Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

“Phôi pha” của Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn thi pháp

“Phôi pha” của Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn thi pháp
PHÔI PHA
 Trịnh Công  Sơn
Ôm lòng đêm
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua 
Không còn ai
Đường về ôi quá dài 
Những đêm xa người
Chén rượu cay
Một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng khi nắng ngời
Nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời
Quay về lại
Về lại nơi cuối trời
Làn mây trôi.
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
Từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa.
    “Đi” và “về” là con đường mà mỗi người phải trải qua-như một mặc định của kiếp người-như sinh ký tử qui, sống gửi thác về. Trịnh Công Sơn là người hiểu điều đó từ rất trẻ. Thân phận, cái chết luôn là nỗi ám ảnh trong ông…và phả vào nhiều nhạc phẩm: Cát Bụi, Một Cõi Đi Về, Chiếc Lá Thu Phai…Phôi Pha.
      Nhiều nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ đánh giá  “Phôi Pha” là một trong những bài ca-thơ hay nhất trong chuỗi tác phẩm có chủ đề Tình yêu và thân phận của Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Văn Cao viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người-thơ-ca (chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào chính, cái nào phụ…”.
THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
     Trong “Phôi Pha”, chủ yếu là thời gian tâm lý, thời gian nhân vật. Thời gian hiện tại, có lẻ chỉ xuất hiện một lần ở chi câu nhạc:
     Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về.
  Đó là cảm xúc khơi nguồn, là tâm trạng, là thời khắc tác giả muốn vượt lên cái cao rộng của thiên nhiên, vượt lên cái hữu hạn nhỏ bé của con người, kiếp người bằng động thái “ôm lòng đêm” và hòa vào sự vận động, biến thiên của vầng trăng kỳ ảo…Trăng đi rồi về, biến mất rồi xuất hiện hay là sự tuần hoàn của một quy luật!
      Tiếp theo sau đó, cho đến hết bài thơ-ca là thời gian hồi tưởng, liên tưởng và dự cảm tương lai. Con người- thơ-ca cố  bức phá, bước đi; cố vượt qua cái cố định, cái khuôn khổ bằng những lần ra đi, rong chơi vô định…nhưng rồi cũng hiểu ra rằng: mọi thứ đều phù du, đều thoáng qua, đều sẽ phải đi đến bờ tịch diệt.               
                      Ôi phù du
                      Từng tuổi xuân đã già
                      Một ngày kia đến bờ
                      Đời người như gió qua. 
       Trên con đường “về” phải đi một mình, đường bỗng trở nên dằn vặt trong nỗi trống trải, cô độc. Nhớ cuộc đời, nhớ con người, nhớ những mối tình đã qua đi; rượu uống tràn môi cũng không làm nguôi ngoai nỗi buồn trần thế! “Trời cao đất rộng một mình tôi đi, một mình tôi đi. Trời như vô tận một mình tôi về với tôi”- TCS.
                      Không còn ai
                      Đường về ôi quá dài
                      Những đêm xa người
                      Chén rượu cay
                      Một đời tôi uống hoài… 
         Chỉ tồn tại riêng mình nỗi buồn nhân thế. Bao nhiêu điều hạnh phúc, vui tươi, đằm thắm xin gửi lại cho nhân gian 
                      Trả lại từng tin vui
                              Cho nhân gian chờ đợi
          Tâm tưởng trải dài trong hoài niệm: những ngày tháng đã trôi qua, tươi đẹp, buồn phiền, mỏng manh, thoáng chốc
                       Nhìn từng hôm nắng ngời
                             Nhìn từng khi mưa bay
          Tất cả, bây giờ như ở tận cùng cuộc sống, như đang dần dần tan biến  khói mây
                      Về lại nơi cuối trời
                             Làn mây trôi…
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT 
     Không gian trong “Phôi Pha” vượt ra khỏi không gian ba chiều thông thường, nó vươn tới chiều thứ tư: chiều tâm tưởng; không gian của cảm xúc, của tâm trạng, của nhân sinh quan, thẫm mỹ quan  tác giả.
     “Phôi Pha” thấm đượm thứ không gian lữ thứ (hay dùng trong thơ cổ). Những lần ra đi, những bước “chân giang hồ”, những lần gặp gỡ, chia xa,; nhiều hôm uống rượu một mình, nhiều hôm lặng lẽ trong vườn khuya…sống hết mình trong từng khoảnh khắc hiện tại. Bởi vì, trước sau cũng phải “Một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua”.
       Nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Bửu Ý nhận xét: “Trịnh Công Sơn là một người khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi một lúc, ngồi nơi này nhớ nơi kia, muốn sống gấp đôi, sợ không đủ thời giờ, lắm lúc không phân biệt ngày với đêm. Anh thích những chuyến tàu xuyên suốt, những chuyến xe đỗ rồi lại đi, anh thích rút ngắn không gian giữa rừng với biển, anh muốn rút ngắn thời gian giữa lạ với quen…”
       Trịnh Công Sơn cũng từng nói về mình: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.
       Do vậy, không có gì sáng suốt hơn, thanh thản hơn là sự trở về!
                      Về ngồi trong những ngày
                      Có những ai xa đời quay về lại
                      Về lại nơi cuối trời
        Đó thật sự mới là đích đến, là giới hạn cuối cùng của kiếp nhân sinh. Không có gì phải thảng thốt, lo âu, luyến tiếc…
                        Thôi về đi
           bởi vì
                        Đường trần đâu có gì
           chỉ có
                        Tóc xanh mấy mùa
                                Từng tuổi xuân đã già
       “Phải biết quên đi những ám ảnh của tuổi tác và chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt của đời người”. Hãy bình thản bước vào vườn khuya, tìm lại mình, tìm về với thiên nhiên cao rộng, nhẹ nhàng, êm ái…như người đi trước đã từng như vậy 
                         Có nhiều khi
                         Từ vườn khuya bước về
                         Bàn chân ai rất nhẹ
                         Tựa hồn những năm xưa. 
   Không gian vũ trụ được thể hiện sinh động trong cách nhìn của người nghệ sĩ. Hết sức cao rộng như lòng đêm, đường trần, cuối trời, đời người; vĩnh viễn bất tận như thời gian, thời tiết : trăng về, nắng ngời, mưa bay, gió qua-(Thiên nhiên) nhưng cũng hết sức ngắn ngủi, hữu hạn, loay xoay, không thoát ra được: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi xuống trăm năm một cõi đi về” - (Con người). 
                            Ôi phù du
                            Từng tuổi xuân đã già
                            Một ngày kia đến bờ
                            Đời người như gió qua  
       Chính vì thế, người-thơ-ca giục giã: VỀ! Có đến bảy lần, từ “về” được lặp đi, lặp lại trong “Phôi Pha”. Khi nhẹ nhàng, khi hối thúc, lúc thanh thản, vô vi: mới về, đường về, thôi về đi, bước về, quay về, về lại, về ngồi…Tất cả chỉ để khẳng định một điều: mọi thứ rồi sẽ phôi pha, chỉ còn lại  một trái tim khát sống, biết sống, bình tĩnh đón nhận những biến thiên của cuộc đời với tấm lòng yêu thương tha thiết.
 Hữu Du
Theo http://www.bongtram.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...