Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Từ Dung - Từ Công Phụng 'Trên ngọn tình sầu'

Từ Dung - Từ Công Phụng 'Trên ngọn tình sầu'
Trong sinh hoạt âm nhạc ở miền Nam trước năm 1975, có 3 cặp “uyên ương” thường xuất hiện trên sân khấu. Đó là cặp Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, cặp Lê Uyên & Phương và cặp Từ Dung - Từ Công Phụng. Hai cặp đầu rất “nổi đình nổi đám”, trái lại cặp sau thì rất... bí ẩn !
                        Từ Dung và Từ Công Phụng - Ảnh: Tư liệu
Thực ra thì vớ khán giả lứa tuổi trung niên, nhiều người vẫn còn nhớ đến cặp song ca Từ Dung - Từ Công Phụng bởi cái “e” nhạc của họ. Không dữ dội, nồng nàn như Lê Uyên Phương hoặc triết lý cao siêu như nhạc Trịnh, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, sang trọng... 
Trai tài gặp giai nhân
Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Văn Lâm (Phan Rang, Ninh Thuận), là người dân tộc Chăm, với những tố chất âm nhạc phát triển trong tâm hồn từ rất sớm. Cậu bé họ Từ đã từng ngây ngất khi nghe người anh cả đệm đàn guitar hát Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong) hoặc Trương Chi (Văn Cao)... Mày mò học đàn với người anh rồi Từ Công Phụng trở thành cây văn nghệ nòng cốt của các trường trung học Duy Tân, Phan Rang, Đà Lạt, với giọng hát rất truyền cảm. Không qua một trường lớp chính quy nào, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và tâm hồn nhạy cảm, năm học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) anh viết tác phẩm đầu tay Bây giờ tháng mấy lúc mới 18 tuổi (1960). Tuy nhiên do bản tính nhút nhát và không mấy tự tin vào tác phẩm đầu tay nên chỉ khi Từ Công Phụng lên sống ở Đà Lạt, hợp tác với Lê Uyên & Phương trong ban nhạc Ngàn Thông thì ca khúc Bây giờ tháng mấy mới được phát trên Đài phát thanh Đà Lạt và lập tức nổi tiếng... Từ đó, vừa tự học vừa sáng tác, Từ Công Phụng cho ra đời những ca khúc trữ tình mà sang trọng, chen lẫn chút chán chường, chua xót như: Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Tuổi xa người, Mắt lệ cho người...
Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là cháu ruột của hai nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Cô sinh năm 1945, là con út trong số 4 người con (3 gái, 1 trai) của nhà văn. Từ Dung mồ côi cha năm 3 tuổi (Hoàng Đạo lên cơn đau tim và qua đời ngày 22.7.1948 trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu, Trung Quốc). Không biết bà Hoàng Đạo đưa các con vào Sài Gòn lúc nào nhưng người ta cũng đã ghi nhận trong đám tang nhà văn Nhất Linh vào ngày 7.7.1963, cô đội mũ tang đi trong đoàn người đưa tiễn. Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp tú tài toàn phần và đến năm 1969 lấy bằng cử nhân văn chương. Không chỉ học hành đến nơi đến chốn, Từ Dung còn là một giai nhân của Sài Gòn lúc bấy giờ, cô từng đoạt danh hiệu á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp tại miền Nam với vẻ đẹp lộng lẫy và nổi bật làn da trắng...
Từ Dung rất say mê ca hát và được trời ban cho một chất giọng khá hay. Cô theo học thanh nhạc với ca sĩ Châu Hà (vợ của nhạc sĩ Văn Phụng). Chính môi trường này đã đưa đẩy Từ Dung gặp gỡ Từ Công Phụng. Ngoại hình to lớn nhưng phong thái lại rất nghệ sĩ, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự của Từ Công Phụng đã chinh phục trái tim người đẹp. 

Từ Công Phụng rất tài hoa khi phổ nhạc cho thơ, đặc biệt là thơ của Du Tử Lê. Tiêu biểu như những bài Trên ngọn tình sầuGiữ đời cho nhau... Từ Công Phụng đã được công chúng nhìn nhận là một trong “ngũ hổ” của âm nhạc miền Nam, bên cạnh Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương...
Đoạn cuối cuộc tình
Lần đầu họ xuất hiện bên nhau là ở quán Văn trong khuôn viên Đại học Văn khoa với ca khúc Bây giờ tháng mấy vào năm 1967. Họ thường sinh hoạt ở quán Văn cùng thời với cặp Khánh Ly - Trịnh Công Sơn. Sau khi quán Văn đóng cửa thì họ chuyển về quán Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh.
Năm 1971, Từ Dung bắt đầu xuất hiện trên ti vi và có mặt trong cuộn băng Tơ Vàng 3. Cô song ca với Từ Công Phụng hai bài: Vùng trời kỷ niệm, Mùa thu mây ngàn và đơn ca ba bài: Đêm không cùng, Lời cuối và Đêm độc thoại.Riêng ca khúc Trên ngọn tình sầu được phổ từ bài thơ nổi tiếng của Du Tử Lê Khúc thêm cho Huyền Châu. Đó không phải là bài hát Từ Công Phụng sáng tác riêng cho Từ Dung nhưng đã từng được đôi uyên ương này song ca. Ca từ (lời thơ) lại như viết sẵn, như tiên tri về cuộc tình của hai người: “Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về. Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau. Tay vuốt mặt không cùng. Bầy sẻ cũ hom hem. Chiều mái xám rêu xanh. Trời êm cao chân nhỏ. Cũng không về trên dòng sông tội lỗi... Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh. Môi thâm khô từ thuở định hôn người. Ngày tháng hạ khi không mà trở rét. Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt. Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa...”.
Sau năm 1975, họ hùn vốn với một gia đình khác mở quán cà phê trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) lấy tên là “Café Từ Dung”. Quán có cây đàn piano trắng, lâu lâu lại có violin, tức là chơi nhạc sống. Nhạc sĩ, ca sĩ hoặc ai lên hát thì khỏi phải trả tiền cà phê và thường thì hát “nhạc chui” tức là nhạc trước 1975. Trịnh Công Sơn, Lệ Thu và nhiều nghệ sĩ khác từng lui tới quán này...
Sống với nhau có một con gái thì Từ Dung - Từ Công Phụng chia tay, một cuộc chia tay lặng lẽ, chẳng ai biết được nguyên nhân...
Năm 1980, Từ Công Phụng sang Mỹ và lập gia đình với một người phụ nữ tên là Kim Ái. Thời gian này, Từ Dung còn ở lại Việt Nam, bà mướn một căn phòng trong cư xá Ngân hàng (quận 3) và có biểu hiện trầm cảm. Bà ít khi mở miệng nói với ai một lời nào. Đêm đêm, bà thường ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như một pho tượng. Một thời gian sau, Từ Dung qua cơn trầm cảm, cũng sang định cư tại Hawaii (Mỹ) và đã lập gia đình với một người đàn ông Mỹ.
Hà Đình Nguyên
Theo http://www.thanhnien.com.vn/

Nhạc sĩ Tô Vũ và 80 ca khúc lãng mạn chưa công bố

Nhạc sĩ Tô Vũ và 80 ca khúc lãng mạn chưa công bố
Nhạc sĩ Tô Vũ. Người nghệ sĩ tài ba của "Tiếng chuông chiều thu", "Em đến thăm anh một chiều mưa", "Tạ từ", đã bước vào ngưỡng tuổi 80 nhưng ông vẫn đam mê sáng tác. Nghỉ hưu 10 năm nhưng ông vẫn cộng tác với các nhạc viện, giúp đỡ các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ có liên quan đến âm nhạc. Dưới đây là tự sự của ông về các tình khúc. Tôi có hai mảng sáng tác, đó là ca khúc lãng mạn và ca khúc cách mạng. Với mảng trước, ban đầu thì bị phê mà bây giờ lại được, vì tính chất lãng mạn. Ví dụ, Em đến thăm anh một chiều mưa, ban đầu bị phê dữ lắm, nhưng đã không bị cấm, bởi vì, lãng mạn mà trong sáng thì vẫn cứ được như thường. Những bài này đa số được tôi viết trong kháng chiến: lãng mạn lúc kháng chiến chứ không phải lúc kháng chiến chỉ nghĩ đến tình yêu. Với bài hát Tiếng chuông chiều thu, nghe tiếng chuông nhớ người yêu thật. Hy vọng khi trở về thì tiếng chuông mới sẽ là tiếng chuông khải hoàn. Trong sáng quá đi chứ, vậy mà người ta cho là lãng mạn, không cụ thể. Tôi bảo rằng thật ra đó là tâm hồn của một người kháng chiến, một anh tiểu tư sản trí thức. Tiếng chuông chiều thu, Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa là những ca khúc mà tôi rất thích. Ngoài ra, còn những bài hát về cách mạng rất được hoan nghênh như Nhớ ơn Hồ Chí Minh, bài hát từ rất lâu mà bây giờ vẫn còn được hát nhiều. Tuy nhiên, trong mảng ca khúc lãng mạn đã sáng tác, số chưa công bố vẫn còn lại khá nhiều, khoảng 80 bài. Tôi tin có những bài nếu đưa ra, nghe hay chẳng kém Em đến thăm anh một chiều mưa đâu... Đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn cộng tác với Nhạc viện TP HCM, Viện văn hóa nghệ thuật, Nhạc viện Hà Nội và khoa ngữ văn ĐH KHXH&NV TP HCM. Công việc thường xuyên của tôi là ở trong hội đồng xét duyệt các chương trình âm nhạc từ các nơi khác đến xin biểu diễn tại TP HCM. Ngoài ra, tôi cũng đang thực hiện một số chuyên đề nghiên cứu về âm nhạc, nhạc dân tộc. Tôi cũng định viết tập Hồi ức và suy ngẫm. Tất nhiên, nó không phải là biên niên cuộc đời mà là viết về từng mảng, từng chuyện in đậm trong tôi. Đó là những chuyện về Văn Cao, Văn Chung, Nguyễn Xuân Khoát... 


Tô Vũ
Theo tuổi trẻ

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Phiêu lãng trong chiều hồ Tây

Phiêu lãng trong chiều hồ Tây
"Bồng bềnh trong sương mờ khói tỏa/ Lãng đãng trong nghi ngút hương trầm". Làm sao ai đã từng một lần ghé phủ Tây hồ lại không khỏi nao lòng khi nhớ về một cảm giác vừa hư vừa thực như thế. (Thanh Bình)
Hai câu thơ mở đầu Chiều Hồ Tây của Nguyễn Đức Nam là những nét phác họa khá ấn tượng. Nó làm cho nhạc sĩ Quỳnh Hợp như "say" với cái cảm giác "bồng bềnh", "lãng đãng" giữa hai bờ "thực" và "thơ". Cảm hứng dâng trào, thế là chị đã chọn phong cách ca trù phiêu lãng với nhịp điệu vừa phải viết nên ca khúc Một chiều với Tây Hồ.
                  Chiều ở chùa Trấn Quốc - hồ Tây. Ảnh: H.Q.
Nếu tác giả Nguyễn Đức Nam ít nhiều vẫn còn bị vướng chân với nhịp điệu và câu chữ của nàng thơ thì nhạc sĩ Quỳnh Hợp, ngay từ nét nhạc đầu tiên của ca khúc đã tô đậm cái ấn tượng của cảm giác hư ảo bằng cách sử dụng điệp từ "bồng bềnh, bồng bềnh" để khai triển tứ nhạc. Và cứ nương theo cái logic riêng của ngôn ngữ cảm xúc đó, ở câu nhạc kế tiếp là điệp từ "lãng đãng, lãng đãng". Chính sự nhắc lại của những điệp từ đó ở những cao độ khác nhau đã tạo nên mô-típ phát triển cho những câu nhạc ở đoạn A.
Trong cái không gian chiều Hồ Tây bồng bềnh, lãng đãng giữa sương khói của tự nhiên và hương trầm nghi ngút của tâm thức Việt, nhịp điệu thời gian dường như cũng chậm lại đến mức người nghệ sĩ không những có thể "thấy" được sự ngập ngừng của chiếc lá rơi mà còn “nghe” được âm thanh của nó khẽ khàng như tiếng bước chân. Chính cái khoảnh khắc không gian - thời gian ngưng đọng đó đã giúp cho ngôn ngữ của thơ nhạc trào tuôn, giao hòa:
Ở đây, ở đây ngày đi qua rất chậm

Lá ngập ngừng rơi nhẹ như bước chân
Đồng cảm với tâm trạng và giọng thơ mang đầy tính chất cảm khái, nét nhạc vụt đẩy lên quãng tám để tạo cao trào ngay từ câu đầu của đoạn B:
Một chiều giữa thanh bình Hà Nội

Cõi lòng ta hòa với đất trời
Đứa con xa tìm về nguồn cội
Nửa đời người mới thấu nghĩa non sông
Không đơn giản, bức tranh Một chiều với Tây Hồ được họa lên bằng tiếng nhạc da diết và niềm tự hào thầm kín, đậm chất Hà Nội trong tim người xa xứ. Phảng phất đâu đó là nét cổ xưa và đài các.
Có lẽ chính cái không khí háo hức chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ít nhiều đã tạo nguồn cảm hứng để Quỳnh Hợp cất lên những nét nhạc bay bổng mang âm điệu ngợi ca thâm trầm, sâu sắc pha lẫn với cảm giác tự hào từ thơ của Nguyễn Đức Nam đến như vậy.
Bây giờ và ngàn năm sau nữa

Vẫn lung linh chùa Trấn Quốc bên hồ
Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước
Vĩnh hằng một cõi đất Đông Đô
Vượt qua mọi âm thanh dâu bể, tiếng chuông cổ tích vẫn vẹn nguyên sức mạnh kỳ diệu của nó.
Nếu có dịp tản bộ ven Hồ Tây, xa xa là chùa Trấn Quốc thi thoảng buông tiếng chuông thẫn thờ... thì dường như ta bị chìm vào một miền huyền thoại đủ lay động đến tâm can muôn người.
Và, để nghe và cảm nhận được "Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước" trong một chiều ở Hồ Tây, không gian và thời gian như ngưng đọng, giao hòa, chắc hẳn nữ nhạc sĩ đã hơn một lần “bảng lảng với Tây Hồ”...
Một chiều với Tây Hồ

Nhạc: Quỳnh Hợp

Lời thơ: Nguyễn Đức Nam
Trình bày: Trang Nhung

Một chiều với Tây Hồ nằm trong album "Mùa thu níu bước em" của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, thực hiện mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ca khúc có thể xem là “cuộc hội ngộ” kỳ thú giữa nhạc sĩ Quỳnh Hợp và nhà thơ Nguyễn Đức Nam, hiện là Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Công an TP Đà Nẵng.
Nhà thơ cho biết, anh sáng tác bài thơ vào năm 2005 trong lần đến viếng chùa Trấn Quốc. "Mỗi khi đến Hà Nội và đặc biệt là viếng chùa Trấn Quốc là mỗi lần tôi mang tâm trạng của người con nơi xa trở về với nguồn cội, trở về với đất Thăng Long nghìn năm thương nhớ. Khung cảnh tôn nghiêm, thiêng liêng và thanh bình của ngôi chùa gợi cho tôi niềm mến yêu thiết tha quê hương, đất nước từng trải qua biết bao thăng trầm. Và từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi trào dâng cảm xúc nghĩa non sông. Bởi vậy, với tôi, bài thơ được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc đưa vào album quả là niềm vinh hạnh lớn", nhà thơ - nhà báo Đức Nam nói.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp là người con của đất Hà thành, đang sinh sống và làm việc tại TP HCM. Chị luôn dành cho mảnh đất này một tình cảm đặc biệt qua những ca khúc viết về Hà Nội trong gần 10 năm qua.
Thanh Bình


Nhạc sĩ Tô Vũ "tạ từ" cõi nhân sinh

Nhạc sĩ Tô Vũ "tạ từ" cõi nhân sinh
Tiếc thay cho trái tim và trí tuệ của bậc tiền bối có nhân cách và tài năng lớn. Còn biết bao công trình, dự án nghiên cứu âm nhạc của ông đang dang dở, một khoảng trống không dễ lấp đầy.
Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã thực sự rời xa cuộc đời. Với tôi, không có sự bất ngờ hay thảng thốt bởi dự cảm lần gần đây vào thăm ông trong bệnh viện. Ánh mắt lấp lánh nụ cười duyên bao năm qua vào thời khắc ấy đã không còn nhận ra những người đến thăm, thế nhưng vẫn bình an tĩnh tại đến lạ thường. Cái thần thái của một Tô Vũ tài hoa trong âm nhạc, uyên bác trong học thuật, chân phương nhưng sâu sắc giữa đời sống vẫn thấp thoáng ẩn hiện trên giường bệnh ở quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời. Còn lại là gì? Vâng, đó là nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú - người đàn ông luôn nhìn và cảm nhận đời sống này bằng những rung cảm của nỗi niềm yêu thương trìu mến…
Tài năng sớm tỏa sáng
Thuở sinh thời, nhạc sĩ Tô Vũ luôn được thế hệ nghệ sĩ tiếp nối chúng tôi coi trọng như một bậc tiền bối có nhân cách và tài năng lớn trong đời sống âm nhạc nước nhà. Tài năng của ông sớm tỏa sáng từ những tác phẩm ở thời kỳ mới phát triển của tân nhạc Việt Nam những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX (Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu...) và đặc biệt hơn là những công trình nghiên cứu âm nhạc mang tầm vóc lớn của ông về sau này. Ngoài đời, tôi luôn được biết một Tô Vũ trầm tĩnh nhưng dí dỏm. Ở ông tồn tại song hành dáng dấp của hai hình thái tưởng chừng đối lập là một vị giáo sư và một chàng lãng tử.
Ca sĩ Ánh Tuyết cùng nhạc sĩ Tô Vũ trong chương trình kỷ niệm 9 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao Ảnh: BẠCH MAI
Ông có một tình yêu đặc biệt với âm nhạc dân gian và luôn tự hào bởi những giá trị truyền thống của ông cha ta mà lớp hậu sinh khi kiên trì nghiên cứu sẽ luôn thẩm thấu được những “trái ngọt” bất ngờ. Tôi nhớ mãi mỗi lần gặp gỡ ông luôn là những cuộc trò chuyện đặc biệt về âm nhạc. Với ông, đó là một cõi riêng, một thánh đường mà tôi vẫn hay đùa rằng “mọi người đều bình đẳng như nhau trong âm nhạc”. Bây giờ, người ta vẫn hay dùng những khái niệm như nhạc “bác học”, nhạc “bình dân”, nhạc “thị trường” như để phân định trình độ, tri thức của người cảm nhận. Thế nhưng, khi tiếp xúc với nhạc sĩ Tô Vũ, tôi nhận ra rằng chỉ nên phân chia các tác phẩm, dòng nhạc theo thể loại chứ đừng phân biệt “đẳng cấp” bởi âm nhạc cho đến tận cùng như thuở ban sơ chính là tiếng lòng, là khát vọng được lắng nghe những cung bậc cảm xúc lên xuống của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng.
Âm nhạc là “nghiệp”
Còn nhớ khi phòng trà ATB tổ chức đêm nhạc vinh danh “5 ông Hoàng” (các nhạc sĩ Hoàng Quý - Hoàng Phú - Hoàng Trọng - Hoàng Giác - Hoàng Dương), nhạc sĩ Tô Vũ đã đóng vai trò cầu nối để gắn kết âm nhạc của các tác giả cùng thời. Được làm việc cùng ông khoảng thời gian ấy, tôi có dịp hiểu hơn về thế hệ các nhạc sĩ tiền bối. Họ tâm niệm âm nhạc không phải là “nghề” mà là “nghiệp”. Nghiệp ấy khi đã bén duyên thì cả cuộc đời dù có người chỉ sáng tác một vài tác phẩm, có người vẫn liên tục cống hiến nhưng chạm tới âm nhạc với họ là một không gian thiêng liêng mà ở đó, những tâm hồn nghệ sĩ ấy thực sự được thăng hoa. Đó là điều lý giải tại sao nhạc sĩ Tô Vũ trong suốt 20 năm cuối của cuộc đời mình vẫn liên tục học hỏi và cho ra đời những công trình nghiên cứu âm nhạc giá trị. Ông từng tâm sự với tôi rằng mọi kiến thức mình có được đều do tự học và bất cứ phút giây nào ông cũng mong muốn có thể bổ sung thêm kiến thức. Niềm khao khát ấy hiện diện ở bất kỳ đâu trong cuộc sống này. Đôi lúc bản thân ông khi tiếp xúc với những nghệ sĩ trẻ cũng rút tỉa và cảm nhận được nhiều điều. Theo ông, đó mới là điều đáng quý, bởi niềm vui được học hỏi sẽ thực sự được cộng hưởng khi nhìn thấy tương lai phía trước cho lý tưởng của mình. Cái cách nhạc sĩ Tô Vũ động viên thế hệ nghệ sĩ tiếp nối cũng bởi vậy đầy sự chân thành và gần gũi. Tôi còn nhớ thời mới đi hát, gặp ông, được người quen giới thiệu rằng “Đây là cô Ánh Tuyết hay hát nhạc của Văn Cao hay lắm đấy”, ông gật đầu, mỉm cười rất tươi và nói rằng: “Không phải chỉ nhạc Văn Cao, cô ấy hát nhạc của tôi cũng hay không kém”. Câu nói và phong thái nhẹ nhàng của ông đã thực sự khiến tôi xúc động và cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.
Nhiều công trình, dự án dang dở
Giờ thì nụ cười và ánh mắt ấy đã chìm sâu vào cõi mộng thiên thu. Cuộc sống ai tránh được quy luật sinh mệnh và hơn 90 tuổi đời với sự nghiệp như ông có thể nói rằng đã trọn vẹn. Tâm hồn ấy khi phiêu diêu giữa cõi nào chẳng biết có còn nặng lòng với âm nhạc. Thế nhưng, với cá nhân mình, dù đã chuẩn bị tinh thần tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối.
Tiếc thay cho trái tim và trí tuệ ấy còn biết bao công trình, dự án nghiên cứu âm nhạc đang dang dở, một khoảng trống không dễ lấp đầy.
Và đời sống âm nhạc nước nhà ngày một thiếu vắng những vóc dáng cổ thụ tỏa bóng, vươn cành cho thế hệ tiếp nối bay xa thẩm thấu nhụy đời.
Niềm an ủi với tôi có chăng chính là được gặp gỡ và cảm nhận một nhân cách đặc biệt. Sự kiên trì trong việc học, sự khiêm tốn giản đơn trong cuộc sống đời thường và trên hết là khát khao được cống hiến hết mình cho niềm đam mê âm nhạc từ thuở thiếu thời đến khi đã trở thành bậc lão niên. Nhạc sĩ Tô Vũ tên thật Hoàng Phú, “một danh tiếng dị biệt” (chữ dùng của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha) nay đã mở lòng “tạ từ” cõi nhân sinh…
Vĩnh biệt giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ
Sau thời gian điều trị bệnh xuất huyết bao tử, viêm phổi, giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 30 phút ngày 13-5 tại nhà riêng (quận 9, TP HCM), thọ 91 tuổi.
Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ sinh năm 1923 tại Bắc Giang, tên thật là Hoàng Phú, cùng với người anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý, có tên từ những ngày đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời là những thành viên sáng lập Nhóm Đồng Vọng, đại diện cho âm phái Hải Phòng. Hoạt động của nhóm trong làng âm nhạc Việt Nam thời tiền chiến từng tạo nên tiếng vang và để lại ảnh hưởng đáng kể đối với sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Cũng như người anh Hoàng Quý, Hoàng Phú sớm tham gia Việt Minh. Cũng theo tư liệu gia đình ông cung cấp, kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại miền Bắc, Hoàng Phú gia nhập Ban Văn nghệ Tuyên truyền Kiến An (Hải Phòng). Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Em đến thăm anh một chiều mưa, sáng tác vào năm 1947, khi đơn vị của ông đang công tác tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Cũng trong thời kỳ này, nghệ danh Tô Vũ đã được các bạn bè cùng hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ đặt cho ông.
Năm 1950, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật thành lập, Tô Vũ được mời tham gia trong ban nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm trưởng ban.
Ông là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Quốc gia sau này), cũng từng đảm nhiệm cương vị viện trưởng Viện Âm nhạc cơ sở II tại TP HCM. Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, ông cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều tài năng sáng tác nhạc. Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại TP HCM.
Những ca khúc tiêu biểu của ông được công chúng yêu thích là Em đến thăm anh một chiều mưa (1947), Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu, … 
Th.Hiệp
Theo nguoilaodong.com


Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Đọc "Tiếng chuông chiều" của Lê Hoài Lương

Đọc "Tiếng chuông chiều" của Lê Hoài Lương
  Nói đến những truyện ngắn hay trong những năm gần đây, không thể không nói đến Tiếng chuông chiều. Tiếng chuông chiều, tập truyện ngắn của Lê Hoài Lương (NXB Văn học 2010) gồm 17 truyện ngắn, viết rất đều tay. Mỗi truyện một gương mặt riêng. Chuyện nào cũng là những vấn đề nóng hổi hiện thực của cuộc sống mà mọi người đều quan tâm. Khi thì sinh hoạt thường nhật của một tổ dân phố, khi là chuyện "hiến xác". Khi là chuyện xây dựng cuộc sống mới trên một vùng "Đất vua"...Dù có khi tác giả viết về cuộc chiến đấu hôm qua, hay những chuyện xa xưa đi nữa cũng là những vấn đề, những trăn trở của con người trong cuộc sống hôm nay.

    Những người nhiễu sự đáng yêu là chuyện về các cụ về hưu, những thiếu tá. Trung tá từng vang bóng một thời. Nay về lãnh đạo một tổ dân phố. Phẩm chất tốt đẹp, nhiệt tình cách mạng vẫn không phai, nhưng cuộc sống đã hoàn toàn đổi khác. Chuyện gì cũng cần phải giải quyết. Lắm lúc các cụ không khỏi cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng, không sao giải quyết cho cùng. Thì ra, phẩm chất, nhiệt tình là điều không thể thiếu, nhưng trong cuộc sống xây dựng, đổi mới hôm nay, còn đòi hỏi nhiều điều khác nữa. Tác giả đã chọn lựa được những chi tiết rất sống động, gần gũi với một chút hài hước rất có duyên.
    Kẻ ruồng bỏ quê hương, tác giả xây dựng theo phương pháp đối lập, nhiều tầng. Một vùng đất có truyền thống văn hiến. nay trở thành điểm tiêu biểu trong cuộc xây dựng mới. Có sức cuốn hút với đài báo, văn chương.. Nhưng cũng vì thế mà ông trưởng thôn dần dần chỉ lo chú trọng đến hình thức, tìm thấy niềm vui khi được biểu dương mà nhẹ đi việc lớn, chăm lo đời sống của nhân dân. Một chiếc cầu qua sông, hình thức rất đẹp từng lên đài lên báo, nhưng chỉ một cơn lũ đã sụp đổ. Trẻ con nheo nhếch, người dân còn đói nghèo. Trong khi đó thì các ông từ đội trưởng trở lên đều giàu có, khá giả. Kẻ - ruồng - bỏ - quê - hương có quan niệm khác. Với hắn "việc kiếm miếng ăn là hành vi vĩ đại của con người, còn chia miếng ăn cho đều là việc thiện lớn nhất". Ông trưởng thôn không thống nhất quan điểm ấy. Còn hắn không thống nhất với việc làm của ông. Ai ruồng bỏ quê hương? Ruồng bỏ cái gì đây? Thật sâu sắc! Đó là một nghịch lý rất hiện thực làm trăn trở bao người, không chỉ ở vùng "đất vua" ấy mà thôi.
    Tiếng chuông chiều, tác giả tỏ ra hiểu biết cặn kẽ, phong phú về kiến thức quân sự, kể cả ngoại cảm tâm linh. Diễn tả thật hay những trận mưa bom bão đạn trên chiến trường Quảng Trị trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện nhằm khẳng định niềm tin của con người vào cuộc sống. Niềm tin bao giờ cũng gắn với những gì chân thực vào cái đẹp. Người lính trẻ miền Bắc, bằng sự hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của đất nước đã mở cho anh lính ngụy một con đường sống, một sự gắn bó với cả một giai đoạn chiến chinh. Đến nỗi sau này anh lính ngụy ấy đã đi tu, đã dứt bỏ thế tục mà vẫn còn tìm ra tận Quảng Trị bồi hồi tìm kiếm nơi xưa đã từng chôn cất người liệt sĩ ấy. Đáng tiếc, có lẽ tác giả không còn cách nào khác mà trở về với kết thúc theo kiểu "tu là cõi phúc". Thà mở ra như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư có lẽ câu chuyện sẽ thoáng hơn...


   Cứ như thế, mỗi truyện là một vấn đề. Những điều thật cụ thể mà cũng thật khái quát về những vấn đề có tầm quan trọng của cuộc sống mà mọi người đều quan tâm. Sở dĩ ngày nay, người đọc ít quan tâm đến văn học có nhiều lý do, nhưng theo tôi điều cơ bản là văn học chưa đề cập được những vấn đề mà mọi người mong mỏi. Hay nhất trong Tiếng chuông chiều là truyện Lỗi tại Mẹ Âu Cơ. Chủ yếu nhà văn viết theo lối đối thoại. Viết một cách bình dị, nhưng mỗi lời thoại đều cô đúc sự sống và ý tưởng, như đúc chữ. Theo tác giả, lỗi của Mẹ Âu Cơ là không sinh đẻ tuần tự, đứa trước, đứa sau mà sinh một lứa một trăm người con. Tất cả đều thấy mình ngang nhau. Là Rồng Tiên mà không truyền lại cho các con chất "Rồng", "Tiên" ấy. Thành thử các con chỉ gắn kết với nhau được trong khi đất nước lâm nguy để bảo vệ giang sơn nòi giống. Bao nhiêu bi kịch đau lòng từng xảy ra trong lịch sử "những điều trông thấy". Là một câu chuyện có tầm khái quát lớn, lại viết một cách bình dị, trong sáng. Với Lỗi tại Mẹ Âu Cơ đã đưa ngòi bút Lê Hoài Lương lên một tầm cỡ mới. Tập truyện của Lê Hoài Lương ra đời trước cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đà Lạt vào 12, 13/7/2010, nhưng có sự gặp gỡ trong tinh thần "văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực đất nước hôm nay".

Trương Tham
VanDanViet.Net


Thoáng tiếng thu

    Thoáng tiếng thu     
  
  Chiếc đĩa CD nhạc tuyển “Tình ca mùa thu” chuyển động những vòng quay, du hồn tôi lắng trong những giai điệu mượt mà, êm dịu và tha thiết. Ngoài hiên, nắng thu vàng nhẹ tênh trên cành lá xanh xen lẫn lá vàng hoe, vàng ối nhè nhẹ lay lay theo gió. Những bụi cúc dại dưới gốc cau đang điểm xuyết vài đóa hoa sắc vàng óng, mượt mà rực lên giữa không gian vàng dìu dịu.Trong thinh không thoang thoảng mùi thơm như hương thanh trà. Mùa thu đang về, không như mùa hạ mang lại nỗi bức rức, hồ hỡi, tiết thu mang lại niềm an bình, nhẹ nhàng, sâu lắng, xa xôi và mênh mông hơn.
Ngày sương thành phố dâng mùa
Bóng thu chìm tịnh cánh thưa khởi vàng
       (Bóng sương – Hoài Khanh)
 Thu về, gió thoảng qua ngàn lá xôn xao. Những chiếc lá đã lìa cành, lả lướt rơi, chao liệng. Mỗi chiếc lá có một cách rơi với một vũ điệu mùa thu thật ngoạn mục và đó cũng là khoảnh khắc đẹp nhất của đời lá!
    Lá nằm phơi mình trên nền đất lạnh ẩm – lá vàng tươi, vàng đỏ,vàng giòn xào xạc theo gió, sao nghe lòng buồn mang mang, gợi nhớ âm thanh lá khô co quắp vỡ nát dưới bước chân nai vàng giẫm trên thảm lá rừng thu của Lưu Trọng Lư.
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
    Gọi mùa thu mơ của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng.
Anh gọi mùa thu mơ
Một sớm thu sương mờ
Nai vàng đạp trên lá
Bước từng bước xa xa
  Tiếng lá thu rơi, va chạm, động vỡ; tiếng gió rít nhẹ xao xác ngoài hiên; tiếng mưa rơi trên lá, trên mái nhà, đường phố…ngần ấy tiếng thu phả vào trong tôi những bâng khuâng, cảm xúc từ âm hưởng những tình khúc mùa thu của Tô Vũ,Trịnh Công Sơn,Từ Công Phụng, Trường Sa…
Lá thu nhẹ rơi rơi
Nắng thu vàng phai phai
Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa?
                   (Tiếng chuông chiều thu – Tô Vũ)
    Nhìn qua làn sương mờ hư ảo mơ hồ của thời gian, nẻo cũ bao giờ cũng đẹp với những kỉ niệm không phai in dấu trong lòng người sâu đậm.
    Trịnh Công Sơn đã nương nhẹ cái đẹp chiều thu trong một phối cảnh dưới “ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, con đường hoa nắng êm vắng, “lung linh nắng thủy tinh vàng” - thấp thoáng bóng dáng người em gái với “bước chân âm thầm” và “mắt em ngây tròn” đong đầy niềm tin yêu bát ngát.
Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để  nắng đi vào trong mắt em.
                      (Nắng thủy tinh)
   Hương thu vẫn ủ ấp trong nỗi riêng đời người dấu kín. Dĩ vãng tự nó đã đẹp! Thời gian qua đi, quay ngó lại “ từng thu qua, vời trông theo đã mờ” nhưng từng kỉ niệm với toàn vẹn dịu dàng, với toàn vẹn đam mê hay nghe đau từng vết thương sao mà quý thương đến vô cùng nâng niu ve vuốt trong nét nhạc của Từ Công Phụng “gom một chút nắng vàng hắt lên soi hạnh phúc trong tháng ngày đã qua”.
Một chiều êm, tay đan tay dìu nhau trên lối, đưa em đi nhè nhẹ vào đời
Bằng vòng tay, anh nâng niu mùa thu thức giấc, đưa em vào ngày tháng vỗ về
   (Tuổi xa người)
  Và cũng thu biếc nào ”lắng nghe muôn cung sầu hắt xuống đời” -  “nhòa theo từng gót chân  người xa vời”.
Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người
Người buồn cho mai sau, cuộc tình ta tan mau
 Thoáng như chiếc lá vàng bay
 Mùa thu qua mùa thu qua hững hờ
 Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau
Mưa trên nụ cười
 Mưa như nghẹn lời lệ nào em sẽ khóc ngàn sau
                                    (Giọt lệ cho ngàn sau)
    Nhìn những “chiếc lá rơi theo heo may” không khỏi chạnh lòng nghĩ đến sự cách biệt, đến nỗi buồn đau chia xa.  Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn nhớ lại: "Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi,chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt”. Tình xa trên những sân ga, tình xa trên những bến tàu - “Ôi còi tàu như xé đôi lòng”.  Cánh cửa tình yêu khép lại: Vàng thu ta mất nhau". Tiếng mưa thu buồn rưng rức, mưa kín trời đưa tiễn – “Biệt ly nhớ nhung từ đây”. 
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
  Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
                                     (Biệt ly)
   Gió thu hiu hắt từ xa thẳm thổi về, trời se lạnh, chơ vơ một mình với chiếc bóng bên trời. Tiếng mưa tạo nên những âm thanh buồn bã của mùa thu tựa như một nỗi tiếc nhớ xa xôi “chút kỉ niệm ngày đầu” cho một cuộc tình không may của nhạc sĩ Trường Sa
Chiều mưa không có em
 Đường phố quên chưa lên đèn
 Chiều mưa không có em
 Biết lấy ai chia hờn tủi
              Đan quyện với
Chậm lặng người đi
 Qua trên đường phố rét mướt
Dấu chân chưa tìm về 
Chút kỷ niệm ngày đầu
Để từng mùa thu đến
Ra đi không mang tin
Nỡ quên thôi đành sao                                                                (Mùa thu trong mưa)
   Mùa thu luôn luôn diễm ảo, nhưng luôn luôn gợi buồn. Thu về, những đám mây bàng bạc lãng đãng trôi trên bầu trời xanh thẳm, nắng tơ vàng vương vương, lá thu rơi rơi. Hương cỏ dại, hương lá quyện vào không gian chiều thu thắm vào hồn nhạc sĩ Cung Tiến lúc bấy giờ khoảng 14-15 tuổi bao mối cảm hoài, bao điều suy ngẫm.
Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
Lòng xa xôi và sầu mênh mông
Có nghe lá vàng não nề rơi không
Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái
Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường
Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa thu vàng bao nhiêu là hương.
                                         (Thu vàng)
  Tình yêu qua đi nhưng còn lại biết bao là kỉ niệm không rời ẩn khuất trong ngăn kéo niềm riêng. Kỉ niệm vẫn luôn đẹp ngay cả khi chúng ta đau xót, khổ sở. Mỗi khi tưởng nhớ, lòng người bỗng dưng mềm lại, chùng xuống, bùi ngùi và thương tiếc.
    Gió thổi mạnh, lá thu lao xao. Âm ba tiếng thu thuở nào bất chợt vọng về, khiến niềm thương nhớ “cố nhân” quay quắt, òa vỡ trong cơn hoài cảm của Cung Tiến bởi một tình yêu quá đỗi.
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa
Quạnh hiu về thấm không gian
Âm thầm như lấn vào hồn
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn
Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa  
Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?
Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
Nhớ nhau muôn đời mà thôi!
Thời gian tựa cánh chim bay,
Qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?
    Với từng ấy tiếng thu mà chiếc đĩa CD đang buông vào không gian buổi chiều âm thanh lời ca, cung nhạc những tình khúc mùa thu dìu dặt mà sâu lắng, nhẹ nhàng mà khắc khoải một nỗi hoài cảm mênh mông vời vợi.
    “Như một lời chia tay” với thoáng tiếng thu, xin mượn câu nói của ca sĩ Khánh Ly tôi đã từng nghe để làm câu kết: “Người sáng tác sẽ không còn, người trình bày sẽ mất!. Chỉ có tác phẩm là còn lại mãi mãi!.                                                                                   Nguyễn Văn Dũng 



  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...