỏ được chưa?
Những buồn đau dai dẳng, ám ảnh đến từ quá khứ nên là thứ được loại bỏ đầu tiên trong hành trình đón chờ một năm mới. Năm mới đến, không ai muốn rước thêm những phiền muộn vào mình. Hãy liệt kê ra những sai lầm mắc phải, những thương tổn gây ra cho ai đó; cũng chân thành nhìn lại và nhủ lòng khắc phục chúng trong một năm mới đến. Đấy là cách để tống tiễn nỗi buồn, hay cũng là cách để buông bỏ chúng thành công nhất.
Có những thành công, những thất bại, những trì hoãn đã thắp đủ nhiệt tình cho mình hay chưa?
Một năm trôi qua có nhiều thành tựu mới, cũng có không ít những lần chúng ta thất bại. Chúng ta dễ dàng mỉm cười với thành công nhưng luôn chạy trốn những lần bị vấp ngã. Không sao cả. Tương lai là để tiến về phía trước, đừng để mình bị thụt lùi lại phía sau. Hãy xem xét và cân nhắc cẩn thận một lần nữa những kế hoạch của mình, ươm cho mầm xanh một sự sống mới tràn trề vào một năm mới đến, thắp lửa nhiệt huyết cho những hố than đã tàn tro. Một năm mới, khởi đầu mới, chúng ta có quyền tin vào những thành công dựa trên những nền móng cũ.

Có những yêu thương nồng cháy hay lụi tàn, không lối thoát?
Khi tình cảm trao đi mà không được nhận lại. Khi bị phản bội. Khi tim mình đớn đau đến nhường nào bởi nó đã rách bươm và nhằng nhịt vết xước. Thay vì buồn khổ và hoài niệm, hãy học cách tự chăm sóc cho tim mềm, tự ủi an bản thân, yêu thương mình và yêu thương rộng mở với những mối quan hệ xung quanh. Hãy học cách dành tình cảm xứng đáng cho những người xứng đáng…
Chúng ta sẽ thấy tóc mình có nhiều thêm sợi bạc, mấy đứa cháu cũng cao lớn hơn một chút. Dành tình yêu thương trong trái tim bình ổn của mình chia sẻ với mọi người xung quanh ấy: với gia đình, bè bạn. Khi bắt nguồn tình cảm từ một trái tim khỏe mạnh và lành lặn, chúng ta có thể tự tin vào những gặt hái yêu thương trong một năm mới đến. Chính sự quan tâm và tình yêu thương của họ đã khiến mình không bao giờ cảm thấy tuyệt vọng trước cuộc đời này, dù có những ngày cứ ngỡ rằng hạnh phúc đã rất xa.
Dường như thời gian và những dấu chân để lại trong đời đã làm mình có phần già dặn hơn trong suy nghĩ. Không hẳn là thông minh hay sáng suốt hơn, chỉ là có thêm một chút mạo hiểm, dám làm và dám chịu trong mỗi quyết định của mình. Cuộc đời không hoàn hảo và mình cũng sẽ chẳng thể nào làm nó hoàn hảo hơn, thế nên, đôi khi cũng cần nhìn những điều không hoàn hảo đó như một phần tất yếu nên có và cần phải có trong cuộc sống. Như vậy, mình sẽ sống thanh thản và bao dung hơn.
Nhìn lại một năm, thấy mình được nhiều và cũng mất nhiều nhưng mình không muốn nhìn vào những mất mát và tổn thương để phán xét cuộc đời này vì suy cho cùng, trong cái rủi cũng đều có cái may. Có những thất bại, nỗi đau mà chắc chắn ở một thời điểm khác trong đời, mình sẽ biết ơn nó vì cũng nhờ có nó mà mình đã tìm thấy lại chính cuộc đời mình.
Sẽ còn nhiều những mong muốn được chia sẻ cùng năm cũ qua đi và nhiều điều ấp ủ cho một năm mới đến. Tin rằng, khi ngồi nhìn lại, cùng viết và gạch đi những điều không hay, chúng ta sẽ có nhiều hơn niềm tin và sự mạnh mẽ để đón chờ những điều tươi mới nhất!
Trước thềm năm 2014, mình không ước nhiều hơn là giữ được cho mình trái tim mạnh mẽ, yêu thương để có thể luôn là chính mình trong mọi hoàn cảnh. Mong cho những bình yên sẽ rải lối trên mọi nẻo đường mình đi, chỉ vậy thôi. 
bacsiletrungngan

Nụ cười Việt Nam

Nụ cười Việt Nam

Ít nhất từ đầu thế kỷ 20 đến gần đây, hầu như ai cũng bảo người Việt Nam hay cười – thật là dễ mến! Thậm chí họ còn nói: Người Việt Nam cười nhiều đến độ vô duyên. Người đầu tiên nhận định như thế là một học giả rất có uy tín: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).
Trong bài “Gì cũng cười” đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913, 
Nguyễn Văn Vĩnh viết:

“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.” Trong sự nghiệp khá đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh, với tư cách một nhà văn, một nhà báo và một dịch giả, có lẽ đoạn văn vừa trích ở trên là đoạn văn được nhiều người nhớ và nhắc nhất. Đến nay, tôi chưa thấy ai phản đối ông bao giờ..
Mà làm sao phản đối được? Chỉ bằng kinh nghiệm thường nhật, chúng ta cũng có thể thấy ngay là ông nói đúng. Nhìn những bức ảnh chụp hay các thước phim tư liệu quay tình cờ trên đường phố, chúng ta dễ thấy đặc điểm của từng dân tộc: Người Nhật thì cắm cúi đi – lại luôn luôn làm bẹp vành tai bằng chiếc điện thoại di động! Người Trung Quốc, thường vừa đi vừa nhai nhồm nhoàm thượng vàng hạ cám! còn ở Viêt nam ta thì thấy ai cũng nhếch miệng ra cười! (nếu như mồm không bị bịt kín bởi khẩu trang chống bụi!).

Trong đời sống, chúng ta càng dễ thấy vai trò của nụ cười và tiếng cười. Ở đâu có người Việt là ở đó có những tiếng cười rúc rích. Kể cả trong giảng đường hay ở các cuộc hội nghị quan trọng đầy tính chuyên môn. Còn trong nhà, trong quán ăn hay ngoài đường phố thì.. ôi thôi khỏi nói!
Có thể nói: cười là một loại hình ngôn ngữ thân thể (body language) đặc biệt của người Việt Nam. Gặp bạn bè hay người quen, Mấy ông Tây-bà đầm phải “hello”, “hi!” hay “bonjour”, thì người Việt chúng ta chỉ cần nhệch miệng ra cho… giống như cười thế là cũng đủ! Thay vì nói “cám ơn”, người Việt cũng nhoẻn miệng cười. Thay vì nói “xin lỗi”, người Việt cũng cứ nhoẻn miệng cười. Chao ơi, thật là tiện lợi!

Nhưng dù hiểu đúng hay hiểu sai, Ai ai cũng cần ghi nhận: Người Việt Nam chúng ta sử dụng nụ cười và tiếng cười thật là hào phóng!

Có điều, từ một khía cạnh khác, tôi lại nghĩ, trong văn hoá giao tiếp thông thường, người Việt Nam LẠ LÙNG THAY lại không biết cười mới chán!
Bạn ngạc nhiên ư?
Thì đây nhé, bạn cứ tự mình kiểm tra. Bạn thử đi tới sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất (Hoặc giả bạn bước lên các chuyến tàu đi suốt BẮC-NAM từ mọi sân ga). Để ý mà xem, có người nào ít cười bằng tiếp viên của Hàng Không Việt Nam và nhân viên phục vụ của ngành đường sắt? Theo kinh nghiệm của tôi, câu trả lời là: Không có!
Bước vào máy bay của các hãng hàng không khác, ngay từ cửa ra vào, chúng ta đã bắt gặp ít nhất là hai tiếp viên đứng cười chào và chỉ hướng đi. Ở hãng Hàng Không Việt Nam, cũng hai tiếp viên ấy và những lời chỉ dẫn tương tự. Nhưng rất hiếm khi thấy nụ cười nào trên những gương mặt xinh đẹp nhưng lạnh lùng như sương giá! Còn ngành đường sắt ư?: ”Này, cái ông kia! Có mau dẹp đồ và tìm chỗ ngồi không, tàu sắp chạy giật ngã ngoéo củ từ thì không ai thương đó!’’
Xuống sân bay, những người đầu tiên bạn gặp là các nhân viên an ninh cửa khẩu, đố bạn bắt gặp nụ cười nào ở đây!

Ra tới cửa bạn sẽ gặp các viên chức hải quan, tôi thách bạn gặp một nụ cười ở đấy!
Thật bất hạnh cho những ai có việc phải đến chốn công quyền! Từ bác bảo vệ – giữ xe phơi đầu trong mưa dưới nắng tới mấy vị quan trên oai phong rung đùi ngồi trong phòng máy lạnh! bất cứ ai trong số họ cũng có thể cho bạn khái niệm rằng họ là những vị…”hung thần”, hoặc họ chính là những vị “bồ tát tái sinh” có khả năng “gia ân” hay “kết oán!”.
Do vậy nụ cười ở đây phải được xem là tài nguyên quý hiếm!
Không phải chỉ những nơi có quyền lực mới thiếu vắng nụ cười. Bạn bước vào bưu điện hay ngân hàng mà xem, có nhân viên nào nhoẻn miệng cười chào bạn hay không? (Tôi xin loại trừ trường hợp bạn là chiến hữu của cấp trên hay bạn hết sức đẹp trai hoặc cực kì xinh gái!?)

Có một lần, tôi bước vào 1 hiệu sách. Tôi thử nhếch môi cho cho giống với nụ cười chào! Thế là cô bán sách đáp trả lại tôi bằng một cái nhìn trân trối, ngạc nhiên – tò mò như nhìn người ngoài hành tinh! Không có nụ cười đáp lại! Khiến tôi “thẹn thùng” phải vội vàng tìm cách kéo môi lại-giả ho cho đỡ ngượng ngùng! Rồi vội soát nhanh lại quần áo của mình – lỡ có cái khuy nào quên cài mà gây nên cái nhìn kinh dị!
Gần đây, khi xu hướng thương mại hoá và tư nhân hoá phát triển, những người bán hàng giảm bớt thứ văn hoá hợp tác xã ngày xưa, tương đối lịch sự hơn. Nhưng lịch sự không phải là đã… biết cười đâu nhé!
Các bạn thử giải thích giùm đi. Làm sao có thể giải thích một nghịch lý: một mặt, người Việt Nam cười một cách dễ dàng, thậm chí, thừa thãi; mặt khác, lại tiết kiệm nụ cười đến độ có thể bị chê là “rude” (cục cằn và thô lỗ?)
Ấy, nói là nói vậy thôi. Chứ tôi cũng phải thừa nhận và tự hào về nhiều tác dụng thần kì của các kiểu cười ở người VN ta lắm lắm!
 bacsiletrungngan



Nữ nghệ sĩ xưa

   Nữ nghệ sĩ xưa

Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Lan vẫn luôn tỏa sáng bởi vẻ đẹp và tài năng hơn người…
Thẩm Thúy Hằng
Thẩm Thúy Hằng là nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng của Việt Nam.
Bà được coi là biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.

Năm 1956, sau khi tham gia phim ‘Người đẹp Bình Dương’, bà trở thành ngôi sao điện ảnh được hâm mộ nồng nhiệt nhất lúc bấy giờ.
Kể từ đó, bà tham gia rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: Ngưu Lang Chức Nữ, Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau…
Thanh Nga
Thanh Nga được mệnh danh là ‘Nữ hoàng sân khấu’, là nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Tuy vậy, bà không tránh khỏi phận hồng nhan bạc mệnh.
Khoảng 11h đêm 26/11/1978, sau khi diễn xong vở cải lương ‘Thái hậu Dương Vân Nga’, Thanh Nga và chồng đã bị sát hại khi mới 36 tuổi.
Kiều Chinh
Kiều Chinh là nữ diễn viên nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và từng tham gia một số phim của Hollywood.
Sau năm 1975, Kiều Chinh sang định cư ở Mỹ và vẫn tiếp tục tham gia đóng phim.
Hiện tại, nghệ sĩ đang sống ở California. Ở đó, bà có một ngôi nhà được trang trí và thiết kế theo đúng kiểu các ngôi nhà ở Việt Nam.
Thanh Lan
Thanh Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trong cả lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu.
Hiện tại, bà định cư tại Mỹ và vẫn xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hải ngoại.
 bacsiletrungngan



Chỉ một thời thôi, theo suốt một đời

Chỉ một thời thôi, theo suốt một đời

Thời gian lấy tất cả những gì ta có … yêu thương, vui, buồn, mất còn… Có còn lại chăng là nỗi buồn miên viễn… Thời gian lãng quên bỏ lại ký ức, gieo lại những cơn giông bão
Trong cuộc sống có biết bao điều, buồn, vui, bè bạn, tình yêu… tất cả rồi cũng trôi qua, chỉ còn lắng đọng, không trôi đi… đó là nỗi nhớ…. 

Nỗi nhớ có lúc như một phép nhiệm màu, đem ta trở về những thời khắc hạnh phúc, yêu thương… tưởng chừng như vừa xảy ra thôi, thật gần gũi, ấm áp
Nỗi nhớ có lúc như người đánh cắp, vô tâm vô tình lấy đi những giọt nước mắt phiền muộn, như người nhẫn tâm làm tim ta đau nhói.
Với riêng tôi, trong công việc làm, những điều đời thường tôi chỉ muốn nói một lần. Đôi khi có những sự việc diễn ra, chợt thoáng nghĩ, thoáng nhớ rồi quên nhanh. Có những sự việc không hay, hay gọi là sự cố, những buồn phiền, những cơn ác mộng… dù đã tự cố dặn lòng quên đi, bôi xóa đi, xem như chưa từng có vì đường đời thênh thang vạn lối, buồn nhiều, vui có bao nhiêu… đời sống nghiệt ngã quẩn quanh…hơi đâu mà chấp. Đã đành thế, nhưng khung trời xanh biếc vẫn hoài mang màu xám xịt, u buồn luôn mãi quanh ta… như bóng ma của quá khứ, món nợ nần tiền kiếp…
Tôi đã chẳng còn ở tuổi hồng, nhiều ước mơ, mộng mị… Nhưng tôi cũng chưa đủ già để quên lãng đi những năm tháng bên đời sống chông chênh đầy những muộn phiền, cay đắng, chua xót… chút ngọt ngào. Đã chưa tới lúc để không còn cảm nhận hương vị của ly nước cuộc đời, ly cà phê nóng, đen, đắng thêm chút đường ngọt ngào … Vẫn còn nhớ được những tháng ngày tiếng cười bên tiếng khóc, sum họp, chia ly…
Thời gian cứ thế mà lầm lũi đi mau… Thời gian đi nhanh hay chậm, ít nhiều … tôi vẫn là tôi. Nếu ngồi tính ra con số thời gian đi qua cuộc đời tôi, cũng không quá nhiều đổi thay nơi tôi… Trái tim tôi, ngăn tủ hoài niệm thì rất nhỏ … thế mà nó đã chất chứa quá nhiều ký ức xa gần, buồn vui… đã không cân bằng… tôi đã cố gắng chọn lọc chính xác, buông xuôi cho sông trôi ra biển lớn, cố giữ lại những điều mình cần. 

Cuộc đời đã sang trang, như sau một giấc ngủ… Tất cả đều phải thay đổi, nói theo một góc cạnh nào đó… để thích nghi. Với tôi, năm tháng qua đi, nỗi đau phần nào lắng đọng nhưng nỗi đau dịu đi bao nhiêu thì nỗi nhớ dâng đầy bấy nhiêu.
Trong đời sống, quen biết thì rất nhiều, đồng nghiệp, khách hàng, bên văn thơ, báo chí… nhưng bạn nói theo một cách đúng nghĩa, thì không nhiều. Với riêng cá nhân tôi, với mọi người xung quanh tôi, tôi đều dành cho họ sự quí mến, trân trọng… Tôi có thể làm tất cả những gì tôi có thể, đem đến cho ai đó một nụ cười là tôi đã tự cho mình thêm một nụ cười… 
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, chẳng để làm gì…. Giản dị như chiếc lá trôi xuôi mãi theo dòng sông nhỏ… trôi ra biển lớn.
Tôi vẫn nhớ mãi ngày tôi chào tam biệt thầy học thời Trung học để xuống Sài Gòn học Đại học, thầy đã nói: “Thầy tin con có đủ đức độ, tài trí. Con sẽ thành công”. Thầy ơi! câu nói ấy với em là tâm nguyện, đến giờ vẫn là tâm nguyện.
Những người tôi quen biết, tiếp xúc trong cuộc sống đa phần là những người có tài trí, tiền bạc. Tài trí, tiền bạc… trên thế gian này không thiếu. Nhưng đức độ thì không dễ ai cũng có…
Nhớ lại ngày còn nhỏ, chúng tôi còn quá trẻ, đang những bước chân chập chững bước vào đời… Họ vui đùa hồn nhiên, thơ dại… Họ nhìn nhau trong sáng, tình thân hữu… Họ còn quá trẻ, chưa có đủ những kinh nghiệm chuẩn bị bước trên con đường đời gập ghềnh, nhiều phong ba bão táp… mà phải trãi dài thời gian qua đi, họ mới biết, hiểu được không đơn giản như họ đã nghĩ… 

Vẫn là những buổi chiều, những cơn mưa bất chợt xua tan cái nóng bức, dịu lại cả mặt đường như nóng chảy bởi nắng nóng ban trưa… Hai hàng cây bên đường nhè nhẹ lả lơi trong gió ru hời, chuẩn bị đêm xuống… Chúng tôi – những bạn bè cũ – có lần gặp nhau, bên quán cà phê nhỏ ven đường, chia sẻ ly cà phê đá… thuở hàn vi nhưng thân hữu, chân tình… Ghé lại nhà một người bạn nào đó, ngồi trò chuyện đủ thứ trên trời dưới đất: về tình yêu, cuộc đời… cùng nhau đàn hát quên đi những hàn vi, mong ước một ngày mai tươi sáng…. yên bình…. Tất cả họ cùng chung một thế hệ, những trái tim chưa kịp trẻ….đã già.
Giờ đây, bạn bè mỗi người mỗi hướng, mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh, mong cùng gặp lại, những tình bạn thân hữu, một thời như thế… ngồi uống cà phê, nói chuyện phiếm thật không phải chuyện dễ…
Chúng ta cần một tình bạn thân hữu đến chừng nào, cùng san sẻ những nối niềm riêng mang, cùng giúp đỡ nhau vượt qua những phiền muộn bên đời… Có biết bao điều tôi suy nghĩ, nhận thức mà đôi lúc tôi cho là vô lý…nhưng giờ đây tôi thật sự bàng hoàng.. vì tất cả nó đã là một thực thể ngay chính trong cuộc sống của tôi, hiện tại nơi này…
Đã có bao năm rồi trôi qua, bao nhiêu phiền muộn, đắng cay… lòng tôi chẳng hề phai mờ những ký ức đẹp trên thời thơ trẻ … Những khoảng đời người, những con đường, góc phố, quán hàng, sân trường, những khuôn mặt, nụ cười, ánh mắt… tất cả dường như biến dạng, mơ hồ…
Với tôi, phải chăng còn lại những ước mơ nào đó trong trái tim… Cánh vạc năm nao, bay xa vẫn “như cánh vạc bay”… trầm lặng hơn như “phiến đá sầu”. Đôi mắt buồn xa xôi, nụ cười không nghĩa… có đôi lúc tôi muốn khóc òa cho tan vỡ những nặng trĩu trong tôi, để thay những lời tôi muốn nói… thế nhưng, tôi đã không thể khóc…
Ôi thời gian ơi, trả lại cho tôi, cho chúng tôi một thời thôi… tháng ngày lấy đi mất tuổi trẻ của chúng tôi.
Những thân quen cũ, dần vắng bóng xa xôi và đến một ngày nào đó, tôi cũng lặng lẽ rời xa tất cả đi về một nơi nào đó. Sẽ chẳng còn lại gì, chẳng còn ai…
Chúng tôi ngày ấy, cùng tuổi trẻ, bạn hữu, thân tình…Cho dù có bao biến chuyển, đổi thay… ít nhiều vẫn còn trong ký ức của mỗi người… Những ngày hồn nhiên, chân chất bên nhau, thuở hàn vi.. hạnh phúc đơn sơ.
Người ta có thể sống khi hồn đã lìa khỏi xác?

Người ta có thể không chết, khi trái tim đã thôi nhịp đập rồi?
Chúng tôi cùng tuổi trẻ, chúng tôi đã cùng có chung một thời…
Chỉ một thời thôi, theo suốt một đời…
 bacsiletrungngan





  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...