Ngày tết bàn về từ 'xuân'
Một trong những đặc điểm của tiếng Việt là
tính hình tượng và đa nghĩa. Từ xuân vốn mang âm Hán Việt. Ngoài nghĩa gốc chỉ
về mùa đầu tiên trong năm, từ xuân còn có tới vài chục nghĩa phát sinh (còn gọi
là nghĩa chuyển hay nghĩa bóng).
Theo Từ điển Hán Việt của
Đào Duy Anh thì từ xuân mang mấy
nghĩa sau: xuân chỉ mùa đầu năm, đời Đường (Trung Quốc) gọi rượu là xuân, trai
gái ưa nhau gọi nhau là xuân, xuân chỉ một thứ cây to mà sống lâu. Người ta
thường mong cho cha mẹ sống lâu nên ví cha mẹ như cây xuân. Và có tới trên 40
nghĩa phát sinh khác khi ghép từ xuân với các từ khác để tạo nên một từ ghép
hay một ngữ mới như: xuân bất tái lai, bảng xuân, xuân cung, xuân dung, xuân
đài, xuân nhật, xuân phong, xuân sắc, xuân tâm, xuân quang, xuân lễ, xuân tiết,
xuân mộng, xuân liên…(trang 580-581).
Ở Từ điển Tiếng Việt của
Viện Ngôn ngữ học thì từ xuân có các nét
nghĩa sau: chỉ mùa đầu tiên trong năm, chỉ tuổi trẻ (xuân xanh), chỉ cha mẹ
(xuân huyên), chỉ người cha (xuân đường), chỉ một điệu hát phổ biến trong nhạc
ngũ âm (xuân nữ), chỉ giữa mùa xuân (xuân phân), chỉ cảnh sắc mùa xuân, hoặc vẻ
trẻ trung tươi đẹp của tuổi trẻ (xuân sắc), chỉ mùa xuân và mùa thu, đồng thời
cũng để chỉ tuổi tác (xuân thu)… (trang 1136).
Trong dân gian, người ta còn gọi xuân chệch đi là xoan. Từ xoan để gọi tên một loài cây thân gỗ, có nhựa
đắng, có hoa nở đúng vào tiết xuân. Hoa trắng pha màu phơn phớt tím, nở ra từng
chùm, có mùi thơm hăng hắc, ngai ngái. Ca dao xưa có câu:
Trai ba mươi tuổi đang xoan
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Nguyễn Bính cũng đã tả loài hoa này trong bài Mưa xuân:
Trong Truyện Kiều, Nguyễn
Du đã dùng từ xuân một cách linh hoạt và
sáng tạo nhất. Từ xuân, ngoài nghĩa gốc còn có đến hơn 54 biến thể khác như:
chỉ cha mẹ, thiên nhiên, tình yêu, con người, tiếng hát… Ví như: Cỗi xuân tuổi hạc càng cao, hay Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê, hoặc Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân, hoặc Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương, hay Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng, hoặc Khúc đâu êm ái xuân tình… (trang 446-447).
Từ xuân trong một
số câu ca dao được dùng để biểu đạt nhiều nội dung khác nhau, khi chân thành,
tươi vui, dí dỏm, khi đả kích, châm biếm… Xuân để chỉ thời gian:
Kể từ bạn trúc với mai
Xuân qua, hạ lại đã vài ba năm.
Xuân để chỉ tuổi đời:
Trăng lên đỉnh núi trăng tròn
Xuân xanh em mấy mà giòn rứa em?
Xuân để chỉ sức khỏe,
hoặc sự già nua theo tuổi tác:
Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì đến sau.
Vì thế những người đi
trước đã có lời khuyên người đi sau một cách thấm thía:
Chơi xuân quá lứa đi rồi
Vắt tay mà ngẫm sự đời mà lo
Trông gương luống những thẹn thò
Da mồi, tóc bạc, lưng gù, ớ hơ
Thương thay xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay xuân những hững hờ với xuân.
Khi người con gái đón
bạn trai, từ xuân được dùng khá thú vị:
Mấy khi khách đến vườn xuân
Gió xuân mở cửa, nhành xuân dẫn đường.
Nhân vật trữ tình hớn hở
chào khách, đón khách vào, dẫn đường cho khách đi đã bộc lộ nhiều điều thầm kín
mà chỉ có hai người và mùa xuân cảm nhận được. Trong những cuộc hát đối đáp
giao duyên bên nam đã tế nhị hỏi bên nữ:
Đến đây hỏi thật chủ nhà
Vườn hồng nghiêm cấm hay là cho chơi?
Bên nữ đã đáp lại:
Khi khách hỏi vườn hồng là có
ý thăm dò, mang chút bỡn cợt, mua vui, khách qua đường ai cũng có thể ngắm vườn hồng (Vườn hồng đã có ai vào hay
chưa?). Còn cô gái đáp lại là vườn xuân thì
lại mang hàm nghĩa riêng tư, kín đáo.Vườn xuân ở đây
là một ẩn dụ, là mảnh đất tâm hồn thiêng liêng,
cao quý của người con gái, nơi đó chỉ dành riêng cho một người duy nhất mà cô
yêu thôi. Thái độ của cô gái xuân ở đây vừa đoan trang, tế nhị, vừa khắt khe để
rào đón. Bởi thế có câu ca rằng:
Vườn xuân hoa nở đầy giàn
Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa.
Từ vườn xuân đã
biểu đạt được sự nâng niu, trinh trắng của tuổi mới lớn. Từ xuân còn được dùng để nhắn nhủ, than thở, chê
trách. Đây là lời nhắn nhủ của chàng trai với cô gái khó tính, tự kiêu:
Gặp đây em xơi miếng trầu
Gọi là anh giãi mấy câu tâm tình
Xin em đừng có cậy mình
Một mai quá lứa xuân xanh còn gì.
Và cô gái đã nhắn nhủ
chàng trai phải có chí lập thân:
Một năm là mấy tháng xuân
Một đời người được mấy lần vinh quy?
Cũng có lúc người con
gái đã than:
Tháng một là tiết mưa xuân
Tháng hai mưa bụi dần dần mưa ra
Đàn bà như hạt mưa sa
Từ xuân còn có khi
dùng để diễn tả sự níu kéo ở chốn mua vui, nhăng nhít:
Chưa chi anh đã vội về
Hay là xuân gọi anh về với xuân.
Và đây là lời khuyên của
người vợ hiền:
Chơi xuân nỏ nhớ đến hoa
Anh hãy về nhà xuân lại càng xuân.
Tết đến, xuân về bên ly rượu xuân ta nhàn đàm
thêm về từ xuân, nghĩ cũng lắm điều thú
vị. Từ văn học dân gian đến văn học thành văn, từ xuân được ông cha ta dùng rất sáng tạo. Đó chính
là sự giàu đẹp và phong phú của tiếng Việt. Thứ của cải quý báu (Bác
Hồ) ấy, cùng với thiên nhiên và con người sẽ Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh (Hồ
Xuân Hương).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét