Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Bốn cây bút truyện ngắn miền sông Chảy

Bốn cây bút truyện ngắn miền sông Chảy
“Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông” (Bế Kiến Quốc). Lần đầu tiên tôi đến với Hà Giang, đến với Chi Hội Nhà văn Sông Chảy (gồm các nhà văn sinh sống và sáng tác trên địa bàn bốn tỉnh miền núi Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang).
Có người thì đã gặp và quen biết như Pờ Sảo Mìn, Ngọc Bái, Vũ Xuân Tửu, Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Trần Bé, Tống Ngọc Hân; có người thì “văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình” như Trịnh Thanh Phong, Chu Thị Minh Huệ và nhiều người khác. Tôi chỉ mong “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Trong phạm vi đọc của mình, tôi nghiêng quan tâm đến văn xuôi, đặc biệt truyện ngắn. Trong bài viết nhỏ này tôi chỉ muốn nói đến bốn cây bút truyện ngắn  của Chi hội Nhà văn Sông Chảy: Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Trần Bé, Tống Ngọc Hân và Chu Thị Minh Huệ. Mặc dầu có người trong số họ viết tiểu thuyết, thậm chí viết khỏe như Vũ Xuân Tửu, nhưng rốt cục nếu cần chọn tác phẩm để thi thố, để trích dẫn, để minh họa, để lập luận, để gọi ra “”đặc sản” của một vùng văn học thì vẫn chỉ có thể tuyển chọn truyện ngắn mà thôi. Xin được thưa trước với Quý vị là, trong nghề văn đôi khi cái ngẫu hứng chi phối chúng ta rất mạnh. Vì thế mà đọc ai, viết gì cũng có khi cũng rất ngẫu nhiên, thậm chí tùy thuộc vào việc có hay không có sách trong tay. Nói như cổ nhân là đôi khi “lực bất tòng tâm”. Tôi chỉ viết những gì tôi đọc được của nhà văn, dẫu còn ít, nhưng là trực tiếp. Không gì bằng trực quan sinh động. Đó là nguyên tắc phê bình văn chương của tôi.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu là cây bút đa năng, viết thơ, trường ca, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhưng riêng với tôi, thì trước sau Vũ Xuân Tửu là cây bút truyện ngắn có duyên. Đến nay anh đã sở hữu 6 tập truyện ngắn, nhưng có lẽ ấn tượng nhất với độc giả là tập Chuyện ở bản Piát (Nxb Văn nghệ, TP. HCM, 2007). Một cuốn sách mỏng thôi, chỉ in có 5 truyện ngắn tham dự và đoạt Giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn (2005-2006) của Tạp chí VNQĐ. Truyện ngắn Vũ Xuân Tửu thường không hướng đến những “khoảnh khắc”, những “lát cắt” đời sống như cách hiểu thông thường về thể loại “nhỏ” này. Nhà văn thường cô đặc, dồn nén chất liệu vào trong một khuôn khổ chữ có hạn. Nhưng sức nổ rất lớn. Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu không dài, ít khi vượt ngưỡng 20 trang, nhưng có cái “mầm mống” của tiểu thuyết (trái lại, tiểu thuyết thường rất ngắn, thậm chí “siêu ngắn” như Hình bóng đàn bà chỉ ngót dăm chục trang khổ nhỏ). Tôi chỉ xin dẫn một ví dụ: truyện Người sông nước. Truyện này ông “nghiền ngẫm” trong vòng bốn năm trời (2001-2005). Hơn 1000 ngày cho ra đời một truyện ngắn vỏn vẹn vài chục trang. Cho nên một nhà văn tài danh thế giới đã nói một ý rất hay: Tôi không có đủ thời gian để viết truyện ngắn. Vừa rồi tôi biết có một kỷ lục viết tiểu thuyết thuộc về Đỗ Bích Thúy, hoàn thành Chúa đất (2015), dài hơn 200 trang chỉ trong vòng có…15 ngày. Mở đầu truyện ngắn Chuyện sông nước là một câu văn ngắn chỉ có 5 chữ “Nhà tôi ở bên sông”. Người kể chuyện kể ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”) hứa hẹn nhiều điều bất ngờ. Kể chuyện thời niên thiếu chỉ có 12 dòng. Rồi chuyển “gam” rất nhanh “Lớn lên tôi đi làm chân sào”. Rồi cứ thế thời gian tuyến tính được “đi tắt đón đầu”. Câu chuyện diễn tiến nhanh “Ba năm sau. Tôi và cánh chân sào âm thầm sang cát cho bà chủ”. Thời gian của câu chuyện tựa như bóng câu qua cửa sổ “Thấm thoắt thế mà…”. Vùng sơn cước không hiện lên trong truyện ngắn Vũ Xuân Tửu với những hoa thơm cỏ lạ, với những câu chuyện đường rừng lãng đãng, với vẻ đẹp hoang dã của những “cô em xóm núi”, với thiên nhiên nguyên thủy trong lành…Tất cả hiện lên trong dáng vẻ trần trụi, sắc cạnh, thô rám. Nhưng lại rất giàu chất thơ. Tôi gọi đó là “chất thơ của văn xuôi”. Văn Vũ Xuân Tửu là một lối văn có nhịp điệu khẩn trương nhưng không vội vàng, mạnh mẽ nhưng không bạo liệt, trầm lắng nhưng không cô tịch nên phù hợp với kiểu độc giả thích sống nhanh, nhưng đồng thời cũng hợp với những ai thích sống chậm. Vũ Xuân Tửu có ý thức chăm chút câu văn. Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết, độc giả thường chú ý đến “chuyện”, đã đành. Nhưng độc giả vẫn quan tâm đặc biệt đến “văn”, vẫn rất thích sự ngời sáng lên, lấp lánh hơn của câu chữ. Đó mới chính là cái nhã thú văn chương đích thực, lâu bền. Nhà văn Sương Nguyệt Minh khi đọc Người sông nước đã khen: “Tràn đầy lãng mạn, câu chuyện tình nhuốm màu huyền ảo, văn đẹp đến độ lung linh”. Nhà văn Khuất Quang Thụy thì nhấn mạnh: “Văn hay đạt đến độ hàm súc”.
Gần đây tôi thấy nhà văn Vũ Xuân Tửu hay viết tản văn, thời luận văn chương. Tôi đã đọc được một số tiểu thuyết của nhà văn tặng. Nhưng trong tôi cứ thắc thỏm một điều, nay muốn chia sẻ với nhà văn mà tôi quan tâm theo dõi nhiều năm nay “hãy cứ viết truyện ngắn, tại sao không?!”.
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Trần Bé lần đầu tiên, cách nay mấy năm, tại lớp Thẩm bình và sáng tác truyện ngắn do Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức). Kỳ đó anh nộp mấy truyện ngắn mới viết cho Ban Tổ chức lớp. Trưởng Khoa Văn Giá có đưa tôi đọc và nhận xét. Trong số những cái anh nộp cho BTC, tôi và các thành viên khác rất thích truyện Ném áo (sau này in báo anh đổi nhan đề). Tôi cứ tiếc cho sự thay đổi này. Vì thực tế cho thấy, nhan đề Ném áo gợi hơn, khái quát hơn, đặc trưng hơn. Năm 2013, Nguyễn Trần Bé lại khăn gói xuống Hà Nội dự lớp học của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hội NVVN). Lần gặp gỡ đó anh tặng tôi tập truyện ngắn thứ tư Cõi nhân dị biệt. Gần hơn do chỗ được mời tham gia BGK Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011-2015) của Hội NVVN, tôi lại có cơ hội đọc tiểu thuyết dự thi của anh - Thạch trụ huyết - sau này nhận giải C. Năm 2015, Nguyễn Trần Bé có được một “cú đúp văn chương” - Nhận giải thưởng tiểu thuyết và vinh dự trở thành Hội viên Hội NVVN. Riêng tôi - có thể là rất chủ quan - lại vẫn thấy Nguyễn Trần Bé sẽ ghi dấu ấn trên văn đàn đậm hơn với truyện ngắn. Vì sao? Tôi xin trích xuất từ truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé để độc giả có thể đồng tình với nhận định trên: “Bây giờ tôi xin kể cho bạn đọc nghe về những con người thuộc cõi “dị biệt” này (…). Chỉ biết rằng những con người rất đáng được viết thành truyện mặc dù họ chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Ông giáo già, vị “Tiên sinh” của làng tôi có lần bảo “Cậu là nhà văn, chuyên viết truyện ngắn, sao có chuyện hay như vậy về nhóm cõi nhân dị biệt mà lại dửng dưng?” (Cõi nhân dị biệt). Cái câu đầu cửa miệng ông già nói ra, mặc nhiên không phải là lời của một người khác, mà chính là nhà văn “ướm mình” vào nhân vật mà nói. Đúng thế chăng? Tôi nghĩ, Nguyễn Trần Bé thích hợp với cái nhìn “vừa khoảng” - nghĩa là gọn ghẽ, không quá hoành tráng. Truyện ngắn của Nguyễn Trần Bé rất gọn ghẽ, rất hoạt. Ví dụ như Lá chết, chỉ có khoảng 1000 chữ. Ngắn gọn là vì tác giả tìm được cái tình huống rất đặc biệt để làm bật lên vấn đề - liệu con người ta có dám sống chết cho tình yêu? Hay “thủy chung nay chỉ là lời nói suông”? Cái anh chàng người Kinh có cái tên rất hay, liên quan đến đá (Thạch Nhi), yêu cô gái người Mông xinh đẹp, có cái tên Vàng Thủy Tiên. Nhưng họ nhà gái không chấp nhận nếu Thạch Nhi không ở rể. Vì bị ngăn cấm mà đôi trai gái quyết “quyên sinh theo phong tục”. Họ hái lá ngón để thực hiện. Nhưng vấn đề là ai chết trước? Cuối cùng thì Vàng Thủy Tiên chết trước. Nhưng cô đã ăn lá moi chua để thử lòng người tình. Sau khi tưởng người tình đã chết, Thạch Nhi đã lộ chân tướng “Không. Mình không thể chết! Không việc gì phải chết một cách vô ích như thế. Chỉ những người dại dột, mụ mị thì mới chọn cái chết như thế này thôi. Thủy Tiên ơi, hãy tha lỗi cho anh. Anh không dám chết cùng em đâu. Anh không bao giờ  nghĩ mình sẽ ăn lá ngón để chết. Mình không lấy được nhau thì lấy người khác chứ việc gì phải chết, đúng không em?”. Lúc Thạch Nhi rời cửa hang thì bỗng nghe tiếng cười khanh khách của Thủy Tiên: “Tôi biết ngay mà. Anh làm gì dám chết vì tình yêu! (…). Những cái lá tôi ăn lúc nãy chỉ là lá moi chua thôi. Nhưng được nghe những lời anh nói vừa rồi, tôi cũng thấy nhẹ lòng. Thôi, ta về!”. Tôi cứ thích Nguyễn Trần Bé viết những truyện ngắn giàu tính chất ngụ ngôn như thế. Có thể ý kiến của tôi làm nhà văn Nguyễn Trần Bé phật lòng. Vì sao nhà phê bình lại chỉ định rằng tôi chỉ có thể viết hay truyện ngắn? Tôi vừa được giải thưởng tiểu thuyết đấy thôi? Đúng là vừa được giải thưởng tiểu thuyết. Nhưng tôi muốn nói đến cái “tạng văn” của nhà văn. Ai đó nói chí lí, thể loại chọn nhà văn chứ nhà  văn không chọn được thể loại. Tôi nghĩ, nhận định này có thể là sát hợp với Nguyễn Trần Bé.
Nhà văn Tống Ngọc Hân đang nổi lên như một cây bút nữ viết truyện ngắn có nội lực và triển vọng. Tính đến nay chị đã sở hữu 6 tập truyện ngắn, hai tiểu thuyết hấp dẫn đầy ắp chất trinh thám (Âm binh và lá ngón, Huyết ngọc). Tôi đã đọc gần như hết các truyện ngắn của Tống Ngọc Hân. Mỗi lần đọc được một truyện nào in báo của chị tôi đều nhắn tin chia sẻ, chúc mừng. Có lần tôi nói vui với đồng nghiệp: Hai cây bút nữ họ Tống (Tống Ngọc Hân ở Lào Cai và Tống Phú Sa ở Hà Tĩnh) đều nằm trong “tầm ngắm” và sự “đeo bám” của tôi về chuyên môn. Một lần nhà văn Nguyên An viết Bạn đã đọc Tống Ngọc Hân rồi chứ? để giới thiệu tập truyện ngắn Đêm không bóng tối của chị (do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành). Tôi chia sẻ với đồng nghiệp khi ông viết: “Truyện của Tống Ngọc Hân đầy ứ, đầy tràn những nỗi đời (…). Người từng trải thì chắc là không sống một chiều được”. Tôi cứ nhình dung đây là người viết mà cuộc đời nhiều quăng quật hơn ai hết trong cùng trang lứa. Nên nhiều trải nghiệm. Phần đắng đót nhiều hơn phần ưu ái. Ít được cuộc đời chiều chuộng nên tìm đến văn chương để tự an ủi mình. Nỗi buồn nhiều hơn niềm vui nhưng thấy không hề rơi vào bi lụy. Nhưng sớm an nhiên, tự tại. Tức là nhiều nỗ lực vượt lên cảnh ngộ và số phận. Bây giờ mà gặp thì thấy chị cứ bình thản như không. Ngòi bút cứ ào ạt tuôn chảy. Đôi lúc tôi cứ vân vi mà nghĩ, Tống Ngọc Hân bươn chải mưu sinh như thế, lấy đâu thời gian để viết? Không hiểu chị viết vào lúc nào? Trong bài viết của nhà văn Nguyên An mà tôi vừa dẫn ra ở trên, có nói đến “giọng điệu” của Tống Ngọc Hân. Đúng rồi! Với một cây bút mới xuất hiện trên văn đàn, nếu đem đến một giọng mới, thì đó là dấu hiện đáng mừng. Không gì đáng buồn hơn người đó lập tức bị lẫn vào đám đông người viết xuất hiện ồ ạt bởi họ cứ thế bước ào vào văn chương, chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ. Giọng của Tống Ngọc Hân có sắc thái nào vậy? Đọc kỹ những truyện kiểu như Đêm không bóng tối, theo tôi, sẽ nghiệm ra được giọng điệu của Tống Ngọc Hân. Để độc giả hình dung rõ hơn cái chất giọng của ngòi bút nữ này tôi xin nhắc lại một ý của nhà văn Nguyên An để chúng ta cùng suy ngẫm: “Đôi khi ta như không rõ những chuyện trong truyện ngắn của chị là ở thời nào nữa”. Có nghĩa là những câu chuyện được nhà văn kể ra là ở đây, là ở kia; là lúc này hoặc lúc khác; là với anh hoặc với tôi,…đều đúng cả. Nghĩa là nhà văn thường “ướm mình” vào nhân vật mà kể chuyện. Nên đa số trường hợp là thành thực. Cái giọng nhẩn nha, không đi đâu mà vội (kiểu như người ta nói “Hà Nội không vội được đâu”) khiến đôi khi độc giả có thể sốt ruột dẫu cho đang đọc truyện ngắn, cái giọng giãi bày mưu cầu một sự chia sẻ, rất rõ trong văn Tống Ngọc Hân, kiểu như: “Người ta bảo giàu con út khó con út, nàng thấy cái giàu không đến lượt nàng, nhất là từ khi chồng nàng bị bạo bệnh rồi qua đời”. Người con gái có tên là “nàng” đã gồng mình lên để nâng đỡ mẹ chồng khi bà bị mắc bệnh hoang tưởng, đêm đêm không ngủ và đập phá bất cứ thứ gì. Con cái cật ruột trong nhà đều lẩn tránh trách nhiệm. Chỉ có “nàng” nhận đón mẹ chồng về buồn vui, sướng khổ có nhau. Có cảm giác như Tống Ngọc Hân chỉ kể chuyện mình: “Nàng biết, mẹ sẽ không bao giờ còn cơ hội  trở về những nơi mẹ đã ra đi. Trọng trách đã đặt lên vai nàng, nàng sẽ phải gánh, nàng đâu còn chồng để dọa ly hôn, nàng đâu còn có cửa hàng để ôm gối ra ngủ.
Sẽ còn chỉ có mình nàng đối diện với căn bệnh hoang tưởng trầm trọng của mẹ thôi. Người đàn bà sinh ra nàng nghẹn ngào trong nước mắt vì xót thương con gái”. Nhân vật “nàng” trong truyện có cái phẩm tính tận hiến như chính tác giả vậy. Tôi có cái cảm giác ấy khi đọc văn Tống Ngọc Hân: “Nàng ôm chặt lấy mẹ từ phía sau. Hình như ngoài cơn run sợ vì những bóng ma, cơ thể mẹ còn một cơn run rẩy khác. Rất lạ, rất đỗi nhẹ nhàng, ấm áp mà nàng thấy vô cùng hạnh phúc khi được đón nhận”. Đúng thế chăng? Tống Ngọc Hân tuy còn trẻ nhưng đã đủ thăng trầm để viết về những kiếp người, về những nỗi đoạn trường, về những bể dâu đời người, về những sự đời nước mắt soi gương. Chị viết như thể đã ở cung bậc nửa đời ngoảnh lại, nửa đời nhìn lại. Ai đó nói quá đi người này dường như không có tuổi thơ. Tôi thấy đúng!
Nhà văn Chu Thị Minh Huệ nổi lên sau Cuộc thi truyện ngắn 2011-2012 của tuần báo Văn nghệ, với Giải Ba. Tập truyện ngắn Bông dẻ đẫm sương (2013) đã định vị tên tuổi của cây bút nữ này. Hà Giang có thêm một nhà văn. Làng truyện ngắn có thêm một tác giả khiến độc giả kỳ vọng, để thấy văn chương không lâm nguy. Để thấy văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn, chính là “mặt tiền” của văn chương đổi mới. Để thế hệ 8x đông đảo thêm đội ngũ. Trong đợt kết nạp hội viên mới của Hội NVVN năm 2015, có ba nhân vật nữ tôi rất quan tâm là Chu Thị Minh Huệ, Phạm Phú Uyên Châu (tức Meggie Phạm) và Nguyễn Thị Kim Hòa. Một lần nữa thêm bằng chứng để nói về một “nền văn chương mang gương mặt nữ”. Nhưng nếu Meggie Phạm điệu đàng, gần với lối văn của Tự lực văn đoàn xa ngái, với 5 tập truyện dài bán rất chạy, nếu Nguyễn Thị Kim Hòa chỉn chu, cẩn trọng và tinh tế thì Chu Thị Minh Huệ, theo tôi, lại rất phóng khoáng, hào hiệp, mạnh mẽ, đôi khi như là “dương tính”, kiểu như Hồng Trần. Văn của Chu Thị Minh Huệ giàu cảm hứng đương đại. Mạnh mẽ, gai góc, đi đến tận cùng. Không sao! Nó thuộc về “tạng văn”. Cái gọi là “dương tính” trong văn chương nữ thì độc giả đã thấm thía từ  các cây bút văn xuôi trẻ như Đỗ Hoàng Diệu, Thủy Anna,…Nhân vật nữ trong truyện ngắn Chu Thị Minh Huệ thường lắm “thân phận”, ít ai suôn sẻ, mà thường thăng trầm, bĩ cực. Có thái lai nhưng phải trả giá, qua một “khổ nạn đích lịch trình”. Văn Chu Thị Minh Huệ là lối văn có tốc độ, đầy ắp sự kiện, có thể do ảnh hường của “báo” chăng? Trong số những tên tuổi nữ viết truyện ngắn gần đây được dư luận chú ý có Tống Ngọc Hân (Lào Cai), Tống Phú Sa (Hà Tĩnh), Chu Thị Thu Hằng (Hà Nội), Cao Nguyệt Nguyên (Quảng Ninh), Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận), Vũ Thanh Lịch (Ninh Bình)…Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang) có một phong vị riêng. Tôi gọi đó là phong vị của hạt dẻ. Chẳng biết có đẫm sương rồi mới lên hương thơm hay không, nhưng vị bùi, ngọt thì đã rõ.
Hà Nội, 7/2016
BÙI VIỆT THẮNG
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Trăm năm một thuở”: Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ 7 Tháng Tư, 2023 264 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, N...