Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Cõi trần thế mãi lưu tên thi sĩ Bùi Giáng

Cõi trần thế mãi lưu tên thi sĩ Bùi Giáng
Thi sĩ Bùi Giáng đã rời xa cõi trần thế 14 năm nhưng những tác phẩm văn, thơ của ông vẫn sống mãi trong lòng độc giả. Cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng được người đời coi là một trong hai “huyền thoại” cuối cùng của thế kỷ 20 còn sót lại. Những áng văn, thơ của Bùi Giáng được “chắt lọc” từ trong máu của thi sĩ đã khiến bao con tim độc giả phải thổn thức. Nhưng tiếc rằng, tên tuổi của Bùi Giáng chưa được phổ cập rộng rãi ở miền Bắc và đến nay chưa có nhiều công trình, hội thảo nghiên cứu về thi sĩ được cho là “kỳ dị” nhưng tài năng và mức độ cống hiến cho nền văn chương Việt Nam thì vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Buổi tọa đàm và giới thiệu tuần trưng bày 
 sách với chủ đề “Bùi Giáng trong cõi người ta”
Để tưởng nhớ thi sĩ Bùi Giáng, sáng 29-2, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và diễn đàn Sachxua.net đã tổ chức buổi tọa đàm và giới thiệu tuần trưng bày sách với chủ đề “Bùi Giáng trong cõi người ta”. Đến với buổi tọa đàm này, độc giả được sống trong không gian thơ, nhạc Bùi Giáng. 112 ấn phẩm của Bùi Giáng và viết về Bùi Giáng do nhà báo Yên Ba (Báo Quân đội nhân dân) sưu tầm, trong đó nhiều tác phẩm xuất bản trước năm 1975 như cuốn “Mưa nguồn” xuất bản lần đầu năm 1962; “Trăng châu thổ” xuất bản năm 1969; “Con đường ngã ba – Bước đi của tư tưởng” xuất bản năm 1972; “Ngày tháng ngao du” xuất bản năm 1971... và một số tác phẩm xuất bản sau năm 1975 sẽ giúp độc giả hiểu hơn về thi sĩ này.
Giám đốc Trung tâm văn hóa Đông Tây 
Đoàn Tử Huyến trả lời báo chí
Những ấn phẩm tiêu biểu của 
Bùi Giáng do nhà báo Yên Ba sưu tập
Bùi Giáng viết nhiều thể loại. Ông viết văn, dịch các tác phẩm văn học, phân tích triết học, làm thơ, dịch kịch. Nếu so sánh về mức độ lao động nghề nghiệp thì Bùi Giáng là một người có sức lao động ghê gớm. Ông làm việc với niềm đam mê, đầy nhiệt huyết để cho ra đời những “đứa con tinh thần” có giá trị.
“Cuộc đời ông có nhiều nét kỳ dị nhưng trong cõi thơ Bùi Giáng có nhiều bài với những câu thơ xuất thần khiến người đọc tâm phục. Nhưng đến nay không ai biết Bùi Giáng có bao nhiêu tác phẩm. Chất lượng những tác phẩm của ông lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của nhiều người. Do hoàn cảnh đất nước thời chiến tranh, bị chia cắt hai miền Nam – Bắc nên các tác phẩm của Bùi Giáng bị thất lạc nhiều. Ngay cả gia đình thi sĩ chưa chắc đã có đủ toàn bộ những ấn phẩm của tác giả đã phát hành. Trong đợt trưng bày sách này, độc giả được mục sở thị nhiều tác phẩm quý giá của thi sĩ Bùi Giáng”, nhà báo Yên Ba cho biết.
Nói về bộ sưu tập sách Bùi Giáng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: “Đến dự buổi tọa đàm này, tôi không ngờ mình được nhìn thấy bộ sưu tập sách Bùi Giáng lớn đến thế. Tôi nghĩ, thi sĩ Bùi Giáng sống lại sẽ vô cùng tự hào bởi những tác phẩm của ông được thế hệ sau gìn giữ, nâng niu, trân trọng như vậy. Công việc của một nhà văn là đi chiều lòng người, Bùi Giáng đã làm được việc là chiều lòng được đông đảo độc giả. Ông mê hoặc người đọc bằng những tác phẩm văn chương viết với bút pháp chân thật của mình. Những gì đọng lại trong cuộc đời được người đời lưu lại là niềm hạnh phúc lớn. Bùi Giáng là một người hạnh phúc”.
Bức tranh thi sĩ Bùi Giáng của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh
Trong không gian thơ, nhạc Bùi Giáng, người đọc còn được chiêm ngưỡng bức tranh vẽ chân dung thi sĩ này của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh. Trong một lần tình cờ gặp thi sĩ Bùi Giáng tại TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đã “chộp” được nét thần thái đặc biệt trên gương mặt Bùi Giáng. Khi về nhà, ông lập tức cầm cọ ngồi cặm cụi ngồi vẽ chân dung thi sĩ. Lúc ấy, ông chưa biết người đàn ông có gương mặt và phong cách đặc biệt này là thi sĩ Bùi Giáng. Nhiều năm sau, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh mới biết người đàn ông trong bức tranh của mình là thi sĩ, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chăm chú xem bộ sưu tập sách
Dịch giả Thúy Toàn – Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây cho rằng: “Có lẽ nhiều người đến sinh hoạt ở Trung tâm chưa hiểu rõ về thân thế và sự nghiệp của thi sĩ Bùi Giáng. Buổi tọa đàm và trưng bày sách lần này là một hoạt động giúp độc giả có thêm kiến thức và hiểu hơn về Bùi Giáng”.
Bùi Giáng là nhà thơ của các nhà thơ. Những bản dịch, tác phẩm của ông mang dấu ấn lịch sử và chứa đựng tâm hồn lãng mạn, nhân văn sâu sắc. Buổi tọa đàm và trưng bày sách Bùi Giáng góp phần thổi lên ngọn lửa văn chương trong lòng độc giả với thi sĩ “kỳ dị” họ Bùi.
Khánh Huyền
Nguồn QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ONLINE
Theo http://hoabinhmenyeu.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...