Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Một thoáng bình yên với du thuyền sông Hương

Một thoáng bình yên với du thuyền sông Hương
“Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón... Em cầm trên tay ra đứng bờ sông. Sông Hương nước chảy thuyền trôi lững lờ, Em trao nón đợi và em hẹn hò..” Câu hát mộc mạc vang vọng đến bến sông từ du thuyền song Hương, bắt đầu cho những lắng đọng nhẹ nhàng cho chuyến du ngoạn thú vị.
Đã đến Huế mà không nghe hát và du thuyền trên sông Hương là một điều đáng tiếc! Đêm trên sông Hương bình yên, thơ mộng. Lắng mình vào tiếng đàn ca sáo phách rộn ràng chợt thấy cuộc đời đáng yêu làm sao! Hãy cùng lắng lòng mình với tâm sự của một du khách đã từng ghé đến đây, một xúc cảm chân thật trước Huế yêu thương.
Du thuyền nhẹ trôi trên sông Hương
Nghe danh Huế từ lâu, nào là chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền, sông Hương núi Ngự…Biết bao bài ca, tiếng hát và mỹ từ xưng tụng dòng Hương:
Ôm lấy kinh đô nước uốn dòng
Thả thuyền ban sớm nhẹ thong dong
Dòng xuân sóng lặng trùm hơi khói
Nhịp mái thuyền xuôi phủ gió rung
Cây cối vấn vương sương vẫn đẫm
Cỏ hoa quyến luyến mây còn ngưng
Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt
Đã thấy trời đông hưởng ánh dương

("Hương giang hiểu phiếm" – Tác giả: Vua Thiệu Trị/Thư Trung dịch)
Đi dọc dòng Hương nôn nao nhìn những con thuyền nằm san sát cạnh bờ và tò mò ngắm những cô gái Huế trong chiếc áo dài thướt tha đang ngồi trò chuyện ríu rít với nhau. Gió thổi mát lạnh. Nô nức tiếng nói cười. Ai nấy đều hớn hở. Ánh sáng đèn từ khu Trường Tiền Plaza tỏa sáng cả một vùng trời, chiếu hòa với ánh đèn trên dòng Hương tạo ra một khung cảnh huyền ảo lung linh khó quên.
Tôi sắp được nghe ca Huế trên dòng Hương! Có cảm giác mình như trở thành trẻ thơ sắp nhận được món quà hạnh phúc! Tôi nhìn bạn bè và các vị khách đi cùng với mình và thấy rằng hình như ai cũng có cảm giác như vậy! Trừ vị trưởng đoàn ra thì hầu hết mọi người đều đến Huế lần đầu nên lần này có dịp thưởng thức buổi tối ca nhạc trên sông Hương ai mà không thích!
Thuyền Huế thiết kế theo kiểu mới, thuận lợi cho việc trình diễn. Khoang thuyền rộng rãi, đủ sức chứa mấy chục người.  
Thiết kế du thuyền sông Hương mang tính cổ điển
Du khách ai cũng lăm le máy ảnh chuẩn bị giữ lại những khoảnh khắc kỷ niệm khó quên. Những nghệ sĩ ca Huế lần lượt xuống thuyền, gồm 2 nam, 5 nữ. Điều thú vị là khi xuống thuyền thì các cô gái mới đội mũ, mấn và ngồi chuyện phiếm với nhau mãi một lúc lâu!
Thuyền bắt đầu rời bờ, cho máy chạy từ từ ra giữa dòng. Du thuyền trên sông Hương thú vị nhất là từ lúc này .
Đèn đuốc sáng choang, thích nhất là ra sau đuôi thuyền ngắm cảnh mây trời xung quanh trong khí trời trong lành, mát mẻ. Sau đó, thuyền được thả trôi chầm chậm, tôi nhìn xung quanh, các thuyền khác cũng đã lên đèn, rộn ràng tiếng đàn ca.
Xa xa là cầu Tràng Tiền. Trên sông Hương nhiều chiếc cầu, nhưng chỉ có cầu Tràng Tiền trở thành một trong những biểu tượng của Huế. Chiếc cầu này đã đi vào thơ ca và tâm khảm người Việt Nam
À ơi à ơi !
Chứ cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Vì thương nhau rồi chớ xin kịp về mau
À ơi ơi à! Hò ơi!
Kẻo rồi mai tê bóng xế qua cầu
Thì bạn còn thương bạn chứ biết gởi sầu về nơi mô
À ơi ơi à!.
Cầu Tràng Tiền lung linh vào buổi tối
Các cô gái Huế bắt đầu phần trình diễn của mình. Mỗi cô có nét đẹp khả ái riêng, mỗi cô có chất giọng trầm bổng khác nhau… cùng tạo ra một đêm văn nghệ tuyệt vời. Ca nhạc Huế hấp dẫn không chỉ vì khung cảnh hữu tình, không chỉ vì những cô gái Huế duyên dáng mà dòng nhạc vừa có ca vừa có nhạc tạo ra nét độc đáo riêng.
Ði du thuyền trên sông Hương thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thì còn gì bằng.
Tôi hòa vào từng bài hát như bài Lý mười thương, Huế đáng yêu... vui tươi, khi trang nghiêm khi buồn man mác cảm nhận được nét đẹp của ca Huế vừa nhẹ nhàng vừa trau chuốt lại pha một chút phong lưu đài các….
Cứ như thế, điệu hát như lan tỏa trên mặt nước trầm lặng lan tỏa mãi đi xa vang xa…
Cuối chương trình chúng tôi được tham gia thả đèn hoa đăng trên sông. Đây là một phong tục lâu đời của người dân xứ Huế với ý nghĩa cầu an lành cho mọi người.
Thả hoa đăng cầu chúc mọi điều tốt đẹp
Du thuyền trên sông Hương dẫu rằng không phải thuyền rồng nhưng du khách như say người, say cảnh, say với cả thế giới nhạc xung quanh mình:
Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền
Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng!
Tương tư với nguyệt cùng mây
Hỏi non nước ấy đắm say bao tình?
Chúng tôi rời thuyền trong tâm trạng sảng khoái sau buổi trình diễn thú vị của các nghệ sĩ Huế. Hẹn gặp lại Huế và du thuyền trên sông Hương với những chương trình du lịch hấp dẫn, đầy ý nghĩa.
 Kim Dung
Theo http://www.tapchiduthuyen.com/
  Du thuyền trên sông Hương

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Bốn gương mặt nữ trong vườn thơ miền núi Ẩn sông Trà

Bốn gương mặt nữ trong vườn thơ miền núi Ẩn sông Trà
Theo dòng chảy thi ca miền núi Ấn sông Trà, riêng trong lĩn vực sáng tác, chúng ta nhận thấy số lượng những cây bút nữ làm thơ, còn ít là số nhỏ, chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn so với tác giả nam giới. Tuy vậy, qua từng thời kỳ vẫn có những nữ tác giả có tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thơ. Đó là: Trần Thị Triều Dương, Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương.
1.
Trần Thị Kỳ sinh năm 1952 tại thị trấn Sông Vệ, với bút danh Trần Thị Triều Dương. Từ những năm 70 của thế kỷ 20, Trần Thị Triều Dương đã sớm tham gia thi Văn đoàn Âu Cơ Quảng Ngãi.
Thơ Trần Thị Triều Dương phần nhiều là những bài thơ buồn - rất buồn. Trong thơ, Trần Thị Triều Dương viết về thân phận tuổi trẻ, tình yêu, quê hương một thời chiến tranh ly tán với những câu chữ mang đậm nỗi buồn bi lụy trước cuộc sống mong manh:
"Tình nồng thấp thoáng nỗi say
Con sông nước đỏ heo may buồn buồn
Lắng nghe từng giọt tình buông
Dựng xây bia nhớ lên nguồn làm thơ
Một đời ta - nỗi ơ thờ
Mai về rũ tóc phố chờ chiêm bao
Vói lên cao đếm trăng sao
Ngôn từ chứng tích hư hao hình hài".
(Chia xa)
Trong bài thơ "Từng nấc thang cuộc đời", người đọc bắt gặp tâm sự của một người con gái yêu đời, si tình, thốt lên những lời chia xa:
"Từ heo may cánh chim bay
Vó hồng ngàn dặm nỗi ngày xanh xao
Vùng hoang bão cát lao đao
Chim trời gãy cánh, qua mau một đời
Đưa chân đi không một lời
Có con sóng dữ tiễn đời nhau đi
Lời ân tình đó thầm thì
Thời thôi ba tấc còn ghi ngàn đời
Cát vàng tình cũng ra khơi
Châu thân úa mục rã rời tích xưa
Nỗi âm u giọt hương thừa
Còn miền đất cũ sớm trưa võ vàng
Này thinh không gửi cho chàng
Nỗi ngày mệt mỏi, hai hàng lệ khô
Đắn đo tình cũ hư vô
Một lời đưa, một lời chào, vẫy tay
Ừ thôi một kiếp heo may
Người về người cũng theo ngày thênh thang
Xác thân rữa mục bàng hoàng
Từ trong nấm đất võ vàng tình si".
Bài thơ như một điềm báo đã vận vào số mệnh cuộc đời Trần Thị Triều Dương. Ngày 25 tháng 5 năm 1979, khi tuổi đời vừa tròn 19, Trần Thị Triều Dương bị bệnh qua đời tại quê nhà Sông Vệ. Sau khi qua đời, Trần Thị Triều Dương chỉ còn để lại những bài thơ trong các tập thơ in chung: "Vết mực tím", "Xuân quê hương" của Thi văn đoàn Âu Cơ. 
2.
Trần Thị Trầm - cô gái gốc Huế được sinh ra năm 1955 tại sông vệ. Trần Thị Trầm làm thơ từ những năm theo học trường nữ trung học Quảng Ngãi với bút danh Trần Thị Cổ Tích.
Thơ Trần Thị Cổ Tích nhẹ nhàng, dễ thương như màu áo trắng tinh khôi. Trần Thị Cổ Tích viết nhiều về tình yêu thời tuổi ngọc đầy ắp yêu thương:
"Nhưng có một ngày
Nơi quán cà phê ven hồ
Em nhặt được trái tim anh
Trăn trở trên tay em 
Trái tim đầy vết chém
Sao vẫn nồng ấm tươi xanh
Vẫn rộn ràng nhịp đập
Vẫn phập phồng lời yêu thương sóng dội".
(Trích "Ngày của một đời")
Những người yêu thơ còn bắt gặp lại tâm sự của chính mình khi đọc bài thơ "Theo nắng hạ ta về" của Trần Thị Cổ Tích:
"Tôi đã ra đi từ ngôi trường con gái
Chân bước ngập ngừng
Và mắt ướt rưng rưng
Tháng năm chập chùng bao vui buồn được mất
Sáng mãi trong hồn một sắc trắng tinh khôi
Mưa nắng cuộc đời vây phủ quanh tôi
Có ánh mắt thầy cô
Có giọng nói bạn bè
Yêu thương an ủi 
Bóng hoàng hôn
Trôi qua mái đầu chớm bạc
Lá phượng cành bàng
Xanh nỗi nhớ mênh mang 
Nắng hạ chiều nay đưa người
Về chốn cũ
Chân bước rộn ràng sao mắt lại rưng rưng
Ngày hội ngộ vang tiếng cười thơ trẻ
Thầy cô ơi!
Bạn bè ơi!
Kỷ niệm đón ta về! 
Mái trường xưa
Giờ không còn... tên nữa!
Mà âm vang vẫn lắng đọng vô cùng
Vẫn ấm áp từng ngày như mặt trời kia ấm áp
Tà áo lụa năm xưa
Vẫn trắng đến nao lòng..."
(Năm 2009)
3.
Nguyễn Thị Khôi - cô giáo dạy tiểu học ở Hành Tín, Nghĩa Hành, trong những năm gần đây thường có thơ xuất hiện trên các tạp chí văn học trong nước với bút danh Khôi Nguyên.
Bình dị, chân thực là nét đặc trưng của thơ Khôi Nguyên. Cuộc sống và ước mơ của những người nông dân "một nắng hai sương" trên mảnh đất cằn được Khôi Nguyên đưa vào thơ đầy cảm xúc:
"Đường cày cha kéo
Thấm giọt mồ hôi gieo
Cha gói cuộc đời nghèo
Bó cả vào trong đất 
Giọt mắt thì thầm với đất
Mong con tươi sáng ngày mai
Bới lật từng lớp đất
Tim phù sa mỡ màu
Tìm bao niềm hi vọng
Vùi chôn cực nhọc đời cha".
(Lối cày)
Cuộc sống không ngừng chuyển động, xung quanh ta biết bao điều đổi thay theo dòng chảy thời gian. Có những lúc bất chợt, chúng ta thương về chân trời cũ, tìm về lối xưa. Có những bài thơ Khôi Nguyên đã đánh thức ký ức chúng ta, thương nhớ về dòng sông Vệ quê nhà với nỗi niềm hoài cảm:
"Sông Vệ ơi!
Tôi men theo con sông tìm lại những cọng khói thuốc ướt nhè cơn mưa bụi
Những cánh buồm ngày ấy về đâu
Dòng sông chong nồm đứng đợi?
Dĩ vãng chạm vào tôi
Âm âm điệu hò cong bờ nắng hạ
Nhánh trăng lơ lửng Đèo Bà
Buông lơi cánh vạc
Giật mình chạnh khúc sông thưa
Bụi mưa bay
Tìm dấu xưa
Tìm mái chèo khua
Tiếng cười ai bỏ quên bến bãi, hay giấu vào ống tre bờ xe nước?
Chảy dài những giấc mơ xa
Sợi khói thuốc tắm mưa, vắt vẻo ngọn nồm
Thuyền ai sẽ sàng, buông lời da diết
Chờ tôi gửi câu hò:
- Hò lỡ... hò lơ...
(Mắc nợ dòng sông) 
4.
Khi nhận định về phong trào thơ Quảng Ngãi hôm nay, Tiến sĩ Mai Bá Ấn từng có ý kiến: "Thơ Bùi Thị Thương là biểu hiện của một bút pháp mới mẻ, trẻ trung, đa chiều nhưng cũng thắm đằm triết lý...".
Bùi Thị Thương sinh năm 1992, quê ở Tịnh Kỳ - Sơn Tịnh. Bùi Thị Thương viết nhiều thể loại: Tản văn, tùy bút, thơ, truyện ngắn. Nhưng thơ mới thực sự tạo nên tên tuổi của Bùi Thị Thương. Thơ Bùi Thị Thương có nhiều nét mới so với những cây bút cùng thời và cả những người đi trước trong bút pháp và thể hiện nội dung tư tưởng. Những câu thơ Bùi Thị Thương viết về mẹ với những nét chân thực trong cuộc sống cơ cực đã tạo ra độ rung lớn trong lòng người đọc:
"Mẹ về bên phố cuối ngày
Nhặt những mảng nắng rơi bên thềm trống vắng
Đọng lại nơi góc phố vắng teo
Nơi cô hàng rong ngồi
Trời se lạnh phố cuộn mình trong trăn trở
Những con đường vắng
Thở đều nhịp mùa trôi
Ba tôi không về
Mẹ về gom nhặt tuổi thơ tôi
Nơi con sông xưa tôi tắm tuổi thơ lần sau cuối
Nơi mái tranh nghèo hẩm hiu bữa cơm mỗi tối
Nơi gói xôi chiều thay cơm, buổi ế hàng..."
(Trích bài thơ "Mẹ tôi dọn nắng")
Hiện thực cuộc sống đã được Bùi Thị Thương đưa vào thơ một cách tinh tế và đầy chất thơ. Giữa thực và mộng, sự trần trụi, cơ khổ của cuộc sống hàng ngày và những giấc mơ, những hoài vọng luôn luôn hiển hiện trong mỗi chúng ta:
"Nắng rát mùa tôi
Nắng rát hồn tôi
Tí tách hạt mưa trốn tìm trên mí mắt
Lăn
Lăn...
Mùa trốn tìm nhau - hòn đá cũng mòn
Những bài ca còn son chưa một lần được căng tròn
nốt nhạc
Những giấc mơ còn non chưa một lần tỉnh ngủ
mà còn
Tôi ru em ngủ - ngủ thôi em
Ngủ giữa những muộn phiền bão giông chưa kịp
trở mình vun vút
Ngủ thôi em khi giấc chiêm bao chưa được lấp đầy
bởi những mộng mị ảo huyền
Giấc mơ nghiêng nghiêng - em tôi nghiêng nghiêng
Cánh diều nghiêng -
nghiêng giấc chiêm bao
Nắng chiều rớt giọt chênh chao

Mùa vội tàn phai giữa cuộc đời còn bao nhung nhớ?
Còn gì nữa chăng khi sắc nắng nghiêng làm bạc đầu
Những bông bằng lăng đã nhiều lần trổ quả...
Còn gì nữa chăng khi em tôi đã qua bao mùa trăng
mà trăng chưa kịp chín chỉ một lần
Còn gì nữa chăng khi đôi môi em mấp máy
những nỗi niềm thầm lặng không thốt nổi thành tên
Đời còn nhiều những cuộc chia ly
chưa biết bao giờ tái ngộ, khóc làm chi em tôi?
Đời vẫn còn lắm những thị phi
mà giấc mơ mới mang màu cổ tích
Còn chi đâu em khi tuổi lên ba chỉ đến có một lần
Ước mơ đi em vì ước mơ là điều là đời người phung phí
Khát khao đi em vì khát khao là thứ duy nhất
em làm được cho mình...
Còn gì nữa chăng mùa nằm đợi quả - quả chẳng đơm bông
Giữa những nhọc nhằn bão giông
là những bàn tay nắm chặt
Tình người bất chợt lên men...
Tôi ru em tôi ngủ
Trăng nghiêng giữa trời!
(Giấc mơ nghiêng) 
Trần Thị Triều Dương, Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương, mỗi người mỗi cung bậc đã góp phần làm cho vườn thơ miền núi Ấn sông Trà thêm nhiều hương sắc.
Với những trải nghiệm, gắn bó với cuộc sống, yêu thơ hết mình, chúng tôi tin rằng, trong tương lai: Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương sẽ gặt được những mùa vui trên cánh đồng thi ca.
Phố biển La Gi mùa Trung Thu 2015
 Lê Ngọc Trác
Theo http://www.dutule.com/

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn “cháy” trên từng trang viết

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị 
Minh Ngọc vẫn “cháy” trên từng trang viết
“Tôi luôn thấy có lỗi với khán giả, độc giả, bởi tôi đã không đi đến tận cùng những điều mình muốn viết, muốn diễn...”, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc (ảnh) áy náy khi trò chuyện cùng PV Báo SGGP trong lần về nước mới nhất.
* Cho dù ẩn-hiện, đi-về bao nhiêu năm qua, nhưng khán giả, độc giả vẫn nhớ, vẫn yêu quý chị. Chị chia sẻ gì về tình cảm này?
- Trước khi bước sang thế kỷ 21, tôi đã kịp nhận ra mình đã không để thời giờ sáng tác vì mình, mà cứ vì bạn bè, tình thân... Và tôi cũng đã kịp chấn chỉnh để các tác phẩm được ra đời. Giờ thì 15 năm trôi qua, tôi chẳng những không tiến bộ mà còn có vẻ thụt lùi trong việc tìm lại chính mình. Bên cạnh lời xin lỗi còn là nỗi nhớ nhung, nhớ khán giả, độc giả yêu dấu của mình, ngang với việc nhớ nhung mình của thời mới lớn “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.
* Sau bao nhiêu năm “mang chuông đi đánh xứ người”, cụ thể các vở Người đàn bà thất lạc (2009), Chúng tôi là (2011) trên sân khấu Off - Off Broadway (New York, Mỹ)..., trở về nước lần này, chị có mang kịch bản nào về Việt Nam?
- Sau hai vở kể trên, tôi còn thực hiện vở Con Rồng, cháu Tiên bằng tiếng Anh cho một bảo tàng dành cho trẻ em ở New York gồm các tích: Bánh dày - Bánh chưng, Phù Đổng Thiên Vương, Sự tích dưa hấu, Sự tích trầu cau và Chú Cuội - Hằng Nga cho trẻ em Mỹ xem. Họa sĩ Kim B. đã giúp tôi chọn màu sắc, đường nét tranh dân gian Làng Hồ cho phục trang và thiết kế sân khấu thuần Việt, kể cả hình ảnh chị Hằng vốn lâu nay cứ như Hằng Nga của nước khác vậy. Bên cạnh đó, tôi cũng làm các vở kịch ngắn, kịch dài cho cộng đồng người Việt tại Mỹ do tôi sáng tác hoặc biên tập dựa theo tác phẩm văn học của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Ngọc Tư... hay các tác giả sau này như Huỳnh Phúc Điền, Hạnh Thúy… 
* Cho đến nay, liệu có thể kể hết những tác phẩm mà chị viết kịch bản, làm đạo diễn? “Đứa con” nào mà chị tâm đắc, yêu thương, nâng niu nhất cho đến giờ?
- Thực sự không thể nhớ nổi! Có vài nhà báo muốn tặng tôi danh hiệu “Nữ tác giả nhiều kịch bản sân khấu và phim nhất”, nhưng bản thân tôi nhận thấy mình làm đạo diễn ít hơn viết, dù tốt nghiệp nghề này. May mà vừa rồi, tôi thay Hạnh Thúy đạo diễn vở Dòng xoáy cuộc đời (chuyển thể từ truyện Dòng nhớ của Nguyễn Ngọc Tư) được bà con khen, tôi thấy mình vẫn chưa lụt nghề. Như các bà mẹ thường yêu những đứa con bất hạnh, bất toàn của mình, đứa con mà tôi cưng nhất đó là đứa... chưa ra đời. Nghệ sĩ Minh Trang đặt tôi viết một vở, sau nhiều lần chỉnh sửa, bản cuối Trang vừa ý thì các nhà sản xuất không an tâm đầu tư, nên rốt cục nó vẫn nằm đó. 
* Nổi tiếng với câu bè bạn, đồng nghiệp trêu đùa nhưng rất ứng với chị: “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”, giờ chị vẫn như xưa?
- Năm ngoái được mời tham gia dự án đưa việc bảo vệ tê giác vào học đường, tôi rất vui khi được dùng đến loại hình sân khấu - diễn đàn. Những chuyến đi các nước của tôi trước đây đa phần để nghiên cứu, ứng dụng loại hình này: dùng sân khấu như một biện pháp giáo dục. Loại sân khấu này yêu cầu khán giả bỏ ghế, lên sàn diễn làm công việc của tác giả, đạo diễn và cả diễn viên để thay đổi cái đoạn kết vô hậu vừa xem, thành một cái kết có hậu như mình mong muốn. 
Nói về máu tào lao thì tôi có thừa, nên vẫn thường lén ông xã đi phát triển các dự án ảo. Hễ có nơi réo gọi, níu kéo vào việc gì dính líu tới sân khấu là tôi lại cứ hồn nhiên, căm cụi làm.
* Với sự nghiệp đáng mơ ước của nhiều cây bút Việt Nam, chị vẫn sống được bằng nghề?
- Khi còn độc thân, nhu cầu sống đơn giản nên đi làm nghề nhiều khi bị ép giá tới mức bị đồng nghiệp cho là tôi phá giá. Thù lao nhiều lúc phi lý còn hơn kịch phi lý! Số tiền lớn nhất tôi nhận được trong nghề viết là từ cuốn sách viết cho trẻ em do NXB Kim Đồng trao giải và tái bản nhiều lần - Năm đêm với bé Su. Cuốn Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ viết gần 20 năm, lãnh được 10% của 1.000 cuốn là 4,6 triệu đồng, tôi tặng hết cho từ thiện. Có khi một đêm độc diễn, khán giả và bạn bè quyên góp còn nhiều hơn số tiền đó và tôi cũng làm từ thiện hết. 
* Vậy đến nay, chị còn “cháy” hết mình trên trang viết? 
- Tôi vẫn len lén “cháy” cho mình đôi chút, rồi lại tạm ngưng vì những lời réo gọi từ nhiều người khác, nơi khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn nài nỉ bâng quơ: Đừng lay tôi nhé, cuộc đời, tôi (không) còn nhỏ dại, (nhưng vẫn xin) cho tôi mơ mòng. Đùa thôi. Dĩ nhiên cháy cho mình vẫn thú vị hơn.
* Nhận định của chị về tình hình điện ảnh, sân khấu Việt Nam hiện nay?
* Trong sức mình, tôi chỉ biết và cố nói không với những sản phẩm không thích hợp. Tôi mong sao bạn bè các nước khi đến Việt Nam muốn được xem phim, xem kịch có nét độc đáo riêng thì mình có thể hãnh diện giới thiệu một vài tác phẩm nào đó, không cần của mình, mà của đồng nghiệp yêu nghề, yêu khán giả... Vậy cũng đủ hạnh phúc lắm rồi!
Nguyễn Thị Minh Ngọc là giảng viên giảng dạy ngành biên kịch, lý luận kịch và lịch sử sân khấu Việt Nam, dựng nhiều vở kịch truyền thống, đương đại; viết trên 70 vở cho sân khấu, trên 30 kịch bản điện ảnh và hàng trăm tập phim truyền hình, cùng các công trình nghiên cứu về sân khấu, cải lương... Chị là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đưa các tác phẩm Việt vào sân khấu Off -Off Broadway - New York (Mỹ) với cương vị tác giả, đạo diễn và diễn viên.
Song Phạm
Theo http://nhavantphcm.com.vn/

Nhà thơ Tế Hanh - “Cánh buồm vôi” đi qua thế kỷ!

Nhà thơ Tế Hanh - “Cánh buồm vôi” đi qua thế kỷ!
“Cùng với những bài thơ hay viết về quê hương đất nước, Tế Hanh còn viết nhiều về tình yêu. Thơ tình của Tế Hanh không có nét rạo rực, cháy bỏng, lãng mạn bay bổng như thơ Xuân Diệu, cũng không dằn vặt khổ đau như thơ của Vũ Hoàng Chương. Thơ tình của Tế Hanh thường gắn với hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống đời thường, thể hiện nỗi niềm đằm thắm, sâu kín tận đáy lòng…”
Những bài thơ viết về quê hương, đất nước, cũng như những bài thơ viết riêng về một làng quê đều tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với những người yêu thơ. Cách đây gần 80 năm, trong phong trào thơ mới xuất hiện nhiều cây bút viết về làng quê Việt Nam. Và, họ đã thành danh. 80 năm qua, mỗi khi nhắc đến những bài thơ viết về cảnh làng quê miền Bắc, chúng ta đều nhớ đến những bài thơ của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân…hay nhắc đến thôn Vĩ Dạ ở Huế, chúng ta nhớ đến bài thơ “Đây thôn Vỹ” của Hàn Mặc Tử. Nói đến Huế đẹp, Huế thơ, ta nhớ đến những bài thơ của thi sĩ Nam Trân. Và như thế, khi nói đến cảnh sinh hoạt của một làng chài ven biển, nhiều người trong chúng ta nhớ ngay đến bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh:
Làng tôi vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trùng giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Dướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
(Nghẹn ngào)
Thơ về làng chài là một đề tài thật hiếm người viết. Có lẽ, Tế Hanh là người duy nhất viết về làng chài. Và, đã thành công với bài “Quê hương”. Tế Hanh tên thật Trần Tế Hanh, sinh ngày 15.5.1921 ở làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bài thơ “Quê hương” chính là cái làng chài Đông Yên thân thương của Tế Hanh. Sinh ra, lớn lên, gắn bó với quê hương - một làng chài thơ mộng nằm cuối dòng sông Trà hiền hòa. Tế Hanh đã tinh tế đưa vào thơ của mình hình ảnh sinh hoạt trong cuộc sống của quê hương: Cảnh tấp nập ghe thuyền cá đầy khoang trên bến đỗ, những con thuyền như tuấn mã căng cánh buồm vôi trắng bạc lộng gió trên biển xanh mênh mông như mảnh hồn làng của ngư phủ giữa sóng nước đại dương. Hình ảnh những con thuyền nằm im bến mỏi sau chuyến ra khơi… Và, cả cái mùi nồng mặn quá của một làng chài. Chính vì vậy, thơ Tế Hanh gần gũi, quen thân với người yêu thơ.
Từ tuổi 16, đôi mươi, với một tâm hồn nhạy cảm, đầy tha thiết, Tế Hanh chọn lọc những nét đặc trưng đưa vào thơ của mình một thế giới gần gũi với cuộc sống: Nỗi buồn vu vơ của tuổi học trò trước cảnh chia ly trên sân ga (Vu vơ), nỗi niềm của con đường làng (Lời con đường quê), tạo cho người đọc nghe lòng bâng khuâng, xao xuyến…Năm 21 tuổi, với thi phẩm “Nghẹn ngào” (Hoa Niên), Tế Hanh người con của làng chài Đông Yên đã vinh dự nhận giải thưởng Tự lực văn đoàn (1939), khẳng định vị trí của mình trong phong trào thơ mới. Cũng từ đây, Tế Hanh gắn bó suốt cuộc đời mình với thi ca. Và, với bài thơ “Quê hương”, Tế Hanh đã ghi dấu ấn rất riêng trong phong trào thơ mới. Bài thơ ra đời đến nay đã gần 80 năm, vẫn còn và mãi mãi hấp dẫn người yêu thơ. “Quê hương” của Tế Hanh như “cánh buồm vôi” vuợt trùng dương đã đi qua thế kỷ.
Trong cuộc hành trình với thơ ca, Tế Hanh đã xuất bản các tác phẩm chính: Nghẹn ngào (Hoa Niên - 1939), Lòng miền Nam (1956), Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960), Hai nửa yêu thương (1967), Khúc ca mới (1967), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những mùa xuân (1976), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống, Tuyển tập Tế Hanh (Tập I - 1987), Thơ Tế Hanh (1989), Vườn xưa (1992), Giữa anh và em (1992), Em chờ anh (1993), Tuyển tập Tế Hanh(Tập II - 1997).
Suốt gần một đời, Tế Hanh viết nhiều thơ về quê hương, đất nước và chiến tranh. Thơ Tế Hanh có nét rất riêng, độc đáo, đằm thắm và sâu sắc, được người yêu thơ đồng cảm. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định về Tế Hanh: “…Anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ. Nghĩ đến anh tôi nghĩ về cái êm đềm của những con sông. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ, nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu… “.
Cùng với những bài thơ hay viết về quê hương, đất nước, Tế Hanh còn viết nhiều về tình yêu. Thơ tình của Tế Hanh không có nét rạo rực, cháy bỏng, lãng mạn bay bổng như thơ Xuân Diệu, cũng không dằn vặt khổ đau như thơ của Vũ Hoàng Chương. Thơ tình của Tế Hanh thường gắn với hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống đời thường, thể hiện nỗi niềm đằm thắm, sâu kín tận đáy lòng:
“Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao Hôm sao Mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn
Em theo chim em đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thỉ gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Tóc mẹ già mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
(1957)
Bài thơ “Vườn xưa” nói về nỗi niềm xa cách của đôi tình nhân trong hoàn cảnh ở hai đầu công tác. Ở đây, chúng ta bắt gặp nỗi cô đơn, nhớ nhung của nhiều người có chung một hoàn cảnh. “Bài thơ tình ở Hàng Châu” Tế Hanh viết từ năm 1956, có lẽ đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của Tế Hanh. Những điều tưởng chừng bình thường, giản dị, qua thơ của Tế Hanh bỗng nhiên sâu sắc vô cùng, làm lay động tâm hồn nhiều người:
Anh xa nước nên yêu thêm nước
Anh xa em càng nhớ thêm em
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm
Trời Hàng Châu bốn bề êm ái
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ…
Anh đã đến những nơi lịch sử
Đường Tô Đông Pha làm phú
Đường Bạch Cư Dị đề thơ
Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ
Còn thao thức trên cành đào ngọn liễu
Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh thấy thiếu
Bức tranh kia anh muốn điểm thêm màu
Có hai ta cùng tựa bên cầu
Cho mặt nước Tây Hồ trong sáng nữa
Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa
Làn nước qua ánh mắt ai đưa
Cơn gió đến bàn tay em vẫy
Chúng mình yêu nhau từ độ ấy
Có núi sông và có trăng sao
Có giận hờn và có chiêm bao
Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến
Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm…
Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi
Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ
Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ
Rời Tây Hồ trăng xuống Bắc Cao Phong (*)
Chỉ mình anh với im lặng trong phòng
Anh ngước nhìn bức thêu trên vách:
Hai bóng người đi
một hàng tùng bách
Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?
Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình
Vơ vẩn tình chăn
chập chờn mộng gối
Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội
Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây
Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây.
(1956)
(*)Một dãy núi ở Hàng Châu - Trung Quốc
Cũng như những nhà thơ cùng thời: Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Huy Cận, nhà thơ Tế Hanh còn dịch thơ tiếng Pháp. Đây cũng là mảng đề tài, công việc trong sự nghiệp sáng tác, dịch thuật của ông. Tế Hanh dịch thơ của những nhà thơ lớn của Nga, Pháp, Đức… như: Pushkin, J. Ritos, Hugo, Aragong, Eluard, René Char, S. Petofi, B. Brecht… ra tiếng Việt. Những bài thơ do Tế Hanh chuyển ngữ từ Pháp ra Việt rất tài hoa, tinh tế, đầy chất thơ, giữ được cái hồn của các tác giả đã chinh phục bao thế hệ người yêu thơ. Và, giúp cho người đọc tiếp xúc với văn hóa thế giới.
12h ngày 16.7.2009, tại Hà Nội, nhà thơ Tế Hanh trút hơi thở cuối cùng để về với “sông nước của quê hương”, sau hơn 10 năm nằm liệt giường vì căn bệnh xuất huyết não. Ông hưởng thọ 89 tuổi.
Từ bài thơ đầu tiên “Lời con đường quê” đến nay Tế Hanh đã đồng hành cùng thi ca gần 80 năm, đi qua thế kỷ. Ông đã có những đóng góp nhất định vào nền thi ca hiện đại. Năm 1996, Tế Hanh được tặng giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Mã Giang Lân – nhà nghiên cứu phê bình văn học đã nhận xét về thơ Tế Hanh một cách ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ và chính xác: “Thơ Tế Hanh giản dị, trong sáng, tinh tế mà đậm tình đất nước…“. Tế Hanh đã thực sự trở thành một trong những cây đại thụ trong nền thi ca đương đại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Thi nhân Việt Nam  của Hoài Thanh - Hoài Chân (1942)
- Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt (1971)
- Tuyển tập thơ Tế Hanh I (1987)
- Tuyển tập thơ Tế Hanh II (1997)
- Vườn xưa thơ Tế Hanh (1992).
 Lê Ngọc Trác
Theo http://nhavantphcm.com.vn/



Ve kêu phượng nở trong thi ca

 Ve kêu phượng nở trong thi ca
Trong một bài ca dao về Trăm Hoa, có bốn câu đã diễn tả về cái duyên của Hoa Phượng và Con Ve như sau:
Ước gì nổi gió hây hây
Để cho hoa đó lòng đây thơm cùng
Hoa Phượng đỏ não đỏ nùng
Ve kêu ra rả bạn cùng với ai …

Như vậy hình ảnh của hoa phượng và con ve đã in sâu vào tiềm thức của nhân gian trong thi ca dân tộc cổ truyền Việt Nam từ thuở nào, phải chăng từ mỗi độ hè về…Vào một buổi sáng mai nào đó, khi bạn nhìn qua song cửa, những giọt nắng vàng hoe đang nhẩy múa trước sân nhà, như chào đón những cành hoa phượng đang lơi lả trong cơn gió nồm nam, và đâu đó râm ran tiếng ve kêu sao mà thắt ruột não nùng làm sao…Lòng sẽ chùng xuống, một cảm giác đang thấm lặng trong da thịt, phải chăng một nỗi buồn vời vợi không tên đang xâm chiếm tâm hồn bạn…Tại vì sao? Mùa hè đã đến, là mùa của chia biệt, của từ giã sân trường lớp học, thầy cô bạn bè, mỗi người một phương…Một bóng dáng dịu hiền tha thướt nào đó mà bạn không không còn thấy trên sân trường dưới hàng me một hôm nào đó.. Có thể hẹn nhau vào đầu thu tựu trường, nhưng có thể là nghìn trùng xa cách… biền biệt chân trời góc bể mỗi người một phương… Chính cái viễn ảnh "lo lắng" của những ngày xa cách đó … mà bạn chắc hẳn đã một lần chia sẻ với nhau những dòng chữ thân thương, những kỷ niệm trìu mến trên những trang giấy trắng tinh khôi học trò…mà thường gọi là Lưu Bút Ngày Xanh, để một ngày nào đó trên bước đường phiêu bạt, biết đâu bạn còn may mắn giữ một chút kỷ niệm ban đầu để mà ngậm ngùi lưu luyến, bồi hồi nhung nhớ:
Giở trang cũ lưu bút ngày xanh,
Bay xa rồi chuyện tình mong manh,
Tình hôm nao chôn vùi dĩ vãng,
Ôm thời gian nuối tiếc không thành,
Lưu bút xưa bồng bềnh chân trời tím,
Nụ hôn đầu che dấu trăng thanh,
Ta về ru giấc tim dào dạt,
Khắc tên em vào đêm mộng lành. 

Lưu Bút Ngày Xanh (Việt Hải)
Cái thời xinh đẹp nhất của đời người chắc hẳn không ai phủ nhận là thời học sinh hồn nhiên của lớp học sân trường, bảng đen phấn trắng, của ngơ ngác, thẹn thùng, thương thầm nhớ trộm:
cặp ôm che ngực xuân thì
em đi hoa cỏ thầm thì trông theo
gió dài tay đỡ vòng eo
bên hai hông hở thơ trèo vào thăm
bướm chim nao nức phải lòng
trách chi mắt biếc dài thòng lưng xanh
ơi trong lòng cặp hiền lành
sách vở nằm với hương chanh, me , lài...

Nữ Sinh (Lê Hân)
Từ đó mới có dòng chữ tuôn trào, nhảy múa…Trang lưu bút ngày xanh là chứng tích của ngày xưa cũ, chắc hẳn buồn hơn là vui, không ít hay nhiều đã khơi lại những tình cảm xưa cũ dù phải lênh đênh góc bể chân trời…hay khi nhìn lại những dòng chữ là những giọt lệ thương đau, hay những giọt máu hồng đang rĩ trong trái tim của chàng trai ngây thơ vô tội. Những cảnh sắc thơ mộng dấu yêu một thời bây giờ đã trở thành những kỷ niệm xót xa, ngang trái và đau thương ngập tràn:
Tôi thả chim xanh lượn trước nhà,
Điểm trang lòng, đợi ái tình qua .
Em đi, mắt có thơ mùa hạ,
Má phấn hồng in bóng phượng hoa .
Tôi mất trời xanh của tuổi thơ,
Nên yêu em cũng bởi tình cờ
Gặp mùa hoa cũ trên đôi má,
Trong mắt em nhìn gặp bóng xưa .
Tôi ngẩn ngơ từng buổi tịch liêu,
Con ve hoài cổ thở than nhiều .
Điệu trường sầu vọng lên cao vút,
Đời sắp về xưa: Em hãy yêu .
Em yêu tôi và ta yêu nhau
Tôi lại say như buổi hạ đầu .
Cánh phượng hồng cùng tơ nguyệt bạch
Xin em ghi giữ thuở tôi sầu. 

Duyên Phượng Hoa (Đinh Hùng)

Những ước mong, thầm lặng mà tha thiết rạo rực, những nỗi buồn nhẹ nhàng phơn phớt mà thấm thía, như chập chờn ẩn hiện, mang nét huyền ảo của một thời thư sinh áo trắng, để người thơ trách móc hờn dỗi đáng yêu “tập lưu bút nhạt nhòa trang tim vỡ...”, của mùa hạ chia tay khi tiếng ve kêu râm ran, khi phượng nở thắm sân trường:
hãy giữ cho em những buổi sáng mai trên đường đi học
tiệm sách quen vẫn ai đó đứng chờ
áo thư sinh trắng mãi cuộc tình thơ
những sáng nắng mưa trưa - ngày hạnh phúc
và cứ thế bình minh xanh như ngọc
ngày tháng đi bên dấu ái cuộc đời
người trăm năm sao nhắc chuyện bể khơi
tập lưu bút nhạt nhòa trang tim vỡ...
Hãy giữ cho em một góc trời Đà nẵng
dấu yêu ơi dù xa cách muôn trùng
giữ giùm em một chút nhớ chút mong
cho năm tháng vẫn xanh trời thơ ấu...
Hãy giữ cho em một góc trời Đà nẵng
(Phương Anh)
Những dòng thơ ký ức cứ gợi nhớ đong đưa gọi về một khung trời xa xăm nào đó, nơi đầy ắp những hình ảnh dấu yêu một thời khó mà phai nhòa trong tâm khảm của những kẻ xa nhau, khi mà thời gian đã lắng đọng để trầm ngâm nghĩ lại… một thời vàng son dấu ngọc đã qua, một tuổi học trò trong trắng không dơ vướng bụi thời gian, nhưng bây giờ tình chỉ còn là trống vắng hư không , tình chỉ là ảo ảnh mênh mông…
Em có nhớ trong sân trường bữa ấy
mình ta về nhìn lại gốc phượng xưa
con ve than trên cành nhớ đong đưa
hoa vẫn đỏ trong nắng vàng lộng lẫy
ta chợt thấy hình như em ngồi đấy
mới hôm quạ mới một phút trước đây
tay vẫn hồng má vẫn đỏ hây hây
dẫn ta bước qua trăm đường dĩ vãng
em yêu dấu hỡi con chim trúng đạn
rơi về đâu trong cõi sống mênh mông
ta vẫn còn đây mái tóc bềnh bồng
dù sương gió ươm đôi dòng bụi trắng
đời chìm nổi những ba cay bảy đắng
lòng vẫn xanh như cỏ dại thong dong
trái tim ta vẫn rộng rãi thư phòng
có em ngủ muôn đời trên vần điệu
ta mai mốt dù tài danh mệnh yểu
đã nhờ em tồn tại với thời gian
hỡi em yêu thăm thẳm cánh phượng hoàng
có đậu lại trong sân trường bữa ấy
hồn xa cách đậu bên ta có thấy
bức tường xanh cánh cửa kính lung lay
hai mươi năm trời ôi một thoáng chim bay
bao thay đổi trong đời ta gió nổi
cành phượng cũ vẫn no lời gió thổi
nghìn muôn năm tha thiết gởi về đâu
vay giọt thơ truy niệm mối tình đầu
và gởi tặng cho em làm son phấn... 

Trong Sân Trường Bữa Ấy (Luân Hoán)

Những nỗi nhớ nhung da diết thầm lặng cứ tuôn trào, những tiếng nói tâm tình cô đơn ảo não cứ dâng đầy, khi thuyền không xuôi bến hẹn, ai mà chẳng bồi hồi thương nhớ, cung đàn xưa thổn thức bật dậy những lời thơ như lời bộc bạch chân tình của con tim mẫn cảm …"ai biết phượng xưa có nhớ ve" thì chẳng khác gì "chim xa rừng còn thương cây nhớ cội" ….
Từ dạo em vào trường mỗi bữa
Ước mong giờ học kéo triền miên
Để anh lặng ngắm mắt nai ướt
Quên cả bảng đen dòng mực nghiêng
Từ dạo em vào tim góc nhỏ
Ngang cây si đứng lặng bên đường
Nghe không em tiếng tim anh thở
Như gửi về ai niềm nhớ thương
Từ dạo em về ngang gác hẹp
Anh về tập tễnh ghép vần thơ
Mượn trăng gửi gió lời tình đẹp
Ước vọng ai kia sẽ biết cho
Chờ đợi bao ngày em vẫn mãi
Xa xăm kỷ niệm một mùa hè
Một thời áo trắng chợt chùng xuống
Ai biết phượng xưa có nhớ ve ? 

Ai Biết Phượng Xưa Có Nhớ Ve (l.t. quỳnh hương)
Gặp nhau, vương vấn, mến nhau, thương nhau, giận nhau, nhớ nhau …để rồi chia ly khi mùa hạ đến, thì còn cái buồn nào da diết não nuột hơn. Cánh phượng chắc không còn hồng thắm nữa, con ve đã chết tự hôm nào, mùa hạ đã xa khuất tận chân trời nào … để mà thẫn thờ bước nhẹ vào mùa thu trắng lất phất mưa rơi …
Áo trắng thôi nôi tinh khiết quá
Lãng đã hồn em trắng bốn mùa
Anh chỉ giữ riêng anh mùa hạ
Nghe điếng lòng nhau tiếng dạ thưa...
Con ve giờ chết trên cành phượng
Ngày xưa thi sĩ gọi: thu vàng
Còn anh cứ thấy mùa thu trắng
Chờ áo Hà Đông rón rén sang. 

Một Năm Áo Trắng (Bùi Chí Vinh)
Tình cũ đã qua, người xưa bây giờ ở đâu ? Một câu hỏi cứ còn dai dẳng hoài chưa dứt . Một cảm giác lạ lẫm, một nỗi khao khát được giải bày tâm hồn . Hè đã đến ngoài kia, trời xanh cao bát ngát, gió phe phẩy ve vuốt mấy cánh phượng đong đưa… trong sự tha thiết nồng nàn của tạo hoá chìm đắm trong phút giây giao mùa kỳ diệu này, để người thơ mãi hoài vọng bâng khuâng lòng tự hỏi lòng:


Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ anh rủ em ra
Bảo nhặt hoa phượng để mà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không?
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu sợ lên trên trời
Lên trời hai đứa hai nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Sao tình hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng nở trên đầu
Tìm em tối biết tìm đâu bây giờ? 

Bây Giờ Còn Nhớ Hay Không (Nhất Tuấn)
Năm tháng như mây bồng bềnh cứ thản nhiên trôi qua biền biệt, nhưng nỗi nhớ nhung lặng lẽ và sâu kín, cứ bủa vây, dằn vặt bứt rứt tâm hồn thơ.. vườn lòng sao vẫn ngập đầy hạ hoa muôn màu muôn sắc, "phượng tím ngày xưa vẫn đợi chờ", đem lại những thoáng bâng khuâng, trăn trở "phảng phất dư hương kỷ niệm hè .." khó mà hao gầy nhạt phai trong tư duy và cảm xúc của hồn thơ:
Từ dạo người đi xa cách biệt
Lá sầu khô úa bóng chơ vơ
Gió lung linh động hồn lay nhẹ
Phượng tím ngày xưa vẫn đợi chờ
Từ lúc tóc thề thôi gió lộng
Trăng soi hết đẵm nét môi tươi
Đêm về giấc ngủ ru niềm nhớ
Ước mộng người xưa ánh nụ cười
Từ độ người xa muôn vạn nẻo
Trưa về nắng quái lấy ai che
Vườn xưa hoa rụng ngang đường cũ
Phảng phất dư hương kỷ niệm hè
Hoa tím ngày nao ai gửi lại
Trang thơ lưu bút nụ quỳnh hương
Trao nhau ngày cuối tình vương vấn
Nhớ bóng chiều xưa dưới mái trường 

Phượng Tím Ngày Xưa (Quỳnh Hương)
Dù những sân trường đó mang muôn ngàn tên yêu dấu khác nhau ở khắp ba vùng Trung Nam Bắc, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Đà Lạt, Cần Thơ v.v…Thôi chúng ta cứ tạm gọi Trường Xưa Lớp Cũ .. Cái tên trường cũng chỉ là biểu tượng .. mà con ve cái phượng mỗi độ hè về mới chính là đặc trưng quyến rũ hồn thơ, xao xuyến lòng thơ, vương vấn tình người… ra đi đã lâu rồi, cách biệt ở phương trời xa ngái, nhưng hồi ức chứa chan cứ mãi rưng rưng gọi về. Bất cứ thành phố nào trên quê hương qua ba miền đất nước, cứ nhắc đến mùa Hạ của tuổi học trò là có tiếng ve kêu phượng nở . Một Đà Nẵng dấu yêu với mái trường Phan Châu Trinh đầy ắp bao kỷ niệm ngọc ngà vẫn hằn sâu trong trí tưởng của của kẻ phiêu bạt đi đã lâu rồi mà vẫn hằng nhớ:
Có tiếng vọng lòng ta từ thuở ấy
Dĩ vãng về tựa thoáng băng cay
Có những đêm dài thao thức nhớ
Bóng cũ đâu đây thấp thoáng đầy
Ngôi trường xưa, nguồn suối mật hiền hoà
Dấu ân tình dịu ngọt trái tim ta
Ôi nhung nhớ! ôi hồn thơm băng phiến
Tuổi thơ vàng bỡ ngỡ áng mây xa
Phan Châu Trinh! Chim hót rộn sân trường
Dưới hàng me rực rỡ nắng yêu thương
Đường em đi phượng đầy hoa thắm đỏ
Ngọn gió hiền ru giấc mộng tơ vương
Phan Châu Trinh, con đường xưa thân ái
Nắng tơ vàng, em thêu áo lụa màu
Trời trong xanh êm đềm qua kẽ lá
Mây vẫn hồng lưu luyến phút bên nhau ….

Mơ Về Trường Cũ (Vương Ngọc Long)
Từ thành phố Đà Nẵng đó, có những chàng trai xứ Quảng đã lặn lội băng đèo Hải Vân, khăn gói lều chỏng lên đường đến đất thơ, đất mộng, đất tình của sông Hương núi Ngự, để mà mãi vương vấn khôn nguôi:
Em gái Huế mang sầu trên mái tóc
che gì mưa bằng chiếc nón bài thơ
chuyện lòng em cánh phượng hồng úp mở
nên người ta ví ...Huế mộng Huế mơ
Huế Mộng (Vỹ Nhi)
Ta nhớ mùa hoa phượng
Màu hoa đỏ thắm đường
Hàng cây buồn lặng sóng
Sóng sánh bờ sông Hương
Thành quách sao ngủ vùi?
Phố cũ nhớ khôn nguôi
Người đi mờ năm tháng
Một cánh chim cuối trời. 

Nhớ mùa phượng cũ (Bảo Cường)
Rồi đến miền Nam, rảo bước trên đường xưa phố cũ Sài Gòn giữa mùa hoa phượng đỏ thắm, nắng chói chang trên mắt môi người tình một thuở nào, một giấc mơ bất chợt chập chờn ẩn hiện trong tâm tưởng:
Hai mươi năm tôi trở lại Sài Gòn.
Hoài niệm xưa về đầy trong nỗi nhớ.
Từng cánh phượng bay, hồng lên màu áo phố.
Em còn đây hay ở nơi đâu?
Tôi vẫn yêu thành phố đắm say.
Tôi vẫn nhớ mùa mưa chiều đất mẹ.
Gặp lại em như trong huyền thoại.
Giữa mùa hoa lộng lẫy phố Sài Gòn
Tôi vẫn yêu thành phố đắm say.
Tôi vẫn nhớ từng con đường kỷ niệm.
Sông Sài Gòn lung lung huyền nhiệm.
Chải vầng trăng trên mái tóc người tình
Hai mươi năm nay về giữa Sài Gòn.
Đi bên em nhớ từng kỷ niệm.
Làm sao quên một thời thơ mộng.
Hoa phượng rơi đầy trên áo của em bay..
Về Lại Sài Gòn Giữa Mùa Hoa Phượng 

(Nhạc Trần Quốc Dũng, Thơ Đỗ Hữu Tài)
Mái trường thân thương dù ở bất cứ một thành phố nào, vẫn lưu lại muôn ngàn kỷ niệm dấu yêu:
Trưng Vương khung cửa rủ hè,
Đường về hai dãy hàng me thì thầm,
Gió lùa kỷ niệm xa xăm,
Gió đưa tà áo về thăm lại trường,
Ô kià hàng phượng dễ thương,
Con ve cất tiếng vấn vương ngày nào,
Trưng Vương có những hàng sao,
Cây cao nhớ gốc trời cao nhớ hè,
Đường về năm cũ mây che,
Chép trang nhật ký ngày hè bâng khuâng,
Tình thơ năm ấy thật gần,
Lời anh tha thiết vạn lần khó phai. 

Trưng Vương gọi hè (Việt Hải)

Rồi đến Hà Nội của ngàn năm văn hiến, với 36 phố phường .Hồ Gươm nên thơ với màu đỏ tươi rực rỡ của hoa phượng đong đưa trên những nhánh cong rủ xuống mặt hồ, giữa những bông nắng huyền ảo, trông tựa như một bức tranh thủy mạc, gợi nên những cảnh tình kiều diễm quyến rũ say đắm hồn người:
Hồ Gươm sóng lụa bờ tơ liễu
Hàng Trống Hàng Khay rộn bước người
Sách vở lên hương trầm ngát nẻo
Hoa soan hoa phượng chói màu tươi
Thấp thoáng hè qua đài phượng rụng
Lào rào thu muộn lá soan rơi
Tay trong tay nắm, tình trong mắt
Lòng bốn mùa xuân, nguyệt bốn trời 

Phố Cũ (Vũ Hoàng Chương)
Hình ảnh của cây phượng luôn gắn bó với sân trường, cổng lớp . Đó là bức tranh giản dị, nhưng hết sức gần gũi, quen thuộc, gợi cảm của tuổi học trò hồn nhiên,
đậm đà ..
Cổng trường em, chỗ anh chờ
Cỏ không mọc được, đá mờ vết chân
Me xanh, phượng đỏ trong sân
Dường như cũng biết mỗi lần anh qua
Cổng trường anh, chỗ em mơ
Ngày đầu anh tặng bài thơ tỏ tình
Thơ thương nhớ, chuyện của mình
Chuyện quê hương, chuyện thanh bình... tương lai
Cổng trường em, cổng trường anh
Nay là kỷ niệm xin dành tha nhân

Cổng Trường (Hoa Cỏ)
Trên sân trường đó chắc hẳn đã có những mối tình học trò chớm nở, rất hồn nhiên, nhìn nhau mà chẳng biết nói năng chi, bồn chồn lo lắng, để đến khi xa cách sau mùa hè, rồi nỗi nhớ mới cảm thấy thấm thía vô cùng:
Tóc ai thơm nắng hạ xưa
Con ve ngày ấy giọng chưa gợn sầu
Anh về đâu . Hạ về đâu .
Thềm hoa ngày cũ phượng đau mấy mùa
Hạ xưa (Nguyễn Thị Khánh Minh)
Con Ve ...nó ở trên cành
Nó kêu ....muà Hạ nắng hanh trơì chiều
Trơì chiều nhướng mắt đăm chiêu
Ừ đâu rôì nhỉ cánh diều xa xưa 

Vu Vơ (Ktd )
Có những mối tình cơ duyên may mắn, được điểm tô bằng sự nồng nàn tha thiết của nụ hồn đầu đời, đó là dấu yêu khó nhạt phai mờ … để rồi bây giờ cách xa ngàn trùng lại thẫn thờ tiếc nuối:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh,
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa

Nụ Hôn Đầu (Trần Dạ Từ)
Một nụ hôn đầu đời đã đem lại niềm hạnh phúc vô biên, những cảm giác lâng lâng khó diễn tả, đó là chân trời hồng thắm trong thiên đàng của tình yêu diễm tuyệt:
Hôm nay nắng ấm đầy trời,
Em nằm trên cát em phơi tâm hồn,
Đến gần anh ghé môi hôn,
Ôm em tháng hạ nghe hồn miên man,
Trời cao mây trắng lang thang,
Hôn em cái nữa thiên đàng là đây,
Hè về tình đến có hay ?
Em say nắng ấm, anh say môi hồng. 

Mùa Hè Hôn Em (Việt Hải)
Năm tháng cứ mãi miết trôi qua, âm thầm, lặng lẽ như dòng nước êm trôi, như những chiếc lá rụng bay nhẹ nhàng xuống đất rồi phai tàn với lớp bụi thời gian. Sau mùa hè ly biệt, bạn bè thân thiết cũng theo dòng đời xuôi ngược, có kẻ từ giã trường lớp ra đi mãi không bao giờ trở lại, có người trở lại xao xuyến bồi hồi, không biết có còn gặp lại người xưa lớp cũ, hay xa cách rồi, để tự ray rứt, luyến tiếc , dằn vặt… vì "lỗi tại anh" để rồi ray rứt tạ tình trong nỗi nhớ khôn nguôi:
Tạ ơn phượng của mùa hè
Tạ ơn ve của mùa xe theo người
Khúc buồn vui thức dậy chơi
Dẫu tình như phượng qua rồi có nghe
Nhiều khi anh làm con ve
Gọi em con bé phượng mùa hè ơi
Em nhỏ - em con ông Trời!
Anh rũ xuống đất - tội người tóc xanh
Cũng may còn đó em - anh… 

Lỗi Tại Anh (Nguyễn Nam An)
Có lẽ tình yêu đầu đời của tuổi học trò, rất chân tình, tha thiết và luôn được trân quí, đó là hoài vọng khát khao mãnh liệt nhất, đã đem lại những tình cảm lâng lâng khó hiểu, khó nói bộc phát từ trái tim yêu mẫn cảm… nhưng không may hai kẻ phải cách xa, để rồi một mai kia bước chân về thăm lại ngôi trường cũ, những hình ảnh dịu dàng của quá khứ dấu yêu như chập chờn nhảy múa trong tâm tư kẻ trở về :
Thuở ấy ve kêu gợi mối sầu
Hè ơi hè về xa cách nhau
Từ giã những phút êm đềm dưới mái trường
Lòng nao nao lúc bước xa trường xưa
Ôi trường xưa, ôi lòng tôi vấn vương muôn đời
Bao ngày vui chưa mờ xoá trong tâm hồn
Tay cầm tay nhưng lòng chưa dứt hết ưu phiền
Đôi lòng bân khuân rời trường xưa bao lưu luyến
Chiều nay bơ vơ bên mái trường
Về đây tìm lại phút mến thương
Trường vắng bóng dáng bao người mơ đâu rồi
Mộng hoa niên chôn chặt mộng lòng tôi

(Phạm Mạnh Cương)
Màu đỏ của phượng là hình tượng tươi thắm, tô điểm cho tư duy và cảm xúc của người thơ, rồi một mai kia trên đường đời lặng lẽ, trong một phút giây nào đó, giữa không gian trống trải bơ vơ, bỗng hồi ức của “tuổi dại học trò” rưng rưng gọi về, bất chợt, xao xuyến lạ lùng…
Sinh Nhật em nắng vàng rơi trước ngõ
Trời vào thu giọt nắng vẫn lung linh
Như những ngọn nến đêm nay em thắp
Để gặp chính mình sóng nước lênh đênh
Sinh Nhật em phượng hồng không còn đỏ
Cho em vui với tuổi dại học trò
Những hẹn hò bâng khuâng giờ xa khuất
Âm thầm trôi theo năm tháng nhạt nhòa

Sinh Nhật Em (Kim Thành)

Sắc phượng lung linh trong tâm khảm của người thơ, có thể là màu tím, bâng khuâng, mơ màng , thơ dại, e ấp ..Hình ảnh phượng tím đem lại xôn xao nỗi nhớ, mông lung mòn mỏi, trong niềm vui bay cao, giữa nỗi buồn lắng đọng, khó diễn tả . Rồi vô tình phượng trở thành bạn tri âm của người thơ, thôi thúc trái tim thơ bộc trực tự hỏi : “Phượng ơi xin hỏi câu này ,trong từng sợi tóc ai buồn riêng mang ..(Kim Thành)"
Bên kia đường có cây phượng tím
Nhìn sang nhà cười nụ lẳng lơ
Hỏi ta sao cứ thẫn thờ
Cuộc đời đâu phải giấc mơ tuyệt vời
Phượng không sầu tóc màu xanh biếc
Mùa thu về chẳng chút tàn phai
Gọi nắng trên đôi cánh tay
Ngóng heo may lại thả trôi tình hồng

Ngàn Thương Cách Trở (Kim Thành)
Mùa hè với tiếng ve kêu da diết não nùng, cũng đã gợi lại những hình ảnh không nhất thiết là sân trường mà là cảnh tiễn Chị đi lấy chồng. Trong một bài thơ của Nguyễn Bính tiễn người Chị đi lấy chồng "Năm mười bẩy tuổi chị đi lấy chồng. Người ta: pháo đỏ rượu hồng .Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang .." nghe thật là thê lương não nuôt.. người thơ đã mượn hình ảnh "xác con ve" vào một đêm hè để diễn tả cái nỗi niềm chia ly nầy:
Nhưng em ơi một đêm hè,
Hoa soan nở, xác con ve hoàn hồn.
Dừng chân bên bến sông buồn,
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang .
Đoái thương, duyên chị lỡ làng.
Đoái thương phận chị dở dang những ngàỵ… 

Lỡ Bước Sang Ngang (Nguyễn Bính)
Dù đã từ giả tuổi thư sinh học trò, khoác lên người chiếc áo lính theo tiếng gọi quê hương, những lúc trầm mình vào dòng sông trí tưởng của tuổi ấu thơ, thì hình ảnh đêm đêm hiện về vẫn là trường xưa lớp cũ, những cơn sóng nhớ bập bềnh làm chao động những miền phẳng lặng của tâm hồn:
Xót hay thương những chuyến về tâm tưởng? 
Thực hay mơ, vi vút gió thùy đương? 
Mỗi đêm về là mỗi lần nhung nhớ, 
Như ngày xưa hoa phượng đỏ sân trường.
Hành Trình Thủy Quân Lục Chiến (Phạm Văn Bình),
Anh ở miền cao mùa hè nắng lửa 
Lớp học trường đời lắm nỗi buồn vui . 
Có những bình minh vác cuốc lên đồi 
Nhìn đất đỏ nhớ thương màu phượng thắm 
Em giữ mãi hồn anh năm mười tám 
Nên xưa sau còn đỏ những bâng khuâng 
Lá thư tình đã có kẻ trao em 
Giờ anh viết lại ngại ngùng không gởi.
Những Chuyến Đi Về Miền Đất Thân Yêu (Nguyên Đỗ)
Bây giờ trời mây vào Hạ
Mẹ em bận đi lễ chùa
Em cầu nguyện cho chiến sĩ …
Chiến trường sớm nắng chiều mưa
Tháng năm theo vì sao biếc
Hoa phượng nở quanh sân trường
Ngày xưa những tờ nhung nhớ
Bây giờ phong thư gói quà
Tháng Sáu anh vẫn miệt mài
Hành quân chưa về thăm em
Ðừng khóc ve sầu mùa Hạ
Ta thì xa vẫn chưa quên 

Lá thơ tình không gởi (Đoàn Thạch Hãn)
Màu đỏ rói lạ lẫm của loài hoa phượng nổi bật giữa vòm lá xanh biêng biếc, đã làm cho tâm tư bồn chồn xao xuyến bất chợt, cho trời mây cũng thay đổi đột ngột, mưa nhè nhẹ, nắng hanh hanh bất thường. ..
Tôi đi thơ thẩn dưới nắng hè,
Bỗng dưng nghe nhớ Phượng sắt se,
Ngày ấy một khung trời kỷ niệm,
Quê hương buồn rộn rã tiếng ve.
Tôi nhớ khi xưa ở quê nhà,
Cách trường tôi học chẳng bao xa,
Có cây Phượng vỹ còn xanh lá,
Một buổi hè về chớm nở hoa.
Thằng tôi ngày hai buổi đi về,
Hay dừng chân ngắm Phượng si mê,
Để có nhiều đêm tôi mơ thấy,
Phượng cười xao xuyến cả giấc mê. 

Phượng (Hoài Châu)
Cứ như thế mà kỷ niệm không gọi vẫn lê chân bước về:
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo thức
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bấy nhiêu
Khúc hát đầu tiên xin hát về trường cũ
Một lớp học buâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi 

Chiếc Lá Đầu Tiên (Hoàng Nhuận Cầm)
Dù đi xa ngàn trùng, dù bây giờ tóc đã điểm bạc pha sương, những những kỷ niệm thân yêu về thành phố cũ, ngôi trường cũ cứ vẫn như đốm lửa nồng ấm bập bùng chẳng bao giờ dắt tắt nỗi trong lòng kẻ ra đi đã lâu rồi …vẫn luôn luôn "mơ được làm thân chim én, bay trở về khi đất nước sang xuân .."

Đà Nẵng trong những ngày đi học
Tà áo trắng học trò là cả một bài thơ
Đường Duy Tân, Phan Chu Trinh . . . hay Nguyễn Hoàng xưa
Còn vang vọng tiếng ai cười trong gió
Đà Nẵng còn nhiệt tình như lòng phượng đỏ
Đã kiên cường trong khói nổ đạn bay
Chịu đựng hôm qua, xây dựng hôm nay
Lòng chung thủy đã mang tên thành phố
Đà Nẵng đó, sau những ngày rực lửa
Người mến yêu người càng mến yêu thêm
Tay trong tay trong giòng sống êm đềm
Có Đà Nẵng trong lòng hai miền Nam Bắc
Chắc mình sẽ lặng đi trong nỗi niềm bắt gặp
Đà Nẵng đây rồi vẫn son sắt như xưa
Vẫn chan hoà màu nắng đẹp ngày thơ
Khung trời đó ngàn năm còn xanh mãi

Khung Trời Đó Ngàn Năm Còn Xanh Mãi (Phạm Vũ Thịnh)
Hoa phượng là tặng phẩm dấu yêu của riêng mùa Hạ với nắng ấm, cỏ xanh, chim hót, ve kêu tha thiết nồng nàn . Sắc phượng khi nở màu đỏ thắm, đó là màu của mong ước chứa chan, của hy vọng tràn trề, giữa trời xanh gió mát, và khi tàn cũng là biểu tượng của chia lìa, thẫn thờ xót xa ..
À ơi hoa phượng cháy trời
Khóc chi mà đỏ mắt người chia tay?
Ngủ đi ve, nát thân gầy
Khóc chi mà suốt tháng ngày chẳng ngơi!
Em về mặc cánh hoa rơi
Áo em tím suốt một trời bằng lăng
Ngủ đi, ơi hỡi tháng năm
Vầng trăng giữa tháng ngủ nằm trong mây
Con cò ngủ giữa vòm cây
Tôi ru em nỗi nhớ đầy con tim 

Ru Hạ (Bình Nguyên Trang)
Em là hoa phượng
Sao em chỉ nở
Một lần năm xưa?
Cánh hồng tuổi thơ

Nhuộm anh nỗi nhớ
Sắc hè chói chang...
Hoa phượng vẫn nở
Mỗi bận hè sang
Mùa sau mùa trước
Sắc hè chói chang...
Nhưng người đâu thấy?
Sắc hoa đang cháy
Trên bầu trời xanh! 

Phượng: Tên em chói chang (Hoàng Thụy)
Sắc phượng đãđiểm tô màu mực trên những trang thơ tình ghi vội những xúc cảm chân tình của những ngày tháng trôi qua:
Đánh rơi giọt mực tím
Tuổi thơ ngày hôm qua
Khoảng không gian chết lịm
Thời áo trắng mặn mà
Đánh rơi giọt mực tím
Thấy quãng đời thiết tha
Thiếu sắc hoa phượng vỹ
Bút mực cũng nhạt nhòa 

Đánh Rơi ... Giọt Mực Tím (Dã Quỳ)
Hoặc hoa phượng cũng là biểu tượng của xót xa đau đớn dâng tràn, của não nùng chua chát khôn nguôi, của nghẹn ngào nấc nghẹn không ngừng, của ưu tư buồn bã chất ngất:
Trên đường vắng ngập tràn hoa phượng đỏ
Em bùi ngùi không nở bước, anh ơi!
Những cánh hoa hiu hắt rụng bên trời
Chép trong gió mấy lời hoa vĩnh biệt!
Xác hoa rụng phải chăng hồn hoa chết?
Sắc hoa tàn tan tác một đời hoa
Bao mảnh tim rĩ máu, lệ chan hòa,
Là những vết thương lòng đang nức nở.
Gió tàn nhẫn trút hoa như thác đổ
Trên tóc em, ngập xuống cả làn môi
Một giấc mơ rời rã lững lờ trôi,
Em muốn vớt ôm về chôn nếp áo.
Kẻo gió bụi mịt mù trong nắng ảo
Dập vùi hoa, ảo não mảnh hương trinh
Khách qua đường vội vã, quá vô tình
Giẫm lên cả hồn hoa trên xác máu!... 

Hoa Phượng (Nguyễn Vỹ)

Hoa phượng và mùa hạ như đôi chim liền cánh… Phượng hoa có muôn ngàn cảm xúc, suy tư, buồn vui lẫn lộn, hân hoan chào đón, hoặc âm thầm lặng lẽ, trong ánh mắt ngập ngừng, e thẹn, trong ngăn cặp đầy ắp kỷ niệm… “chút tình hát thành lời ve kêu”, chút nhớ nhung là chùm phượng thắm nhờ mùa hạ trao duyên… nhưng tất cả chỉ còn trong ký ức với nỗi nhớ xa vời vợi:
Lặng lẽ chiều nay
Lặng lẽ mùa hè
Sân trường vắng
Và lòng tôi cũng vắng
Muốn tặng em
Một chùm phượng thắm
Tôi nhờ mùa hè
Bẻ hộ tôi
Bẻ hộ tôi
Một nỗi nhớ xa vời
Cắm xuống đất
Để mọc lên trái đắng
Chút tình tôi thầm lặng
Hát thành lời ve kêu
Gửi mùa hè
Giữ hộ chút tình yêu
Khi chia xa
Vẫn nhớ ngày gặp lại
Lúc ấy
Em có là cô gái
Đốt tôi bằng ngọn lửa
Của riêng em? 

Thơ Từ Mắt Biếc (Nguyễn Nhật Ánh)
Cũng may mắn sau mùa hạ chia ly, còn có những chàng trai, thiếu nữ được diễm phúc gặp lại nhau trong mùa tựu trường mới:
Rồi nắng hạ vàng chợt phai mau
Những con diều giấy bỏ trời cao
Những chàng nhạc sĩ ve sầu chết
Bặt tiếng vĩ ca mà thương nhớ nhau
Rồi bãi biển chiều cũng vắng hoe
Vì em đã hết một mùa hè
Những chùm hoa phượng lao mình xuống
Cho gió đầu thu đưa tiễn đi
Rồi cũng trường xưa em lại về
Rộn ràng áo trắng gió vân vê
Chín mươi ngày ngủ yên phòng vắng
Bàn ghế chào em giữa tỉnh mê.
Rồi tôi cũng chợt gặp lòng vui
Chợt nghe phường phố mới tinh khôi
Bởi ngàn áo trắng bay tinh khiết
Và rắc hương lành thơm khắp nơi. 

Ngày Em Tựu Trường (Đinh Trầm Ca)
Huy Cận năm 19 tuổi lúc học Tú Tài ở trường Quốc Học Huế đã làm bài thơ "Tựu Trường" ghi lại hồi ức tuổi 15 của ông… "Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường. Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc." trong ngày tựu trường... "Tôi rất tha thiết với đời sống học sinh nội trú của Trường Quốc Học. Ngày khai trường, không khí chung náo nức và mới mẻ. Tủ đựng quần áo, sách vở của học sinh được đánh vecni lại. Trường được sơn cửa, quét vôi, toả hương dễ chịu. Sân trường rất rộng, những bụi tre ngà, những cây phượng vĩ rung rinh như chào đón chúng tôi. Tôi nhớ đến tình bạn của chúng tôi trong trường. Một tình bạn rất lý tưởng, thơ mộng. Tình bạn học, tình văn chương, tình đời... chắp cánh cho những ước mơ. Tựu trường nói đến tình bạn học, tuổi thơ non dại, mở ra một cuộc đời lý tưởng trong nhịp điệu thơ như bước chân của người học trò..."
Giờ náo nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc.
Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học
Buổi chiều đầu, họ tìm bạn kết duyên
Trong sân trường hướng dạo giữa Đào viên
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.
Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ
Tim run run trăm tình cảm rụt rè
Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe
Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp.
Tựu trường đó, lòng tôi vừa bắt gặp
Nỗi xôn xao thầm lặng ở trong rương
Của chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ
Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé
Không nỗi gì có thể vuốt ve hơn
Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát

Tựu Trường (Huy Cận)
Tiếng ve kêu dai dẳng thật não nuột, làm chùng lòng "Con ve sầu kêu ve-ve …Suốt mùa hè“ trong bài thơ La Cigale et la fourmi của La Fontaine (Nguyễn Văn Vĩnh dịch) chắc ai mà chẳng biết. Tiếng ve tạo nên một khúc nhạc trầm buồn, như một chuỗi liên tưởng gợi nhớ:
Cánh phượng hồng cháy mãi những ước mơ.
Anh đi qua rồi với những câu thơ
Trong ngăn bàn một lời yêu thầm lặng
Tiếng ve sầu kêu râm ran trong nắng
Lại gợi về một thuở yêu thương….

Cho tháng tư (Nguyễn Hoài Vũ)
Em góp nhặt những kỷ niệm không tên.
Ngày mai xa xin hãy nhớ đừng quên
Hoa phượng cháy sân trường im nhức nhối
Ve oà khóc như biết mình có lỗi
Đem hạ đến làm gì
cho mỗi đứa rưng rưng.
Chia tay nhau dòng lưu bút ngập ngừng

Nhớ thương (Trần Thị Thanh Hiên)
Khi những giấc mơ tươi đẹp đã đi qua, khi những ngày tháng hồn nhiên trong trắng đã mất, qua bao đường đời thăng trầm nghiệt ngã, nhìn lại dĩ vãng chỉ ngập tràn ân hận, tiếc nuối xót xa, khi mà hiện thực chỉ còn là ảo ảnh, thật thấm thía làm sao khi chỉ còn lại mình với nỗi cô đơn trống vắng, làm khuấy động sự bình yên của tâm hồn, để lại vết thương lòng luôn thầm kín, khó mà quên:
Hoa phượng tàn, xác phượng rụng ngẩn ngơ
Thảng thốt tiếng ve rơi chiều lặng gió
...Ba mươi tuổi lòng bỗng quay quắt nhớ
Về sân trường tuổi mười sáu mười lăm
Nơi tàng cây xao xác lá bâng khuâng
Ta đứng dưới cơn mưa chiều xa vắng
Người con gái đi qua nhìn lãng mạn
Nở nụ cười mới khó hiểu làm sao!
Nơi nằm ngoan những vạt cỏ ca dao
Ru đôi lứa ban trưa vào tình tự
Tuổi mười sáu riêng lòng ta lúc đó
Phải không em thầm kín đế dường nào
Ngày quen nhau đêm dằng dặc chiêm bao
Em hiển hiện, em chập chờn chiếc bóng
Hoa phượng nở bất ngờ hoa phượng rụng
Tiếng ve gần bất chợt hóa xa xôi
Ngẩn ngơ lòng vô cớ những buồn vui
Tập nhật ký, dịu dàng dòng mực tím
Từng trang viết bàng hoàng bao kỷ niệm
Về thân thương một mùa hạ đầu đời
Mười lăm năm ...vẫn tàng phượng ấy thôi
Và tiếng ve vẫn tiếng ve ngày cũ
Người bạn gái năm nào, giờ, có nhớ
Như lòng mình khi về lại trường xưa . 

Phượng: Tên em chói chang (Hoàng Thụy)
Tiếng ve kêu ra rả, màu đỏ roi rói của phượng vĩ, những giọt nắng vàng hoe nhảy múa trên tóc gió me bay, đều mang một thông điệp tình tự dịu êm của mùa hè nóng bỏng, nồng nàn, sôi động, tha thiết, đầy ắp sự bâng khuâng, bồi hồi, chao động hồn người. Những cảm giác lâng lâng dịu ngọt say đắm. Hội tụ rồi chia xa. Giờ chia tay đã đến, những chiếc khăn tay ướt đẫm, những giọt nước mắt the the, còn đọng lại trên đôi má ưng ửng nắng hồng, những bước chân bịn rịn, …

Kỷ niệm còn đầy ắp trên những trang lưu bút học trò .. những dòng chữ như những sợi dây vô hình buộc lại tâm tư như chẳng bao giờ muốn sự lìa xa ..
Nhịp tim đập khác thường - loạn nhịp
Dòng lệ chia ly che mắt buồn không kín
Nước ngập bờ mi, mưa đổ ướt bàn tay
Chia tay rồi, nỗi nhớ lạ lùng thay
Dù kỷ niệm chỉ còn trong ký ức
Nhớ ngày xưa - Ôi hai niềm hư, thực
Phút cuối cùng gọi mãi giờ G.
Hoàng Nguyễn Quỳnh -Gọi mãi giờ G
Khung cửa cũ nắng hồng như màu mắt
Góc lớp mình khúc khích chuyện buồn vui
Rồi lưu bút chứa chan lời đầu hạ
Chuyền tay nhau cho hết những giận hờn
Có ai đứng so vai ngoài cửa lớp
Mắt bạn nhìn vời vợi bỗng trong hơn
Tay len lén ôm vào lòng chiếc cặp
Ai dối lòng... lời đề tặng hôm qua
Muốn keo kiệt giữ bài thơ mười tám
Ngốc nghếch ơi, hạ cuối rồi mà...
Và đỏ thắm những chân trời rạo rực
Phượng tô hồng cho những ước mơ
Ta không biết nói gì đây, thôi để:
"Xa cách ngày mai xin được khóc bây giờ"...

Mùa hạ cuối ( Nguyễn Thanh Loan)

Mùa hạ đem lại những thầm lắng ưu tư, những cảm giác đầm ấm kín đáo, để đến lúc cô đơn, mình đối diện mình , lúc đó những suy tư nhẹ nhàng phiêu lưu vào cõi mộng mơ êm dịu của một thuở nào ăm ắp những kỷ niệm ... đến nao lòng:
Ai chợt ưu tư trước ngưỡng cửa đường mình
Ai ép chết khô một xác ve trong trang lưu bút
Ta nao lòng bên cây gạo già rêu mốc
Không dám khắc tên mình sợ chạm nhói tên em.
Phép toán hôm nay không đúng đến vô cùng
Lận đận, thành danh làm sao chia đều ta và bạn
Nhớ thương ơi, đừng bao giờ khô cạn
Lối gió hờn nét phấn buổi đầu tiên.

Chu Minh Khôi - Mùa phượng đỏ
Ngoan nào mùa hạ cuối cùng
Ngủ đi, thương quá nỗi buồn chia tay
Ngủ ngoan nhé giữa vòm cây
Tiếng ve mới nhú, giọng gày lời xa
ầu ơ! Đường chẳng về nhà
Bàn chân lại lạc trong nhoà nhạt trông
Ngoan nào mùa hạ cuối cùng
Ngủ đi thương nhớ trên dòng thơ nhau
Đừng buồn nữa nhé mắt nâu
Lời chia xa chửa thành câu - thôi đừng
Ngoan nào mùa hạ cuối cùng
Ta gom đôi tiếng trống trường vào thơ
Hôm nay lại hoá ngày xưa
Lẫn vào nhau để day dưa lòng mình
Cỏ xanh khóc đến biếc xanh
Hình như cỏ hiểu tụi mình chia tay.

Hoàng Anh Tú - Khúc hát ru mùa hè cuối cấp
Những tiếng trống trường như hối hả, giục giã cho giờ phút phân ly, những dòng chữ cuối dở dang trên trang giấy tinh khôi học trò, trong ngày chia tay ngơ ngác còn đợi ai về viết nốt .. Nhưng kỷ niệm vẫn lê hoài về một bến ngây thơ trong vòm trời ký ức, chẳng bao giờ chấm dứt một cách giản đơn.
Một tiếng ve nhắc rằng: Mùa hạ
Mây trốn về đâu, cho trời lặng lẽ xanh
Phượng tự đốt cháy mình thành ngọn lửa
Ơ kìa! Sao em khóc... ngon lành.
Lưu bút đầy những thân yêu bè bạn
Những nét chữ quen, những nụ cười
Ngày mai chỉ ngày mai thôi nhỉ
Tất cả thành kỷ niệm xa xôi.
Lau nước mắt dẫu chẳng bao giờ nữa
Lại về đây đợi tiếng trống tan trường
Bài thơ trong ngăn bàn mùa đông giá rét
Biết có bao giờ cạn những niềm thương.

Đàm Huy Đông - Hạ khúc
Lớp chúng mình bảo nhau không ai khóc
Sao vẫn có người lau nước mắt luôn?...
Rồi hoa phượng, rồi bằng lăng, lưu bút
Dẫu biết tôi mắc nợ một ánh nhìn
Ngày cuối đến giành cho nhau lời chúc
Thôi một thời đành gửi lại trong tim.
Giờ hạ đến bắt đầu bằng nỗi nhớ
Nghe đâu đây vang vọng tiếng trống trường
Tôi đặt bút tập làm thi sĩ
Viết về miền ký ức mến thương.

Lời xin lỗi trước mùa (Nguyễn Văn Quân)

Riêng một thời, cho màu phượng cháy thôi!
Bạn đừng ngạc nhiên thấy tên mình trên cây bàng trước lớp
Có kẻ mộng mơ không cùng chung một lớp
Chỉ dám viết tên người trên chiếc lá rất xanh...
Năm cuối rồi - chút luyến nhớ mong manh!
Cứ nhói lòng khi đếm ngày theo từng mùa lá
Phía trước cổng trường con đường chia thành nhiều ngả
Nơi nào dừng cho mình gặp lại nhau!...

Thầm lặng (Hiền Anh)
Trong cơn gió nồm nam oi ả, bứt rứt, ngột ngạt của mùa hạ với những tia nắng chói chang gay gắt của ngày hè nung đốt như muốn rát bỏng thịt da, những cơn mưa hạ đầu mùa giúp cho những hàng cây xanh mát, cũng đã đem lại sự mát dịu cho hồn người …Mưa của tình thân, của cô đơn, của chua chát, ngọt ngào, cay đắng, hờ hững, nồng nàn ...” mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ, buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua, trên bước chân em âm thầm lá đổ ..”, những cơn mưa nhỏ hạt, lất phất trong bầu trời, thả nhẹ trên đôi vai gầy guộc, trên mái tóc huyền mềm mại, trên cỏ cây hoa lá ,đó cũng chính là những giọt tình xúc tác cho những ngậm ngùi, chia ly, xa cách: "Em không khóc, tại trời mưa nên mắt ướt" …
Hình như trong từng tia nắng
Có nét tinh nghịch bạn trai
Hình như trong từng tia nắng
Biết chiều tiếng ve ngân dài.
Hình như trong từng hạt mưa
Có nụ cười duyên bạn gái
Hình như trong từng hạt mưa
Có dòng lưu bút đọng lại...
Tia nắng hạt mưa trẻ mãi
Màu hoa phượng đỏ vô tư
Bạn ơi, đừng trách vô cớ
Làm buồn tia nắng hạt mưa! 

Tia Nắng Hạt Mưa (Lệ Bình)
Phượng đỏ, hạ hồng, bản đen, phấn trắng, sân trường, lớp học, trời xanh, nắng ấm, cơn mưa hè nhè nhẹ …vô cảm, vô tri nhưng là những khung cảnh, những xúc tác đã tạo dựng nên những mối tình thầm lén, vô tội, ngây thơ và chân thật nhưng nồng đậm muôn đời .. Cộng hưởng là âm vang của tiếng ve giữa đất trời xanh thắm bao la, đã tạo nên một bản hòa tấu kỳ diệu suy tôn sự sống nồng nàn và tình yêu ngọt ngào muôn đời .. mà trí tưởng con người vẫn mãi đi tìm ..Ai dễ mà quên được??
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
biết ai còn nhớ đến ân tình xưa
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
những chiều hẹn nhau hết rồi,
giờ như nước trôi qua cầu.
Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,
buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này ai có haỵ
Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
mỗi lần hè thêm kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm 

Nỗi Buồn Hoa Phượng (nhạc Thanh Sơn)
Tiếng ve nức nở hè đến đây rồi!
Trước sân trường hôm nay em và tôi
Nhìn nhau nói chẳng nên lời,
ngày mai cách biệt phương trời chắc gì vui giây phút chia phôi!
Áo em tím ẩn một nét u buồn!
Dấu tâm sự mang theo bao niềm thương
Thời gian tháng mỏi năm mòn
làm sao tránh khỏi dỗi hờn,
ngày chia tay cảm thông nhau hơn
Bây giờ em bên tôi,
ngày mai thành cố nhân rồi,
chỉ còn nhắc nhở trong đời!
Thoáng nụ cười nở môi
mà lòng mình buồn trăm mối,
ôm kỷ niệm mỗi người một nơị
Chúc nhau tất cả lời tiễn đưa buồn!
Thấy hoa phượng rơi rưng rưng mà thương
Biệt ly cách trở đôi đầu,
tình xưa mấy trả nhịp cầu
Mùa phương ơi đến chi thêm sầu! .....

Mầu Áo Hoa Phượng (nhạc Thanh Sơn)

Đóa hoa tuyệt vời cho bài thơ mùa Hạ chắc chắn là cánh phượng hồng đang lơi lả ngoài khung sổ, dưới bầu trời xanh thân ái, những tia nắng vàng hoe đang nhảy múa đùa cợt bên dòng sông trí tưởng .. phải không các bạn?
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu
Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại... mang về 

Chút Tình Đầu (Đỗ Trung Quân)
Thiên nhiên cứ tuần tự giao mùa, mùa hạ đang đến thật gần, cả bạn cũng đang ửng chín trong mùa nắng, trong sự biến đổi kỳ lạ của tạo hoá...Một cánh hoa rơi, một tiếng ve thoáng qua, một chút tình bâng khuâng …có chăng còn lại chút hương thầm đọng lại trên từng trang lưu bút ngày xanh .. may mắn cho bạn nào còn giữ được chút hồn nhiên ngây thơ của những tờ giấy vở học trò tinh khôi trong trắng . Những con chữ như muốn ẩn sâu vào trái tim chân tình, hoà tan vào dòng máu, trong tiềm thức mênh mang, hội nhập với tâm hồn, như chẳng bao giờ muốn lìa xa ..Cái lâng lâng của cảm giác, cái man mác nhè nhẹ của tâm hồn, cái bịn rịn của bước chân ngập ngừng, cái long lanh trong ánh mắt trên một khuôn mặt thánh thiện và gần gũi, đã một thời từng làm ngây ngất, say đắm …, những cảm xúc đến rất tự nhiên, lai láng tuôn trào … Những kỷ niệm ngọt ngào lưu luyến, gắn bó và trân trọng đó chính là hơi thở cho men tình dậy sống, dạt dào yêu dấu, ngàn đời khó quên, cho dù mai kia phiêu bạc ở chân trời góc bể chân trời nào…
Có những lúc buông mình vào quá khứ
Tình phiêu du trong trí tưởng xa mờ
Những nỗi nhớ quay cuồng theo gió hạ
Cứ lê hoài về một bến ngây thơ

Hồn du mục trên từng trang ký ức
Xin một lần trở bước dấu chân người
Mưa vẫn thế bình yên trên phố nhỏ
Sao hôm nay bỗng dội nhớ vào đời
Ai bỏ lại những buồn vui lẫn lộn
Chuỗi ngày xanh mờ mịt bóng xa xôi
Trong ánh mắt đong đưa mùa hạ cũ
Có bao giờ em hiểu giấc mơ tôi

Những chiếc guốc chưa bao giờ biết nói
Sao khua vang tín hiệu rất tình cờ
Những bước chân đã đi vào quên lãng
Trên sân trường chim cất tiếng vu vơ
Phượng vẫn đỏ khoe trời xanh lá biếc
Dịu dàng buông lơi lả nhánh hoa cười
Em đứng đó vẫn hồn nhiên như thế
Nắng lung linh ánh mắt thẫn thờ tôi 

Trang lưu bút xin nghiêng mình cảm tạ
Lời trao nhau ngờ nghệch rất chân tình
Những con chữ - thiên đường xanh hé mở
Quẩn quanh đâu trong cuộc sống chính mình
Vào ô chữ tìm chút gì hơi ấm
Tìm bàn tay nắm lại chút thơ ngây
Cám ơn ve chung vui bản hòa tấu
Khúc tình ca êm ái tựa mây bay

Ô chữ nhỏ có phải nơi hò hẹn
Cổng trường xưa mở cửa đón chờ mong
Hoài niệm xanh phiêu bồng theo gió hạ
Thoáng hương thơm của nắng mới phượng hồng
Cám ơn nhé những lời xưa nhắc nhở
Dầu một mai phiêu bạc bến bờ đâu
Trên trang giấy còn chút gì sót lại
Lời thân thương thầm thĩ phút ban đầu ...

Lưu Bút Ngày Xanh (Vương Ngọc Long)
Vương Ngọc Long
Theo http://www.vuonghaida.com/

  Hoa lúa – Chùm thơ của Hoàng Xuân 14 Tháng Mười Hai, 2023 Cơn mưa xâu đêm/ sảy sàng /khoan nhặt mùa vụ bão giông… Hoa lúa (Tặn...