Giấc
mơ khi tôi hai lần mười bảy
Từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành một cô giáo, và mơ ước tìm được
cho mình một chàng bạch mã hoàng tử dễ thương. Có lẽ vì sự nghiệp và hạnh phúc
luôn là hai thứ tự ưu tiên cao nhất đối với bất cứ ai trong đời. Với tôi cũng vậy.
Mười bảy tuổi, tôi mang trong mình những cảm xúc trong sáng
nhưng cũng thật mãnh liệt, nồng nàn. Chút tinh nghịch của tuổi học trò. Chút
thơ ngây của thời mới lớn. Chút ngập ngừng của cô bé chưa có nhiều trải nghiệm
buồn đau. Tôi bẽn lẽn khi đứng trước một chàng trai dễ mến, làm duyên làm dáng
khi có ánh mắt nhìn và bồi hồi xao xuyến khi chợt nhớ về cái chạm tay vô ý. Đôi
khi tưởng như mình đã yêu, và những cảm xúc khờ dại cứ thoáng qua như thế, nhẹ
nhàng.
Thế rồi, ôm hoài bão bằng thứ nghị lực mà người ta tóm gọn
trong bốn chữ “bẻ gãy sừng trâu” tôi hòa mình vào cuộc sống vội vã, quên mất tuổi
mười bảy dễ thương. Đến một thành phố đông đúc học đại học, tôi hí hửng thể hiện
mình với học hành, những công việc bán thời gian, những cuộc hội ngộ, những
chuyến đi xa. Tôi nhận ra ý nghĩa cuộc sống và gom góp cho mình những hiểu biết
mới, con người mới, vùng đất mới.
Tốt nghiệp, đi làm, tôi trải nghiệm nhiều hơn với sự phức tạp
của cuộc sống và những mối quan hệ. Tôi không ngừng nỗ lực trong công việc.
Nhưng tôi cũng biết yêu và biết quên. Trải qua những mối tình, tôi biết cảm
giác hạnh phúc của một người đang yêu và sự hụt hẫng khi tình yêu tan vỡ. Không
chỉ một lần tôi phải tự đứng lên. Những cái trượt chân trong đời giúp tôi có
thêm bản lĩnh, nhưng cũng làm tôi mất đi nhiều cảm xúc và tin yêu. Hình như tôi
đã trở nên chai lì và có phần đa nghi hơn.
Không còn sự thơ ngây và nồng nàn của tuổi mười bảy, tôi sống
bằng những lý lẽ và những mục tiêu. Bản lĩnh trước khó khăn, nhiều người khen
tôi vậy. Nhưng chỉ có tôi mới biết rõ cái giá cho sự đánh đổi của mình. Không
ai có thể bước qua gian khổ chỉ bằng duy nhất một lòng tin.
Tôi đặt hy vọng vào công việc, vào các thế hệ học trò và dành
hết sức mình cho nó. Tôi đã là một cô giáo như mơ ước. Nhưng những chàng trai
tưởng như là bạch mã hoàng tử cứ đi qua tôi, giấc mơ về hạnh phúc vẫn mãi xa vời.
Ngày ngày đến trường tôi cố gắng làm tròn trách nhiệm cho xứng đáng với vị trí
hiện tại, và cũng là một cách để trốn chạy những vấp ngã trong tình yêu thuở
trước. Tôi mạnh mẽ đứng lên từ nỗi đau và sự trống vắng. Vượt qua một nỗi đau,
dường như tôi càng thêm lớn mạnh và vững chãi trước sóng gió. Thế rồi tôi tạo
được cho mình một cuộc sống tạm ổn. Một công việc ổn định, một nơi đủ an tâm để
ngả lưng sau mỗi chiều tan trường, và các mối quan hệ đủ để đảm bảo cho tôi một
cuộc sống không đến nỗi buồn tẻ.
Bất chợt, tôi đặt ra cho mình những câu hỏi. Tôi đã có gì,
đang có gì và sẽ làm gì cho những ngày sắp tới trọn vẹn hơn? Tuổi mười bảy, tôi
nghĩ đến một công việc ưng ý. Năm năm sau, tôi thèm những chuyến du lịch để thỏa
niềm vui trải nghiệm và để lãng quên những muộn phiền. Thêm năm năm nữa, tôi cuống
quýt tận dụng từng ngày để chăm sóc nhiều hơn cho bố mẹ và người thân. Còn bây
giờ, tôi bỗng thấy mình thiếu thốn. Không phải là một chàng bạch mã hoàng tử,
mà là một gia đình, một mái ấm đúng nghĩa. Hai giấc mơ ngày trước giờ đây tôi
chỉ được một, nên cuộc sống có phần chênh vênh.
Những đổ vỡ của quá khứ làm tôi đánh mất niềm tin. Niềm vui từ
bài giảng, từ trường lớp, học trò, đồng nghiệp cho tôi lý do để làm việc và sống
tiếp. Để rồi khi trở về nhà một mình, chính những thứ nhàn nhạt đang diễn ra
trong cuộc sống của tôi và bức tranh nhiều sắc màu trong hạnh phúc của bạn bè,
của những người tôi nhìn thấy mỗi ngày đang làm cho tôi lại biết mơ ước. Đúng rồi,
tôi thiếu một bàn tay. Để xòe. Để nắm. Để xoa dịu. Và để bấu víu khi cần được
che chở. Là cô giáo cũng có những khi yếu đuối.
Cuộc sống vẫn trôi đi, nhưng không còn chậm chạp như những
ngày tôi cố gắng bước qua những cuộc tình vụn vỡ. Các thế hệ học trò lần lượt
đi qua tôi. Và các em cũng đang đi qua lứa tuổi mười bảy như tôi đã từng. Chợt
bàng hoàng nhận ra tôi đã ở độ tuổi hai lần mười bảy, có nhiều thứ trong tay mà
một cô bé mười bảy tuổi mơ ước, nhưng lại đánh mất nhiều điều và không giữ được
cho mình điều quan trọng nhất.
Đã hai lần mười bảy, là một cô giáo có nhiều thế hệ học trò
đi qua, tôi bắt đầu mơ ước về một tình yêu trọn vẹn. Có trễ quá không?
Xuân Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét