Cái chết và sự sống bất diệt
Khi bạn đi ngang qua một khu rừng nguyên sinh, chưa bị ô nhiễm hay xâm
phạm bởi con người, bạn không chỉ có cảm nhận rằng đời sống chung quanh rất
giàu có và đa dạng. Bạn sẽ đồng thời gặp những thân cây gãy đổ ngả nghiêng và
những gốc cây đang mục nát, những chiếc lá bị thối rữa, những xác thú vật chết
đang bị phân họai. Bất kỳ chỗ nào bạn để mắt nhìn, bạn sẽ thấy cái Chết và sự
Sống đan quyện vào nhau.Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, bạn sẽ khám phá được rằng
gốc cây đang mục nát và những đám lá thối rữa kia không những đang làm cho sự
sống được tiếp diễn mà chính những gì
đang mục rữa đó cũng tràn trề sự sống. Có những vi sinh vật đang hoạt động nhộn nhịp. Có những phân tử
đang tự phối trí lại. Do đó không thực sự có cái gì chết cả, bất kỳ ở đâu. Mà
chỉ là sự biến hình của những sinh thể sống. Chúng ta học được gì từ nhận thức này?Cái
Chết không phải là đối cực của đời sống. Đời sống là một cái gì không có đối
cực. Đối cực của cái chết là sự tái sinh. Còn đời sống thì vô tận.
Các nhà hiền triết và thi nhân từ xưa đến nay
thường nhận biết tính chất hư ảo của đời sống – dù trên bề mặt nó có vẻ rất
chắc nịch và có vẻ rất thực, nhưng đời sống rất chóng phôi pha như thể nó có
thể tan họai đi bất kỳ lúc nào.Đến phút lâm chung, quả thực câu chuyện về cuộc
đời bạn có thể như là một giấc mơ đang đến hồi kết thúc. Dù có như là một giấc
mơ đi nữa thì cũng có một cái gì đó chân thật. Phải có một cái Tâm – khả năng
nhận biết – trong đó giấc mơ được xảy ra; chứ nếu không thì đâu thể có chuyện
gì xảy ra.Cái Tâm ấy do thân thể tạo ra hay chính Tâm đã tạo nên một giấc mơ về
một thân thể, giấc mơ về một thân thể của một con người?Tại sao đa số những
người đã có kinh nghiệm chuyện chết đi sống lại không còn sợ hãi khi phải đối
diện với cái chết nữa? Chúng ta hãy chiêm nghiệm thêm về điều này.
Dĩ nhiên bạn biết là bạn sẽ chết, nhưng điều
đó chỉ là một khái niệm ở trong đầu bạn cho đến khi lần đầu bạn đối diện với
cái chết đang thực sự đến với chính mình: qua một cơn trọng bệnh hoặc một tai
nạn xảy ra cho bạn hoặc cho người thân của bạn, hoặc có một người thân của bạn
vừa mất đi, cái chết đi vào cuộc đời bạn khi bạn ý thức được khả năng có thể bị
họai diệt của chính mình.Đa số, vì sợ hãi, người ta thường tránh né vấn đề sống
chết của mình, nhưng nếu bạn không nao núng và dám đối diện với sự thực rằng
thân thể bạn rất chóng lụi tàn và có khả năng biến họai bất kỳ lúc nào, thì bạn
sẽ không còn tự đồng hóa mình, dù ít hay nhiều với thân thể và tình cảm của
mình, hay với “cái Tôi” giả dối của bạn. Khi bạn nhận ra và chấp nhận tính vô
thường của mọi sự, mọi vật, sẽ có một cảm giác an bình phát sinh ở trong
bạn.Nhờ đối diện với cái Chết, tâm thức bạn, không ít thì nhiều, sẽ có tự do để
không còn bị đồng hóa với những ý tưởng miên man hay cảm xúc tiêu cực của mình.
Đó là lý do tại sao có những truyền thống Phật giáo, các thầy tu thường đến các
nghĩa địa hay các nhà quàng để ngồi Thiền bên cạnh những thây người chết.Trong
nhiều nền văn hóa phương Tây, người ta vẫn còn thói quen tránh né những gì liên
quan đến cái Chết. Ngay cả những người già ở phương Tây cũng không dám nghĩ hay
nói gì về đề tài này, xác chết thường được tẩm liệm rất đẹp hoặc giấu biệt đi.
Một nền văn hóa mà chối bỏ sự hiển nhiên của cái Chết thì sẽ không tránh khỏi
trở nên một cái gì đó cạn cợt và giả dối, vì họ chỉ quan tâm đến bên ngoài của
mọi sự, mọi vật. Khi cái Chết đã không còn được chấp nhận, đời sống sẽ mất đi
chiều sâu của nó. Khả năng nhận thức được bản chất chân thật của chúng ta, vượt
lên trên ngôn từ và hình tướng, một chiều không gian vượt thoát, chiều không
gian đó sẽ bị biến mất ra khỏi đời sống của chúng ta vì cái Chết chính là một
cánh cửa để đưa bạn đi vào chiều không gian đó.
Chúng ta thường không dám đối diện với sự kết
thúc hay chung cuộc của một việc gì, vì mỗi sự chung cuộc là một cái chết nhỏ.
Cho nên chữ “tạm biệt’, trong nhiều văn hóa khác nhau, thường được nói là “hẹn
gặp lại”.Khi một kinh nghiệm gì của bạn đi đến hồi kết thúc – một buổi tiệc với
bạn bè, một kỳ nghỉ mát, con cái của bạn trưởng thành muốn dọn ra ở riêng – bạn
như chết đi một phần nào. Một “hình tướng” của kinh nghiệm ấy ở trong tâm thức
bạn đang bị phân rã đi. Thông thường điều này sẽ để lại ở trong bạn một cảm
giác trống vắng mà đa số chúng ta sẽ tìm cách tránh né để khỏi phải đối diện
với cảm giác hụt hẫng ấy.Khi bạn đã học được cách chấp nhận, và nếu được, chào
đón những hồi kết thúc của một việc gì trong đời bạn, bạn sẽ thấy rằng cảm giác
trống vắng mà bạn cảm thấy lúc ban đầu sẽ dần dần trở thành một cảm giác rộng
thoáng và một niềm an bình sâu lắng ở trong bạn.Bằng cách thực tập đối diện với
cái Chết mỗi ngày, bạn sẽ mở lòng mình ra với sự Sống.
Đa số chúng ta thường có cảm nhận về chính
mình như là một vật gì quý giá, mà không muốn bị mất đi. Đó là lý do chúng ta
rất sợ cái Chết.Thật không thể tưởng tượng được nỗi sợ hãi đối với một con
người khi tự nghĩ rằng “Tôi” có thể biến mất trên cuộc đời này. Nhưng bạn nhầm
lẫn “cái Tôi quý báu ấy” với tên gọi, với hình tướng và với những câu chuyện về
chính mình(1) mà bạn đã tự thêu dệt nên. Cái Bản Ngã ấy chẳng có chi xa lạ mà
chỉ là sự phối hợp tạm thời của nhiều điều kiện và nhân duyên trong một chuỗi
của những biểu hiện trên bề mặt của Tâm.Khi nào mà bạn vẫn còn đồng hóa mình
với ngoại cảnh, với hình tướng, bạn sẽ không ý thức được rằng sự cao quý ấy
chính là bản chất thường hằng của bạn, chính là cảm nhận sâu thẳm về những gì
đang Hiện Hữu, đó cũng chính là Tâm. Đó chính là sự vĩnh cửu, thường còn ở
trong bạn – và đó là thứ duy nhất mà bạn không bao giờ có thể đánh mất được.
Khi nào có một sự mất mát lớn xảy ra cho bạn – như là mất tài sản, mất
nhà, mất đi một quan hệ thân thiết, hay bị mất danh dự, mất việc, hay mất đi
khả năng bình thường trong cơ thể bạn – sẽ có một cái gì đó ở trong bạn bị chết
đi. Bạn sẽ cảm thấy mất đi cảm nhận về chính mình. Có thể bạn còn cảm thấy một
sự hụt hẫng, rằng: “Nếu không còn những thứ này… thì tôi là ai?”.Một khi bạn vô
thức tự đồng hóa mình với một hình tướng nào đó, như là chính mình, bị mất đi
hay đã bị biến đổi, điều này là cực kỳ đau đớn cho bạn. Có thể nói rằng điều
này sẽ tạo nên một lỗ hổng lớn ở trong bạn, không dễ gì lấp đầy.Khi điều này
xảy ra, bạn không nên chối từ hoặc làm ngơ nỗi đau ấy hay cảm giác buồn khổ mà
bạn sẽ cảm thấy. Hãy chấp nhận sự hiện diện của những cảm xúc ấy. Nên chú tâm
đến khuynh hướng thêu dệt nên một câu chuyện không có thực của trí năng bạn
quanh sự mất mát này, trong đó bạn tự gán cho mình vai trò của một nạn nhân. Sự
sợ hãi, giận dữ, ghét bỏ, hay tự thương hại chính mình sẽ là những cảm xúc phát
sinh khi bạn tự cho mình chỉ là một nạn nhân. Rồi bạn cũng nên chú tâm đến
những gì nằm đằng sau những cảm xúc đó, cũng như những gì nằm đằng sau những
câu chuyện được thêu dệt nên của trí năng: Cái lỗ hổng của sự trống vắng ở
trong tâm hồn của bạn. Nhưng bạn thừa khả năng để đối diện và chấp nhận cảm
giác xa lạ của sự trống vắng đó. Khi làm được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng, sự
trống vắng đó không đáng sợ như bạn nghĩ. Bạn có thể rất ngạc nhiên khi nhận ra
rằng có một niềm an bình toát ra từ chỗ trống vắng ấy(2).Khi cái Chết xảy đến,
khi một cơ thể sống bị phân hủy, Thượng Đế hay Vô Tướng sẽ được chiếu sáng qua
cánh cửa sổ được mở ra bởi sự phân họai ấy. Do đó, cái Chết là một cái gì linh
thiêng nhất trên đời. Đó cũng là lý do bạn có thể đạt được niềm an lạc sâu nhất
trên đời chỉ có thể đến với bạn qua sự chiêm nghiệm và chấp nhận cái Chết.
Đời sống của mỗi con người thực ngắn ngủi biết bao, đời sống của chúng
ta chóng tàn họai biết bao. Bạn thử hỏi “Có cái gì trong cuộc đời này trường
cửu, không bị chi phối bởi luật sinh diệt?”.Hãy thử chiêm nghiệm điều này: Nếu
trên đời chỉ có độc một màu xanh thì cả thế giới và mọi thứ trong đó đều mang
màu xanh, và như thế thì màu xanh sẽ không còn được phân biệt. Do đó chúng ta
cần phải có một màu gì khác, không phải là màu xanh, để chúng ta phân biệt được
đây là màu xanh, nếu không thì màu xanh sẽ không có gì khác biệt, sẽ không hiện
hữu.Tương tự như thế, không phải ta cần phải có một cái gì đó không bị biến đổi
và trường cửu để cho tính vô thường của mọi thứ được hiển bày? Nói một cách
khác: Nếu mọi thứ, kể cả chính bạn, là vô thường, lúc đó liệu bạn có cách nào
để nhận thức được tính vô thường này? Có phải nhờ chính bạn nhận thức được và
chứng kiến tính mau tàn họai của vạn vật, kể cả hình hài của chính bạn, mà bạn
nhận ra rằng có một cái gì ở trong bạn không bị chi phối bởi quy luật vô
thường?Khi bạn đang ở độ tuổi hai mươi, bạn nhận thức rằng cơ thể của bạn rất
khỏe mạnh và tràn đầy sức sống; sáu mươi năm sau, bạn sẽ nhận ra rằng cơ thể
của mình bây giờ đã suy yếu và già nua. Ngay cả những suy nghĩ của bạn trong
tuổi già cũng thay đổi so với năm bạn hai mươi tuổi, nhưng riêng phần nhận thức
ở trong bạn – cái phần nhận biết rằng cơ thể bạn đang trẻ, hoặc đã già nua
không hề bị biến dạng. Phần nhận biết đó chính là sự trường cửu ở trong bạn –
chính là Tâm. Đó chính là Sự Sống Duy Nhất vô hình tướng. Bạn có thể đánh mất
sự sống này? Không, không bao giờ, vì bạn chính là Sự Sống Duy Nhất đó.
Có nhiều người đã trở nên an tịnh một cách
sâu sắc và hầu như trở nên sáng suốt trước khi đi vào Cõi Chết, như thể có một
cái gì đó chiếu qua hình hài đang tàn họai của họ.Nhiều khi những người già hay
người bệnh nặng bỗng trở nên thanh thoáttrong những năm tháng ngắn ngủi cuối
cùng của đời họ. Khi họ nhìn bạn, bạn có thể nhận ra như thể có một luồng ánh
sáng chiếu xuyên qua đôi mắt họ. Hầu như không còn khổ đau tâm lý nào còn sót
lại ở trong họ. Họ đã buông bỏ hết, do đó con người, “cái Tôi” được tạo dựng
nên bởi trí năng, đã không còn nữa. Họ đã “biết chết trước khi thực sự đối diện
với cái Chết” và tìm ra được niềm an bình sâu lắng ở bên trong; đó là nhận thức
về một cái gì bất tử ở trong họ.
Mỗi một tai họa luôn ẩn giấu một khả năng của
một sự cứu rỗi lớn lao mà chúng ta thường không biết được.Trước một cú sốc bất
ngờ, hay đối diện với thần Chết không thể tránh được, có thể buộc bạn phải hoàn
toàn thoátra khỏi sự đồng hóa mình với hình tướng. Trong những giây phút cuối
cùng trước khi bạn đi vào cái Chết, và ngay cả lúc bạn lâm chung, bạn sẽ kinh
nghiệm rằng bạn là Tâm thoát ly với những gì thuộc về hình tướng. Và bỗng nhiên
bạn không còn sợ sệt, tất cả chỉ còn là nỗi an bình với hiểu biết rằng “mọi
chuyện đều suôn sẻ cả” và cái Chết chỉ là sự tàn họai của những hình tướng ở
bên ngoài. Cái Chết lúc đó trở thành một ảo tưởng rất sai lầm – cũng sai lầm
như chuyện bạn đã từng nhận lầm mình chỉ là cơ thể của mình(3).
Cái Chết không còn là một cái gì bất thường
hay là một điều đáng làm cho bạn chán ghét nhất như nền văn minh hiện đại cứ
muốn bạn tin, mà cái Chết là một cái gì rất tự nhiên trong đời, không thể tách
rời khỏi sự Sống – đối cực rất tự nhiên của nó. Hãy luôn tự nhắc nhở mình mỗi
khi bạn ngồi bên giường của một người đang hấp hối.Quả là một vinh dự và cũng
là một điều rất thiêng liêng khi bạn được ngồi bên cạnh một người đang hấp hối
như là một chứng nhân và đồng thời cũng như một người bạn đồng hành của người
đó.Khi bạn ngồi với một người đang hấp hối, đừng cố chối bỏ bất kỳ một khía
cạnh nào của kinh nghiệm đó cả. Đừng chối bỏ những cảm xúc bạn đang có hay
những gì đang xảy ra. Cảm nhận rằngbạn không thể làm gì khác để thay đổi tình
trạng đó có thể làm cho bạn cảm thấy bất lực, buồn chán hay trở nên giận dữ.
Nhưng bạn hãy thực tập chấp nhận những gì bạn đang cảm thấy ở trong lòng. Rồi
đi sâu thêm một bước nữa: chấp nhận rằng bạn không thể làm gì được với tình
trạng người kia đang hấp hối, và chấp nhận điều ấy hoàn toàn. Bạn không có sự
chủ động về những gì sẽ xảy đến cho người ấy đâu. Hãy chấp nhận một cách sâu
sắc tất cả mọi khía cạnh của kinh nghiệm mà bạn không có sự chủ động này, cảm
xúc của bạn cũng như cảm giác đau đớn, khó chịu mà người hấp hối đang trải qua.
Trạng thái chấp nhận hoàn toàn trong tâm thức bạn và sự yên lắng đi kèm sẽ giúp
rất nhiều cho người đang hấp hối và giúp cho người ấy đi qua giai đoạn chuyển
tiếp(4). Nếu cần phải nói một điều gì, thì lời nói sẽ tự nhiên đến từ sự tĩnh
lặng ở trong bạn. Nhưng ngôn ngữ lúc đó chỉ là thứ yếu.Khi có sự tĩnh lặng thì
sẽ có điều tất yếu: sự an bình.
(1) Những câu chuyện mà bạn tự thêu dệt nên:
Khi có một biến cố xảy ra, chúng ta thường không nhìn sự việc một cách chính
xác, đúng đắn, khách quan. Trái lại, chúng ta có khuynh hướng nhìn sự việc rất
lệch lạc và có khuynh hướng xem mình là nạn nhân của biến cố đó. Khi làm một
nạn nhân như thế, chúng ta sẽ không phải chịu trách nhiệm phần của mình trong
biến cố và do đó đánh mất cơ hội để hiểu mình hơn, đánh mất cơ hội nhìn ra và
chữa lành những khiếm khuyết cũng như những vết thương lòng được bộc lộ ra
trong biến cố đó. Chúng ta thích làm nạn nhân của cuộc đời và thường có rất
nhiều mẩu chuyện với tâm thức nạn nhân được chúng ta đem ra chứng minh, kể đi
kể lại nhiều lần.
(2) Niềm an bình toát ra từ chỗ trống vắng
ấy: Có thể nói rằng chỗ trống vắng ở trong tâm hồn mình là nơi phát ra tiếng
gọi, gọi ta trở về với nguồn cội. Do đó, khi trở về với khoảng trống ấy ở trong
ta, bạn sẽ cảm nhận được một niềm an bình như một người đã trở về nhà.
(3) Nhận lầm mình chỉ là cơ thể của mình:
Theo duy thức học Phật giáo, Thân Kiến là một nhận thức sai lầm khi bạn cho
rằng “Tôi chính là cơ thể này của tôi” hay “Cơ thể này là của tôi”. Từ sai lầm
khi tự đồng hóa mình với cơ thể như thế, chúng ta sẽ có nhu yếu xem trọng thân
thể của mình một cách quá đáng hoặc lo cung phụng, đi tìm lạc thú cho cơ thể
qua chuyện dục tình, truy hoan. Hoặc lo sợ, bất an đến khủng hoảng tinh thần
khi nghĩ đến bệnh tật, già nua, một chuyện gì đó có thể xảy ra làm tổn thương
đến cơ thể của mình. Mặt khác, ta cũng sai lầm khi cho rằng mình chỉ là những
cảm xúc vẩn vơ, hay những lo sợ miên man thường phát sinh ở trong đầu.
(4) Giai đoạn chuyển tiếp (của người hấp
hối): Theo Tử Thư Tây Tạng, một cuốn sách dạy về những giai đoạn trong 49 ngày
mà linh hồn người chết sẽ trải qua khi đi qua cái Chết, thì cái Chết thực ra là
một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải điểm kết thúc của một đời người. Tình
trạng tâm lý của người hấp hối và nghiệp lực của người ấy đã tạo ra lúc sinh
tiền có ảnh hưởng rất lớn đến những gì sẽ xảy ra cho người đó khi họ đi qua sự
chuyển tiếp này. Nếu người hấp hối lúc sống thường ở trong tâm trạng sợ hãi,
buồn phiền, giận dữ,… thì phút lâm chung họ sẽ rất khó chọn một kinh nghiệm tốt
đẹp để đi đầu thai sang một kiếp khác. Điều mà người thân có thể làm là giữ cho
lòng mình đừng quá bi thương khi người thân hấp hối hay vừa mất, vì khi mình
khổ thì người ấy sẽ cảm nhận nỗi khổ của mình với cường độ gấp trăm lần nỗi khổ
của mình. Do đó, người hấp hối sẽ rất bất an, bối rối, vì không làm được gì để
giúp cho nỗi khổ của người thân; nên họ sẽ không dễ dàng siêu thoát, hoặc sẽ
thiếu sáng suốt để chọn con đường lành khi đi đầu thai. Đó là lý do người ta
thường nhờ các thầy đến tụng kinh, cầu siêu hay nhờ các vị linh mục ban phép
giúp cho linh hồn người chết cảm thấy nhẹ nhàng, yên ổn.
Trích Sức Mạnh Của Tĩnh Lặng
(Stillness Speaks) của Eckhart Tolle
Nguồn: trungtamhotong.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét