Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Thơ trẻ - Nỗi kỳ vọng ở phía trước

Thơ trẻ - Nỗi kỳ vọng ở phía trước...
(Tham luận đọc tại Hội nghị 
Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII)
Cho phép tôi được nói thật và nói thẳng một số suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình nhân cuộc gặp gỡ quan trọng được nhiều người trông đợi này. Đầu tiên là những tín hiệu vui mà tôi đã kịp nhận ra so với Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VII ở Hội An năm 2006. Dễ thấy trước nhất là số lượng các cây bút Trẻ đại diện cho các vùng miền và các lĩnh vực rõ ràng đông hơn. Không hẳn người viết Trẻ trong 5 năm qua xuất hiện nhiều hơn đâu, mà chủ yếu là do biên độ lựa chọn được chủ động nới rộng ra hơn. Ban tổ chức chấp nhận cả những mầm non mới nhú nhưng bước đầu đã tỏ ra khá dồi dào nhựa sống. Đặc biệt, những tên tuổi từng ít nhiều quen biết ở những diễn đàn văn chương khác nhau, trên báo chí truyền thống lẫn báo chí mạng, vẫn không nằm ngoài con mắt xanh của những người có trách nhiệm. Thêm nữa, chỉ cần nhạy bén một chút, ta cũng không khó nhận ra tính kế tục trong đội ngũ đi liền với tính liền mạch trong xu hướng thi ca đương đại. Thơ Trẻ tất nhiên khác biệt với thơ của các thế hệ đi trước. Không khác mới lạ và buồn. Nhưng tuyệt nhiên tôi không hề thấy sự gián cách, đứt đoạn. Sự đối lập lại càng không có. Ngay ở những trường hợp sáng tạo thi ca Trẻ được coi là quyết liệt nhất, triệt để nhất trong thể nghiệm, vẫn thấy dấu ấn khi tỏ khi mờ, khi trực tiếp khi gián tiếp của những khai phá mang tính mở đường ở các nhà thơ đàn anh. Đó là một dấu hiệu thật đáng mừng, vì nó hợp với quy luật của mọi sự phát triển tự nhiên. Cuối cùng làtâm thế sáng tạo của các cây bút Trẻ hình như ngày càng tỏ ra chín chắn, điềm đạm hơn lên. Hầu như ta không mấy khi phải nghe thấy những tuyên bố gây sốc như nhiều lần trước, kiểu: Tôi đang cháy hết mình đây! (Nhưng với ngọn lửa nào nhỉ?); hay: Tôi chỉ quan tâm tới biểu hiện mình thôi! (Nhưng với “cái tôi” nào vậy?)… Cùng với điều này, xem ra các bạn trẻ đòi hỏi người ngày một ít đi trong khi tự đòi hỏi mình nhiều hơn và cao hơn.
Tất cả những ấn tượng đó, ở một mức độ nhất định, thể hiện rõ trạng thái trầm tĩnh, lắng sâu của sự vận động thi ca, rộng hơn là của tiến trình văn chương dân tộc trong năm đầu tiên của thập niên thứ hai thuộc thế kỷ mới. Đã qua rồi thời kỳ sốc nổi có phần bồng bột, hoang tưởng trong quá trình hội nhập với nền thi ca tiên tiến của nhân loại. Nói như nhà thơ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì đó là lý do của hy vọng khiến ta không ngại ngần đặt niềm tin vào những thành tựu thi ca mang tính dung hợp, kết tinh xuất hiện trong một tương lai gần.Bây giờ, tôi xin mạnh dạn đi vào một vài vấn đề nảy sinh trong đời sống thi ca Trẻ mà bản thân cho là chưa được đồng thuận lắm trong nhận thức, do vậy rất cần được nhiều người cùng góp sức tháo gỡ, nếu chúng ta còn nuôi dưỡng niềm kỳ vọng vào những thành tựu thi ca mới nay mai.
1. Vấn đề thể nghiệm thơ. Thể nghiệm thường song hành với quá trình sáng tạo thi ca đích thực, nơi không hề có con đường chung cho hết thảy mọi người cầm bút. Đối với giới Trẻ vốn đặc biệt nhạy cảm với cái mới thì sự thể nghiệm càng trở thành một nhu cầu khẩn thiết và bức bách. Nó thể hiện ý thức khẳng định tiếng nói thi ca độc đáo của mình trong thời đại cái riêng thường bị chìm khuất đi trước cái chung đã trở nên giàu có, đa dạng hơn nhiều so với các giai đoạn trước. Nó còn thể hiện tinh thần hội nhập chủ động với nhân loại hiện đại theo quy luật có tiếp nhận và có đóng góp, một khi ai đó còn ý thức được sự tồn tại của mình trong tư thế một nhân cách văn hóa độc lập. Tuy nhiên, có ít nhất ba nỗi băn khoăn nổi lên trong tôi.
Một là, nội dung thể nghiệm có lẽ còn phiến diện. Phần lớn các bạn trẻ rất đam mê thể nghiệm trên lĩnh vực thi pháp. Cũng có thể hiểu được! Cách thức biểu hiện thi ca ở ta so với thế giới nhiều phần lạc hậu và đơn điệu. Tiếp xúc với những cái mới mẻ trong nền thơ hiện đại của nhân loại, rất dễ nảy sinh ra tâm lý sốt ruột. Có điều, tôi nghĩ, cái mới trong văn chương mà nói riêng trong thi ca chắc không chỉ nằm ở cách thức biểu hiện. Sức khám phá ít nhất còn ở 2 phương diện chính yếu sau nữa: tư tưởng và đời sống. Như thế mới có thể xem là đủ đầy chăng?
Hai là, việc xác định mục đích thể nghiệm có thể còn chưa thật chuẩn xác. Không ít bạn coi thể nghiệm đơn thuần chỉ là một đòi hỏi tự nhiên của sáng tạo thi ca. Phải tìm con đường chưa ai đi! Phải nói tiếng nói chưa ai nói! Lạ, rất lạ hình như được coi là mục đích của thể nghiệm văn chương. Tôi thì không hoàn toàn nghĩ vậy! Cái đích sau cùng của mọi thể nghiệm đúng nghĩa có lẽ nằm ở chỗ phải bằng mọi cách tạo ra được những giá trị thi ca mới mẻ, góp phần làm giàu có thêm gia sản tinh thần của dân tộc, và cao xa hơn là của nhân loại. Vậy thì thể nghiệm nghệ thuật đích thực không thể riêng có cứu cánh tự thân. Phải chăng như thế mới được xem là những thể nghiệm nghệ thuật đúng hướng và hiệu quả?
Ba là,xu hướng thể nghiệmhình như có phầnlầm lạc. Tôi nghĩ, đây là sự thể nghiệm thi ca. Một loạt yêu cầu sau nên đồng thời được đáp ứng trong thể nghiệm: Làm sao để khai thác mọi tiềm năng của thơ! Làm sao để nới rộng mọi giới hạn có thể của thơ! Làm sao để tăng sức quyến rũ mê hồn của thơ! Làm sao để đào sâu sự tinh tế, uyên ảo của thơ!... Mọi thể nghiệm chân chính không thể rời xa những định hướng quan thiết đó. Nói khác đi, tất cả mọi thể nghiệm đều được chúng ta dang cả hai tay đón nhận nếu chúng không rời xa bản chất đích thực của thi ca.
2. Liên quan mật thiết tới thể nghiệm thơ là quan niệm về sự hiểu trong thơ. Vấn đề này hầu như luôn đối mặt với mỗi người khi bàn về giá trị thi ca. Ở đây nên có một sự phân biệt nhất định nào đó. Bởi, đời sống con người mà thi ca mong muốn biểu hiện bao giờ cũng bao gồm hai phương diện hòa hợp với nhau: phần tỏ và phần mờ, phần xác định và phần vô định. Giống như, có âm hẳn có dương, âm trong dương, dương trong âm vậy. Thiếu mặt nào cũng đều không trọn vẹn cả. Thế giới thi ca gắn bó mật thiết với đời sống cũng thế. Do vậy, phần quan trọng nếu không muốn nói là phần chính yếu trong thưởng thức thi ca lại thường ẩn chứa trong sự cảm nhận. Vì thi ca thường ưa biểu biện những gì mơ hồ, thậm chí ảo huyền. Lời vô ngôn gói hoang đường/ Trò chơi con chữ vô thường vậy thôi! - một ai đó từng cảm hứng mà đột nhiên thốt ra những lời thấu đáo như thế. Vậy thì ai dám cả quyết là có thể phân tách, diễn giải mọi thứ (trong thơ thường là thế giới vô hình bên trong của con người) cho tỏ tường đâu ra đấy được. Đã và mãi tồn tại cái bất khả trong đời sống. Mong mỏi chiếm lĩnh được chân lý tuyệt đối, chân lý sau cùng có thể lãng mạn, bay bổng và cuốn hút thật đấy, song chắc chắn chỉ là một ảo tưởng thi vị. Đã vậy thì sao ta lại đòi hỏi lĩnh vực kỳ diệu như thi ca một yêu cầu khác được. Trong thơ, sự cảm cần thiết không kém gì so với sự hiểu có lẽ là vì thế.
Do vậy, khi đặt ra vấn đề hiểu hay không hiểu trong thơ chủ yếu ta muốn nói tới phần tỏ, phần xác định trong biểu hiện đời sống của thơ mà thôi. Ở góc độ này, tôi không nghĩ thơ hiện đại hay là phải dễ hiểu. Như thế thì tầm thường hóa thơ và người thưởng thơ quá chăng! Nhưng tôi cũng không cho rằng thơ hiện đại hay nhất thiết phải khó hiểu. Nếu thế thì thơ viết cho ai nhỉ? Đặc biệt khi con người luôn có nhiều nhu cầu và sự chọn lựa tinh thần mà lại rất ít thời giờ vật chất như hiện nay? Chỉ cần mở ngoặc lưu tâm thêm điều sau: dễ hiểu hay khó hiểu nói đây là trong nhận thức của những độc giả có trình độ văn chương nhất định. Vậy thì câu trả lời của tôi bao giờ cũng là:thơ hay là thứ thơ không hoàn toàn khó hiểu. Có nghĩa, do cách thể hiện mang dấu ấn riêng nên thơ hay thường rất nhiều lớp nghĩa. Như củ hành ấy, rất nhiều lớp vỏ. Thưởng thơ cũng như việc bóc tách dần lớp vỏ của củ hành để dần dà đi vào cái lõi nằm sâu ở bên trong. (Và thực chất khi bóc hết, vào tận cùng, thì cuối cùng cũng vẫn chỉ là… hành. Nhưng ý thức cảm sẽ được hình thành trong quá trình “bóc tách vỏ hành”). Chỉ khác ở chỗ, đi vào tận cùng ý tình của những áng thơ hay có lẽ là không thể! Nhưng bí quyết của cái huyền ngoại chi âm ấy nằm ở đâu? - nhiều lần tôi tự hỏi, và câu trả lời khi nào cũng nằm ở sức dung chứa rộng lớn của chúng. Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng (Hữu Thỉnh). Thơ hay luôn là vậy, mang sức khái quát lớn về cõi đời và cõi người. Không dễ viết những câu thơ tưởng như dễ hiểu ấy đâu! Tôi biết, một quan niệm tương tự không hẳn đã nhận được sự chia sẻ rộng rãi của các bạn trẻ. Có thể một ai đó trong các bạn lại ưa thích sự cầu kỳ, rắc rối trong ý tứ, câu chữ và hình ảnh hơn kia! Chỉ mong các bạn ấy nên nghĩ lại.
3. Đi cùng với những mong muốn thể nghiệm trong thơ là vấn đề liên kết thơ với các loại hình nghệ thuật khác. Có thể hiểu được xu hướng này. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa nhân loại đã xếp thi ca, văn chương thuộc vào một lĩnh vực chung gọi là nghệ thuật. Các ngành nghệ thuật đều giao hòa trong nhiều phẩm chất thẩm mỹ khiến chúng thật gần gũi đến mức trở thành anh em ruột rà. Do vậy, sau khi đã tách ra thành từng loại hình riêng biệt, chúng vẫn hướng về nhau, liên kết bổ trợ cho nhau bằng nhiều con đường và nhiều cách thức, nhằm thỏa mãn ngày một tốt hơn nhu cầu tinh thần vô hạn của con người. Ở nước ta thời trước, thi trung hữu họa và thi trung hữu nhạc đã trở thành những định thức thi ca quen thuộc. Tuy nhiên, chưa bao giờ như thời đại của chúng ta, các ngành nghệ thuật lại tự nguyện nắm chặt tay nhau đến thế! Không lấy làm lạ khi có lúc thơ đã đi tìm sự hỗ trợ bởi âm nhạc, tạo hình, sân khấu, vũ đạo, nhiếp ảnh và điện ảnh… Nếu đúng cách thì hiệu quả thẩm mỹ đem lại phải thừa nhận là không hề nhỏ. Nhiều cuộc ngâm thơ, trình diễn thơ hoặc nhiều tập thơ sắp đặt câu chữ, hình ảnh thành công là những minh chứng hùng hồn.
Có điều, cái gì cũng có mặt trái của nó. Ý thức về giới hạn sẽ phần nào hạn chế được mặt trái ngoài ý muốn. Tôi muốn nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào, nếu còn duy trì mong muốn biểu hiện dự đồ sáng tạo bằng thơ chứ không phải bằng các loại hình nghệ thuật khác thì dứt khoát phải lấy đặc trưng và phẩm chất thơ làm trung tâm. Mà từ ngàn đời nay, thơ bao giờ cũng là thứ nghệ thuật ngôn từ. Mọi loại hình nghệ thuật khác trong những trường hợp này chỉ là nền. Quan trọng, dụng công đến đâu cũng chỉ giữ vai trò nền. Không thể khác được. Tâm điểm phải là chất thơ thể hiện qua ngôn ngữ đặc thù kết thành hình ảnh thơ, trôi chảy qua âm điệu thơ. Nếu không đảm bảo được nguyên tắc căn cốt ấy thì có thể tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ nào đó, nhiều khi khá sâu đậm, nhưng dứt khoát không thể xem là ấn tượng thi ca. Mọi ý định, dẫu tốt lành và da diết đến đâu, đôi khi đều trở nên xa vời. Mọi công lao, dầu tốn kém và quy mô đến đâu, có lúc đều tuột khỏi mong đợi của người sáng tạo. Thật đáng tiếc thay! Đó là lý do mà không ít người có nhiều điều kiện công bố thi phẩm của mình dưới những cách thức thật hoành tráng song cuối cùng họ đều tìm đến lối in ấn truyền thống quen thuộc, vừa dung dị lại vừa phù hợp và sang cả. Tôi trân trọng sự chọn lựa của họ. Hơn thế, tôi còn cảm phục khiếu thẩm mỹ ở họ nữa.
4. Cuối cùng, tôi muốn bàn thêm về mối quan hệ giữa chí và tài trong sáng tạo thi ca. Tôi tán đồng với ý kiến cho rằng, so với giai đoạn trước, hiện tại chúng ta chưa thấy xuất hiện thần đồng thi ca. Nói khác đi, khả năng, thiên hướng thơ thì có, nhưng tài năng thật sự độc sáng trong lĩnh vực này thì chưa. Trong tình hình đó, người cầm bút nên quan tâm nhiều hơn tới cái chícủa mình. Đó có lẽ là sự khác biệt cơ bản giữa các nhà thơ Trẻ hôm nay với các thế hệ nhà thơ lớp trước. Giờ đây, giữa dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời, rất hiếm khi nhận ra những cây bút đam mê đến mức “sinh nghề tử nghiệp”cho thi ca và vì thi ca. Nhiều bạn còn nói ra thành lời nữa kia! Xem văn chương, thơ phú chỉ là một cuộc chơi theo nghĩa tầm thường nhất của từ này là một ví dụ. Thích thì làm, hứng thì viết, chứ sáng tạo thơ chưa thật sự trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người cầm bút. Tôi không cho như vậy là một lối ứng xử nghề nghiệp tích cực. Ai cũng biết cái nghề viết của chúng ta luôn khe khắt và nghiệt ngã lắm. Chớ nên ỷ vào “cái khiếu” văn chương. Thứ trời cho quý lắm song dẫu dồi dào đến mấy cũng rất dễ nhanh chóng vơi cạn. Cái quyết định khi nào cũng nằm ở sự kiên tâm. Sau khi đã có ít nhiều tư chất bẩm sinh, cố nhiên.Trong sự hình dung về nỗi cực nhọc của nghề văn tôi thích nhất lối so sánh với sự leo núi. Muốn chiếm lĩnh được những ngọn núi cao phải nỗ lực hết mình. Không được phép ngơi nghỉ. Trong từng giây, từng phút. Chỉ biết hướng tới cái đích cao vời ở phía trước. Đích càng cao thì lại càng phải gắng sức. Cái gì cũng có giá của nó mà!
Ở đây liên quan tới một vấn đề khá nhạy cảm hiện nay là việc trong thơ. Sống giữa thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, sao ta có thể đứng ngoài mà vân vi hoài rằng có nên hay không nên quảng bá thơ văn nhỉ? Cứ phấp phỏng e ngại sản phẩm tinh thần linh diệu của con người ấy sẽ mất thiêng đi! Tôi cho lối nghĩ ấy đã tỏ ra lỗi thời từ lâu rồi. Vì, cho dầu đặc thù đến đâu thì thơ văn suy cho cùng cũng chỉ là một loại “hàng hóa” thôi mà. Vấn đề là cần quảng bá thế nào cho phù hợp với tính chất của nó, nhất là phù hợp với giá trị thực của nó. Nói đến đây, tôi chợt giật mình nghĩ ngay tới những bài giới thiệu tác giả, hay hẹp hơn là giới thiệu tác phẩm có phần tung hô, tán dương vô lối hiển diện đầy rẫy trên các trang web hay blog vào thời gian gần đây. Không loại trừ cả những trang báo in chuyên và không chuyên về văn chương. Đọc chúng, ta cứ nghĩ nền thi ca Trẻ sao mà nhiều tài năng độc sáng đến thế! Rồi tự nhiên vô cớ quay sang trách cứ các nhà phê bình: Gớm, sao các ngài thận trọng, khắt khe làm vậy! Hay khả năng thẩm định thơ thể hiện ở thước đo thơ của các ngài đang có vấn đề? Ở đây, có lẽ tai hại nhất lại nằm ở bản thân đối tượng được (bị?) phê bình. Bởi, bao giờ chẳng vậy, trong nghề viết mà chúng ta đang hết lòng đeo đuổi, sự ngáng trở bên trong mới đáng kể, vì vậy, mới đáng sợ. Nếu không làm chủ được mình, rất có thể các cây bút Trẻ trong những trường hợp này sẽ chuếnh choáng. Cứ như say rượu bia ấy, không còn biết trời cao đất rộng là gì nữa. “Mục hạ vô nhân”. Mình là nhất. Thơ của người khác chỉ là cỏ rác… Hậu quả thật khôn lường! Đáng ngại nhất là từ đó người thơ lúc nào cũng phải mặc một cái áo quá rộng so với khổ người của mình. Đi đứng, nói năng cứ phải khác người. Là “thi sỹ nổi tiếng” rồi mà! Không tìm đâu ra thực chất nên rất dễ khôi hài. Chỉ những ai đứng ngoài mới hay sự khôi hài ấy trơ tráo đến mức nào!
Vâng, thưa các bạn, tôi đã tâm sự nhiều điều về thơ Trẻ. Chắc không ít bạn cảm thấy không mấy hài lòng. Chẳng sao cả đâu! Trên những diễn đàn quan trọng, tôi vốn không thật ưa những lời nói ve vuốt một chiều. Mặc dầu vẫn rất biết lời ngọt nhiều lúc cũng lọt đến tận xương tủy. Bởi vậy, tôi đã sẵn lòng đón nghe những ý kiến phản hồi từ phía các bạn. Nhưng có điều này thì tôi ý thức thật rõ: những gì tôi nói ra đều được suy ngẫm rất kỹ càng, nhất là, đều chỉ bắt nguồn từ một nỗi hy vọng không nguôi ngoai vào tương lai tươi sáng của nền thi ca dân tộc mà chủ nhân của nó không ai khác chính là các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!
Đà Lạt, 4.9.2011
PHẠM QUANG TRUNG
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


Nhà văn trẻ và những cuộc chạy đua ngầm

Nhà văn trẻ và những cuộc chạy đua ngầm
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 chỉ còn hơn tháng nữa sẽ diễn ra. Việc Hội Nhà văn Việt Nam chưa công bố thông tin về danh sách những người tham dự cho báo giới thể hiện sự cân nhắc cẩn trọng, tránh những ồn ào đáng tiếc... nhưng hình như lại càng khiến dư luận quan tâm hơn?
Ẩn số đại biểu
Trước khi Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 3 vào cuối tháng 5. Dù thông tin về Hội nghị văn trẻ của thành phố phương Nam này được đưa ra ngay sau Ban chấp hành mới nhận nhiệm vụ cùng với nhiều cuộc họp bàn về cách thức tổ chức Hội nghị cũng được đưa ra sau đó. Thế nhưng, cũng phải gần đến thời điểm cuối thì danh sách đại biểu mới được công bố. Quan sát tinh ý có thể nhận ra, ban đầu, trên website của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đưa ra danh sách 70 đại biểu và khách mời tham dự, nhưng chỉ vài hôm sau, danh sách đó đã có một chút thay đổi ở đại biểu chuyên ngành thơ, văn xuôi và văn học dịch khiến tổng số đại biểu xê dịch ở con số 72. Vì vừa tổ chức xong Hội nghị cộng với một trại sáng tác trẻ mà Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh là nơi công bố rộng rãi danh sách giới thiệu đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc sớm nhất với tổng số 18 người, trong đó 15 đại biểu và 3 khách mời.
Tuy nhiên, thông tin mà Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh công bố, theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà - trưởng ban nhà văn trẻ thì đó chỉ là danh sách giới thiệu của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chứ chưa phải là danh sách chính thức đã được Hội Nhà văn Việt Nam duyệt. Điều này đồng nghĩa, 15 đại biểu mà Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu chỉ là một kênh tham khảo, cân nhắc cho Hội Nhà văn Việt Nam. Con số đại biểu có thể giữ nguyên 15 hoặc tăng lên hay giảm đi cụ thể thế nào phải do Hội Nhà văn Việt Nam quyết định và hiện giờ vẫn chưa có.
Riêng Hội Nhà văn Hà Nội, qua trao đổi ngắn với chủ tịch Hội - nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên thì được biết, Hội đã gửi danh sách giới thiệu đại biểu lên Hội Nhà văn Việt Nam với số lượng tương đương Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Hà Nội là một hội đặc thù, vừa có tính thủ đô, vừa có tính toàn quốc. Có nhà văn vừa nằm trong sự giới thiệu của Hội Nhà văn Hà Nội, lại vừa được Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp giới thiệu như trường hợp của Cao Việt Dũng và một số nhà văn khác. Sau khi xếp riêng những nhà văn bị “trùng” sự giới thiệu của Ban văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, thì Hội Nhà văn Hà Nội còn lại danh sách giới thiệu là … 2 đại biểu (Trần Hoàng Thiên Kim và Bế Kim Loan).
Khu vực Hà Nội còn được nhắc đến khoa Viết văn thuộc trường Đại học văn hoá với khoảng 60 học viên đang theo học. Và dù gì thì vẫn có thể coi đây là ngôi trường gần như quy tụ những gương mặt trẻ triển vọng của các địa phương lại đều nằm trong diện… đủ tuổi tham dự Hội nghị - dưới 35 tuổi, nhưng chỉ 4 gương mặt được giới thiệu. Khi được hỏi, vậy số học viên đang theo học trong trường được giới thiệu theo khối Hà Nội, trường học hay được đưa về địa phương thì Nhà văn Văn Giá - chủ nhiệm khoa cho biết là khoa có công văn và được giới thiệu trực tiếp lên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng không rõ Hội Nhà văn sẽ xếp họ vào diện nào. Tuy có 4 gương mặt được giới thiệu nhưng rất có thể chỉ có 2 gương mặt được chọn chính thức. Kết quả cuối cùng thế nào thì vẫn phải chờ từ Hội Nhà văn Việt Nam.
Khoa Viết văn ban đầu cũng được phía Hội Nhà văn Hà Nội dự định lựa chọn nhân sự - như cách làm của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Và nếu dự định này được thực hiện thì số lượng chắc chắn nhiều hơn con số 4 mà khoa đã giới thiệu lên Hội Nhà văn. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Hà Nội đã thay đổi cách thức lựa chọn nhân sự, là chỉ lấy Hội viên chứ không lấy những cây bút trẻ ngoài Hội nên đối tượng học viên của khoa Viết văn nằm ngoài chỉ tiêu. Có hai cây bút trẻ là Hồng Thuỷ Tiên (Kon Tum) và Quyên Quyên (Ninh Bình) đang là sinh viên của trường nhưng cũng là Hội viên của địa phương (đã có thành tích) là trường hợp đáng tiếc. Khi Hội Nhà văn Hà Nội đề xuất vấn đề nhân sự tham dự Hội nghị với trường, thì nhà văn Văn Giá tin chắc toàn khoa được khoảng từ 6 -10 người và sẽ có hai cây bút trẻ trên. Do vậy Hội văn học của Kon Tum và Ninh Bình đã để hai học viên này cho trường giới thiệu và giới thiệu nhân sự khác của địa phương lên Hội Nhà văn. Việc Hội Nhà văn Hà Nội thay đổi lựa chọn nhân sự và Hội Nhà văn Việt Nam thì hạn chế số lượng khiến sự góp mặt của khoa Viết văn trong Hội nghị văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 thưa thớt một cách ngạc nhiên. Có chăng, sự thay đổi số lượng trong phút cuối chỉ trông chờ vào hai trường hợp đáng tiếc trên thuộc dạng “ưu tiên” địa phương vùng sâu vùng xa!.
Quay trở lại với Hội Nhà văn Hà Nội để bàn thêm về tiêu chí chọn nhân sự, có cứng nhắc quá không khi nhất thiết phải là Hội viên - Hội viên dưới 35 tuổi? Với đặc thù của thủ đô mà không ít cá nhân vừa là lựa chọn của Hội địa phương vừa là lựa chọn của Hội trung ương thì Hội Nhà văn Hà Nội chỉ có thể dừng lại ở con số 2 cho vấn đề nhân sự? Nhìn sang Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh thì thấy, Hội đã chọn cả đối tượng sinh viên, các cây bút trẻ chưa phải Hội viên là đại biểu tham dự Hội nghị.
Tất nhiên mọi quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Hội Nhà văn Việt Nam. Mọi phán xét, bình luận, khen chê chỉ có khi danh sách nhân sự được công khai. Thế nhưng, sự quan tâm của công chúng hướng về Hội nghị thời điểm này là có lý do và không hề sớm, bởi đây đã là lần tổ chức thứ 8 sau 5 năm mới có.
Và … danh hiệu Nhà văn trẻ!
Như trên đã nói, dù không có chuyện bầu bán với chức tước bổng lộc trong văn chương, nhưng tại sao vấn đề nhân sự của Hội nghị những người viết văn trẻ luôn là tâm điểm chú ý của công chúng?
Trong bài phỏng vấn gần đây trên báo Tổ Quốc, ba gương mặt trẻ là Trương Anh Quốc, Đoàn Văn Mật và Nguyễn Quang Hưng khi nói về mong muốn Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc sắp diễn ra đem đến điều gì cho văn học trẻ và bản thân thì đa phần câu trả lời là dịp để gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu… và không tham vọng điều lớn lao như một phép nhiệm màu đến với văn học trẻ thay vì nỗ lực tự thân đã được mặc định từ xưa đến nay trong lao động viết văn. Nói thế không có nghĩa là các cây bút trẻ của chúng ta thiếu không gian giao lưu gặp gỡ văn chương mà họ đã ý thức và chừng mực được những gì một Hội nghị văn trẻ mang lại.
Một cây bút trẻ có tên tham dự Hội nghị đồng nghĩa với việc họ được hưởng những quyền lợi vật chất trong vài ngày. Nhưng sự háo hức không phải chỉ đơn giản bởi được chu toàn chỗ ăn ở trong một chuyến đi xa, vì như thế thì tất cả những ai có điều kiện đều thực hiện được chứ không phải chờ đợi 5 năm.
Có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất khiến chiếc vé tham dự Hội nghị văn trẻ có giá chính là được khoác danh hiệu… Nhà văn trẻ!.
Các cây bút trẻ sau vài năm miệt mài theo đuổi con đường văn chương với lưng vốn một vài đầu sách, một vài giải thưởng… đâu đó có những lời khen ngất ngưởng và cũng không thiếu lời chê. Đánh giá cùng một tác phẩm, một giải thưởng nảy sinh những đối lập khiến những cây bút trẻ hoang mang. Lập trường vững và biết mình đang ở đâu thì họ không nao núng và dần tìm lối đi cho mình, ngược lại thì rơi vào cảnh “đẽo cày giữa đường” hoặc lao vào những cuộc tranh luận không đầu không cuối với lý lẽ bảo vệ còn non nớt. Vì thế, nếu như được có mặt tham dự Hội nghị có thể coi là sự công nhận (dù ở mức độ nào đó) thành quả đầu tiên, một bước gặt hái đầu tiên những gì mà các cây bút trẻ đã và đang có được. Sự ghi nhận này là một thứ “lửa” đem lại hào hứng, nhiệt huyết rất cần thiết cho những người trẻ cầm bút dấn thân vào con đường viết văn đầy thử thách.
Trong vài năm gần đây, Ban Nhà văn trẻ đã phát hiện và giới thiệu được một số cây bút trẻ có triển vọng. Với chuyên môn, sự năng động và kinh nghiệm họ đã tạo ra uy tín nghề nghiệp với các cây bút trẻ. Nên việc được chọn tham dự Hội nghị văn trẻ không chỉ là sự công nhận mà là cánh cửa để các cây bút trẻ mang trong mình danh hiệu Nhà văn trẻ. Nhiều người đã mặc định danh hiệu Nhà văn trẻ cho những ai có mặt tham dự Hội nghị văn trẻ. Một danh hiệu ngắn ngủi, không cần phải chờ đến kết nạp và sẽ tự mất đi theo thời gian. Vì khi trở thành nhà văn thực thụ sẽ không còn chữ trẻ và ngược lại chẳng ai muốn cả đời đứng trong hàng ngũ Nhà văn trẻ.
Nhà thơ Văn Công Hùng khi nói về “Văn trẻ - một thời không quên” đã có một quan sát khá thú vị: “Chả thể mà khối người ghi vào lý lịch đã đành, còn ghi lên cả bìa 4 của sách khi in: Là đại biểu hội nghị nhà văn trẻ năm..., hoặc: Đã dự hội nghị những người viết văn trẻ..., như một thương hiệu, một cái mốc trên con đường sáng tác vất vả nhọc nhằn của mình” thể hiện phần nào sức hấp dẫn của Hội nghị những người viết văn văn trẻ.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà trong bài trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ có nói: "Tôi nghĩ đã là người viết thì ai cũng có tự trọng. Hội nghị toàn quốc có đại diện của 63 tỉnh thành, và chỉ được giới hạn số lượng đại biểu nên sẽ có trường hợp người đi dự, người không đi dự. Người này không đi thì sẽ mở ra cơ hội cho người khác, đều là bạn bè văn chương của mình cả. Hơn nữa, cái còn lại của người viết là tác phẩm chứ đâu có phải là số lần dự Hội nghị. Nếu có bị sót hay phải nhường, tôi tin các tác giả trẻ có năng lực, có bản lĩnh và ý chí sẽ không bao giờ có biểu hiện tiêu cực". Đó là mong muốn chính đáng không chỉ của riêng nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Tuy nhiên dù có cầm bút, họ vẫn là những người trẻ, sẽ không tránh khỏi nôn nóng, bốc đồng, sẽ không loại trừ cuộc chạy đua ngầm… Tất cả điều này có xảy ra hay không, hoặc xảy ra ở mức độ nào đòi hỏi sự công bằng cũng như cách giải quyết của những người đứng mũi chịu sào.
HIỀN NGUYỄN
Nguồn Tổ Quốc
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


Điêu tàn - Nỗi hoài vãng khôn nguôi về quá khứ

Điêu tàn - Nỗi hoài vãng 
khôn nguôi về quá khứ 
“Có thể xem Điêu tàn vừa là sự khai mở, nhưng đồng thời cũng là điểm kết thúc hành trình sáng tạo của một quan niệm thơ. Cuối hành trình ấy nở rộ những bông hoa lung linh huyền ảo được mọc lên từ một tháp thơ lẻ loi và bí ẩn”.
1. Hoài vãng là tiếc nuối, níu kéo, quay về dĩ vãng. Đây là một trong những đặc trưng của Thơ Mới 1932 - 1945. Thơ Mới thường đặt ưu tiên vào con người mộng mơ, cũng có nghĩa là đối lập giữa lý tưởng với thực tế đời sống. Thế Lữ thoát lên tiên, Lưu Trọng Lư đi vào cõi mộng, Xuân Diệu say sưa trong cõi tình, Chế Lan Viên một mình tìm vào cõi hư vô đầy yêu tinh ma quỉ.
2. Cũng giống như các nhà thơ Mới khác, hiện thực cuộc sống là một trong những lý do đầu tiên khiến Chế Lan Viên quay về dĩ vãng, tìm đến non nước Chiêm Thành tàn lụi để khơi ngồn thi hứng. Lớn lên trong không khí kiềm hãm của chế độ thực dân, Chế Lan Viên đã ý thức được nỗi nhục nhã của người dân mất nước. Chàng thanh niên ấy vật vã trong bế tắc và ông đã tìm đến thơ như một liệu pháp tinh thần.Sự đổ nát của nền văn minh Chiêm Thành cộng với tấm lòng đa sầu, đa cảm của một tri thức trẻ tuổi đã làm nên Điêu tàn.
Bên cạnh đó, quá khứ Chiêm Thành và hình ảnh những ngọn tháp Chàm trầm tư hàng thế kỷ, bàng bạc trên đất kinh kỳ xưa đã ám ảnh hồn thơ Chế Lan Viên từ thời niên thiếu, khơi gợi tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ về sự biến thiên tàn lụi vốn cũng là hiện trạng của đất nước Việt Nam lúc bấy giờ trong vòng nô lệ tối tăm. Jaya Panrang từng nói: Chúng ta nên yêu những gì không bao giờ thấy lại lần thứ hai. Đó là trường hợp Chiêm Thành đã mất mà Chế Lan Viên vẫn luyến tiếc, yêu thương. Đối diện trực tiếp với di tích Chàm vừa thê lương, rùng rợn, vừa linh thiêng, ma quái… Chế Lan Viên không không khỏi ngậm ngùi. Trong sự rung cảm triền miên trước những gì gây cảm xúc cho tâm hồn nghệ sĩ, Chế Lan Viên dường như đã quên mình là người Việt Nam để hóa thành muôn vạn người Chiêm quốc. Quên đi, để tưởng tượng mình đang nhận quê hương là rừng rậm. Quên đi, chỉ còn một trái tim cảm nhận, đôi mắt nhìn xa xăm và cõi lòng đựng tràn quá khứ. Đó là những khởi phát cho cảm xúc nhà thơ để rồi cùng với sự mẫn cảm và trí tưởng tượng phi thường đã giúp Chế Lan Viên tạo lập một cõi khác - một lịch sử đau thương trở về.  Từ đó, Chế Lan Viên khai thác những đền đài đổ nát của Chiêm quốc để từ chối thực tại và chìm sâu vào băn khoăn siêu hình về với cái “tôi” và bản thể. Ông biểu hiện một cách độc đáo cảm quan về thời đại khủng hoảng của đời sống.
 3. Chất liệu để sáng tạo nên Điêu tàn là bóng tối, mồ hoang, sọ người, xương khô, máu tuỷ và những hồn ma vất vưởng,là tiếng than xé lòng của hồn ma quá vãng, gào kêu với hiện tại tang thương. Chế Lan Viên đã xây lên một tháp thơ oan hờn dưới ánh sáng điêu linh của thời gian và trở thành một trong những biểu hiện tinh thần bi thảm trước sự thống khổ của thời đại, thông qua ngõ hồn chan chứa sầu não và gửi lòng mình vào cõi mộng xa xăm. Nhà thơ run rẫy trước những chứng tích còn lại của một triều đại vàng son, với đền tháp huy hoàng, với khúc nhạc mê say huyền ảo. Với nguồn thi hứng của một quốc gia suy vong, ông đã tạo nên một kỷ nguyên mới mẽ trong ý niệm bi thảm của con người trông ngắm cảnh cũ người xưa đã mất. Nhà thơ dựng lại quá khứ của dân tộc Chiêm Thành, sống với những hình ảnh về hồn ma bóng quỷ, lấy trạng thái “điêu tàn” làm đối tượng thẩm mĩ:
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ bên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.
Đó là quá khứ vàng son lộng lẫy nhưng đã chết. Điều lạ lùng là Chế Lan Viên đã lấy nó để khỏa lấp hiện tại đổ nát, chán chường: Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than (Trên đường về). Tất cả đều sụp đổ, thời huy hoàng trong quá khứ không còn là niềm an ủi cho tâm hồn thanh xuân của thi sĩ.
Chế Lan Viên muốn nhập vào dân Chàm mà khóc thương cho kiếp buồn của họ. Muốn làm sống lại thời vĩ đại một đi không trở lại chỉ có cách dựng lại những đền tháp huy hoàng, những bầu trời đầy sao, những bóng trăng huyền hoặc... nhưng vẫn chỉ là một nước non Chàm xưa cũ đang sống lại với đêm mờ: Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt/ Tháng ngày qua vẫn sống với trăng mờ (Bóng tối). Từ cái nhìn bi quan về cuộc đời, Chế Lan Viên đã vực dậy sự đổ nát, điêu tàn của thời đại. Nỗi đau mất nước của dân tộc Việt được Chế Lan Viên gián tiếp bày tỏ qua cách quay về dĩ vãng, vực dậy từ đổ nát của một nước Chàm oai linh. Một đất nước mà muốn tìm nó phải đi qua một biên giới quan trọng: xóa bỏ thực tại để đi vào cõi hư vô. Vì chính như vô mới có thể bắt gặp đầy đủ cả một vương quốc, cả một nền văn minh đền tháp, cả một thế giới du dương bởi màu sắc và âm thanh…
4. Bi quan thực tại, Chế Lan viên hoài vãng về một tình yêu, về hình bóng Chiêm nương huyền ảo. Tình yêu trong Điêu tàn cũng rợn lạnh âm khí, siêu thực dưới ánh trăng tuyệt vọng. Nhà thơ không tìm thấy sự tương giao trong tâm hồn con người:
Ta cùng nàng nhìn nhau không nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối
Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu
Người tình cũng là người du mộng của thế giới siêu thực, và có lẽ cũng là cái cớ để nhà thơ rung cảm, tạo nên một trạng thái si mê. Chế Lan Viên đã gặp người tình của mình bằng tiếng hát. Đôi khi trong giấc mơ thấy cả vũ khúc tuyệt vời của đoàn Chiêm nữ, vũ khúc ấy biến hóa theo từng điệu nhạc của trống kèn. Những Chiêm nữ đi dưới trăng như những nàng tiên khiến nhà thơ như muốn nhập thể vào để tìm phút giây êm đềm: Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc/ Suối tóc dài vừa chảy giữa lòng trăng (Mộng). Chính giữa hư vô, nơi nhà thơ nhập thể vào, vẳng lên tiếng hát như thực, như mộng của Chiêm nương: Chiêm nương ơi, cười lên đi em hỡi! Cho lòng anh quên một phút buồn lo!/ Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi/ Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta? (Đêm tàn).
Người tình Chiêm nữ không một lần hiện lên trực tiếp mà chỉ được nhà thơ hình dung qua những biểu tượng: Chiêm nương, Chiêm nữ, cô em, thân cô, nàng… Người tình ấy được miêu tả bằng những nét huyễn hoặc, mơ hồ: mái tóc chảy giữa dòng trăng, giọng hát trong trẻo quá, dáng đi uyển chuyển uống mình hoa… Bên người tình Chiêm nữ, nhà thơ đã có giờ phút được tâm sự, giãi bày: Nàng hỡi nàng trên tay ta là mộ trống/ Trong lòng ta là huyệt bỏ với trong hồn/Là mồ không lạnh lùng sương giá đọng/ Toàn khổ đau, sầu  não với lo buồn (Mồ không).
Người tình Chiêm nữ còn biểu trưng cho nỗi u sầu, oán hận của một đất nước tươi đẹp đã mất: Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc/ Những cô thôn vàng nhuộm ánh chiều tươi/ Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp/ Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui (Trên đường về). Dù đang ở trên bóng núi mây cao hay trong vòng tay âu yếm của người tình, linh hồn nàng vẫn đau đáu hướng về cố quốc. Vẻ đẹp trong tâm hồn người tình mà nhà thơ hướng đến cũng là khát vọng lớn nhất về tình nhân thế của Chế Lan Viên.
5. Không say sưa với tình yêu như Xuân Diệu, không trốn vào thế giới trụy lạc như Vũ Hoàng Chương, không đắm mình trong nỗi buồn mênh mang như Huy Cận… Chế Lan Viên hoài vãng về nước non Chàm một thời rực rỡ, một người tình diễm lệ, hư vô. Có ai ngờ, tất cả những đền đài, cung điện nguy nga, tráng lệ xưa kia giờ lại là những bãi tha ma, gào thét với oan hồn và khóc tìm Chiêm nữ. Hoài vãng về một thời vàng son không còn nữa cũng là cách để thi nhân bộc lộ nỗi đau mất nước, thể hiện tình yêu tha thiết với non sông. Nếu nhìn vào hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ, một người yêu nước cổ xúy dân chúng vùng lên, với bất kỳ hình thức nào, cũng không phải là việc làm yên ổn. Do đó, muốn bày tỏ nỗi lòng một cách trọn vẹn, không gì hơn bằng quay về quá khứ, mượn hình ảnh người làm hình ảnh mình, mượn tiếng than của người làm tiếng than của mình, mượn nỗi thù hận của người làm nỗi thù hận của mình.
“Điêu tàn” là chặng đường mở đầu trên hành trình thi ca và tư tưởng nghệ thuật của Chế Lan Viên. Nó như một  tháp thơ dựng lên trên mảnh đất lịch sử đau buồn của đất nước mang gông cùm nô lệ, được xây bằng những viên gạch siêu hình, gắn liền với tâm trạng chán nản u buồn vây phủ tư tưởng và những suy niệm về đời sống của nhà thơ. Có thể xem Điêu tàn vừa là sự khai mở, nhưng đồng thời cũng là điểm kết thúc hành trình sáng tạo của một quan niệm thơ. Cuối hành trình ấy nở rộ những bông hoa lung linh huyền ảo được mọc lên từ một tháp thơ lẻ loi và bí ẩn.
VÕ NHƯ NGỌC
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


Viết thật hay và sống thật nghĩa tình

Viết thật hay và 
sống thật nghĩa tình!
Sau gần 5 năm chờ đợi, vào lúc 14h chiều ngày 27.5.2011, Hội nghị Những người viết văn trẻ TP. HCM lần thứ 3 được khai mạc tại Bến Nhà Rồng, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, trong đó có 72 nhà văn trẻ. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, trong đó có 2 ngày tại Cần Giờ gồm 2 nội dung chính: Hội thảo Văn học trẻ trong dòng chảy thị trường và khai mạc Trại Sáng tác trẻ.
Đây được xem là sự kiện văn hoá của thành phố lớn nhất phương Nam, có nhiều tác động đến đời sống văn học, nhất là giới viết văn trẻ, được dư luận quan tâm.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tham luận đề dẫn của nhà thơ Phan Hoàng, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP. HCM.
Viết thật hay và sống thật nghĩa tình!
1.
Nhìn lại 36 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất, đội ngũ các nhà văn trẻ của thành phố đã nối tiếp nhau xuất hiện, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, chưa bao giờ lực lượng các cây bút tuổi đời dưới 40 của thành phố lại xuất hiện đông đảo như hiện nay: khoảng gần 100 người. Có bạn đã xuất bản cả chục đầu sách. Có bạn đã đoạt các giải thưởng văn học của thành phố, quốc gia, quốc tế. Có bạn đã có vị trí nhất định trên văn đàn. Và cũng có bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, mới bước đầu tìm cách khẳng định mình nhưng sớm thể hiện được tài năng và nhiệt huyết văn chương. Đặc biệt hơn, có những bạn say mê và lặng lẽ sáng tác, nhưng mãi loay huay chẳng biết gửi đăng báo thế nào, in sách ra sao; họ bước vào thế giới văn chương tự nhiên đơn độc như “cỏ dại” và cứ thế mà vươn lên… Đó là một thực tế mà ít người biết được.
Hoàn cảnh xuất thân của các nhà văn trẻ thành phố cũng là một nét văn hoá đặc biệt ít nơi nào có được. Có người sinh trưởng tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Có người từ miền Tây lên. Có người từ miền Đông xuống. Có người từ miền Bắc, miền Trung vào. Đa số họ tốt nghiệp từ các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, có người học từ nước ngoài về, nghĩa là họ có nền tảng cơ bản về văn hoá tri thức trước khi đi vào con đường văn chương.
Rõ ràng đội ngũ các nhà văn trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Điều quan trọng là làm sao tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ phát triển tài năng, gắn bó lâu bền với nghề, để họ cống hiến hết khả năng sáng tạo văn học của mình, cũng chính là góp phần sáng tạo nên những sản phẩm văn hoá cao cấp cho đời sống tinh thần của thành phố và đất nước ta.
2.
Vừa qua, đã nảy sinh ý kiến rằng có nên tổ chức hội nghị nhà văn trẻ hay không. Tôi xin khẳng định việc tổ chức hội nghị này là cần thiết. Vì sao?
Ai cũng thừa biết sáng tạo văn học là công việc lặng lẽ tự thân của mỗi cá nhân. Trang văn được độc giả đón nhận là niềm hạnh phúc lớn nhất của nhà văn. Tuy nhiên, bất cứ làm nghề gì con người cũng cần có nhu cầu mở rộng quan hệ giao lưu, chia sẻ lẫn nhau. Với người cầm bút trẻ, nhu cầu ấy càng lớn. Không nhà văn tài năng nào mà cả đời chẳng cần đến bạn văn, chẳng cần tình đồng nghiệp, chẳng cần đến sự tương tác trong đời sống văn học.
Trong khi đó, dù sinh sống, làm việc, học tập cùng một thành phố, nhưng do hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, không phải các bạn văn trẻ dễ dàng được gặp nhau. Nhiều bạn biết tên nhau, đọc tác phẩm của nhau, nhưng chưa bao giờ chạm mặt. Thậm chí có những bạn văn trẻ từ hội nghị 5 năm về trước tới bây giờ mới gặp lại nhau. Có bạn văn cũng có mặt ở đây mà trước đây tôi chỉ biết qua trang văn, đã gửi email đến tôi rằng: Em say mê sáng tác đã gần mười năm, nhiều lúc muốn gặp gỡ các bạn văn để cùng tâm sự sẻ chia nhưng không biết phải làm cách nào, bây giờ nghe nói có một hội nghị viết văn trẻ như thế này em rất vui… Còn có bạn đang là sinh viên đã nói: Em có vài truyện ngắn đầu tay in trên báo, đến toà soạn nhận nhuận bút rồi về, muốn gặp một bạn văn trẻ có truyện cùng đăng hoặc một bậc nhà văn đàn anh nào đó thật khó vô cùng, có lúc thử chủ động gọi điện làm quen thì họ tỏ ra nghi ngại…
Tôi hết sức xúc động khi đọc những dòng này. Tại sao chúng ta không tạo cơ hội cho các bạn văn trẻ gặp gỡ nhau, tiếp lửa cho niềm đam mê trang viết của họ?
Vì vậy, hội nghị những người viết văn trẻ thành phố không chỉ là dịp hội tụ và nhìn lại đội ngũ viết trẻ, mà còn là cơ hội tốt để các bạn giao lưu, luận bàn, sẻ chia lẫn nhau những trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp, mở rộng mối quan hệ đồng nghiệp.
Gặp bạn văn cũng là dịp để mỗi người tự nhìn lại mình, nhìn lại trang viết của mình, nhắc nhở mình, tự bồi đắp và nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo.
Tôi tin rằng, không khí vui tươi trẻ trung từ hội nghị này sẽ tiếp thêm sinh khí, động lực, năng lượng và khai mở nhiều ý tưởng mới cho trang viết sắp tới của các bạn văn trẻ chúng ta.

3.
Điều quan trọng nhất đối với người viết văn vẫn là chất lượng trang văn của mình.
So với các thế hệ nhà văn đi trước, các nhà văn trẻ hiện nay có nhiều điều kiện tốt hơn, từ môi trường sống, học tập, sáng tạo và công bố tác phẩm. Nếu như trước đây khi tác phẩm viết ra chỉ in trên báo giấy hoặc xuất bản thành sách thì ngày nay nhờ internet mà trang văn các bạn nhanh chóng tiếp cận được bạn đọc. Mạng thông tin điện tử cũng mang lại rất nhanh cho các bạn những kiến thức về đời sống xã hội lẫn văn học thế giới.
Nhờ đó, các bạn văn trẻ đã có những cách nhìn mới, tiếp cận mới, bút pháp mới, tạo dựng không gian thẩm mỹ mới. Trên giá sách của các nhà sách hay mỗi gia đình luôn xuất hiện tác phẩm văn học mới của các nhà văn trẻ thành phố. Nhiều tác phẩm còn được liên tục tái bản, được chuyển thể kịch bản dựng thành phim, dịch ra tiếng nước ngoài. Nhiều nhà văn trẻ thường xuyên được các nhà xuất bản, công ty sách, báo chí văn nghệ đặt hàng. Và tên tuổi họ đã trở thành “thương hiệu” ăn khách mà không rẻ tiền.
Đề tài mà các bạn đề cập cũng rất đa dạng. Một số người có cái nhìn phiến diện đã cho rằng các nhà văn trẻ chỉ loanh quanh cái tôi cá nhân, tình yêu đôi lứa, tình dục và những chuyện “hot”. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ họ, chúng ta nhất định sẽ có những cái nhìn khác đi. Các nhà văn trẻ đã khám phá lịch sử oai hùng và đau thương của dân tộc bằng sự suy nghiệm của riêng mình. Một sự suy nghiệm tỉnh táo nhờ độ lùi của thời gian. Họ cũng cọ xát và đồng cảm với những số phận bất hạnh rất đời thường. Họ lên tiếng trước cái ác, cái xấu, bất công. Họ cảnh báo những nguy cơ về môi trường, về sự băng hoại đời sống gia đình, về thói ích kỷ, về lòng tham không đáy, về sự lãnh cảm, về những cái chết đang gặm nhắm tâm hồn con người giữa thời đại kỹ thuật số...
Trang văn trẻ cũng đi sâu vào tâm lý của thị dân, nhất là giới trẻ đang sống cuồng sống vội giữa dòng chảy thị trường. Họ thể hiện được tình yêu, lý tưởng sống và cả sự sa ngã của một bộ phận giới trẻ đang du học ở nước ngoài hay cố đi tìm “miền đất hứa” ở xứ người. Thậm chí trong những trang văn tưởng chừng trống rỗng, cô đơn về thân phận làm người cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang chạy theo lợi danh mà đánh mất nhân cách, quên mất trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước mảnh đất mà mình đang sống.
Và trên hết, các nhà văn trẻ thành phố đều có ý thức trách nhiệm về sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút. Họ thể hiện trách nhiệm ấy bằng những hình tượng văn học và không gian thẩm mỹ đầy tính sáng tạo. Họ có cách nhìn khác, bút pháp khác với những thế hệ nhà văn đi trước. Cái sự khác ấy là điều cần thiết cho sự phát triển văn học. Và bằng tâm thế của thế hệ mình, trang văn của họ cho thấy tình yêu cháy bỏng nghề nghiệp, sự quan sát tinh tế và nhạy cảm, toát lên những vẻ đẹp nhân bản vĩnh hằng. Họ ước mơ cuộc sống của mỗi con người tốt đẹp hơn, thành phố phát triển hơn, đất nước trường tồn và giàu mạnh hơn.
Với tư cách là một đồng nghiệp tôi cảm thấy rất tự hào trước sự sáng tạo mạnh mẽ và thành quả văn học đáng trân trọng của các bạn văn trẻ thành phố, nhất là những bạn có mặt hôm nay.
4.
Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt.
Giữa dòng cao tốc thông tin, đôi khi thiếu chọn lọc, chúng ta rất dễ bị phân tâm. Giữa dòng sản phẩm làm ra quá nhiều, đôi khi thiếu chọn lọc, trang viết của chúng ta sẽ dễ rơi vào hàng thứ phẩm, mì ăn liền.
Có bạn vì muốn bán sách chạy, muốn sớm nổi tiếng, đã sa đà vào sex hay những chuyện dung tục tầm thường. Thậm chí có người không có tài năng văn chương, lợi dụng tên tuổi của mình ở lĩnh vực giải trí nào đó, đã nhảy bổ vào sân văn bằng những trang viết tầm phào mà cứ ngỡ mình đã trở thành nhà văn rồi.
Hiện tượng đạo văn trong giới viết trẻ cũng đáng báo động. Đạo văn bản, đạo ý tưởng. Đạo văn trong nước, đạo văn nước ngoài. Đạo thô thiển. Đạo tinh vi. Nạn đạo văn có thể đánh lừa một bộ phận bạn đọc, nhưng không thể đánh lừa những người đọc có tầm và bạn văn sành nghề. Cái sự đạo ấy cũng là biểu hiện cái thói háo danh, chạy theo cái lạ hoặc lười biếng sáng tạo.
Đồng thời, trong tình đồng nghiệp với nhau, đôi khi vì thiếu kiềm chế hay vì thói tị hiềm ích kỷ, có người đã lợi dụng thông tin mạng để công kích, lăng mạ nhau. Thậm chí những sinh hoạt văn học bình thường mang tính tập thể, như hội nghị văn trẻ hoặc ngày thơ hàng năm, có những bạn văn đã thốt những lời lẽ thiếu thiện ý xây dựng.
Ai cũng biết rằng con đường văn chương là đầy chông gai, thử thách. Tại thành phố chúng ta đang ngồi đây, có bao lớp nhà văn đàn anh vì lý tưởng sống, vì những trang văn phản ánh số phận bất hạnh của con người, sự tồn vong của dân tộc, mà họ đã đổ nhiều mồ hôi và công sức, đánh đổi cả mạng sống của mình. Trân trọng những thế hệ đi trước để chúng ta rút ra những bài học quý báu cho thế hệ mình, giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Dù đã có những thành quả nhất định, nhưng những gì mà các nhà văn trẻ đạt được cũng chỉ mới là bước đầu. Từ kinh nghiệm các bậc đàn anh cho thấy, muốn tiến xa trên con đường văn chương, ngoài tài năng đòi hỏi mỗi nhà văn cần phải luôn tự đào luyện mình về tri thức, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp, mà trong đó có sự bao dung, tình thân ái giữa những người cầm bút với nhau.
Trên tinh thần đó, từ diễn đàn của Hội nghị Những người viết văn trẻ TP. HCM lần thứ 3, tôi muốn gửi tới các bạn văn trẻ thông điệp rằng: Chúng ta hãy cố gắng viết thật hay và sống thật nghĩa tình. Chân trời văn học tươi sáng đang chờ đón các bạn.
 Phan Hoàng
Theo http://nhavantphcm.com.vn/

