Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Nỗi niềm Chiều gió cát

Nỗi niềm Chiều gió cát
(Cảm nhận Chiều Gió cát - tập thơ của Anh Giang 
Vũ Thị Thơm - NXB Hội Nhà Văn- ấn hành năm 2011)
Tôi là dân ngoại đạo của thơ, rất sợ làm thơ và cũng rất ngại đọc thơ. Nhất là thơ hiện nay đã được cách tân không vần không điệu, đọc xong mà chẳng hiểu gì. Nhiều khi tự trách mình là chậm hiểu hoặc đầu óc có vấn đề… nhưng càng đọc càng mụ mị bởi chữ nghĩa phức tạp lại còn sắp xếp chẳng theo một trật tự nào. Bản tính đã lười lại càng ngại hơn khi phải đọc thơ với cái nhẽ giản đơn như vậy.
Khi được nữ sĩ Anh Giang Vũ Thị Thơm tặng cuốn thơ ‘‘Chiều Gió cát” thì cảm giác ngại đọc vẫn còn nguyên. Nhưng lại tò mò với bút hiệu Anh Giang. Vẫn biết là tên con sông quê nhưng lại thấy thấp thoáng tính danh nữ sĩ Anh Thơ và nữ sĩ Ngân Giang. Nhưng ba người sinh ba nơi, ba người ba họ… vậy nảy sinh tò mò và đọc. Đọc và tìm những điểm tương đồng, đọc để tìm ra khác biệt. Và cũng từ đấy mà phát hiện ra nhiều chiều kích của thơ Anh Giang Vũ Thị Thơm trong Chiều gió cát.
Có sự khác nhau về tuổi tác cũng chẳng là nhiều Anh Giang so với Anh Thơ và Ngân Giang cũng chỉ kém chừng mươi tuổi, vậy nên có thể xếp chung về tuổi tác; Nhưng Anh Thơ, Ngân Giang làm thơ thời tuổi đang xoan còn Anh Giang làm thơ tuổi bóng xế, thành thử thời gian sản sinh tác phẩm lại cách nhau đến nửa thế kỷ nên nhiều khác biệt do nhịp sống xã hội đổi thay. Thơ của thế hệ trước còn đậm chất cá nhân u hoài, sắc màu mộc mạc:
Gió hắt mưa phùn tươi khóm trúc
Hoa bừng cánh trắng đẹp vườn chanh
Trong thôn rộn rã người qua lại
Chạnh nghĩ bâng khuâng... hận nỗi mình
 

(Xuân- Ngân Giang)
Cũng cảnh xuân như vậy, thơ của Anh Giang tươi tắn hơn, phơi phới hơn:
          Gió rung cánh nắng tia hồng
          Nôi tròn mẹ nựng êm trong nụ cười
          Vườn hồng thắm sắc khoe tươi

          Quyện trong nắng mới nhuộm đời cho con 

(Xuân với Bác Hồ)
Rõ ràng ta thấy hai cách nhìn khác biệt, hai sự liên tưởng khác biệt trong cùng một khung cảnh mùa xuân. Một co về qúa khứ để than thân trách phận còn một trải rộng tâm hồn nghĩ về tương lai với một niềm hi vọng tươi sáng. Nhưng đấy không phải là điều quan trọng nhất mà ấn tương quan trọng nhất đối với tôi là sự giống nhau về thể thơ, cấu tứ, thi pháp và đặc biệt đối tượng cảm xúc thì ba nữ sĩ này có rất nhiều nét tương đồng. Có những chủ đề nếu đặt thơ của các nữ sĩ đứng cạnh nhau ta có cảm tưởng như trong một cuộc thi thơ với hình ảnh được nhắc đến gần trùng hợp nhưng dấu ấn cung bậc cảm xúc rất khác nhau:
Đây là Chiều Quê của Ngân Giang:
Bên trời bầy én lưa thưa
Mây chiều bát ngát... mơ hồ xa xôi
Tiều phu gánh cỏ lên đồi
Chuông chùa gần đấy gióng hồi thu không.
Còn Chiều Quê của Anh Giang:
Mây chiều lãng đãng ánh bên sông
Thấp thoáng theo trâu mấy mục đồng
Bếp lửa lập lòe thôn rộn rã
Tiếng chuông xa vọng điểm chiều đông.

Cũng là mây chiều nhưng trong thơ Ngân Giang nhạt nhòa mơ hồ còn mây chiều trong thơ Anh Giang lại lãng đãng. Tiếng chuông chiều của Ngân Giang là tiếng chuông chùa gần còn của Anh Giang từ chùa xa vọng lại, một đằng không gian co lại với vài cánh én lưa thưa còn một đằng lại mở ra với xóm thôn rộn rã và hình ảnh bếp lửa lập lòe làm ấm lại cả một buổi chiều quê.
Hay cảm nhận về ngày tết:
Trời ửng hoa đào, đất sáng mai

Vàng trong hoa cải bướm bay dài

Vườn bên dây táo xôn xao nắng
Thấp thoáng bay hồng giải yếm ai
 (Ngày Xuân- Anh Thơ)
Bên thềm hoa nắng bướm xôn xao
Gió nhẹ song thưa rung cánh đào
Hớn hở em thơ khoe sắc áo 
(Vui tết- Anh Giang)

Ta thấy cũng có sự tương đồng về cảnh sắc nhưng có khác biệt điều nghĩ suy trước cảnh sắc đó.
Thực ra đặt thơ của các nữ sĩ đứng cạnh nhau để so sánh tạo cảm nhận cho mình là một việc làm khập khiễng. Nhưng từ đó tôi cũng rút ra được một nhận xét cho riêng mình để cảm phục thế hệ những người đi trước là những người tài hoa có một phông văn hóa đậm hồn quê, cẩn thận chỉn chu gần như đã trở thành chuẩn mực trong cách nhìn, cách viết, cách bày tỏ cảm xúc của riêng mình một cách mộc mạc dung dị, không cường điệu không gân cốt nhưng vẫn tạo nên sự khác biệt và gieo được ấn tượng đẹp với người đọc. Anh Giang của chúng ta cũng là một trong những người như thế.
Vì vậy đọc thơ Anh Giang không thể đọc lướt, đọc vội vàng mà hãy thả hồn mình vào trong khung cảnh mà tác giả vừa miêu tả mà ngẫm ngợi, mà so sánh  rồi sẽ nhận ra một hồn thơ quê hương chẳng thua kém gì các nữ sĩ tài danh: 
‘‘Không gian văng vẳng nâng đàn trúc 
Ai thổi hồn thu xa tít trời”
(Nhạc Thu)
Lã Thanh An vừa đề cập đến vấn đề cảm xúc nhẹ nhàng trong thơ Anh Giang, cảm xúc ấy đã đạt đến mức độ Thiền. Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét hết sức sâu sắc đó. chỉ xin được bổ sung thêm một số ý kiến cá nhân về vấn đề này. Thực ra trong thơ Anh Giang đậm chất thiền nhưng không buông xuôi rũ bỏ trách nhiệm với đời. Dẫu thanh thản ung dung tự tại, dẫu không tham sân si, dẫu hiểu nhẽ sinh diệt của vạn vật trong vũ trụ... nhưng lại ý thức rất rõ trách nhiệm của mình vì vậy có những nỗi niềm ẩn sau chất thiền, ẩn sau những ngôn từ dung dị. Những nỗi niềm ấy không để thở than trách cứ mà là giác ngộ để vượt lên. Đó mới là điều đáng quý, đáng trọng. Có lúc nhà thơ thảng thốt chợt lòng bâng khuâng trước một cánh lá vàng trước gió heo may trong cảnh sắc mùa thu, thấy cuộc đời thì ngắn, trách nhiệm thì còn nhiều:
Gió vàng theo gió heo may
Gió lùa vai áo khẽ lay mình rồi
Trời xanh mây trắng êm trôi
Thấy lòng xao xuyến nhuộm đời vào thu

(Thu)
Rồi không khỏi có những lúc những lúc trách móc giận hờn về sự vô tình của tạo hóa:
Sóng nhô đầu gọi thời gian
Hỏi sao lốc xoáy gió ngàn từ đâu
Sóng ơi, đã vội bạc đầu
Nhìn lên trời thẳm một màu xanh xanh

(Sóng biển)
Và bài Trăng suối với cảnh vật vũ trụ được cảm nhận trong cái thế chênh vênh:
Mặt trời xuống núi đứng chênh vênh
Suối chảy lao xao đá gập ghềnh
Trăng gác non Đoài cong chênh chếch

Thế mà trong cái thế chênh vênh như vậy lòng vẫn dặn lòng:  Giang sơn một gánh nhẹ thênh thênh. Bảo rằng đấy là ung dung tự tại cũng đúng. Nhưng trên cả là sự giác ngộ trách nhiệm vượt lên bằng nghị lực của chính mình, dám chấp nhận khó khăn để làm tròn trách nhiệm. ‘‘Giang sơn một gánh nhẹ thênh thênh” còn xuất hiện trong bài thơ Biển đời:
‘‘Giang sơn một gánh thênh thênh 
thuyền tôi vượt biển mông mênh bên trời” 
Nói đến bài thơ này ta hãy nhớ bài thơ thiền của Dương Không Lộ nhan đề Ngư nhàn: 
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên 
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên, 
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán 
Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền.
(Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một thôn yên ả một vùng dâu đay
Ông chài ngủ chẳng ai lay
quá trưa tỉnh giấc tuyết bay đầy thuyền). 
Thiền đấy. Đó là sự an nhàn, sự lặng lẽ khi đã trở về bản thể giác ngộ. Trong khi đó Anh Giang vẫn ‘‘Giang sơn một gánh thênh thênh, thuyền tôi vượt biển mênh mông bên trời”. Cũng là giác ngộ đấy chứ nhưng vẫn còn phải có trách nhiệm với đời. Nhưng người đọc cũng không khỏi xót xa trước thân phận một mình một gánh, lên rừng xuống biển. Người gánh nặng ấy tự động viên mình đấy chứ. Nhưng vẫn khát khao nếu được người đời biết cho sự vất vả ấy thì cũng bõ công:
Biển đời gặp được tri âm
Cho nghiêng mặt nước cho xuân góc trời.

Cả tập chiều Gió cát có 66 bài thơ mà có đến 40 bài theo thể Đường luật, 14 bài thể lục bát. Tôi đã băn khoăn tại sao Anh Giang tự làm khó cho mình bởi vì nhà thơ làm thơ vào hai thể loại thơ khó nhất. Đặc biệt là Đường luật có những quy định khá khắt khe về niêm luật, về thi pháp... và chiều sâu tư duy ý tại ngôn ngoại. Nhưng bà đã có nhiều bài rất thành công đó là các bài mà các cây bút trong cuộc giới thiệu sách này đã bình. Ngay cả thơ lục bát cũng vậy, không phải là dễ để có được hồn Việt dân dã mà bay bổng. Nhưng khó mà làm được mới tài. Và tôi cũng tự lí giải đây là nét đặc trưng của một thế hệ nhà thơ Việt Nam giai đoạn trước. Khó làm nhưng được đông đảo người đọc chấp nhận bởi vì thông qua những quy định chặt chẽ ấy những bài thơ Đường luật, lục bát giàu nhạc sáng hình gợi sự liên tưởng thú vị và đặc biệt dễ neo vào lòng người đọc. Một đời làm thơ chỉ cần vài câu thơ, một bài thơ được người đọc nhớ đến đã là quý là thành công. Những người viết thơ trẻ hiện nay nặng về cách tân, thiên về bóng chữ, cố tìm từ mới, sắp xếp đảo điên rồi tự khen hay nhưng thiên hạ đã mấy ai thuộc được một câu thơ kiểu ấy. Giỏi lắm, hay lắm căng mắt căng óc mà suy mà luận thì cũng chỉ lờ mờ hiểu rồi thì may ra nhớ được đại loại ý nó như vậy như vậy mà thôi. Vậy thơ ấy để làm gì trong khi một ngày họ có thể sáng tác đến ba bốn bài thơ, một năm in năm sáu tập thơ... Tôi có lần đã nói thách với một anh chàng sáng tác thơ cách tân: có giỏi, có tài thì hãy làm một bài đường luật hay một bài lục bát đi xem nào. ấy vậy mà chịu. Thì ra cách tân, phê phán thơ truyền thống là nhàm, là chán nhiều khi để che giấu sự bất lực như kiểu một anh yếu sinh lý thì lại thường cao giọng đạo đức. Nói như vậy để thấy cái vất vả đam mê của tác giả Anh Giang cho hôm nay ta có một tập thơ dầy dặn.
Nhưng cũng phải nói thêm khi Anh Giang vượt ra khỏi cái lề luật của thơ Đường và lục bát thì trở thành xuất thần với Chiều gió cát. Hình ảnh váy vắt lưng đèo và những câu thơ: 
Em về lưng núi
gió lộng hanh heo
bước chân chùn cát 
váy vắt lưng đèo 
là một thành công về hình tượng nghệ thuật. Thành công ấy có được là do cái nền cổ thi vững chắc và sự thăng hoa đến bất ngờ của một tâm hồn thơ theo đúng nghĩa.
Mai Tiến Nghị
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương...