Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Nguyễn Tất Nhiên, thà như giọt mưa rớt trên tượng đá

Nguyễn Tất Nhiên, thà như giọt mưa rớt trên tượng đá

Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) qua nét vẽ Tạ Tỵ
Cách đây hơn 40 năm, những năm đầu thập niên 70, trong giai đoạn đất nước dầu sôi lửa bỏng, những tác phẩm phản chiến được phát triển rầm rộ. Một phần, trước cuộc chiến càng ngày càng leo thang một cách cùng cực, sinh mệnh người dân như tấm bia thử nghiệm cho những thể chế, không biết ngày nào hy vọng bình yên trở lại quê hương. Một phần sự loạn ly làm đình trệ tư tưởng, đời sống và văn minh văn hóa khoa học, đem lợi ích phát triển hơn là sự tàn phá nghiệt ngã vô ích. Thơ văn là tiếng nói của người làm văn nghệ, được bày tỏ bằng những bức xúc, chứa đầy cảm năng đối thoại với chiến tranh đang phủ chụp khắp xóm làng. Thật vậy, nghệ sĩ với lửa con tim đều biểu lộ bằng những sáng tác trên hội họa, văn chương, âm nhạc,…Trịnh Công Sơn là một hình ảnh tượng trưng về nét phản chiến thực tiễn trong những thập niên 60-70. Chuỗi tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã ghi lại những dấu ấn siêu việt ảnh hưởng từ trong và ngoài nước, mà bất cứ hàng quán nào kể cả tư gia của người thôn dã đều chất đống âm vang những ca khúc giữa đời sống hằng ngày…
Nghệ sĩ miền Nam có một tư thức sáng tạo và bày tỏ riêng mình, tất cả những khuynh hướng sáng tác đều không quy cũ trong một phương hướng chủ đạo, rập khuôn như nhau. Chính vậy, sự đa năng được bộc phát một cách kỳ diệu, dù trong những thời khắc đầy khói lửa, nhưng bước tiến của nghệ thuật miền Nam lại đa dạng. Mỗi khuynh hướng lại là một sự tinh khôi bù đắp làm phong phú cho văn chương phía Nam. Dù trong thời buổi chiến tranh, cũng rộ nở đầy những vườn hoa khoe muôn màu sắc, đậm nét bác học không thua sút văn hóa văn chương thế giới.

Trong môi trường thi ca, bên cạnh thơ lửa, chất đầy ngôn ngữ bày tỏ trước thời cuộc, mà sự sống thì còn cần chứa chan thêm một hạnh phúc tinh yêu và trong lành ở viễn cảnh xô bồ hằng ngày. Tuổi trẻ phần đông cũng biết chọn cho thế hệ mình phần hồn, để bộc lộ những khoảnh khắc của con tim. Nét lãng bạt vẫn là yếu tố phong lưu trong hàng trăm nét sống tư thức dấu yêu. Sự phơi phới hồn nhiên trong tình yêu giúp bảo tồn được nét thuần khiết chân thành trong bản năng con người. Vì vậy, nếu những thi phẩm chan đầy nét kỳ diệu long lanh sinh khí từ trái tim yêu thương, thì được đón nhận như cơn mưa rào thấm đất. Đầu thập niên 60, Nhất Tuấn xuất bản thi phẩm Chuyện Chúng Mình, ba thi tập nối tiếp trong một thời gian ngắn, đã tạo cho thơ tình một sức hút dữ dội. Tập thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhà thơ Kiên Giang tức khắc được đọc giả đón nhận nồng nhiệt, cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn tái bản với 2000 đến 3000 bản. Thơ Nguyên Sa cũng là một dòng thơ tình quý phái, trí thức và lãng mạn.
Tất cả những thi nhân kể trên, đều ít nhiều kỷ niệm và có kinh nghiệm tình trường, nên sự chiêu niệm của đọc giả chỉ hướng về nét sáng tạo tích cực trong văn chương. Ngôn ngữ tích lũy trong thi phẩm đều nhiều ẩn dụ gần như giả định, dù rằng thi hóa một cách tuyệt vời. Năm 1969, lúc nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên xuất bản tự lực với những tập thơ còn mang nặng nét học trò, tôi và Lưu Nhữ Thụy nhiều phen bay về Biên Hòa tìm thăm, để trả lễ những dịp Nhiên về Sài Gòn thăm tôi. Sự bộc phát hình như là một định mệnh, không thể ngờ trước được, khi tập Thiên Tai ra đời năm 1970 lúc Nguyễn Tất Nhiên vừa 18 tuổi, bỗng nhiên tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên bừng vỡ một cách ngoạn mục. Nhac sĩ Phạm Duy bằng sự lão luyện tài hoa cùng cực, đã làm say mê những dòng thơ tình đầy ngây thơ, ngộ nghĩnh, ông đem hết tâm huyết phổ nhạc cho nhà thơ nhiều bài, và thành công một cách kỳ diệu, đặc thù. Thời đó, nhạc Trịnh Công Sơn chiếm lĩnh hầu hết thị trường, đi đâu cũng chất đầy ngôn ngữ Trịnh Công Sơn, làm quánh đặc cả không gian bão táp giữa lòng người điên đảo. Thì sự thanh thoát tươi trẻ của hơn mươi bài nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, được quảng bá rộng rãi không thua kém, bằng cách giới thiệu xen kẽ thay thế dòng nhạc Trịnh Công Sơn, một dòng nhạc cô đọng âm hưởng monotone bấy lâu vưởng vất quanh đời sống… Sự giải tỏa uẩn ức của cuộc sống, bằng sự huyền diệu thanh khiết và ngây thơ cực điểm của dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên, và âm thanh phù thủy Phạm Duy, thì không gian như trôi chảy giữa bốn bề âm vọng tình yêu, mà những ví von so sánh lạ lùng, ngây dại trong ngôn ngữ chứa đầy biểu tượng sáng hóa: người từ trăm năm/về ngang sông rộng/ ta ngoắc mòn tay…, hoặc nào hay đời cạn vì người từ trăm năm/ về khơi tình động/ ta chạy vòng vòng/ ta chạy mòn chân. (Khúc Buồn Tình). Thơ Nguyễn Tất Nhiên có không khí bừng nở đầy trí tuệ liên tưởng tự nhiên, đưa đẩy sự phá cách của tưởng tượng, mà tha nhân không thể dõi bước kịp ý tưởng của dòng thơ vừa băng mình chưa hết lộ trình thơ mộng, bỗng nhiên đóng khung ở một lý luận ví von như những giải đáp lạ thường ngộ nghĩnh: đời chia muôn nhánh khổ/ anh tận gốc gian nan/ cửa chùa tuy rộng mở/ tà đạo khó nương thân/ anh đành xưng quỷ sứ/ lãnh đủ ngọn dao trần/ qua giáo đường kiếm Chúa/ xin được làm chiên ngoan/Chúa cười run thánh giá/ bảo: đầu ngươi có sừng!( Đám Đông).
Ngoại trừ những năm 60-70, với một khí thế hực lửa của những biến động thời cuộc, sự say mê nhạc Trịnh làm bừng cháy ý thức phản kháng một cách quy mô. Thì ta không ngạc nhiên, để hiểu rằng sự hòa đồng nhiều lúc cũng xu hướng, mà lịch sử còn phải xâm soi định vị cả một khoảng thời gian sau, mới khẳng định được đúng sai trong quá trình vừa trôi qua. Ảnh hưởng của nhạc Trịnh đã bước vào tâm thức của tầng lớp thanh niên, giục giã cái nhìn nhân chứng, sáng hóa hòa quyện giữa thi ca và âm nhạc, nhưng không biết có tác động được để vượt thời gian, đó là điều nan giải! Thanh lịch của thi ca cũng như những bộ môn nghệ thuật khác, là sự tinh túy, tạo lập chân tướng bằng tất cả phương pháp sáng tạo tùy tài năng và chân tâm của nghệ sĩ. Bởi cái giả không là thật, mà cái thật không được là giả, người ta thường khoác lên vai nghệ sĩ bằng y phục lòe loẹt, còn trái tim thì treo trên cành cây trước gió. Chính vậy, sáng tác có thể dùng hết lửa để thai sinh, nhưng cũng có lúc lửa cũng hủy diệt sáng tác. Cái tâm không của nghệ sĩ thật cần thiết. Tôi cảm nhận thơ Nguyễn Tất Nhiên có những ý hướng vô ngã, chỉ cần đạt đến một điều là hóa hiện bản ngã, bằng những hình tượng lập dựng để dánh dấu cho một ý niệm bừng rõ nét tình yêu. Chính vậy, nhiều lúc tôi so sánh giũa hai ý thức sáng tác thơ tình của Nguyễn Tất Nhiên và Trịnh Bửu Hoài, một đàng chân thật xem tình yêu như một thánh tượng, lãng đãng giữa không gian đầy hoa cỏ, gió và mây. Một đàng xé nát vật thể, kể cả bản thân để phát minh cho thơ một sự khắc nhập, hoá hiện lại cùng cực bản thể tình yêu và tình người. Nhiều lúc, có người đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên, những ví dụ ngây thơ, phù thủy làm đánh động sự phân tâm, bởi những ngôn ngữ tân lập cho hình ảnh lạ lùng Thơ. Giống như một hình ảnh tân lập thật bình dân của Bùi Chí Vinh, khiến thơ Vinh có một nét ngông linh động và hoạt bác, mà có lúc tôi đùa với Vinh, như hai mặt đồng tiền, mặt phải là Bùi Giáng, mặt trái là Bùi Chí Vinh. Còn thơ Nguyễn Tất Nhiên hẳn nhiên có nét sáng tạo thật lạ, cung cách so sánh làm câu thơ bừng lên một nét kỳ diệu, nhưng thật đau thương. Khác với cung cách hoa dạng trong thơ tình Nguyên Sa, với cuộc đời và trái tim, Nguyễn Tất Nhiên đã xé nát hết tư tưởng và bản thân, để tung rải cạn láng chân khí đem đối chiếu tình yêu so sánh những dị thường: dĩ vãng là địa ngục/ giam hãm đời muôn năm/ tôi-người yêu dĩ vãng/ nên sống gần Satan/ ngày kia nghe lời quỷ/ giáng thế thêm một lần/ trong kiếp người linh mục/ xao gầy cơn điên trăng………………..vì tôi là linh mục/ giảng lời tình nhân gian/ nên không có thánh kinh/ nên không có bổn đạo/ nên không có giáo đường/( một tín đồ duy nhất/ vừa thiêu hủy lầu chuông!) (Linh Mục).
Sự hóa thân cho chính nhà thơ đã vỗ về cho thơ xuất hiện trong một lớp áo biến đổi bản ngã, sự nhị trùng thật ra chỉ là chiếc bóng của một hiện thân duy nhất. Mà chính tác giả độc thoại trong sự phân vai giữa bản fthân cô độc, lạnh lẽo ở một không gian tưởng tượng trù dập tận cùng cái si mê ngây dại, bởi ru ta suốt cuộc đời/ (cuộc đời tên vô đạo/ vết thương hành liệt tim).(Ma Soeur)
Tài hoa một cách kỳ diệu trên sáng tác, một cách ngông nghênh của thi sĩ, và cái nhìn tình yêu bằng đôi mắt chăm chọc, đập vỡ cả não cân xé tung cả thân xác… để so sánh bản thể si mê ngập ngụa điêu tàn. Trong khối tình mà Nguyễn Tất Nhiên bắt phải dại khờ vì ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh.
Năm 1979, buổi sáng còn vang vọng tiếng loa tuyên truyền nhức óc của Ban Thông tin Văn xã Phường, thì thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, bỗng dưng xuất hiện trước cửa Thư trang. Nguyễn Tất Nhiên với y trang đơn giản hơn ngày xưa, sơ mi bỏ ngoài loáng thoáng theo cơn gió nhẹ, chờ tôi trước cửa còn khép hờ. Tôi khoác vai Nhiên bước vội về một quán cà phê, cách nhà chừng 100m, với sự chào đón im lìm và cuộc thăm viếng cũng như một cuộc dấu diếm với thế gian. Bản thân Nguyễn Tất Nhiên thư sinh ốm yếu cao nghệu, nhưng hiện tại càng thu liễm hơn, với vẻ mặt xanh xao giữa mái tóc lòa xòa bất cần nhân thế. Tuy vậy Nguyễn Tất Nhiên cũng giữ lại được nét liếng thoắng, và nụ cười nở đầy trên môi. Nhiên bắt xe từ Biên Hòa lúc 4 giờ sáng, tâm sự ghé thăm tôi, sau gần 4-5 năm không gặp mặt: “kỳ này em chắc ít có dịp về thăm anh”. Nguyễn Tất Nhiên vẫn cười nói thản nhiên, suốt buổi tri ngộ thâm tình giữa huynh đệ tin yêu. Tôi lại cứ ngỡ Nguyễn Tất Nhiên và gia đình về khu kinh tế mới, như bao nhiêu gia đình khác được vận động di dân lập nghiệp, nên trả lời: “Nhiên muốn về thành phố thì xin một giấy giới thiệu, đóng mọc đỏ của một hợp tác xã nơi ở, sẽ đăng ký được giấy xe, lo gì. Tôi phục vụ bên y tế nên cũng cấp cho nhân viên như vậy”. Nghe tôi phân trần, Nguyễn Tất Nhiên vẫn cười cười nói nói, không bộc lộ một ý hướng gì hơn nữa. Thời gian khoảnh khắc lại là một cách biệt ngàn trùng, đằng đẳng đến ngày hay tin Nguyễn Tất Nhiên cư trú tại Pháp qua đài BBC, tôi không có dịp thư tín trò chuyện với nhau. Sự cật lực sống trong một xã hội xa lạ, Nguyễn Tất Nhiên không hội nhập được, bởi bản chất nghệ sĩ chan đầy ý tưởng huyễn hoặc, không có thời gian thực tiễn, khiến nhà thơ chìm ngấm trong cơn lốc trầm cảm cách biệt đời thường…Thỉnh thoảng cũng được truyền thông Nguyễn Tất Nhiên còn hoạt động văn nghệ, xuất bản được vài tác phẩm, tôi đón nhận như tin vui chia sẻ với cố nhân…
Tất cả đều trong nghiệp chướng vô thường, không ai thoát khỏi thành trụ hoại diệt, nhưng sao tôi vẫn thảng thốt khi nghe đài VOA báo tin, Nguyễn Tất Nhiên vừa giã biệt cõi đời lúc 14 giờ 30 ngày 03 tháng 08 năm 1992, bằng thuốc ngủ trong một chiếc xe hơi Toyota cũ kỹ đầy hoa, và một bài thơ mới sáng tác có chữ ký còn giữ kỹ trong túi áo. Ngày giã từ cõi đọa đày suốt một đời thơ, Nguyễn Tất Nhiên gởi lại nhân thân giữa thơ và hoa, tại sân Chùa Việt Nam, do Thượng Tọa Thích Pháp Châu trụ trì, ở thành phố Garden Grove, Nam California như trở lại chính bản thể và đạo pháp: đường không gian- đã phân ly/ đường thời gian- đã một đi không về…

THÀ NHƯ GIỌT MƯA - Ngọc Lan



Thà như giọt mưa - Thơ Nguyễn Tất Nhiên - Nhạc Phạm Duy

Thà như giọt mưa  - Thơ Nguyễn Tất Nhiên - Nhạc Phạm Duy

Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá

...có còn hơn không, có còn hơn không
Người từ trăm năm về như dao nhọn, người từ trăm năm về như dao nhọn ...
dao vết ngọt đâm ta chết trầm ngâm
dòng máu chưa kịp tràn, dòng máu chưa kịp tràn ...”
Đầu thập niên đầu 70, những bài hát tình của Phạm Duy, phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, đã được tiếng hát ngọt ngào của Duy Quang đưa vào lòng người, nhất là các thanh thiếu niên, những người trẻ sống giữa chiến tranh, nhưng vẫn yêu đời, và ... yêu nhau . Yêu nhiều hơn nữa, vì giữa những pháo đạn, những triết lý, chính trị, bàn cãi của người lớn, những đêm đi từ lớp học thêm Anh Ngữ này, đến lớp học thêm Lý Hóa nọ, và những tối thức khuya với chồng bài vở, thi cử, thì âm nhạc là niềm vui, làm đời sống đỡ căng thẳng, để giới trẻ tạm quên chiến tranh. 
Đối với những người sống vào thời ấy, những hình ảnh tình yêu của các chàng và nàng học sinh đã được in đậm, ăn sâu đến mấy mươi năm sau, không những thế, thiết nghĩ chẳng lộng ngôn tí nào, khi bảo rằng những hình ảnh đó đi thẳng vào văn chương Việt Nam. Đó là cảnh anh học sinh “lính quýnh giữa sân trường trao thư...”, cho cô nàng, “tóc thắt bím, nuôi dưỡng thơ ngây”, và nhất là ... cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, đạp xe qua phố:
"Này cô em tóc demi garcon
Chiều hôm nay xuống đường đón gió,
Cô có tình cờ, nhìn thấy anh không?"
Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, cô nàng mới lớn xinh xinh, hơi chút kiêu kỳ vì được các anh hàng xóm hay các chàng trường "con trai" theo đuổi .... Đôi lúc cô hơi chanh chua, ngoe ngoảy, không hiền dịu bằng hình ảnh cô gái tóc thề, nấp dưới nón bài thơ ngày xưa. Cô tân thời hơn, líu lo dạo phố cuối tuần cùng đám bạn, nhưng không kém phần duyên dáng, cô là cô gái mới lớn ngây thơ, yêu đời và đi chân sáo vào tình yêu.
“Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ.
Này cô em mắt trời bao dung,
Nhìn anh đi hãy nhìn cho rõ,
trước khi nhìn đám đông, trước khi vào đám đông ..."

Quên làm sao được giọng hát trầm ấm của Duy Quang, đaị diện cho các chàng trai cùng thế hệ, tỏ tình cùng các cô em gái dễ thương, còn ngâm ô mai và hay hờn.
“Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “Em hiền như ma Soeur”, những bản hát diễn tả những mối tình đầu đời, còn vụng về, còn lấm màu mực tím của các chàng, nàng học sinh, sinh viên tạm quên mọi việc để mà yêu nhau. Những đón đưa, những chiều tan trường, qua con đường lá me bay, và những ngày mưa, với chiếc xe cổ lỗ xĩ:
“Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa"

Sao chàng Nguyễn Tất Nhiên lại nhìn ra là em hiền như ma-soeur nhỉ. Thật sự ai đã từng học trường các Ma soeur rồi thì không đồng ý đâu! Các soeur nghiêm lắm, sáng nào cũng đứng trước cõng, cầm cây thước, đón học sinh. Cây thước là để đo độ ngắn của váy. Váy quá ngắn là bị điệu lên văn phòng cảnh cáo! (Các soeurs cũng khôn lắm, đuổi cô học sinh theo mốt về, thì cô nàng có cớ cúp cua, cho nên thường chỉ bị kêu lên văn phòng nghe giảng morale thôi). Sau này thì các soeurs “ma-lanh” hơn, hình phạt cho cô nàng thích theo mốt, là phải bận chiếc váy dài, rộng thùng thình của soeur đi vòng vòng trong sân trường. Bận một lần là tởn tới già, váy rộng, dài, coi chướng vô cùng, còn gì là dân chơi nữa! Các soeurs mà thấy các anh léo hánh đứng trước cửa trường là các soeur đuổi thẳng tay à. Thế là có anh tự nhiên ngoan hẳn, dành chở cô em ruột chanh chua đi học, để có cớ đứng trước cõng trường con gái! Có những anh thì "mặc dày", soeur đuổi đàng này, một chóc lại thấy anh xuất hiện đàng khác rồi. Các soeur cũng không thích học sinh ăn quà và đi học hơi trễ một chút là biết tay với các soeurs ngay. Thế mà ông Nguyễn Tất Nhiên bảo các soeurs hiền!!!
Tuy các soeurs và bố mẹ canh kỹ vậy, nhưng tình yêu thắng thế tất cả. Bởi vì anh lẽo đẽo theo lâu quá mà. Cho nên mối tình kéo dài tới hai năm:
“Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao
Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau
Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao
Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau... “
Xa cách trong thời chiến hiển nhiên quá. Một kỳ thi không nắm vững là thấy Tương Lai hụt hẫn, không nằm trong tầm tay. Bốn năm đaị học coi như được thay bằng một bước vào đời xa lạ, khốc liệt.
"Người từ trăm năm về qua trường Luật
Người từ trăm năm về qua trường Luật
...Ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu,
Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc, đau lòng ta muốn khóc "

Sao lại là người từ trăm năm nhỉ? Có lẽ người thời nào cũng thế thôi, bước đầu đời hỏng làm ông Tú đời nay cũng đau như ông Tú trăm năm về trước!
Thế đó, sự kết hợp của Phạm Duy và Nguyễn Tất Nhiên được giới trẻ đón nhận một cách nồng nàn, hiển nhiên như đời sống, như thời cuộc! Không phải là một hiện tượng, mà là những lời thốt ra tự nhiên từ giới trẻ, sống trong một thời đại mà tương lai không do mình định đoạt, tương lai nằm ngoài tầm tay với. Với tiếng hát ngọt ngào, trẻ trung, có âm hưởng vui, Duy Quang thật thích hợp với những bài hát này. Không hẹn mà nên, người con đầu của Bố Già Phạm Duy đã diễn đạt được tư tưởng và dòng nhạc tình của ông, giọng nhạc tình dành riêng cho giới sinh viên, học sinh. Duy Quang hát rất thoải mái, ngọt ngào, không trau chuốt, tựa như tiếng hát của chàng học sinh trong sân trường, ấm, nồng, gần gủi, thân quen.
“Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió, hồn mình gần nhau chưa? "
Lời tình tự của đôi trẻ, tình yêu đầu đời không có đoạn kết, nhẹ nhàng, buồn mơ màng như khói sương, như làn mưa bay trong thành phố, như hạt bụi li ti lấm vào áo nàng, như chiếc xe cũ kỹ của chàng.
Thời đó, Phạm Duy không chỉ có những bản tình ca phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, ông còn có “Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời”, thơ Kim Tuấn, “Con Đường Tình Ta Đi " hay “Trả Lại Em Yêu” , để ghi dấu những mối tình học trò trên những con đường không tên, những ngày gặp trong quán nhỏ, uống nước chanh, nước dừa và môi em "ngọt".
“Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt"

Qua nghìn lời hát, tất nhiên Nhạc Sĩ Phạm Duy đã có những lời ca bóng bảy hơn nhiều để tả những mối tình của Thủ Đô chiều Thứ Bảy, sáng Chủ Nhật, phố xá tưng bừng, nhưng những những dòng thơ của anh thi sĩ trẻ Nguyễn Tất Nhiên, mới thực sự là tiếng nói của giới trẻ, là những dòng tâm tình thoảng một chút bất cần đời, hoang dại, bụi bặm, ngây thơ, không toan tính gì với tương lai.
Cám ơn “cái đầu trẻ” của Bố Già đã nhìn thấy những dòng nhạc nhảy múa trên những câu thơ của anh chàng học trò thi sĩ. Những bài hát này mãi mãi ghi dấu một quãng đời những tưởng khô khan, buồn nản, vì chiến tranh, bom đạn, nhưng sự thật đã là một thời của một giới trẻ lớn lên vẫn thấy đời thơ mộng, lãng mạn, đáng yêu. Trong cái lãng mạn ấy có một chút vị đắng, xót xa của bấp bênh, để đi đến một ý nghĩ: “Thà như giọt mưa bay lất phất trong thành phố, vỡ trên tượng đa, có còn hơn không ù .. . Mặc thời cuộc, người thanh niên vẫn đưa tay hái trái táo, nếm vị tình yêu. Tình yêu hiện diện trong bất cứ hoàn cảnh nào, có mãnh lực đặc biệt, làm mờ đi nỗi lo lắng, buồn khổ, thời sự chung quanh.
Ôi! những bài hát đã đóng góp cho nhạc Tình Việt Nam, thời Nhạc Vàng có một không hai trong lịch sử Âm nhạc Việt Nam, nhạc của thời lớn lên trong khói đạn nhưng vẫn đầy chất lãng mạn, thơ mộng qua muôn nghìn lời ca, điệu hát.
Minh Thanh

Thà Như Giọt Mưa - Elvis Phương



Ngồi bên hiên nhà

Thân Trọng Sơn

NGỒI  BÊN HIÊN NHÀ


1.  Đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ TCS năm nay lấy tên là NGỒI BÊN HIÊN NHÀ, tổ chức tại  Hội quán HỘI NGỘ, trong khuôn viên Khu Du Lịch Bình Quới, vào tối 2/4/2008. Không biết những năm trước sinh hoạt này tên gọi thế nào nhưng lần này mấy chữ đó trong câu đầu tiên của bài TỰ TÌNH KHÚC cũng đủ gợi trí tò mò của nhiều người.
 “ Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ xem thế kỷ tàn phai.”Nói là ngồi chờ mà không phải vậy vì “Đôi khi một người dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi.” 
 ( Việc lấy một câu, dăm ba chữ của TCS để đặt tên cho một công trình, một cơ sở nào đó – quán cà phê chẳng hạn – là khá phổ biến. Trên đường Lý Chính Thắng ( Saigon ) đi vào trong hẻm 21 có một quán cà phê nhỏ xinh treo bảng hiệu ĐÔI KHI. Hỏi chủ quán sao đặt cái tên bí hiểm vậy thì người hỏi lại vậy chứ anh có thích nhạc TCS không và chẳng giải thích gì thêm. Ghê thật ! Thì ra
            Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ
            Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em….
            Đôi khi thấy trong gió bay lời em nói
            Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi…
            Đôi khi nắng lên phố xưa làm tôi nhớ
            Đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ…
Và nhiều nhiều đôi khi nữa trong RỒI NHƯ ĐÁ NGÂY NGÔ.
Còn ra Huế, nếu đi từ phố về hướng Vĩ Dạ, qua khỏi Đập Đá rẽ phải đi vào sâu vài trăm mét nữa đến địa phận làng Vân Dương sẽ gặp một quán cà phê với khung cảnh khá trữ tình và một cái tên khá lạ lẫm :  ĐỜI NGHIÊNG. Lại một ông chủ quán tín đồ của TCS nữa rồi !
            Ngày thu đông phố xưa nằm bệnh
            Đàn chim non réo bên vườn hoang
            Người ra đi bến sông nằm lạnh   
            Này nhân gian có nghe đời nghiêng.
                         ( CÓ NGHE ĐỜI NGHIÊNG  )
2.  Đêm nhạc không bán vé, bằng nhiều nguồn khác nhau người xem nhận được giấy mời đưa đến tận tay hoặc chịu khó đến nhận tại Ban Tổ Chức từ hai ngày trước bằng cách xếp hàng chờ đợi hai ba giờ liền. Năm ngàn vé cho mười ngàn người, buổi chiều tối không mát dịu lắm và không phải là ngày nghỉ cuối tuần, họ là ai mà đông đến thế ? Có những cái đầu bạc, có những mái tóc muối tiêu, có những cặp vợ chồng trẻ ẵm theo em bé trên tay, có những gia đình bố mẹ con cái, có những đôi bạn tay trong tay tình tứ. Giấy mời ghi bảy giờ khai diễn – nhưng chắc chắn sẽ trễ hơn - vậy mà mới năm giờ chiều nhiều người đã đến để dành chỗ ngồi tốt, mang theo thức ăn nguội và nước uống. Họ lần lượt xếp hàng đôi, đi vào trật tự và tự kiếm lấy chỗ ngồi, kiên nhẫn chờ đợi đến hơn tám giờ. Và trong suốt buổi diễn, họ nghe và nhìn với tất cả cảm xúc. Có khi lặng lẽ nhưng không lạnh lùng hờ hững. Thường xuyên nồng nhiệt mà không cuồng nhiệt. Không dè sẻn tiếng vỗ tay mà cũng không la hét huýt sáo. Không nhảy xổ lên sân khấu tặng hoa , không gọi điện thoại í ới. Để đến khi tàn cuộc, không ít người tự động giúp thu xếp những hàng ghế ngồi, rồi ra về thong thả chờ cho đường thông thoáng hoặc nấn ná chụp vài tấm hình bên cạnh chân dung của người nhạc sĩ mà họ ngưỡng mộ. Họ là những khán giả lịch sự đi dự một sinh hoạt lịch sự. 
3.  Phải là những người giàu kinh nghiệm và nhiều thiện tâm mới chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo đến thế. Hàng chục nhân viên bảo vệ đón và hướng dẫn khách. Bãi đậu xe bố trí từ bên ngoài, cách địa điểm tổ chức vài trăm thước, rải rác dọc theo đường đi vào. Quầy phục vụ thức ăn nhanh và nước giải khát. Chỗ ngồi đủ cho mọi người, kể cả những người đến chậm nhất, ghế nhựa hay ghế mây. Hai sân khấu cách nhau hơn mười thước, có cầu nối ở giữa, ca sĩ xuất hiện ở bên này hát nửa bài thì di chuyển sang bên kia, như thế khán giả ngồi ở đâu cũng có thể nhìn rõ người hát, còn không thì xem qua màn hình cỡ lớn, có đến chục cái ở nhiều hướng, nhiều góc nhìn khác nhau. Khỏi phải nói nhiều về hệ thống ánh sáng và âm thanh, sẵn sàng cho một không gian lớn rộng đến thế với một lượng khán giả đông đúc đến thế, nhất là trong điều kiện ca sĩ không thể nào hát nhép như đêm nay. Tất cả thiết bị này được phát huy tác dụng ngay từ khúc dạo đầu khi chương trình mở màn với chủ đề chiến tranh. Trên màn hình là cảnh giặc giã, có máy bay thả bom, có làng mạc bị đốt cháy, cảnh dân chúng bồng bế dắt dìu nhau chạy loạn, cảnh máu đổ xương rơi, cảnh trực thăng quần thảo, cảnh binh sĩ nổ súng ….Tiếng bom tiếng đạn, tiếng khóc tiếng la. Cùng lúc đó đèn chiếu cường độ lớn tốc độ nhanh xẹt qua xẹt lại trên sân khấu, trên đầu khán giả, lẫn trong tiếng nổ và ánh sáng pháo hoa, rồi lửa, rồi khói. Khán giả bất ngờ, nín lặng, hồi hộp, thấp thỏm, và liền sau đó, tâm thế đã chuẩn bị, cảm xúc đang dâng tràn, họ được đưa ngay vào cõi thênh thang của MỘT NGÀY DÀI TRÊN QUÊ HƯƠNG, vào vùng sâu thẳm của XIN CHO TÔI.
4.  Khán giả đều là người yêu nhạc TCS. Và tất nhiên ca sĩ cũng thế. Mỗi người hát với cách cảm nhận  riêng của mình. Hà Anh Tuấn, trẻ trung và chững chạc. Hồng Hạnh, lịch lãm và điêu luyện. Phương Thanh, nồng nàn và lãng đãng. Mỹ Lệ, sôi nổi và mượt mà. Có cả Lan Ngọc, thủy chung và quý phái, hát lại DIỄM XƯAnhư đã từng hát 40 năm trước. Có cả Quang Dũng, giản dị và sang trọng, người vừa được giới thiệu là mới từ nước ngoài trở về, không có tên trong chương trình dự kiến, là đã nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt của người xem, trước khi nghe Anh cất tiếnggọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay.  Và có cả một số ca sĩ  mà nhiều khán giả chưa quen mặt quen tên : Trà Mi, Thảo Trang, Xuân Phú… Họ vẫn xuất hiện đầy tự tin và đã hát, thanh thản và  thanh thoát vô cùng, vì thực ra đây là những ca sĩ đã ít nhiều thành công từ các cuộc thi hát từ nhiều năm trước và đã từng biểu diễn trong các chương trình truyền hình như Quà Tặng Âm Nhạc. Chắc chắn họ sẽ đi xa trong sự nghiệp ca hát, nhất là Xuân Phú, chàng trai đến từ Thành Phố Hoa. Và còn có cả những ca sĩ “nghiệp dư” như Hoàng Hải, nghe đâu là một doanh nhân, hát cho cả ngàn người mà ung dung tự tại, mà thoải mái tự nhiên như đang hát cho nhóm nhỏ bạn bè, đem lại cho người nghe một sự bất ngờ thú vị.  Trong chương trình toàn là đơn ca này, không khí được làm nóng lên với sự xuất hiện của nhóm nhạc nữ Mặt Trời Mới. ( Các ca sĩ này mỗi người đều chơi được nhiều nhạc cụ, trước đây là nhóm Mặt Trời Đỏ, sau tách ra, lấy thêm thành viên mới và đổi tên). Lần này, các cô chơi kiểu hiện đại các nhạc cụ dân tộc với dàn trống. Tên bài hát được giới thiệu là Nhật Nguyệt. Vì tiếng đàn tiếng trống và tiếng hát đều lớn nên mọi người chỉ nghe rõ nhất là Nhật Nguyệt … Nhật Nguyệt … và í a… ối a.  Đây là bài CŨNG SẼ CHÌM TRÔI được viết với tiết tấu CHẬM, nhịp 6/8 :
            Nhật nguyệt ( í a ) trên cao ta ngồi ( ôi a ) dưới thấp
            một giòng ( í a ) trong veo  sao lòng ( ối a ) còn đục
            Bầy vạc ( í a ) bay qua kêu mòn ( í a ) tịch lặng
            Đường đời ( í a ) không xa sao chồn ( í a )  gối chân ).
            Nhật nguyệt   ( í a ) trên cao ta ngồi ( ôi a ) dưới thấp
            m ột đ ư ờng ( í a )  cong queo nắng vàng ( ối a ) đột ngột
            Từ độ ( í a ) chim thiêng hót lời ( ối a ) mệnh bạc
            Từng giọt ( í a ) vô biên tôi chìm ( í a ) tiếng tăm.
Dù đêm nay mặt trời đã nổ và mặt trăng đã chìm nhưng thôi xem như một cách tiếp cận nhạc TCS mới lạ.
Đêm nhạc kết thúc khi mọi người cùng cất tiếng NỐI VÒNG TAY LỚN. Khán giả được yêu cầu ném tung lên những chiếc tàu bay giấy ( mỗi người được phát một chiếc khi vào cổng ) với ý nghĩa được giải thích là cho ước mơ được bay lên cao. (?) Có ai trong số mười ngàn khán giả có ước mơ đơn giản này không : Cho tôi còn được nghe nhạc TCS, bây giờ và sau này, nơi đây và chỗ khác, mà không có trở ngại nào sau khi gia đình nhạc sĩ vừa lên tiếng đòi tiền bản quyền đối với người sử dụng . Lời phát biểu, dẫu hợp pháp lý và đúng đạo lý, được đưa ra không lâu trước đêm nhạc này tức là trước ngày giỗ của nhạc sĩ, xem ra không có nghĩa lý lắm.  
 5.  Trên đường về nhà, nghe loáng thoáng ai đó bình luận một câu ngắn gọn :  Đáng được gọi là “sự kiện âm nhạc của năm”. Một sinh hoạt  nghệ thuật được tổ chức với rất nhiều ưu điểm và quá ít hạt sạn thì nói như thế cũng không phải là quá lời. Đã là năm  thứ bảy từ khi TCS qua đời, người người vẫn tìm đến tưởng niệm Anh với tất cả lòng ngưỡng mộ đối với một tài năng âm nhạc, mà không mảy may bận tâm đến những thị phi về thái độ chính trị của Anh ở mỗi thời điểm lịch sử.
     THÂN TRỌNG SƠN
     Dalat  -    4  /  2008
TỰ TÌNH KHÚC
Tôi như trẻ nhỏ ngôi bên hiên nhà
chờ nghe thế kỷ tàn phai
Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa
mà sao vẫn cứ lạc loài.
Tôi như là người lạc trong đô thị
một hôm đi về biển khơi
Tôi như là người một hôm quay lại
vì nghe sa mạc nối dài
 
Đừng nghe tôi nói lời tăm tối
Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười
Đôi khi một người dường như chờ đợi
thật ra đang ngồi thảnh thơi
Tôi như là người ngồi trong đêm dài
nhìn tôi đang quá ngậm ngùi
Một hôm buồn ra ngắm dòng sông
Một hôm buồn lên núi nằm xuống
Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài
một hôm thấy được đời tôi
Tôi yêu mọi người cỏ cây muôn loài
làm sao yêu hết cuộc đời
Tôi như đường về mở ra đô thị
chờ chân thiên hạ về vui
Tôi như nụ cười nở trên môi người
phòng khi nhân loại biếng lười
Tìm tôi đi nhé đừng bối rối
Đừng mang gươm giáo vào với đời
Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn
lửa lên thắp một niềm riêng
Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền
chờ tôi rã cánh một lần
art2all.net


Tự tình khúc - Trịnh Công Sơn 


 


ALBUM Nhạc liên kết nhiều nhạc sĩ của Thân Trọng Sơn

ALBUM Nhạc liên kết nhiều nhạc sĩ của Thân Trọng Sơn

Kích vào Nhạc đây để xem list nhiều tác giả
Dư hương ( Nguyễn Tâm Hàn)
Yêu suốt một mùa đông ( Lê khắc Thanh Hoài)
Xin trọn đời còn yêu anh ( Lê Khắc Thanh Hoài)
Mắt là thuyền đưa ( Lê Khắc Thanh Hoài)
Tình trăng ơi ( Mộc Thiêng)
Bầy bươm bướm trắng  ;  Đường phượng bay  ( Lê khắc Thanh Túy)
Mưa Huế  ;  Huế thương  ( Lê khắc Thanh Túy)
Hòn vọng phu ( Phạm Ngọc Lân)
Dòng sông xưa ( Tôn Thất Minh)


Cảm nhận về Niệm khúc cuối – Ngô Thụy Miên

Cảm nhận về Niệm khúc cuối 

Ngô Thụy Miên

Một cuộc tình vừa qua, có thể để lại cho ta nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm. Ta có khi đau đớn, có khi buồn bã, có khi hờn giận, có khi đắng cay…
Buồn chứ, ta tìm đến buồn dường như chỉ để quên đi cuộc tình xót xa kia, như một bài hát đã nói: “Buồn ơi hãy đến với ta, để quên chuyện tình xót xa…”

Nhưng làm sao ta quên được? Làm sao quên được chuyện tình của ta, người tình của ta, dù rằng người ta yêu thương nhất lại là người xé nát tim ta? 
Sau khi đã trải qua tất cả những cung bậc kia, có khi ta ngồi ngẫm lại, và chợt nhận ra rằng tình yêu của ta vẫn còn đủ lớn để cầu chúc cho em những gì tốt đẹp nhất: rằng, dù sao đi nữa, “tôi vẫn yêu em”… 
“Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy,
Dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em”
Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Đoàn Phú Tứ mà tôi vẫn yêu thích:
“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”…


Hoài Thanh đã chú giải những từ ngữ trong 4 câu thơ ấy một cách tài tình, rằng: “Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. Tím “ngắt” – sẽ đau đớn quá”, “hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu đã qua lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.”
Âm điệu chầm chậm, buồn buồn cùng chất giọng trầm ấm đầy xúc cảm của Sỹ Phú cho ta cảm giác về một mối tình “thanh thanh” như vậy, khi đã qua rồi những đớn đau và chua xót. Ta sẽ không nói ra những lời cay đắng đâu, sẽ không để cho dĩ vãng tiếp tục làm em phải xót xa. Là những lời cuối dành cho người trong mộng của mình, ta muốn đó là những lời tốt đẹp nhất khi mà tình yêu của ta dành cho em vẫn còn nhiều, nhiều lắm… 
Những từ “dù sao”, “dù cho”, “dù sao đi nữa”, “xin cho tôi”… lặp lại rất nhiều lần trong ca khúc. Không những vậy, cấu trúc câu hát cũng lặp lại, câu sau gối lên câu trước (dù cho mưa – dù cho mây – dù có gió; tựa vai nhau – tìm môi nhau; cho nhau yên vui – cho nhau rã nát; ru em – ru em vào mộng; cho tôi xin – cho tôi ôm em; dù mai đây – dù cho em – dù có ước…) như tâm trạng chất chồng của ta vậy… em có biết ta nuối tiếc lắm thay, khi ta đã không còn là người sẽ đưa em đến cuối cuộc đời này? Ta vẫn tự hứa với mình sẽ đi cùng em đến cuối con đường dù cho có chuyện gì đi nữa, nhưng phải làm sao đây khi “yêu thương vợ chồng” đối với ta và em cũng chỉ là “gối mộng”, là “ước muốn tù đày” không thể nằm trong đôi tay ta?
Những ước muốn giờ đây cũng thật xa vời quá, phải không em? Nhưng em hãy cho ta nói ra hết trong những lời tình cuối dành cho em nhé. Vẫn biết rằng đã quá muộn màng, nhưng ta vẫn không thể kìm lòng mình được. Giá như ta được là cơn ngủ để thêm một lần vào cõi mộng cùng em, như vậy cũng đủ để ta mãn nguyện rồi.
“Tình ơi! Dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu em”, nếu như có ai đó thay ta đưa em đi tới cuối cuộc đời, ta vẫn cầu chúc cho em được hạnh phúc. Ta không trách em đâu, bởi vì, ta vẫn yêu em, yêu em cho dù tất cả đã trở thành“vết dấu tình sầu”

Theo BS Lê Trung Ngân

Khánh Ly - Niệm Khúc Cuối

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...