Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Chữ tâm trong hồn thơ, trong đời thường nhà thơ Đoàn Văn Cừ

Chữ tâm trong hồn thơ, 
trong đời thường nhà thơ Đoàn Văn Cừ 
 Nhiều năm nay các nhà phê bình, người yêu thơ đã tốn nhiều giấy mực ca ngợi bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Mỗi bài viết có sắc thái riêng, nhưng đều khẳng định một điều: chưa có bài thơ “Chợ Tết” nào vượt được bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Trong bài viết nhỏ này, tôi không có tham vọng bình bài thơ “Chợ Tết”. Tôi chỉ nói lên ấn tượng đối với tôi là chữ TÂM trong hồn thơ Đoàn Văn Cừ. Chữ TÂM trong hồn thơ Đoàn Văn Cừ không chỉ thể hiện trong các tập thơ, mà còn lan tỏa, gieo vào tâm hồn người đọc dấu ấn sâu đậm.
Nói về nhà thơ Đoàn Văn Cừ, tôi cũng như đông đảo bạn đọc không thể không nhớ sâu sắc vẻ đẹp cuốn hút lòng người trong bài thơ “Chợ Tết” và bài “Đường về quê mẹ”. Bởi tác giả có tâm lớn, vẽ cho ta bức tranh “Chợ Tết” nông thôn nhộn nhịp, đông vui. Mọi người đi chợ sắm tết sống hài hòa, thân thiện với nhau hơn. Chả thế mà: “Áo cụ Lý bị người chen sấn kéo / Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra”... Ngày thường, trong làng xã, ai chả sợ cụ Lý? Gặp cụ Lý ngoài đường phải kính cẩn bẩm lạy. Chứ có ai dám “sấn kéo” áo khăn cụ Lý? Nhưng ở đây là “Chợ Tết”. Cảnh bán mua từng bừng, vui tươi ngày tết của người nông dân vất vả cả năm, khiến cụ Lý cũng vui lây, mà “đại xá” cho việc bị “sấn kéo”, áo khăn “bị tung ra”. Thời đất nước bị chìm đắm trong cảnh nô lệ Thực dân Pháp, dân ta khổ cực trăm bề. Nhưng cả năm có ba ngày Tết, ai cũng cố gắng đi chợ tết, mua sắm một chút cúng lễ tổ tiên, sau chia phần lộc cho con cháu. Đi chợ Tết cũng là nét đẹp sinh hoạt thuần chất ở nông thôn. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ dồn chữ tâm vào ngòi bút, tả tỉ mỉ phiên chợ tết nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Nhờ đó, chúng ta được ngắm bức tranh thôn quê thơ mộng, êm đềm.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ và nhà văn Trần Thị Nhật Tân
Đến bài thơ “Đường về quê mẹ”, càng rõ cái tâm sâu đậm của người con hiếu nghĩa. Một người con yêu mẹ hết mực mới thốt lên tự đáy lòng mình những câu thơ mộc mạc phơi phới lòng người, phơi phới cảnh sắc mùa xuân của người mẹ dẫn con về quê ngoại nhận họ trong ngày Tết. Chẳng biết mẹ của nhà thơ có “môi hồng”, “má đỏ au” hay không. Nhưng đọc mấy từ có vẻ “cũ” này, tôi tin là thật. Không dừng ở đây, tôi liên tưởng mẹ tôi cũng đẹp nền nã, đằm thắm như “U tôi” của nhà thơ. “Trông u chẳng khác thời con gái”. Khi “U thời con gái” đã đẻ ra “tôi” đâu mà biết được “thời con gái” của u? Trí tưởng tượng của nhà thơ trở về quá khứ của người mẹ thật tinh tế. Câu thơ nghịch lý mà có lý, khơi dậy niềm tự hào về người mẹ của bạn đọc, đồng thời miêu tả về người mẹ điển hình nông thôn Việt Nam. Chúng ta sống thời hiện đại, đọc từ ngữ chân chất chân quê của nhà thơ Đoàn Văn Cừ vẫn gây được sự xúc động con tim. Mỗi khi đọc lại “Đường về quê mẹ”, ta vẫn thấy mới mẻ, trong trẻo, tung tăng vui vẻ trong không khí tinh khiết của mùa xuân. Cái tâm hồn thường trực trong ngòi bút Đoàn Văn Cừ, để chắt lọc ra tứ thơ đôn hậu như vậy.
Khi tôi viết bài này, hình ảnh nhà thơ Đoàn Văn Cừ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng hiền hậu cứ hiện lên trong kí ức. Những năm 1970 nhà thơ Đoàn Văn Cừ thường đến thăm tôi ở tập thể giáo viên trường Trần Quốc Toản. Nhà thơ đi từ sông Ngọc, Trực Ninh bằng chiếc xe đạp tàng lên phố thăm tôi, đọc cho tôi nghe những bài thơ mới sáng tác. Trong câu chuyện, nhà thơ hay nói về thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Du. Nhà thơ còn dặn tôi nên thuộc Kiều. Qua thời gian dài sáng tác, tôi càng thấm thía lời nhắc nhủ thuộc Kiều của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Lần thăm nào nhà thơ cũng không quên dặn tôi một câu: “Giữ chữ tâm đến trọn đời”. Tôi luôn nghĩ, giữ được chữ tâm đến khi nhắm mắt xuôi tay, thật khó.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ truyền chữ tâm vào 5 người con của mình, ai cũng thành đạt, góp ích cho xã hội. Người con gái cả Đoàn Thị Thanh, làm thầy thuốc cứu người những năm bom Mỹ đánh phá ác liệt thành phố dệt. Con trai Đoàn Văn Dòng, tốt nghiệp đại học y khoa năm 1967, xung phong vào bộ đội, đi khắp các chiến trường đường 9, Khe Sanh, Nam Lào, Căm – pu – chia đến biên giới phía Bắc. Em gái Đoàn Thị Vân, theo bước chân anh vào bộ đội năm 1972. Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, đang là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật cũng xung phong cầm súng, cầm cọ vào tuyến lửa miền Nam đánh Mỹ. Người con út Đoàn Văn Luyện, kỹ sư nông nghiệp, giảng viên đại học kinh tế quốc dân.
Những năm tôi gian nan viết “Dòng xoáy”, bị “văng khỏi cuộc sống”. Tôi không có chỗ ở cố định, nhà thơ luôn gửi thư cho tôi. Trong thư, chỉ vẻn vẹn một câu triết lý của danh nhân, hay ngạn ngữ thế giới. Ví như: “Càng cùng khốn lại càng kiên nhẫn, chứ không nản chí cao thượng của mình” (Vương Bột), hay câu “Muốn làm được một người hoàn hảo, phải nếm đủ vị đắng cay” (Ngạn ngữ Trung Quốc) v. v... Tôi hiểu tác giả “Chợ Tết” động viên tôi vững vàng vượt qua hoạn nạn. Năm 1994, tôi mua được 3 gian nhà cấp bốn trên mảnh đất nho nhỏ. Bạn đọc “Dòng xoáy” ở mọi miền đến thăm tôi, ai cũng hỏi thăm về nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Họ đòi tôi dẫn đến thăm nhà thơ bằng được. Trong câu chuyện vui với các bạn đọc, nhà thơ Đoàn Văn Cừ luôn dẫn chuyện vào chữ TÂM của nhà văn.
Trong buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định ngày 28 tháng 12 năm 2002, nhà thơ Đoàn Văn Cừ da dẻ hồng hào, gương mặt vui tươi. Tôi vừa mới cấp cứu ở bệnh viện về, đứng chưa vững. Nhà thơ động viên tôi thắng bệnh tật. Ông gọi thợ ảnh chụp cho tôi và ông làm kỷ niệm. Khi chia tay, tác giả “Chợ Tết” ghé tai tôi thì thầm: “Mình giữ được chữ tâm đến giờ là mừng lắm! Hãy giữ vững chữ tâm đến nhắm mắt xuôi tay nhé!” Bệnh não của tôi cứ tái đi tái lại nhiều lần. Tôi nằm bệnh viện triền miên. Anh em văn nghệ vào thăm tôi, chuyển lời thăm hỏi của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ở tuổi 90, tác giả “Chợ Tết” vẫn miệt mài sáng tạo, có thơ in đều trên các báo. Tết năm 2004, con trai Đoàn Văn Dòng của nhà thơ đến thăm tôi. Anh khoe tết năm nay “Cụ” có nhiều thơ in trên các mặt báo, được mấy triệu nhuận bút. Tôi mừng có được “người bạn” cao tuổi viết vền bỉ và luôn nhắc nhở nhau giữ chữ TÂM. Thế rồi, một chiều hè, tin buồn bay vào phòng bệnh của tôi. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã ngủ... một giấc dài. Tôi rưng rưng nhẩm lời nhắn nhủ của tác giả “Chợ Tết”: “Hãy giữ chữ TÂM trọn đời”. Cửa sổ phòng bệnh tôi nằm xòa vào chùm hoa phượng đỏ thắm đầu hè. Tôi liên tưởng màu đỏ hoa phượng như trái tim đỏ thắm chữ TÂM của nhà thơ Đoàn Văn Cừ ngừng đập ở tuổi thượng thọ ngoại 90.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã đi xa, nhưng tâm hồn “Chợ Tết” sống mãi với thời gian. Tình thơ, tình người trong thơ Đoàn Văn Cừ vẫn nồng ấm trong lòng người đọc và bạn bè văn chương!.
Mùa Xuân 2012
Trần Thị Nhật Tân  
Theo  http://vannghenamdinh.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương...