Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Nghe lại Thiền ca Phạm Duy

Nghe lại Thiền ca Phạm Duy
Ít ai ngờ rằng vào độ tuổi tráng niên, năm 46 tuổi, nhạc sĩ Phạm Duy đã ngồi và tâm định cho mình… "một cõi" mà mãi đến khi lão niên, lúc đã 80 tuổi, vào năm 2000, ông mới lấy bản nhạc này ra "nghêu ngao": "Rồi mai đây tôi sẽ chết, trên đường về cõi Niết, tôi sẽ mang theo với tôi những gì đây…". 
Gặp ông tại một khách sạn giữa Sài Gòn, chúng tôi hỏi: "Vì sao nhạc sĩ lại "thiền" lúc còn trẻ như thế?", ông cười và hồn nhiên trả lời: "Phạm Duy là vậy!". Ông nói thêm, thực ra những bài Thiền ca đã manh nha trong tâm khảm ông lúc còn rất trẻ…
Sau 10 bài Tâm ca rồi Đạo ca, có thể nói 10 bài Thiền ca của Phạm Duy là điểm mốc đánh dấu một chặng đường sáng tác trong sự nghiệp âm nhạc của người nhạc sĩ này, khi ông “ngộ” ra rằng mọi sự trên cõi đời, dù là bất toàn hay viên mãn rồi cũng là hư không. 
Chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy vào một buổi sáng mùa Hạ bình yên. Ngồi ở tiền sảnh Khách sạn Sài Gòn Star, được nghe thanh âm ngân nga vẫn còn rất rất "nội lực": "Mang giầy vớ rách, mang khăn áo lành. Tôi chào đất nước yên vui thái bình… Lời chào bình yên, lời chào bình yên…" (Lời chào bình yên - Phạm Duy), chúng tôi mới cảm nhận được vị ngọt của không khí hôm nay, cảm nhận được ý nghĩa sự trở về quê hương của ông. 
Ông thổ lộ: "Tôi yêu hoà bình. Điều thất bại lớn nhất, nếu coi đây là một sự thất bại trong đời thì đó là việc tôi đã rời bỏ đất nước mà đi, dù rằng lúc ấy tôi ở trong một tình thế bắt buộc. Ra nước ngoài, tôi cũng hoạt động âm nhạc, khá thành công, nhưng có nơi đâu bằng quê hương, dân tộc mình". 
Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy vô cùng phong phú, nhưng vào lúc này, hơn bao giờ hết, ông hết sức tâm đắc với con đường Thiền. Ở cái tuổi ngoài 80 mà nhiệt huyết trong âm nhạc ở con người Phạm Duy vẫn thế. 
Có nhìn thấy một Phạm Duy trước computer nhấp chuột tìm lại những bài Thiền ca qua tiếng hát mượt mà của ca sĩ Thái Hiền, con gái của ông, thoảng quanh ông, trong đôi mắt ông sự nhẹ nhàng thanh thoát, vắng những "hỷ nộ, sân si" như hồi ông còn trẻ, đắm mình trong Tục ca. " Tôi nằm võng, võng đưa, võng đưa… A, trần gian lạc thú. A, tiên cảnh phiêu du. Cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận… Núi đợi vực chờ, niềm vui nỗi khổ  “ (Võng - Thiền ca 2). Ông nhìn cõi nhân sinh giản dị hơn. Thiền vốn giản dị là vậy. 
Trở lại với một bài hát trong chùm Bé ca của Phạm Duy: "Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo, ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút, ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa…", để rồi: "Ông trăng trả vợ đàn ông, trả chồng cô gái, trả trái cây cà, trả hoa cây bưởi… trả chùa ông Bụt, trả bút học trò, trả mo cây cau…"(Ông trăng xuống chơi). 
Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng đó là một bài hát mang âm hưởng đồng dao, gần giống với giai điệu trong bài dân ca: "Chú bé bắt được con công…", nhưng trong ca khúc của mình, ông đã gửi vào một triết lý: Rồi cũng trả lại hết tất cả mà về thôi. Về đâu? Phải chăng là về cõi Niết? Về cõi tuyệt cùng của âm thanh: tịch lặng? Với ông, đó cũng là thiền. 
Từ suy tư ấy, Phạm Duy cho rằng sự biểu cảm tâm hồn một cách tĩnh tại trước mọi sự, kể cả trước sự lung linh của một đoá hoa hồng, trước cảnh sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên hay trước sự bạo tàn của chiến tranh, tất cả đều tìm thấy trong đó nét Thiền… 
Trò chuyện với chúng tôi về con đường Thiền đi vào âm nhạc Phạm Duy và Thiền ca, ông tâm sự : "Đời tôi may mắn được kết bạn với nhiều nhà thơ như Phạm Thiên Thư, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên… Những người này đã phần nào đồng hành với tôi về cách nhìn cuộc sống". 
Có lẽ ông muốn nói đến "chất thiền" trong thơ của các nhà thơ mà ông đã gặp và đã thêm một lần làm thăng hoa bằng giai điệu, tiết tấu mang dấu ấn âm nhạc của mình.Những ca từ "đưa em tìm động hoa vàng", "Gọi em là đoá hoa sầu" của Phạm Thiên Thư, rồi "Thà như giọt mưa" của Nguyễn Tất Nhiên… trong âm nhạc Phạm Duy trở nên réo rắt, réo rắt nhưng vẫn nhẹ nhàng, vẫn trong trẻo, đem đến một cảm nhận thanh cao cho người nghe. 
Phạm Duy nói rằng sự giao cảm giữa thơ và nhạc là sự giao cảm quý giá giữa hai tâm hồn. Ông còn cho biết:"Thiền ca đã tiềm tàng trong tôi từ lâu. Thiền ca cũng là điểm đến của đời tôi. Không phải ngẫu nhiên mà có những ông già 70-80 tuổi nghe Thiền ca không chán và cũng có những em bé mới 11 tuổi thôi cũng "mê" Thiền ca, thích nghe Thiền ca…".
Trong 10 bài Thiền ca, hầu như Phạm Duy không nói gì nhiều. Ông cứ để âm nhạc và sự "vô ngôn" nói lên tất cả. Vì vậy, có bản chỉ có 3, 4 câu thôi, nhưng sức lan tỏa của âm nhạc thì vô cùng lớn. Ông nói, âm nhạc có 3 cách. Những bài hát thông thường thì chỉ dừng ở cấp 1, còn âm nhạc biểu hiện được tinh thần "sắc sắc không không", tinh tuý của Thiền thì thuộc về cấp 3. 
Ông cho chúng tôi nghe "Thinh không - Thiền ca 1": "Thinh không trống trải mênh mông, rộng rãi vô cùng, cao thấp vô lường… Tất cả là tôi mà cũng là chung… Thinh không, rộn rã tưng bừng, nhất nhất trùng trùng nhưng cũng là không". Bản ngã, một trong những ý niệm căn bản mở hướng cho mọi hành xử của con người trong cuộc đời, với Thiền ca 1, cũng là cái chung. 1 là tất cả. Tất cả là một. Chính điều đó đã phá vỡ sự hữu hạn của đời người. 
Ông nói rằng, Thiền ca 1 đã mở ra một ý niệm, 1 chủ đề cho suốt cả 10 Thiền ca mà ông rất tâm đắc. Chủ đề đó được nhất thể hoá bằng "Thế thôi - Thiền ca 3": "Một giọt lệ mặn nhạt, đau thương hạnh phúc. Một cuộc đời, ừ, chỉ cần thế thôi !" hay "Xuân - Thiền ca 5": "Hãy an nhiên hát nhỏ cùng tôi: Tôi là tôi mà tôi cũng là em. Em là tôi mà em cũng là anh… Là Xuân con bướm, là nhụy xuân tình, là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ, là ý thơ nồng trang giấy xuân thư…" (Chiều - Thiền ca
Trong 10 bài Thiền ca, hầu như Phạm Duy không nói gì nhiều. Ông cứ để âm nhạc và sự "vô ngôn" nói lên tất cả. Vì vậy, có bản chỉ có 3, 4 câu thôi, nhưng sức lan tỏa của âm nhạc thì vô cùng lớn. Ông nói, âm nhạc có 3 cách. Những bài hát thông thường thì chỉ dừng ở cấp 1, còn âm nhạc biểu hiện được tinh thần "sắc sắc không không", tinh tuý của Thiền thì thuộc về cấp 3. 
Ông cho chúng tôi nghe "Thinh không - Thiền ca 1": "Thinh không trống trải mênh mông, rộng rãi vô cùng, cao thấp vô lường… Tất cả là tôi mà cũng là chung… Thinh không, rộn rã tưng bừng, nhất nhất trùng trùng nhưng cũng là không". Bản ngã, một trong những ý niệm căn bản mở hướng cho mọi hành xử của con người trong cuộc đời, với Thiền ca 1, cũng là cái chung. 1 là tất cả. Tất cả là một. Chính điều đó đã phá vỡ sự hữu hạn của đời người. 
Ông nói rằng, Thiền ca 1 đã mở ra một ý niệm, 1 chủ đề cho suốt cả 10 Thiền ca mà ông rất tâm đắc. Chủ đề đó được nhất thể hoá bằng "Thế thôi - Thiền ca 3": "Một giọt lệ mặn nhạt, đau thương hạnh phúc. Một cuộc đời, ừ, chỉ cần thế thôi !" hay "Xuân - Thiền ca 5": "Hãy an nhiên hát nhỏ cùng tôi: Tôi là tôi mà tôi cũng là em. Em là tôi mà em cũng là anh… Là Xuân con bướm, là nhụy xuân tình, là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ, là ý thơ nồng trang giấy xuân thư…" (Chiều - Thiền ca 6). 
Dẫu cũng lấy cảm hứng "chiều", nhưng Thiền ca 6 này lại khác hoàn toàn với những khắc khoải trongNương chiều: "Trăng chiều lên có loài người và cỏ cây hát êm… Ta tìm em và gặp em… Ta lôi em-về, ta kéo em-đi, nâng em lên-trời, đem xuống âm-ty, chôn em trong- lòng, sau lấy em-ra. ". 
Ca từ chỉ chừng đó nhưng với sự cách bức giai điệu đã đem đến cho người nghe cái nhìn của một con người đã đi đến sự đau khổ tột đỉnh đồng thời cái hạnh phúc tột đỉnh khi yêu. Rồi những giai điệu không lặp lại trong "Người tình - Thiền ca 7"…, tiếng chuông báo bình minh của cõi nhân sinh ở "Nhân quả - Thiền ca 10"… Nghe Thiền ca Phạm Duy, thấy quen và mới lạ, như cuộc sống như kiếp luân hồi. 
Gặp nhạc sĩ Phạm Duy và nghe Thiền ca vào một buổi sáng giữa hạ ở Sài Gòn, chợt nhớ những "Lời chào bình yên" năm nào của ông. Bây giờ, với những sợi tóc bạc trắng, với cánh áo nâu sòng, ông thiền định trong âm nhạc trên quê hương.
Như ông tự sự, rồi mai này, ông sẽ không mang được gì vào cõi Niết, bởi tất cả những gì ông có được: nhạc Phạm Duy, sẽ để lại cho đời. Chắc chắn ông sẽ không hối tiếc. Bởi điều ý nghĩa nhất của sự hiện hữu của con người là dâng hiến. Phạm Duy là nhạc sĩ, ông đã lấy chất liệu từ quê hương để làm nên âm nhạc Phạm Duy rồi dâng tặng cho đời và trở về với quê hương một cách bình yên. 
Thanh Bình - Ngự Hà
Tôi đã có album 10 bài Thiền ca của Phạm Duy cách đây hơn mười năm. Lúc đó tôi đang làm báo ở Đà Nẵng nên chưa có điều kiện thời gian để suy ngẫm về cái thế giới tâm linh trong Thiền ca của ông. Đến sau ngày tôi nghỉ việc công (7-1998), chủ động được thời gian, tôi nghe lại nhạc thiền Phạm Duy, đọc kỹ lời và suy ngẫm, nhiều khi tôi có cảm giác mới lạ như trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ.
Bà xã tôi là một Phật tử, tuy rằng xưa nay rất mê nhạc Phạm Duy, nhưng khi nghe xong album 10 bài Thiền ca, bà bảo: ” Trong Thiền  cũng có tình yêu nhưng là thứ ” tình yêu đã diệt dục” chứ làm gì lại có những chuyện ” Ta lôi em về, ta kéo em đi; nâng em lên trời, đem xuống âm ty; chôn em trong lòng, xong lấy em ra ”(Chiều, Thiền ca số 6) và “Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ” (Răn, Thiền ca số 8)? Không riêng gì bà xã của tôi mà nhiều người khác cũng có cùng nhận xét như thế. Họ chưa chấp nhận nhạc Thiền của Phạm Duy.
Trong những ngày sắp bước sang Xuân Bính Tuất này, gặp lại Phạm Duy giữa Sài Gòn, tôi rất thấm thía bài Thiền ca số 2 mang tên Võng. Mở đầu bài ca ông viết: “Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa”. Vâng, ở  đời có thể còn có nhiều người chưa từng nằm võng của mẹ mắc dưới mái tranh nghèo, dưới bóng tre, bóng dừa ở làng quê. Nhưng chiếc võng cuộc đời thì không ai tránh được. Có người bảo tôi chiếc võng cuộc đời chính là thân phận làm người. Chiếc võng cuộc đời nó đẩy đưa con người từ đỉnh cực này sang đỉnh cực đối nghịch. Đó là ”Cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận; Núi đợi, vực chờ; Niềm vui, nỗi khổ”. Chiếc võng cuộc đời đưa theo quy luật của trời đất (sinh - tử), theo khát vọng của tình người (tình-hận, vui-khổ). Nhạc sĩ Phạm Duy đã sống một cuộc đời tận cội rễ của cuộc sống mới chứng nghiệm và rút ra được những ý tưởng đó. Phạm Duy không cưỡng được “cái sự võng đưa” của cuộc đời, nhưng ông không buông xuôi theo số phận. Võng đưa mặc võng, ông vẫn “… nằm đó, nằm im mọi chỗ…”. Cái “nằm im mọi chỗ” trong tâm hồn Phạm Duy là “Đất nước tôi, tiếng nước tôi, người Việt tôi” mà ông đã sớm thể hiện trong bài Tình ca sáng tác cách đây hơn 50 năm. Nếu có một sát-na nào đó chiếc võng đời dừng lại trong thế thăng bằng, thì cái “nằm im mọi chỗ” của Phạm Duy sẽ là nơi gặp gỡ của hai chiều lên-xuống, phải-trái, đông-tây.
Bao giờ con người  thoát ra được cái hữu hạn hiện tại, thấy được cuộc đời như Thiền ca số 10 viết: “Tròn như trái đất yên lành, muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn”, không còn “ bên ni, bên nớ”, theo Phạm Duy, thì con người mới tìm được hạnh phúc. Ông cảm nhận theo cách của riêng mình:”Muốn tới được bờ sông giác, An nhiên hát nhỏ cùng tôi ”(Xuân, Thiền ca số 5) - hát nhỏ nhạc Thiền với ông. Bởi vì ”Tất cả là tôi mà cũng là chung” (Thinh Không, Thiền ca số 1).
10 Bài Thiền ca ra đời đã trên mười năm, không rõ đã “giác ngộ” được cho những ai chưa, nhưng theo tôi, nó đã có một ảnh hưởng rất lớn đến những năm cuối đời của chính ông. Việc Phạm Duy đưa gia đình trở lại sống ở quê nhà là một biểu hiện của con người đã đến được ”bờ sông giác”. Ông đã tự thắp đuốc rọi sáng ”con đường về” chi chính mình.
Trong một phút giây nào đó, tôi cũng muốn có được một “bờ sông giác” của riêng tôi. Trên đường về, với tuổi bảy mươi, tôi lại nghe nhạc thiền Phạm Duy.
Nguyễn Đắc Xuân
Gác Thọ Lộc, cuối năm 2005
 
Nguồn tạp chí VHPG số 6-2005
Theo https://giacngo.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương...