Tiếng kêu trầm thống trong Những cơn mưa mùa đông
Nguyễn
Lệ Uyên
|
Trước năm 75, tôi đã đọc Lữ Quỳnh với những Cát vàng, Sông
sương mù, Vườn trái đắng, cùng một số bài viết đăng rải rác trên các báo văn
nghệ Sài Gòn. Đọc và chỉ biết có vậy, chưa hề gặp nhau lần nào, mặc dù cùng
chung trên tờ Ý Thức.
Cách đây 2 năm, Lữ Quỳnh bất ngờ về ăn tết với chúng tôi. Vậy
là đã “kiến kỳ hình”. Với giọng nói nhỏ nhẹ, chừng mực của anh, chúng tôi nói
chuyện văn chương, nhắc lại chuyện làm báo văn nghệ thời trước, chuyện bạn bè
bên này, bên kia, những hoang tưởng và thỏa hiệp...
Gặp nhau đúng 12 tiếng, anh vội vã lên tàu về lại Sài Gòn.
Một chuyến rong chơi
ngày mùng Bốn tết như một kỷ niệm của những người già còn giữ một chút lãng mạn
thời tuổi trẻ đầy dẫy những ảo tưởng. Và giữa đầu năm nay, anh viết thư hỏi:
“Anh có thể tìm giúp tôi quyển truyện vừa Những cơn mưa mùa đông đánh máy
giúp tôi?”. Tôi nhận lời và sục sạo đi tìm đứa con thất lạc từ lâu của anh.
May mắn là tìm thấy và tôi ngồi gõ cho anh. Loáng một cái, hơn tháng sau anh
gửi tặng tôi tập sách này. Đúng là duyên số. Một tập sách, ba lần đọc. Bản đọc
lần đầu do nhà Nam Giao ấn hành 1974 tôi mượn từ tủ sách Ý Thức, lần thứ hai
đọc trên máy (vừa đánh vừa đọc) và lần này, đọc từ Thư quán bản thảo tái bản
2010.
Lần đọc đầu, tôi chia sẻ với tác giả về nỗi đau của những
người trong cuộc, về những ước mơ, hy vọng và thất vọng. Đọc lần đánh máy cảm
thông những mất mát không đáng có của cả dân tộc. Và, lần này là sự xót xa
khi nhìn lại một giai đoạn lịch sử u ám, là tiếng kêu nát lòng, bi thống của
kiếp người bị đọa đày trong địa ngục của những ảo tưởng ngông cuồng. Nhìn lại
và nhớ lại một giai đoạn trầm thống nhất, đen tối nhất như một thứ mạng nhện
của định mệnh hiển nhiên, treo giăng
trong căn nhà hoang phế!
Những cơn mưa mùa đông xoay quanh ba nhân vật: đứa
cháu nội, ông già và cô con dâu. Cả ba cùng sống trong căn nhà hoang lạnh, tưởng
như gần nhau, nhưng hóa ra luôn luôn phải tách rời, chia cách. Ba con người,
ba thế hệ như là biểu tượng cho đất nước trong ba thời kỳ xung đột nối liền
nhau: Sự hy sinh quá lớn của dân tộc trong quá khứ với ông già; chia lìa,
hoang tưởng thời kỳ cô con dâu và người con vắng mặt, kẻ luôn tin chính nghĩa
sẽ thắng: “Bác và chị cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa. Không lâu lắm
đâu. Chính nghĩa sẽ phải thắng.Chị có biết không, anh đag làm lớn lắm đấy.
Cách mạng không bao giờ quên ơn những người đã hy sinh quá nhiều cả” (trg
30-31). Cuối cùng là Vũ, đứa cháu, đứa con luôn bị ám ảnh bởi những cơn sốt
màu đỏ chói lòa về kẻ vắng mặt về người mẹ bắt đầu có những dấu hiệu bất thường
va người ông đau khổ. Đứa bé trong truyện là hiện thân của thế hệ chưa biết
gì về chiến tranh, nhưng lắm mơ ước mf mơ ước nhỏ bé kia không bao giờ đến với
nó: “Đứa trẻ nằm mơ thấy hắn vượt qua không biết bao nhiêu đồi cát... Hắn thấy
ẩn hiện phía trước mình là một người đàn ông, khi trên đồi, lúc dưới lũng thấp...
người đàn ông đang ẩn hiện phía trước là cha hắn. Đứa trẻ cố sức vượt lên,
nhưng khoảng cánh giữa hai người không bao giờ thu ngắn được” (tr 23).
Quá khứ qua hình bóng ông già là những mất mát, đau thương
quá lớn của một kiếp người, mà nói theo ngôn ngữ thông thường là số phận bắt
ông phải chịu đựng. Đó là hai người con trai đã chết vì những vết chém đầy
thù hận; đứa còn lại tiếp tục lao vào những hoang tưởng lập lại trật tự, công
bằng cho xã hội, cho cả dân tộc đã tắm gội không biết bao nhiêu tai họa từ mớ
lý thuyết sần sùi, khập khiễng. Và giờ đây, ông già đau khổ kia luôn ám ảnh về
sự ra đi bất toàn của đứa con trai duy nhất còn lại, ám ảnh về cái chết khủng
khiếp của hai đứa khác, gọi là sự hy sinh cao cả: “Ông linh cảm có điều gì
khác lạ trong không khí gia đình những ngày gần đây... Những giọt nước mắt lặng
lẽ chảy xuống đôi má nhăn nheo xạm đen của ông già” (trg 22).
Với những người như ông, đã từng chứng kiến biết bao xáo trộn,
những chia lìa, tan tác; những đổ vỡ, tang thương...
thì cái ý hướng cầu mong sự bình an đến cho gia đình, cho mọi nhà là điều hiển
nhiên. Sự đau đớn, tủi nhục, ê chề đã giằng xéo suốt cả cuộc đời, vượt quá sức
chịu đựng của con người nhỏ bé như ông cũng là cách hành hình ở dạng khác, đẩy
cả bầy người cứ mãi phải lăn lộn trong đống bùn nhơ và máu xương và nước mắt.
Sự khốn cùng ấy cứ thản nhiên chia đều cho mỗi số phận với cái từ hoa mỹ “sự
hy sinh cao cả”.
Ông già đã hy sinh những người con và sẽ còn tiếp tục hy
sinh nữa, để làm tròn chức năng của một công dân ưu tú, điển hình! “Nếu gọi
là khổ, thì ông đây mới là kẻ khốn khổ nhất. Ông già thế này rồi mà đâu có được
yên nghỉ. Một lần khóc hai chú cháu chết, một lần khóc cha cháu ra đi. Nước mắt
người già tưởng như thế cũng đã quá nhiều... Ông già khóc. Nước mắt làm ông
nghẹn lại không nói thêm được nữa” (trg 42).
Sự chịu đựng quá mức của một công dân ưu tú cũng đến lúc phải
đổi ra loại “công dân hạng tư” theo quan điểm mâu thuẫn chính trị, bởi những
bi phẫn tự đáy lóng vang lên
như một tiếng kêu uất nghẹn, xé toạt bức màn nhung lụa man trá:
“Nhắn với hắn là tôi già rồi. Tôi không mơ ước gì nữa hết ngoài việc mong sao
gia đình sớm đoàn tụ... Tôi khổ lắm. Tôi không còn tha thiết gì nữa hết. Tôi
chẳng muốn cách mạng cách miết gì ráo. Tôi muốn sống bình yên như mọi gia
đình bình thường khác... Ông già khóc. Ông không kiềm được sự bi phẫn trong
lòng mình...” (trg 31).
Gia tài của ông già là những người con, cháu; nhưng giờ đây
ông chỉ còn mỗi một giọt máu bên cạnh ông là Vũ và một khác nữa là cô con dâu
trong căn nhà rường cổ nằm trong khu vườn rộng mênh mông. Khu vườn và căn nhà
kia cùng bể cá và bức bình phong bị tróc chính là sự trống vắng, thiếu thốn
hơi ấm gia đình của ông già. Và ông quyết giữ cho kỳ được, bằng bất cứ giá
nào về giòng máu của mình: Vũ phải lên tỉnh học, phải đi thật xa cái làng quê
đầy bất trắc như để tránh những tai ương có thể giáng xuống cho cả
gia đình bất cứ lúc nào. Ông ngậm ngùi tiễn cháu ra đi với một niềm vui chưa
từng có trong cuộc đời khốn khổ của mình, như một mãn nguyện vừa thực hiện một
việc làm cao cả!
Với cô con dâu thì khác. Chị còn quá trẻ để phải thoi thóp
chờ đợi hết năm này đến tháng khác với người chồng chị từng yêu thương, ân
ái. Sự chờ đợi mỏi mòn kia cùng những thôi thúc bất chợt của thân xác khiến
chị “run rẩy, sững sờ”, rồi sau đó đổ vật xuống như một thân cây mục đứng giữa
trời mưa nắng quá lâu; chỉ cần một cơn gió thoảng nhẹ là cả thân cây từng là
mẫu hình thủy chung của người phụ nữ Việt Nam bắt đầu trượt dài xuống dốc thẳm!
Chị đã đổ xuống thật nhanh sau những giằng co giữa lý trí và trái tim bắt đầu
đập rối tung lên. Chị là đàn bà. Mà tất cả các trái tim đều nằm ở khoang trái
lồng ngực. Trái tim chị không nghe
theo cái đầu của chính chị nữa rồi. Sự không nghe theo, bắt đầu từ
cái nhìn rất ý thức về chính mình, từ chính thân thể mình.
“Chị đứng dậy cúi nhìn ngực mình. Bộ ngực căng cứng sau lớp
vải áo không có nịt vú, và qua khe hở của hai chiếc cúc, chị thấy màu da trắng
ngần của mình. Chị bước chậm rãi vô phòng riêng, vừa đi vừa nghĩ: đã bao lâu
rồi mình không để ý đến thân thể mình? Chị cẩn thận ngồi xuống mép giường,
đưa tay tìm trong xắc lấy ra hộp phấn nhỏ. Chị nhìn vào gương và thoa nhẹ lớp
phấn lên mặt. Những ngày gần đây chị vẫn thường làm vậy để rồi vài phút sau lại
nhúng khăn ướt lau sạch, bước ra khỏi phòng một cách kín đáo” (trg 17).
Có thể lên tiếng trách cứ người đàn bà kia không, khi mà chị
phải chịu đựng từng ấy năm dài dằng dặc, phòng không bóng chiếc? Khi mà tất
thảy những người phụ nữ như chị hãy còn quá trẻ để phung phí cho tuổi thanh
xuân cứ trôi đi biền biệt?
Ánh mắt đầu tiên chị chạm phải, thoạt đầu là những rung cảm
tuổi xuân trong một con người bình thường như bao người bình thường khác đã
chờ đợi và bị ngủ yên dài ngày: “Trong một giây ngừng nói, bất chợt ánh mắt y
hướng về phía chị và bốn mắt tình cờ giao nhau. Chị bối rối nhìn xuống, và
cũng kịp nhận ra ánh mắt của y đã đậu lâu trong mắt chị” (trg 17).
Những rung động ban đầu cùng những khắc khoải về tình cảm,
khiến người đàn bà phải tự hỏi lòng mình và đấu tranh quyết liệt trong những
khoảnh khắc định mệnh tại ngã ba sông: “Đời chị với những biến chuyển hình
như được gắn liền với những dòng sông, những bến nước. Bến sông ngày nào tiễn
cha thằng Vũ ra đi chị vẫn còn nhớ như in trong trí với những cảm
giác sợ hãi, mừng tủi, đau đớn...Rồi chiếc bến ở ngả ba sông mới đây, nơi người
đàn ông đang làm đồn trưởng với một quyền uy của một lãnh chúa ở địa phương.
Tại sao chị lại rung cảm về y, tại sao vẫn một tâm hồn ở chị, mà chị có thể
yêu hai người trái nghịch với nhau từ lý tưởng đến tính tình như vậy? Những
câu hỏi cứ bật ra không ngừng nghỉ trong đầu”(trg 21).
Trách ai? Có phải do lỗi từ người đàn bà vắng chồng lâu
ngày, có lúc cũng có những ham muốn xác thịt, yêu thương, vuốt ve, an ủi? Hay
lỗi từ tay đồn trưởng kia, khi y đã biết quá rõ “lý lịch” chị và cũng thật
lòng yêu chị? Hay lỗi do từ người chồng vắng mặt quá lâu, không biết sống chết
ra sao?
Nếu nói đến hai từ cao cả “hy sinh”, có lẽ người đàn bà này
đã hy sinh quá nhiều và quá đủ? Trên cõi đời này, không một người vợ muốn cảnh
biệt ly kéo dài vô tận đến như thế, ra đi mà không có ngày về trong khi tháng
ngày thanh xuân cứ lụn tàn dần, héo hắt dần, vàng úa dần rồi rụng xuống như những
cơn mưa mùa đông kéo qua cuộc đời chị?
Nếu như không xảy ra cảnh xâu xé, tranh ngôi bá đồ vương
và, nếu như các lãnh tụ cùng là “đồng bào”, khởi đi từ trăm trứng tổ tiên giống
nòi Lạc Việt, ngồi bàn với nhau thì máu đâu đổ ra, hận thù đâu cứ chồng chất
cao lên mãi, dằng dặc trắng dãi Trường Sơn? Cái khổ nạn kia, sao cứ bắt người
dân tầng tầng lớp lớp phải gánh chịu?
Trong đoạn văn ngắn này, Lữ Quỳnh đặt câu hỏi không phải
cho nhân vật mà cho những người có quyền uy, xô đẩy cả thế hệ của anh điên cuồng
lao vào nhau chỉ với hai chữ độc lập tự do! Bao nhiêu những vấn nạn lịch sử
chưa giải quyết xong lại tiếp nối những vấn nạn khác, lớp sau đè chồng lên lớp
trước thành một khối ung rữa, không một ai lên tiếng thừa nhận, không một ai
dám mạnh tay cắt bỏ một khi đã thâu tóm quyền lực trong tay?
Đó là tiếng kêu trầm thống của cả dân tộc, là sự tan nát phẩm
hạnh lịch sử, là sự thỏa mãn trong ngập ngụa phung phí. Trinh tiết lịch sử bị
xé rách, đầm đìa máu me ngay từ huyền sử Lạc Hồng. Sự chia lìa năm mươi con
lên núi, năm mươi con xuống biển là khởi đầu một điềm báo cho bốn ngàn năm
sau? Sự phi lý ấy là một ảo tưởng luôn được xác tín bằng ngôn ngữ rao giảng
lú lấp, từ trinh tiết của dân tộc Việt?
Hệ lụy của những kẻ bán buôn lịch sử, hình như được các nhà
văn, kể cả Lữ Quỳnh, đều gán vào thân phận của người đàn bà, những bà mẹ Việt
Nam cao đẹp, anh hùng: Cao đẹp khổ ải và anh hùng chịu đựng! Và cái gã đồn
trưởng kia rất có lý, khi giáng đòn tâm lý cuối cùng vào người đàn bà,
khuấy trộn nỗi hoài nghi lớn dần lên, rồi nhìn nhận nó như một sự thật: “Em
có chồng điều ấy thật rõ nhưng em làm sao tin được ngày hắn trở về. Hắn đã
sai lầm ngay khi chọn lựa. Ở trên đời này, người ta có thể chọn lựa bất cứ
cái gì, nhưng không được hy sinh những người yêu dấu là vợ con mình”(trg 38).
Người đàn bà đã sụp ngã từ những dịu ngọt man trá ấy mà
cũng có thể là thật lòng: “Người đàn bà nắm lấy bàn tay y định đẩy ra, nhưng
chị lại giữ yên bàn tay đó trong tay mình, dù cho bà tay ấy bắt đầu không còn
lễ độ nữa. Nó di chuyển khắp trên vuông ngực chị làm những cúc áo bật ra. Lúc
đó người đàn bà mới vội vàng co rúm lại, đưa hai tay ôm lấy ngực và cúi người
xuống. Nhưng dù sao vẫn đã quá muộn. Chị đã đốt chị và bây giờ ngọn lửa đang
độ đỏ thắm... Chị mơ hồ nhớ đế những cảm giác thật xa xưa, ngày người chồng
chưa thoát ly. Cái cảm giác đó đã chết trong chị từ bảy năm qua bây giờ đang
trở về khốc liệt trong vòng tay kẻ khác. Chị biết con đê cối cùng ngăn dòng
nước lũ sắp vỡ. Chị biết rõ ràng điều đó, khi chị nhận ra những ngón tay chị
đang bấu riết đôi vai người đàn ông.
Người đàn bà ngã xuống giường. Chị buông thả cho bàn tay y
tự do trên các hàng nút áo quần chị. Chị biết con đê cuối cùng đã vỡ. Nước cuồn
cuộn trào ra” (trg 39-40).
Cái nhục cảm có ý thức của người đàn bà Lữ Quỳnh và chị Ba
của Thế Uyên có gì khác nhau? Chị Ba thì nằm dưới thân xác hai người đàn ông
đối đầu nhau ở bên này và bên kia lằn ranh thù hận. Còn người đàn bà của Lữ
Quỳnh là những khát khao trỗi dậy bất ngờ được kích động bởi một chủ thể bên
ngoài vừa là hình hài có sẵn, lấp ló đâu đó bên trong con người chị, để mãi tới
giờ phút đó, từ sự kích động, rờ chạm, kích thích kia, chị mới chợt khám phá
cái hình hài có thật trong cơn rối mâu thẫu thèm khát, như một hệ quả tất
nhiên của những con người cô đơn như chị. Nhưng để bị xô đẩy tới sự
cô đơn kia, thì không phải do chính chị chọn lựa mà là kẻ khác, mang đầy ảo
tưởng.
Cầu nối giữa người đàn bà, người ông là đứa cháu mang tên
Vũ. Ở lứa tuổi còn rất nhỏ, nhưng Vũ đã mang mặc cảm cô đơn, vì sự vắng mặt của
người cha mà nó không hề biết, về sự xa cách của người mẹ từ những chuyến
buôn trôi nổi kéo dài và những lần nó bất ngờ nhìn thấy mẹ chăm chút nhan sắc
như một điều lạ lẫm đối với một đứa trẻ con như Vũ.
Nỗi tủi nhục của Vũ là sự thiếu thốn tình thương yêu trong
mái ấm gia đình mà bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào cũng cần. Vậy nhưng trước
mắt Vũ là những ngôi mộ nằm khép trong vành lăng là những câu chữ Hán hắn
không thể đọc được, là khu vườn, bể cá. Chỗ dựa tình cảm mong manh chỉ còn lại
người ông già nua với những tâm trạng buồn tủi lúc đầy lúc vơi. Vũ thương
ông, thương mẹ và cả người cha vắng mặt, nhưng lại là một thứ tình
thương không thật trọn vẹn, luôn luôn xuất hiện bên cạnh những dấu hỏi: “... đứa
trẻ vội vàng nghĩ tới ông nội giờ này ở nhà một mình... ông đã lo lắng cho hắn
không ít” (trg 8). Với người cha vắng mặt, có lúc Vũ trở nên phẫn nộ: “Cha
cháu. Ông bỏ rơi cháu. Một người cha thương con không bao giờ bỏ rơi con bơ
vơ như vậy” (trg 41). Và với người mẹ, chỗ dựa tìh cảm cuối cùng của Vũ cũng
bị phá vỡ, khi nó khám phá, lần đầu trông thấy chị “tô điểm phấn son làm
dáng” trong phòng riêng. Và dĩ nhiên, với hiện tượng bất ngờ đập vào mắt đứa
trẻ trong giây phút cần chút tình mẫu tử bị đổ vỡ, Vũ đã phản ứng theo lối trẻ
con thông thường, nhưng lại là cái thông thường đau rát: “Đứa trẻ ngừng lại ở
ngưỡng cửa trố mắt nhìn mẹ, vô cùng ngạc nhiên, rồi quay phắt lưng. Hắn cắm đầu
chạy biến ra khỏi nhà với nước mắt ràn rụa trên mặt” (trg 18).
Từ những mặc cảm thiếu thốn tình cảm kia, Vũ đã mang theo
suốt năm tháng lên tỉnh học (một cách bảo vệ huyết thống của người ông). Vũ
tách biệt ra khỏi đám đông bạn bè, tách biệt mọi biến chuyển thời cuộc âm ỉ
trong lòng thành phố bằng những tờ truyền đơn, bằng những cuộc hội họp, “các
lớp lớn đang sửa soạn làm cái gì đó”.
Vũ cũng có những ray rức tuổi trẻ, những ray rức của riêng mình về thời cuộc, nhưng Vũ không tham gia. Chính sự tách lìa này khiến một đứa trẻ như Vũ tự cảm thấy như bản thân mình không còn là chính mình, không thể hòa nhập vào cơn bão sùng sục đang bắt đầu lấp ló bằng những đám mây mù vần vũ trong thành phố và những người lính đứng dọc hai bên đường!
Ở phần này, Lữ Quỳnh không dông dài, chỉ phác họa vài chi
tiết nhỏ, không đẩy lên thành cao trào. Tôi nghĩ Lữ Quỳnh đúng khi chọn lựa một
kết cấu hợp lý cho tập truyện vừa, và chỉ hé mở cho người đọc hiểu về thái độ
của Vũ: “Thông à, tôi không biết ngày trước, nghĩ như thế nào mà ba tôi thoát
ly gia đình một cách dứt khoát như vậy. Đổi lại sự vắng mặt của ông, gia đình
chịu nhiều thiệt thòi quá. Mẹ như bỏ đi hẳn, còn ông nội già nua, suốt ngày sống
với mớ hy vọng còm cõi, mong manh. Ông chờ gì ở người vắng mặt? Ông chờ gì ở
tôi? Tôi biết ông chỉ chờ và ao ước mỗi một điều là sự yên ổn, sum vầy. Tôi
biết sự yên ổn là liều thuốc sau cùng của ông nên tôi đã cố gắng vâng lời ông
hết sức. Cha của tôi đã làm ông nội già đi quá nhanh. Riêng tôi, ông phải cản
lại. Vì ngoài tôi ra, bây giờ ông không còn một ai, không một ai cả, bạn hiểu
không” (trg 64).
Mấy dòng tâm sự ngắn ngủi của Vũ với người bạn học, Lữ Quỳnh
đã khắc họa thật ngắn gọn nỗi tủi nhục của một thế hệ thiếu niên trong giai
đoạn qua phân, để đặt ra câu trả lời thích đáng cho những người trong cuộc.
Tiếc thay, những câu hỏi như vậy, xuất phát từ nhiều cách khác nhau của nhiều
nhà văn khác nhau mãi mãi rơi vào vùng im lặng. Im lặng đến rợn người. Không
một câu trả lời nào cả. Lịch sử tàn nhẫn cứ ào ào xô tới, hết lớp
này tới lớp khác, chô vùi tuổi trẻ, chôn vùi con người vĩnh viễ chìm vào bóng
đêm! Đó là lần sau cùng Vũ ý thức mình có một người cha. Và người cha ấy chỉ
hiện hữu trong giây phút ngắn ngủi bằng tiếng kêu xé ruột “cha ơi”: “Đôi môi
Vũ run rẩy, cuối cùng chỉ thốt được hai tiếng “cha ơi”, trong khi hình ảnh
khu vườn của mùa mưa quê nhà, chiếc đầu lắc lư của ông nội cùng với những kỷ
niệm hẩm hiu thời thơ ấu của Vũ hiện ra để rồi trắng dần như cơn mưa mùa
đông...”(trg 91).
Đó là những dòng cuối cùng Lữ Quỳnh khép lại tập sách mỏng
của mình khiến người đọc cảm thấy như chính mình đang đứng dưới cơn mưa trắng
trời lạnh buốt. Tâm trạng này đã đến với kẻ viết bài cách đây 35 năm và bây
giờ khi đóng tập truyện lại, cái cảm giác thẫn thờ kia hình như vẫn nguyện vẹn
như ngày nào.
|
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
Tiếng kêu trầm thống trong Những cơn mưa mùa đông
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Lời tạ lỗi muộn màng
Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét