Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Tìm về phố cổ Quy Nhơn trong lịch sử

Tìm về phố cổ Quy Nhơn trong lịch sử
Ra đời và hình thành như một số thương cảng dọc theo ven biển miền Trung, Quy Nhơn từng đóng vai trò quan trong trong sự phát triển kinh tế Đàng Trong từ thế kỷ XVI- XVII. Những dãy phố sầm uất bên cạnh các hiệu buôn nổi tiếng đã minh chứng về một thời huy hoàng của thành phố biển này.
Văn hóa Việt – Hoa
Một gia tài vô giá, không dễ nơi nào có được đã trao lại cho Quy Nhơn, cho Bình Định. Tuy nhiên, điều trái ngược là trong khi các địa phương cận kề Bình Định xem cái rêu phong cổ kính của lịch sử trở thành điểm đến của du lịch, từng ngày làm ra của cải vật chất, thì Quy Nhơn chưa chú trọng lắm về “tài sản” này.
Dưới con mắt của người xưa, Quy Nhơn có tầm quan trọng trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài, không chỉ với các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Công Ty Đông Ấn (Hà Lan)  và các nước láng giềng Đông Nam Á mà còn cả vùng Trung Cận Đông xa xôi nữa. Quy Nhơn thực sự đã có một chiều dài lịch sử đáng tự hào. Những kiến trúc cổ rêu phong trong mảnh đất Quy Nhơn là những bằng chứng hùng hồn về những giai đoạn hào hùng đó.
Sử cũ chép, năm 1651 Chúa Nguyễn Phúc Tần cho đổi tên Quy Nhơn thành Quy Ninh; Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy tên cũ Quy Nhơn như cũ. Phủ Quy Nhơn vẫn là tên gọi được dùng trong suốt thời kỳ Tây Sơn và nhà Nguyễn cho đến 1830. Vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp thiết lập bộ máy cái trị trên vùng đất này, một đô thị mới ra đời bên bờ Thị Nại với tên gọi là Quy Nhơn. Tên chính thức của thành phố Quy Nhơn ra đời từ đó và tồn tại cho đến ngày nay.
Người Hoa đến Quy Nhơn, mua đất làm nhà, lập phố mở cửa hàng, cửa hiệu, thành lập các đại lý, tùy theo quê quán, họ lập các bang để sinh hoạt, trao đổi buôn bán. Khu phố chính của người Hoa sinh sống, buôn bán là đường Trần Hưng Đạo, Ngô Thì Nhậm, Đào Duy Từ… Các nhóm người Hoa sống xen kẽ, cộng cư với người Việt trên đất mua lại của làng Cẩm Thượng, Chánh Thành. Nhà cửa, phố xá của người Hoa bên cạnh các gia đình, chùa của người Việt, ở các đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Bé, Đào Duy Từ, Ngô Thời Nhiệm, Trần Cao Vân…Các Hội quán như Quỳnh Phủ Hội quán (66 Mai Xuân Thưởng) nay là trường PTCS Trần Hưng Đạo; Triều Châu Hội Quán (172 Ngô Thời Nhiệm) niên đại sớm nhất của Hội quán này là Đạo Quang Giáp Tý (1824); Đạo Quang 30 (1850); Phúc Kiến Hội quán (259 Bạch Đằng); Quảng Đông Hội quán (181 Trần Hưng Đạo), ở đây còn chiếc Lư hương bằng đá  niên hiệu Quang Tự 38 (1893) đáng chú ý là bức chạm gỗ đề 4 chữ “Túc Tự Hồi Ty” niên đại Quang Tự 13 (1887); Ngũ Bang Hội Quán (283 Bạch Đằng) và 27 Đào Duy Từ. Ngoài ra còn chùa Ông Bổn (411 Trần Hưng Đạo), chùa này do người Hoa lập ra để cầu tài cầu lộc khi cập bến Quy Nhơn để trao đổi hàng hóa. Quy Nhơn còn có hiệu buôn trà Toàn Phát là cơ sở thương mại sớm nhất, đây là hiệu buôn độc quyền mua bán chế biến trà hiệu Con Nai đen nổi tiếng, đáng tiếc là hiệu buôn này đã bị phá bỏ bán làm ngân hàng cổ phần. Làm nên bộ mặt Quy Nhơn không phải là người Hoa như ta tưởng, mà là người Việt. Người Việt đã đến lập làng, xây dựng đình chùa phục vụ cho đời sống tâm linh của cộng đồng mình. Ngôi chùa được xây dựng sớm nhất vùng Quy Nhơn là chùa Ông Nhiêu (hay còn gọi là chùa Quán Thánh Đế). Chùa có niên đại 1837 do Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng, quan Tổng đốc Bình - Phú đã cúng tiến trên 160 quan tiền vào việc xây dựng ngôi chùa này, ngoài ra do dân vạn chài cũng đóng góp. Người đứng đầu của Quy Nhơn là Trần Đức Hiệp nhưng Quy Nhơn mang dáng dấp của một đô thị không thể không kể đến vai trò của người Hoa. Dấu vết văn hóa để lai rõ nét nhất là những Hội Quán. Chúng tôi đã có những cuộc nghiên cứu khảo sát từ những năm 1987 và đã có những đanh giá, giá trị về loại hình kiến trúc này.
Giá trị phố cổ
Những kiến trúc theo kiểu phố của người Hoa đã được sử dụng thành các cơ sở sản xuất Tiểu thủ công nghiệp, Trường học từ năm 1983 - 1987, hiện chỉ còn dáng dấp bên ngoài, gần như đồ thờ tự bên trong đều đã bị phân tán. Trước đây, dọc theo đường Trần Hung Đạo (Gia Long cũ) từ bệnh viện Hòa Bình cho đến đường Ngô Thời Nhiệm cả dãy phố cổ gần như còn nguyên vẹn, khu phố này của Quy Nhơn gần giống với phố Nguyễn Thái Học của Hội An (Quảng Nam). Thời gian chỉ trên 30 năm nhìn lại, kiến trúc theo kiểu phố của người Hoa trên thành phố Quy Nhơn gần như bị xóa, tất cả đã được khoác lên mình một dáng dấp hiện đại. Đáng tiếc, do chưa hiểu hết nền văn hóa của Quy Nhơn xưa, những nhà quản lý, quy hoạch thành phố đã làm mai một nền tảng quan trọng cần có cho thành phố biển này.
Dạo quanh thành phố Quy Nhơn ta chỉ còn thấy một vài kiến trúc còn lại như Hội quán Phúc Kiến đã và được cải tạo từng phần theo công năng mới nhưng đồ thờ tự trong Hội quán này vẫn còn; “Hội quán Quảng Đông” đã được sử dụng một phần làm trụ sở UBND phường Trần Hưng Đạo; “Ngũ bang Hội quán”- nơi sinh hoạt của cộng đồng người Hoa vẫn còn nhưng đã được làm nơi sinh hoạt khu vực III phường Trần Hưng Đạo; “Triều Châu Hội quán” (17/2 Ngôi Thời Nhiệm), đây là kiến trúc được giới nghiên cứu đánh giá có giá trị nhất trong những kiến trúc người Hoa tại Việt Nam. Trong  khu này có một kiến trúc hoàn toàn bằng đá, không phải được lấy từ Bình Định mà nó được đưa từ Trung Hoa sang, từ tiền đường cho đến hậu tẩm được ghép bằng những khối đá được gia công nhẵn khá tinh xảo. Với các cột vuông cao 3,8m, cạnh rộng 0,27m, ngôi nhà được kiến trúc theo kiểu chồng rường, khắc chạm tứ linh như: Rồng, Phượng, Lân với các nét chạm khá tinh xảo. Hiện bên trong còn các bức Hoành  phi, câu đối sơn son, thiếp vàng không ai bảo quản. Trong khu vực sân là nơi cư trú của 10 hộ dân, khu Chánh điện một kiến trúc gỗ khá đẹp đang trở thành nhà kho của dân cư trú trong khu vực này .
Gìn giữ và phát huy
Về kiến trúc mang văn hóa Việt có đình Cẩm Thượng cũng bị sử dụng vào công năng khác, đồ thờ tự bên trong của đình không còn gì, đình đã được trùng tu nhân kỷ niệm 100 năm Quy Nhơn. Năm 2010 UBND thành phố đề nghị xếp hạng đình là di tích lịch sử và đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận vào ngày 20.7.2010; chùa ông Nhiêu được xếp hạng năm 2003, mới được UBND thành phố cho chống dột vào năm 2010, chưa có phương án phục hồi các đồ thờ tự bên trong, nay đang được dùng làm nơi sinh hoạt của dân phố Phường Trần Hưng Đạo; còn hiệu buôn Toàn Phát thì đã trở thành Ngân hàng vào năm vừa rồi. Điều đáng nói là trong khi Luật Di sản văn hóa đưa ra tiêu chí về di tích lịch sử -văn hóa là “Quần thể các công trình kiến trúc hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật của một hoặc nhiều giai đoạn  lịch sử” và Nghị định của Chính phủ cũng được hướng dẫn rất cụ thể. Theo những quy định này của Luật Di sản văn hóa và Nghị định 92/2002 NĐ-CP của Chính Phủ ban hành thì những kiến trúc của người Hoa ở thành phố Quy Nhơn cần được bảo vệ gìn giữ.
Vẫn biết là thành phố cũng đã có những đợt tổng kiểm kê đánh giá về các loại hình kiến trúc này, nhưng do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể, nên chính quyền các cấp vô tình hủy hoại một cách vô thức các di tích có giá trị. Nghị quyết của Đảng bộ thành phố cũng như Tỉnh đều xác định Du lịch là thế mạnh của thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, thế mạnh tiềm tàng đó là gì, sao không lấy văn hóa là một thế mạnh.
Thử đưa ra câu hỏi giả định, đến Quy Nhơn - Bình Định tham quan du lịch có gì đáng chú ý? Biển là một thế mạnh của Quy Nhơn nhưng chưa thể so sánh với Nha Trang, Đã Nẵng…Trong khi đó, những di sản lịch sử để lại cho Quy Nhơn thì đã bị phế bỏ không thương tiếc .
Thiết nghĩ, thà muộn còn hơn không, Quy Nhơn cần phải gìn giữ những gì còn sót lại của lịch sử, không thể để cho những khối bê tông nóng bức đang hàng ngày lấn át quá khứ của thành phố có một bề dày lịch sử lâu đời.
TS. Đinh Bá Hòa
Nguồn baobinhdinh.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Minh Ngọc - Những trang văn lưu giữ dấu chân người Sau 20 năm cầm bút, năm 2003 Nguyễn Minh Ngọc vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà...