Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Đôi điều cảm nhận về bản nhạc Em và dòng sông

Đôi điều cảm nhận về bản nhạc Em và dòng sông
Em và dòng sông - Thơ Bùi Thảo - Nhạc Ngọc Quang 
    Có những bài ca không đơn thuần chỉ là những nốt nhạc, tiết tấu hay lời ca mà còn là cả ký ức trong mỗi tâm hồn con người. Để rồi, có lúc chỉ thoáng nghe qua những giai điệu ấy, trong ta chợt sống lại bao kỷ niệm của những ngày thơ ấu. Từ khi còn nằm trong nôi, chúng ta đã được nghe những bài hát ru mượt mà chan chứa yêu thương cùng dòng sữa ấm nóng của Mẹ. Và cứ thế, đời sống của con người gắn bó với âm nhạc bằng sợi dây vô hình như thể không bao giờ chia cách. Âm nhạc khiến ta chợt vui, chợt buồn, chợt thổn thức, cũng giống như những nốt nhạc thăng trầm của cuộc đời. Và cũng thật kỳ diệu, âm nhạc khiến mọi lứa tuổi đều mê hoặc. Một bài hát hay, không chỉ có ý nghĩa và cảm xúc dâng tràn, mà còn phải kể đến cái tài của người nhạc sĩ. ''Em và dòng sông (Thơ Bùi Thảo) đã được Nhạc sĩ Ngọc Quang thổi hồn vào cái cảm xúc của Nhà Thơ để chắt lọc lại thành một khúc ca dâng đời, tặng người. Phải chăng, qua '' Em và dòng sông'', là tình cảm chân thật của người Nhạc sĩ, muốn nhắn gửi tâm tư của chính mình? 
     Trong nỗi buồn của một con người xa xứ bao năm nay, nghe “ Em và dòng sông” tôi thấy được mình trong đó, đến với “Em và dòng sông ” tôi thấy được an ủi hơn nhiều… Ấy là sự hoàn thiện cho khoảng trống tâm hồn của nhau. Tôi tìm được “hương đồng gió nội” – hình ảnh quê hương thân yêu như hiện lên trong “Em và dòng sông”. Cảm xúc nghẹn ngào những giọt nước mắt chỉ chực tuôn ra… và tôi nhớ con sông của quê hương Thái Bình da diết.
     Bằng âm hưởng mang hơi thở của chất dân ca ngọt ngào, bằng tiết tấu chầm chậm, Với cách sử dụng nhuần nhuyễn để tổng hợp các điệu nhạc Ballad, Boston và Valse được viết chủ yếu theo nhịp 3/4. Nếu ta để ý sẽ thấy, đôi lúc ballad hay Valse có thể chuyển đổi cho nhau. Đến nay chưa tìm được bản nhạc Việt bolero nào mà được mọi người đồng ý đó là "nhạc sang". Các nhạc sĩ được đào tạo bài bản theo trường phái âm nhạc cổ điển phương tây không ai sáng tác thể loại này. Cũng như tango, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đoàn Chuẩn,... không có tác phẩm ballad nào. Thì Nhạc sĩ Ngọc Quang cũng vậy, hóa ra điệu ballad anh pha trộn giữa Boston và Valse vào '' Em và dòng sông'' cũng thật khéo. Thật sự, tôi không tìm thấy phong cách '' sến'' trong bài nhạc. Mặc dù âm hưởng rất ngọt ngào, nhưng giai điệu nhạc nghe rất hiện đại. Không ồn ào, không nỉ non, không gân guốc, Nhạc sĩ Ngọc Quang đã người nghe cảm nhận ca khúc ''Em và dòng sông'' rất đằm thắm,dịu dàng mà lại rất '' có duyên'' trong âm nhạc nói chung. 
     Ta hãy dừng lại để lắng nghe lời cảm ơn sâu sắc của thi sĩ Bùi Thảo dành cho Nhạc sĩ Ngọc Quang qua bản nhạc '' Em và dòng sông:
''Giữa bộn bề của cuộc sống chật hẹp này, tôi đã tìm được cái mênh mông, cái bao la của tình người. Những tâm hồn đồng điệu gặp nhau qua những áng thơ, để rồi òa vỡ trong nhau những cảm xúc thi ca bất chợt, mà không có tình cảm nào đẹp bằng. Bài thơ ''Em và dòng sông'' của tôi, cũng chỉ là sự tình cờ trong một lần cô Trần Huyền Nhung lang thang trong thế giới blog đã bắt gặp được một tâm hồn như tôi đang phiêu dạt xứ người. Chỉ những lời bình giản dị, chân tình, bài thơ ''Em và dòng sông'' đã trở thành nhịp cầu nối cho tình bạn văn chương của chúng tôi.
Tháng 4 sắp tới, nhân ngày sinh nhật của tôi, nhắc lại bài thơ ''Em và dòng sông'', Cô Huyền Nhung muốn cám ơn tôi. Nhờ có bài thơ gợi trong cô ấy biết bao cảm xúc, mà tôi và cô ấy có được tình bạn văn chương từ dạo ấy. Tôi và Huyền Nhung cũng chỉ phần nào hiểu về nhau qua những áng thơ. Tình bạn cũng có cái gọi là ''dây chuyền cảm xúc''. Qua Huyền Nhung, mà tôi biết được nhạc sĩ Ngọc Quang (Hội viên Hội nhạc sĩ VN) người đã nhập dòng cảm xúc để phổ tặng bài thơ '' Em và dòng sông'' của tôi. Qua bài nhạc, tôi càng hiểu được tâm hồn đồng cảm với bài thơ của người Nhạc sĩ hơn. Với những nốt nhạc trầm,buồn mà lại sâu lắng da diết, bài nhạc có ba phần rõ rệt như càng làm tăng thêm tốc độ cảm xúc trong lòng nhạc sĩ Ngọc Quang. Điều đặc biệt, tôi vô cùng cảm động từ đáy lòng khi chính nhạc sĩ Ngọc Quang là người hát bài nhạc. Từ nơi xa xôi này, tôi gửi lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm quý mến, ngưỡng mộ của tôi đến Nhạc sĩ Ngọc Quang. Cảm ơn Anh rất nhiều!''
Trân trọng!
Bùi Thảo.
    Thật không sai nếu cho rằng '' Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian'', tôi luôn tin rằng bài nhạc '' Em và dòng sông'' sẽ vang vọng mãi với thời gian, với những người con xa xứ mà lâu lâu mới có dịp trở về quê hương. Xin cảm ơn nhà thơ, cảm ơn nhạc sĩ đã gây được trong tôi những rung cảm nghệ thuật và phút giây lắng đọng,thăng hoa như thế này! 
Trần Huyền Nhung

                                                                   
                                                                     



“Người đàn bà qua hai mùa tóc” và tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng

“Người đàn bà qua hai mùa tóc” và tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng   
    Nhà thơ Bùi Giáng, một trong những “quái kiệt” của văn chương miền Nam trước 1975 đã xem thơ là thế giới của mộng tưởng, của nhiệm mầu, của ám ảnh vô thức và tâm linh khi ông cho rằng: “Cõi thơ là cõi bồng phiêu”. Vì vậy, người làm thơ tất nhiên phải “phiêu bồng” trong cõi mơ tưởng ấy thì mới có thể sáng tạo nên thế giới thơ cho riêng mình, nếu không chỉ là sự tái tạo ra một sản phẩm tương tự như thơ chứ không phải là thơ, điều mà hiện nay đang tràn ngập ngổn ngang trong đời sống văn học, làm cho người đọc quay lưng với thơ. Và như vậy, vô hình trung giá trị của thơ đã bị hạ thấp, biến thành một món hàng ế ẩm trong siêu thị văn học của đời sống hiện đại.
Rất may, thơ Anh Hồng không rơi vào bi kịch ấy và thật sự là một giá trị khi chị biết tạo cho mình cõi thơ riêng – một điều rất cần cho sự sáng tạo văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Bởi, nếu không sáng tạo được cõi riêng cho mình thì nhà thơ sẽ tự đào huyệt chôn mình trong nghĩa trang thơ. Đọc Người đàn bà qua hai mùa tóc của Anh Hồng, cái cõi riêng ấy đã hiện hữu trong thơ chị như một tâm thức hiện sinh với những câu hỏi về thân phận, về hiện hữu, về bản thể, về nỗi cô đơn phận người mà không phải sống ở đời ai cũng ý thức về điều ấy. Bài thơ mở đầu như một tuyên ngôn mang tâm thức hiện sinh ám ảnh suốt tập thơ.
Từng mảnh Tôi
Từng mảnh Tôi
Tan vỡ
Chơi vơi
Tìm nơi náu mình
Trên ngọn cỏ...
Mặt đất lè tè
Ngọn cỏ thấp
Từng mảnh Tôi
Lặng lẽ...
Tìm Tôi...
         (Mở)
  Việc trăn trở về sự hiện hữu của bản thể trong thơ Anh Hồng không phải là điều mới lạ. Bởi đây là vấn đề nhân loại luôn khát khao kiếm tìm và lý giải từ nhiều điểm nhìn triết học khác nhau. Và trong thơ vấn đề bản thể luận cũng được  nhiều thi nhân đề cập đến như một tâm thức hiện sinh. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong Điêu tàn đã từng tự vấn: “Ai bảo giùm: Ta có, có ta không?”... Nhưng Anh Hồng lại tìm cho mình một cách thể hiện riêng về tâm thức hiện sinh. Nhà thơ không những đi tìm cái “Tôi hiện hữu” mà còn đi tìm từng “mảnh vỡ” của cái “Tôi” ấy. Và những mảnh vỡ của cái “Tôi” này đã hóa thân vào những phận người chảy dài trong dòng sông cuộc đời mà thi nhân trải nghiệm được thể hiện khá sâu sắc ở các bài thơ: Khúc ca về những dấu chân; Đêm Mường Bi, lắng nghe; Tương phản; Giọt nước mắt từ kinh Vu Lan; Ám ảnh; Đêm Lào Cai; Chiều đông, đồng Phú Thọ; Mảnh vỡ... mà khi đọc lên ta không khỏi thấy đắng chát cõi lòng. 
... Muôn dấu chân đi, về...
Dấu chân in hoa lên đá
Dấu chân lấp lóa biển khơi
Dấu chân mang tiểu sử một kiếp người
Dấu chân lung linh hào quang huyền thoại...
Nội ơi!
Dấu chân nào của nội
Trong đêm biển cả tan hoang...
Chỉ có dấu chân đi không thấy dấu chân về?
                      (Khúc ca về những dấu chân)
Đó là niềm khắc khoải khôn nguôi về thân phận con người với những nỗi nhọc nhằn như một định mệnh có từ thuở hồng hoang của nhân loại được nhà thơ cảm nhận một cách tinh tế với sự thấu thị của một tâm thức hiện sinh.
Đêm Mường Bi...
Nghe văng vẳng nỗi buồn lạc về từ miền cổ tích
Hoang hoải một cánh rừng
In dấu lên cái nhìn của Mẹ
Hằn vết trong khóe mắt của Cha.....
Cuộc sinh nở chưa tròn...
Ôi! Những kiếp người dằng dặc mưu sinh...
                      (Đêm Mường Bi, lắng nghe)
Đó là hình ảnh những người chồng mất tích giữa biển khơi để lại trên cõi đời khốn khổ này những người vợ, những đứa con mà cuộc đời cũng tròng trành trong biển khổ của cuộc mưu sinh mặn đắng:
Ám ảnh
Một trưa nắng lửa
Hậu Lộc xứ Thanh
Những người chồng mãi mãi chìm sâu dưới đáy đại dương
sau cuồng phong của biển
Những người vợ trên đầu trắng khăn tang
Quỳ gối trần trên lưng cát bỏng
Nạo vét mấy con ngao
Lũ trẻ con tóc cháy khét, mũi dãi chảy lòng thòng
Ráo cổ họng rao bán mấy bánh đa, vài gói bim bim kẹo lạc
Đôi mắt chúng đong đầy màu mưa nắng
Mây trời âm u
Ánh nhìn trẻ con già như biển cả
Trước những đồng xu lẻ leng keng...
  (Ám ảnh)
     Đó còn là hình ảnh những đứa trẻ H’Mông khốn khổ trên đỉnh Mãpìlèng đang vật lộn với thiên nhiên đầy khắc nghiệt của núi rừng để tồn tại mà dẫu có giàu tưởng tượng đến mấy chúng ta cũng không thể nghĩ rằng điều đó vẫn đang hiện hữu trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay!?
Chúng cởi trần giữa hai đợt lạnh tái tê buốt giá
Chân trần chạy trên đá tai mèo sắc nhọn
máu tươi rớt dưới chân ngô.
hay hình ảnh những người đàn ông Phù Lá
Hoàng hôn phủ đầy ánh mắt
Héo hắt nụ cười...
     Cả đời không bao giờ bước chân rời khỏi hẻm núi  cheo leo...
     (Ám ảnh)
Những mảnh đời bất hạnh ấy luôn là niềm khắc khoải, ám ảnh tâm thức nhà thơ trong từng sát na của hiện hữu. Đó cũng là nỗi đau bất tận luôn dằng xé, cào cấu tâm hồn người viết, nỗi đau như giông bão triền miên tràn về mà khi đọc lên, ta không khỏi se sắt cõi lòng:
Giông tố quất vào hồn tôi mỗi chiều, mỗi đêm mỗi sáng,
      Mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi tối, mỗi đêm đêm...
                                                           (Ám ảnh)
Nhưng có lẽ cái ám ảnh thường trực nhất, bao trùm nhất của tâm thức hiện sinh tạo thành cõi riêng trong thơ Anh Hồng đó chính là thân phận của Người đàn bà với những cơ cực, những khổ đau, những vui buồn, những đam mê và khát vọng, điều mà Nguyễn Du đã khái quát trong Truyện Kiều nổi tiếng:
                                    “Đau đớn thay phận đàn bà
                             Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
    Và chính điều này đã góp phần lý giải vì sao Anh Hồng lại lấy tựa đề cho tập thơ của mình là Người đàn bà qua hai mùa tóc.
Tôi rất ấn tượng với tên của tập thơ. Theo cảm thức thông thường để đếm bước đi của thời gian, người ta nói đến bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông chứ có bao giờ dùng “mùa tóc” để chỉ bước đi của thời gian!? Thế mà ở đây, bằng sự nghiệm sinh và sự cảm nhận tinh tế của Người đàn bà, Anh Hồng đã lạ hóa khái niệm về thời gian qua hình ảnh thơ đầy tính độc sáng: “Người đàn bà qua hai mùa tóc”. Mùa tóc ở đây không chỉ đơn thuần mang ý niệm thời gian mà còn chứa trong đó biết bao vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau của số phận con người...
Người đàn bà qua hai mùa tóc
Đôi mắt nâu mang theo ánh nhìn của biển chiều đông
Giông bão lật tung những giấc mơ chở đầy màu tro của đất
Với tay, không kịp túm lại chút mong manh còn lại
Mặt trời lẫn vào đêm...
Người đàn bà tự dắt mình bước qua định mệnh
Từng nhích nhích hao mòn
Từng ngón gầy xanh xao mỗi ngày bừng giấc mơ lạ lùng
mê hoặc...
Ngỡ chạm búp non...
    (Người đàn bà – những giấc mơ)
   Và đây là cảm hứng chủ đạo, bao trùm tâm cảm thi nhân, quán chiếu trong cả tập thơ làm nên một cõi riêng trong thơ Anh Hồng như một ám ảnh của tâm thức hiện sinh. Vì vậy, trong tập thơ có nhiều bài nói về cuộc sống của Người đàn bà với những cảnh đời, những số phận, những vui buồn, những đam mê và khát vọng khác nhau... Đó là các bài thơ Tương phản; Thèm; Lời muốn nói; Những dòng tin để lại; Người đàn bà – những giấc mơ; Người đàn bà trên cao nguyên đá; Người đàn bà với trò chơi tiếp sức; Tình yêu; Nguồn sống; Giấc ngủ của em anh cất giấu nơi  đâu?; Người đàn bà ngồi bên ô của sổ; Ghép chữ... Và mỗi bài thơ như có một mảnh vỡ của cái “Tôi” thi nhân tan hòa trong đó. Vì vậy, cái nhìn của Anh Hồng về số phận nhữngNgười đàn bà trong thơ là cái nhìn sẻ chia, đồng cảm, đồng điệu trước những bất hạnh mà họ gánh chịu... mà khi đọc lên lòng ta không khỏi quặn thắt một nỗi niềm trắc ẩn.
Nhẫn nại bước chân đi, về
Người đàn bà xóm Bến
Gò lưng kéo những chuyến hàng thuê......
Người đàn bà – chiếc áo không màu – chiếc xe cũ nát.
Chìm lấp giữa những âm thanh xanh đỏ phố phường.....
Đôi vai mỏng run run làn áo mỏng
Bóng xiêu xiêu đổ về phía mặt trời
                                (Tương phản)
Người đọc bắt gặp trong thơ Anh Hồng hình ảnh Người đàn bà H’Mông trên cao nguyên đá đang lặng lẽ âm thầm oằn lưng gánh “lũ ống, mưa rừng” và “ nắng hạ sém da, rét đông tê tái” với bao hiểm nguy để gieo mầm sự sống. Chính họ là những người đã truyền lửa cho cuộc đời nối tiếp cuộc đời ở một vùng núi cao, xa mờ, hoang sơ với thiên nhiên nghiệt ngã. Nếu không có một sự thấu cảm thì nhà thơ không thể nào viết được những câu thơ đầy ám gợi...
Người đàn bà H Mông lặng lẽ âm thầm
Đếm từng hạt đất màu treo trên từng kẻ đá.....
Người đàn bà H Mông
Nhẫn nại...
âm thầm...
nâng niu từng hạt đất...
Chắt chiu mầm sống
lớn lên...
    (Người đàn bà trên cao nguyên đá)
    Hay hình ảnh Người đàn bà đang đánh đu cuộc đời với những đỏ đen của “trò chơi số phận” mà Anh Hồng đã khái quát thật tinh tế và đầy chất nhân văn qua “trò chơi tiếp sức” trên truyền hình mà nếu không có tấm lòng cảm thương trước những được mất của phận người thì không thể nào nhận ra điều bi kịch ấy.
Người đàn bà đôi vai mỏng như lá lúa
Đánh cuộc
Thảng thốt
Với từng nhấc tay
Trắng đỏ trắng đỏ...
Ba đứa con thơ bệnh tật giày vò
Đang chờ mẹ
Với trò chơi Tiếp sức
Để chơi tiếp
Trò chơi số phận
Nghiệt ngã... mông lung
(Người đàn bà với trò chơi Tiếp sức)
Tuy nhiên cái tâm thức hiện sinh làm nên cõi riêng trong thơ Anh Hồng không chỉ dừng lại ở những nỗi đau với những vất vả lo toan từ cuộc sống thường ngày củaNgười đàn bà mà ẩn sâu trong đó còn có nỗi cô đơn thân phận với những đam mê cháy bỏng trong tình yêu mà chúng ta thường bắt gặp trong thơ Nữ Việt hiện đại với những gương mặt tiêu biểu như: Vy Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Cát Du, Đoàn Ngọc Thu, Ngô Thị Hạnh... Và cũng như trong thơ của các nhà thơ Nữ Việt hiện đại dấu ấn của thuyết “Nữ quyền luận” cũng hiện rõ trong thơ Anh Hồng. Phải chăng, chính cảm thức “Nữ quyền” này đã giúp Anh Hồng nói riêng và các nhà thơ Nữ hiện đại Việt Nam nói chung có thể vượt qua những rào cản đạo đức khắc nghiệt của một thời để nói lên những “khát vọng thành thực” (từ dùng của Hoài Thanh- TM) từ bản thể của mình.
Nhà thơ Vi Thùy Linh đã từng xác quyết trong thơ mình cái khát vọng sống và yêu của người phụ nữ thật mãnh liệt:
Khu vườn ắng lại chỉ còn anh và em
Khởi đầu phận sự thiêng liêng
Những cặp chân khóa  chặt nhau khước từ chân lý
                           (Anh sẽ ru em ngủ - Đồng tử
Đây cũng chính là những biểu hiện mạnh mẽ nhất tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng với bao khát vọng kiếm tìm vốn là một yếu tính của tình yêu
Tìm đâu, tìm đâu
Không – Cô – Đơn ?
Cô đơn  nhảy múa điên cuồng
Muốn thiêu ta thành tro bụi
Chỉ muốn bay lên
Bay lên... thăm thẳm... bay lên...
                              (Trạng thái)
   Và chính trong trạng thái cô đơn đến rợn ngợp này đã làm bùng cháy những khát vọng yêu đương đầy nhục cảm nhưng rất nhân bản của con người. Vì vậy, khát vọng ái ân ấy không hề tầm thường mà chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc. Nó như một thông điệp tình yêu vừa thực lại vừa mộng.
Thèm một cái ôm ghì siết của anh
Để phiêu diêu vào cõi thiên đường
Của Eva và A Đam
Thèm anh ở trong em thăm thẳm
Thiêu đốt tận cùng bằng ngọn lửa
Ăn cắp của thần Dớt trên đỉnh 
Olympus
Nếu một ngày...
Không còn thèm gì nữa
Có nên quẳng đời vào 
Recycle
Bin ???
(Thèm)
   Vâng! Con người có rất nhiều thèm khát. Nhưng vấn đề là ta có dám nói ra những thèm khát của mình một cách thành thật hay không, hay cứ che đậy những thèm khát ấy dưới những mặt nạ đạo đức để rồi thực hiện nó trong bóng tối!? Thơ Anh Hồng đã nói lên rất thành thực nỗi khát khao của Người đàn bà trong cuộc sống. Bởi hơn ai hết Anh Hồng đã ý thức rất sâu sắc về sự mỏng manh và hư hao của kiếp người trong cuộc đời mà sự hư hao ấy ở Người đàn bà lại càng vô cùng cay nghiệt và đớn đau
...Nửa yêu thương dành lại cho mình
Là chiếc bóng chập chờn trong hoang hoải
Lặng  lẽ quỳ giữa hai mùa tóc
Em bối rối ... giật mình
Tro hoa hồng lả tả trắng không gian...
                         (Dành lại cho mình)
    Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”. Và cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần. Vì vậy, khi con người ý thức về sự hiện hữu của mình trên cõi đời thì sẽ trân quí hơn cuộc sống và khi đó mọi cái đi qua đời mình đều trở thành những giá trị. Điều này ta cũng bắt gặp trong thơ Anh Hồng khi nhà thơ ý thức rằng sự hiện hữu của thân phận cũng vô cùng mong manh và hư ảo và những gì đi qua trong cuộc đời rồi cũng hư hao theo năm tháng  của kiếp phù sinh.
            Qua đi, qua đi những khoảnh khắc mong manh như lá
            Qua đi , qua đi những ánh chớp vui, buồn...
            Để một ngày chợt ngắm vầng trăng khuyết
            Biết hao gầy thao thức giấc chiêm bao...
            Để một ngày lặng nghe lòng buốt xót
            Hiểu cát cũng buồn nếu không biển mênh mông...
                                                                  (Để một ngày)
    Chính vì ý thức qui luật của hiện hữu trong cuộc đời hư ảo với một tâm thức hiện sinh mạnh mẽ nên khát vọng của người đàn bà trong thơ Anh Hồng nhiều khi cũng bùng nổ những cảm xúc mãnh liệt mà nhà thơ gọi đó là những “nguồn sống”. Bởi lẽ, nếu không có những đam mê rất Người này liệu cuộc sống sẽ còn có ý nghĩa gì? Và lúc đó con người sẽ tự cật vấn là mình đang tồn tại hay đang sống!? Bởi nói như Phạm Công Thiện:“Thơ làm tôi sống lại – Thơ giải thoát tôi ra khỏi vòng tù hãm nhọc nhằn của cuộc sống. Thơ đặt tôi trước cuộc sống.”(1)
Rất muốn
Mỗi khi trong em cảm giác sắp nổ tung thành muôn mảnh
Được gục đầu vào anh chỉ thoáng chút thôi...
Nhắm mắt
Hít mùi nồng nàn quen thuộc
Ôm bờ vai anh
Và thấy mình phiêu diêu, phiêu diêu....
Bờ vai anh
Nồng nàn, hăng hắc
Rất - đàn - ông
Đã mang đến cho em
Nguồn sống
(Nguồn sống)
   Và khát vọng tình yêu đó không chỉ là “nguồn sống” mà còn là nội lực làm nên sức mạnh giúp Người đàn bà vượt lên những muộn phiền, những đớn đau của thân phận để được sống đúng nghĩa với hai tiếng Con Người 
Xiết chặt thân thể nhau trong vòng tay êm ái
Đêm choàng áo dịu dàng
Anh hút chặt em vào miền quên lãng
Gột rửa ưu phiền
Chỉ còn lại
Tiếng thì thầm mộng mị như  nhung
Em!
Anh!
Em!!!!!!
    (Tình yêu)
   Như vậy, tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng không chỉ thể hiện những vật vã, đau đớn của con người trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn với bao thân phận nổi chìm mà còn bộc lộ rõ khát vọng cháy bỏng, đê mê trong tình yêu, chạm vào những điều sâu kín nhất trong bản thể con người. Đây chính là những giá trị nhân bản là yếu tính làm nên tâm thức hiện sinh trong tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc của Anh Hồng. Bởi theo sự xác quyết của Cyprian Norwid: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”.
Phải chăng tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng ở tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc cũng chính là một trong những phẩm tính của thơ ca còn lại với thời gian và cuộc sống...                 * Người đàn bà qua hai mùa tóc, Thơ Anh Hồng, Nxb. Hội Nhà văn, 2014 
(1). Phạm Công Thiện Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Nxb. An Tiêm SG. 1970, tr. 217.
Trần Hoài Anh


Vài cảm nghĩ về bài thơ “Chiều nghe câu hát bên sông” của Nguyệt Lãng

Vài cảm nghĩ về bài thơ “Chiều nghe câu hát bên sông” 
của Nguyệt Lãng
 Chiều nghe câu hát bên sông
                          Trời mưa bong bóng… buồn da diết
Câu hát theo mưa nổi phập phồng
Nhà ngoại lạnh lùng cơn gió tạt
Mái còn nghiêng giọt chạm dòng sông
Gió đưa cây cải… buồn u uất
Bỏ lại rau răm với cuộc đời
Cay đắng đã làm tao võng đứt
Ai ngờ câu hát cũng mồ côi?
Gió đưa bụi chuối… buồn day dứt
Nứt nẻ chân son phải lâm bùn
Lặn lội theo con còng con ốc
Phận người ngập lún với đồng bưng 
Em tôi khát sữa… buồn thê thiết
Nước mắt thấm nhòa ngực vú cau
Chị ngủ mơ người cho bú thép
Mút mòn câu hát lưỡi em đau
Câu hát buồn giăng tràn mặt nước
Chạnh đời trôi nổi kiếp long đong
Chiều nghe câu hát bài thơ khóc
Câu hát chìm sâu quợn đáy sông 
                                           Nguyệt Lãng
Cảm nghĩ của Châu Thạch:
Đọc xong bài thơ tôi thấy những căn nhà xiêu vẹo nằm kề bên mép nước và những em bé cơ bần trong căn nhà đó. Đọc xong bài thơ tôi thấy những mảnh lưng trần nhỏ nhoi hằng ngày mò còng bắt ốc, và nghe được tiếng khóc kêu gào khát sữa của những trẻ mồ côi vang vọng đâu đây. Đọc xong bài thơ hồn tôi vần vũ như cả bầu trời đang mưa gió nhưng lại mong manh như những chiếc bong bóng nước nhỏ trôi trên dòng nước. Tôi không buồn thê thiết, buồn u uất như tác giả mà sao cõi lòng tôi cứ chùng xuống, cứ nghẹn như có điều gì vướng mắc trong tâm. Có bài thơ làm tôi vui, có bài thơ làm tôi buồn, nhưng bài thơ  “Chiều nghe tiếng hát bên sông” của Nguyệt Lãng là bài thơ làm tôi khổ. Khổ vì cảm xúc mạnh trước những nghịch cảnh, những nỗi thương tâm mà tác giả truyền cảm, và khổ cũng vì một phần tôi không viết ra được hết, không nói lên rốt ráo những gì bài thơ đã nói.
