Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Xin nhìn thơ như cuộc đời

Xin nhìn thơ như cuộc đời 
Khoảng mười năm nay, nhu cầu văn hoá tinh thần trong đại bộ phận đời sống xã hội người Việt ta được nâng cao và chú trọng. Nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được “lên ngôi”, được đẩy lên mức “đề cử thành những giá trị văn hoá của thế giới”. Và Thơ và giá trị của Thơ Việt cũng đã có biểu hiện muốn “đẩy lên” như một giá trị quan trọng và to lớn. Có thể rồi đây (cứ đà sản xuất, tung hô - quảng bá, phát triển lực lượng... Thơ) thì đất nước ta nhiều khả năng được công nhận là “Quốc Thi” - đất nước của Thi ca. (Như Hà Nội - thành phố vì hoà bình, chẳng hạn).
Thơ là gì? Tôi đã thử đặt câu hỏi “tào lao thôi mà” với rất nhiều người yêu Thơ từ Câu lạc bộ Thơ xã phường lên tới các nhà thơ Trung ương (tức nhà thơ có thẻ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Câu trả lời nhận được thật không biết đường nào mà lần. Có người bảo Thơ là Thơ, là văn vần có ý có tứ để nói lên lòng người chứ là gì; có người bảo, Thơ là tâm hồn người ta hiển hiện ra vật thể (chữ nghĩa) chứ là gì; có người bảo Thơ là gái đẹp, là đàn bà, là ngoại tình...?; lại có người quan trọng hoá : Thơ là cõi thiêng nếu hiểu được thì còn gì là Thơ...?; có người bảo Thơ là tinh hoa của tâm hồn Con Người và con người lao động, con người tri thức...; lại có người nói cụt lủn: Thơ là tâm sự, là kinh nghiệm sống...Tôi lại cậy nhờ đến  sách vở xem Thơ là gì. Có ông nói: làm Thơ là phải bạc tóc, phải nát rượu, phải vài ba năm mới nghĩ (mới sửa) được một chữ; có ông nói Thơ là tinh tuý con người chỉ nên khen chứ không nên chê (?); lại có ông nói làm Thơ là phải lý luận, phải tư tưởng, phải văn - võ toàn tài - thông kim bác cổ; cũng có ông nói khoát hoạt mơ hồ: Thơ là trí tuệ của tâm hồn, là tâm sự của người xuất xử (người có học liên quan đến vận mệnh xã hội...).
Mơ hồ, Thơ thật mơ hồ. Tôi tìm đọc và nhớ lại, nhiều năm nay trên báo chí, luôn cập nhật “thời sự Thơ ca” và luôn có các bài phê bình “bình luận và quan sát” về Thơ cả nước. Hơn chục năm trước có mấy bài báo đáng chú ý về dự đoán “vận mệnh Thơ Việt” rằng:  sẽ có một cuộc cách mạng Thi ca. Tuy nhiên, đã hơn mười năm trôi qua, Thơ Việt vẫn hoàn Thơ Việt: bình dị, tươi tắn, có một chút thâm trầm - một chút cái tôi tự vấn, một chút duyên chữ nghĩa - một chút thông minh. Còn phần nhiều là tình cảm đằm thắm chan hoà quê hương - đất nước - con người...
Vậy nhưng, thấp thoáng trong rừng chữ nghĩa báo chí phê bình Thơ, vẫn có bài đánh giá nhìn nhận đúng Thơ (nhưng ít). Còn lối nói lý một tý, cảm tính một tý và “khen lấy được” là tinh thần chủ yêú của nhiều bài báo. Trong ít bài báo phê bình “điểm huyệt” được một số hiện tượng tác giả và tác phẩm Thơ “chỉ có phần vỏ không có phần hồn”, tôi thấy nổi lên hai dạng liệt kê. Một, hoặc là bài báo chỉ ra được hiện tượng “sản xuất Thơ tràn lan, người người làm Thơ, nhà nhà làm Thơ, các Nhà xuất bản đua nhau in sách Thơ “không biết ngượng”. Điều này đã xảy ra nhiều năm liệu có làm lãng phí công sức và tiền của chung của xã hội không? Điều này có vô hình chung gây “rác văn hoá” và nhiễu loạn giá trị văn chương chuẩn mực không? Hai, hoặc là bài báo chỉ ra được sự non kém trong việc thẩm Thơ ở các cấp có trách nhiệm, ở các Cuộc thi Thơ. Tuy nhiên, chỉ ra chung chung xong thôi. Không có ông nào, Hội đồng nào “nói lại” gì cả và các tác giả Thơ “vớ vẩn” lọt vào Giải vẫn ẵm tiền thật tiêu xài ngon lành. Và các tác giả Thơ cứ thế vênh vang, thăng tiến... nhờ có những Giải nọ, Giải kia trợ đỡ.
Trong những bài tán dương Thơ ào ào, tiếc thay, có cả nhiều bài của những tác giả phê bình - bình luận văn học chuyên nghiệp. “Phê bình văn chương trên báo chí mà” - nhiều người nói như vậy. Nhưng đã nhiều năm, nhiều báo chí, nhiều “Nhà” cứ viết như vậy, thì diện mạo văn chương (nhất là Thơ Việt) sẽ có dung nhan và tên tuổi - địa chỉ như thế nào? Tôi đã đọc và đối chiếu một cách tương đối những bài “nhận diện Thơ Việt” của năm 2000, năm 2005, năm 2010 mà cảm thấy buồn bã cho Thơ. Vẫn những nhận định, có đổi mới, nhưng đổi mới “cái gì - như thế nào” ở Thơ, thì không được tác giả phân tích rõ. Rồi, Thơ đã có một vài “dịch chuyển xu hướng nho nhỏ”, nhưng là “dịch chuyển gì - tương quan với văn chương thời đại, Thơ tiến hay lùi?” thì cũng không thấy tác giả trình bày. Rồi, cuối cùng các bài báo cũng thường điểm tên các tác giả “đại diện”. Nhưng đã bao năm nay, “quay đi quẩn lại” vẫn là mấy ông bà “quen tên biết mặt” ở Hà Nội, ở TP.HCM, và đâu đó Miền Trung - Tây Nguyên là hết chuyện. Sự liệt kê “tên tuổi” nhàm đến nỗi, nếu ai làm “văn học sử qua báo chí” chắc sẽ viết: nền Thơ Việt trẻ đương đại có lẽ chỉ có khoảng mười ông bà  “có tên” ấy thôi.
Không phải như vậy chứ. Thơ Việt đang lặng lẽ tinh khôi cùng tâm thức và nhịp sống mỗi ngày của những người Việt yêu Thơ, trọng Thơ.
Thơ không đòi hỏi địa vị, vị trí và vùng miền để ra đời, để toả ấm. Nhưng đúng, Thơ có kén chọn không khí và tâm tính cùng trí tuệ của từng người cụ thể để ra đời. Đôi khi, Thơ cũng kén không gian nào đó phù hợp để  bộc lộ vẻ đẹp. Và Thơ là cuộc sống - một cuộc sống cao hơn đời sống một con người. Tôi nghĩ, có lẽ vì thế, Thơ đã và đang xuất hiện ở khắp miền đất Việt. Tôi tin - quý và kính trọng các bài Thơ, các nhà thơ ở đâu đó Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Miền Trung - Tây Nguyên, biển - đảo, miệt vườn Nam Bộ hay bên ngoài Tổ quốc... Vậy nhưng, hình như rất ít, rất hiếm Thơ hoặc tên tuổi của các tác giả Thơ ở những vùng miền “không phải là trung tâm” ấy, được các “Nhà” quan tâm giới thiệu, phân tích và bình luận. Như vậy, “tính chuyên nghiệp” trong nhìn nhận Thơ Việt khoảng chục năm qua là rất không thoả đáng.
Tôi xin có “khảo sát nhỏ”, ngẫu nhiên, như một ví dụ “vô tư nhất”, về “diện và chất” của Thơ Việt mười năm qua. Tôi muốn nói tới khoảng thời gian mười năm, là vì tôi đang đọc trên tay tập Thơ  “Mười năm đầu thế kỷ XXI” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tập Thơ có tên thật ngắn: Thơ, nhưng lại dày tới hai quyển, mỗi quyển gần 500 trang in. Bộ sách tuyển Thơ mười năm đầu thế kỷ XXI do các Nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý và Quang Hoài chọn. Xem qua danh mục (xếp theo vần A,B,C..) tên các tác giả được chọn, tôi nhận ra có khoảng 250 tác giả từ già đến trẻ, từ mới vào nghề đến các bậc “Lão Thơ”. Tôi cũng nhận thấy, còn thiêu thiếu nhiều tác giả Thơ đâu đấy trên các miền đất nước, vì lẽ gì lại chưa kịp góp mặt góp Thơ ở đây. Quả là, để tìm một sự “thống nhất” thật khó khăn biết bao.
Tôi đang đọc quyển 1, có khoảng 120 tác giả Thơ góp bài, từ tác giả Lương Ngọc An (vần A đầu tiên) tới tác giả Lâm Quang Mỹ (vần M cuối tập). Có 3 tác giả được chọn in 4 bài là: Trương Nam Hương, Đặng Huy Giang và Hoàng Trần Cương, còn lại là tác giả được chọn 3 bài, 2 bài và 1 bài.
Xin trích đôi câu Thơ tôi thích do đọc ngẫu nhiên “một cách máy móc”, là  Thơ của tác giả bất kỳ, nhưng lại được in ở các trang cố định: bắt đầu từ trang 07, sau đó tăng lên 100 trang xem sao?
Lúc thảo thơm hoa tận cùng thơm thảo/ lúc phù du hoa dứt áo phù du...
(Hoa sữa - Lương Ngọc An - Tr 07.)
Bạn đi vắng, chuông đồng hồ vẫn thong dong buông tiếng/ chuông Nhà Thờ vang ngân nao nức dưới làn mưa.
(Không cũ nổi ngày xưa - Ngô Kim Đỉnh - Tr107.)
Cần chi thần thánh nữa/ Hiền nhân đây đủ rồi/ Một chén tường thế sự/ Hai chén đã tri âm/ Ba chén thông lẽ trời/ Thông ba ngàn thế giới/ Thương vô chừng nhân gian.  
(Nhặt quanh Lý Bạch - Trần Ninh Hồ - Tr207.)
Bỏ lại phố phường bon chen/ Ta về thung thăng với núi
Có màu Lính giữa đại ngàn/ Núi bỗng quên mình ngàn tuổi
... Cỏ cây rực màu thiếu nữ/ Rừng buông sương tím ỡm ờ...
(Tây Bắc - Trần Đăng Khoa - Tr307.)
Lại xin trích Thơ của các tác giả được in ở trang 57, sau đó tăng lên 100 trang xem sao?.
Suốt đêm gió lạnh về/ những pho tượng trầm ngâm trên bệ đá/ các ông có thể bị cảm lạnh/ vì dưới mái đêm này/ chỉ còn duy nhất một ngọn nến mong manh/ các ông suy nghĩ gì khiến bóng đêm mất ngủ/ các ông dằn vặt gì khiến bóng đêm đăm chiêu/ suốt đêm gió lạnh về/ nến đã tắt và các ông vẫn nín lặng như thế...                         
(Những ngôi Chùa trong đêm - Nguyễn Việt Chiến - Tr57.)
“Ai công nhận anh là nhà thơ” - Toà hỏi/ “Ai không công nhận tôi thuộc loài Người”- Bị cáo trả lời/ Thuộc loài Người đương nhiên là Nhà Thơ rồi/ Nói thế đương nhiên đi tù cũng phải/ Bordxky viết những dòng thơ khao khát mãi/ Về một người con gái đẹp xinh/ Mặc dù nàng đã bội tình/ Nhưng thơ vẫn yêu tha thiết... (Bordxky - Nguyễn Phan Hách - Tr157.)
Mai còn ai đưa em nốt quãng đường dài/ Bao lần người đi trà nguội hết/ Em đã châm chung trà bằng nhiệt huyết/ Ngọn lửa tình yêu thoắt chốc bỗng lụi tàn.    
(Trà nguội - Đặng Thị Thanh Hương - Tr257.)
Mẹ nhẹ nhàng cổ tích chở tháng năm/ ảo - thực buồn - vui sóng sánh lời ru chuỗi ngày con thơ bé/ di chỉ cuộc đời trên đôi bàn tay mẹ...
(Bàn tay - Hà Linh - Tr357.)
Những câu Thơ được trích ngẫu nhiên nhưng “máy móc”, để dễ công nhận cách chọn, “dễ thống nhất - không cảm tính”. Đọc những vần Thơ đó, tôi nghĩ, “mới chỉ thế thôi”, đã hình dung được phần nào diện mạo Thơ Việt, phần nào tình cảm và hồn cốt Thơ Việt và một xu hướng Thơ Việt... là khác nhiều với các bài báo “phê bình văn chương” trong mấy năm qua. Thơ không “nằm suốt ở một vài người trẻ ấy”, dù họ luôn cố “cách tân”. Thơ cũng không “nằm suốt ở một vài Cụ ấy”, dù các Cụ đó địa vị cao cao... Thơ không ở trong lồng son nhưng cũng không ở nơi phàm tục. Và hình như, Thơ cũng không mang nhiều sứ mệnh và trách nhiệm như ai đó gán cho hoặc tưởng tượng.
Tôi xin kính trọng Thơ như một Con Người, xin nhìn Thơ như cuộc đời...
VT. tháng Xuân 2011
Kim Ngọc Đại
Nguồn: phongdiep.net
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Trăm năm một thuở”: Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ 7 Tháng Tư, 2023 264 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, N...