Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Truyện ngắn Mang Viên Long và sứ điệp yêu thương

Truyện ngắn Mang Viên Long và sứ điệp yêu thương
“Văn hay không luận đọc dài/ Mở ra đầu bài đã thấy văn hay”, có lẽ phải dẫn câu ca dao như là đúc kết cách phê bình văn chương của ông cha ta khi đọc truyện ngắn của Mang Viên Long. Nói cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn chương rõ là phải nói đến những tiêu chí, nội hàm của cái hay, cái đẹp vốn khá đa diện, nhưng ở truyện ngắn của Mang Viên Long đó là sự dung dị của ngôn từ; cách dẫn chuyện tự nhiên, mạch lạc; câu chuỵện mang hơi thở của đời sống xã hội - điều làm nên hồn phách của truyện hầu tạo sự kết nối người đọc với những nhân vật, tình tiết trong câu chuyện được nhà văn hư cấu. Đáng mừng với Mang Viên Long, ông đã thể hiện được những “tiêu chí” tạm khái quát này ở ngay mỗi tên truyện, ở ngay vài trang đầu của mỗi truyện.
Cuộc đời như là cuộc trường chinh vượt qua những nhọc nhằn, khổ ải, thậm chí là khốn cùng của Mang Viên Long đã Dâng Tặng đời văn của ông những vốn liếng quý báu bởi với Mang Viên Long sống và viết, viết và sống chỉ là MỘT hành trình. Những tác phẩm khởi đầu ở tuổi 18 cho đến tuổi thất tuần hiện nay của ông vô hình trung như một “giấy chứng nhận” do chính ông tự cấp cho mình với “chức danh” là người thư ký của đời. nghĩa là của cuộc sống mà ông cùng mọi người trải qua trong đó yên bình thì ngắn ngủi nhưng bão dông, dâu bể và biến đổi thì dài dẳng. Có lẽ cũng vì để “ghi lại” được nhiều hơn những gì mà một viên thư ký của cuộc đời cần ghi, Mang Viên Long ngay từ buổi đầu cầm bút đã chọn viết thể loại truyện ngắn, rồi trở nên là một trong những nhà văn viết truyên ngắn cự phách, có lượng số truyện ngắn được ấn xuất nổi bật: gần 300  truyện.
Đọc truyện ngắn Mang Viên Long có cảm tưởng như đọc sử thi của những cuộc đời, những phận người trong đó có cao/ thấp, sang /hèn trải đời qua suốt quãng chiều dài lịch sử mà tác giả và tất cả cùng sống qua bởi mỗi thân phận người với nỗi buồn/vui,vinh/nhục, được/mất…luôn gắn liền với cái chung, cái được gọi là Lịch sử. Mang Viên Long, có lẽ cái khác của ông với một số các nhà văn cùng thời ấy là trong số những nhân vật được ông xây dựng nên chính là hình ảnh của một số tầng lớp trong đời thực mà vì lẽ này lẽ nọ nhiều người cầm bút ở hai phía không nhắm viết tới suốt hai tuyến thời gian trước 1975 và sau 1975 – cụm từ chỉ thời gian mà ông thường dùng trong truyện.
   Mạch nguồn xuyên suốt ở truyện ngắn Mang Viên Long ấy là niềm tin ở Lẽ đời, ở Tình yêu thương như là sức mạnh miên viễn của Con người. Không lên giọng, chỉ bằng thủ pháp miêu tả, dẫn dắt nhẹ nhàng, khéo léo, tạo sự hấp dẫn văn học,  Mang Viên Long kín đáo, hết sức kín đáo – nhiều khi như một công án, đưa thông điệp Tin Yêu đến người đọc.
36 truyện ở tuyển tập một này dù được viết ở hai thời khoảng khác nhau - thời Mang Viên Long trẻ, mới vào nghiệp văn, và thời Mang Viên Long tuổi trung tuần rồi lục - thất tuần nhưng vẫn cùng một giọng văn với nét riêng đặc trưng vốn có ở một Mang Viên Long được nhìn nhận là tài văn trẻ ở văn đàn miền Nam những thập niên 1960 -1970. Có thể xem Người liệm xác (1969), Sáu Bẹo (2010} là minh chứng cho sự liền dòng của văn phong, của sức sáng tạo văn học mà Mang Viên Long đã có được, đã giữ được trong biến động đời, biến động văn học trên 40 năm bởi Người liệm xác như một cuộn phim hiếm có bằng lời về hủy hoại khủng khiếp của chiến tranh, và Sáu Bẹo thì như một công án dựng xây nên chiến thắng từ tha thứ, yêu thương.
Đôi lời mà vẫn thấy dài dòng nhưng không thể viết ngắn hơn nữa về Mang Viên Long - một cây bút tận tụy với đời nhưng lặng lẽ, âm thầm như những nhân vật trong truyện của ông. Và có lẽ sẽ không cần những lời  trên đây nữa khi đọc qua tuyển tập này.
Huỳnh Văn Mỹ 
Theo http://xunauvn.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mưu Gia Cát

Mưu Gia Cát Thầy thằng Vi với thầy thằng Hoa hồi nhỏ cùng học với nhau một trường, nhớn lên, hai người cùng đỗ một năm, và bây giờ thì cùn...