Lưu Trọng Lư với tình yêu và mộng đẹp

Lưu Trọng Lư với tình yêu và mộng đẹp
Vào lúc 8g30 sáng nay 17.6, tại TP.HCM, đã diễn ra trang trọng và đầm ấm lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Lưu Trọng Lư (1912-2011), với chủ đề “Con nai vàng ngơ ngác”. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã đến tham dự và phát biểu cảm tưởng, trong đó có những bậc lão thành cùng thời và thân thiết với nhà thơ Lưu Trọng Lư như nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Hoàng Hữu Đản,… Nhà văn Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, điều khiển chương trình.
Nhân dịp này, trang NVTPHCM xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Hà Minh Đức về nhà thơ Lưu Trọng Lư, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một nhân vật văn hoá Việt Nam đương đại, đặc biệt là đóng góp mang tính tiên phong của tác giả Tiếng thu trong phong trào Thơ mới.
NHÀ THƠ LƯU TRỌNG LƯ
với tình yêu và mộng đẹp
Lưu Trọng Lư là kiện tướng trong phong trào thơ mới. Người ta gọi ông là nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, viết văn, viết kịch. Còn nữa, phải nói ông là người có phong cách nghệ thuật đa dạng, một người đa tình, đa duyên nợ với đời và văn nghiệp.
Tôi nhớ lần gặp Lưu Trọng Lư năm ông 78 tuổi, khi vừa cho xuất bản tập hồi ký Nửa đêm sực tỉnh. Trong câu chuyện khi nói về Thơ mới, Lưu Trọng Lư như khởi sắc và nói to: Phong trào Thơ mới mở đầu là tôi chứ không phải Phan Khôi. Thực ra phải xét cái mới của tình cảm và điệu thức thơ. Lúc này cũng nhiều người viết thơ theo dạng từ khúc. Tôi làm Thơ mới từ năm 1931. Tôi và Nguyễn Thị Manh Manh là hai người chủ chốt. Bà ở Paris về và tham gia vào cuộc tranh luận bảo vệ cho thơ mới. Tôi đăng một số thơ ở Phụ nữ tân văn. Khi ra Hà Nội gặp Nguyễn Tường Tam, Tam mời tôi đến tòa báo ở đường d’Ordéans (số 1 Lý Nam Đế ngày nay). Tam bảo: Mấy bài thơ của ông đăng trên Phụ nữ tân văn tôi thích, đấy mới là thơ, là thơ mới.
Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam nhận xét: Tình già, Trên đường đời và Vắng khách thơ là ba bài mang tên Thơ mới được đăng báo trước nhất. Trong ba bài thì bài thứ ba đã là một bài có giá trị. Hoài Thanh chú thích đó là bài Xuân về. Xuân về là bài thơ của Lưu Trọng Lư. Nhiệt tình đấu tranh cho Thơ mới bằng lý thuyết, tranh luận, diễn thuyết, sáng tác. Lực lượng phản công lại của thơ cũ cũng mạnh mẽ, kể cả những người có thanh thế như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà...
Nhà phê bình Hoài Thanh tâm sự: Hồi năm 1937, vì vô ý dự vào một cuộc bàn cãi về văn chương, tôi đã bị một ông tiến sĩ nói thẳng vào mặt: Khoa học xin nhường các người, nhưng thơ văn các người phải để cho chúng tôi, chính ông nghè ấy đã có lần lên án chém Lưu Trọng Lư. Cũng may, ông nghè chúng ta không làm tể tướng nên họ Lưu vẫn làm thơ mới như thường.
…Tự lực văn đoàn dần làm chủ văn đàn. Lưu Trọng Lư đánh giá đúng mức những đóng góp của văn đoàn. Lưu Trọng Lư cũng viết văn xuôi với những trang văn đẹp, nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, ông cũng rất khiêm tốn: Tôi thích một số tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn như Đôi bạn, Đời mưa gió, Nửa chừng xuân hơn là những cuốn tiểu thuyết của tôi. Tâm trạng của tôi có lúc rất chán nản trong tiểu thuyết, thơ lại cứu tôi.
Quả là Lưu Trọng Lư nổi bật lên ở thời kỳ đầu và chỉ một tập Tiếng thu, Lưu Trọng Lư đã ghi lại dấu ấn không phai mờ trong phong trào Thơ mới. Bài thơ Tiếng thu là những tiếng thơ của sự lắng nghe Em không nghe mùa thu và trong âm thanh là tiếng thầm, là những rạo rực hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ? Vẫn là câu hỏi từ sự lắng nghe để mở ra những hình ảnh đẹp đến nao lòng của mùa thu qua bước nhỏ của con nai vàng trên lá vàng khô.
Thơ tình của Lưu Trọng Lư có nhiều dư vị của đời thi nhân. Niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước và sự thất vọng đều như chất chứa từ bên trong và trôi chảy theo dòng thời gian, theo năm tháng, bốn mùa. Một mùa đông bên nhau đã đi qua Qua rồi mùa ân ái - Đàn sếu đã sang sông. Mùa xuân về lại cảm nhận Rồi ngày lại ngày. Sắc màu phai. Lá cành rụng. Ba gian trống. Xuân đi. Chàng cũng đi. Cũng vì thế mà thơ Lưu Trọng Lư đượm buồn, buồn vì sự trôi chảy, vì sự tiếc nuối. Gặp nhà thơ ngoài đời cũng như trong thơ, luôn thể hiện sự nuối tiếc:

Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân
Mộng vàng không kịp hái.
Và cuối đời khi mái tóc đã điểm bạc, ông cầu viện đến em thời gian và mong được sự thông cảm. Tuổi càng cao Lưu Trọng Lư càng thấy cái đẹp của đời, lại càng tiếc nuối như đi ngược với dòng thời gian. Trong văn chương và đặc biệt là thi ca, Lưu Trọng Lư có nhiều duyên nợ với người con gái.
Ông từng tâm sự: Trong những tác phẩm của tôi, tôi chỉ có một sự cộng tác rất tầm thường, rất dung dị, rất lương thiện... ấy là sự cộng tác của những người đàn bà. Đôi mắt họ vẫn trong trẻo hiền lành như một bến thu. Tiếng nói của họ vẫn là nhạc điệu của những nhạc điệu. Những con vật xinh xinh ấy biết tỉa lông mày, đánh móng tay nhưng cũng biết nuôi tằm quay tơ và dệt những tấm áo cho thể chất và cho linh hồn của nhân loại. Trong tập Tiếng thu nổi lên vẫn là hình ảnh và tiếng lòng của người con gái đang yêu thương, chờ đợi, nhớ mong.
Ngoài hình ảnh người mẹ kính yêu là những cô gái đang ở tuổi yêu đương dệt mộng tình trong đời và trong thơ. Lưu Trọng Lư hay nhắc đến những người con gái trong mộng, trong khung cửi, bên guồng sợi xe, cô em nhí nhảnh bên giậu mồng tơi, rồi cô gái giang hồ... Và sau cách mạng cũng vẫn là hình ảnh những người con gái trong cuộc đời mới, gánh vác việc chung không kém sức trai như cô gái ở hậu phương bên Ngò cải đơm hoa, O tiếp tế, rồi Người con gái sông Gianh, Em thời gian. Họ rất khác nhau nhưng có một điểm chung là giàu nữ tính và tình cảm yêu thích cái đẹp.
... Tôi còn nhớ sau khi đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp, Lưu Trọng Lư đón nhà thơ Hoàng Trọng Miên, bạn thơ cũ đến thăm. Ông nói với chị Lê Minh mời tôi đến chơi và nghe ông đọc thơ vừa sáng tác. Tôi nhớ buổi gặp chỉ có ba người và khoảng một tiếng sau có thêm nhà sử học Lê Văn Lan. Lưu Trọng Lư nói: Tôi muốn viết về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh như kiểu khúc ngâm chinh phụ. Người phụ nữ không chỉ buồn và thụ động như cô chinh phụ xưa mà năng động, hiện đại nhưng vẫn nặng tâm tư đợi chờ trong xa cách.
Trăng xoan - cái tên đó được ông tâm đắc. Tôi nhớ ông say sưa đọc thơ còn mọi người vừa nghe vừa uống rượu và nhấm nháp món thịt gà xé trộn với dưa chuột và hành tây, tác phẩm của chị Lê Minh. Anh Lư say mê nói, thỉnh thoảng lại ngâm và quên cả chuyện ăn. Cầm đũa lệch, nâng bát lên lại hạ xuống, với anh, thơ là linh hồn của cuộc gặp gỡ. Thỉnh thoảng anh lại hỏi từng người: Ý anh Lan thế nào, ý anh Đức thế nào?.

Thơ Lưu Trọng Lư như ru trong mộng và mộng chính là một phẩm chất của thơ, nhất là thơ xưa. Lê Tràng Kiều nhận xét: Thi sĩ bao giờ cũng như sống trong một thế giới mông lung huyền ảo... Thi sĩ là một luồng khói lam ẻo lả giữa cảnh chiều thu. Nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng viết: Những bài thơ của anh không sầu thì mộng, không mộng thì say và đã say thì Giang hồ cõi ấy trọn đời phiêu linh. Trần Thanh Mại cũng gọi Lưu Trọng Lư là thi sĩ giang hồ. Sự phiêu bạt trong những cảnh đời xa lạ trong thiên nhiên đẹp đã tạo cho thơ của Lưu Trọng Lư chất phiêu lãng và thơ mộng. Nói như tác giả Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên khung cửi. Đời đẻ ra mộng và mộng dệt nên đời.
Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên những đổi thay cơ bản. Lưu Trọng Lư đã từ mộng ảo trở về với cuộc đời thực rất đẹp, hào hùng. Cuộc đời mới, mùa thu lớn của cách mạng đã lôi cuốn ông, nhất là thời kỳ ở chiến khu Thừa Thiên vào năm 1948. Lưu Trọng Lư tâm sự: Tôi đã bắt đầu làm nhiều thơ. Thơ tôi phần lớn là những bài thiết thực và kịp thời nhưng rất thật, rất sống. O tiếp tế chẳng hạn. Khi viết Ngò cải đơm hoa, Lưu Trọng Lư đã nói về tâm trạng đẹp của người con gái hậu phương chăm lo sản xuất và chờ đợi người thân chiến đấu trở về chờ chi anh về đây giữa đoàn quân chiến thắng.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Lưu Trọng Lư có những đổi thay cơ bản, lăn vào công việc say sưa, năng nổ. Thật khó nhận ra một Lưu Trọng Lư mơ mộng thuở nào. Lưu Trọng Lư cũng tự nhận điều đó: Nhìn lại những năm kháng chiến Nguyễn Tuân thường gọi đùa tôi là thằng hùng hục và tôi gọi trêu Nguyễn Tuân là thằng ngất ngưởng. Có lẽ Nguyễn Tuân gọi tôi như vậy cũng đúng. Khi đã giác ngộ mình đi vào cuộc chiến đấu không chỉ bằng tấm lòng mà còn bằng những hành động cụ thể, bằng bất cứ công việc gì miễn được góp phần vào thắng lợi của dân tộc...
HÀ MINH ĐỨC
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


