Những trang văn của người đàn bà "bay qua giấc mơ"
Tập truyện ngắn
“Bay qua giấc mơ” của Lê Thanh Chung là những trăn trở muôn thuở của đời người
đi tìm hạnh phúc.
Không bao giờ tự nhận
mình là nhà văn, không mong mình trở thành người cầm bút, với Lê Thanh Chung,
viết đơn giản chỉ là viết. Chị viết cho bạn bè, cho người thân và biến nó thành
món quà tặng của cuộc sống. Văn chương cũng giống như con người. Ngòi bút trăn
trở đầy suy tưởng, đâu đó lại pha chút nghịch ngợm và ngang tàng giống như Hồ
Xuân Hương đã khiến cái tên Thanh Chung nổi tiếng trong cộng đồng mạng.
Ngay từ khi tập truyện
ngắn “Bay qua những giấc mơ” còn chỉ là những bài viết ngắn trên blog “Gửi
hương cho gió”, đã có cả nghìn blogger yêu thích. Thanh Chung trước giờ chưa
bao giờ có ý định xuất bản sách hay bán sách của riêng mình nhưng với “Bay qua những
giấc mơ”, chị lại có một tham vọng.
Thanh Chung dí dỏm:
“Được sự động viên, cổ vũ từ bạn bè, độc giả trên các mạng xã hội… tôi lại một
lần nữa ‘liều lĩnh tấn công’ vào văn học”. Bỏ toàn bộ tiền túi cùng một số nhà
hảo tâm để in cuốn sách, Thanh Chung muốn sử dụng cuốn sách để gây quỹ hướng về
những em nhỏ miền núi có hoàn cảnh khó khăn.
Tác giả Lê Thanh
Chung và
nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên
|
Cùng với nhóm “Vì ta
cần nhau”, Thanh Chung sẽ đi những chuyến thiện nguyện, mang áo ấm, sách vở đến
với thầy trò vùng cao. Giá sách chỉ khiêm tốn với 60.000/cuốn nhưng Thanh Chung
vẫn rất mãn nguyện. Chị chia sẻ: “Sách chỉ in có 2000 quyển nhưng đã bán được
gần hết. Mọi người vừa mua sách vừa ủng hộ. Đó đều là tấm lòng giúp đỡ các em
nhỏ vùng xa còn nhiều khó khăn”.
Chắp cánh những ước mơ
Con người luôn cần
phải mơ ước. Ước mơ là động lực cho sự tồn tại. Những ước mơ nhỏ nhoi, những
ước mơ táo bạo cùng với những con người dám bay lên để biến nó thành điều cao
cả hơn.
Tập truyện ngắn “Bay
cùng giấc mơ” dày 200 trang với 36 câu chuyện, chẳng dài cũng chẳng ngắn nhưng
chứa đựng biết bao câu hỏi và trăn trở về hạnh phúc. Những trĩu nặng trong tâm
tư của một người phụ nữ có tài, giỏi giang trong công việc, tử tế và vị tha
trong khát vọng yêu và được yêu cứ như thế trải dài trên suốt những trang giấy
mỏng manh.
Những câu chuyện của
Thanh Chung luôn xoay quanh những mối tình dang dở, ngang trái. Đó là những mối
tình buồn nhưng rất đẹp, bởi nổi bật lên trên là sự tử tế, lòng bao dung, không
thù hận của các nhân vật với những kẻ làm mình đau đớn, lấy đi hạnh phúc của
mình. Trái tim sứt sẹo của những người phụ nữ như được ve vuốt bởi bàn tay dịu
mềm, làm tan đi những đớn đau. Có lẽ chính vì sự vượt lên những giá trị bình
thường, trên quan điểm về phận nữ nhi đã khiến cho những tác phẩm của Thanh
Chung có được sự truyền cảm sâu sắc.
Cảm nhận về văn của
Thanh Chung, có lẽ chỉ những người phụ nữ mới có thể thấu hiểu được hoàn toàn.
Thanh Chung đứng giữa đám đông để tìm ra những điểm nổi bật, nhưng chị dùng con
tim để cảm nhận đám đông đó. Thế nên, những tác phẩm của chị sâu sắc mà lại gần
gũi, thân thuộc.
Cuốn sách "Bay
qua những giấc mơ" của Lê Thanh Chung
|
Đó là những câu chuyện
tưởng chừng như chúng ta đã từng gặp ra, xảy ra ở nơi ngõ phố nhà mình, nơi khu
nhà chung cư. Cách kể chuyện thật hiền nhưng lại rất có hậu khiến người
đọc nhận ra được sự ngọt ngào mang tính nhân văn như Lạt mềm, Chanel 5,
Lá nghiêng, Vườn Tượng, Tình Thư… Những câu chuyện đi kèm chi tiết mà kết
quả của nó đòi hỏi sự đồng cảm của người đọc. Phải trăn trở, phải trải đời mới
có thể bâng khuâng, nhắm mắt lại mà hỏi rằng: “Hạnh phúc, ngươi ở đâu?”
Hạnh phúc đến với
những nhân vật của Thành Chung thật xa vời. Mãi nhìn theo bóng hình hư ảo để
rồi như đuổi bắt cánh diều trên không trung. Hạnh phúc ở đâu mà để người ta
phải mãi kiếm tìm? Có lẽ nào, ở trong những giấc mơ, ta mới nắm bắt được nó. Và
rồi, ta sẽ bay lên, bay đến tận chân trời; ta sẽ được chắp cánh để với tới thứ
hạnh phúc đầy hư ảo ấy.
Ước mơ hạnh phúc chẳng
bao giờ giản đơn
Đọc truyện ngắn của
Thanh Chung cũng giống như nhấm nháp một món ăn mang hương vị thôn dã. Đó là
bữa cơm quê với rau lang luộc chấm nước tương cà, đó là miếng khoai luộc tần
tảo cả một mùa kiếm cơm. Đó là bầu trời mây trắng trong vắt nơi người qua đường
nghỉ chân. Đó là thành phố hoa lệ xứ người nhưng ta vẫn đau đáu nhớ về bữa cơm
rau…
Truyện của Thanh
Chung, có lẽ chẳng hợp với tuổi trẻ mơ mộng đầy sức sống. Đó là thế giới của
những người từng trải và luôn ngẫm nghĩ về những chuyện đã trải qua. Những tình
yêu chỉ còn trong hồi ức, nó cứ gặm nhấm ta từng tháng, từng ngày; để đến khi
nhận ra mới giật mình hoảng hốt, ta chẳng thể quay ngược lại thời gian.
Những câu “Giá như” cứ
lặp lại, như nỗi đau quặn lên từng cơn. Người ta nhìn ra những khía cạnh khác
nhau, những con người khác nhau mà sao vẫn thấy thật gần gũi và dễ hiểu.
Nhà văn Kao Sơn nhận
xét ở những trang đầu tập truyện ngắn rằng: “Muốn tránh né nỗi sợ thì cách tốt
nhất là đối đầu với nó. Và Thanh Chung – người đàn bà ấy đang làm vậy. Chị khơi
mào nỗi đau của mình ra, mổ xẻ nó, dùng dao cứa vào nó nhiều nhát rồi đem ra
phơi dưới ánh sáng mặt trời. Nỗi đau khi đạt đến cực điểm hình như sẽ chẳng còn
đau nữa”.
Thanh Chung tâm sự:
“Tôi không phải là nhà văn nên thật khó để có thể đem đến cho bạn những áng văn
lộng lẫy hay những câu chuyện có cao trào thắt mở. Nghề nghiệp cho tôi đi nhiều
nơi, gặp gỡ những con người và những nền văn hóa khác nhau; chứng kiến những
con người mà ranh giới giữa rủi – may, tốt – xấu, hạnh phúc – khổ đau mỏng tang
như sương khói. Tôi chỉ viết như một nhu cầu tự thân. Viết để tin rằng, đâu đó
dù còn nhiều vô cảm, tội ác nhưng lòng tốt của con người vẫn lấp lánh pha lê”.
Tác giả Lê Thanh
Chung ký tặng độc giả
|
Nỗi đau giữ lại thì
càng đau, nhưng sẻ chia ra thì sẽ vợi đi bớt. Thanh Chung vẫn đang mỉm cười với
cuộc sống và tin tưởng vào lòng nhân ái con người như thế. Mỗi chuyến thiện
nguyện, mỗi một manh áo lại mang cho người không tự nhận là nhà văn này thêm sự
vững tin vào một ngày mai tươi sáng. “Bay cùng giấc mơ” là tác phẩm mà Thanh
Chung viết để “cúi xuống một lần gieo hạt thiện tương lai”.
Thanh Thanh/VOV Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét