Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Album nhạc bốn mùa

Album nhạc bốn mùa



Theo http://www.ptgdn.com/

Đi tìm đường bay ưu việt của thi ca

Đi tìm đường bay ưu việt của thi ca 
Qua những nguồn tài liệu sưu tập tham khảo từ những quyển sách Thi Nhân Việt Nam của Hoài Chân Hoài Thanh_Thi Ca Việt Nam Hiện Đại của Trần Tuấn Kiệt-Tổng Quan Văn Học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến-Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến do Trần Hoài Thư chủ trương...Những bài viết của các nhà văn, nhà thơ, trên các tạp chí Văn học trong nước và hải ngoại. Tác Giả Việt Nam, sưu tập của Luân Hoán. Chúng ta chỉ tính từ thời điểm khi bài thơ Tình Già của Phan Khôi được xem như một tuyên ngôn khai sinh thơ mới hiện đại Việt Nam xuất hiện đầu tiên trên Phụ Nữ Tân Văn Số 132 vào ngày 10 tháng 3 năm 1932_Saigon.
Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ nếu tính từ năm 1932 đến năm 1975 căn cứ theo những nguồn tài liệu nêu trên chúng ta có thể ước tính số lượng thi sỹ có những bài thơ được tuyển chọn lên đến vài trăm người được đánh giá "trăm hoa đua nở" vì thế với thời lượng quy định của ban tổ chức yêu cầu quả thật khó khăn để chọn một số bài thơ hay của ba miền đất nước thân yêu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng nêu lên vài nhà thơ tiêu biểu qua hai điều kiện đã được đãi lọc thử thách qua thời gian cũng như sự thẩm định yêu thích của đa số quần chúng một cách khách quan và tương đối. Trước khi bước vào sự việc thẩm định thế nào là một bài thơ hay? Và địa vị của thơ trong Văn Học Việt Nam. Chúng tôi xin đan cử một vài kinh nghiệm về thơ của nhà giáo Nguyễn Sỹ Tế: "Thơ là một ngành nghệ thuật ngôn ngữ khó khăn vào bậc nhất. Thơ dễ vào mà khó ra. Làm thơ thật là dễ, nhưng làm thơ cho hay lại là thật khó. Thơ là một siêu nghệ thuật về ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một cái thiên tài sáng tạo của một dân tộc. Ngôn ngữ của thi ca là một thứ ngôn ngữ siêu đẳng xôn xao âm hưởng và ấm áp sâu đậm sắc màu. Nắm được con ngựa thần bất kham chúng ta đã có điều kiện căn bản để trở thành một bài thơ hay rồi vậy!".
Trong tiến trình văn học Việt Nam chưa bao giờ dân tộc lại sản sinh ra nhiều nhà thơ như trong thời điểm vài ba thập niên vừa qua cũng như hiện nay từ trong nước đến hải ngoại. Chúng ta bị ảnh hưởng sâu xa về phát biểu của Ngô Thời Nhậm: "Việt Nam đáng hãnh diện là một nước thơ. Và mỗi người Việt nam là một thi sĩ...". Chỉ có thể đúng một phần qua nhận định ở lớp bình dân sáng tạo những giòng văn học mang tính nhân gian trong sinh hoạt của đời sống thường nhật. Hay vì tâm lý muốn được người đời gọi mình là thi sỹ. Chính từ những tư duy thiếu khiêm tốn nên rất khó đồng thuận hợp nhất tiêu chuẩn đi tìm đường bay tuyệt đỉnh của thi ca. Trong cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Chân_Hoài Thanh cũng chưa phải là một nhà phê bình hoàn hảo đáng tin cậy mặc dù hai ông được giới trí thức đánh giá nhiều ưu điểm giới thiệu trên 40 nhà thơ với mấy trăm bài thơ đính kèm. Tuy nhiên Hoài Chân_Hoài Thanh vẫn không thoát ra những thành kiến khắt khe đối với thi sĩ Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Vũ Hân, một số nhà thơ khác và nhóm Xuân Thu Nhã Tập....mặc dù cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ qua ở hải ngoại vẫn có nhiều người còn thuộc thơ Nguyễn Bính yêu thơ Đinh Hùng...Từ suy nghiệm này chúng tôi đề cập đến trường hợp vua Tự Đức sáng tác rất nhiều thi phẩm nhưng chỉ được nhân gian nhắc đến bài thơ "Khóc Bằng Phi" với hai câu cuối cùng: "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi...".
Quá tuyệt vời và tôn vinh ông là một nhà thơ lẫy lừng trong thi đàn Việt Nam. Một trường hợp điển hình khác chúng tôi muốn đan cử đến bài thơ "Cáo Tật Thị Chúng" của thiền sư Mãn Giác với hai câu cuối bài: 
"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai/... Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.../Đêm qua sân trước một cành mai..."
Hai câu cuối đã vượt trội xuất sắc, mang tư tưởng nhân sinh quan hiện thực, tăng giá trị bài thơ và được thẩm định là một bài thơ hay vượt qua thời gian. Cũng như trường hợp chỉ mấy câu thơ của dũng tướng Lý Thường Kiệt trước quân nhà Tống phương Bắc cũng đủ nói lên ý chí của người quân tử nước Nam:"Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như Hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhử đẳng hành khan thủ bại hư....Sông Núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách Trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.." đã trở thành một bài thơ tuyệt tác lưu truyền cả ngàn năm trong lịch sử. Những nhà phê bình thi ca chưa hẳn có một thần trí siêu việt dễ thấu triệt những ẩn ý sâu xa bài thơ của mỗi thi sĩ như sự nhạy cảm tuyệt vời giữa Bá Nha với Chung Tử Kỳ nên đôi khi cảm nhận bài thơ có thể lạc hướng về cái nhìn chủ quan. Qua tài liệu của Hoàng Duy Từ "Đường Thi Tuyển Dịch" chúng tôi khám phá câu chuyện lý thú về thi ca. Nhân vật tiêu biểu đại thi hào Tô Đông Pha đã dám cậy tài làm thơ sửa thơ Tể Tướng Vương An Thạch cũng là một nhà thơ lừng lẫy vào đời nhà Tống bên Trung Hoa. Có một ngày đẹp trời Tô Đông Pha ghé đến thư phòng của Vương An Thạch nhìn lên vách thấy có hai câu thơ: 
"Minh Nguyệt sơn đầu khiếu/Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm" 
Tô Đông Pha chê là vô lý bởi vì:
"Trăng sáng sao lại hót ở đầu núi?/Chó vàng sao lại nằm giữa lòng hoa?" 
nên lấy bút sửa lại:
"Minh nguyệt sơn đầu chiếu/Hoàng khuyển ngọa hoa âm" 
với ý nghĩa: "Trăng chiếu ở đầu núi"/ "Chó vàng nằm dưới hoa".
Sửa xong Tô Đông Pha cảm thấy đắc ý và cảm nghĩ cho dù Vương An Thạch tuy là tể tướng nhưng chưa chắc tài làm thơ hơn mình. Sau đó một thời gian Tô Đông Pha có tội với triều đình nên bị đày ải đến nơi rừng thiêng nước độc. Một hôm vào mùa xuân dạo trong rừng nghe tiếng chim hót rất hay mới hỏi dân địa phương cho biết "Tiếng chim hót hay đó có tên là Minh Nguyệt và loài sâu chuyên tìm ăn ngụy hoa có tên là Hoàng Khuyển..." Tô Đông Pha giật mình tỉnh ngộ và ân hận về sự thiếu hiểu biết và sự ngạo mạn lố bịch của mình.
Xuyên qua sự kiện vừa dẫn chứng chúng ta nên suy ngẫm về sự thẩm định đánh giá một bài thơ hay có tính cách chủ quan không hiểu sâu nghĩa lý là một sự lầm lỡ đáng tiếc.
TIÊU CHUẨN VỀ MỘT BÀI THƠ HAY
Bởi vậy, chúng ta rất khó phân biệt để cùng đồng ý MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO CHO LÀ HAY và MỨC ĐỘ HAY CỦA MỘT BÀI THƠ? Chúng tôi xin trích dẫn qua một số nhà thơ, phát biểu chân thật về nguyên nhân sáng tạo nên những tác phẩm thi ca của họ. Đó cũng là ý niệm tốt để giúp cho chúng ta thẩm định giá trị một bài thơ hay. 
1. Nhà thơ Nguyên Sa 
...Làm thơ, với tôi, bao giờ cũng cần có cảm hứng, có cảm hứng mới làm được bài thơ đắc ý, không có cảm hứng thì chịu thua. Cảm hứng đưa tôi vào thơ, thời gian này, cũng như hơn bốn thập niên, luôn luôn đến từ sự xúc động chân thực. Có rung động thực và rung động giả, cho nên có cảm hứng thực vả cảm hứng giả. Lúc hai mươi tuổi, đam mê tình ái mang thơ lại cho tôi. Tôi nghĩ thơ tình thời học trò mà tôi nói chuyện suy tư về hữu thể và hư vô là xúc động giả, sâu xa giả, thơ làm dáng không phải thơ. Khi tuổi già đã tới, không còn đam mê tình ái, cánh cửa của tuổi đời sắp khép lại. Những xúc động của những ngày tháng đối diện với sự thật của kiếp người, một cuộc tình hồi tưởng lại, một cuộc tình mơ ước, giọt sương mai mong manh, cơn mưa đến muộn, buổi hoàng hôi, người bạn thâm niên ...là nguồn cảm hứng thật hôm nay của tôi.
2. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn 
Nếu phải xếp hạng thứ thơ nào tôi thích hơn, thì tôi sẽ xếp theo thứ tự như sau:
1/Thơ hay tự nhiên là thứ nhất
2/Thơ hay và khéo cũng tốt 
3/Thơ hay mà không khéo thì dễ thương 
4/Thơ khéo không thôi thì hơi thường 
5/Thơ khéo mà không hay xin miễn
Nói xếp hạng cho vui, chứ mỗi người sẽ nhận diện cái khéo và cái hay một cách khác nhau. Có những câu thơ nghe rất tự nhiên nhưng chỉ người làm thơ mới biết đã mất bao lần gọt giũa mới thành. Độc giả không cùng một kinh nghiệm thẩm mỹ, không được đào luyện trong các lò ngôn ngữ như nhau, thì cách thưởng thức sẽ khác nhau. Có những lời tự nhiên thanh thoát ở đời này, sang đời khác lại có vẻ cầu kỳ, không thích hợp. 
Tôi đề nghị chúng ta nên đọc thơ như thể mình đang sáng tạo. Vừa đọc vừa mở ra một thế giới, trong đó lời và cảm thọ do lời gây ra được tự do phát triển. Ta đọc lại như đọc lần đầu, khám phá bài thơ một lần nữa để tìm cảm xúc mới. 
3. Nhà Thơ Luân Hoán 
Thơ hay chính là thơ mới. Theo tôi nghĩ nên làm mới thi ca, nhưng làm mới như thế nào, ra sao thì tôi đang dọ dẫm thí nghiệm, chưa đạt được kết quả nào. Điều cần thiết là phải làm cách nào để cho cái mới đó có hồn, có vía đàng hoàng, phổ biến được đón nhận rộng rãi. Tuy nhiên kỹ thuật và hình thức là những điểm tất yếu phải có của một bài thơ. Nhưng nếu chú trọng quá đáng, có lẽ loãng bớt nội dung, đó là chưa kể nếu quá màu mè, bài thơ lại dễ biến ra một họa phẩm siêu thực...
4. Nhà thơ Tô Thùy Yên 
Đối với tôi thực sự làm thơ không khó, làm thơ hay mới là chuyện khó, rất khó. Khó đến độ nhiều khi từ cái ý muốn khởi đầu cho đến khi hoàn tất bài thơ, không tưởng tượng mình có thể đạt tới được ngoài trí lực của mình. Nói chung làm bất cứ việc gì trong bất cứ lĩnh vực nào mà làm cho tốt làm cho hay thật là khó, rất khó, chớ làm lơ mơ, bất kể, được chăng hay chớ thì ai làm chẳng được. Một bài thơ có hồn mới chuyển đạt xúc cảm đến người khác...
5. Nhà thơ Yên Thao 
Tác giả bài thơ "Nhà Tôi" nổi tiếng.
Hiện nay rất nhiều người làm thơ nhưng thơ hay thì hiếm. Thơ tình yêu lạm phát. Không nên nghĩ tình yêu là tất cả của thơ và thơ chỉ viết về tình yêu lứa đôi.
Thơ là tinh hoa của tiếng nói, tiếc có những bài thơ từ ngữ quá trần truồng, thô kệch, song lại được các báo chí đăng tải như một cái gì mới mẻ, dám nghĩ dám viết(?!!). 
Gom từng hạt bụi phấn
góp từng phân tử đường
con ong làm nên mật 
cho cuộc đời lên hương
người làm thơ chúng ta
hơn con ong cần mẫn 
càng phải biết chọn hoa
đừng làm ra mật đắng!
6. Nhà thơ Hoàng Hương Trang 
Thơ hiện nay nhiều người làm, số lượng thi sĩ đông đảo hơn bao giờ hết, số lượng thơ cũng rất nhiều. Nhưng những bài thơ đi sâu vào lòng người, gây ấn tượng mạnh, làm người đọc yêu và nhớ thì quả thật rất ít, không bằng được những bài thơ gọi là "thơ tiền chiến". Vì sao? Theo tôi, thơ bây giờ dùng ngôn ngữ quá xa lạ với người đọc, làm cho người đọc không thể hiểu nổi tác giả nói gì, có nhiều bài đọc lên tôi cứ tưởng không phải thơ Việt! Bí hiểm, khổ độc, ẩn dụ, làm dáng thời thượng, khoe chữ, đánh đố...đó là những yếu tố làm thơ xa người đọc, có đọc cũng chẳng nhớ lâu nổi. Tôi thích loại thơ "để nhớ suốt đời" như "Chiều" của Hồ Dzếnh, "Hai Sắc Hoa Ti Gôn" của T.T. Kh, như "Lỡ Bước Sang Ngang" của Nguyễn Bính, như "Nhớ Rừng" của Thế Lữ, như "Đây Thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử v.v.. hay xa hơn nữa, như thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Ước mong thế hệ chúng ta sẽ để lại nhiều bài thơ "nhớ suốt đời" cho thế hệ sau như chính chúng ta đã được thừa hưởng những áng thơ tuyệt tác của các thế hệ trước.
Chính nhờ vào bản chất truyền thống văn hóa dân tộc hiền hòa nhân ái nên ngay trong thời gian hai miền Nam Bắc đối nghịch nhau về ý thức hệ, nhưng trong giới sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, trí thức, sinh viên học sinh ở Miền Nam đều có thiện cảm say mê những tác phẩm thi ca của các thi sĩ Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ, Vũ Đình Liên, Thâm Tâm...của thời tiền chiến trữ tình lãng mạn, khởi sắc thăng hoa, dĩ nhiên có nhiều bài thơ hay đến bây giờ vẫn còn được yêu thích. Đại khái như: Lưu Trọng Lư: "Em không nghe mùa thu/Lá thu kêu xào xạc/Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô...". Hay Hồ Dzếnh: "Tình chỉ đẹp khi còn là dang dở/Đời mất vui khi đã vẹn câu thề/Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ/Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa." Xuân Diệu với câu thơ ai cũng nhớ:"Yêu là chết trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?/Cho thật nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu." Với bài thơ Ngậm Ngùi nhẹ nhàng quyến rũ mãnh liệt của Huy Cận:
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi... 
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giang mau;
Em ơi hãy ngủ...anh hầu quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ.. 
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ... 
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
Theo thiển ý và kinh nghiệm riêng của chúng tôi khi một bài thơ đạt những tiêu chuẩn như sau: 
1. Cảm hứng xuất thần khi sáng tác (hồn thơ)
2. Thể hiện sự chân thật và tự nhiên 
3. Tư tưởng chuyển đạt cảm xúc 
4. Cấu trúc ngôn ngữ để tạo sự dễ nhớ
Hy vọng sẽ được đa số quần chúng và giới phê bình văn học đánh giá là một bài thơ hay. 
Với tiêu chuẩn vừa nêu trên, chúng tôi xin mạn phép đóng vai trò người phu già vực lên trong tro than của quá khứ để tìm những viên ngọc quý không bị hủy hoại của lửa phần thư và không bị thời gian làm phai mờ trong tiềm thức của chúng ta. Đó là những tác phẩm Văn Học dân tộc tuyệt vời trân quý của một thời rạng rỡ tinh hoa của những tên tuổi được yêu thích như Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Trần Dạ Từ, Lê huy Oanh, Du Tử Lê, Hoàng Trúc Ly, Hoài Khanh, Viên Linh, Cao Tiêu, Thanh Nam, Tô Thùy Yên, Trần Hoài Thư, Hoàng Anh Tuấn, Tuệ Nga, Kim Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Huy Phương, Diên Nghị, Cao Mỵ Nhân, Song Nhị, Hà Thượng Nhân, Nguyễn Bắc Sơn, Hoàng Lộc, Hà Thúc Sinh, Thành Tôn, Tạ Ký, Lâm Hảo Dũng, Lữ Quỳnh..v.v.. 
Trong thời lượng ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ mạo muội đan cử một vài tác phẩm thi ca tâm đắc theo sở thích riêng tư, kính mong quý vị niệm tình thông cảm. Đó là những bài Tình Già của Phan Khôi, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Chào Nguyên Xuân của Bùi Giáng, Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa, Tiếng Chuông Thiên Mụ của Nhã Ca, Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng và Nguyện Cầu của Vũ Hoàng Chương. 
TÌNH GIÀ
Phan Khôi.
"Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở.
"Ôi! đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng, 
Mà lấy nhau hẳn là không đặng.
Để đến rồi tình trước phụ sau;
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!" 
Hay! nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ? 
Thương được chừng nào hay chừng nấy, 
Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung? 
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ nơi đất khách gặp nhau!
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. 
Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt có đuôi". 
TỐNG BIỆT HÀNH 
Thâm Tâm
Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt, 
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
-Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ.
Chí lớn chưa về bàn tay không 
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong. 
Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt, 
Một chị, hai chị cùng như sen 
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay: 
Trời chưa mùa thu, tươi thắm thay,
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc
Gói tròn thương nhớ chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! 
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi 
Em thà coi như hơi rượu say. 
ĐÂY THÔN VĨ DẠ
Hàn Mặc Tử. 
Sao anh không về chơi thôn Vĩ,
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây 
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 
Ai biết tình ai có đậm đà.
CHÀO NGUYÊN XUÂN
Bùi Giáng. 
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này 
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la 
Bên bờ nước có bóng ta bên người 
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi 
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham 
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây 
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu 
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà 
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài 
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau 
Thưa rằng: ly biệt mai sau 
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
ÁO LỤA HÀ ĐÔNG
Nguyên Sa.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng 
Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa 
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non 
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu 
Em không nói đã nghe lừng giai điệu 
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh 
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại 
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại 
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn 
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng 
TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ 
Nhã Ca. 
Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ 
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu
Bạch Hổ Cửa từ bi vồn vã bước chân sông
Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng 
Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn
Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn
Những sáng chim chiều dế canh gà 
Tiếng chuông buồn vui dợn thấu trong da
Người với chuông như chiều với tối 
Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy 
Tiếng chuông đến và đi chỉ mình tôi thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan 
Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em 
Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền
Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố 
Tiếng chuông tan dài như đêm không ngủ 
Tiếng chuông tan tành như tiếng vỡ trong tôi 
Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
Đổi họ thay tên viết văn làm báo 
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo 
Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư 
Tháp cổ chuông xưa, sông nhỏ sương mù
Dòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc 
Chuông cũ giờ đây bằn bặt trong da 
Tuổi hồng sa chân chết đuối bao giờ
Ngày tháng cũ cầm bằng như nước lũ 
Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ
Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi 
Tiếng chuông xưa kìa tuổi dại ta ơi 
Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói 
Những mảnh đồng đen như da đêm tối 
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình 
Những mảnh đồng đen như máu phục sinh 
Những mảnh đồng đen kề nhau bước tới 
Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi 
Thức dậy cùng dông bão, thức dậy cùng tan vỡ 
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay 
Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ 
Cho con trở về đừng mê sảng ngó.
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Quang Dũng.
Em ở thành Sơn chạy giặc về 
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi 
Cách biệt bao ngày quê Bất bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương 
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương.
Từ độ thu về hoang bóng giặc 
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn 
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan?
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cách đồng 
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc 
Buồn viễn xứ khôn khuây... 
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương 
Đường hoa khô ráo lệ 
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn 
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng 
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ quốc 
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa 
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa 
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Em có bao giờ nhớ đến ta. 
NGUYỆN CẦU 
Vũ Hoàng Chương. 
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi...
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về.
Trông ra bến Hoặc bờ Mê,
Ngàn thu nửa chớp, bốn bề một phương. 
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch, đừng vương gót này.
Để ta tròn một kiếp say, 
Cao xanh liều một cánh tay níu trời. 
Thơ ta chẳng viết cho đời, 
Không vang nhịp khóc dây cười nào đâu! 
Tâm hương đốt nén linh sầu 
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi,
Đêm nào ta trở về ngôi 
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn,
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm. 
(Hà Nội 1950) 
Chúng ta ai cũng hiểu, thời gian rồi sẽ qua đi, tất cả mọi hiện tượng vật chất rồi sẽ tan biến vào cõi vô thường. Chúng ta hãy nhận thức vai trò và bổn phận cao quý hơn nữa là phải quyết tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cội nguồn của Dân Tộc, chuyển đạt đến các thế hệ mai sau niềm tự hào là người Việt Nam chúng ta cũng có một nền Văn Hóa đầy Tình Tự Quê Hương, Nhân Bản và Sáng Tạo bằng trái tim từ ái ưu viễn tôn vinh tình người, thăng hoa hướng tới Chân Thiện Mỹ của nhân loại. 
THÁI TÚ HẠP
Theo http://www.ptgdn.com/

Leonardo Da Vinci (1452 – 1519), biểu tượng của tinh thần Phục Hưng

Leonardo Da Vinci (1452 – 1519), biểu tượng của tinh thần Phục Hưng
Leonardo da Vinci là một thiên tài lỗi lạc về mọi phương diện. Ông khảo cứu mọi vấn đề, thấu triệt tất cả rồi nghĩ ra nhiều dụng cụ, máy móc và nhiều sáng kiến của ông đã đi trước nền Khoa Học thời bấy giờ khiến cho vào thời đại của ông, người ta chưa thể thực hiện được những sáng kiến đó. Leonardo da Vinci vừa là họa sĩ, vừa là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà địa chất, nhà cơ thể học, nhà phát minh và nhà bác học, nói tóm lại ông là một nghệ sĩ lừng danh, một nhà tiền phong trong nhiều lãnh vực Khoa Học và Nghệ Thuật của thời kỳ Phục Hưng (the Renaissance), tức là một phong trào văn hóa bắt đầu tại nước Ý vào các năm 1300. Hai tác phẩm hội họa “Mona Lisa” và “Bữa Tiệc Cuối Cùng” (The Last Super) của Leonard da Vinci được xếp vào các bức danh họa tuyệt vời của thế giới.
1/ Thuở thiếu thời.
Leonardo da Vinci chào đời vào năm 1452 trong một ngôi nhà đổ nát bên ngoài ngôi làng Vinci, gần thành phố Florence thuộc miền trung của nước Ý. Thiên tài này đã sớm mang lấy số phận hẩm hiu của một đứa con đẻ hoang do một người đàn bà tầm thường có tên là Caterina. Người cha của Leonardo là ông Ser Piero da Vinci, một chưởng khế miền Florence, đã không nhìn nhận đứa con rơi này để lấy một thiếu nữ giàu có, nhưng vì người vợ chính thức này không có con, ông ta đã bắt Leonardo về nuôi khi đứa bé lên 5 tuổi.
Hàng rào xã hội đã ngăn cách mãi mãi Leonardo với người mẹ đẻ và vì thiếu tình mẫu tử, cậu bé này chỉ còn biết sống cô độc để suy nghĩ một mình. Vì người cha đối xử với Leonardo một cách hờ hững, có thể nói vì bổn phận, nên cậu bé được tự do lang thang trên các sườn đồi, sống giữa cảnh thiên nhiên mà tự tìm lấy nguồn an ủi. Cậu bé Leonardo tha thẩn cả ngày vào việc góp nhặt rất nhiều viên đá cuội đẹp, các cây cỏ hiếm thấy hay tự làm ra các đồ chơi để giải buồn.
Tuy còn ít tuổi, Leonardo đã có những thiên khiếu đặc biệt, những tài vặt và cậu có thể viết chữ ngược cũng như viết xuôi, bằng tay phải cũng như tay trái. Những tập sách dùng tiếng La Tinh khó khăn và buồn tẻ đã không hấp dẫn được cậu bé, Leonardo chỉ thích tự tìm hiểu thiên nhiên, cũng vì thế mà tới tuổi 15, Leonardo vẫn còn mù chữ.
Leonardo quả thực có tài vặt ngay từ khi còn ít tuổi. Một người quen biếu cha cậu một cái mộc bằng gỗ cây vả. Leonardo xin cha cho mình được phép trang trí cái mộc này. Cha cậu bằng lòng. Leonardo bí mật giam mình trong phòng luôn 8 ngày, cậu vẽ trên tấm mộc hình một con quỷ rất hung dữ đang phun lửa. Vào lúc chập tối, giữa đống xác rắn rết, Leonardo đưa trình tác phẩm cho cha coi. Bức hình trông rất ghê sợ, lại ở trong một khung cảnh gớm ghiếc, đã làm cho người cha phải giật mình, lùi bước. Leonardo thích thú, cậu coi đây là sự thành công. Cha Leonardo liền đem chiếc mộc của con bán cho một tiệm kim hoàn lấy 10 ducats và người này bán lại cho Hầu Tước miền Milan lấy 300 ducats.
Sau lần khám phá thấy tài năng của con, cha Leonardo nghĩ rằng thằng nhỏ có thể kiếm ra tiền được. Ông ta liền cho cậu vào học nghề tại xưởng của một người thợ kim hoàn xứ Florence tên là Andrea del Verrocchio. Verrocchio là một bậc thầy về thủ công nghệ. Ông ta chuyên đúc đồng, nặn tượng, chạm chổ kim loại. Khi được theo học Verrocchio, Leonardo mới cảm thấy mình dốt nát và hối tiếc những thời gian lãng phí trước kia. Nhưng nhờ có thiên tài, cậu không những học được nghề mà còn phát minh ra nhiều thứ khác, chẳng hạn như chiếc đồng hồ chạy bằng nước, chiếc máy dát mỏng kim loại hay những cây đàn Luthe chế tạo bằng xương cá và xương xọ của các con vật. Leonardo cũng tìm hiểu thêm về thiên văn và toán học.
Ngoài tài khéo tay đã làm cho các bạn của cậu phải khâm phục, Leonardo còn có một khuôn mặt đẹp đẽ, một thân hình cường tráng và một sức mạnh đáng kể cho phép cậu bẻ cong một móng ngựa bằng sắt hay giữ chặt một con ngựa đang lồng lộn. Để thay đổi lối giải trí, Leonardo học thêm về hội họa. Vào một buổi chiều trong khoảng năm 1472, ông Verrocchio mắc bận, phải để dang dở bức họa “Lễ Rửa Tội của Chúa” (The Baptism of Christ). Trong khi thầy vắng nhà, Leonardo liền lấy cọ và sơn màu, hoàn thành bức tranh bằng hình ảnh một thiên thần đang quỳ gối. Lúc trở về, Verrocchio đã ngắm nghía tác phẩm rồi vì quá cảm phục Leonardo, ông ta liền từ bỏ giá vẽ.

2/ Thời kỳ hoạt động.
Thời gian học nghề chấm dứt, các học viên đã thành tài đều trở về quê để mở các tiệm thủ công. Riêng Leonardo lúc này là chàng thanh niên 21 tuổi, vì không có vốn, nên đành ở lại làm công cho ông Verrocchio. Trong thời gian làm thợ, Leonardo được các tu sĩ Scopetto đặt vẽ tác phẩm “Lễ Dâng của các người kính Chúa Hài Đồng” (Adoration des Mages). Do tìm hiểu quá nhiều phương diện, mọi công việc không thể làm xong nhanh chóng được khiến cho các tu sĩ phải hối thúc chàng họa sĩ nhiều lần, Leonardo mới hoàn thành tác phẩm. Quá cảm phục trước những nét vẽ tuyệt vời, các tu sĩ Scopetto bèn thưởng thêm cho Leonardo một thùng rượu chát.
Sau đó ít lâu, một cuộc âm mưu đã tố cáo chàng họa sĩ vi phạm thuần phong mỹ tục. Vụ án kéo dài trong 2 năm rồi chàng được tha bổng. Sự việc này đã khiến Leonardo cảm thấy cay đắng khi phải giao tiếp với những người khác. Thêm vào đó, các rối loạn chính trị khiến chàng quan tâm cả về kỹ thuật quân sự. Leonardo đã nghĩ ra cách chế tạo nào thứ đại bác mới, nào xe có 3 bánh để chở súng, nào dụng cụ gạt đổ thang của địch quân tựa lên tường thành... Nhưng không ai đặt làm những phát minh này khiến chàng buồn bã và phải từ bỏ quê hương, đi tìm thời vận.
Leonardo liền tìm tới Hầu Tước miền Milan là Ludovico Sforza, là người có thể cần tới các sáng kiến quân sự để chống nhau với người Pháp. Hầu Tước Ludovico là con người xảo quyệt, đã tiếm đoạt quyền hành bằng nhiều thủ đoạn trong khi đó dân chúng lầm than, đói khổ vì sưu cao, thuế nặng. Leonardo đã phải sống im lìm giữa bầu không khí ngột ngạt, đầy những âm mưu bè phái, đầy các phản bội và thù hận trong suốt 8 năm trường, vì lúc bấy giờ chiến tranh chưa xẩy ra nên Hầu Tước Ludovico chưa quan tâm tới các phát minh khoa học của ông. Các sáng kiến của Leonardo đã đi trước thời đại nhiều thế kỷ. Leonardo đã phác họa ra chiến xa, xe hơi, lựu đạn, súng phun lửa, hơi ngạt... và những dụng cụ chiến tranh này được trình bày bằng những đường nét mỹ thuật cổ xưa nhưng cũng nói lên sự nhìn xa, biết rộng của Leonardo da Vinci và chứng tỏ rằng ông là một nhà phát minh dồi dào các tư tưởng cải tiến.
Năm 1490, bệnh dịch hạch lan tràn tới miền Milan. Hầu Tước Ludovico chạy khỏi thành phố sau khi đã trao việc cứu chữa cho các nhà chiêm tinh. Nhân dịp này, Leonardo đã đề nghị những giải pháp vệ sinh và ông nghiên cứu một kế hoạch chỉnh trang đô thị. Theo ông, nên phân tán các thành phố lớn thành nhiều nhóm thị trấn chứa độ 30 ngàn người, và đường phố phải rộng bằng chiều cao của các tòa nhà. Ông còn trù liệu hệ thống cống rãnh để thoát nước và những phương pháp làm thoáng khí. Việc khảo sát ngành kiến trúc đã khiến ông nghiên cứu luật phối cảnh và môn quang học. Ông là người đầu tiên tìm ra thủy tinh thể khi khảo sát con mắt. Ông đã cải tiến rất nhiều máy móc, tiên liệu về máy may và trù tính cả sự thay thế nhân công bằng người máy. Nhưng tất cả óc sáng kiến lẫn tài ba lỗi lạc về ngành Hội Họa của Leonardo da Vinci đều không được Hầu Tước Ludovico quan tâm tới, Hầu Tước chỉ sai Leonardo thực hiện các công việc viển vông.
Trong khi Leonardo đang do dự sẽ từ bỏ nghề hội họa thì tu viện Santa Maria delle Grazie tại Milan, đặt ông vẽ bức họa “Bữa Tiệc Cuối Cùng” (The Last Super). Nhưng ông đã không vẽ xong sớm khiến cho vị tu sĩ quản đốc thúc dục. Bực mình, ông liền trả lời vì còn đang tìm kiếm một người mẫu để vẽ nhân vật Judas, và nếu vị tu sĩ bằng lòng ngồi làm mẫu thì bức họa mới mau hoàn thành. Từ đó không ai dám thúc dục Leonardo nữa. Khi được vẽ xong, bức họa này đã mang lại danh vọng vô bờ cho Leonardo da Vinci.
Sau đó ít lâu, Hầu Tước Ludovico đặt Da Vinci đắp một bức tượng cha mình đang cưỡi ngựa, một công việc khiến cho ông phải nghiên cứu tỉ mỉ cơ thể của loài ngựa và nhân dịp này, ông lại vẽ ra các kiểu chuồng ngựa mới rất tiện lợi và tối tân hơn.
Khi đã nghiên cứu về cơ thể loài ngựa xong, Da Vinci phác họa xây đắp một con ngựa dài 7 thước đang phi nước kiệu và đè chết một địch quân. Nhưng mẫu hình này không làm cho Hầu Tước Ludovico vừa ý và Hầu Tước dự tính dùng một nhà điêu khắc khác thực hiện. Da Vinci quá chán nản về thất bại này. Thế rồi một sự việc đã cứu vãn hoàn cảnh của ông. Vào tháng 1 năm 1491, Ludovico sẽ thành hôn với nàng Beatrice d’Este. Da Vinci được giao phó công việc vẽ các kiểu áo và trang hoàng các lâu đài và đại hí viện. Nhờ tài năng về máy móc, Da Vinci đã thành công rực rỡ trong một màn trình bày các thiên thần giáng phàm để ca ngợi Beatrice. Cả nước Ý nói về thành quả này. Da Vinci nhờ vậy được phép thực hiện lại bức tượng. Sau hơn hai năm trường, tấm màn phủ mẫu hình bằng đất được mở ra để công chúng ngắm coi vào năm 1493. Tất cả mọi người đều phải trầm trồ ngợi khen tác phẩm điêu khắc này và sau đó, Leonardo da Vinci đã trở thành một nhà tiên trị về một trường phái mỹ thuật mới. Nghệ sĩ tại khắp bốn phương đều bắt chước quan niệm mỹ thuật của Da Vinci. Thật là mỉa mai khi một nhà danh họa phải nhờ tài đạo diễn của mình mới trở nên nổi tiếng.
Nhờ thành công về điêu khắc, Da Vinci được Hầu Tước Ludovico quý trọng hơn. Ông được tăng thêm tiền trợ cấp nhờ đó có thể nghiên cứu thêm về hội họa, và sự học hỏi về cơ thể con người khiến ông giải phẫu các xác chết để tìm hiểu tường tận từng thớ thịt. Các bức họa thực hiện trong thời kỳ sống tại Milan đã khiến cho Da Vinci nổi danh và mọi người phải kính phục ông. Những tác phẩm của ông đã ảnh hưởng tới một số họa sĩ trẻ, kể cả Sandro Botticelli và Piero di Cosimo. Những nghệ sĩ này trở nên các nhà lãnh đạo của các họa sĩ thuộc thế hệ mới của miền Florence, rồi sau khi trở về nơi này lần thứ hai, các họa phẩm của Leonardo da Vinci còn ảnh hưởng tới một thế hệ họa sĩ trẻ khác bao gồm Andrea del Sarto, Michelangelo và Raphael.
Khi quân lính Pháp tràn qua dãy núi Alpes vào năm 1499, Ludovico Sforza thua trận và bị cầm tù. Vì không có ngươi che chở, Da Vinco đành từ bỏ Milan, sang thành phố Mantua, tại nơi đây ông đã vẽ một bức họa danh tiếng cho bà vợ của Hầu Tước Mantua tên là Isabella d’Este. Khi sống tại Venice, Da Vinci đã dâng hiến các phát minh về quân sự. Ông đã thực hiện cho Hầu Tước Cesar Borgia các áo lặn và người nhái để bảo vệ hải cảng. Ông còn nghiên cứu phép vẽ bản đồ, cách đào kênh và cách chế tạo tầu ngầm, nhưng phát minh lợi hại này đã khiến ông suy nghĩ và dấu kín.
Sau khi sống tại Venice một thời gian, Da Vinci trở về Florence vào năm 1500 và ông nghiên cứu máy bay. Người dân tỉnh này đã tưởng ông điên khùng khi ông mua rất nhiều chim rồi thả cho chúng bay đi, có ai biết rằng ông đang khảo sát cách đập cánh của loài chim. Rất tiếc rằng sức mạnh do chân và tay của con người không đủ mạnh và phát minh về máy bay do người đập cánh của ông đã không thành công.
Trong các năm từ 1513 tới 1516, Leonardo da Vinci sống tại Rome do lời mời của Hồng Y Giuliano de Medici, người anh em của Giáo Hoàng Leo X. Vào thời gian này, các nghệ sĩ lừng danh đang làm việc tại Rome như Donato Bramante trông coi xây dựng Giáo Đường St. Peter’s Basilica, Michelangelo lo việc nặn tượng và kiến trúc tại ngôi mộ của Giáo Hoàng Julius, và Raphael thực hiện các bức danh họa trong các căn phòng của Giáo Hoàng. Leonardo được mời vẽ các bản đồ và lo cải tạo vùng sình lầy Pontine gần Rome.
Từ thời kỳ Phục Hưng, các vua chúa đều mong muốn tập trung trong triều đình các nghệ sĩ và các học giả. Vào năm 1516, Leonardo da Vinci được Vua Francis I của nước Pháp mời qua Pháp làm việc. Ông đã cư ngụ trong lâu đài Cloux tại Amboise, gần Tours, trong 3 năm và được tặng danh hiệu là “nhà hoạ sĩ, kiến trúc sư và nhà cơ khí số một của nhà vua”. Ông được tự do khảo sát bộ môn nào ưa thích. Chính trong thời gian này, Leonardo đã phác thảo rất nhiều bản vẽ kiến trúc như xây dựng lâu đài, vườn hoa, nghiên cứu khoa học, cơ thể học, không thể học (aerology), thủy tĩnh học (hydrology)...
Leonardo da Vinci qua đời tại Cloux vào ngày 2 tháng 5 năm 1519 và được chôn cất trong phần đất nhà thờ của lâu đài này. Về sau trong cuộc Cách Mạng Pháp, nhà thờ Cloux cùng với các kỷ niệm quốc gia khác đã bị tàn phá và người ta không còn biết nắm xương tàn của nhà danh họa và bác học này ở đâu.
3/ Vài tác phẩm danh tiếng của Leonardo da Vinci.
Ngày nay, tác phẩm hội họa được nhiều người biết tới nhất của Leonardo da Vinci là bức “La Gioconda”, hay thường được gọi bằng tên “Mona Lisa”. Có lẽ đây là bức chân dung danh tiếng nhất từ xưa tới nay. Mona Lisa có lẽ là người vợ trẻ của một nhà buôn lụa xứ Florence, tên là Francesco del Giocondo. Mona Lisa là tên gọi tắt của Madonna Lisa (qúy bà Lisa) còn tên La Gioconda có nghĩa là bà Giocondo. Tác phẩm với món tiền thù lao cao nhất của Da Vinci là bức họa lớn dang dở có tên là “Trận Chiến Anghiari” (the Battle of Anghiari) vẽ trên tường trong phòng của tòa Đô Sảnh Florence, mô tả một trận đánh bằng kỵ binh với các chiến binh hung hãn trên lưng ngựa và các đám bụi mù, đây là cảnh đạo quân Florence đã đánh bại đạo quân Milan vào năm 1440.
The  Last Supper 1498
  Fresco, 460 x 880 cm (15 x 29 ft); Convent of Santa Maria delle Grazie (Refectory), Milan
 Nhiều người cũng ca tụng tuyệt tác phẩm “Bữa Tiệc Cuối Cùng” (The Last Super) vẽ trên tường của phòng ăn nơi tu viện Santa Maria tại Milan, nước Ý. Đây là cảnh bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ, và Chúa mới cho biết có một người trong nhóm này sẽ phản lại Chúa.
Một tác phẩm điêu khắc còn dang dở của Leonardo da Vinci là bức tượng khổng lồ một nhân vật cưỡi ngựa, được dựng lên để vinh danh Francesco Sforza, nhà sáng lập của triều đại Sforza. Nhà danh họa Da Vinci đã bỏ ra 12 năm trường để trù liệu bức tượng này. Sự chính xác về cơ thể của người và ngựa, các tỉ lệ chính xác và nét chuyển động khéo léo của bức tượng đã là mẫu mực của ngành điêu khắc trong thế kỷ 17.
 
                               Virgin and Child with St. Anne

Các sáng kiến, tài năng đa dạng và tầm hiểu biết rộng lớn của Leonardo da Vinci đã khiến cho người đời sau coi ông là một biểu tượng của tinh thần Phục Hưng.
Phạm Văn Tuấn

Leonard da Vinci là cha đẻ của ôtô?

Minh Thi
Họa sĩ lừng danh thời Phục hưng đồng thời là một kỹ sư tài ba, nhưng ít ai biết rằng ông còn là cha đẻ của những chiếc xe hơi ngày nay. Hôm qua, Bảo tàng Khoa học Lịch sử ở Florence, Italy, đã trình làng chiếc ôtô đầu tiên, được chế tạo dựa trên những phác hoạ trong sổ tay của da Vinci.
"Đây thực sự là một công việc mạo hiểm, nhưng cũng giúp chúng tôi mang đến cho mọi người cái nhìn sâu hơn về trình độ am hiểu xe hơi của Leonardo", Paolo Galluzzi, Giám đốc bảo tàng, phát biểu.
Cỗ máy kỳ cục có bộ dạng giống xe kéo này chạy bằng lò xo thay vì xăng, và có thể được cố ý để phát ra những âm thanh đặc biệt tại các sự kiện sang trọng, nhưng nó vẫn là phương tiện tự đẩy đầu tiên trên thế giới, các chuyên gia nhận định.
Chiếc xe không phải là sáng chế đầu tiên được phát hiện trong những bản thảo bí ẩn của da Vinci, bao gồm cỗ máy biết bay, trực thăng, tàu ngầm, xe tăng quân sự và xe đạp.
Sinh tại Florence vào năm 1452, da Vinci được coi là "Người đàn ông thời Phục Hưng" - một danh hoạ, một nhà điêu khắc, kỹ sư và nhạc sĩ. Rất nhiều sáng kiến của ông được ghi lại trong những sổ tay hiện được lưu trữ tại bảo tàng và thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ cũng như giới khoa học.
Năm 1905, Girolamo Calvi, một trong những người đầu tiên nghiên cứu về da Vinci, đã tìm ra mối liên hệ giữa những bản vẽ của nhà khoa học với những chiếc ôtô đầu tiên xuất hiện trên đường phố.
Năm 1936, Calvi đã gọi một trong những phác hoạ của da Vinci là "Fiat của Leonardo", nhưng chỉ đến gần đây các nhà khoa học mới giải nghĩa chính xác bản phác hoạ đó, và những mô hình hiện được trưng bày tại Florence là công trình tái hiện đầu tiên.
Ba mô hình ôtô của da Vinci sẽ được trưng bày tại bảo tàng đến ngày 5/6/04.


  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...