Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời và thân phận con người

QUAN NIỆM CỦA NGUYỄN DU
VỀ CUỘC ĐỜI VÀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI
TS. LÊ THỊ LAN

Nguyễn Du đã xuất phát từ quan niệm đời là bể khổ để đi đến những nhận định về nhân sinh trên nền tảng tâm thế Việt  lấy tình cảm, tình yêu thương làm chỗ dựa. Đối với ông, một mặt, sự đối lập giữa tài năng và số phận (luật" tài mệnh tương đố) là sự bất công cơ bản và lớn nhất; mặt khác, con người vẫn có thể cải hoá được số phận nếu nỗ lực tu tâm, hành thiện.
Quan niệm về số phận con người là sự cụ thể hoá nhân sinh quan ấy. Nguyễn Du cho rằng, thân phận mỗi người là sự tồn tại theo duyên cảnh, là tất nhiên và mang tính tiền định. Khi xem xét thân phận con người, Nguyễn Du đặc biệt chú ý đến người tài và phụ nữ. Quan niệm về cuộc đời và thân phận con người của Nguyễn Du đã góp một sắc thái đặc biệt trong nền triết lý nhân sinh Việt Nam.
Hai trăm năm nay, Nguyễn Du được mọi thế hệ người Việt Nam biết tới trước hết như một đại thi hào dân tộc với tác phẩm thơ bất hủ Đoạn trường tân thanh, còn gọi là Truyện Kiều. Các giá trị văn học, nghệ thuật, tư tưởng trong tác phẩm của ông đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu quan tâm, phát hiện khiến cho chúng ta ngày càng hiểu biết hơn về chiều sâu, bề rộng và tầm xa của tư tưởng Nguyễn Du. Nhưng dường như các nghiên cứu đó vẫn chưa thoả mãn nhu cầu người đọc và chưa khai thác hết chiều kích các giá trị được truyền tải trong tác phẩm của Nguyễn Du bởi tính cập nhật của các vấn đề xã hội, tư tưởng, nghệ thuật mà ông đặt ra qua các tác phẩm của mình. Bài viết tìm hiểu quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời và thân phận con người trên phương diện triết học với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một quan niệm nhân sinh đặc sắc của đại thi hào.
1. Quan niệm về cuộc đời
Quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời chịu nhiều ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo và Lão giáo. Trải qua nhiều biến cố dồn dập của cuộc sống, cuộc đời trôi dạt nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những sự kiện vật đổi sao dời, những cảnh đời thương tâm, ngang trái…, Nguyễn Du thấm thía triết lý của đạo Phật coi cuộc đời là vô thường. Ông nhìn cuộc đời bằng con mắt của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, yêu thương, xót xa cho thân phận con người:
“Cuộc đời trăm năm biết bao nhiêu chuyện thương tâm”.
Câu thơ nặng trĩu nỗi niềm xúc cảm của nhà thơ. Xúc cảm ấy trong mạch văn ấy biểu lộ nỗi đau đời khôn nguôi, nỗi thương đời vô hạn do chính cảm nhận chân thực của nhà thơ về cuộc đời, nên có sức mạnh  truyền cảm, lan toả đến muôn đời sau. Chính vì thế, mệnh đề triết lý Nguyễn Du nêu lên, tuy không mới so với triết lý “đời là bể khổ” của Phật giáo, nhưng lại tạo ra một hiệu quả, một sự tương thông trong cộng đồng những người cùng ngôn ngữ, cùng bối cảnh văn hoá với ông. Hơn nữa, câu thơ của Nguyễn Du còn cho thấy tâm thế khái quát sự vật, khái quát cuộc đời của ông. Ông không phải là người ngoài cuộc trong cuộc đời đầy rẫy những bi ai này. Những nỗi đau đời của người khác cũng là nỗi đau đời của chính Nguyễn Du. Ông là người quan sát, người đồng cảm, người cùng chia sẻ, người trong cuộc. Cái tâm thương cảm, đồng cảm, chia sẻ của Nguyễn Du đã khiến cho triết lý cuộc đời của ông tràn đầy chủ nghĩa nhân văn. Do vậy, Nguyễn Du được thừa nhận là đại diện cho tiếng nói của quảng đại người dân, bởi thơ ông thấm nhuần hơi thở của nhân dân, phản ánh chính những nỗi niềm, suy tư, mong đợi của người dân.
Xuất phát từ cách nhìn chung về cuộc đời trên quan điểm nhân văn thấm đượm triết lý Phật giáo như vậy, Nguyễn Du tiếp tục triển khai tư tưởng nhân sinh của mình theo hướng kết hợp Nho, Phật và Lão trên nền tảng tâm thế Việt: lấy tình cảm, tình yêu thương làm điểm tựa cho những nhận định về nhân thế.
 Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhận định, luật “tài mệnh tương đố” là một trong những “luật đời” khiến con người chịu nhiều đau khổ nhất:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
Sự đối lập giữa tài năng và số phận được Nguyễn Du coi là một trong những sự bất công cơ bản và lớn nhất trong cuộc đời con người. Tài là khả năng, là năng lực của mỗi con người. Mệnh là tính quy định đã có sẵn trước khi mỗi con người sinh ra trên đời, mang tính ấn định, không thể thay đổi về số phận của mỗi con người. Như vậy, mỗi cá nhân sinh ra trên đời, bất chấp khả năng, năng lực tài giỏi hay hạn chế đến đâu, đều có một số mệnh định sẵn, xác quyết số phận của họ là khổ đau hay hạnh phúc, sung sướng hay lầm than. Thậm chí, người càng tài giỏi thì số mệnh lại càng éo le, bạc bẽo, đa đoan và ngược lại. Với sự đối lập hiển nhiên đầy bất công đó, tạo hoá, ông trời bắt đầu trò chơi đùa giỡn với con người, bất chấp những nỗ lực của con người:
“Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Con người dường như quá nhỏ bé, bất lực trước sức mạnh vô hình nhưng hết sức hiện thực của "ông trời". Cái nhìn bi quan về cuộc đời như vậy đã đẩy Nguyễn Du đi tới những quan niệm mang nhiều ảnh hưởng của Lão-Trang. Ông quan niệm: “Mắt xem việc đời như đám phù vân”, “Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mở mắt”. Chính nhận thức về sự bất công xuyên suốt cuộc đời con người đã khiến Nguyễn Du, có những lúc, kiếm tìm những giải pháp tiêu cực, yếm thế:
“Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày.
Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn!”.
Những tư tưởng trốn tránh cuộc sống, trốn tránh danh lợi, bạc tiền nêu trên cũng đã từng chế ngự tâm hồn ông, đặc biệt là khi cuộc đời ông trở nên quẫn bách, bế tắc, không lối thoát trong giai đoạn cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII:
“Phú quý trước mắt chẳng khác gì phù vân. Người đời nay chỉ biết cười người đời xưa. Người xưa chết, mồ mả ngổn ngang đó, người nay sao vẫn bôn tẩu rộn ràng?
Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại nắm đất. Không ai vượt qua cửa ải sống chết. Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi…”.
Tuy nhiên, đó không phải là tư tưởng quán triệt của Nguyễn Du. Xem xét toàn bộ di sản nghệ thuật mà ông để lại, ta lại thấy một Nguyễn Du tràn đầy niềm yêu thương cuộc sống, yêu thương con người. Đặc biệt, trongTruyện Kiều, thông qua xử lý diễn biến số phận nàng Kiều, chúng ta thấy rõ một Nguyễn Du đau đời, thương đời nhưng cũng tràn đầy lạc quan vào chân - thiện - mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc đời, khi đưa ra thông điệp về nỗ lực tu tâm, hành thiện con người sẽ cải hoá được số phận, từ đó thay đổi được thiên mệnh. Cổ vũ mục đích cuối cùng của con người là hướng tới một cuộc sống hài hòa chân -  thiện - mỹ,
Nguyễn Du đã nói lên được mơ ước, niềm mong mỏi hướng tới tương lai tốt đẹp của quảng đại nhân dân. Những con người chịu nhiều đau khổ, tầng lớp bình dân sẽ không thể tồn tại nếu họ thiếu niềm hy vọng, trước hết và tột cùng, rằng chân lý, sự công bằng, tốt đẹp sẽ ngự trị sau khi con người đã nỗ lực phấn đấu cho sự thay đổi, hoán cải bằng toàn bộ trái tim, sức lực cuộc đời của mình, như cô Kiều sau 15 năm lưu lạc lại được đoàn tụ, vui vầy cùng gia đình. Hy vọng đó, chân lý đó, theo cách biểu đạt của Nguyễn Du, là khúc khải hoàn của chữ “tâm”:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Như vậy, Nguyễn Du đã diễn giải quan niệm về cuộc đời trong Truyện Kiều qua những bước đi tuần tự: sự đối lập giữa tài năng và số phận là luật tất yếu của cuộc đời; con người sinh ra phải tuân thủ luật đó; song trong quá trình sống, bằng sự tu tâm, bằng sự nhận thức lẽ thiện và nỗ lực thực hành điều thiện, con người có thể cải hóa được số phận định sẵn.
Trong quá trình nhận thức đó, yếu tố tư duy mang sắc thái Việt Nam, yếu tố tình cảm, sự duy tình, tình yêu thương con người đã là nền tảng chi phối và hướng dẫn chiều hướng tư duy của Nguyễn Du, đưa tư tưởng ông đạt tới sự nhận thức và phản ánh chân thực tâm nguyện, hy vọng của dân chúng. Đó là thành công lớn của Nguyễn Du và chính điều đó đã khiến ông trở thành nhà thơ của nhân dân, được nhân dân tôn vinh.
Vì vậy, cho dù quan niệm về cuộc đời của Nguyễn Du mang màu sắc duy tâm chủ quan cực đoan, chúng ta cũng không thể phủ nhận những nhân tố hợp lý, độc đáo và giàu tính nhân văn của nó. Những nhân tố đó càng trở nên đáng quan tâm hơn khi chúng đã có những tác động tích cực trong việc hướng dẫn, định chuẩn hệ giá trị sống của cha ông ta suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và có lẽ, còn góp phần tích cực vào cuộc sống hiện nay nếu những tư tưởng đó được khai thác và được công chúng hoá hơn nữa.
2. Quan niệm về thân phận con người
Quan niệm của Nguyễn Du về thân phận con người là sự cụ thể hoá và triển khai thêm những nhận định về cuộc đời của ông vào những mẫu hình cụ thể - các nhân cách, như những minh chứng cho nhận định của ông.
Xã hội mà Nguyễn Du mô tả, suy ngẫm, chiêm nghiệm là xã hội của những con người mê lầm, chưa tự ý thức, chưa tự giác ngộ được về bản chất cuộc đời và ý nghĩa của sự tồn tại người. Theo quan niệm Phật giáo, đó là những người vẫn còn đang ở bến mê, theo quan niệm Nho giáo, đó là những con người đang là trò chơi của tạo hoá, của định mệnh. Những mối quan hệ xã hội chằng chịt, đan xen được Nguyễn Du tháo gỡ và sắp xếp theo dòng chảy của các quy luật Phật giáo, như luật nhân quả, duyên nghiệp, giác ngộ… Tất cả những thân phận, từ đấng anh hùng như Từ Hải, kẻ tu hành như vãi Giác Duyên, người làm quan như Hồ Tôn Hiến, kẻ sĩ như Kim Trọng, tới số phận truân chuyên như Thuý Kiều, lưu manh như Mã Giám Sinh… đều được nhìn dưới góc độ triết lý Phật giáo, là những thân phận phải hứng chịu mọi kiếp nạn đã bị quy định từ các hành vi của kiếp trước:
“Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.
Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau,
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ”.
Mỗi con người bước vào cuộc đời với một nghiệp riêng do kiếp trước quy định, là sung sướng, là anh hùng, là khổ đau, là bất hạnh…, cho đến khi rời cõi thế cũng mỗi người một vẻ chết khác nhau không ai giống ai, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là đều chung thân phận bơ vơ, lạc loài. Nếu như lý luận về tha nhân của chủ nghĩa hiện sinh khẳng định sự lạc loài, phi lý của kiếp người trên chính cuộc đời trần thế thì, với Nguyễn Du, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo, sự lạc loài phi lý đó là thuộc về thế giới phi trần gian, ở những linh hồn đã rời cõi thế, không nơi nương tựa, lang thang phiêu bạt đi tìm điểm dừng của duyên nghiệp, đi tìm tới cái ngã đích thực tồn tại trong vĩnh cửu. Với Nguyễn Du, những thân phận con người trong cõi thế vẫn là sự tồn tại theo duyên cảnh, không mang tính phi lý, mà là một tất nhiên và mang tính tiền định:
“Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”.
Những thân phận này, dù có cố gắng đến nhường nào, nhưng nếu chưa giác ngộ được lẽ vô thường, chưa ngộ được chân tâm thì vẫn không thoát khỏi số phận trớ trêu mà trời đã định. Trong cuộc đời mà mỗi thân phận người tồn tại theo tự tính trời ban của mình, theo số phận đã định của mình, thì tính chủ thể của con người trở nên thật là bé nhỏ và vô vọng:
“Kẻo khi sấm sét bất kỳ
Con ong cái kiến kêu gì được oan”.
Trong quan niệm về con người, Nguyễn Du đặc biệt chú ý tới hai loại người - người tài và người phụ nữ. Chính ở đó, quan niệm của ông về con người chứa đựng những nét đặc sắc nhất. Đồng thời, sắc thái tư duy Việt trong tư tưởng Nguyễn Du về con người cũng bộc lộ rõ nhất khi ông thể hiện các quan niệm này. Trước Nguyễn Du, trong văn học Việt Nam nói chung, trong quan niệm về con người nói riêng luôn đặt trọng tâm sự chú ý của xã hội vào người quân tử, vào người làm quan, người có học vấn, bậc Nho sĩ. Theo quan niệm của họ, chỉ nam giới mới được coi trọng, được đánh giá là có tài hay không có tài; cái tài chỉ được thể hiện qua con đường duy nhất là văn chương, thơ phú, cử nghiệp. Nhưng tới Nguyễn Du, và gần như đồng thời với ông là Hồ Xuân Hương, người tài không còn là độc quyền của nam giới nữa.
Hồ Xuân Hương đã làm một việc quan trọng, mở đường cho việc đưa hình tượng người phụ nữ vào trung tâm điểm của văn học và vào nhận thức của dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đó là phê phán tận gốc những mặt trái đằng sau hình tượng người quân tử theo quan niệm cũ, đưa những nhu cầu tình cảm, tâm lý, khát vọng sống của người phụ nữ lên thành những quyền cơ bản của con người, có quyền và có giá trị bình đẳng với nam giới. Tới Nguyễn Du, ông đã làm tiếp một việc quan trọng nữa, và là sự kế tiếp như một quy luật tất yếu, cần phải có trong sự tự nhận thức của dân tộc, đó là tôn vinh người phụ nữ như những tinh hoa, anh tài của xã hội.
Trong Truyện Kiều, ông đã gửi gắm tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng nàng Kiều, một phụ nữ đa tài, đa sắc, lại thánh thiện và nhân ái. Trọn vẹn những lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức và con người lý tưởng của Nguyễn Du được ông gửi gắm vào nàng Kiều. Đó là hình tượng người phụ nữ đẹp nhất mà văn học Việt Nam thời phong kiến đã đạt được. Nhân vật “nàng Kiều” là sự hình tượng hoá các phẩm chất cao quý của người phụ nữ: tài năng, giàu đức hy sinh, biết dũng cảm đương đầu với số phận, thách thức số phận, chiến thắng số phận bằng chính sự tôi luyện theo lẽ thiện, vì thế cải biến được số phận.
Chưa có nhân vật văn học nào trước đó được xây dựng công phu, đẹp đẽ và chinh phục trái tim người dân đến thế. Tính tích cực của chủ thể thể hiện ở cả nhận thức và hành động của nàng Kiều như khúc khải hoàn chiến thắng của con người trước số phận, là lời gửi gắm tâm nguyện của Nguyễn Du đối với cuộc đời.
Khi đề cập đến người tài, Nguyễn Du đã thừa nhận luật “tài mệnh tương đố”. Với Nguyễn Du, người tài không chỉ là các văn nhân, trí thức Nho giáo, mà bao gồm cả phụ nữ; cái tài không chỉ thể hiện trong thơ phú, chính trị, cử nghiệp, mà cả trong các năng lực khác như đàn hát, hội hoạ. Theo ông, người có tài luôn là tinh hoa của trời đất, được đồng loại coi trọng, xót thương và ca ngợi, bởi chính họ đã làm cho cuộc đời ngày càng đẹp hơn, nhân ái hơn:
“Kiều rằng: “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách còn là tinh anh”.
Những người tài hoa khi sống phải chịu số phận long đong như một sự chuộc tội cho nhân quần, bởi họ cũng chính là những con người có tình nhất, yêu thương đồng loại nhất và là những người cảm biết được trách nhiệm của mình trước đồng loại, nên dù thấy chết vẫn tự nguyện chấp nhận như một tất yếu, giống như nàng Kiều coi việc bán mình chuộc cha là nghĩa vụ đương nhiên của người con thực hiện đạo hiếu. Những người tài hoa ấy, dù thể xác đã trở về với cát bụi, nhưng những giá trị tinh thần, những ảnh hưởng tinh tuý của họ vẫn tồn tại như những hiện hữu tất yếu. Đó mới là sự tồn tại đáng kể.
Và biết bao nhiêu thân phận đi qua trái đất này đã để lại những đóng góp của họ vào cuộc sống tinh thần chung của xã hội, được người đời coi trọng, gìn giữ và làm nên các giá trị chung nhất, gọi là văn hoá.
 Nguyễn Du đã dùng minh triết (sự giác ngộ) và thiện tâm, hai phương tiện duy tâm làm chìa khoá giải mã những bất công của cuộc đời. Tuân thủ những nguyên lý minh triết của Phật giáo và những sắc thái duy tình của người Việt, Nguyễn Du đã đưa ra lời giải của ông cho vấn nạn nhân sinh. Tính chân lý, khả năng ứng dụng, phạm vi giải đáp của con đường ấy tới đâu còn tuỳ thuộc vào sự tiếp cận của mỗi thế hệ hậu sinh với triết lý cuộc đời và thân phận con người của Nguyễn Du. Tuy nhiên, con đường minh triết và thiện tâm mà Nguyễn Du cổ vũ đã và đang làm nên một công cụ điều chỉnh đầy tính nhân văn cho xã hội.
Nguồn: Tạp chí Triết học số 9 (196). 2007








Người giữ bình yên

Người giữ bình yên

Bài đoạt giải nhất Nhạc Trịnh trong tôi 2013
“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời". (Trịnh Công Sơn)
Tôi nghe nhạc Trịnh đến bây giờ đã gần sáu năm. Năm ấy, tôi hãy còn là một cô bé mười bốn tuổi. Thuở đó, khi chúng bạn say sưa với những bài nhạc sôi động, tươi vui thì tôi và cậu bạn thân đã ngồi cùng nhau hát nghêu ngao “Mưa hồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Hôm nay tôi nghe”…rồi cùng thiếp đi dưới một gốc cây, trong sự im lặng của những tế bào diệp lục và ánh nắng chiều dần phai. Đó mãi là một trong những khoảnh khắc yên bình nhất ở thời áo trắng mà tôi từng được có.
Tôi vẫn còn nhớ một lần kia, trong giờ ra chơi của tiết học đội tuyển văn năm lớp chín, thầy tôi đã hỏi tôi rằng: “Em nghe nhạc Trịnh nhiều, thế có chắc là hiểu hết ca từ của Trịnh chưa? Em có hiểu câu hát: “Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi” là gì không?”. Lúc thầy hỏi xong, tôi chỉ khẽ gật gật và bẽn lẽn cười nói rằng em chỉ hiểu đây là câu hát về sự chia xa.
Nhưng những năm tháng sau này, khi tôi nghĩ lại, lá xanh rồi vàng, tươi rồi úa tàn. Chẳng phải đại diện cho sự tàn phai sao? Chẳng phải đó là cái chuyển mình của sự hoài vọng bỗng thành phôi pha? Tôi nhận ra là, mình đã trả lời được câu hỏi được đặt ra năm tôi mười lăm tuổi. Ra là nhạc Trịnh là một loại nhạc có chiều sâu, mà cứ qua mỗi giai đoạn nhỏ của đời người, người ta sẽ đi sâu hơn vào được một chút, thấm thía nhiều, khám phá thêm, thấu suốt hơn, rồi lại tiếp tục từ đó mà trưởng thành.
Tuổi trẻ của tôi đã lớn lên như thế, lớn lên một cách an lành, sáng trong pha lẫn chút u buồn. Nhiều người ngạc nhiên và hỏi tôi rằng sao lại chọn nghe nhạc Trịnh ở tuổi như em, tôi chỉ mỉm cười bảo em đơn giản muốn gửi những trăn trở và lo âu của một thời thiếu nữ vào đâu đó cho đỡ chếnh choáng về sự trưởng thành và những hoài vọng.
Tôi muốn trải nghiệm những bước trưởng thành đầu tiên bằng những cảm thức thân phận, những tuyệt-vọng-rực-rỡ, những niềm yêu đời thiết tha. Tôi mong mình có thể bằng cách này, hay cách khác dấn thân vào đời sống ngoài kia, tôi khao khát được tiến ra biển lớn dù biết càng rời xa tuổi nhỏ, lại càng thấm thía những bão bùng.

Sau những giông bão của tuổi đôi mươi, tôi càng nhận ra mình đến lúc thôi hoài nghi mà tin, yêu nhiều thêm nữa, vì chỉ có những thứ ấy mới có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời. Lòng tin vào con người, vào lòng lành, vào hy vọng hay sự cứu rỗi vốn chẳng phụ bạc ai. Chúng ta chỉ đang trong quá trình thật sự thấu hiểu nó, ngạc nhiên, ngạc nhiên để rồi trưởng thành.
Tôi muốn mình cũng có thể như những bài ca của Trịnh, vẫn còn đủ sự bao dung và lòng nhẫn nại đối với chính mình, cũng như sáng suốt và tỉnh táo, cũng như nhiệt tình và khát khao sau tất cả.
Tôi từng đọc một cuốn sách của Raxun Gamaztốp, có một đoạn trong cuốn sách ấy, Raxun viết rằng khi một người chiến sĩ dựa lưng vào vách đá thì sẽ thấy vững lòng hơn. Vì khi anh ta đứng giữa một không gian mênh mông, anh ta không thể đề phòng phía sau của mình, còn khi dựa vào vách đá lớn, anh ta sẽ thấy bình tâm hơn nhiều.
Có lẽ đây cũng chính là lý do mà những năm tháng ấy, tôi đã chọn nhạc Trịnh làm một trong những chỗ nương tựa của tâm hồn. Để dù ngoài kia có bão lớn, gió to, ước mơ tan vỡ, tình cảm không như ý, thì vẫn còn nơi chốn để quay về nương náu và nhắc nhở mình nhớ rằng ngay cả tuyệt vọng cũng có thể đẹp như một bông hoa. Vậy nên hà cớ gì mà không cho mình một cơ hội để tìm thấy trong lòng yêu sự sống dù có đôi khi buồn bã kia một niềm vui nào đó để giữ cho đời người khỏi giấc ngủ triền miên chưa kịp tới?
PHẠM GIANG PHƯỢNG THƯ 

Nhạc Trịnh và triết lý cuộc sống

Nhạc Trịnh và triết lý cuộc sống

Tôi quan niệm: nghe nhạc phải đi từ âm mới tới nhạc, do vậy tôi yêu những ca từ đẹp trong các ca khúc của nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh tư liệu
Tôi luôn bắt gặp đâu đó trong ca khúc của ông một triết lý cuộc sống. Khi đầy giáo lý nhà Phật: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Cuộc sống là vô thường, con người tồn tại trên cõi nhân gian như một kiếp ở trọ, để cuối cùng “Một mai tôi về làm cát bụi”.
Lại có khi, sự gặp gỡ, chia ly, kiếp luân hồi, vật chất tồn tại hữu hình mà như vô hình hư hư thực thực“Giữa đường trưa có tôi bơ vơ/ Chợt tôi thấy thiên thu/ Là một đường không bến bờ” hay “Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời/ Làm mây trôi”. Cuộc đời nhẹ nhàng lắm, chen chân tranh giành được mất thì lúc nằm xuống đất sâu cũng chẳng mang được gì trong tay.
Nhưng đôi khi, cuộc sống đâu cần gì cao siêu, đâu cần phải đứng trên vai vạn người, cuộc sống chỉ cần“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Trước đây, tôi nghĩ mỗi bình minh thức giấc phải hơn người khác nửa bước chân thì mới mong sống hạnh phúc. Tôi gồng mình lên để ganh đua danh lợi, tôi muốn mình là tốt nhất. Nhưng lẽ dĩ nhiên, tôi không bao giờ là nhất, vì luôn có người tốt hơn tôi. Cứ như thế, mỗi ngày tôi trở về nhà với bộ dạng tồi tệ thua cuộc, mệt mỏi.
Rồi một ngày, cô bạn cùng phòng nghêu ngao giai điệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/ Chọn những bông hoa và những nụ cười…”.Từ đó, tôi nhận ra rằng 24 giờ trôi qua tôi đã bỏ biết bao nhiêu phút giây hạnh phúc. Nếu đặt mọi thứ xuống chân mà đi thì cuộc đời rất đỗi nhẹ nhàng, cớ chi phải vác hết lên vai để nặng mình.
Cuộc sống có thể ném vào mặt tôi những khó chịu, đau khổ, uất hận… tôi không thể lựa chọn hoàn cảnh và thái độ mà người khác dành cho tôi, nhưng tôi có thể chọn thái độ để ứng xử lại với tất cả “Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi/ Đường đến anh em đường đến bạn bè”. Đạp người này xuống thì tôi cũng không cao hơn thiên hạ, vậy cần chi bày mưu tìm kế. Yêu nhiều thì sẽ được thương, tôi chọn cách cho đi để nhận lại, trồng hạt giống tốt để thu về trái ngọt.
Ai đó từng nói “hạnh phúc là con đường chứ không phải đích đến”. Hạnh phúc là tận hưởng chứ không thể cầm nắm. Nhưng nếu cứ cắm mặt chạy đua theo danh vọng, làm việc quên thời gian để có được tiền tài thì làm sao tôi tận hưởng những phút giây hạnh phúc. Cho nên “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình”.
Một chút thời gian soi gương và tự cười. Một chút thời gian nhấm nháp vị đậm đà của cà phê sáng. Một chút thời gian đùa với em nhỏ. Một chút thời gian thăm hỏi gia đình… Một chút thôi, nhưng đủ để thấy rằng mình thật may mắn và hạnh phúc khi có mặt trên cõi nhân gian này, được yêu thương, được biết đến. Chỉ khi nào, người thương nằm dưới mộ phần mới hiểu được một chút đó giá trị biết bao nhiêu.
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, sống chậm hơn để cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn. Giai điệu và triết lý trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đến với tôi đơn giản chỉ có thế “Và như thế tôi sống vui từng ngày/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”.

Chẳng ai biết tương lai ra sao, chẳng thể tính đoạn đường đời dài hay ngắn cho nên “Hãy cứ vui chơi cuộc đời/ Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau”.
ĐOÀN LY 

Điều thú vị trong 9 bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn

Điều thú vị trong 9 bài hát 

nổi tiếng của Trịnh Công Sơn

Mỗi ca khúc của Trịnh đều có rất nhiều điều thú vị 
xung quanh nó.
Trịnh Công Sơn đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam khoảng 600 ca khúc có giá trị. Những bài hát của ông như: Cát bụi, Biển nhớ, Diễm xưa… đã trở thành những giai điệu ‘nằm lòng’ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất Trịnh Công Sơn (1/4/2001 -1/4/2013), xin điểm lại những điều thú vị nhất xung quanh các ca khúc nổi tiếng của ông.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Cát bụi
Bài hát được bắt nguồn từ một thoáng buồn không nguyên cớ là một đoạn phim, một cuốn truyện chưa ưng ý. Trong hồi ký của Trịnh Công Sơn viết: "Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lặp đi lặp lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ".
Biển nhớ
Ca khúc được viết cho Tôn Nữ Bích Khê học trường Sư phạm Quy Nhơn vào hè 1962. "Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya, Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn 'trời cao níu bước Sơn Khê'", Đinh Cường chia sẻ.
Diễm xưa
Bài hát do Khánh Ly thể hiện, đã trở thành top hit ở Nhật năm 1970. Ngữ nghĩa của Diễm xưa được Trịnh Công Sơn lý giải: "Diễm là đẹp, xưa là ngày xưa". Nhân vật được nhắc tới trong ca khúc là nữ sinh Ngô Thị Bích Diễm của Đại học Văn khoa Huế. Nhà Bích Diễm ở bên kia sông qua cầu Phú Cam, rẽ tay phải về phía đường Phan Chu Trinh, hàng ngày cô gái vẫn đi qua nơi Trịnh Công Sơn ở.
"Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu 'hương hoa' kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó", giáo sư Bửu Ý nói.
Một cõi đi về
Ca khúc được viết vào khoảng 1974 đầu năm 1975 nhưng từ năm 1980 mới phổ biến. "Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm", Trịnh Công Sơn từng nói.
Hạ trắng
Hạ trắng là một ca khúc trữ tình do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1961 (sau bài Diễm xưa). Bài hát được bắt nguồn cảm xúc từ nỗi ám ảnh của một mùa hè nóng bỏng tại Huế, cộng với một câu truyện về cái chết của cha mẹ một người bạn.
"Sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài Hạ trắng" - trích hồi ký Trịnh Công Sơn.
Nối vòng tay lớn
Đây là ca khúc được Trịnh Công Sơn viết để kêu gọi sự đoàn kết giữa 2 miền Nam Bắc. "Trịnh Công Sơn đã viết Nối vòng tay lớn cho khắp cả miền Nam cùng hát, thế nhưng ít ai có dịp nghe anh hát. Một ngày, ngày trọng đại của thành phố Sài Gòn và của cả nước, 30/4/1975, người dân Sài Gòn bỗng được nghe Trịnh Công Sơn hát.
Khoảng 3h chiều 30/4/1975, phần lớn người dân đều túa ra đường để được tận hưởng bầu không khí hân hoan, phấn khởi của ngày thành phố được giải phóng và trực tiếp gặp gỡ thăm hỏi với các chiến sĩ giải phóng. Vào lúc ấy, những người dân ở nhà mở radio nghe tin tức qua Đài phát thanh Sài Gòn đột nhiên có cảm giác khác lạ khi chương trình chợt lặng đi một chút và tiếp ngay đó là tiếng của Trịnh Công Sơn: '“Tôi là Trịnh Công Sơn', rồi anh cất tiếng hát bài Nối vòng tay lớn", Nguyễn Đức cho biết.
Nhớ mùa thu Hà Nội
Trịnh Công Sơn kể: "Mình rất yêu Hà Nội. Năm 1985 mình cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời thăm Liên Xô, khi trở về, mình ở lại Hà Nội luôn một tháng. Mỗi sáng, mình và Thái Bá Vân đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống bay lên".
Tôi ơi đừng tuyệt vọng
Trên báo Thanh Niên từng viết: "Nhạc sĩ của những bản tình ca Trịnh Công Sơn đã buồn tha thiết khi từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Dường như trong các ca khúc của anh luôn thấp thoáng những mối tình, khi như nắng như mưa, khi như sương như khói, khi lại hư ảo đến nao lòng. Hiểu tường tận những mối tình ấy, có lẽ là Trịnh Xuân Tịnh, người em từng theo anh đi tận cùng trời cuối đất, rong ruổi trên những nẻo đường giang hồ phiêu bạt.
Anh kể: 'Hôm ấy, giữa phòng triển lãm tranh, có người con gái tha thướt trong chiếc áo lụa màu ve chai. Một thoáng ngỡ ngàng bởi anh Sơn rất quen. Đôi mắt, đôi môi, nụ cười ấy tỏa sáng và tinh khiết. Khoảnh khắc đó tôi đã thực sự bùng cháy'.
Thế rồi, căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP. HCM đã có thêm một dáng người. Không gian, thời gian ở đó chợt tình tứ, rộn ràng. Anh em, bạn bè rất mừng khi hay tin con người suốt mười mấy năm chưa lấy vợ, nay sắp sửa bước vào vườn địa đàng của trần gian. Người đó là á hậu V.A. Từ đó, mỗi sáng, anh Sơn thường ngồi uống một chút gì ở quán cà phê 81 Nguyễn Văn Trỗi cùng bạn bè. Câu chuyện tùy hứng, lúc là chuyện đời, chuyện người, có khi là chuyện tiếu lâm nhưng ít nói chuyện âm nhạc.
Lúc đó, trong anh đang có niềm hạnh phúc thật thanh thản, thật nhẹ nhàng. Người ấy cũng ghiền những món anh thường dùng như cá nục kho khô, thịt luộc, mắm ruốc, tôm chua, canh mít, mồng tơi, mướp đắng.
Những ngày ấy, anh còn mẹ. Bà thương và rất cưng hai người. Bà cũng mong có cháu nội. Đây cũng là lúc anh có dự định cưới vợ mãnh liệt nhất bởi trong anh tình yêu đang là thác đổ. Một ngày, căn phòng đầy ắp cây cọ, bức tranh, sách vở, đàn và rượu đã không còn bóng dáng thanh thanh, dong dỏng của người tình. Người ấy đã ra đi như những dòng sông nhỏ. Cả nhà, bạn bè biết anh buồn lắm. Nỗi buồn không chùng xuống vực sâu mà bay vút lên rằng 'đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng'.
Dặn dò với lòng mình như thế, nhưng làm sao không đau khi 'lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông', làm sao khỏi hoang mang khi trước đó 'em là tôi và tôi cũng là em', còn giờ 'tôi là ai, là ai, là ai!'. Anh ngồi đó, nhìn nắng tàn phai như một nỗi đời riêng. Với người tình, anh vẫn độ lượng 'em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh'. Có thể ở một nơi nào đó, có người đang thầm thì 'đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng...'".
Như cánh vạc bay
Nhân vật của Như cánh vạc bay là một cô gái Huế đã định cư ở nơi xa. Không được ở bên nhau, sống với nhau, anh vẫn luôn mong người ấy hạnh phúc, dù anh âm thầm đau khổ: "Ta nghe từng giọt lệ. Rớt xuống thành hồ nước long lanh" - trích lời Trần Long ẩn.
"Người con gái trong bài là một thiếu nữ tên P.T.L, người gầy và cao, rất đẹp, sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, gia phong nổi tiếng. Sau này cô cư ngụ tại Ottawa và từng gặp lại Trịnh Công Sơn trong dịp anh sang Montréal thăm gia đình lần duy nhất vào dịp Phục Sinh năm 1992" - trích Trường Kỳ.
Bùi Anh Tuấn






Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...