Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Những khoảnh khắc đẹp trên cao nguyên nắng gió, Đăk Lăk

Những khoảnh khắc đẹp trên cao nguyên nắng gió, Đăk Lăk
Đăk Lăk là một thành phố đầy nắng và gió, ở trên vùng cao nguyên này ta thường xuyên bắt gặp ánh hoàng hôn đẹp mê lòng người, mộc mạc buổi sáng trên Hồ Nam Ka,...
Hoàng hôn Lak. Mình rất thích chụp cây, và ở Lak thì có rất nhiều cây đẹp. Mùa đông đi qua để lại những thân cây cổ thụ ven đường trơ trụi những cành, dễ chụp và dễ đẹp. Nếu đi vào tháng 2 - 3, những cây gạo trước cổng nhà trổ bông đỏ rực ...
Chiều trên buôn làng, em bé Lak, nhà sàn và lại là 1 cái cây đẹp 

Cách Lak khoảng hơn 20km là Hồ Nam Ka, trên đường đi từ ĐakLak qua Đà Lạt. Hồ này đã đi vào ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng vì khung cảnh trữ tình của nó.
Sáng trên Hồ Nam Ka


Thấp thoáng những ngôi nhà trên mặt nước
Hoàng Uyên

Phiêu du mùa Xuân

Phiêu du mùa Xuân
Ta gọi : Mùa Xuân ơi đến mau đâu Mùa Xuân ơi xin hãy dừng lại, thế mà Mùa Xuân lại được ga vào không khí hân hoan Tết cuối năm hơn là mong những ngày sau đó ….Vì thế đưa Ta trở về, hỏi bao điều quên điều nhớ, nhưng sao Ta không thể tự quên mình, và nhìn đâu cũng làm trỗi dậy kí ức thuở ấu thơ dào dạt…Nhưng tôi thử bỏ lại cảm xúc đó để đi tìm ý niệm Xuân cho mình…
Ta muốn gọi Mùa Xuân không bằng danh từ như người đời khoác cho dòng Luân Vũ, sốt ruột nhìn Mùa nối nhau về rồi lướt nhanh đi mà nhói lên trong tim như muốn hỏi, giống như mình là ai chẳng bằng tên
Những nhà Thơ đang già đi, chạy quanh mấy tòa báo cố thêm tiền tiêu Tết, nhàu trong tay bản thảo tồn lưu từ năm ngoái giả lả rằng đâm chồi này lộc là Mùa Xuân, khiến mấy nếp nhăn người thêm cau có

Đâu đâu cũng mượn ý Trời vẽ vời điều hời hợt nhìn thấy, dựa vào tình Đất để nặng thêm lời mòn đá nghĩ thành sang, mà Nhân gian hụt hẫng thiếu một mầm Tin cứ phải đợi Xuân mới bừng trở lại 
Người bị tắc giữa muôn ngả đường đời hối thúc người dẫn đến, vắng chỗ tách mình xa khỏi nơi hội chợ những ngón tay lần đếm tiền cho những mưu sự, lụy Tết về nảy vô vàn cái cớ tham gửi vào một năm sau
Ta không muốn bắt đầu bởi muôn loại Hoa Xuân sắc, chìm vào cảm xúc quá khứ, tìm lại hạt giống gì không ý niệm mà mọc lên Tình yêu chẳng phải đầu đời mà đi trải mãi mới nhận ra mà vẫn châng lâng
Ta thấy Xuân không phải lặn lội truy tìm Đào ở đâu hồng phai, ta thưởng Tết chẳng cần khề khà mâm cỗ tất niên có chút hương cuối năm lảng bảng, niềm yêu Đời không gọi, chả về mà từ Ta lan tỏa không gian.
Nguyễn Tất Thịnh


Mùa xuân - Tết nguyên tiêu và Thơ

Mùa xuân - Tết nguyên tiêu và Thơ
Mùa xuân - Tết nguyên tiêu – và Thơ, nghe thật nhịp nhàng và bồng bềnh như nhịp ba của điệu van-xơ đã từng lay chuyển mọi dòng sông trên thế gian, đặc biệt là sông Đa-nuýp. Nghe nó tuôn chảy, dào dạt, dập dềnh như dòng thác mỹ học đầu tiên cải cách nhịp đi một hai - một hai (nhịp 2/4) của cơ thể thành một dòng chảy của dòng sông thời gian: biến cái dáng đi tự nhiên nhất trở thành nhân tạo – cũng có nghĩa là trở thành nghệ thuật? ...
Không! Nhịp mùa xuân - tết nguyên tiêu – và thơ giống ba tầng của một vệ tinh hơn. Mùa xuân là tầng đáy – nơi chất đầy nguyên liệu tràn trề sức sống của càn khôn. Và Tết Nguyên tiêu giống như vô vàn các thành phố và thôn quê ở phương Đông đang nhấp nháy muôn vàn chiếc đèn lồng để đội vành nguyệt quế ánh sáng lên sức sống mùa xuân đó.
Vệ tinh bùng ra một tiếng nổ mãnh liệt ở tầng một, bắn lên một vệt sáng thăng thiên lên tầng hai; tầng hai lấp lánh chói lòa tuôn ra những pháo hoa rụng xuống từ một tốc độ siêu phàm; và chót đỉnh mũi vệ tinh còn lại là thơ đang chất chứa sức nổ trong mình để bay đến các vì sao... Đó là hình ảnh toàn thể cho lễ hội thơ Tết nguyên tiêu của chúng ta mới diễn ra ngày rằm tháng giêng vừa qua.
Mùa xuân, theo Kinh Dịch của người Trung Quốc là mầm sống vừa nhú: khí dương vừa nhoi lên qua đại dương âm u của mùa đông, nhưng vẫn còn yếu, người ta gọi là “thiếu dương”, tức chưa đầy đủ. Nhưng đến rằm tháng giêng, rằm là mặt trăng đã mãn – nó đầy đủ và tràn trề, cũng có nghĩa là thành tựu hơn, dẫu vậy: trăng rằm tháng giêng vẫn còn lờ mờ trong mây khói bởi vì sự ẩm ướt của tháng giêng vẫn còn quá dầy, nên trăng chưa thể lộ ra cách toàn diện.
Người Trung Hoa thường xếp thơ với trăng, vì trăng thuộc Âm, người ta cũng gọi nghệ thuật là Âm, như “Âm nhạc”, thơ cũng thuộc thể âm, bởi vì đối với nghệ thuật, chính trị được xếp vào giường cột: tức thể Dương.
Vì lẽ đó chọn ngày tết nguyên tiêu để mở lễ hội thơ thì thật tuyệt vời! Trước hết thơ được coi như buổi bình minh hồn nhiên của loài người. Thứ hai, khí dương mới sinh đến trăng rằm đã đạt thành tựu sớm sủa đầu tiên, và ngày thơ mọc cánh ngay từ thành tựu non tơ đó, thật chẳng khác gì: mượn gió mùa xuân để thả cánh diều hy vọng cho thơ. Theo quan niệm của người phương Đông, mọi sự thành công của con người phải được thông thiên cùng sự kỳ vĩ của tạo hóa, người ta gọi đó là “Thiên – Nhân tương ứng”, hoặc còn mô hình chi tiết ra là:Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngày thơ Việt đã lên men từ chính nguyên lý đó. Nói cách cầu kỳ theo binh pháp thì các nhà thơ xứ ta thật uyên bác để chọn thế “ỷ dốc” mùa xuân cho thơ.
Dốc núi - tuyết tan – và sức sống, đó là hình ảnh kinh điển vĩnh cửu của người Phương Tây. Mùa xuân, tuyết rùng mình lở tơi bời trên các sườn núi, hóa những dòng sông như đổ từ trời xuống, nước cuốn đến đâu, cây cỏ hồi sinh – hoa lá tuôn trào đến đó. Và thơ của chúng ta thì sao, nó có đổ xưống như thác lũ?
Nhìn lại thơ Việt đã trải qua ba thời kỳ căn bản:
1- Thời kỳ ca dao tục ngữ: hơn 90% dân số mù chữ, nhưng ca dao tục ngữ là thơ của những người tinh hoa, được sàng lọc qua nhiều kinh nghiệm và thế hệ, để truyền dạy cho đời. Vì thế thơ luôn kèm theo nội dung của trí tuệ, của chân lý bên trong, chẳng hạn:
Dò sông dò biển dò nguồn

Biết sao được bụng lái buôn mà dò
Hoặc:
Ngựa hay chẳng quản đường dài

nước kiệu mới biết tài trai anh hùng
2- Thời kỳ thơ mới: dân ta thích đọc thơ để tập đánh vần cho nhanh, cho tiện, cho dễ “học như chơi”, nên đâu dâu cũng thấy tập đọc thơ, cũng là tập đánh vần, ba gác, xe thồ, xích lô mua báo để đọc , đánh vần thơ . Ối kẻ học vẹt thuộc cả bài thơ dài mà không biết mặt chữ.
3- Thời nay, dân ta có hơn 90% biết chữ, và đến lễ hội thơ có rất nhiều độc giả là sinh viên đại học, các tác giả thơ thì vừa đại học vừa cao học, còn có khá nhiều người từng du học ở nước ngoài.
Năm ngoái trong lễ hộ thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xuất hiện trước ống kính của truyền hình và nói đại ý: Tưởng rằng thơ đã hiu hắt, nhưng đáng mừng thay có rất đông, rất đông đến để nghe thơ và đọc thơ, chứng tỏ nhu cầu về thơ vẫn còn rất lớn, rất đáng mừng, cái chính là giờ đây chúng ta phải tìm cách làm thơ hay lên.
Câu nói của ông thật chí tình chí lý, đúng như mọi nguyên lý ở đời, quả là đầu tiết xuân ông nói: “mới như mùa xuân, cũ như trái đất”, không khác gì các nhà nông nghiệp nói với nhau, chúng ta cần tăng năng xuất, và các nhà kinh doanh nói, chúng ta cần có lãi, và lãi nhiều hơn nữa.
Còn nhà thơ trẻ phái đẹp Phan Huyền Thư thì tâm sự thật run rẩy và trắc ẩn: nhà thơ đồng nghĩa với cái gì tội nghiệp, đáng thương; nhưng qua lễ hội thơ, nhìn khán giả và không khí thơ, mặc cảm đó dường như tan biến...
Sau ngày thơ, nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng hàng đầu của chúng ta là Nguyễn Huy thiệp có viết bài “Nhân ngày thơ bàn về thơ” đăng trên tờ Văn hóa Thể thao (10/2/2006). Phải nói, có lẽ chưa bao giờ thấy Nguyễn Huy thiệp có được cái nhìn sắc xảo, bình thản và đúng đến vậy, ông đưa ra hai ý:
1- Con người đi từ trẻ đến già, thì thơ cũng đi từ thơ tình lúc tuổi trẻ cần khám phá giới tính đến ý chí là lúc tuổi già đã tích lũy nhân đức và trí tuệ.
2- Thơ cần đi từ hồn nhiên đến tâm lý, rồi đến triết học.
Mùa xuân, các tác giả đến sân khấu thơ quả là hiện đại, và họ mang cả phong cách của “hậu hiện đại” tức biểu hiện thơ, thậm chí biểu diễn thơ, tóm lại họ biểu cảm thơ bằng rất nhiều động tác hiện đại từ ngôn ngữ trữ tình, gào thét, trán nhăn, mắt quắc, tay vung... Nhưng so với các tiền bối như ca dao hay Nguyễn Du họ dường như chẳng để lại dấu ấn gì ngoài chính sự biểu cảm. Bởi lẽ thơ họ dù rất giầu cảm xúc nhưng vẫn chỉ là cảm xúc thôi, còn trí tuệ hay những nguyên lý đúc kết muôn đời như “muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước” thì hiện ra ở vần thơ nào?
Một nhà tư tưởng Ấn Độ có nói: “Hạnh phúc cho chúng ta được sinh ra làm trẻ con, nhưng bất hạnh thay cho chúng ta mãi mãi phải làm trẻ con,” qua câu này càng thấy câu của nhà thơ Hữu thỉnh thật là “chí lý”, ông nói, hãy làm thơ hay hơn nữa để hài nhi thơ đó lớn lên. Mong rằng thơ Việt Nam sẽ chóng lớn đến độ có ngày nó làm rách toạc chiếc áo người mẹ ca dao may từ thủa ngàn năm đến nay vẫn còn chưa trật. Muốn vậy, mỗi nhà thơ chúng ta phải biết bác học hóa ngay những vần thơ tiếng mẹ đẻ của mình. Rất mong ngày đó!
Nguyễn Hoàng Đức


Xuân về miên man nỗi nhớ chợ quê

 Xuân về miên man nỗi nhớ chợ quê
      Khi tết đến xuân về, có lẽ trong mỗi chúng ta vẫn nhớ những ngày tết xưa được theo mẹ đi chợ quê sắm tết. Cái khoảnh khắc đó thật vô tư hồn nhiên nhưng vẫn đọng lại sâu thẳm trong tiềm thức mỗi con người. Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì dấu ấn chợ quê cũng đang phai nhạt dần. Vậy nhưng trong dòng chảy của nền văn hóa đất nước chúng ta, chợ quê vẫn có một vị trí quan trọng cho dù có bị lớp bụi của thời gian phủ lên.
       Việt Nam với nền văn minh lúa nước đã có từ hàng ngàn đời nay, cái nền văn minh ấy là cái nôi sản sinh ra văn hóa chợ quê. Người ta nói rằng, muốn biết đời sống ở một vùng quê nào đó ra sao thì hãy ra ngắm chợ. Chợ là trung tâm văn hóa cộng đồng. Chợ là hồn của quê. Cái hồn Việt ấy trải dài từ Bắc chíNam, từ xuôi lên ngược. Dù trên bến hay dưới thuyền, dù giữa dòng sông hay lưng chừng núi, dù vùng sầm uất trù phú hay xơ xác chốn nghèo… Ở đâu thì chợ quê vẫn mang bóng dáng như nhau. Chợ quê là một vẻ đẹp tinh túy của một nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Để thấy được dáng dấp của chợ quê xưa, chúng ta hãy quay lại lịch sử xem các nhà nghiên cứu và học giả ghi chép thế nào.
Năm 1929, trong cuốn “L’Indochine en Ziggzas”, ông Pierre Billotey - một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết: “Trên con đường chính, cả một đoàn người nối đuôi nhau đi. Phải chăng họ từ phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và đông đảo ấy? Họ bước thoăn thoắt vội vàng, chiếc đòn gánh tre trên vai có lủng lẳng thõng xuống như hai đĩa cân, hai rổ sảo giống như hai chiếc ly hoặc những thúng mủng. Trong những cái thúng mủng này chồng chất hàng ngàn thứ khác nhau, thóc, gạo, chuối, rau, cỏ, hạt, cau, trầu, rơm, nồi đất buộc rất tài tình và nhiều thứ khác nữa…”. Đó là cảm nhận của một học giả nước ngoài. Còn trong cuốn: “Việt Nam văn hóa sử cương” mà học giả Đào Duy Anh đã viết từ năm 1938, ông đã miêu tả về chợ quê như sau: “Ở quê thì cái chợ là nơi dân xung quanh họp nhau mỗi ngày hay mỗi phiên để đổi chác những đồ thổ sản hoặc về nông nghiệp hoặc về công nghiệp, cần dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Ngoài những người nhà quê đến chợ để bán thổ sản, còn có ít nhiều người lái buôn chuyến như hàng vải, hàng xén, hàng cau, hàng thuốc, hàng thịt, hàng bánh, cứ gánh hàng đi chợ này chợ khác để bán rong…”
Chợ quê đi vào tiềm thức mỗi chúng ta bởi nó đơn giản không cầu kỳ, chỉ cần có một bãi đất trống, một bến sông hay một ngôi đình… thì ở đó vẫn hình thành chợ. Chợ quê có chợ mở theo phiên vào những ngày âm lịch cố định hoặc có những chợ mở hàng ngày. Người ta gọi người thành phố là “dân kẻ chợ” và đã sinh ra câu thành ngữ “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì kẻ chợ” để vạch một nét chuẩn cấp độ trong phép so sánh. Nhưng lịch sử của phố thì có sau lịch sử của chợ, bởi chợ là người mẹ của phố, người mẹ ấy ra đời từ quê. Văn hóa chợ quê của chúng ta có từ rất lâu rồi khi những con người trong cộng đồng người Việt có nhu cầu trao đổi hàng hóa. Hình thức giao thương sơ khai nhất trong lịch sử thương mại là “vật đổi vật”. Nói cách khác chợ quê là một điển hình của một nền kinh tế tự cung tự cấp của vùng nông thôn thuở xa xưa.
Không hoành tráng cũng chẳng cầu kỳ nhưng chợ quê vẫn náo nhiệt bởi ở đó vẫn có những tiếng cười rôm rả, vẫn lời qua tiếng lại trả giá của những người mua kẻ bán chứ không khô khốc, cứng nhắc như những trung tâm mua bán ngày nay với giá niêm yết được đánh dấu trên mỗi sản phẩm. Hàng hóa đem ra bán ở chợ quê cũng không có gì đặc biệt mà chủ yếu là các sản phẩm mang tính cây nhà lá vườn của từng vùng quê, chỉ cần vài con cua, con cá bắt được ở ngoài đồng, vài nải chuối, mấy mớ rau, vài con gà, vài bò gạo nếp hay gạo tẻ người ta vẫn mang ra chợ bán hay đổi chác với các sản phẩm khác. Bên cạnh đó ta thấy một sự chân thành gần gũi ở những con người vùng quê qua những phiên chợ, nó như một sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm của những con người vùng quê, bởi có khi đem mặt hàng gì đó ra chợ mà người ta chẳng bán mà gặp người thân đôi lúc lại san sẻ hoặc gửi về cho một thân nào đó không đi phiên chợ hôm nay.
Việt Nam ta, xứ nhiệt đới với nền văn minh lúa nước từ cổ xưa đã đẻ ra cái chợ quê mà nó trở thành tâm thức cộng đồng, là một yếu tố cấu thành nền văn minh làng xã. Trong nền văn minh ấy không thể thiếu được chợ quê bởi nó vừa là quy chuẩn vừa là nhân tố để duy trì mối quan hệ cộng đồng. Chợ quê là trung tâm văn hóa sinh hoạt tự nhiên trong đời sống cộng đồng làng quê. Chợ đã đi vào tâm thức người Việt Nam, hòa vào dòng chảy văn hóa ngàn đời của cư dân Việt với những nét truyền thống khó phai mờ. Nó đơn sơ mộc mạc nhưng vẫn đi vào lòng người bằng những nét chân thật, sâu lắng.
Chợ quê, một không gian sinh động của đời sống và đã gắn bó với chúng ta qua nhiều thế hệ. Nét văn hóa thiêng liêng đó đi vào lòng người bởi nó là một nét chấm phá tiêu biểu hòa vào đời sống mang tính đậm đà bản sắc dân tộc. Không những thế, chợ quê còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam. Nhiều thi nhân đã để lại những câu thơ, bài thơ hay và nhiều cảm xúc trong nền thơ của dân tộc. Những câu thơ đó đi vào lòng người đọc bằng những hình ảnh khác nhau tạo nên một không gian chơ quê đa chiều.
Bà Huyện Thanh Quan khi bước tới Đèo Ngang đã có cái nhìn rất tinh tế trước một không gian trầm mặc nhưng bà vẫn cảm nhận được một điểm nhấn từ xa xa:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà…
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ vương vấn trầm ngâm với không gian cuối buổi chiều chợ Tết ở một làng quê để rồi khi cái buồn đè nặng lên mình, ông đã phải thốt lên.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ…
Nguyễn Bính nổi tiếng là nhà thơ tình với những câu thơ mượt mà. Thế nhưng ông cũng có những lúc miệt mài trên bước đường giang hồ lưu lạc. Và những lúc lang thang đó ông đã bộc bạch với bản thân mình:
Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà khóc thế nhân ơi!
Trong bài “Bên kia sông Đuống” Hoàng Cầm đã thể hiện mọi cung bậc cảm xúc khi nhớ về làng quê của mình. Trong những ngày thi nhân theo bước đoàn quân diệt Pháp, nhà thơ bày tỏ niềm vui khi nghĩ đến quê hương mình, và trong niềm vui đó nhà thơ đã không quên cảnh chợ quê Kinh Bắc bởi ở đó có.
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng…
          Ngày xuân đến, trong mỗi chúng ta lại ùa về không gian xưa, nơi chợ quê là cái gì đó rất thiêng liêng bởi không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày tết. Ngày nay khi mà các trung tâm mua sắm ngày càng mọc lên nhiều thì vai trò chợ quê cũng giảm đi bởi mọi người phải thay đổi cách mua sắm theo hướng hiện đại. Đó là sự thay đổi để phù hợp với cuộc sống mà chúng ta đang hướng đến. Cũng chính vì thế mà chợ quê lại càng thiêng liêng hơn nếu chúng ta biết giữ nét văn hóa độc đáo này. Có đôi lúc ta thấy chạnh lòng vì những ngôi chợ quê cứ dần dần biến mất, thoảng trong đầu là những ý nghĩ miên man, một nổi buồn không nói ra được bằng lời bởi không gian chợ quê cứ mai một theo từng ngày. Chợt liên tưởng đến một ngày nào đó ở các làng xã cứ đua nhau mọc lên các chợ lớn theo hướng hiện đại, và khi ấy không biết có còn không gian nào cho câu ca dao mộc mạc, tình tứ, quê mùa:
Chàng buông vạt áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa…
Hồng Nhung

Hà Nội - Nguồn cảm hứng dạt dào của thơ, nhạc

Hà Nội - Nguồn cảm hứng dạt dào của thơ, nhạc
Hà Nội, trái tim Tổ quốc như ta thường gọi, khởi đầu từ Thăng Long của hơn nghìn năm trước, trải qua những biến động dữ dội của thế cuộc, của lịch sử, thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân, xứng đáng là vùng đất linh thiêng, anh hùng, hào hoa. 
Phù sa của sông Cái – sông Mẹ vĩ đại đã đắp bồi nên một vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội oanh liệt và lãng mạn trong hơn một thiên niên kỷ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 
Ở một mốc gần hơn, khi những Người lính Cụ Hồ áo vải dép lốp mang hào khí chiến thắng Điện Biên Phủ tiến vào Hà Nội, tháng 10 năm 1954, đến mùa thu này cũng vừa tròn 60 năm. Có thể nói rằng từ hơn thiên niên kỷ nay, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội là nguồn cảm hứng dạt dào của thơ nhạc. Tập hợp những tác phẩm sáng tác về Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, ta sẽ có một kho tàng văn học nghệ thuật đồ sộ in dấu ấn sáng tạo của các thế hệ thi sĩ, nhạc sĩ trong đó có những người rất nổi tiếng. Các tác phẩm thơ, nhạc về miền đất nghìn năm văn hiến này có nhiều cung bậc, màu sắc: Hoành tráng vang vọng, cảm hoài u uất, trầm lắng thiết tha, dạt dào sôi nổi, chậm rãi thủ thỉ, truyền thống hiện đại…
Sông núi, phố làng, mùa màng và con người Hà Nội xưa và nay mang những dấu ấn văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của Đất nước, dân tộc đồng thời cũng lấp lánh những nét đẹp, cái đẹp riêng của vùng Thủ đô. Dù có thể không sinh ra trên mảnh đất này nhưng đã là người Việt Nam, ai cũng cảm nhận được một Hà Nội của chúng ta từ sông Hồng đỏ nặng phù sa đến Hồ Gươm lung linh truyền thuyết, Văn Miếu-Quốc Tử Giám thâm nghiêm, chùa Một Cột khiêm nhường thanh thoát, phố cổ lô xô, ngôi nhà sàn của Bác Hồ đơn sơ gần gũi… Thăng Long-Hà Nội đi vào trang viết của rất nhiều thi nhân nước nhà; cổ đến kim đều có những áng thơ hay về nơi địa linh nhân kiệt tài hoa trăm miền tụ hội này.
Từ thời Lý, triều đại có công dựng nên Thăng Long thành trên nền Đại La, Vạn Hạnh thiền sư đã viết: Hướng Nam, thần hộ đất Phù Ninh/ Trai gái đầy thôn nức tiếng lành/ Thiên Đức giàu sang, no đủ khắp/ Giữa trời sao Nữ, thánh quân sinh để ngợi ca quê hương Lý Công Uẩn. Cứ nhắc đến Thăng Long, ta lại nghe vọng vang âm hưởng tự hào bởi Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời và từ Xung Thiên thần vương của Lê Thánh Tông: Vọt vàng ngựa sắt hằng di đế/ Làng Gióng non Trâu miếu hãy còn. Trải qua nhiều biến loạn bể dâu, Thăng Long ghi dấu những hợp tan, những thăng trầm khôn xiết. Bởi thế mới có những tiếng thở dài u uẩn trong thơ Nguyễn Trãi: Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải/ Góc thành Nam, lều một gian (Góc thành Nam), xa xót hoài niệm trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương(Thanh Long thành hoài cổ), ngỡ ngàng nuối tiếc trong thơ Nguyễn Du: Thành mới trăng xưa dõi dõi soi/ Thăng Long đô cũ dãi dầu phơi/ Dọc ngang phố xá mờ trăm vết/ Trầm bổng cầm ca nhạc đổi lời (Thăng Long).
Lịch sử sang trang, Hà Nội hiện lên với nhiều cảm xúc, dáng vẻ, góc cạnh, màu sắc, hình ảnh trong thơ tiền chiến, thơ thời toàn dân chống thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ xâm lược, hòa bình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hàng trăm, hàng nghìn bài thơ viết về Hà Nội, kể sao hết nhưng không thể không nhớ: Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu/ Hàng Trống, Hàng Khay rộn bước người/ Sách vở lên hương trầm ngát nẻo/ Hoa xoan, hoa phượng chói màu tươi (Phố cũ) nhiều bâng khuâng mơ màng của Vũ Hoàng Chương; Đường Láng thơm bạc hà, canh giới/ Ôi trăng soi trên lá xà cừ (Đêm trăng đường Láng) đầy trực cảm của Xuân Diệu hay: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy… (Đất nước) man mác của Nguyễn Đình Thi và đặc biệt hai câu thơ để đời của Huỳnh Văn Nghệ: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc)… Nhiều lắm những bài thơ viết về Hà Nội, từ Hà Nội xuất hiện trong thời chống Mỹ và sau năm 1975 mà những ví dụ sau đây là vô cùng ít ỏi: Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ;Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ; Đường ở Thủ đô của Lâm Thị Mỹ Dạ;Một góc chiều Hà Nội của Nguyễn Duy; Mẹ ra Hà Nội thăm con của Lê Đình Cánh; Xóm đê của Phan Thị Thanh Nhàn, Viếng Lăng Bác của Viễn Phương;Em ơi, Hà Nội phố của Phan Vũ; Ca bình minh của Lý Phương Liên; Những ngôi sao hình quang gánh của Nguyễn Phan Quế Mai…
Tôi vẫn thích những vần thơ đằm thắm, đắm đuối, ngọt ngào về Hà Nội trong thời chiến tranh; nó giống tâm hồn người Hà Nội, dù trong hoàn cảnh nào vẫn tinh tế thanh lịch như Lưu Quang Vũ cảm nhận: Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về (Vườn trong phố). Tôi thương đến nao lòng Em của Phan Vũ hòa quyện trong từng góc phố, con đường, mùi hoa của Hà Nội: Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai/ Tóc xõa vai mềm (Em ơi, Hà Nội phố). 
Nên nhớ, Phan Vũ viết bài này trong những ngày Thủ đô bị pháo đài bay B52 của Mỹ rải thảm và đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy tháng Chạp năm 1972. Sao lại nhớ đến thế cái hồn nhiên trong suốt, nhẹ nhàng của Lý Phương Liên trong Ca bình minh của thời bom đạn khốc liệt: Em đi làm ca ba/ Đêm buông đầy đường phố/ Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ/ Em đi giữa lòng đường hát khẽ… Lại rất muốn chia sẻ với một Hà Nội tần tảo hôm nay như thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Những ngôi sao của tôi/ Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận/ Vô danh giữa đời thường/ Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi. (Những ngôi sao hình quang gánh)… 
Thăng Long-Hà Nội cũng đi vào nhạc như là mạch nguồn của những cảm hứng sáng tạo nhiều men say. Kinh kỳ là nơi mời gọi, thu hút nhiều tài danh đến và chính họ góp phần làm rạng rỡ thêm văn hiến non sông. Những người làm thơ tài giỏi thời phong kiến như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh… đã viết nhiều lời về Thăng Long cho ca trù, chầu văn. Trong các ca khúc trữ tình về Hà Nội thời tiền chiến người ta hay nhắc tới Giọt mưa thu mang nỗi buồn êm dịu thánh thót của Đặng Thế Phong hay Phố buồn đắng đót của Phạm Duy. 
Nhưng phải chờ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiếp theo là sự đồng hành cùng hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này, những tác phẩm âm nhạc về Hà Nội mới thực sự tuôn chảy dạt dào. Thời nào cũng có bài hay, cũng có những nhạc phẩm nằm lòng công chúng. Giá trị về nội dung và nghệ thuật của nó vượt qua thử thách thời gian, vượt lên cả yếu tố tuyên truyền để sống lâu, sống mãi với người nghe, người thưởng thức. 
Cũng như thơ ca, đặc điểm lớn nhất của âm nhạc Cách mạng là gắn bó, đồng hành, cộng hưởng với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Đất nước của dân tộc. Chúng ta có thể kể tới các tác phẩm: Mười chín tháng Támcủa Xuân Oanh; Ngày về của Lương Ngọc Trác-Chính Hữu; Tiến về Hà Nộicủa Văn Cao; Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi… thời chống Pháp. Tác phẩm Người Hà Nội hoành tráng là một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc Cách mạng viết về Thủ đô. Hát lên, ở thời nào, chúng ta vẫn đều cảm nhận rất rõ rệt và lắng lại hồn thiêng Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội qua những Sông Hồng reo, Hồ Gươm xanh thắm, bóng Tháp Rùa, những cửa ô xưa cũ, những tên phố Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai... thân quen. 
Thời cả nước đánh Mỹ và miền Bắc xây dựng CNXH, nhiều ca khúc hay về Hà Nội đã ra đời như Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu; Bài ca Hà Nộicủa Vũ Thanh; Em là thợ quét vôi của Đỗ Nhuận; Khi thành phố lên đèn của Thái Cơ; Hà Nội-Điện Biên Phủ của Phạm Tuyên; Em ơi, Hà Nội phố của Phú Quang-Phan Vũ; Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp; Hà Nội niềm tin và hy vọngcủa Phan Nhân… Lòng ta như càng yêu dấu Hà Nội hơn khi nghe lời ca cất lên:Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta/ Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình/ Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè/ Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối... (Nhớ về Hà Nội) hay: Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau (Hà Nội, niềm tin và hy vọng). Âm nhạc viết về Hà Nội cũng không hề từ chối đề tài tình yêu lứa đôi. Những ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải; Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn; Ngẫu hứng sông Hồng của Trần Tiến; Có phải em mùa thu Hà Nội của Trần Công Lộc-Tô Như Châu... được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. 
Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Hà Nội xưa và nay, Hà Nội thành phố Anh hùng - thành phố Hòa bình mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thi sĩ, nhạc sĩ. Mảnh đất này là chất liệu sống sinh động cho các văn nghệ sĩ khai thác, suy ngẫm để làm nên những tác phẩm tâm đắc của mình. Hà Nội không của riêng ai, Hà Nội của chúng ta, vẫn ẩn chứa biết bao trầm tích lịch sử và văn hóa dân tộc gợi mở sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.
Nguyễn Hữu Qúy

Mưa rơi trên đầu ngón tay

Mưa rơi trên đầu ngón tay
Đất trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Người ta thường thích cái ấm áp của mùa xuân, cái lãng đãng của mùa thu, ánh nắng chói chang của mùa hạ. Chẳng mấy ai thích mùa đông, nhưng tôi thì lại khác. Có lẽ tôi thích những cơn mưa, hơn bất cứ những gì tôi từng gặp, từng trải qua trong cuộc đời mình. Nó đã mang lại cho tôi cảm giác đó bởi những ưu tư. Tự tại lòng mình khiến tôi thích mưa nhiều hơn. Đã có những đêm, trên miền sơn cước tôi ngồi nhìn mưa thả xuống những mái nhà lợp lá. Hình ảnh này chỉ còn thấp thoáng ở vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Ngồi dưới mái hiên, nhìn mưa và châm điếu thuốc. Và tiếng nhạc nữa, nghĩ  lại điều này, tôi gãi tai. Có khi nào mình là nghệ sỹ thực thụ? Tôi thấy dường như thế, nhưng tôi muốn mình chỉ đơn thuần là con người ngồi ngắm mưa. Trong hiu hắt của ngọn đèn dầu leo lét giữa rừng, mưa thả xuống như tấm mành. Trong đêm, nó đẹp lung linh và âm thanh của mưa nghe rất rõ. Tuồng như không gì thanh bằng tiếng mưa rơi, khi những giọt mưa chạm nước âm thanh ấy càng trở nên trong trẻo. Cơn mưa rừng kéo từ ngày này sang ngày khác, nối từ đêm này sang đêm khác. Những năm tháng sống ở rừng với những cơn mưa dài qua. Đó là mùa đông, rừng êm ái hơn mọi khi. Thỉnh thoảng có tiếng chim kêu và tiếng thú rừng tìm bạn khi cơn mưa đã ngớt. Ngày đó, không dễ gì tôi quên. Tiếng hát giữa đêm mưa trên miền rừng của một người thiếu phụ càng khiến cơn mưa day dứt. Cả lòng người vương vấn. Thời gian đó cách đây hơn bốn năm rồi, từ năm 2009. Tôi không nghĩ là mình nhớ dai, nó như một câu chuyện đi vào lòng người và nằm luôn ở đấy. Hôm nay tôi nhớ nhiều đến nó cũng chỉ vì những cơn mưa.
Những cơn mưa! Nó hằn rất rõ một ngày tôi ở xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa). Ở đây đất trời vần vũ bởi mưa, mây và bạt ngàn gió. Ngồi trên mái nhà sàn nhìn mưa chạy ngang qua, nó đẹp đến nỗi người dân nơi đây phải khổ vì cái đẹp ấy. Quanh năm suốt tháng những cô gái, những chàng trai Vân Kiều, Pa Cô phải chống chọi với cái lạnh cóng người. Cánh rừng sau sau xanh thẩm, loại cây phổ biến ở núi rừng miền Bắc được trồng nhiều thành rừng ở nơi đây. Cây sau sau gắn với chuyện tình buồn của không ít những chàng trai, cô gái. Nó còn gắn với những mối duyên lỡ hẹn nhau lấy một ngày. Rừng sau sau ở đây không chứng kiến những mối duyên lỡ, nó trút lá đỏ vào mùa thu và đến mùa đông cây xanh phủ lá mới. Có nhiều câu chuyện tình yêu, cả những câu chuyện xảy ra thời vua chúa nhưng nó mang đầy lòng tự hào của người con Vân Kiều, Pa Cô trên miền rừng.
Ở rừng, mùa mưa vẫn có nhiều loài hoa nở, chúng không có tên đối với người qua đường. Dân bản thì gọi theo cách riêng của họ. Loài hoa màu tím nở giữa mùa mưa, cánh mỏng nhưng bền. Chúng kết lại như một quả tú cầu. Hoa nở từng chùm cheo leo bên bờ suối. Khi những cơn mưa rừng thi nhau trút nước rồi lũ kéo nhau về, những bông hoa màu tím đó nằm xấp xởi trên mặt nước. Tôi đã từng đến nâng cánh một chùm hoa, nó không bầm dập. Màu tím ấy vẫn khiến cho lòng người xao xuyến. Cô gái người miền núi nói với tôi “đó là loài hoa tình yêu, đôi trai gái nào ngắm nhìn nó cùng một lúc sẽ yêu mến mãi nhau không từ bỏ được”. Tôi mỉm cười nhìn cô gái và nhìn bông hoa màu tím trở về trên mặt nước. Chuyện tình yêu gắn với màu tím, nó là sự thủy chung. Nhưng dường như nó buồn vì báo hiệu trước một sự xa cách. Màu tím là màu buồn, đóa hoa màu tím nở về mùa mưa, với người con gái gởi yêu thương vào bông hoa màu tím. Nó đi cùng tôi suốt mấy năm liền.
Giờ đây, đó vẫn là ký ức đẹp. Đôi lúc nồng ấm như một khúc tình ca buồn. Đời tôi như gió, gắn bó vào ai là người ấy khổ. Khổ nhất là lúc nhìn thấy tôi ngắm mưa, họ sẽ nghĩ tôi đang nhớ về những mối tình năm cũ, tôi hoài thai cho một tình yêu mới hay rập rình với trò chơi ái tình hiện tại. Sẽ không ai hiểu được rằng cơn mưa có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống con người. Và với tôi nói riêng, ngồi ngắm mưa rơi khiến lòng tôi thanh thản, an nhiên và tự tại. Có hai thứ, mưa và nhạc. Nhất là nhạc Trịnh Công Sơn đã dẫn tôi đi một con đường mới khác, dường như con đường ấy ai chợt thấy sang nhưng tôi thấy khổ. Khi tôi biết sắp xếp những con chữ thành hàng, làm những bài thơ ngông và viết lên lòng trắc ẩn của mình trên những trang giấy bởi những câu văn. Câu viết đầu tiên của tôi vẫn là viết về mưa. Tôi viết rằng mưa là nước mắt của một người con gái nào đó ở trên trời cao nhớ thương người con trai ở trần thế. Năm đó tôi mười bốn tuổi, tôi đã tự tưởng tượng ra cơn mưa là nước mắt cô gái còn tôi là chàng trai trần gian bước dưới mưa. Sau này khi hai mươi hai tuổi, tôi lại nghĩ rằng cơn mưa đó là nước mắt của cha tôi. Khi ông đã về trời. Có những ngày mưa tôi bước đi không áo tơi, không mũ nón. Tôi cứ lang thang như thế và ướt đẫm dưới mưa. Càng dầm mưa tôi càng thấy khát. Sống trong tình thương của cha, tôi đã không phải buồn vì những cơn mưa. Sau này và cho đến bây giờ, khi cơn mưa ngang qua những miền quê, mưa đi ngang qua xóm làng nơi tôi ở hay những ngày mưa lũ lượt kéo về trên thành phố nơi tôi làm việc. Có bận bịu mấy tôi cũng ra đứng ngắm mưa độ ba mươi phút. Chừng đó chỉ đủ để tôi cắt cơn thèm mưa chứ không đã khát. Nhưng tôi cũng rất ghét mưa, khi nó ào ạt đổ xuống và làm lũ lụt khiến người làng tôi khóc. Những cơn mưa như thế khiến tôi nao lòng, lo lắng. Tôi đã tự trách mình, dường như tôi đã cầu mưa. Và linh cảm đến những điều không hay bởi một sở thích ngắm mưa rơi.
Có một cơn mưa, tôi gọi nó là mưa rơi trên đầu ngón tay. Mùa hè ấy, tôi không nhớ lắm! Có thể đó là năm 2012, khi cơn nắng cuối cùng đốt cong lá cỏ thì cơn mưa chiều đổ xuống. Từ mái nhà đơn sơ ở Thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa. Tôi nhìn thấy bàn tay năm ngón nuột nà, đó là tay của một người con gái. Bàn tay đưa ra đón những giọt mưa, trong nắng vàng lóng lánh. Tôi nhìn rất rõ, những hạt mưa rớt trên đầu ngón tay và giọt nước li ti nở bung ra giữa cơn nắng. Tôi nhớ ông bà ta kiêng kỵ bởi những cơn mưa có nắng. Nó biểu tượng cho một một sự chồng chéo nhau, mất trật tự và có phần quái đản. Tôi thấy đấy là sự thú vị của tự nhiên đã trôi xuống bàn tay cô gái. Những chiếc vòng xuyến trên tay nhuộm màu nắng và mưa, hình ảnh ấy trở nên đẹp đẽ. Sau này có dịp quay trở lại bản đó, cũng trong ngôi nhà ven suối này, cũng cơn mưa như vậy. Tôi bắt gặp bàn tay đón mưa rơi. Tôi không ngần ngại tiến vào ngôi nhà, người thiếu phụ bồng con đón những giọt mưa.
Đứa bé mắt sáng long lanh nhìn mẹ nghịch mưa và cười rúc rích. Cô gái đó đã có chồng, cơn mưa đã có bàn tay, hạt nắng đã có chiếc vòng xuyến đón lấy. Tôi trở về với sự trống vắng, mưa ướt đẫm mà lòng người khô khan bất tận. Tôi đưa tay lên mặt vuốt nước mưa. Nhưng giọt nước mưa không ngừng chảy từ mái đầu của tôi rồi xuống mặt. Về sau tôi phát hiện tóc mình đã đổi thành hoa râm. Không hiểu vì đi giữa những cơn mưa hay hụt hẫng bởi bàn tay của người con gái đó.
Mưa về trên phố. Những cơn mưa gợi nhớ những cơn mưa. Đoạn đường tôi đứng nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo, nó có độ dốc cơ bản nên nước mưa cứ thi nhau đổ về, chảy ùn ùn giữa con đường nhựa. Từ gác hai tôi đứng ngắm những chiếc lá vàng theo nước cuốn đi, những bông hoa sữa lấm tấm trắng kết thành tấm thảm trên nước và lang thang cùng với mưa.
Những bông hoa ấy vẫn còn hương thơm nồng nàn nhưng đã rời cành và trôi về một nơi nào đấy. Dòng nước này có đi đến biển không nhưng cơn mưa này đã đi đến miền ký ức. Tôi nhớ quá bông hoa màu tím cánh mỏng tang nhưng không bầm dập trong nước lũ. Tôi nhớ câu nói của em khi nhìn bông hoa màu tím và gửi lời gắn kết tình yêu đối với một kẻ lang bạt kỳ hồ. Mùa này ở rừng cũng bạt ngàn mưa giăng. Trên những ngọn đồi sau mưa khói lên trên những triền đồi như tóc bạc nhớ thương người xa xa mãi. Tôi cũng chợt nghĩ, những năm trở lại đây mưa rừng lớn và nước trôi về đồng bằng ngập lụt trong những ngày dài. Trong những cơn lũ có cả những bông hoa màu tím rời cành trôi về trên sông nguyên chùm, những cánh hoa mỏng manh giữ nguyên sắc tím. Lòng thấy ngậm ngùi hờn trách mình bâng quơ như khói. Có khi nào những cơn mưa rừng trở về đấy là nước mắt của em?
Khói trắng bay những chiều trên miền sơn cước. Mưa lại trở về với núi rừng Trường Sơn trong tháng cuối năm. Mỗi năm tôi đến với Hướng Hóa và Đakrông vài lần. Đi lên rừng để ngắm mưa rơi, đấy không phải là cái thú. Tôi cho đó là tình người. Tôi yêu nơi đây, từng muốn gắn bó với mảnh đất này nhưng lần đó, rừng đã không đón nhận tôi. Giờ đây là khách nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như chính tôi là người con của núi rừng. Giữa bạt ngàn mưa của núi rừng, giăng giăng mây trời khói núi, tôi lặng lẽ nén giữ ký ức của mình vào cơn mưa, tôi thả nỗi trầm tư xuống đất và ném cái trống vắng lên cùng với mây trời. Mây mang nỗi trống vắng của tôi đi vào trong những tầng sâu thẳm. Ở đó nó sẽ kết thành mưa, hạt mưa đó sẽ rơi lên đầu ngón tay ấy? Tôi không chắc trong kiếp phù sinh này hạt mưa tôi rơi về đâu. Và câu hát của em vẫn trôi lang thang cùng mưa trên những miền rừng hun hút. “Mưa ơi! Mưa rơi đến khi nào?/ Hoa tím ơi! Hoa tím đến khi nào?/ Dòng nước ơi! Dòng nước đổ về đâu?...”
 Hoàng Hải Lâm

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Tuyển tập nhạc Xuân - Nguyên Thoại

Tuyển tập nhạc Xuân - Nguyên Thoại
Ân tình xuân – Thánh ca xuân
Anh cho em mùa xuân – Nguyễn Hiền & Kim Tuấn
Anh về giữa mùa xuân – Quốc Dũng
Bản đàn xuân – Lê Thương
Bên em mùa xuân – Hoài An
Bến xuân – Văn Cao
Cảm ơn – Nhật Ngân
Cánh thiệp đầu xuân – Lê Dinh & Minh Kỳ
Câu chuyện đầu năm – Hoài An
Chiều xuân – Ngọc Châu
Chúc xuân – Thanh Sơn
Dâng Chúa mùa xuân – Thánh ca xuân
Dịu dàng sắc xuân – Nguyễn Nam
Đám cưới đầu xuân – Trần Thiện Thanh
Điệp khúc mùa xuân – Quốc Dũng
Đoản ca xuân – Thanh Sơn
Đón xuân – Phạm Đình Chương
Đón xuân này nhớ xuân xưa – Châu Kỳ
Em đã thấy mùa xuân chưa – Quốc Dũng
Gác nhỏ đêm xuân – Lê Dinh & Minh Kỳ
Gái xuân – Từ Vũ & Nguyễn Bính
Gió mùa xuân tới – Hoàng Trọng
Giọt mưa xuân – Vũ Quang Trung
Góp lá mùa xuân – Trịnh Công Sơn
Hạnh phúc đầu xuân – Lê Dinh & Minh Kỳ
Hạt mưa mùa xuân – Trương Ngọc Ninh
Hoa cỏ mùa xuân – Bảo Chấn
Hoa xuân – Phạm Duy
Hoa xuân ca – Trịnh Công Sơn
Hơi thở mùa xuân – Dương Thụ
Khúc hát mùa xuân – Nguyễn Đức Trung
Khúc hát thanh xuân – When we were young
Khúc nhạc ngày xuân – Nhật Bằng
Kinh nguyện tạ ơn – Thánh ca xuân

Lá thư ngày tết – Trần Long Ẩn
Lao xao mùa xuân – Tiến Luân
Lời nguyện đầu xuân – Thánh ca xuân
Lời tỏ tình của mùa xuân – Thanh Tùng
Mơ xuân – Hoàng Trọng & Châu Kỳ
Mộng chiều xuân – Ngọc Bích
Một mùa xuân – Trần Hoàn & Thanh Hải
Mùa chim én bay – Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền
Mưa xuân – Đức Trịnh
Mùa xuân chúc nhau – Tiến Luân
Mùa xuân của Mẹ – Trịnh Lâm Ngân
Mùa xuân cưới em – Mặc Thế Nhân
Mùa xuân đầu tiên – Quốc Dũng
Mùa xuân đầu tiên – Văn Cao
Mùa xuân đến rồi đó – Trần Chung
Mùa xuân dịu êm – Quốc Dũng
Mùa xuân gọi – Trần Tiến
Mùa xuân ơi – Nguyễn Ngọc Thiện
Mùa xuân trên đỉnh bình yên – Từ Công Phụng
Mùa xuân trong Chúa – Thánh ca xuân
Mùa xuân trong đôi mắt em – Đức Huy
Mùa xuân và tình yêu – Trường Sa
Mừng nắng xuân về – Huỳnh Anh
Nắng có còn xuân – Đức Trí
Nếu xuân này vắng anh – Bảo Thu
Ngày xuân vui cưới – Quốc Ạnh
Nhạc khúc mừng xuân – Phạm Mạnh Cương
Như giọt xuân rơi – Anh Việt Thu
Phiên gác đêm xuân – Nguyễn Văn Đông
Phố xuân – Hoài An
Phút giao thừa – Thánh ca xuân
Phút giao thừa lặng lẽ – Anh Quân & Huy Tuấn
Ru em từng ngón xuân nồng – Trịnh Công Sơn
Sài Gòn xuân và em – Thanh Nga
Thành phố mùa xuân – Trịnh Công Sơn
Thắp nén hương xuân – Thánh ca xuân
Thư xuân trên vùng cao – Trịnh Lâm Ngân
Tình em mùa xuân – Trường Huy

Tình khúc mùa xuân – Ngô Thụy Miên & Huy Linh
Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận
Xuân bên nhau – Hoàng Nhạc Đô & Nhật Hồng
Xuân đã đến rồi – Thánh ca xuân
Xuân đã về – Minh Kỳ
Xuân đến gởi người – Hoàng Nhạc Đô & Trần T Kim Hoàng
Xuân hồng ân – Thánh ca xuân
Xuân họp mặt – Văn Phụng
Xuân mới lại về – Hoàng Nhạc Đô
Xuân này con không về – Trịnh Lâm Ngân
Xuân nguyện – Thánh ca xuân
Xuân quê hương – Thánh ca xuân
Xuân sẽ qua trong mưa – Nguyễn Đức Trung
Xuân thương nhớ – Quốc Dũng
Xuân trên đất khách – Quốc Dũng
Xuân yêu – Nguyễn Đức Trung
Theo https://nguyenthoai.wordpress.com

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...