Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Người viết tình ca với màu xanh hy vọng

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Người viết tình ca với màu xanh hy vọng

Với giai điệu nồng nàn cùng nét buồn đằm thắm nhưng không ủy mị, nhạc Ngô Thụy Miên cuốn người nghe vào vẻ đẹp đài các, kiêu sa mà cũng rất thanh thoát.
Một đời chỉ viết tình ca
Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948 tại Hải Phòng, trong một gia đình có 7 người con mà ông là người con thứ hai. Cha của ông, trước là chủ nhà sách Thanh Bình ở Hải Phòng, sau vào Sài Gòn vẫn tiếp tục đứng ra trông coi tiệm sách cùng tên trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Ngô Thụy Miên lớn lên trong sự gần gũi với sách vở, thơ văn. Do đó tâm hồn lãng mạn của ông sớm có cơ hội phát triển.
Ông bắt đầu học nhạc dưới sự chỉ dẫn của nhạc sĩ Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt. Thập niên 60, song song với việc theo bậc trung học ở trường Nguyễn Trãi và Đại học Khoa học, ông học trường Quốc Gia Âm Nhạc, tốt nghiệp về violin và phương pháp sáng tác. Ông tập tễnh sáng tác từ năm 1963. Hai năm sau đó, nhạc phẩm đầu tay của ông là Chiều nay không có em ra đời. Ca khúc này cho đến nay vẫn được ông yêu thích nhất vì đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình sáng tác của ông, cũng như ghi lại một quãng đời thơ mộng, một cuộc tình nhẹ nhàng với hình ảnh đường phố, quán nước đầy ắp kỷ niệm của Sài Gòn.
Đến năm 67, tên tuổi Ngô Thụy Miên trở nên nổi bật trong địa hạt tình ca với Mùa thu này cho em (sau đổi là Mùa thu cho em). Tiếp đó là Gọi nắng (tức Giọt nắng hồng), Dấu vết tình yêu (Dấu tình sầu), Cho những mùa thu (Thu trong mắt em), Tình khúc tháng 6, Mùa thu về trong mắt em (Mắt thu), Ngày mai em đi,… Năm 1969, ông cho xuất bản tập nhạc đầu tay Tình Khúc Đông Quân, tập hợp những ca khúc đã viết từ năm 1965. Đông Quân chính là bút hiệu đầu tiên của Ngô Thụy Miên. Tuyển tập này gồm 11 bài tình ca đã trở nên quen thuộc với thính giả thời bấy giờ và một ca khúc mới của ông là Một lần là mãi mãi.

Những tình khúc bất hủ của Ngô Thụy Miên  
Bất cứ sáng tác nào của Ngô Thụy Miên sau đó cũng đều được đón nhận nồng nhiệt – nhất là những ca khúc phổ từ thơ Nguyên Sa. Sau 1975, Ngô Thụy Miên sang Mỹ định cư và vẫn đều đặn sáng tác tình ca, bởi ông quan niệm âm nhạc của ông là tiếng nói tâm tình của ông, ông viết để sẻ chia những cảm xúc thật của mình. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chân tình bày tỏ: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Vì thế, những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó, o ép của việc dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ khác. Sáng tác của Ngô Thụy Miên, vì thế cũng không nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” như một Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền, Phương Dung, một Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh, một Tâm Anh viết cho Phương Hồng Quế,… nó cứ tự nhiên như nhiên chảy như tiếng lòng của người viết. Ca sĩ nào hát thành công các ca khúc của ông, âu cũng là bắt được cái tiếng lòng ấy!
Trong suốt cuộc đời mình, Ngô Thụy Miên chỉ viết tình khúc mà không mảy may động chạm gì đến những vấn đề chính trị, xã hội. Ông cho rằng “tôi viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác”. Tới thời điểm hiện tại, tổng cộng, Ngô Thụy Miên có khoảng 70 bản tình ca. Càng về sau tình yêu trong tình khúc của ông càng đẹp và càng buồn – những nỗi buồn tưởng như không thể nào khỏa lấp được nhưng thấp thoáng đâu đó, vẫn thấy màu xanh của hy vọng chứ không ảo nảo, rã rời như những bản tình ca của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Mối lương duyên với nhà thơ Nguyên Sa
Nhắc đến Ngô Thụy Miên không thể không nhắc đến Nguyên Sa và mối lương duyên kỳ lạ đã gắn kết thơ và nhạc của họ. Chính Ngô Thụy Miên từng không ngớt lời bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhà thơ Nguyên Sa: “Chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn dòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình”.
Có thể nói, sự gặp gỡ giữa nhạc Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa là một cái duyên lớn cho âm nhạc. Trước khi Ngô Thụy Miên phổ nhạc thơ Nguyên Sa thì Nguyên Sa đã là một cái tên lớn trong nền văn học Miền Nam Việt Nam. Giới học sinh sinh viên thời ấy không ai không thuộc làu trên môi một đôi câu của thi sĩ trẻ, người đã mang từ Paris, hè phố Saint Michel với sông Seine, tháp Effel, những mùa đông mù sương, những tuyết trắng và những cặp tình nhân về cho thi ca Sài Gòn thêm đài các. Nguyên Sa cũng chính là người mang Áo lụa Hà Đông, nắng Sài Gòn và đâu đó những bóng Kiều, nàng thơ Hà Nội vào thơ rất nhẹ nhàng, gần gũi mà không gượng ép.
Người đẹp trong bài thơ Áo lụa Hà Đông là Lý Lệ Hằng, hoa hậu Bắc Kỳ năm 1930. Cô xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh nên cô lên Hà Nội kiếm sống, làm nghề hát “cô đầu” tại các quán rượu. Sau này, Lý Lệ Hằng trở thành người yêu của Bảo Đại. Hơn 20 năm sau, giữa Sài Gòn hoa lệ, Nguyên Sa vẫn không quên được “màu áo lụa” ngày ấy nên đã viết nên vần thơ lung linh, chảy dài trong nỗi nhớ những tháng ngày xưa cũ. Năm 1969, khi nghe chuyện về nàng, Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài thơ này.
Nhạc phẩm Áo lụa Hà Đông có thể chưa là nhạc phẩm hay nhất của Ngô Thụy Miên cũng như bài thơ Áo lụa Hà Đông chưa hẳn là bài thơ Nguyên Sa tâm đắc nhất nhưng sự kết hợp của hai tâm hồn đồng điệu trong Áo lụa Hà Đông thì ai cũng cảm nhận được. Nguyên Sa đã giúp nhạc Ngô Thụy Miên thăng hoa và ngược lại Ngô Thụy Miên đã đem những tiếng thơ ấy bay cao và làm thổn thức muôn triệu tâm hồn.
Nếu để ý một chút sẽ thấy hình ảnh em ngoan, lá hoa buồn vương, ngõ vắng đường mịt mù, áo mỏng chiều sương… trong thơ Nguyên Sa luôn phảng phất đâu đó trong suốt các tình khúc Ngô Thụy Miên, tạo nên nét thơ mộng và dịu dàng riêng cho những tình khúc của ông. Nét đài các và hoài cổ đặc trưng, nét miên man rủ buồn trong nhạc cảm của những tình khúc Ngô Thụy Miên. Những dịu dàng ấy cũng chính là cảm hứng cho Ngô Thụy Miên phổ nhạc một bài thơ khác của Nguyên Sa: Paris có gì lạ không em, Tuổi 13.
Một điều ít người biết là dù số tác phẩm Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa cộng tác chung khá nhiều nhưng hai ông chỉ gặp nhau đúng hai lần. Khi hay tin nhà thơ Nguyên Sa mất, Ngô Thụy Miên đã viết những dòng khắc cốt ghi tâm gửi tới người tri kỷ của mình: “Cái thời tuổi trẻ mộng mơ, yêu đương nồng nàn ngày nào đã thực sự không còn nữa. Không còn nữa những lụa là mưa nắng Sài Gòn, không còn nữa Paris và những người tình dòng sông Seine với những vòng tay ôm, môi hôn vội vã. Người đạo diễn đã bỏ cuộc chơi, bọn tài tử chúng tôi ở lại còn gì để bàn chuyện thu phong, còn gì để làm dáng với đời”.
Ngô Thụy Miên đã sống, đã yêu và đã viết tình khúc như thế, chân thành như kể những câu chuyện tình mình với một kẻ tri âm. Kẻ tri âm ấy là âm nhạc, nhưng thật may, âm nhạc là kẻ rộng lòng, nên chúng ta biết có một Ngô Thụy Miên và hơn 70 tình khúc Ngô Thụy Miên vẫn đang thổn thức cùng năm tháng.
Những tình khúc ngọt ngào như: Mùa thu cho em, Áo lụa Hà Đông, Dấu tình sầu, Mắt lệ cho người, Riêng một góc trời,… của Ngô Thụy Miên đã trở thành những bản tình ca nằm lòng của biết bao tình nhân.
http://thntsaigon.forumsreality.com/

NGÔ THỤY MIÊN - NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA

Quế Phượng
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ hai trong một gia đình có bảy người con. Ông lớn lên với sách vở, thơ văn, vì gia đình có mở một nhà sách tên Thanh Bình ngay thành phố Cảng, và sau này mở trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) Sài Gòn, trước trường tiểu học Pháp Aurore.

Sau khi gia đình vào Sài Gòn, Ngô Thụy Miên theo học và tốt nghiệp về hai bộ môn vĩ cầm và nhạc pháp do các nhạc sĩ Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc vào năm 1965, tuy nhiên ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1963.
Tình khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sáng tác là bài “Chiều nay không có em” (1965), được giới SVHS thời đó hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa “Tình Khúc Đông Quân” in ronéo phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi tên Ngô Thụy Miên như bây giờ.

Trong tuyển tập “Tình Khúc Đông Quân”, Ngô Thụy Miên đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu, là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bài tình ca gồm : Giáng ngọc, Mùa thu này cho em (sau đổi Mùa thu cho em), Gọi nắng (tức Giọt nắng hồng), Dấu vết tình yêu (là Dấu tình sầu), Cho những mùa thu (là Thu trong mắt em), Tình khúc tháng 6, Nhạt Tình (là Dấu vết tình yêu), Mây hồng (là Tuổi mây hồng), Gọi tên em, Ái xuân, Mùa thu về trong mắt em (là Mắt thu) và Ngày mai em đi. Ca khúc mới nhất của Ngô Thụy Miên có tên “Một lần là mãi mãi”.
Sau những sáng tác từ năm 1963, các nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên đến với công chúng vào năm 1965, sau đó ông có những nhạc phẩm phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, qua các bài Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi 13…
Còn trong thời gian theo học đại học, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhiều lần trình diễn và phổ biến những sáng tác của ông tại các hội quán văn nghệ, các trung tâm văn hóa và giảng đường đại học. Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện cuốn băng nhạc đầu tay “Tình Ca Ngô Thụy Miên” gồm 17 tình khúc được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972.
Tháng 10/78, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai, và ra mắt một sáng tác viết từ năm 1975, là bài “Em còn nhớ mùa xuân” gởi tặng riêng người yêu là Đoàn Thanh Vân, là con gái của nam tài tử Đoàn Châu Mậu (trong một gia đình gồm những người hoạt động về điện ảnh và âm nhạc như Đoàn Châu Mậu bố của Đoàn Châu Nhi, Đoàn Châu Bào, Đoàn Thanh Sâm, Đoàn Thanh Tuyền một thời cùng với nhạc sĩ Đức Huy. Có sự kết hợp thành cặp song ca Đức Huy – Đoàn Thanh Tuyền nổi tiếng trong những sinh hoạt nhạc trẻ vào đầu thập niên 70).
Tình yêu giữa Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh Vân bắt đầu khi cả hai gặp gỡ nhau tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, bị ngắt quãng một thời gian để sau đó lại tái hợp vào năm 1973 rồi đi đến quyết định thành hôn. Nhưng ngày 30/4/75 đến như một sự chia cách, khiến dự định thành hôn của hai người đã không thành, vì Đoàn Thanh Vân theo gia đình ra đi trong những ngày đầu tiên, trong khi Ngô Thụy Miên ở lại Sài Gòn. Chính niềm thương nhớ đó đã tạo thành cảm xúc cho ông sáng tác ra ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân”.
Sau đó nhạc sĩ Ngô Thụy Miên được bảo lãnh sang Montréal, Canada, vào tháng Tư năm 1979. Đoàn Thanh Vân từ San Diego, được tin người yêu đã đến Canada, đã bay sang nối kết lại cuộc tình. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi dời lên Orange County. Năm 1981, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang Washington.
Trong thập niên 1990, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tiếp tục sáng tác với những ca khúc mới như Cần thiết, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng… và nhất là Riêng một góc trời (1997). Năm 2000, là bài “Mưa trên cuộc tình tôi” được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt. Tổng cộng đến nay, Ngô Thụy Miên sáng tác được trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài từ trong nước.

Có những nhận xét từ mọi người khi nói rằng nhạc Ngô Thụy Miên chứa đựng đầy chất lãng mạn, chịu ảnh hưởng từ thơ Nguyên Sa. Có người biện giải, những suy nghĩ đó chỉ đúng phần nào khi ông phổ thơ Nguyên Sa. Còn những nhạc phẩm khác, nhạc Ngô Thụy Miên vẫn mang đậm chất tình ca riêng biệt như những nhạc phẩm đầu tay trong tập nhạc “Tình Khúc Đông Quân”. Vì nhạc của Ngô Thụy Miên nếu đứng riêng biệt cũng không kém chất lãng mạn, trữ tình, vẫn có sắc thái độc đáo, như nhạc phẩm “Mùa thu cho em” sau này lên hàng top hit.
Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận, khi Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa thì sự giao duyên này là một cuộc giao hưởng trường cửu, như các ca khúc “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi 13”, “Áo lụa Hà Đông”, “Nắng Paris nắng Sài Gòn”, “Tình khúc tháng 6”, “Tháng 6 trời mưa”… Sự giao hưởng này làm thăng hoa sự tuyệt tác từ thơ qua nhạc và ngược lại. Để mọi người lúc đó mới chợt nhận ra, hiện hữu có một nhà thơ tên Nguyên Sa hay một nhạc sĩ tên Ngô Thụy Miên đang thăng hoa trong đời sống văn hóa nghệ thuật.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thường tâm sự: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy ông là người sống vì nghệ thuật hơn là nô lệ cho đồng tiền bằng những sáng tác tác phẩm của mình, vì ông còn có một nghề khác là chuyên viên của ngành điện toán. Cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại, do đó những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó khi dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ cùng thời.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình, “tôi không viết cho mọi người”. Tuy chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của ông đã nói lên được tâm sự của những ai từng có những rung động trong tình yêu.
Và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên còn cho biết, sáng tác của ông không hề nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” như một số nhạc sĩ đã thể hiện, như một Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền, Phương Dung, một Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh, một Tâm Anh viết cho Phương Hồng Quế v.v… vì vậy Ngô Thụy Miên cũng từng nói: “Như bài “Riêng một góc trời”, tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát hay như vậy đâu, thế mà ông ấy hát ra nó lại thành công! Tuấn Ngọc hát bài đó tới lắm.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...