Tản văn - Tùy bút của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Người con gái đi qua những hàng cây long não
bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ
niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những
ngày xưa.
Chân dung tự họa của
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
TRỊNH CÔNG SƠN
Phác thảo chân dung tôi
Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc...
Thuở ấy, tôi là một đứa
bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng
thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu
tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm
cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm
nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những
đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Ðó là những năm 56 - 57,
thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại.
Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng
tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ...
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ
tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời
mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn
viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc "xướng ca vô loại". Tôi trằn
trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên
thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả
trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau,
mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người
khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những
cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy
tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật
nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được
với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường
mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong
nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình
và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên
nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày
tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi
gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi
khát khao được yêu thương mãi mãi con người vàncuộc sống. Yêu thương con người
cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con
người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh
hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Ca khúc là đời sống thứ
hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành...
(Trích từ Nhạc và đời - NXB Tổng hợp Hậu Giang)
Giấc mơ Hạ trắng
Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng
nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã
ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra
thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa
ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.
Có một mùa hạ năm ấy tôi
bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê
man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương
thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng.
Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không
gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường
có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn.
Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong
một mùa hạ nóng bức.
Trong vùng tôi ở, quanh
đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa
đến là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết
bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có
bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà
đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy
sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ,
cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy
người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm
liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con,
mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy
cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi
các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa
lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến
lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh
tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình
già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết
nên bài "Hạ Trắng".
Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá
li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng
của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và
mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong
lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây
long não mờ mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia
sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến
trường.
Từ balcon nhà tôi nhìn
xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người
con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như
bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường
bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm
thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho
một người thì có quan trọng gì đâu.
Những bước chân ấy từ
mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá
cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự
mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não,
bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả
vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy
không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người
dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con
người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một
không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và
ước mơ những cõi trời đất như không có thực.
Bích Diễm - Diễm xưa ngày ấy - Ảnh: NĐX
sưu tập
|
Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh
của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con
người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ,
giấc mộng của mình.
Ðó cũng là thời gian mà
mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không
gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng
kín cửa.
Thời gian trôi đi ở đây
lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời
gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào
mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của
lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh
mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người
con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến
trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng
mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu
bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi
qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa
mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa
hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều
hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua
những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất
cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con
gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
Về một thành phố tôi đã
xa
Gần ba mươi năm tôi chưa trở lại với Quy Nhơn. Cái ý niệm về thời gian bao giờ
cũng gây cho tôi một nỗi buồn. Dạo ở đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng.
Biển nhớ là bài hát tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn. Những đường phố và
biển và một người bạn gái hằng đêm cùng tôi ngồi nhìn biển. Điều ấy bây giờ đã
trở thành quá khứ nhưng trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương. Một
tấm gương mà tôi có thể nhìn thấy tôi trong ấy.
Dạo ấy còn trẻ mà sao cô
đơn quá sức. Thỉnh thoảng người bạn gái đến gọi cửa trong giấc ngủ lưng chừng
và bảo tôi đêm nay trăng đẹp quá hãy ra ngoài biển ngồi chơi. Biển Quy Nhơn đẹp
nhưng hơi bẩn. Người bạn ấy bây giờ chồng con bề bộn hay nhàn nhã, không hiểu
khuôn mặt ấy giờ đây như thế nào. Đừng nhắc lại quá khứ vì mỗi lần nhắc lại thì
lòng trống trải buồn thiu.
Có những căn nhà trống
gió thổi lùa qua mọi ngõ ngách. Tâm hồn con người cũng có lúc gió lạnh cũng lùa
quanh. Đừng nhắc lại dĩ vãng. Nó đẹp nhưng không ích lợi gì cả. Chúng ta sống
cho mỗi ngày hôm nay. Hôm nay cũng là quá khứ và chúng ta cố giành giựt với
thời gian để biến ngày hôm nay thành một hiện tại vô tận.
Quy Nhơn có những tháp
Chàm đứng một mình lặng lẽ nghìn năm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Cái
giấc mộng dài nó buộc con người không được quên và phải nhớ về những dấu tích
đã in thành vết không tàn phai trên tâm hồn mỗi con người. Tôi luôn luôn là
người đãng trí. Tôi đã quên nhưng vẫn có kẻ tỉnh táo không bao giờ quên bất cứ
một điều gì cứ mãi quanh quẩn cuộc đời tôi để nói khẽ vào tai tôi điều tôi không
muốn nhớ nữa.
Quy Nhơn không hiểu còn
thơ mộng như thời tôi những năm hai mươi tuổi? Cái tuổi ấy nhìn gì mà chẳng
đẹp. Tôi vốn yêu người và yêu thiên nhiên. Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị
một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày
xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động.
1988
Nỗi lòng của tên tuyệt vọng
Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ.
Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt. Tôi
chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: "Cái ta đáng ghét". Tuy nhiên
trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn
có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn
của con người.
Mỗi đời sống ẩn giấu một
định mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Một đôi lần trong giấc
mơ tôi, bừng lên những ánh thép đó. Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài
chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau. Không ai muốn mình là kẻ tuyệt vọng.
Nhưng tôi tự nguyện làm tên tuyệt vọng. Bởi nhiều khi sớm mai tôi thức dậy
không thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người.
Tôi không bao giờ nhầm
lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc
ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết.
Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã
yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất
hạnh.
Mỗi ngày sống tới, mỗi
ngày tôi thấy đời sống nhỏ nhắn thêm. Ðời sống thật sự không tiềm ẩn điều gì
mới lạ. Có lẽ vì thế, vì sự quen mặt mỗi lúc mỗi gần gũi, thắm thiết hơn, nên
tôi càng thấy yêu mến cuộc đời. Như đứa con ngoan không tuyệt tình nổi
với rẫy sắn nương khoai, nơi có bà mẹ suốt đời mắt không sáng nổi một ngày trẩy
hội.
Có những ngày tuyệt vọng
cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ
rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm
bái ngoài nỗi tuyệt vọn g và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng
để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích
sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng
vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến
những đấu trường.
Tôi đang bắt đầu những
ngày học tập mới. Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Ðôi khi tôi là người
tình. Chúng tôi cùng học vẽ lại chân dung của nhân loạị Vẽ lại con tim khối óc.
Trên những trang giấy trắng tinh khôi chúng tôi không bao giờ còn thấy bóng
dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những
đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực.
Như thế, với cuộc đời,
tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng
bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời
sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những
tị hiềm.
Chúng ta đã đấu tranh.
Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại
quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại.
Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.
Chúng ta đã đấu tranh
như một người trẻ tuổi và đã sống mệt mỏi như một kẻ già nua. Tôi đang muốn
quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ. Ở đó có hai con đường.
Một con đường dẫn ta về ca tụng sự vinh quang của đời sống. Con đường còn lại
dẫn về sự băng hoại.
Nhân loại, mỗi ngày,
đang cố bày biện những tiệm tạp hóa mới. Ðóng thêm nhiều kệ hàng. Người ta bán
đủ loại: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân...
Những đấng tối cao, có
lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý.
Tôi đã mỏi dần với lòng
tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin
vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác.
Bài Hát Cuối Cùng
Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba, mười
bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản
tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.
Sau một vài biến cố lớn
của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng. Và từ đó tôi
rơi vào một cơn mộng mị triền miên.
Có một vài câu hỏi, với
tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
Câu hỏi buộc tôi phải
trở về những năm tháng xa xôi. Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì
vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu
tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh ra cái đầu tiên kia?
Bài hát Ướt mi được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại
Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát ở những phòng trà và nổi tiếng, trở thành
giọng hát liêu trai.
Phải có một nỗi tuyệt
vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời
làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng từng
nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Rất nhiều bài hát đã
được viết trước Ướt mi nhưng ca khúc này tồn tại như số phận của nó và của tôi.
Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát
này. Riêng tôi không thích lắm.
Người ta có nhiều lý do
để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả rồi không quên thắc mắc: Thế thì
bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào?...
Kết thúc của mọi câu
chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô
thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu
hạn.
Trên đường băng chạy có
cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô
hạn và biết đâu, nó từng có trước thời hạn mà mình không ngờ. Sự bất tử không
có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định
viết bài hát cuối cùng bởi tôi nghĩ rằng thời điểm đó mình không thể nào bắt
gặp được. Nếu vì một lý do tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ
cuối cùng trong một ca khúc thì tôi tin rằng, vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi
trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một
điều gì nữa.
Bài hát cuối cùng có lẽ
sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên
đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn
tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài
hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui
chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt
được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có
một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc
gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng.
Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình
như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng
lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về
tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có
thể hiểu nhầm mình không được yêu.
Tôi không thể nói về một
vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo
kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó
thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố.
Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức
tạp của tình yêu.
Có người yêu thì hạnh
phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người
vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không
yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không
phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất
thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao
nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết
thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên
thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng
thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.
Tình yêu thời nào cũng
có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu.
Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên
hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý
nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".
Tôi đã mơ thấy chuyến đi
của mình ...
Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá
dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì
có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước.
Một buổi sáng cách đây bốn năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi
bảo: "Mạ đi chơi chút nghe". Thế rồi một giờ sau tôi được điện
thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà người bạn.
Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng
đã từ biệt chúng tôi như thế. Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào
bạn bè, vẫy chào cuộc sống. Thế kỷ 21 thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy
năm.
Càng yêu ta càng thấy:
có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay
đã mất rồi. Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi
mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu
cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ
thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà
giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề.
Có người bỏ cuộc đời mà
đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù
sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người
hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng
mình đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm
ngùi.
Tưởng rằng có thể quên
dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này
để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ
để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn
sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.
Cuối cùng thì lòng yêu thương
cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được
người mình yêu...
(1996)
T.C.S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét