Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Định mệnh và giá trị của con người

Định mệnh và giá trị của con người
Đây là một kiểu đối thoại "Nội quan" tương tác trên văn bản (thành đồng tác giả). Với bài "Định mệnh con người" của Nguyễn Hoàng Đức, Tôi, Nguyễn Tất Thịnh đã đối thoại, phát triển trên nhiều câu, nhiều ý.... nhằm đào sâu vào quan điểm của mình: cá nhân muốn tạc "Cái tôi" vào Cuộc sóng để đối mặt cũng như hòa thanh với định mệnh. Và do đó đã tạo nên một định mệnh mang tên chính mình.
Cuộc đời là thực tại như đang diễn ra hay là những ao ước về những điều sẽ diễn ra? Là bi quan hay lạc quan? Là bể khổ hay Thiên đường?... Sự thật về cuộc đời là gì khi chúng ta lê gót qua mọi nẻo phù sinh chông gai , nếm trải bao sự thống khổ hay hạnh phúc? Kiếp người có phải: '’Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả’' mà Đức Phật Thích Ca nhận ra sau khi vi hành ra khỏi cung điện đầy vàng bạc châu báu của vua cha?.
Bạn thử hình dung cuộc đời ngắn ngủi của con người bị kẹt giữa bao nhiêu cuộc tranh sát tương tàn? Biết bao bà mẹ đã tựa cửa ngóng trông chờ con đến mù lòa cả đôi mắt. Biết bao cô phụ lam lũ trong một niềm hi vọng cho đến một ngày nhận được một gói xương khô của người chồng yêu dấu. Biết bao nhiêu kẻ đói rách ăn mày lang thang không chốn nương thân đi bên lề cuộc đời đầy nhung lụa? Mỗi ngày có bao nhiêu câu lạc bộ làm quen mà con người vẫn sống trong cô đơn thờ ơ lãnh đạm đến hoang phế cả tâm hồn, trong chính ngôi nhà với những người vốn thân thiết của mình? Biết bao nhiêu đôi lứa bước vào ngưỡng cửa hạnh phúc lại nhanh chóng bước ra cửa tòa án? Biết bao trại ấp từ thiện mọc ra mà những kẻ mồ côi đói khát mù chữ vẫn đứng tần ngần ngoài cổng ngước lên nhìn tấm biển đỏ son về lòng quảng đại của con người?.... Còn… Còn nhiều lắm những đau khổ và phi lí… Nhưng cả người thiệt thòi và những người sung sướng thì chẳng có ai thoát khỏi bốn chữ bất khả cưỡng: Sinh – Lão – Bệnh – Tử… Bởi vậy từ thằng hèn đến các tôn ông, tất cả đã nghiễm nhiên giống nhau trở thành cùng một chúng sinh trong bể khổ đầy nước mắt.
Cuộc đời đầy rẫy đau khổ sao vẫn đáng sống? Đức Phật sống giữa trần ai để ngộ Đạo và truyền dạy cho chúng sinh mong cứu rỗi cuộc đời. Một Socrate vẫn hoan hỉ uống bát thuốc độc mà đón nhận cái chết thanh thản đẹp đẽ của mình. Một Gandhi chân trần áo thụng hiên ngang đi giữa những nòng súng bạo hành đầy rẫy của cuộc đời. Và giản dị hơn, một cô gái trong cuộc đời bình dị, vùi mặt vào hai bàn tay đẫm nước mắt trong nỗi đau khổ về mỗi tình tuyệt vọng của mình, nàng cự tuyệt không cho ai lôi nàng ra khỏi những hàng lệ chua xót đó. Nàng muốn tận hưởng chính nỗi đau buồn của mình. Leptonxtoi đã thật chí lí: "Nỗi đau khổ lớn nhất là bắt một người đang đau khổ không được đau khổ nữa". Người đau khổ muốn được cào xé trái tim mình trong nỗi đau riêng và liệu đó có là hạnh phúc? Bởi nỗi éo le của kiếp nhân gian nên có bao nhiêu cách nhìn về cuộc đời. Doxtoiepxki đã tôn vinh cuộc đời rằng :’Dù người ta có nói gì về cuộc đời đi nữa, tôi vẫn thấy những gì mà con người có ở cõi trần gian này thật chẳng có gì sánh nổi’
Vậy bất chấp đau khổ đầy rẫy khắp nơi, cuộc đời vẫn đáng yêu, đáng sống vô cùng, như mối tình của chúng ta, dẫu biết rằng đó chưa phải là Thánh đường. Đó vẫn là tình yêu ở trần gian, nơi còn có nhiêu đổ nát, thù hận và cô quả, những mảnh đầy thuốc súng, chém giết bạo tàn. Cuộc đời đáng sống không phải vì nó là chốn Thiên Đàng của công lí, đạo hạnh và bác ái, mà vì con người vừa sống vừa khát vọng cứu rỗi đời sống còn trầm luân và thô lậu.
Bởi thế chúng ta hay khước từ cái nhìn bi quan coi cuộc đời là bể khổ cũng như là Thiên Đường. Chúng ta nhìn cuộc đời như thực tại '‘Thế giới là chốn lưu đầy, vừa là Thiên Đường vừa là Hỏa ngục’'…. Bởi ở đó kiếp người mỏng manh yếu ớt như phù du, như hạt bụi bay trong gió, như giọt nước trong biển cả. Một ngọn gió, một tia nắng xuyên qua cửa sổ đủ làm con người nguy hiểm đến tính mạng. Một con Nhện Châu Phi cũng làm người ta phải chết, một chút nọc rắn cũng làm cuộc đời chúng ta phải hệ lụy…. và biết bao nhiêu chứng bệnh làm chúng ta phải chết, từ những thứ virus nhỏ vô cùng mà mắt thường không thể nhìn thấy. Vậy có gì mà khiến con người hào hứng thế?
Nỗi thống khổ của con người không chỉ nằm trong sự yếm thế bé nhỏ của thân phận trước thiên nhiên và xã hội, mà từ trong sâu thẳm bản tính của con người là nỗi buồn đầy ải dai dẳng khôn nguôi. Đạo Phật cho rằng con người đau khổ ngay từ lúc mới sinh ra, bởi thế những hài nhi khi ra đời chẳng có hài nhi nào ngây ngô mỉm cười trước hiện sinh yểu mệnh đầy chông gai của nó. Sự thăng trầm luôn đi cùng với con người. Heghel nói: '’Đó chính là định mệnh của con người và định mệnh đó chính là con người'’. Tại sao? Vì con người với nỗi niềm và tư tưởng đã xây nên ngôi nhà định mệnh của mình
Bạn hãy nhìn vào bầy Ong, có bao giờ Ong chúa vị thiên vị tình cảm riêng tư với anh Ong thụ giống nào mà cho ai nhiều hơn không? Và khi những anh Ong đang ân ái thụ giống cùng Ong chúa thì những chú ong chiến lại mải miết lao vào cuộc tranh đấu với những kẻ đến phá tổ, chiến đấu đến đứt nọc mà chết mà không bao giờ mảy may nghĩ là: trong lúc chúng đang chiến đấu mất còn như thế thì tại sao có những anh Ong khác lại được hưởng lạc thú? Không có nửa lần như vậy. Tất cả hăm hở thực hiện bổn phận một cách vẹn toàn. Không một con Ong nào bị lôi ra tòa án binh vì tội đảo ngũ cũng như không có một vụ việc đánh ghen nào trong tổ ong đó. Loài vật không có định mệnh, vì chúng tự thủ tiêu cái Tự do của chúng khi an phận sống trong luật lệ của Thiên nhiên.
Con người khát khao tự do. Con người kiến tạo những giá trị gọi là ‘tinh thần’ của mình vốn không có sẵn trong thế giới tự nhiên. Cái thế giới Tinh thần mới lạ đó đầy những mâu thuẫn và nghịch cảnh bởi chính cuộc sống, nội tâm, khát vọng của con người. Vì thế đau khổ và hạnh phúc cũng là tất yếu. Thế giới sinh vật không và không thể gán cho cái sống chết bất cứ ý nghĩa gì, chỉ có con người mới gán cho nó quá nhiều ý nghĩa đến chính Thượng Đế không cảm thấy tự tin với quyền lực Tuyệt đối của mình nữa vì bị định nghĩa lại, định vị lại theo quan niệm tinh thần của con người. Để mộng mơ, con người lao vào muôn vàn cuộc tranh đấu với tất cả các lực lượng trong Vũ trụ này. Và điều mộng mơ vĩ đại nhất hóa ra lại như đơn giản nhất, ích kỉ nhất với khát vọng tự trả lời: Ta là Ai. Hóa ra Tự do là cái khát vọng con người muốn thể hiện mình như họ muốn. Vì thế có cô gái đau khổ vì si tình, có ông vua phải tan thây trên trận mạc, có gã đàn ông đốt ngón tay mình làm ngọn đuốc nhỏ thắp sáng mà vẽ tranh. Như Đức Phật Thích Ca cũng thích ngồi dưới gốc cây Bồ đề mà không phải là cây khác. Ấn Độ giáo thờ con bò chứ không phải con trâu, và Đạo Hồi lại tôn vinh loài lợn chứ không phải loài chim, còn Chúa Jesu chịu tội thay cho chúng sinh nhưng hãy đóng đinh Người trên cây thánh giá chứ không phải bằng nhát gươm của kẻ xấu. Và con người như Rimbaund nói: "Cuối cùng tôi khám phá ra sự hỗn loạn của tâm trí tôi là thiêng liêng".
Con người xây nên ngôi nhà định mệnh cho chính mình nhưng lại không chịu an bài trong ngôi nhà đó. Khi Thượng Đế đã kiến tạo nên Thiên Đàng thì thật ra con người cũng không muốn ở đó. Loài người muốn lao vào các thử thách với định mệnh, bởi vì: '’Có khả năng chấp nhận sự thách đố và chiến thắng định mệnh đó chính là điều kiện để có đời sống tự do’'. Và khi bất hạnh bịt bùng bao quanh số phận bé bỏng của con người, thì con người đã dùng quyền Tự do đã được khẳng định để chấp nhận bất hạnh như một hạnh phúc. Đó là cách nhìn mới đầy lạc quan mà những ‎ ý ‎‎ tưởng của những bậc siêu nhiên khi kiến tạo nên Thế giới cũng không lí giải nổi. Sự bất hạnh được xem như cái giá phải trả của con người cho việc hóa giải con dấu định mệnh mà Tạo hóa đã muốn đóng vào Nhân loại. Tổng thống Lincon khi còn niên thiếu đã đi bộ suốt hơn 40 dặm đường để mua mỗi một cuốn sách ông yêu thích. Vậy ông lựa chọn hay muốn khẳng định? Nhưng dù gì thì phải là cái mà ông thấy là xứng đáng. Những cuộc viễn thám hiểm nguy vòng quanh trái đất ở những buổi sơ khai, thật ra con người muốn tìm kiếm cái gì: Những vùng đất mới hay thể hiện bản thân?. Dù gì thì cũng phải là những giá trị mới làm nhân loại phát triển.
Con người không sợ đau khổ bởi con người khao khát tự do, khao khát sự nghiệp làm người hơn là tìm kiếm cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc dễ dẫn con người vào chỗ hưởng lạc, tự mãn, thụ động và bạc nhược. Còn sự khao khát kia giúp con người chắt lọc ra được '‘Cái Tôi’' của chính mình, siêu phàm hóa chính mình để sáng tạo nên những Thánh Thần hòa vào, làm phong phú, mạnh mẽ thế giới tinh thần của con người. Con người đã sáng tạo nên những giá trị không có sẵn trong Vũ Trụ. Hạnh phúc suy cho cùng là quà tặng mà con người tự thưởng cho những gian nan, chuân chuyên của sự nghiệp làm người. Bởi vậy Hạnh phúc được gán vào những giá trị con người tìm ra, song con người lại tiếp tục lên đường, đi đâu? Con đường đó như y của nhà thơ Xuân Diệu nói: Nhìn trái đất như giọt nước mắt, trôi đi trong vũ trụ mênh mông. Con người đi trong đó, nơi đã nổi lên bao nhiêu cơn lốc của những bi kịch và đam mê nổi tiếng!.
Nguyễn Tất Thịnh
Theo http://nguyentatthinh.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoa lúa – Chùm thơ của Hoàng Xuân 14 Tháng Mười Hai, 2023 Cơn mưa xâu đêm/ sảy sàng /khoan nhặt mùa vụ bão giông… Hoa lúa (Tặn...