Một buổi chiều tác giả đã nghe tiếng hát bên sông, và tiếng hát ấy chắc quá buồn nên đã làm cho người nghe cũng buồn theo da diết:
               Trời mưa bong bóng… buồn da diết
               Câu hát theo mưa nổi phập phồng
               Nhà ngoại lạnh lùng cơn gió tạt
               Mái còn nghiêng giọt chạm dòng sông
“ Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Có lẽ câu hát bi thảm nầy vọng lên trên dòng sông đang trôi, giữa một cơn mưa dai dẵng đầy bong bóng đã làm lay động tâm hồn tác giả. Ở đây tác giả không nói ai hát. Vậy thì tiếng hát của ai? Nhưng thôi đừng nghĩ tiếng hát ấy của ai, vì nó sẽ làm cảm xúc trong lòng ta đi lệch hướng. Ví dầu tiếng hát ấy của ai thì nó cũng diễn tả được thảm cảnh bi thương của những người con không có mẹ. Không có mẹ thì phải sống với bà, và hình ảnh ngôi nhà ngoại mà đứa trẻ thơ kia tá túc bi đát làm sao. Nhà ngoại trống huơ trống hoác mà giọt nước mái nhà rơi xuống chạm dòng sông đồng nghĩa với cuộc sống luôn đùa giởn với tử thần trước mỗi trận mưa to hay mỗi mùa nước lũ. “ Trời mưa bong bóng”… Câu ca dao lấy cơn mưa để than thở cho những cuộc đời mất mẹ, lại được hát bên dòng sông trong một buổi chiều mưa khiến cho nỗi buồn chồng lên nỗi buồn. cảm xúc nhân lên cảm xúc trong lòng người nghe là một nhà thơ có tâm hồn dễ dàng rung động. Thế rồi cảm xúc nầy chưa dịu xuống cảm xúc khác lại dâng tràn khi tác giả lại nghe tiếng hát chuyển qua một điệu buồn u uất vì mất mẹ thật rồi:
                          Gió đưa cây cải… buồn u uất
                          Bỏ lại rau răm với cuộc đời
                          Cay đắng đã làm tao võng đứt
                          Ai ngờ câu hát cũng mồ côi?
“ Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” Đây là câu ca dao được truyền tụng nhiều luận thuyết về sự ra đời của nó. Nhưng chung quy ý nghĩa của câu ca dao đều nói về sự chết của một người để cho người ở lại chịu bao nỗi đắng cay của cuộc đời. Câu hát vọng trên sông nói về một hoàn cảnh đau lòng như thế khiến cho người nghe liên tưởng đến biết bao nhiêu điều hệ lụy của những đứa trẻ mồ côi. “ Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm rách áo ai người lo cho” là câu ca dao than khóc cho những cuộc đời không may. Đứa trẻ mồ côi chịu cay đắng ở đời khác chi tao võng của nó bị đứt đi từ buổi sơ sinh. Có lẽ người hát cũng xúc động đến nỗi nghẹn ngào làm cho câu hát khựng lại, và  người nghe đau lòng đến nổi cho rằng: “ Ai ngờ tiếng hát cũng mồ côi?”. Tiếng hát bên sông lại tiếp tục, day dứt tấm lòng con người đa cảm, và nhờ đó có thêm một vế thơ buồn day dứt:
                          Gió đưa bụi chuối…buồn day dứt
                          Nứt nẻ chân son phải lấm bùn
                          Lặn lội theo con còng con ốc
                          Phận người ngập lún với đồng bưng.
“ Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ” là một điệu ru buồn nằm lòng của những kẻ hát ru em. Câu hát nầy chắc chắn đã vang vọng trên sông chiều hôm ấy, một chiều mà cái buồn hội tụ từ nội tâm tác giả đến cảnh vật bên ngoài, cộng thêm tiếng hát gợi hình những cuộc đời khổ lụy, khiến cho lòng người dễ đau thêm niềm đau nhân thế. Từ câu hát đó, tác giả thấy gót chân son lấm bùn của những đứa trẻ mồ côi cha “ Lặn lội theo con còng con ốc” và “ Phận người ngập lún với đồng bưng”.
Câu thơ như tiếng kêu thương từ nơi đồng lầy, như bàn tay chới với đưa lên giữa trời trong cơn mưa xối xả. Chưa hết đâu, phận người còn đau thương hơn ở vế thơ sau:
                    Em tôi khát sữa…buồn thê thiết
                    Nước mắt thấm nhòa ngực vú cau
                    Chị ngủ mơ người cho bú thép
                    Mút mòn câu hát lưỡi em đau!
“ Ngực vú cau” là ngực còn nhỏ, ngực của những đứa trẻ 12, 13 tuổi. “ Bú thép” là bú nhờ người ta, là bú sữa không phải của mẹ mình mà là bú sữa của người cám cảnh, một người tốt bụng! Câu ca dao “ em tôi khát sữa bú tay/ Ai cho bú thép ngày rày mang ơn” chắc đã được hát lên. Câu ca dao nầy cho thấy hình ảnh còn đau thương hơn hình ảnh những đưa trẻ ngồi ăn xin bên vệ đường, còn thảm thương hơn hình ảnh những đứa bé đói ăn ở châu Phi. Câu ca dao nầy vang vọng trên sông và làm thành một bi cảnh trong tâm trí tác giả, vẽ lên khung cảnh bé chị bế bé em đi xin bú thép, và rồi thi chị em mệt lã thiếp đi trong giấc ngủ lơ mơ. Chị thì mơ có người cho em mình bú thép, em thì mơ được bú và đã bú mãi đến làm đau chiếc lưỡi, nhưng chỉ là bú trong mơ chớ có vú đâu,  vì ngủ mệt, vì mãi mê nghe câu hát của chị.  
“ Mút mòn câu hát” là bú thế nào? Là cảnh buồn của những bé con bú thép còn hoài trong điệu hát, vĩnh viễn trong cuộc đời , là tiếng hát vọng vào tai và hình ảnh bú thép quyện đau trong lòng tác giả, thực tại và ảo ảnh khiến tác giả tưởng rằng đưa bé đang mút mòn câu hát. Nhưng câu hát không mòn. Câu hát chỉ mòn khi trên đời không còn cảnh đau lòng ấy nữa.
Bài thơ được kết lại với tiếng hát buồn giăng trên mặt nước, rồi chìm xuống làm quợn cả dòng sông nhưng thật ra đó là tiếng buồn của tâm hồn  cô đọng trong đáy lòng thi sĩ, và quợn cái đau của kiếp nhân sinh trong cõi đời nầy:
                  Câu hát buồn giăng trên mặt nước
                  Chạnh lòng trôi nổi kiếp long đong
                  Chiều nghe câu hát bài thơ khóc
                  Câu hát chìm sâu quợn đáy sông.
“ Chiều nghe câu hát bên sông” là bài thơ buồn . Những nổi buồn da diết, thê thiết… v.v. chỉ là cái buồn của tiếng hát, của ca từ giăng kín dòng sông, nhưng cái buồn thể hiện trong bài thơ là nỗi buồn trùm lấp, ôm kín cả không gian và thời gian, được suy diễn từ nỗi buồn của câu ca trên bến nước. Những kiếp người long đong không phải ở một nơi nào, một thời đại nào, mà nó đầy dẫy giữa thế gian và còn hoài trong cuộc sống . Vì vậy nỗi buồn mà Nguyệt Lãng viết đã có từ bao thế hệ và đến nay nó mới nhập vào ngòi bút tài hoa. Đây là một bài thơ “ Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Châu Thạch 



Chuyện về bản giao hưởng mùa xuân

Chuyện về bản giao hưởng mùa xuân
Robert Schumann là một con người kỳ lạ, âm nhạc của ông kỳ lạ, và cả số phận của ông cũng kỳ lạ. Bản thân tài năng của Schumann cũng chứa đựng sự mâu thuẫn giữa tính bồng bột, xốc nổi và những suy tư tâm lý phức tạp, tế nhị, sâu kín, giàu sức nặng tình cảm. Schumann mất khi mới 46 tuổi (1810-1856), nhưng mười sáu năm cuối cùng của cuộc đời ông đã đủ để trở thành một cuốn tiểu thuyết mà chương đầu của nó chính là bản giao hưởng số 1 của ông – Giao hưởng Mùa xuân.
Năm 1840 là năm hạnh phúc nhất của Schumann. Ông và nữ danh cầm piano Clara Wieck đã vượt qua được những rào cản để tổ chức một đám cưới thật hạnh phúc. Đối với Schumann, đó là cả một cuộc sống mới với những giấc mơ mới. Schumann sáng tạo bằng mộng tưởng, và có lẽ phải là những mộng tưởng bùng lên trong đầu ông mới có thể khiến ông sáng tác với tốc độ phi thường đến thế. Chỉ trong bốn ngày cuối tháng giêng năm 1841, Schumann đã phác thảo xong bản giao hưởng đầu tiên của ông, giọng Si giáng trưởng, tập tác phẩm số 38. Một tháng sau đó, nó đã được hoàn thành với một cấu trúc hoàn chỉnh. Ông đã đặt tên nó là “Giao hưởng Mùa xuân”. Theo nhật ký của Clara, bản giao hưởng số 1 này cùng với tiêu đề của nó được lấy cảm hứng từ những bài thơ mùa xuân của Adolph Boettger. Nhưng chính Schumann thì lại cho rằng, cảm hứng của ông hoàn toàn bắt nguồn từ việc Clara đã khích lệ ông viết giao hưởng và từ một mùa xuân tràn ngập hạnh phúc trong tình yêu với Clara.
Bản Giao hưởng đã được chào đón nồng nhiệt ngay trong lần trình diễn đầu tiên ngày 31/3/1841 ở Leipzig, do Felix Mendelssohn chỉ huy. Tuy nhiên, Schumann vẫn quyết định sửa lại các chương vào tháng tám năm đó. Kể từ giao hưởng số 1, Schumann đã bắt đầu xây dựng cách thức sáng tác các tác phẩm lớn của ông, đó là phác thảo thật nhanh tất cả những ý tưởng bùng lên trong đầu và chỉnh sửa lại tác phẩm sau một lần trình diễn thử nghiệm.

Schumann, có lẽ cũng giống như nhiều nhà soạn nhạc thời sau Beethoven, đã cố gắng tìm cho mình một con đường khác để vượt ra khỏi cái bóng của Beethoven và Schubert. Giao hưởng số 1 của ông nằm ở giữa những cái gọi là âm nhạc tuyệt đối (absolute music/abstract music - âm nhạc thuần tuý trừu tượng) và âm nhạc chương trình (có chủ đích mô tả cảnh sắc, tâm trạng hoặc kể một câu chuyện). Toàn bộ Giao hưởng Mùa xuân là những cảm xúc tươi tắn, hồ hởi, tràn đầy những hương sắc của khí trời và hoa cỏ. Hình thức giai điệu mới mẻ, hòa âm đẹp, mang vẻ độc đáo và đầy cá tính. Schumann đã đưa vào tác phẩm của ông những yếu tố cấu trúc kỳ lạ, thuần túy là sự bốc đồng lãng mạn chủ nghĩa và không thể lý giải được theo chuẩn mực giao hưởng của Beethoven. Tuy nhiên, kiểu cấu trúc này lại được giải thích bằng chính bản thân tính hấp dẫn và vẻ đẹp mới lạ của âm nhạc.
Schumann sáng tác nhanh, nhưng âm nhạc của ông không hề hời hợt. Tchaikovsky từng viết: “Âm nhạc của Schumann là những diễn biến sâu sắc của đời sống tinh thần, những hoài nghi, những thất vọng và những hoài bão lý tưởng xâm chiếm lòng người”. Các tác phẩm của Schumann thường là sản phẩm của những cảm hứng và niềm xúc động dào dạt nhiều hơn là từ sự sắp xếp, dàn dựng mang tính kỹ thuật hay năng lực sáng tác ổn định. Chính vì thế mà giao hưởng của Schumann thường thiên về sự cường điệu cảm xúc mà ít chú ý đến cấu trúc cũng như sự phối dàn nhạc. Tuy nhiên, chính những biểu hiện tâm lý phức tạp và nhạy cảm đến mức dữ dội trong âm nhạc của Schumann đã khiến Tchaikovsky ca ngợi ông là nhà soạn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất của trường phái giao hưởng Đức thời sau Beethoven.
Kể từ khúc dạo đầu đầy sức sống với Giao hưởng Mùa xuân, Schumann đã viết thêm ba bản giao hưởng nữa. Chúng đều là sản phẩm của tố chất thiên tài đầy thất thường. Chính Schumann có lẽ cũng đã thừa nhận rằng, sức sáng tạo của ông bắt nguồn từ tình cảm không thể tả xiết với Clara. Trong mỗi tác phẩm, Schumann dường như đều cố gắng đi tìm hình ảnh người vợ yêu dấu của ông.
Clara - Robert Schumann - Brahms
Cuối năm 1853, Schumann rơi vào trầm cảm nặng và không bao giờ hồi phục lại được nữa. Ông không còn đủ sức để chống lại những suy nghĩ điên rồ, trong đầu ông đan xen lẫn lộn những âm điệu huy hoàng với những tiếng gào thét đau đớn. Ngày 26 tháng 2 năm 1854, ông đã nhảy xuống sông Rhine với mục đích tự tử. Ông vẫn còn khóc nức nở khi người ta đưa ông về nhà. Chiếc xe ngựa chở ông đi qua một đám đông, ở đây mọi người đang tổ chức một lễ hội hóa trang địa phương. Những chiếc mặt nạ, những bộ trang phục nực cười và đầy chế giễu lại khiến trong đầu ông vang lên bản Fantasy Lễ hội hóa trang (Carnaval) - một tác phẩm nổi tiếng cho piano và ông đã từng viết. Dòng sông Rhine, nơi ông vừa nhảy xuống cũng đã từng là cảm hứng cho ông viết nên bản Giao hưởng Sông Rhine bất hủ từ bốn năm trước đó. Số phận đang trêu ngươi ông và đang làm cho bệnh của ông thêm trầm trọng. Trở về nhà, chính Schumann đã yêu cầu được đến bệnh viện tâm thần ở Endenich, vì ông sợ chứng điên của ông sẽ có thể làm hại Clara. Schumann đã phải vật lộn khổ sở với những âm thanh ma quỷ trong đầu ông, ông thường xuyên chửi mắng các bác sỹ. Ông thường ngồi cả ngày để viết những bản fugue một cách vội vã, nhưng không có tác phẩm nào làm ông hài lòng, và ông đã đốt hết chúng.
Cuốn tiểu thuyết dành cho hai người đã trở thành cuốn tiểu thuyết dành cho ba người kể từ khi vợ chồng Schumann đến thăm thiên tài trẻ tuổi Johannes Brahms, năm tháng trước khi Schumann đến Endenich. Bằng danh tiếng của một nhà phê bình âm nhạc hàng đầu châu Âu thời đó, chính Schumann đã là người đầu tiên nhận ra và tôn vinh tài năng của Brahms.
Brahms đã đau lòng đến độ quẫn trí khi người ta mang Schumann đi. Ông đã chuyển đến ở Düsseldorf để giúp gia đình Schumann chăm nom những đứa trẻ trong thời gian đợi Clara trở về từ những chuyến lưu diễn gần như bất tận của bà. Brahms và Clara vẫn thường xuyên trao đổi thư từ. Đến cuối năm 1854, quan hệ của họ đã trở nên thân thiết đến mức trong đoạn cuối một bức thư gửi cho Clara, Brahms đã viết lại một đoạn lấy từ cuốn truyện Nghìn lẻ một đêm: "Hôm nay, Thượng đế đã cho phép tôi nói với em rằng, tôi đã yêu em. Nước mắt đã khiến tôi không nói được thêm điều gì nữa." Chúng ta không thể biết được Clara đã trả lời như thế nào, bởi vì mãi nhiều năm sau họ mới lại viết thư cho nhau.
Thỉnh thoảng Schumann có viết thư về, lúc thì cho Clara, lúc thì cho Brahms. Trong những bức thư ông vẫn cố gắng chứng minh rằng đầu óc của mình đã trở lại bình thường và sẵn sàng để trở về nhà.
Cuối cùng thì Brahms cũng được phép đến Endenich để thăm Schumann. Họ đã chơi song tấu và đi dạo cùng nhau. Nhưng cũng kể từ đó, Schumann lại rơi vào sự lãnh đạm và suy sụp tinh thần một cách tồi tệ hơn, có lẽ ông cũng đã cảm nhận rằng, giữa Brahms và Clara có nảy sinh những tình cảm đặc biệt. Lần duy nhất Clara đến thăm Schumann là hai ngày trước khi ông mất. Schumann đã ở một mình lúc ông từ biệt cuộc đời, đó là khoảng bốn giờ chiều ngày 29 tháng 7 năm 1856.
Có lẽ, trước bi kịch của Schumann, không ai đau buồn hơn Brahms. Tình cảm của ông dành cho cả Robert và Clara có thể nói là quá lớn. Người ta có thể nghe được điều đó trong chính âm nhạc của Brahms. Tác phẩm mà Brahms đã viết sau cái chết của Schumann - bản Concerto cho Piano số 1, tràn đầy sự đau đớn. Ông đã cố gắng rời xa Clara để có thể quên đi tình yêu với bà.
Nguồn: Tia sáng



  Tết về mong con – Chùm thơ Nguyễn Đức Tình 30 Tháng Một, 2024 Hoa đào bung nở bên rào/ Rêu phong bờ đá đón chào xuân sang/ Mẹ ngồi khơ...