Bánh chưng bánh dày bánh tày bánh tét

Bánh chưng bánh dày 
bánh tày bánh tét
“Dù có “là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam” thì cái quan niệm “bánh dày bánh chưng tượng trưng cho trời tròn đất vuông” vẫn cứ là một sản phẩm trí tuệ chân truyền tự nghìn xưa, chứ không phải một “ngộ sự văn hóa”, như ông Vượng đã kết luận. Có lẽ chỉ có cái triết lý “bánh chưng vốn tròn và dài, tượng trưng cho Dương Vật còn bánh giày thì tượng trưng cho Âm Hộ” của GS Trần Quốc Vượng mới là một huyễn thuyết mà thôi”.
Trước và sau Tết Tân Mão, chúng tôi đã nhận được thư của một số bạn đọc tập trung hỏi các khía cạnh sau đây:
Bánh chưng  là một loại bánh rất quen thuộc của người Việt Nam. Bánh thì dễ hiểu nhưng chưng là gì? Tại sao lại gọi là bánh chưng? (Trần Tuần). Xin ông vui lòng nhận xét một số điểm chính trong bài “Triết lý bánh chưng bánh dày” của GS Trần Quốc Vượng: – miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét; – bánh tét là tiếng đọc chạnh kiểu miền Nam của bánh tết; – thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn giống bánh tét Nam Bộ; – Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, Bánh dầy tròn dẹt tượng Âm vật. (Trần Minh Tuyên). Trong bánh dày (giày) thì dày (giày) nghĩa là gì? (Nguyễn Hữu Lập). Có phải bánh tét trong Nam bắt nguồn từbánh Tày ngoài Bắc không ạ? (Hoàng Thu Trang – Nhật Bản).
Xin trả lời thành một bài chung như sau.
Chúng tôi đồng ý với bạn Trần Tuần rằng bánh thì dễ hiểu nhưng chỉ xin lưu ý rằng đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là bỉnh, có nghĩa là… bánh.
Về tên bánh thì hiện có hai cách viết: với tr- (trưng) hoặc với ch- (chưng), mà cách thứ nhất đã đuối lý trước sự vững chắc của cách sau. Vậy tên chính xác của thứ bánh này là bánh chưng. Chưng là âm Hán Việt hiện đại của chữ , cũng viết , mà Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là “nấu cách thủy, hông, un, đun”. Các quyển từ điển tiếng Hán hoặc Hán Việt quen thuộc khác chỉ giảng cho chữ này có cái nghĩa “đun, nấu bằng hơi nước”; thậm chí có quyển như Việt- Hán thông thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp (Nam Định, 1933) còn không nhắc đến cái nghĩa này nữa. Vậy thì Đào Duy Anh có đi quá xa trong lời giảng của mình không? Chúng tôi thực sự không biết Đào Duy Anh căn cứ vào đâu, nhưng xin khẳng định rằng ông đã có lý. Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2002) đã ghi cho chữ chưng chín cái nghĩa mà nghĩa thứ hai là“dụng hoả hồng khảo” , nghĩa là dùng lửa mà nung, sấy. Sự bổ sung cho nhau về nghĩa của các từchưng , hồng , khảo  cho thấy chữ chưng trong bánh chưng dùng rất đắc địa, nếu ta liên hệ đến một “công đoạn” đặc biệt trong quy trình làm bánh là khâu luộc, mà Wikipedia (tính đến chiều 13-4-2011) miêu tả như sau:
“Lấy xoong to, dầy với dung tích trên 100 lít tùy theo số lượng bánh đã được gói. Rải cuộng lá dong thừa xuống dưới kín đáy nhằm mục đích tránh cho bánh bị cháy. Xếp lần lượt từng lớp bánh lên đến đầy xoong và xen kẽ các cuộng lá thừa cho kín nồi. Đổ ngập nước nồi và đậy vung đun. Người nấu bánh thường canh giờ tính từ thời điểm nước sôi trong nồi và duy trì nước sôi liên tục trong 10 đến 12 giờ. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng bổ sung thêm nước nóng để đảm bảo nước luôn ngập bánh (người thực hiện thường đặt sẵn ấm nước bên cạnh bếp đun bánh để tận dụng nhiệt lượng). Những chiếc bánh ở trên có thể được lật giở để giúp bánh chín đều hơn, tránh tình trạng bị lại gạo sau này. Trong lúc đun, có thể lấy bánh ra, rửa qua trong nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ rền, ngon hơn.”
Nếu chỉ xét theo nghĩa thông dụng hiện đại của chữ chưng thì ta sẽ không thấy được tính hợp lý cao độ của việc đặt tên cho bánh chưng; nhưng nếu đi vào lịch sử ngữ nghĩa của nó thì mới thấy việc đặt tên này đã bắt đầu từ rất lâu đời, khi mà chữ này chưa mất đi cái nghĩa “dụng hoả hồng khảo” 用火烘烤– mà từ điển của nhóm Vương Lực đã cung cấp –, ngày nay đã trở thành một nghĩa cổ. Tóm lại, chưng là một từ rất thích hợp trong tên bánh.
Về chuyển biến ngữ âm “tét do tết mà ra”, xin nói ngay rằng GS Trần Quốc Vượng hoàn toàn sai và đây là một cái sai sơ đẳng về tiếng địa phương. Cho đến năm con Mèo 2011 này, người miền Nam vẫn nói tết là tết chứ không bao giờ thành “tét” thì chẳng có lý do gì cách đây mấy trăm năm họ lại đọc bánh tết “chạnh kiểu miền Nam” thành bánh tét. Ta không có cứ liệu xa hơn nhưng cách đây gần 230 năm, Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine cũng đã ghi nhận tết ra tết, tét ra tét rồi. Quyển từ điển này có mục “Tét” với danh ngữ “Bánh tét”, rồi mục “Tết” với các mục kép “Tết nhất”, “Ngày tết”, “Lễ tết”, “Đi tết”, “Ăn tết”. Xin nhớ rằng ngôn ngữ của quyển từ điển này là tiếng Việt miền Nam. Cứ như trên thì cái nguyên nhân liên quan đến sự méo mó ngữ âm mà Trần Quốc Vượng đã nêu không thể có hiệu lực. Nguyên nhân là ở một chỗ khác mà ta có thể tìm thấy một cách không khó khăn gì với Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của. Quyển từ điển này đã cho:
“Tét: Tước ra, xé ra, tách ra”; rồi “Tét bánh: Dụng dây nhợ mà siết đòn bánh ra từ (= từng – AC) lát, từ khoanh”. Và, cuối cùng là “Bánh tét, tết: Bánh gói như khúc cây tròn, đến khi ăn phải tét ra từ khoanh cho nên gọi là bánh tét, cũng gọi là đòn bánh. Có kẻ hiểu là bánh gói ngày tết.”
Cứnhư trên thì rõ ràngngữ danh từ bánh tét và ngữ vị từ tét bánh có liên quan với nhau chung quanh vị từ tét để đặt tên bánh. Cho đến tận bây giờ, ở trong Nam, nhiều nhà vẫn còn dùng sợi chỉ để tét bánh tét. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người muốn chơi kiểu “mì ăn liền” nên thích dùng … dao xắt (mà cũng chẳng cần bóc vỏ bánh) nhưng đây hiển nhiên không phải là phong cách ẩm thực truyền thống và tế nhị. Ngay cái cách ghi mục từ Bánh tét, tếtvà nội dung lời giảng của mục này cũng chứng tỏ Huình-Tịnh Paulus Của xác nhận rằng bánh tét đã bị một số người nói trại thành bánh tết, nghĩa là ở trong Nam, tét và tết bao giờ cũng là hai âm tiết (tiếng) riêng biệt.
Thực ra, ý kiến của Trần Quốc Vượng còn không ổn cả ở điểm sau đây. Khi ông khẳng định rằng bánh tét  là tiếng đọc chạnh kiểu miền Nam của bánh tết thì ông đã tạo ra một tiền giả định: ở miền Bắc, người ta gọi bánh tét là bánh tết, với tính cách là một danh ngữ cố định. Nhưng đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra ở Đàng Ngoài cả.
Trần Quốc Vượng còn đáng trách ở chỗ ông hoàn toàn không chín chắn trong cách hành văn khi viết “bà con cô bác miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét”. Không bao giờ! Tét tròn, chưng vuông. Làm sao dân miền Nam có thể ngớ ngẩn đến nỗi gọi “gọi bánh chưng là bánh tét”? Bánh tét chỉ là tên miền Nam của bánh tày, như một số tác giả từng gợi ý mà thôi.
Ở một số nơi thuộc vùng trung du trong đó có Phú Thọ, đất của các vua Hùng, người ta không gói bánh chưng (hình vuông) mà gói bánh tày (theo dạng tròn dài). Bánh tày cũng còn là loại bánh Tết tại nhiều vùng dân tộc ít người ở miền Bắc.  Nói về việc mình gói bánh tét nhân dịp tết Tân Mão, facebooker Tâm Phan, một người Việt đang sống ở nước ngoài liên hệ:
“Nói bánh tét là để mọi người dễ hiểu vì nó mang tính phổ thông thôi chứ quê mình thì lại gọi là bánh chưng tày, gọi tắt là bánh tày (bánh của dân tộc Tày?). Mà cũng lạ, quê ngoại mình ở miền Bắc, ngay ngoại ô Hà Nội thôi mà sao lại làm cái bánh giống y bánh tét ở miền Nam? (…) Bánh tày xưa nay chỉ một tay ông ngoại mình gói, ông gói nhân sống chứ không phải xào nấu nặn bóp như mình.(…) Một đòn bánh ông làm dài lắm, tầm 40cm chứkhông nhưmình gói, ngắn tun hủn.”
Thật vô cùng lý thú khi được biết rằng, ở thời hiện đại và ngay ngoại thành Hà Nội, người ta “lại làm cái bánh giống y bánh tét ở miền Nam”. Ta chẳng cần tìm hiểu căn nguyên ở đâu xa: Tày và Tét chỉ là tên miền Bắc và tên miền Nam của cùng một thứ bánh, cũng như lợn và heo, ô và dù, bát và chén, bàn là và bàn ủi, hồng xiêm và xa-pô-chê, v.v., mỗi cặp đều là tên miền Bắc và tên miền Nam của một loài động vật, đồ vật hoặc trái cây, v.v.. Về chữ tày, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) đã giảng như sau: “Tày. Cũng gọi tét. Tên thứ bánh tròn dài, ngoài nếp giữa nhân, gói bằng lá chuối thật dày và buộc nhiều nuộc dây rồi hầm chín.” Chẳng rõ ràng ư? Chẳng phải cùng vật khác tên thì là gì? Và thật là sai lầm nếu có ai đó cho rằng danh ngữ bánh tày không hề lưu hành ở miền Nam. Quyển từ điển của Huình-Tịnh Paulus Của, mà ngôn ngữ là tiếng miền Nam, còn ghi nhận cả cho ta: Khéo thì bẻ bánh tày,vụng thì vày bánh ếch (sic), một câu tục ngữ khó tìm thấy trong nhiều quyển từ điển khác.
Người lưu dân khi rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở Đàng Ngoài, đã đem theo bánh tày, một đặc sản vừa vật chất vừa tâm linh của tổ tiên để đi vào miền đất lạ phương Nam (Đàng Trong) từ công thức (để dùng lâu dài) đến vật thực (để ăn đường). Sau một thời gian đủ dài để xem là cuộc sống người dân đã ổn định và đã đủ điều kiện “cát cứ”, Chúa Nguyễn xưng vương, lập phủ Chúa, cải tổ cơ cấu chính quyền theo quy cách một triều đình, bắt nhân dân phải thay đổi cách ăn mặc và phong tục tập quán cho khác với Đàng Ngoài. Một hệ quả quan trọng của chính sách “chia cắt” này là sự khác biệt rõ rệt về từ vựng giữa hai “Đàng”: bát – chén; lợn – heo;  bàn là – bàn ủi; màn– mùng; ốm – đau; xơi – dùng (phong cách trang trọng); v.v. và cuối cùng là tày – tét.
Tétlà gì thì ta đã thấy. Nhưng tày là gì? Xin cải chính cách hiểu sai lầm của một số tác giả cho rằng bánh tày là bánh của dân tộc Tày. Đây là một cái lỗi vi thời (anachronism) không khó bác bỏ vì khái niệm và danh ngữ “bánh tày” đã có trong từ điển của Huình-Tịnh Paulus Của (1896, t. II), J.L.Taberd (1838), Pigneaux de Béhaine (1772-73), đặc biệt là trong Chỉ nam ngọc âm(thế kỷ XV-XVII) còn tộc danh “Tày” chỉ chính thức xuất hiện trong tiếng Việt sau khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng (10-1954), đặc biệt là sau khi thành lập Khu Tự trị Việt Bắc (1-7-1956). Trước thời điểm này, người Kinh chỉ gọi người Tày bằng tộc danh Thổ. Vậy, ở đây, tày không phải tộc danh. Nó là một hình vị đồng nhất với hình vị tày trong gậy tày. Gậy tày là một loại gậy to, hai đầu bằng nhau, dùng làm vũ khí. Bánh tày là một loại bánh tròn, dài, hai đầu bằng nhau. Đặc điểm sau cùng này là điều hoàn toàn dễ thấy. Tuy tại ghi chú của Tâm Phan, một facebooker khác có lưu ý trong lời bình rằng bánh tày là một loại bánh tròn đầu nhưng điều này không ảnh hưởng đến cách hiểu của chúng tôi. Thứ nhất, đây không phải đã là đặc điểm phổ biến của thứ bánh này ở ngoài Bắc (bánh tét trong Nam thì đầu bằng hẳn hoi); thứ hai, tày là có hai đầu bằng nhau chứ không liên quan đến chuyện có đầu tròn hay phẳng. Ta sẽ thấy vấn đề rõ hơn với Chỉ nam ngọc âm ở ngay đoạn sau đây.
Tóm lại, bánh tét trong Nam chính là bánh tày ngoài Bắc. Nó chẳng có liên quan gì về nguồn gốc với bánh chưng. Cái sai thô thiển nhất của Trần Quốc Vượng là ở chỗ: để chứng minh cho sự tồn tại của tín ngưỡng phồn thực trong xã hội người Việt xưa, ông đã bóp méo hình dạng của chiếc bánh chưng mà khẳng định rằng thoạt kỳ thủy, nó không được gói vuông như bây giờ, mà gói tròn như bánh tét Nam Bộ (để có thể tượng trưng cho dương vật!). Không! Bánh chưng là bánh chưng, mà bánh tét là bánh tét, một thứ bánh từng mang tên là bánh tày trước khi theo lưu dân đi vào Nam. Mà bánh tày, cái bánh tét của miền Bắc, thì tồn tại song song với bánh chưng, chứ không hề là tiền thân của nó. Thì đây, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, một quyển từ vựng Hán - Nôm thế kỷ XVII – mà có tác giả còn đưa lên tận thế kỷ XV – đã ghi cho ta như sau:
Tư bính vành vạnh bánh dày.
Phương bính thuở này hiệu là bánh chưng.
Tề bính bánh tày dài lưng
(Bản do Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải, Nxb Khoa Học Xã Hội, 1985, tr. 115).
  Rõ ràng bánh chưng và bánh tày là hai thứ bánh cùng tồn tại song song trong văn hóa ẩm thực người Việt, mà bằng chứng đã có cách đây từ 4 đến 6 thế kỷ, chứ cái sau không hề là tiền thân của cái trước. Đồng thời, sự có mặt của danh ngữ bánh tày trong quyển từ vựng cỡ nhỏ trên đây (cỡ nhỏ bắt buộc việc lựa chọn mục từ phải thật chặt chẻ để chỉ có thể đưa vào những thứ thiết yếu và phổ biến) cũng chứng tỏ rằng bánh tày từng là một thứ bánh thông thường và quen thuộc của người Việt xưa. Đặc biệt đáng chú ý là danh ngữ tề bính  , mà Chỉ nam ngọc âm đã dùng để gọi bánh tày. Ở đây, tày và tề là hai song thức (doublet), tày có trước, tề có sau (Xin so sánh: – đáy ~ để ; – lạy ~ lễ ). Tề (< tày) có nghĩa là bằng,đều. Câu “Tề bính bánh tày dài lưng” đã miêu tả một cách vừa khái quát vừa súc tích hình dạng của bánh tày: tề là hai đầu bằng nhau; dài lưng là dài đòn. Thật là ăn khớp với cách hiểu của chúng tôi về chữ tày trong danh ngữ bánh tày đã nêu ở trên.
  Cũng nên nhận xét một tí về cách gọi tên “bánh chưng tày”. Đây là một cách gọi không chính xác và hoàn toàn miễn cưỡng. Bánh chưng là bánh chưng (vuông) mà bánh tày là bánh tày (tròn, dài). Cách gọi tên “pha trộn” trên đây xuất phát từ cái tâm lý không mấy “tự tin” của một số người tuy đã sống lâu năm ở những vùng có tập quán gói bánh chưng vào dịp Tết, nhưng ở quê mình thì người ta vẫn tiếp tục gói bánh tày trong dịp này. Ta phải thừa nhận một thực tế là trên miền Bắc, ở các thành phố và các vùng được xem là mở mang thì người ta nấu bánh chưng còn bánh tày thì ở những vùng sâu, vùng xa hơn, hoặc nếu có gần chốn đô hội thì cũng chỉ còn là những địa điểm bị thu hẹp từ một/những địa bàn rộng lớn xưa kia đã từng nấu bánh tày một cách “đại trà”. Có lẽ vì cái tâm lý đã nói nên người ta mới gán từ chưng vào tên của bánh tày (thành “bánh chưng tày”) để tạo cho nó hơi hướng của sự trang trọng chăng?
Thế là GS Trần Quốc Vượng đã bóp méo hình dạng nguyên thuỷ của chiếc bánh chưng – ông còn nói rằng mình “đưa ra một minh giải văn chương” – để tạo một nguỵ chứng cho “Triết lý bánh chưng bánh dày” của mình. Chiếc bánh chưng vốn đã mang cái hình hài vuông vức ngay từ khi chào đời thì nó dứt khoát không thể tượng trưng cho Dương Vật được. Nhưng chiếc bánh tày/bánh tét, ngay từ thuở ban sơ, vẫn mang hình dáng “cái đòn” thì có tượng trưng cho Sinh Thực Khí của phái nam hay không? Xin thưa rằng cũng không. Ta không nên quên rằng, ngoài cái quan niệm “Trời tròn Đất vuông”, mà GS Vượng quan niệm là một thứ “triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam”, thì người Việt vốn còn có triết lý về Thần Trụ Trời nữa. Bánh tày/bánh tét, nếu nó có hàm ý về một thứ triết lý nào, thì đó phải là : NÓ tượng trưng cho Trụ Trời, tức Cột Chống Trời (mà thực ra thì Trung Hoa cũng có Cột Chống Trời [Kình Thiên Trụ ] trong truyền thuyết Nữ Oa vá Trời).Vâng, bánh tày/bánh tét chỉ có thể tượng trưng cho Trụ Trời mà thôi. Nó không thể “thay đổi giới tính” một cách “ngang xương” theo sự điều khiển chủ quan  đầy tính ảo thuật của ông Trần Quốc Vượng được : vốn tượng tưng cho Dương Vật rồi lại thay hình đổi dạng về căn bản (từ tròn hóa vuông) lẫn thay đổi triệt để về bản chất (từ tượng trưng cho Dương Vật – nguyên lý DƯƠNG – thành tượng trưng cho Đất – nguyên lý ÂM). Đánh giá quan niệm “Trời tròn Đất vuông”, ông Vượng khẳng định: “Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).” Còn chúng tôi thì sợ rằng chính sự “bày đặt” của ông mới là FAKE. Cũng xin nói thêm là, nếu không sợ đi quá xa, ta còn có thể gợi ý rằng bánh chưng chính là tượng trưng cho hình ảnh khái quát của Đàn (Nền) Xã Tắc nữa.
Và khi mà, trong cặp bánh chưng – bánh giày, cái bánh chưng không hề tượng trưng cho Dương Vật, thì cái bánh giày cũng chẳng thể tượng trưng cho Âm Hộ theo quan niệm của ông Trần Quốc Vượng về tín ngưỡng phồn thực được. Bánh giày chỉ tượng trưng cho Trời, đúng như truyền thuyết vẫn kể xưa nay mà thôi. Chúng tôi viết chữ giày với gi- là có lý do: đây chính là chữ giày ta vẫn thấy trong ngữ vị từ đẳng lập giày xéo hoặc thành ngữ rước voi về giày mả tổ. Bánh dày là một thứ bánh mà cái đặc trưng nổi bật là được làm bằng xôi giã thật mịn, thật nhuyễn. Chính là căn cứ vào đặc trưng này mà người ta đã đặt tên bánh. Ngày nay, ta chỉ còn biết giày có nghĩa là giẫm đi giẫm lại nhiều lần cho nát. Nhưng đây chỉ là cái nghĩa hiện đại, đã được chuyên biệt hóa để chỉ một động tác thực hiện bằng bàn chân; chứ vị từ giày vốn còn có một cái nghĩa rộng hơn là làm cho nát, không cứ bằng chân, mà cả bằng tay hoặc bằng một công cụ bất kỳ. Sở dĩ bây giờ nó chỉ còn có cái nghĩa bị thu hẹp, như đã nói, là vì vị từ giày còn bị áp lực về sự lây nghĩa (contamination de sens) từ phía danh từ giày, vừa đồng âm vừa chỉ một thứ đồ dùng cho chân người. Vì hai từ hữu quan đồng âm nên người ta dễ có cái ấn tượng sai lầm rằng vị từ giày phái sinh từ danh từ giày bằng biện pháp chuyển hóa từ loại để chỉ một sự giẫm đạp bằng chân.
Tóm lại, dù có “là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam” thì cái quan niệm “bánh dày bánh chưng tượng trưng cho trời tròn đất vuông” vẫn cứ là một sản phẩm trí tuệ chân truyền tự nghìn xưa, chứ không phải một “ngộ sự văn hóa”, như ông Vượng đã kết luận. Có lẽ chỉ có cái triết lý “bánh chưng vốn tròn và dài, tượng trưng cho Dương Vật còn bánh giày thì tượng trưng cho Âm Hộ” của GS Trần Quốc Vượng mới là một huyễn thuyết mà thôi.
An Chi 
Nguồn Đương Thời
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


  Vài cảm nghĩ khi đọc “Như giọt chuông ngân” – Bài của Vũ Khắc Tĩnh 27 Tháng Tư, 2023 596 (Vanchuongphuongnam.vn) –  Nếu với tư cách ...