Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

NGHỆ SĨ GUITAR NGUYỄN THỊ KIM CHUNG

NGHỆ SĨ GUITAR NGUYỄN THỊ KIM CHUNG 

Chương trình thi Tốt Nghiệp Đại Học

Romance guitar - Guitarist Kim Chung

CANON in D - Pachelbel  

Nguyễn Thị Kim Chung độc tấu Guitar

Theo guitaristkimchung.vn › Audio

Nghệ sĩ Kim Chung và câu chuyện cuộc sống 
bên cây đàn Guitar
Ngón đàn điêu luyện của Kim Chung là kết tinh của tình yêu sâu sắc với guitar, đặc biệt là guitar cổ điển (classic guitar). Kim Chung không những được đánh giá là nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất về kỹ thuật tremolo (reo dây) mà tiếng đàn của cô gái bé nhỏ đến từ đất nước Việt Nam xa xôi còn thuyết phục được cả vị giáo sư, nghệ sĩ Jose Luis Rodrigo (Đại học hoàng gia Madrid, Tây Ban Nha – cái nôi của tây ban cầm), vốn từng là học trò giỏi nhất của đại danh cầm Andres Segovia.
Với Kim Chung, càng gắn bó với guitar, tình yêu của chị với tiếng tây ban cầm cổ điển càng nồng nàn hơn. Chung chơi guitar không phải bằng kỹ thuật nữa, mà bằng những xúc cảm gom góp từ cuộc sống và bằng linh hồn của những tác phẩm âm nhạc.
Niềm đam mê guitar cổ điển
Ngay từ khi còn rất nhỏ, được nghe các anh lớn trong gia đình chơi guitar mỗi dịp tụ họp, Kim Chung đã mê mẩn những ngón đàn và muốn được học. Đến năm lớp 3, Chung đã ngồi trên bục giảng và đàn hát “Cá sấu ghi-nê”. Những lúc đàn hát như thế, trong đầu cô gái bé nhỏ ấy vẫn luôn mơ ước một ngày được chơi classic như những nghệ sĩ chị vẫn được xem trên truyền hình. Để hiện thực hóa dần ước mơ cháy bỏng ấy, lên lớp 6, Chung chính thức vác đàn đi học. Thời đó, học bằng đàn dây sắt, cứ đứt lại nối, không quan tâm đến việc tay mình đã chịu đựng đau đớn như thế nào, với Chung, chỉ cần được chơi đàn là đủ vui, đủ thỏa mãn tất cả.
Tất cả đam mê, kiên nhẫn với guitar của Chung đã được đền đáp xứng đáng và thậm chí vượt qua cả ước mơ đơn giản là được chơi đàn. 15 tuổi, Chung đỗ vào khoa guitar của Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. 10 năm sau chị tốt nghiệp với thành tích xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên. Với những kết quả và thành tích đáng nể qua bao năm tháng gắn bó và khổ luyện với guitar, năm 2001, Kim Chung được Tổ chức AECI (Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha) trao học bổng toàn phần khóa đào tạo cao học chuyên ngành guitar của Nhạc viện Hoàng gia Madrid.
Không là thợ chơi đàn

Thời sinh viên và cả trước đó, Chung ôm đàn suốt ngày. Tiếng đàn điêu luyện, tinh tế nhưng chị vẫn cảm giác còn thiếu đủ thứ để bản nhạc trở nên có hồn thực sự. Khi sang đến Tây Ban Nha, được thọ giáo những nghệ sĩ bậc thầy về guitar, Kim Chung tự ý thức được rằng phải đọc nhiều, học nhiều hơn nữa, hiểu sâu hơn nữa các vấn đề về văn hóa cũng như các hoạt động của đời sống để tiếng đàn của mình không chỉ là những âm thanh được thực hiện bởi một người thợ chơi đàn, mà đó là tiếng đàn có một tầm cao mới: tiếng đàn bác học. Kim Chung cho rằng, chỉ có cách học hỏi không ngừng như thế mới có thể lấp đầy những cảm xúc trên từng ngón đàn. Và để “ngấm” một tác phẩm, nhiều khi chị mất đến cả một năm trời nghiền ngẫm. Đó cũng là chuyện không lạ.
Cô giáo có những ngón tay ngắn
Hiện giờ, Kim Chung là giảng viên Nhạc viện thành phố, không chạy “show” như thời sinh viên, không đi biểu diễn nhiều nhưng không vì thế mà cuộc sống của chị trở nên tẻ nhạt. Chung bảo: Không ngờ là làm giảng viên nhạc lại thú vị đến vậy! Thú vị hơn nhiều so với việc cứ hàng ngày đi biểu diễn bởi làm giảng viên, Chung được gặp nhiều đối tượng khác nhau, thông qua họ, chị học được nhiều thứ, hoàn thiện được bản thân nhiều hơn.
Vì làm giáo viên nên Chung thay đổi rất nhiều: trở nên hoạt bát hơn, cười nhiều và chia sẻ nhiều hơn. Chung thích thú với cuộc sống hiện tại, thích căn gác nhỏ của mình. Ở đó có những cây đàn đã gắn bó từ ngày đầu tập làm quen với tây ban cầm, ở đó có tiếng nói cười của những học trò mến mộ tài nghệ của cô giáo có những ngón tay ngắn “mà nhờ thế, cô giáo cứ được ăn kem mãi thôi!” và nhờ thế mà học trò của chị càng say học hơn. Bởi mỗi khi học trò đau tay than khó, than tay không đủ dài để giữ những dây đàn, chị lại bảo “so xem ngón tay ai dài hơn nhé, nếu ngón tay ai ngắn hơn thì người đó được ăn kem”. Vậy là khi nào cô giáo cũng thắng vì ngón tay cô lúc nào cũng ngắn hơn học trò. Học trò thấy ngón tay cô giáo ngắn vậy mà có ngón đàn tuyệt mỹ đến thế, nên lại gắng học hơn, còn cô giáo thì được ăn kem nhiều hơn!
Nhớ lại chuyện bàn tay ngón ngắn, chị kể: Khi xưa, đến lớp đóng tiền học đàn, thầy ngón tay mình ngắn quá, thầy can “học chơi thôi, chứ có theo chuyên nghiệp cũng chẳng tới đâu đâu!”. Vẫn biết khó, nhưng cuối cùng, niềm đam mê được chơi guitar cổ điển đã thắng. Những khó khăn khi đem so với niềm đam mê, luôn là một sự khập khiễng và chẳng đáng kể gì…
Sân chơi guitar tại gia

Trong căn nhà chung cư nhỏ xinh của nghệ sĩ Kim Chung, vào những ngày cuối tuần, học trò tới chật kin nhà, người đừng, người ngồi bệt xuống sàn. Đó không phải là lớp học, mà là sân chơi của những tâm hồn đồng điệu với âm nhạc. Chung cười thích thú, cô chia sẻ: cuối tuần có người thích café thì đi café, thích xem phim thì đến rạp, còn những người thích guitar thì đến nhà Chung, vừa là học tập, vừa trao đổi, vừa chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, không chỉ riêng guitar. Chính không khí thân tình, gần gũi và vui vẻ trong ngôi nhà guitar của nghệ sĩ Kim Chung mà có những người đã gắn bó với lớp cả gần chục năm nay, kể từ khi cô bắt đầu giảng dạy. Với chị, học guitar là phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê với tiềng đàn chứ không phải vì một một đích nào cả. Chỉ có như thế, Chung mới cảm thấy dễ chịu trọn vẹn với âm nhạc. Chỉ có thế, tiếng đàn mới có cơ hội bộc lộ hết những cảm xúc của người chơi, vì khi chơi đàn, người nghệ sĩ sẽ không vướng bận hay nghĩ suy về bất cứ một điều gì khác. Tất cả tập trung ở giai điệu, ở linh hồn của tác phẩm. Chung cho rằng, khi chơi guitar, người nghệ sĩ giống như đang thiền vậy, rất tĩnh tại và nhờ thế, tiếng đàn mới có được chiều sâu theo đúng nghĩa của nó.
Một mình vẫn rất “happy”
Bạn cũng đừng nghĩ rằng cuộc sống của Chung chỉ có đàn thôi. Chị cũng như mọi người, có một cuộc sống thoải mái và bình dị. Ngoài những lúc ôm đàn, Chung còn bạn bè, người thân, những thói quen và sở thích: đọc truyện, café, phim gì ngoài rạp chiếu cũng đi coi, kịch diễn ở rạp cũng đi xem hết. Chung cười nhiều và hay nói: Chị thấy rất dễ chịu với cuộc sống hiện tại, rất happy (hạnh phúc, vui vẻ). Dễ chịu ngay cả khi vẫn một mình đi về với căn phòng nhỏ. Chị hay cười và dễ gần hơn nhiều so với cái vẻ lạnh lùng mà bạn chỉ thấy trong những tấm hình rải rác khắp các mặt báo hay cái vẻ điềm tĩnh (nhưng tinh tế) qua cách chơi đàn như đang làm ảo thuật với các ngón tay trên truyền hình. Thế nên ai đã tiếp xúc với cô gái chơi Tây ban cầm này cũng đều có một ấn tượng: ít thì đủ để có thiện cảm, nhiều thì đủ để đến mức say mê! Người hâm mộ Chung nhiều, người mến mộ rồi nảy sinh tình cảm cũng không ít. Chị tếu: “tại lắm mối nên tối nằm không” đấy. Chung không kén, chỉ là chưa đến duyên thôi. “Chuyện gia đình không nói trước được, với Chung, cứ để mọi chuyện diễn ra theo tự nhiên, tới lúc nào mình đón nhận lúc đó…”, Chung nghĩ thế.
Nếu không chơi đàn

Ngẫm nghĩ lại, Kim Chung cho rằng, nếu không chơi đàn và không làm giảng viên dạy guitar, chắc hẳn Chung sẽ là một người rất ít nói, ù lì, khó chịu, khó ưa lắm. Nhờ có chơiđàn, tiếp xúc với nhiều người, được học hỏi nhiều, Chung đã thay đổi đến 180.
Bây giờ, ngoài thời gian giảng dạy, chị còn tranh thủ chuyển soạn cho guitar. Có những đêm đang nằm vẩn vơ, chợt nghĩ ra được một ý nào đó “hay hay”, chị lại bật ngay dậy, ôm lấy đàn, “chỉ sợ đi ngủ rồi thì mai dậy lại quên mất…”.
“Có khi buồn, bực bội hay tức giận, chị cũng chơi đàn. Nhưng đàn “hay” lắm, giống như thuốc chữa bệnh vậy đó. Nó làm nỗi buồn tan đi, làm bực bội biến mất, tức giận được kiềm lại và thu nhỏ dần. Chơi đàn làm cho mình cảm thấy tĩnh hơn, cuộc sống dễ dàng hơn, rất kỳ diệu”, chị chia sẻ.
Hãy chơi không toan tính
Đó là lời khuyên của Kim Chung – nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất Việt Nam về kỹ thuật reo dây của guitar cổ điển. Để có được những ngón đàn đạt đến trình độA tuyệt phẩm như hiện nay, ngoài sự khổ luyện công phu, đó còn là kết quả của niềm đam mê đến tận cùng của chị dành cho guitar. Chị cho rằng, các bạn trẻ hay bất kỳ ai muốn chơi guitar tốt, hãy theo học với niềm yêu thích, vì muốn làm giàu thêm thế giới tâm hồn. Hãy học guitar đừng vì một toan tính nào cả. Chị cũng mong muốn rằng, với tâm huyết và lòng đam mê của chính mình, chị sẽ truyền được tình yêu tây ban cầm cùng linh hồn guitar cho những thế hệ học trò của mình để họ không chỉ chơi đàn như những người thợ, mà còn là những nghệ sĩ biết cảm nhận và thưởng thức sự tinh túy của giai điệu thông qua tiếng đàn.
Kim Chung được xem là guitarist đầu tiên ở Việt Nam “dám” thực hiện và tung ra thị trường một CD album độc tấu của mình với tên gọi “Recuerdos de tremolo” (Hoài niệm về tremolo). CD đã được đón nhận nồng nhiệt từ người yêu nhạc.
- Năm 1997, tại Concours Guitar (Tài năng trẻ guitar toàn quốc năm 1997), Kim Chung đoạt một lúc ba giải: giải nhì, giải biểu diễn bài VN xuất sắc nhất, giải nữ nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất.
- Năm 1999, tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học chính quy Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.
- Năm 2001, nhận học bổng du học Tây Ban Nha (AECI).
- Năm 2003, nhận bằng tốt nghiệp khóa cao học chuyên ngành guitar do Nhạc viện Hoàng gia Madrid - Tây Ban Nha trao.Kim Chung
- Hiện là giảng viên khoa guitar Nhạc viện TPHCM.
Hải Lưu ANVN12 

Guitarist Kim Chung: 

“Nữ đệ nhất reo dây” ra album 

(TT&VH) - Trong hàng loạt những album nhạc phát hành trong những ngày cuối năm, bên cạnh số lượng “khổng lồ” album nhạc nhẹ vẫn có một album nhạc cổ điển dành cho những người yêu guitar: Tiếng chuông bình minh của nghệ sĩ Kim Chung vừa phát hành hôm qua 23/12. Kim Chung là giảng viên Nhạc viện TP.HCM, người từng tu nghiệp guitar tại Tây Ban Nha và là một trong số ít nữ guitarist hiện nay ở Việt Nam.
Kim Chung chia sẻ:
- Từ khi phát hành album đầu tiên, Kim Chung đã “quy hoạch” những album số lẻ (1, 3, 5...) là những album tạm gọi là dành cho giới chuyên nghiệp, album gồm những tác phẩm trong quá trình học tập tại Nhạc viện TP.HCM và Tây Ban Nha. Nó như một cuốn nhật ký bằng âm thanh ghi lại hành trình nghệ thuật của Kim Chung. Những album số chẵn là dành cho rộng rãi công chúng, nó sẽ gồm những bản nhạc Việt Nam phối cho guitar (cổ điển) và dàn nhạc. Tiếng chuông bình minh là album thứ ba của Kim Chung. 
* Như vậy album vol.3 này Chung đã dành những gì cho giới chuyên nghiệp?
- Album này gồm 3 tác phẩm thuộc thời kỳ baroque và 5 tác phẩm thuộc thế kỷ 20. Được xem là những tác phẩm hiện đại, nhưng hòa âm và giai điệu không quá trúc trắc và khó nghe, mà có thể nói giai điệu khá “đẹp”. Vì vậy nó hài hòa trong tổng thể với các bài nhạc của thời kỳ baroque. 
* Những sắc màu guitar của album này là gì?
- Đó là 5 bản valse trong số những tác phẩm đặc trưng với thể loại valse của đất nước Venezuela - đầy chất trữ tình ngọt ngào và nồng nhiệt, giai điệu đẹp và sáng ngời. Là âm hưởng của điệu nhảy sarabande (Tây Ban Nha), điệu allemande (Đức) trích từ tác phẩm Baroque Suite của Domenico Zipoli và đặc biệt mở đầu album này là bản Campanas Del Alba (tạm dịch là Tiếng chuông bình minh). Tác phẩm này mang tính chất sống động, trữ tình diễn tả phong cảnh đồng nội của đất nước Tây Ban Nha. Một sớm tinh mơ khi bình minh ló rạng và mọi người bắt đầu một ngày mới, tiếng chuông ngân vang khắp cánh đồng. Âm hưởng của bản nhạc này cũng khá phù hợp với không khí Giáng sinh đang tràn ngập phố phường. 
* Kim Chung được xem là “nữ đệ nhất reo dây” trong làng guitar cổ điển TP.HCM, hẳn album này sẽ không thiếu ngón sở trường của mình? 
- Lúc đi học ở Nhạc viện cũng bình thường thôi, nhưng không ngờ nhiều người đã khen ngón reo dây (tremolo) của Kim Chung như thế, Chung đã thật may mắn sở hữu một ngón đàn bẩm sinh được nhiều người ngưỡng mộ. Trong album này, bài có kỹ thuật reo dây chính là bàiTiếng chuông bình minh như đã nói ở trên. Chắc là cũng rất thú vị, mời mọi người đón nghe.
* Là người giảng dạy và biểu diễn guitar, Kim Chung có nhận xét gì về phong trào guitar tại TP.HCM hiện nay? 
- Gần đây, những buổi biểu diễn guitar cổ điển ở TP.HCM tuy còn ít ỏi nhưng cháy vé. Những lớp học guitar của Kim Chung ở nhà rất đông học sinh, các lớp ngoài giờ ở Nhạc viện TP.HCM cũng thế, đó là một tín hiệu đáng mừng. Có thể nói người học guitar hiện nay so với 1, 2 năm về trước là gấp 2, gấp 3 lần. Tuy nhiên việc học guitar chỉ được ở diện rộng của phong trào (hoặc ở Nhạc viện là trung cấp) thì nhiều, nhưng chuyên sâu học lên đại học thì số lượng cũng còn khiêm tốn.
* Cám ơn Kim Chung về cuộc trò chuyện này.
Hữu Trịnh (thực hiện)

Đắm say cùng 
Kim Chung
Ảnh: Trọng Đức Cùng với việc giới thiệu album vol.4 Mắt biếc, nghệ sĩ guitar cổ điển Kim Chung (ảnh) sẽ có cuộc so đàn với nghệ sĩ Tuấn Khanh (Hà Nội) trong chương trình giao lưu guitar Bắc - Nam số 10 với tên gọi Trở lại,diễn ra lúc 20g ngày 19-6 tại L’Espace, Hà Nội.
Dù đã không ít lần biểu diễn nhưng Kim Chung cho biết chị rất hồi hộp khi lần đầu trình diễn trước khán giả thủ đô cũng như lần đầu góp mặt trong chương trình guitar Bắc - Nam. Chị đã cùng với Tuấn Khanh chuẩn bị một số tác phẩm của các nhạc sĩ lừng danh như F. Tarega, Tedesco, Jose Luis Merlin, J.Vinas, Cardoso, C.Scheidler để giới thiệu với khán giả.
Trong chương trình, Kim Chung và Tuấn Khanh còn có phần giao lưu cùng ban nhạc Malaguena với phong cách trình diễn ngẫu hứng của âm nhạc flamenco. Tất nhiên, sẽ không thể thiếu vài nhạc phẩm Việt Nam bất hủ trong Mắt biếc - album toàn những nhạc phẩm Việt Nam - vừa phát hành, khác hẳn ba album trước của Kim Chung đều gồm các tác phẩm kinh điển nước ngoài. Kim Chung thổ lộ: "Chung đã ấp ủ thực hiện một album nhạc Việt Nam từ rất lâu nhưng cứ chần chừ mãi...".
Hỏi mãi vì sao đến vol.4 mới trình diễn nhạc Việt Nam, và vì sao nhan đề lại là Mắt biếc chứ không phải bài nào khác trong album, Kim Chung mới lấp lửng về một cuộc tình đẹp đã qua. Chị chia sẻ: "Mắt biếc là nhạc phẩm mà người yêu của Chung rất thích. Tụi mình thường đàn hát với nhau bài Mắt biếc và anh ấy thường hay nhắc đi nhắc lại lời đề nghị mình thực hiện một CD hay DVD có bài này".
Làm rối bời những trái tim từng rung động vì yêu, Mắt biếc không chỉ gồm những nhạc phẩm đã quá đỗi thân thương: Niệm khúc cuối, Cây đàn bỏ quên, Như cánh vạc bay, Thuyền viễn xứ, Hạ trắng, Mắt biếc, Hương xưa, Ðưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa hoàng thị mà còn đầy ắp cảm xúc. Những cảm xúc chắc chắn không chỉ dành cho riêng một người mà còn dành cho "người tình trăm năm" của Kim Chung là cây đàn guitar, cho những người bạn, người hâm mộ và cho cả thiên thần nhỏ của Kim Chung.
Tiếng đàn của một nghệ sĩ Việt Nam, qua các nhạc phẩm bất hủ của những nhạc sĩ tài hoa Việt Nam, đã chạm vào cảm xúc người nghe hơn bao giờ hết qua phần chuyển soạn của chính Kim Chung và hai "cao thủ" Võ Tá Hân và Phùng Tuấn Vũ. Tiếng đàn không chỉ tỏa sáng ở những bản độc tấu với kỹ thuật reo dây điêu luyện mà còn ở trong những bản hòa tấu giản dị mà tinh tế cùng piano mộc, piano điện, sáo trúc, violin, trống... Tiếng đàn mượt, êm nhưng không giấu nổi nội tâm đầy "bão tố", đúng như dáng vẻ bề ngoài mong manh mà vẫn thật cá tính của Kim Chung. "Tiếng đàn ấy" hứa sau chương trình tại Hà Nội sẽ lên kế hoạch thực hiện một vài buổi trình diễn, giao lưu với bạn yêu guitar cổ điển tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác nữa.
Quỳnh Nguyên
Guitarist Kim Chung: Một mình không… lẻ bóng 
PN - 20g ngày 10/12/2011 tới, tại Nhạc viện TP.HCM, nữ nghệ sĩ guitar Kim Chung sẽ có chương trình biểu diễn mang tên Kim Chung guitar recital nhằm chào mừng 55 năm ngày thành lập Nhạc viện TP.
Chương trình gồm hai phần. Ở phần một, sau khi biểu diễn tác phẩm Concerto in D major của Vivaldi cùng dàn nhạc giao hưởng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Vương Thạch, guitarist Kim Chung sẽ độc tấu sáu bản nhạc Việt do chính chị và Phùng Tuấn Vũ, Võ Tá Hân chuyển soạn sang guitar, gồm Niệm khúc cuối, Mắt biếc (Ngô Thụy Miên), Cây đàn bỏ quên, Thuyền viễn xứ (Phạm Duy), Như cánh  vạc bay (Trịnh Công Sơn), Tôi đưa em sang sông (Y Vũ - Nhật Ngân). Trong phần hai, chị sẽ biểu diễn bốn tác phẩm cổ điển của các tác giả A. Barrios, M.Ponce, I.Albeniz, F.Schubert và khép lại chương trình bằng hai chương trong tác phẩm Fantasia para un gentihombre của J.Rodrigo với sự trở lại của Trần Vương Thạch và dàn nhạc giao hưởng.
Kim Chung sinh ra trong một gia đình có “máu” văn nghệ, hầu hết anh chị em trong nhà đều biết chơi một nhạc cụ, lúc rảnh rỗi thường ngồi đàn hát với nhau. Vì thế, khi mới sáu, bảy tuổi, Kim Chung đã chơi được mandoline và 11 tuổi một mình vác guitar sang nhà ông nhạc sĩ hàng xóm Lê Vinh Phúc xin thọ giáo. Tưởng chỉ học cho vui nhưng sau một thời gian nhập môn và bị quyến rũ bởi tiếng đàn, Kim Chung quyết tâm thi vào Nhạc viện. Nhưng ông thầy luyện thi - nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ, khi thấy hai bàn tay của cô học trò nhỏ, đã thất vọng: “ngón thế này sao đánh bài khó, sao theo nghề nổi”. Thế nhưng, thầy cho bài nào trò đàn được bài đó; thầy sợ khó kêu đánh chậm, trò đánh nhanh. Ông thầy bực mình bật dụng cụ đếm nhịp tốc độ nhanh nữa, trò cũng làm được. Vậy là ông thầy nổi tiếng kén học trò “dốc túi” truyền nghề. Được học với những người thầy giỏi như Phùng Tuấn Vũ, Huỳnh Hữu Đoan, Bùi Thế Dũng… năm 1997, khi còn là sinh viên, Kim Chung đã đoạt một lúc ba giải trong cuộc thi Tài năng trẻ guitar toàn quốc (giải nhì toàn cuộc thi, giải biểu diễn bài VN xuất sắc, giải nữ guitarist xuất sắc).
Tưởng vậy là có dấu hiệu nghề đã chọn người, nhưng xót lòng khi thấy con gái tập luyện vất vả, ba mẹ Kim Chung đã khuyên cô bỏ đàn, đi học một nghề nào khác, hoặc ở nhà cùng với các anh chị quản lý xưởng sản xuất bàn bi da vốn đang ăn nên làm ra của gia đình. Chính Kim Chung cũng xem phương án này như một “cửa thoát hiểm” để nếu một mai bị nghề quay lưng thì có con đường sống. Chỉ đến khi bất ngờ được trường giữ lại làm giảng viên, Kim Chung hiểu, định mệnh của mình chính là đây.
“Định mệnh” đó không phải tự nhiên mà có, mà là hệ quả của một niềm đam mê được nuôi dưỡng bởi một nội lực mạnh mẽ. Chỉ có Kim Chung mới thấu hiểu được nỗi đau “thể xác”, khi bàn tay ngón ngắn phải “bình đẳng” trước yêu cầu về độ khó của các tác phẩm. Lúc nhỏ, thấy thích là học, không biết đàn nào vất vả hơn, nhưng khi vào đại học, gặp nhiều bài khó, chị mới thấm hết nỗi khổ. Cho đến giờ, sau hơn 20 năm cầm đàn chuyên nghiệp, sự bất lợi vì “ngón ngắn” vẫn chưa thôi làm khổ chị. 
Khi nhận học bổng toàn phần chương trình cao học chuyên ngành guitar tại Nhạc viện Hoàng gia Tây Ban Nha (TBN) tại Madrid, Kim Chung đã tận dụng tối đa thời gian nơi xứ người để trang bị cho mình nhiều kiến thức khác bên cạnh môn học chính là guitar. Sau hai năm (2001-2003), chị đã  đem về theo mình ngoài văn bằng cao học, còn có Master class guitar classic của Đức, bằng văn hóa TBN, bằng ngôn ngữ TBN, bằng biểu diễn Flamenco… Chị học tất cả chỉ với mục đích duy nhất là giúp mình nắm vững và nâng cao đến mức có thể về chuyên môn, bởi “đã đi là đi cho tới cùng”.
Đến nay, trong cả nước, có lẽ Kim Chung là một trong số hiếm các nữ nghệ sĩ biểu diễn guitar cổ điển đạt đẳng cấp cao còn miệt mài với nghề. Chị cũng là guitarist duy nhất đã phát hành đến ba album cá nhân (Hoài niệm về tremolo - 2006, Giấc mộng vườn hoa - 2008, Tiếng chuông bình minh - 2010) và cả ba CD đều bán khá chạy. Nhận xét về cô học trò cũ, giảng viên Bùi Thế Dũng nói: “Kim Chung là một trong những nghệ sĩ guitar nổi trội bởi tiếng đàn đằm thắm, từ nhỏ đã có kỹ thuật reo dây đều và tươi khó ai bì kịp”.
Trước đây, nghĩ mình cũng có “máu” kinh doanh của gia đình nên Kim Chung từng thử mở xưởng làm nến, tuy công việc khá suôn sẻ, đem lại lợi nhuận nhiều nhưng sau một thời gian, Kim Chung nghiệm ra rằng, dù kinh doanh “hốt bạc triệu” còn  guitar chỉ “lượm bạc cắc” nhưng “bạc cắc” đó vẫn là sự lựa chọn cuối cùng của chị.
Chị cho biết, muốn làm kinh doanh tốt cũng phải dồn nhiều sức lực vào, chẳng còn mấy thời gian cho âm nhạc và chị không muốn đánh đổi. Được ngồi với cây đàn, những cơn đau đầu, những cú thắt bao tử của chị như biến mất. Với chị, kinh doanh chỉ có tiền, còn chơi đàn có tất cả. Đó là một cuộc sống thanh thản, nhàn nhã về vật chất và giàu có về tinh thần.
Sự “giàu có” lớn nhất của Kim Chung hiện nay là học trò. Học trò của chị gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, từ những học sinh, sinh viên đang được đào tạo chính quy ở nhạc viện cho đến những người học tài tử; từ các em bé cấp I, II cho đến những kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, … Phần lớn họ học chỉ vì yêu thích và chính họ đã đốt thêm trong chị ngọn lửa đam mê. Với tính cách quyết đoán mạnh mẽ, chị luôn biết làm chủ trong mọi tình huống, không khó khăn nào mà chị không tìm cách giải quyết đến cùng. Chọn cuộc sống đơn thân, chị thấy mình hạnh phúc; với cây guitar, chị như có tất cả. Kim Chung guitar recital diễn ra vào tối 10/12 này là liveshow thứ ba của chị sau hai lần: năm 2003 tại Nhà hát TP và năm 2006 tại NVH Phú Nhuận. Ở chương trình lần này, chị tin sẽ làm thỏa mãn được “fan” hâm mộ, nhất là với những ai từng “mê” tài nghệ reo dây (tremolo) độc đáo của nghệ sĩ Kim Chung.
Cát Vũ













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...