Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Về tập thơ “Tản mạn vầng trăng” của Đỗ Minh Hằng

Về tập thơ “Tản mạn vầng trăng” của Đỗ Minh Hằng
Tôi đã đọc và giới thiệu nhiều tập thơ. Mỗi tập cố tìm ra nét đặc trưng về ý tưởng và về cách thể hiện của tập thơ ấy. Vậy, nét đặc trưng của thơ Đỗ Minh Hằng là gì?
1. Đó là tiếng kêu than về nỗi đau dồn dập:
Trước hết, là nỗi đau đầu đời rất lớn của nhà thơ. Chị có đến không dưới chục bài thơ về nỗi đau này. Ngưng đọng và tập trung nhất là bài thơ “Em vẫn mãi yêu anh” (tr.26). Bài thơ dài 10 khổ gồm 40 câu tràn đầy nỗi đau đớn bởi tình yêu đã mất:
Thương mình, thương anh nước mắt tuôn ròng
Trách ông trời sao gieo nhiều cay đắng
Để hôm nay ôm mảnh trời đen trắng
Sống đắng cay cứ cuồn cuộn dâng trào
Và, dứt day những kỷ niệm:
Nhớ thuở xưa còn cắp sách đến trường
Ngày hai buổi qua nhà anh đứng đợi…
Và, dẫu đã chia xa, vẫn mong ngày gặp lại:
Em khao khát được một lần gặp lại
Để bên anh im lặng đến cuối đường
(Em vẫn mãi yêu anh, tr.26).
Không thể “vọng tình” mãi được, tác giả thi ca phải đi lấy chồng; nghĩ rằng cuộc sống hôn nhân sẽ xóa bớt nỗi đau về mối tình đầu, song cuộc hôn nhân ấy cũng không trọn vẹn:
Con còn chưa biết gọi cha
Ly hôn chồng vợ chia xa đôi đường
(Tâm sự cùng trăng, tr.52)
Nỗi buồn dồn dập tiếp đến là mẹ mất để cha sống cảnh “gà trống nuôi con”, rồi cha cũng giã biệt các con:
Gà trống nuôi con chỉ có cha
Dạy con hiếu thảo với ông bà
Chữ nhân, chữa đức con nhuần nhuyễn
Trọn nghĩa đời cha - đẹp phận nhà
Rồi cha lại cũng giã biệt các con:
Cha đã đi xa còn nữa đâu
Công cha dạy dỗ nhớ từng câu
Con xin khắc cốt lời cha dạy
Giữ đạo làm ngời con khắc sâu

(Lời Cha, tr.48)

Song, nỗi đau lớn nhất là mất đứa con trai muôn vàn yêu quý của mình:
Bất ngờ hương khói, Dũng ơi!
Từ nay mẹ hết nói cười cùng ai?
Mỗi ngày không nắng ban mai
Hoàng hôn mẹ biết đợi ai trở về
Nỗi đau vượt mức tái tê
Ruột gan băm chém trăm bề con ơi!

(Mất con, tr.107)
Đó là nỗi đau vô cùng ai oán, xót thương và nuối tiếc đến cực cùng của người mẹ mất con.
2. Trước nỗi đau dồn dập, người phụ nữ trong trong thơ đã vịn vào đâu để sống?
Nhà thơ đã vịn vào quê hương, đất nước và cộng đồng để sống. Đó là những lần về thăm quê Nam Định của chị (Tình quê), những chuyến du lịch khắp miền đất nước, như đến Pa Pa (Sa Pa vấn vương); giao lưu với các bạn nhóm G7 (Nhớ mãi không quên), với nhóm bốn người bạn gái khác (Duyên trời)…
Vịn vào hoạt động từ thiện. Chị đi làm từ thiện nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Thật xúc động, khi đọc bài thơ “Hãy gắng lên em…” (tặng em Viên Nguyệt Ái tại Việt Trì – Phú Thọ):
Tôi ôm em trong vòng trìu mến
Nói với em… tôi yêu thương em…
Ôi hình bóng ấy không phai nhạt
Mà lòng thương em đến đầy vơi…

(Hãy gắng lên em…, tr.94).
Vịn vào Thiền và thơ để sống:
Nổi bật là vịn vào Thiền, nhà thơ có nhiều bài thơ về Thiền phật, như: Ăn chay (tr.103); A- Di- Đà- Phật (tr.106). Bài thơ 32 chữ đừng (tr.44) là bài thơ khuyên răn đừng làm điều xấu theo tinh thần Phật giáo.
“Khép lại nỗi buồn” là bài thơ thể hiện khá trọn vẹn về nghị lực vươn lên để sống của nhà thơ:
Kéo mây để khép bầu trời
Khép trang đời lại cho vơi nỗi sầu…
Song thưa tôi cũng khép rồi
Một mình, ta sống thấy đời nhẹ tênh
Bài thơ kết luận:

Thả hồn vào những áng thơ
Khép trang giấy trắng mộng mơ một thời
Ta vào cửa Phật tu thôi
Ăn chay niệm Phật cho vui tuổi già.
(Khép lại nỗi buồn, tr101).
Nói về đặc trưng của tập thơ và đặc điểm của tác giả thơ, không thể không nói đến tác giả thơ đồng thời cũng là tác giả nhạc. Đỗ Minh Hằng có đến sáu ca khúc in trong tập thơ. Thường thường là người làm thơ, thì không làm nhạc, và ngược lại. Đỗ Mimh Hằng làm cả hai loại hình nghệ thuật ấy – điều này hiếm thấy và thêm lý do để bạn đọc quý mến nhà thơ hơn.
Cuối cùng, xin có đôi lời về nghệ thuật thơ của “Tản mạn vầng trăng”:
Trước hết, là hình tượng thi ca nhìn chung được chú ý. Khi nói về tình yêu ban đầu, hình ảnh “mùa thu”, “ánh trăng” và “mưa”, được gợi lại nhiều lần, gây ấn tượng về cái đẹp huyền bí của tình yêu ban đầu; những thi từ-thi ngữ về nỗi đau mất mát cũng rất thành công với những ngôn từ “đắng cay”, “cay đắng” được điệp lại có chủ tâm; ngôn từ trong các bài thơ về nỗi khổ đau khác cũng rất “đắt”, như trong bài thơ “Mất con” với tái tê”, “ruột gan băm chém”… Những thi từ - thi ngữ khác biểu thị cảm xúc ở các tình huống khác nhau đều đạt thành công đáng kể.
Vần điệu chủ yếu trong “Tản mạn vầng trăng” là thể lục bát - nhiều bài khá thành công. Những bài thơ như “Tình quê” và “Khép lại nỗi buồn” là những bài thơ không chỉ về tứ mà cả về ngữ đều thành công đáng kể.” Về “Tình quê”, tôi đã có bài bình trên mạng xã hội Blogtiengviet. “Khép lại nỗi buồn” Cũng là bài thơ đẹp về hình tường, ngôn từ và cả về vần điệu nữa!
Chúc mừng nhà thơ Đỗ Minh Hằng về những tập thơ “Tản mạn vầng trăng” khá hay của chị và mong nhà thơ tiếp tục đạt thành công hơn nữa trong sự nghiệp sáng tạo thi ca của mình!
Mai Thanh
Theo http://www.vn102.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những cây cầu thành phố Khang gần như mê mẩn những cây cầu trong thành phố. Đây chỉ nói những cây cầu nhỏ, thậm chí vô danh, những cây...