Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Bình Định - Mảnh đất kiến tạo văn hóa

Bình Định - Mảnh đất kiến tạo văn hóa
Bình Định từ xa xưa, khi chưa mang tên gọi như bây giờ đã nổi tiếng là mảnh đất thiêng tụ đầy linh khí. Biết bao thế hệ cư dân quần tụ trên mảnh đất này đã để lại lớp lớp trầm tích văn hóa, kiến tạo nên một vùng địa linh nhân kiệt. Nhiều nhà nghiên cứu đã không ngần ngại gọi Bình Định là vùng đất của học thuật và những danh nhân kiệt xuất.
Đại học Quy Nhơn- Nơi đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.  Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT 
Địa linh nhân kiệt
Thế kỷ 17, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Bình Định được gọi là phủ Hoài Nhơn, sau đổi thành phủ Quy Nhơn thuộc dinh Quảng Nam, xứ Đàng Trong, dưới quyền cai quản của  Khám lý Trần Đức Hòa. Ông là một người tài năng, đức độ được chúa Nguyễn tin dùng, cùng chúa Nguyễn mưu việc kinh bang tế thế.
Khi ấy, ở đàng Ngoài, Đào Duy Từ vốn là một người thông minh, xuất chúng, chỉ vì xuất thân là con nhà xướng ca mà bị chế độ Lê – Trịnh phế bỏ. Khi vào đến Quy Nhơn, Đào Duy Từ được Trần Đức Hòa thu nạp và tiến cử lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đây, ông được trọng dụng, trao cho chức Nội tán Lộc Khê hầu. Nhờ có Đào Duy Từ, việc dựng lũy ở Quảng Bình, việc soạn thảo binh thư cho quân đội, tham mưu cho chiến lược chống quân Trịnh, phát triển kinh tế, mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn đều thắng lợi. Cả triều đình xứ Đàng Trong đều tôn kính gọi ông là Thầy.
Vùng đất và con người Bình Định – với tinh thần phóng khoáng, canh tân, đã vượt qua những tư tưởng hẹp hòi, bất công và sự nghiệt ngã của số phận để  hun đúc, nuôi dưỡng những nhân tố mới cho nền văn hóa, quân sự, chính trị đương thời, để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử.
Cũng trong thời kỳ này, phủ Quy Nhơn cùng Khám lý Trần Đức Hòa còn có một duyên phận đặc biệt, được lịch sử lựa chọn làm bà đỡ cho cuộc hoài thai và sinh nở ra một ngôn ngữ viết mới của người Việt: chữ Quốc ngữ.
Đầu thế kỷ 17, một số nhà truyền giáo của đạo Kitô bị trục xuất khỏi Nhật Bản đã cập bến Hội An để truyền đạo. Chẳng may, ít lâu sau, đàng Trong bị thiên tai hạn hán, dư luận cho rằng trời đất trừng phạt con người vì đã bỏ việc thờ cúng ông bà, tổ tiên mà theo đạo Kitô, vì vậy các thừa sai và giáo dân bị kết tội. Đầu năm 1618, các giáo sĩ tiếp tục bị trục xuất ra khỏi Đại Việt. Với sự bảo trợ của quan Khám lý Trần Đức Hòa, nhóm các Thừa sai Dòng Tên gồm Francesco Buzomi, Cristoforo Borri (người Ý) và Francisco de Pina, Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) được đón từ Hội An về thẳng cảng thị Nước Mặn – một trung tâm giao thương quốc tế thời bấy giờ của xứ đàng Trong tại Quy Nhơn, để trú ngụ và truyền giáo. Tại đây, với mục đích tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt để phục vụ công cuộc truyền giáo, các Thừa sai Dòng Tên, mà tiên phong là  Francisco de Pina đã bắt đầu nghiên cứu và phiên âm tiếng Việt bằng bộ chữ cái Latinh, sáng tạo ra hệ thống ký âm cho tiếng Việt mà sau này được gọi là chữ Quốc ngữ. Dù lúc này ở Đàng Trong có đến ba cơ sở truyền giáo của đạo Kitô là Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An- Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định), nhưng những giáo sĩ đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, suốt thời gian đầu đến sống, hoạt động truyền giáo, học tập, nghiên cứu và phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước Mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là vùng đất có duyên trở thành nơi sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ và quan Khám lý Trần Đức Hòa là người có công làm nên mối duyên định mệnh ấy.
Văn chỉ Tuy Phước được lập và gìn giữ chu đáo.
Hơn một thế kỷ sau, Bình Định còn trở thành một trong những trung tâm in ấn phát hành những văn bản chữ quốc ngữ, chữ la tinh và chữ Pháp cho cả vùng Đông Nam Á, địa điểm xưa ấy được đặt tại nhà thờ Lòng Sông – Phước Thuận, Tuy Phước bây giờ.
Cũng cần nói thêm, ba trăm năm sau ngày chữ Quốc ngữ phôi thai từ đất thiêng Bình Định, mảnh đất ấy lại là nơi tụ hội của “những ông hoàng chữ nghĩa” thời Quốc ngữ – những thi nhân hàng đầu trong phong trào Thơ mới, với những phong cách đa dạng như Xuân Diệu, Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên. Địa danh Bình Định trở thành biểu tượng độc đáo của sự hội tụ, khơi nguồn văn hóa, trở thành một trong những trung tâm thi ca đầy bản sắc thời bấy giờ. Chữ Quốc ngữ đã thăng hoa ở đó!
Đất học
Thế kỷ 15, Vua Lê Thánh Tông sáp nhập xứ Đồ Bàn của Chăm Pa vào đất Quảng Nam của Đại Việt. Đa số những cư dân Việt đầu tiên đến tiếp quản miền biên viễn (phủ Hoài Nhơn) là những người thuộc thành phần thấp nhất trong xã hội: thợ thuyền, binh lính, tội nhân và gia quyến… Họ đến và mang theo không chỉ khát vọng của những người đi khai phá mà còn mang theo cả những tâm thức văn hóa được tích tụ từ trăm năm, ngàn năm nơi vùng đất cũ đến để gieo mầm trên đất mới. Truyền thống chú trọng việc học hành khoa bảng có lẽ cũng bắt nguồn từ gốc rễ xa xưa ấy.
Theo sách “Đại Nam Nhất thống chí” thì Văn miếu Bình Định được xây dựng vào năm đầu niên hiệu Gia Long (1802) tại thôn Vĩnh Lại, huyện Phù Cát (ngày nay thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Đây là Văn miếu được xây dựng sớm so với nhiều nơi khác. Ngoài Văn miếu, ở Bình Định còn có 6 Văn chỉ được phân bố ở các địa phương. Văn miếu do cấp tỉnh quản lý, Văn chỉ do cấp huyện quản lý. Đây là nơi tập hợp và khuyến khích các nhà khoa bảng đã thành đạt có trách nhiệm dìu dắt việc học hành cho lớp hậu sinh. Các Văn miếu, Văn chỉ trên đã đóng góp rất nhiều sĩ tử giỏi cho Trường thi Bình Định.
Trường thi Hương Bình Định được thành lập năm Tự Đức thứ 3 (1850), đây là điểm thi duy nhất dành cho sĩ tử các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và một vài nơi khác. Trong 65 năm tồn tại, Trường thi Bình Định đã tiến hành 22 khoa thi, chọn lọc được 342 vị cử nhân, trong đó có đến 194 cử nhân, với 12 thủ khoa là người Bình Định.
Ban giám khảo Trường thi Bình Định, 
khoa Ất Dậu -1885 (ảnh tư liệu)
Hơn hai thế kỷ trước, trên vòm trời thiêng Bình Định đã xuất hiện một vì tinh tú sáng lòa: Danh nhân kiệt xuất, anh hùng dân tộc – Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ. Quang Trung Nguyễn Huệ không chỉ là một thiên tài quân sự, mà còn là một nhà chính trị mang cái Tâm nhân nghĩa bao trùm cả thời đại ông. Văn trị, Đức trị, Nhân tâm là những tư tưởng xuyên suốt bao trùm sự nghiệp giải phóng và phục hưng dân tộc của người anh hùng. Sau khi thống nhất đất nước, trong vài năm ngắn ngủi (1789-1792), Quang Trung đã ra sức phát triển văn hóa dân tộc: việc học được mở rộng, chế độ thi cử được chấn chỉnh, đặc biệt vua rất coi trọng tiếng nói của dân tộc và đã đưa chữ Nôm lên địa vị chữ viết chính thức của triều đại. Vua đã tập trung vào hai nhiệm vụ dân tộc lớn nhất là chống giặc đói (Chiếu khuyến nông) và chống giặc dốt (Chiếu lập học). Lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước ta, trường học được thành lập đến tận các cấp xã; nhằm mục đích nâng cao văn hóa đại chúng và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Đến thế kỷ 20, Bình Định vẫn giữ vị trí là trung tâm giáo dục của vùng Nam Trung bộ. Năm 1962, Trường Sư phạm Quy Nhơn được thành lập, năm 1977 trở thành Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, năm 2003 chuyển thành trường đa ngành mang tên Đại học Quy Nhơn. Đây là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ chuyên môn thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, kinh tế – quản trị kinh doanh, kỹ thuật công nghệ ở trình độ Đại học và sau Đại học.
Hơn 150 năm sau, nơi từng là trường thi Hương liên tỉnh của các nhà Nho xưa lại tiếp tục là nơi đọ tài của các sĩ tử thời hiện đại. Từ năm 2003, Bình Định được chọn là cụm thi tuyển sinh Đại học cho 6 tỉnh khu vực miền Trung- Tây nguyên, cho đến bây giờ.
Những năm đầu thế kỷ 20, khu vực miền Trung chỉ có 3 trường công lập mang tên Quốc học, đó là: Quốc học Huế, Quốc học Quy Nhơn và Quốc học Vinh. Trường Quốc học Quy Nhơn được thành lập khá sớm, từ năm 1921 với tên gọi là Collège de Quy Nhơn.Trường luôn có nhiều học sinh giỏi, thi đậu tỉ lệ cao trong các kỳ thi Trung học và Tú tài.
Ngày nay, đất Bình Định vẫn còn ẩn chứa vô vàn câu chuyện huyền thoại và những điều kỳ bí. Lớp cháu con vẫn luôn tự hào về mảnh đất  quê hương, để phát huy và tiếp tục kiến tạo những kỳ tích mới cho quê hương Bình Định.
Ngọc Diên 
Theo http://xunauvn.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...