Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Cảm nhận văn chương "Sông chưa lấy chồng" của nhà thơ trẻ Mạc Phong Tuyền

Cảm nhận văn chương "Sông chưa lấy chồng" 
của nhà thơ trẻ  Mạc Phong Tuyền 
SÔNG CHƯA LẤY CHỒNG
Dòng sông chưa lấy chồng
Sông thổn thức năm canh
Kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc
giăng tơ bên lở bên bồi
Dòng sông…
Dòng sông gầy ngàn năm
Đêm qua hóa thân ngực tròn trăng thiếu nữ
E lệ hạt sớm mưa bay
Thẹn thùng chiều hoàng hôn mắt đỏ
Câu thề đêm nao bậu thơm hương vàm cỏ
Khắc khoải dấu chân lữ khách trở về
Dòng sông…
Dòng sông đêm nay
Ngọn sóng nhung dềnh loang thảm nước
Liếm mặt doi cát …vàng hơn ánh trăng
Ngậm dấu chân người
Uống lụm ký ức
Nuốt câu thề vào lòng sông…

(Mạc Phong Tuyền)
Không biết tự bao giờ hình tượng dòng sông trong thi ca thường gắn liền với cuộc đời người phụ nữ có duyên phận bẽ bàng. Dòng sông trong “Cô lái đò” của nhà thơ Nguyễn Bính “Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã hẹn thề/ Nhưng rồi người khách tình quân ấy/ Đi biệt không về với bến sông”. Dòng sông trong “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến “Ngày chia tay bên sông thấy chị buồn mà thương”…. Dòng sông ấy cứ chảy tràn mãi trong thơ ca và đã chảy vào trang thơ của Mạc Phong Tuyền qua bài “Sông chưa lấy chồng”.
Mạch cảm xúc của bài thơ được chảy theo trình tự kết cấu của tác phẩm. Hiện tại (Khổ thơ 1) - Quá khứ (Khổ thơ 2) - Hiện tại (khổ thơ 3).
Hiện tại: Dòng sông chưa lấy chồng
Sông thổn thức năm canh
Kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc
giăng tơ bên lở bên bồi

Dòng sông được nói đến trong bài thơ là hình ảnh ẩn dụ chỉ cho người phụ nữ chưa lấy chồng. Mặc dù “chưa lấy chồng” nhưng người “con gái” này đã luống tuổi “Kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc”. Đây là một thi ảnh lạ có sức gợi về tuổi đời của nhân vật trong bài thơ “bạc tóc”, về sự mỏi mòn trông đợi tình duyên “Kéo con đò qua đêm trăng”. Có người con gái nào đến tuổi trăng tròn mà không mơ đến chuyện lứa đôi. Còn nhớ ca từ “Có người con gái buông tóc thề. Thu về e ấp chuyện vu quy” lúc “Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa”(Nỗi buồn gác trọ).Hình ảnh “trăng” trong ca từ thật đẹp, thật lãng mạn và trong veo giấc mơ vu quy của cô gái. Còn “trăng” trong bài thơ này bàng bạc một màu buồn vì nó mang màu “bạc tóc" và nặng nề vì phải “kéo con đò” chở ước mơ vu quy của chị qua bao mùa trăng. Vì thế mà “sông thổn thức năm canh”. Chỉ một từ “thổn thức” thôi mà nhà thơ đã lột tả hết nỗi lòng của người phụ nữ “chưa lấy chồng”. Đọc câu thơ mà tưởng chừng như nghe được tiếng nấc bậc lên từ nơi sâu thẳm cõi lòng chị oán than cho duyên số bẽ bàng. Thật thương!
Trong hiện tại buồn đau, con người thường an ủi mình bằng những hoài niệm đẹp của quá khứ. Trong tâm trạng “thổn thức năm canh, chị đã hồi tưởng lại một thời vàng son của mình:
Dòng sông gầy ngàn năm
Đêm qua hóa thân ngực tròn trăng thiếu nữ
E lệ hạt sớm mưa bay
Thẹn thùng chiều hoàng hôn mắt đỏ

Đẹp quá! Dưới ngòi bút miêu tả giàu hình ảnh của thi sĩ, hình ảnh thiếu nữ hiện lên tràn trề sức sống “ngực tròn trăng” và thật dịu dàng nữ tính “E lệ hạt sớm mưa bay/ Thẹn thùng chiều hoàng hôn mắt đỏ”. Một cô gái đẹp,duyên dáng đầy quyến rũ như thế thì chuyện tình duyên của cô như thế nào?

Câu thề đêm nao bậu thơm hương vàm cỏ
Khắc khoải dấu chân lữ khách trở về

Hai câu thơ trên đã tái hiện cả một câu chuyện tình dài. Cô gái đã gặp người trong mộng. Hai người yêu nhau say đắm và thề ước chuyện trăm năm. “Hương” tình yêu của họ “thơm” lan tỏa cả dòng sông nơi vòm Cỏ. Dòng sông và vàm cỏ cũng chính là chứng nhân tình yêu của họ. Nhưng rồi người tình của cô phải chia tay cô vì một lý do nào đó. “Lữ khách” “khắc khoải” mang “câu thề” cùng lời hẹn ước “trở về” cùng cô xây đắp mối tơ duyên. Một câu chuyện tình dài mà chỉ gói gọn trong hai câu thơ,đó cũng là cái “khéo” của thi sĩ tránh gây ấn tượng “tự sự” dài dòng nhàm chán.
Hết hoài niệm, chị lại trở về thực tại:
Dòng sông đêm nay
Ngọn sóng nhung dềnh loang thảm nước
Liếm mặt doi cát…vàng hơn ánh trăng
Ngậm dấu chân
Uống lụm ký ức
Nuốt câu thề vào lòng sông…

“Đêm nay” cũng như bao đêm khác, chị lại tiếp tục “giăng tơ nối bên lở bên bồi”. “Ngọn sóng” lòng chị về tình yêu đôi lứa cũng “dềnh loang” lai láng. “Ký ức” về tình yêu say đắm của chị như sống lại phút giây này. Sóng lòng chị dào dạt quá! Mãnh liệt quá! Hết “Liếm mặt doi cát” lại “Ngậm dấu chân” rồi “Uống lụm ký ức” và “Nuốt câu thề”. Đặt hàng loạt những động từ mạnh: Liếm, Ngậm, Uống, Nuốt ở đầu mỗi dòng thơ có phải tác giả muốn thể hiện những khát khao yêu đương rất “phồn thực” dâng trào trong lòng người phụ nữ? Cũng phải thôi, có ai khi yêu mà không nghĩ đến phồn thực. Nhất là lúc con người ôm nỗi nhớ niềm thương, “khắc khoải” đợi trông người yêu “trở về” tính chuyện trăm năm thì khao khát đó càng mãnh liệt. Khác với “Chị tôi”, nhạc sĩ Trần Tiến chỉ thể hiện cái buồn và sự cam chịu của người phụ nữ, còn Mạc Phong Tuyền không chỉ cảm nhận nỗi buồn mà còn “thấy” được những khát khao thầm kín nhưng rất thật đó của họ nữa. Và nếu trong “Chị tôi”, ca từ “Chị tôi chưa lấy chồng” láy đi láy lại như điệp khúc buồn buông vào dòng đời thầm lặng, cam chịu của “chị tôi’ thì Mạc Phong Tuyền, mặc dù lấy tiêu đề bài thơ “Sông chưa lấy chồng” nhưng không lặp lại cụm từ ấy. Có phải nhà thơ không muốn nói đến “chưa” trong vô vọng mà chỉ muốn dự cảm về cái “có” trong tương lai? Dấu chấm lửng (…) đặt cuối dòng thơ kết của bài thơ đã gợi cho người đọc liên tưởng đến điều này. “Thổn thức năm canh” ôm nỗi nhớ niềm thương chờ đợi người yêu trở lại là “rất phải”. Nhưng “Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi” (Nguyễn Bính), đến lúc chị cũng phải “nuốt câu thề” để đi lấy chồng chứ. Dấu chấm lửng (…) ở cuối bài thơ đã mở ra một kết thúc có hậu cho bài thơ. Cảm thương cho số phận bất hạnh của người phụ nữ, đồng cảm với những khát khao và tin tưởng ở ngày mai lạc quan của họ quả là rất…rất nhân văn!
Đề tài cũ, tứ thơ không mới nhưng Mạc Phong Tuyền vẫn có cái “mới”, cái “rất riêng” của mình qua “Sông chưa lấy chồng”. Giọng điệu thơ không buồn thương dằng dặc như “Cô lái đò”, ”Chị tôi” mà ở đây luôn có sự đổi thay. Lúc buồn thương (khổ1) khi phấn chấn, say mê (khổ 2) và dồn dập mạnh mẽ (khổ 3). Buồn thương cho số phận bất hạnh của người phụ nữ là điều không mới. Cái mới ở đây là nhà thơ đã hướng cái nhìn lạc quan về họ và bộc lộ những khát khao thầm kín của họ. Chính vì thế nên giọng điệu ở khổ thơ cuối mới chính là âm hưởng chủ đạo của toàn bài thơ. Nó như bứt phá, vượt thoát chứ không lặng thầm cam chịu sự an bài của số phận. Bài thơ cũng có nhiều thi ảnh lạ “Kéo con đò qua đêm trăng bạc tóc”, “ngực tròn trăng thiếu nữ”, “ngọn sóng nhung”… Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó đã góp phần tạo nên sự thành công bài thơ.
Viết về đề tài không mới nhưng bài thơ “Sông chưa lấy chồng” vẫn có sức thu hút đông đảo bạn đọc bởi có sự tìm tòi đổi mới trong cách thể hiện của nhà thơ trẻ Mạc Phong Tuyền. Và trên hết vẫn là ở tấm lòng của nhà thơ đối với những mảnh đời phụ nữ bất hạnh. Phải có sự đồng cảm sâu sắc và có trái tim yêu thương chân thành, nhà thơ mới nhập thân vào nhân vật để nói hộ tiếng lòng của họ như thế này.
26/2/2016
 Tuệ Mỹ
Theo http://www.tho.com.vn/

Vài nét chấm phá về bài thơ ''Vạt nắng chiều" của Trần Thị Thanh Xuân

Vài nét chấm phá về bài thơ 
''Vạt nắng chiều" của Trần Thị Thanh Xuân
VẠT NẮNG CHIỀU
Trần Thị Thanh Xuân
Chiều nghiêng khiến vạt nắng rơi
Xôn xao tán lá sắc đời vàng thêm 
Nhẹ như tơ óng thả êm 
Vương trên tóc rối vai mềm nhớ mong 
Giơ bàn tay lạnh em hong 
Vờ như được ủ trong vòng tay anh
Chung chiêng vạt nắng vàng hanh
Dâng men tình ái dỗ dành niềm đau
Bên thềm rụng trắng hoa cau
Sao hoa chẳng đợi cùng trầu trao duyên
Trót mang phận gái thuyền quyên
Cuối chiều nắng xế chẳng yên nỗi niềm
Vấn vương khắc khoải triền miên
Mượn hồn thơ để say miền thương yêu
Bâng khuâng trước vạt nắng chiều
Lả lơi gió cuốn cánh diều chao nghiêng! 
Mới đến với Thi Đàn ngót khoảng một năm nay, Trần Thị Thanh Xuân đã cho thấy sự bứt phá ngoạn mục vế số lượng và chất lượng bài viết và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng chúng ta, mạnh mẽ vươn lên ở TOP những người viết sắc sảo, sáng tạo và độc lạ. Thơ là cuộc đời, là trải nghiệm, chị đã chắt lọc được từ cuộc sống nhiều thú vị để mang đến với cánh đồng thơ. Thoạt đầu người viết thấy chị có rất nhiều thể loại thơ, nhưng sở trường ở loại thơ 8 chữ, chị đã dần khẳng định tên tuổi và vươn lên TOP đầu. Tuy nhiên lĩnh vực lục bát ngòi bút của chị cũng rất tài hoa, lãng mạn, cách nhả câu chữ hiếm thấy. Bữa nay khi được chiêm nghiệm một bài thơ có tên VẠT NẮNG CHIỀU đã chạm vào cảm xúc của tôi và thôi thúc tôi phải có bài viết vài nét chấm phá về tuyệt phẩm này. 
Nhan đề bài viết nghe đã sướng tai VẠT NẮNG CHIỀU, thường dùng cho giới văn chương, còn giới bình dân ít dùng và đôi khi nhiều người chưa định nghĩa được nó. VẠT NẮNG CHIỀU hiểu nôm na, thô thiển nhất là một khoảng nào đó có ánh nắng còn lại của buổi chiều tà, nắng chiếu xiên xiên. Vạt nắng có từ thuở hồng hoang đã châm ngòi cho biết bao thi sĩ, bây giờ đến lượt Trần Thị Thanh Xuân khai thác cái vạt nắng chiều ấy, chắp cánh cho nó bay lên và trở nên mới lạ, có hồn. Đến đây tôi mới thấy khả năng của con người thật tiềm ẩn, đúng như Pery Busshe Shelley đã nói: “Thơ ca hé lộ vẻ đẹp huyền bí của tạo hóa, khiến những vật quá đỗi quen thuộc trở nên mới lạ”.
Với khổ đầu là: 
Chiều nghiêng khiến vạt nắng rơi
Xôn xao tán lá sắc đời vàng thêm 
Nhẹ như tơ óng thả êm 
Vương trên tóc rối vai mềm nhớ mong 
Dòng đầu tiên nhà thơ đã rất khéo léo dẫn chuyện ta đến với vạt nắng, nó bắt đầu được rơi từ trên trời xuống để ta bắt đầu một câu chuyện, là kết quả của ban chiều tà phải rất lãng mạn tác giả mới trưng cất ra được cái vạt nắng ấy trong cái hư, cái thực, là cái chiều nghiêng. Để rồi xôn xao tán lá và vương trên vai mềm. Tán cây dưới nắng bao giờ cũng đẹp lên bội phần. Muôn đời lá hứng nắng để tạo chất diệp lục, có nắng LÁ lại xôn xao rủ nhau hứng nắng, vô tình làm sắc đời vàng thêm. Nói đến LÁ mùa thu, LÁ đã sắp đi hết chặng đời vậy mà vẫn xôn xao, rạo rực với nắng, thế mới biết LÁ yêu NẮNG biết nhường nào. Tác giả đã gặp may khi bắt gặp một bờ vai thiếu nữ cho câu chuyện mềm đi và dẫn dắt người đọc bắt đầu chăm chú, tò mò.
Đến khổ hai: 
Giơ bàn tay lạnh em hong
Vờ như được ủ trong vòng tay anh
Chung chiêng vạt nắng vàng hanh
Dâng men tình ái dỗ dành niềm đau 

Chiều thu rồi, heo may se lạnh, giơ bàn tay lạnh em hong.... Có câu thì ngắt nhịp hai, có câu lại ngắt nhịp ba thật linh hoạt khi có chuyên môn mới thả câu chữ hay đến thế. Đây lại là một đề tài muôn thuở tình yêu, chỉ độc có đôi bàn tay thôi đã hình hài lên một tình yêu rồi, cũng thật sắc bén. Đọc chậm từng lời một mới thấy cái khát khao cháy bỏng, làm nũng, giả định của cô gái muốn được yêu, quả là khéo léo tác giả đã mượn phương tiện vạt nắng làm chất xúc tác. Câu kết của khổ này thì quá tâm đắc: “Dâng men tình ái dỗ dành niềm đau", rõ ràng cô gái đang cần một sự sẻ chia và dỗ dành, đến đây vẫn chưa thấy bóng dáng anh đâu, em vẫn cô đơn một mình, một phía. Dâng men tình ái được xem như là nỗi khát khao yêu đương, phải chăng được bù đắp nhờ vạt nắng. Thêm vào đây nữa “Dỗ dành niềm đau” đó là xoa dịu nỗi đau, bởi nó là hiện thân của yêu rất nhiều nhưng cách trở, dở dang hay tan vỡ thì mới day dứt, mới đớn đau. Tôi nhặt ra ở đây từ "Dỗ dành" nó quá đắt giá và để người ta mãi chiêm nghiệm, học hỏi.
Đến khổ ba: 
Bên thềm rụng trắng hoa cau
Sao hoa chẳng đợi cùng trầu trao duyên
Trót mang phận gái thuyền quyên
Cuối chiều nắng xế chẳng yên nỗi niềm 
Tôi lại thấy cái lô gic khi phía trên mới thai nghén khát khao tình yêu, khi nhìn thấy trầu cau đã thôi thúc cô gái thổn thức chẳng yên. Khổ này câu thơ bắt nhịp hai, ta thấy cái buồn, ngậm ngùi cho một kiếp phận, hai người đã hai ngả mãi mãi chia phôi rồi. Lúc này nắng chiều đã rơi gần về tối, người con gái ấy tuổi đã xế chiều vẫn như ánh nắng chiều xiên cháy bỏng nhưng cũng rất mong manh và dễ lịm tắt như vạt nắng chiều vậy. Không gian đó đã thúc giục cái tâm trạng đó thêm phần chua xót.
Đến khổ cuối cùng: 
Vấn vương khắc khoải triền miên
Mượn hồn thơ để say miền thương yêu
Bâng khuâng trước vạt nắng chiều
Lả lơi gió cuốn cánh diều chao nghiêng! 

Cái nỗi buồn ấy vẫn chất chứa, và càng ngày càng nhân lên, khắc khoải và giảm stets bằng cách mượn hồn thơ để chuyển lạc hướng nỗi buồn đi chỗ khác. Dù tình yêu tan vỡ, người ta đã mãi xa cô, nhưng cô gái ấy đã không hề oán trách, vẫn tơ vương, vẫn khát khao vẫn trọn vẹn yêu thương để rồi vò võ một mình ôm chặt mối tình dang dở cho đến tận tuổi xế chiều. Để rồi vẫn phải bâng khuâng, vẫn phải âm thầm, vẫn phải như thân phận cánh diều bị gió cuốn phải chao nghiêng. Cô nhìn cánh diều vi vu trong nắng chiều đẹp đến nao lòng kia và chợt thấy bóng dáng người ấy đang phơi phới với hạnh phúc bên người khác. Trong cô bỗng bùng lên một mơ ước cháy bỏng, một khát vọng bi thương muốn mình biến thành ngọn gió để CUỐN cánh diều, để chiếm lấy cánh diều làm của riêng mình
Bài thơ khép lại với Vạt nắng chiều thật tinh tế xuyên suốt bên cạnh cô gái buồn tình song hành theo từng khổ thơ, làm người đọc phải nghiền ngẫm và đọc đi đọc lại. Xin được nhấn mạnh thêm vạt nắng chiều và một cô gái đang cháy bỏng đi tìm tình yêu cho mình, hai "nhân vật" này tương hỗ bổ sung, dựa vào nhau để có được hồn cốt của một bài thơ hoàn chỉnh. Bỏ qua thân phận buồn của cô gái, thì thân phận của bài thơ này sẽ có sức sống lan toả, châm ngòi cho những cây viết về thể loại thơ lục bát. VẠT NẮNG CHIỀU là bài thơ lục bát rất tài tình ở phần nhả chữ, câu văn tròn trịa và là khuôn mẫu cho chúng ta sáng tác. Nhiều từ hay, đắt, sáng tạo, cách gieo chữ rất hợp lý mà câu thơ vẫn giữ được thủ pháp và tuyệt đối tuân thủ luật bằng trắc, ý thơ hay và rất có hồn. Với đề tài lãng mạn về tình yêu VẠT NẮNG CHIỀU đã chạm đến trái tim mẫn cảm của chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn chị Trần Thị Thanh Xuân.
 Phan Quang Khuê
Theo http://www.tho.com.vn/


Nói chuyện với Suối Hoa và khoảnh khắc trong thiên nhiên

Nói chuyện với Suối Hoa và 
khoảnh khắc trong thiên nhiên
Suối Hoa
Phác thảo của Đinh Cường
Họa sĩ Suối Hoa là con gái của nhà thơ Huyền Kiêu, tác giả của những câu thơ thật đẹp mà thuở mới lớn Nguyệt Mai đã rất thích:
Xuân hồng có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội
Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối

(Tình sầu – Huyền Kiêu)
Họa sĩ Đinh Cường cho biết Suối Hoa mong ước bài phỏng vấn này được dịch sang Anh Ngữ - một trong những ngôn ngữ quốc tế - để cô có thể giới thiệu với bạn bè ở khắp năm châu, nên Nguyệt Mai đã không ngại tài hèn, sức mọn, mạo muội dịch giúp chỉ mong đem lại niềm vui cho Suối Hoa.
Nguyệt Mai chân thành cám ơn các bạn: Kim Pham và nhất là Thuy Tran, đã giúp hiệu đính để bài dịch được hoàn hảo. Cám ơn Đèn Biển đã đánh máy lại bài viết của họa sĩ Đinh Cường. Không có sự giúp sức của các bạn thì bài viết này không thể hoàn thành như ước muốn.
Chân thành cám ơn họa sĩ Đinh Cường đã giúp nguồn tài liệu, hình ảnh cũng như những ý kiến hữu ích.
Cầu chúc họa sĩ Suối Hoa sẽ mãi sung sức trong sáng tác và thực hiện được ước muốn trong nghệ thuật của mình.
Nguyệt Mai
ĐINH CƯỜNG thực hiện
NÓI CHUYỆN VỚI SUỐI HOA
VÀ KHOẢNH KHẮC
TRONG THIÊN NHIÊN (*)

Họa sĩ Suối Hoa
Bùi Suối Hoa và Đinh Ý Nhi, hai nữ họa sĩ ở Việt Nam hiện nay mà tôi rất thích. “Nghệ thuật là một cái gì thuần khiết và mãnh liệt, bình dị và chân thật… và tôi yêu những hình thức nghệ thuật thô mộc. Nó đẹp kinh khủng.” Như Ý Nhi phát biểu. Còn Suối Hoa thì “Tôi may mắn được cha mẹ cho đi học vẽ từ nhỏ và cầm bút vẽ tôi đã yêu vẽ. Trong cuộc sống thực tế, có nhiều điều tôi không có, không đạt được. Trong tranh tôi có được nhiều hơn, vẽ là cuộc sống của tôi, là người bạn đời tuyệt diệu nhất của tôi… Tôi muốn tranh của tôi là ngọn lửa nhỏ chất chứa bao khát khao sự sống…”
Tháng Hai năm ngoái Bùi Suối Hoa qua bầy tranh tại Paris và năm nay tại Mỹ. Chị đã bầy tranh tại Alliance Française, New York, tại Dallas, Texas và tại McLean, Virginia, tháng 8, 1997.
Suối Hoa sinh năm 1957 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội 1985. Năm 1991, tranh chị được chọn in trong tuyển tập tranh đương đại Việt Nam đầu tiên do Plum Blossoms, một Gallery tại Hồng Kông, có trước Gallery Lã Vọng, nơi sau này chuyên giới thiệu tranh của các họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, và làm giá tranh của các họa sĩ lên cao. Tranh chị còn được Christie’s, nơi chuyên bán đấu giá tranh vừa bán đấu giá trong năm nay tại Singapore cùng với tranh của Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…
Tranh Suối Hoa có những mảng màu bạo, chồng chất lên nhau, xô đẩy nhau trong một đắm say sáng tạo. Không quằn quại như Soutine mà gần với Vlaminck. Quê hương miền Bắc, nơi chị sống suốt đời thơ ấu, vẫn là dấu ấn in đậm vào tâm hồn chị. Cũng có thể là cái không gian thơ mộng mà thân phụ chị đã để lại cho: Suối Hoa (là con gái út của nhà thơ Huyền Kiêu, nổi tiếng với những bài thơ như “Tương biệt dạ”, “Bốn mùa”… đã đăng trên tạp chí Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn, những năm 1940…).
Virginia, nơi vẫn có những họa sĩ ghé qua rồi đi… Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Suối Hoa là một họa sĩ chân thật. Chị đã để lại một ngọn lửa nhỏ đủ ấm cho bạn bè, cho nghệ thuật.
ĐINH CƯỜNG
(*) Suối Hoa, triển lãm tranh sơn dầu mới vẽ tại Virginia mang chủ đề “Khoảnh khắc trong thiên nhiên,” tháng 8, 1997.
Size: 100 x 130 cm
Tranh Suối Hoa
– Suối Hoa. Một chút về “thân thế sự nghiệp” chăng?
– Tôi tốt nghiệp ĐHMTVN 1985. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn, là họa sĩ tự do.
– Do đâu chị đến Paris năm ngoái, và năm nay ở Mỹ. Chị có thể nói qua về hai chuyến đi và nhận xét qua về hai nơi mà chị đã đến, đã sinh hoạt.
– Năm ngoái tôi đến Paris triển lãm tranh theo lời mời của Trung Tâm Văn Hóa Pháp – Việt tháng 2, 1996.
Và năm nay tôi đến Mỹ triển lãm theo lời mời của French Institute Alliance Française tại New York vào tháng 3, 1997.
Lần đầu tiên đến Paris, tôi đã thực sự xúc động. Được đứng trong dòng người xếp hàng vào bảo tàng Louvre, được tận mắt nhìn thấy những bức tranh của các danh họa bậc thầy thế giới, với tôi đó là một hạnh phúc lớn lao.
Đến New York, choáng ngợp trong những ngôi nhà cao tầng, và trong dòng người qua lại tấp nập, một sức sống thật mãnh liệt, trẻ trung, thu hút… Cuộc sống nơi đây quá khác biệt mảnh đất nơi tôi đang sống.
– Ở Việt Nam, tôi chú ý đến Đinh Ý Nhi, nữ họa sĩ, còn trẻ, tranh Đinh ý Nhi đã chọn cái hình thức “mãnh liệt, bình dị và chân thật”, tôi rất thích người họa sĩ này. Chị có nhận xét gì, và có quen biết Đinh Ý Nhi không? Chị nói qua cho biết thêm về những nữ họa sĩ ở Việt Nam hiện nay.
– Cũng như anh, tôi rất thích tranh Ý Nhi. Tôi thích sự sống động, cái hồn người trong tranh của chị.
Tôi nghĩ, người nghệ sĩ có thể vẽ bất cứ cái gì, bất cứ bút pháp nào. Nhưng bạn chỉ thực sự thành công khi tìm ra cái riêng của mình.
– Chị thường nói “Vẽ là sự sống của tôi, và giờ đây như một nông dân tôi có thể nói rằng: Khi anh gieo cái gì, anh sẽ gặt đúng cái ấy.”
Chị đã gieo và gặt đúng cái mình hài lòng chưa?
– Cái tôi quan tâm nhất trong sự nghiệp của tôi, trong những bức tranh của tôi là phần linh hồn, phần người trong mỗi bức tranh. Trong tranh phải có sự sống, phải có tình người, phải có nhân bản, tôi sợ sự lạnh lẽo, vô hồn, vô cảm.
Nghệ thuật thức tỉnh con người, đem đến cho con người tình yêu cuộc sống.
Có lẽ, tôi đã có được phần nào, những gì tôi muốn.
– Chị kể qua về nhà thơ Huyền Kiêu, thân phụ của chị, mà tôi tin rằng cái tên Suối Hoa do ông cụ đặt, có một định mệnh: Chị vẽ như Suối Hoa…
– Hội họa là niềm say mê lớn của bố tôi khi ông còn trẻ, do thời cuộc loạn ly, ông không thực hiện được giấc mơ của mình, tôi là đứa con tinh thần của ông. Ông đã dành cho tôi tất cả.
Đi học vẽ từ năm 11 tuổi, cầm bút vẽ, tôi đã yêu và vẽ ngay, và cây cọ đã không bao giờ rời tôi nữa. Vẽ là sự sống là niềm đam mê lớn nhất trong tôi. Cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
– Chị có thích họa sĩ nào và chị có ảnh hưởng ai? Bùi Xuân Phái vẽ chèo, chị cũng vẽ chèo, chị có thực sự sống với quan họ, với chèo không?
– Tôi thích Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, tôi được sống với không khí chèo, nghệ thuật chèo từ nhỏ. Đó là một nghệ thuật cổ truyền mà tôi yêu thích.
Tôi mong có được một nghệ thuật của riêng tôi và có dấu ấn của dân tộc tôi trong nghệ thuật thế giới bao la.
– Chị thích vẽ người thật, đời sống thật. Chị nghĩ gì về Chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật?
– Hiện thực bao giờ cũng phong phú và sâu sắc, tôi muốn qua cái hiện thực, biểu hiện cái tâm, cái khát vọng sống của con người… Nhiều khi rất nhỏ nhoi, bình dị nhưng thực là lớn lao.
Con người trong cuộc sống đời thường, và con người trong thế giới rộng lớn, mênh mông. Đó là điều tôi quan tâm.
– Nghệ thuật, văn chương là trừu tượng rồi, nói về hội họa trừu tượng e thừa, nhưng chị cũng kể qua kinh nghiệm về trừu tượng của chị, tôi rất thích tranh vẽ khổ nhỏ trừu tượng của chị.
– Trừu tượng chính là thế giới rộng lớn mênh mông mà người nghệ sĩ đắm mình trong đó, mặc sức tưởng tượng, mặc sức phá phách, tha hồ sáng tạo như người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, mỗi người tìm ra một sự thăng bằng riêng. Nghệ thuật riêng, con đường riêng.
– Chị làm việc như thế nào?
Thấy chị say sưa sáng tác, tranh nhiều, bán nhiều, theo chị là thành công?
– Tôi dành cho công việc, tất cả khoảng thời gian mà tôi có thể.
Trong cùng một không gian, thời gian, mỗi người nghệ sĩ nhìn thấy, cảm nhận một cuộc sống khác nhau.
Điều mà tôi quan tâm nhất : sống chân thật và hãy là chính mình.
– Chị diễn tả không gian như thế nào?
– Nhiều khi chỉ là vô thức… Hội họa dẫn dắt ta đi, họa khác với văn thơ không nói bằng ngôn ngữ mà nói bằng màu sắc, hình thể.
Qua hình, màu người họa sĩ nói cái mà người ta chỉ cảm thấy.
Không gian của tôi là sự sống động, là linh hồn người, thông qua một vật cụ thể trừu tượng.
– Chất liệu sơn?
Hình như chị thường dùng màu nguyên chất.
Chị có thích trường phái dã thú (Fauvisure).
– Tôi yêu tranh Van Gogh, Chagall, Henri Rousseau … Tôi yêu sự riêng biệt của mỗi họa sĩ, họ đã cho tôi thấy một thế giới thực khác lạ, thực hấp dẫn…
Cuộc sống muôn hình, muôn vẻ, được đắm chìm trong đó vui chơi và đau khổ, đó là ý nghĩa cuộc sống.
– Chị tốt nghiệp ĐHMT Hà Nội. Chị có thích nền hội họa Nga. Đặc biệt những họa sĩ trẻ Nga sau thời Cộng sản sụp đổ?
– Hội họa Nga đã từng có những tên tuổi rất lớn. tôi đặc biệt yêu văn học Nga, những tên tuổi như L. Tolstoy, Dostoevsky, Pautopski, Pushkin … đã gắn liền với tuổi thơ đầy đam mê của tôi.
Về họa sĩ trẻ Nga, chúng tôi được biết rất ít tư liệu.
– Chị có lưu tâm về chính trị, âm nhạc, văn chương? Có đọc Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài? Thích nhạc ai? Ca sĩ nào?
– Chính trị, âm nhạc, văn chương tác động rất lớn đến cuộc đời nghệ sĩ. Thăng trầm là lẽ thường của cuộc đời.
Tôi thích văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…
Con người chỉ sống có một lần, và mỗi người có một cách lựa chọn, sử dụng thời gian của mình sao cho có ý nghĩa nhất. Tôi chọn hội họa và sống với nó.
– Qua Mỹ, có dịp đọc một số sách, báo, chị có nhận xét gì thoáng qua không?
– Tôi mong ước một cuộc sống tự do dân chủ thực sự, trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.
Chỉ có trong tự do con người mới có thể phát triển hết khả năng tiềm tàng của mình, khả năng vô cùng vô tận…
Nước Mỹ cho tôi thấy một năng lực lớn lao, phi thường, con người đã làm việc hết mình và hưởng thụ cũng vậy. Họ thực vĩ đại trong thế kỷ này.
– Ở Pháp và ở Mỹ chị được tiếp đón như thế nào? Chị có thể kể qua mỗi lần bày tranh tại Pháp, tại Mỹ…
– Hai cuộc triển lãm tại Pháp và Mỹ của tôi, đã có rất đông bạn bè Việt, Pháp, Mỹ tới dự. Có thể nói Hội họa VN còn quá mới mẻ đối với họ. Họ đã thực sự ngạc nhiên, thích thú…
Tôi mong có nhiều hơn nữa những cuộc bày tranh như vậy, để cuộc sống và con người Việt Nam được mở mang, được phát triển theo kịp thế giới đại đồng. Dù muộn màng, ít ỏi vẫn hơn là không.
– Chị từ Hà Nội vào ở hẳn Sài Gòn từ năm 1988, chị có nhận xét gì về các họa sĩ trong Nam?
– Trong quan niệm của tôi, vấn đề địa lý không mấy quan trọng. Cái quan trọng là con người cụ thể nào, nhân cách sống nào để mình quan tâm và quý trọng.
Giới hạn trong một miền, một vùng hay một đất nước là thiển cận, tự trói buộc mình, tự làm nghèo đi thế giới tinh thần của mình.
Mảnh đất miền Nam, nơi tôi đang sống với cái khoáng đạt, nồng nhiệt của mình, đã cho tôi rất nhiều trong cuộc sống.
– Hình như chị còn trẻ, chị nói gì thêm…
– Tháng 11, 1997, sẽ có một cuộc triển lãm Hội họa của các họa sĩ tại Việt Nam tại bảo tàng Meridian, Washington DC, trong ba tháng và tại một số bảo tàng khác khắp nước Mỹ trong suốt hai năm, tôi được mời tham gia ba bức. Đó sẽ là một sự kiện lớn, sự mở mang lớn cho nền hội họa Việt Nam đi vào thế giới.
Ngoài ra vào tháng 6, 1998 tôi cùng hai người bạn được mời làm việc ở Trung tâm Sáng tác Quốc tế Griffis Art Center trong 6 tháng tại Connecticut.
Tôi mong muốn một ngày nào đó không xa, con người VN, đất nước VN được hòa đồng với thế giới bên ngoài, thế giới văn minh không còn quá nhiều sự cách biệt như hiện nay.
ĐINH CƯỜNG thực hiện
Nguồn: Tạp chí Hợp Lưu số 38
(Chân thành cám ơn Đèn Biển đã giúp đánh máy)
Theatre CHÈO 16
Size: 80 x 100 cm
Tranh Suối Hoa
Hoạ sĩ Tấn Đức – Ngọc Dũng – Suối Hoa – Đinh Cường triển lãm tranh Suối Hoa 1997.
Trương Chi - Mị Nương
Size: 110 x 135 cm
Tranh Suối Hoa
Theo https://tranthinguyetmai.wordpress.com/


Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn

Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn
Đã từ lâu, cụm từ "Bút lửa Dzũ Kha" hay "Người giữ lửa thơ Hàn" trở nên khá quen thuộc trong giới truyền thông báo chí, văn nghệ sĩ và những người yêu thơ.
Trái sang: Gs. Thạch Nguyễn - Dzũ Kha và tác giả
Đặc biệt là thơ của chàng thi sĩ họ Hàn đầy tài hoa nhưng khắc khoải trong nỗi dày vò đớn đau vì một chứng bệnh nan y của những thập niên đầu thế kỷ trước.
Người giữ lửa thơ Hàn - bút lửa Dzũ Kha tếu táo với mọi người rằng: Dzũ Kha đọc thơ Hàn, chép thơ Hàn có đến hơn 30 năm rồi, nhưng vẫn không biết tiếng... Hàn! Trong góc quán nhỏ giữa lòng TP Quy Nhơn vào một sáng nắng thu ngập tràn êm dịu, mấy người bạn ngồi bên nhau nhấp ngụm cà-phê cười vui lúc con người yêu thơ Hàn Mặc Tử đến độ... nổi tiếng là Dzũ Kha đang "chơi chữ", khi chấm phá đôi nét về cuộc đời nhiều ghềnh thác truân chuyên của những chuyến đò thân phận đời mình.
Theo "khảo sát" và đánh giá của giới truyền thông, cho đến nay Dzũ Kha là một cuốn từ điển sống độc nhất vô nhị về cuộc đời và thơ ca của Hàn Mặc Tử, bởi anh có thể đọc thuộc lòng cả trăm bài thơ hoặc nói vanh vách về thân thế, sự nghiệp và những mối tình đã đi vào huyền thoại thi ca của một thi nhân tỉnh trí nhưng viết tập "Thơ điên", giữa sự giày vò và thân xác bị bào mòn bởi bệnh tật. Đó là nhà thơ Hàn Mặc Tử đầy tài hoa nhưng bạc mệnh. Ông đi vào cõi vĩnh hằng một cách thầm lặng tại trại phong Quy Hòa, Bình Định, ngày 11-11-1940, khi mới 28 tuổi, giữa vòng tay nhân ái của các Soeur và những người phục vụ.
Hàn Mặc Tử đã không ngờ rằng và chắc chắn cũng không ai ngờ rằng hậu thế lại có nhiều người yêu thơ Hàn, nhưng đặc biệt có một người yêu thơ Hàn đến tận cùng của sự dâng hiến. Người đó là Dzũ Kha. Dzũ Kha là cách nói trại âm từ tên thật của anh là Trương Vũ Kha, quê quán Phù Cát, Bình Định. Khi yêu một ai đó, người ta có những cách thể hiện theo những cung bậc khác nhau. Yêu thơ cũng vậy. Nhưng cách yêu thơ Hàn Mặc Tử của Dzũ Kha là cách yêu thơ của người tài dành cho một tài năng khác lớn hơn.
Ai nói Dzũ Kha không tài? Khi anh đã tìm ra một cách riêng, không giống ai để hâm nóng, để đốt cháy và để truyền bá thơ Hàn Mặc Tử trong cõi nhân gian này. Bút lửa tuy không lạ, bởi nhiều người trước Dzũ Kha đã sử dụng. Nhưng khi bút lửa được anh dùng để "vẽ" thơ Hàn Mặc Tử trên những miếng gỗ thông thơm tho tươi mới thì đó là nghệ thuật của riêng anh. Biệt tài này của anh đã được báo giới tôn vinh là "Bút lửa Dzũ Kha", không nhầm lẫn với một bút lửa nào khác.
Đứng tại nơi mà người ta gọi là lều cỏ, lều tranh, lều thơ hoặc lều Dzũ Kha, mới thấy được sức hấp dẫn của anh trong việc truyền bá thơ Hàn. Tôi quay mặt, khi một người phụ nữ trong đoàn khách vừa đến tham quan cách đấy không lâu thốt lên rằng: Hết tiền rồi, không thì mua nữa... Sau đó, người phụ nữ này bước ra khỏi lều và khệ nệ lên xe với những vần thơ Hàn Mặc Tử được bút lửa Dzũ Kha thổi hồn lên những phiến gỗ, vừa được đóng gói cẩn thận. Nếu chỉ yêu thơ Hàn, đọc thơ Hàn thì người ta có thể mua một tập sách, vì trong sách gần như có tất cả những gì cần biết. Nhưng khi người ta mua thơ Hàn trên một sản phẩm, thì đó là tài năng của Dzũ Kha. Điều đặc biệt là Dzũ Kha chỉ viết thơ Hàn trên những sản phẩm "thương mại" của mình mà thôi.
Lều cỏ của bút lửa Dzũ Kha trên đồi Thi Nhân.
Khi gặp bạn bè văn nghệ các nơi tìm đến hoặc những ai đó kính trọng thì Dzũ Kha không ngần ngại đề tặng các tác phẩm và sách của mình để làm lưu niệm. Dzũ Kha đúng là một nghệ sĩ đích thực với cái nghĩa của từ này. Bởi bán mua không phải là mục đích của anh. Đó chỉ là cơ hội để cho anh tái đầu tư trong sự nghiệp yêu thơ Hàn và truyền bá thơ Hàn mà thôi. Hãy nghe anh trải lòng trong bài thơ "Thỏa lòng" của mình: "Phồn hoa náo nhiệt lãng quên/ Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn/ Đông về, thu lại, xuân sang/ Cùng ai với ánh trăng vàng biển khơi/ Thỏa lòng đổi trót cuộc chơi/ Chỉ mong tìm lấy một đời thường thôi".
Gần 5 năm trước, trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, tôi có may mắn tham dự đại hội và hội nghị Nội khoa toàn quốc lần thứ VI tại TP Quy nhơn, Bình Định. Tại đây tôi gặp giáo sư Thạch Nguyễn, một chuyên gia tim mạch hàng đầu của Hoa Kỳ, là người gốc Việt. Biết ông là người cũng rất yêu thích thơ Hàn Mặc Tử, tôi đưa ông lên Đồi Thi Nhân tại Ghềnh Ráng để viếng mộ thi nhân. Giáo sư Thạch Nguyễn mang theo hoa đặt lên mộ Hàn với một tình cảm rất trân trọng. Dịp đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp bút lửa Dzũ Kha. Hình như, hồi đó lều cỏ, lều thơ của anh cũng hãy còn vắng vẻ. Tôi thấy anh cặm cụi viết vẽ chỉ có một mình. Khi khách đến, anh sẵn sàng ngừng công việc để ngay lập tức nhập vai là người làm "PR" cho thơ Hàn Mặc Tử. Mặc dù trước đó tôi đã đọc một số bài báo viết về Dzũ Kha, nhưng cho đến khi gặp anh tôi mới cảm nhận được niềm đam mê, sự bùng cháy đến tận cùng của một trái tim riêng dành cho một trái tim. Người ta nói Dzũ Kha sinh ra là để cho Hàn Mặc Tử hoặc Hàn Mặc Tử sinh ra là để cho Dzũ Kha. Nói cách nào chúng ta cũng đều thấy có cái lý mà dường như Tạo Hóa đã sắp xếp trong cõi đời mênh mang này rồi.
Men theo dốc Mộng Cầm vòng quanh đồi Thi Nhân vào một buổi chiều nắng hãy còn chấp chới. Ghềnh Ráng rực rỡ như tên gọi của nó. Sóng thầm thì như khúc hát ru, vỗ về nỗi đau của người muôn năm cũ. Gió và tiếng thông reo xạc xào như nói lời yêu thương của những người tình đã đi qua đời thi sĩ họ Hàn. Đó cũng là tiếng lòng của người muôn sau đến để đồng cảm, chia sẻ với thi nhân. Bất chợt, tôi hiểu rằng nếu bên mộ Hàn Mặc Tử mà không có căn lều nhỏ của Dzũ Kha dựng lên từ hơn 30 năm trước thì đồi Thi Nhân sẽ thiếu thốn, quạnh quẽ biết biết nhường nào.
Theo http://www.xaluan.com/

Truyện ngắn Lan rừng của Nhất Linh

Truyện ngắn Lan rừng của Nhất Linh
Quang xuống xe rồi vào một cái nhà ở đầu phố để hỏi thăm đường đi Bản Lang và để thuê ngựa. Người cho thuê ngựa hỏi:
– Ông vào nhà ai trong đó?
– Vào nhà ông Vi Văn Hoài. Đường vào đấy có xa lắm không?
– Độ mười cây số thôi. Nhưng ông phải đi ngay kẻo trời tối mất. Để tôi lấy con ngựa thật khỏe ông đi cho chóng. Ông vào trong ông Hoài thì tôi không cần cho người đi theo dắt ngựa về, khi nào ra, ông đem ngựa lại trả tôi cũng được.
Rồi người cho thuê ngựa chỉ tay về phía một con đường lên dốc, bảo Quang:
– Ông cứ đi theo con đường đó. Đến một cái chùa đã đổ nát, thì ông rẽ sang bên tay phải, rồi đi thẳng, khi nào đến một cái cầu gỗ là đến Bản Lang.
Lên hết chỗ dốc, Quang cho ngựa chạy phóng để kịp đến trước khi tối trời.
Đi vài cây số gặp một cái chùa đổ nát, chàng theo lời người cho thuê ngựa rẽ về bên tay phải, rồi lại cho ngựa phóng. Nhưng đi được ít lâu, chàng có cảm cái tưởng là lạ rằng con đường đương theo không phải là đường về Bản Lang, tuy chưa lần nào chàng về Bản Lang cả. Chàng tự cho mình nghĩ thế là vô lý, rồi cứ cắm đầu quất ngựa.
Đi đã lâu lắm, đáng lẽ phải tới nơi rồi, mà vẫn chưa thấy cái cầu gỗ. Chàng nhìn ra không có một cái nhà nào để có thể hỏi thăm được. Chung quanh chỉ toàn rừng già; những cây cao vót, ngọn nghiêng ngả, rào rào trước ngọn gió chiều vừa bắt đầu nổi lên. Chàng thấy rợn rợn, sợ hãi trước cảnh non cao rừng cả, nhưng vẫn quất ngựa cho phóng nước đại, tiến lên.
Đường thấy khó đi dần. Hai bên toàn một thứ cỏ cao, hoa trắng như bạc, lá nhọn và sắc. Sương chiều dần dần tỏa xuống, Quang phải cho ngựa đi từ từ, vì cách năm thước không nom thấy rõ đường.
Bỗng chàng ghì ngựa lại, lắng tai, mừng rỡ. Trong sương, chàng vừa nghe rõ có tiếng người, tiếng thanh thanh của một người con gái:
– Có ai cưỡi ngựa trắng đi trên đường. Quang cất tiếng hỏi:
– Ai đấy?
Thấy có tiếng động ở sau lưng, Quang quay nhìn lại. Một người con gái Thổ vai gánh hai cái giỏ, đi với một đứa bé con tiến đến phía chàng.
– Đến Bản Lang còn xa không, cô?
Quang vừa hỏi vừa nhìn cô gái Thổ và để ý đến nước da trắng và đôi mắt đen của cô bé. Chàng lấy làm lạ rằng cái sợ hãi lúc nãy đã biến đâu mất và tủi thẹn rằng mình được yên tâm như thế là nhờ ở một cô con gái yếu ớt.
Quang nhắc lại câu hỏi:
– Đến Bản Lang còn xa không, cô?
Người con gái thản nhiên đáp:
– Ông đi nhầm đường rồi.
Quang buột mồm kêu:
– Bây giờ làm thế nào?
Chàng toan quay ngựa thì cô gái Thổ như đoán được ý chàng, nói:
– Ông không quay về được nữa đâu.
– Nhưng mà đêm nay có trăng.
– Có trăng, nhưng nhiều sương không nom thấy rõ đường.
Thấy Quang lưỡng lự, cô gái Thổ nói tiếp:
– Vả lại ông phải đi qua một cái rừng có nhiều hổ.
Cô con gái quay lại vẫy đứa em:
– Chúng mình về đi thôi, kẻo ở nhà mong.
Quang không muốn quay lại nữa, hỏi cô bé:
– Nhà cô ở gần hay xa?
– Gần đây.
– Tôi muốn về nhà cô có được không?
Cô gái Thổ vừa đi vừa nói:
– Ông cứ về.
Quang nhảy xuống ngựa, rồi yên lặng rẽ cỏ đi theo hai chị em cô Thổ.
Chàng tưởng mình đi trong một thế giới huyền ảo vì chung quanh chàng chỉ có một màu sương trắng mờ dưới ánh trăng.
Đi khỏi mấy khóm cây, bỗng chàng nghe thấy một tiếng gì ở xa, ồn ào như tiếng họp chợ.
– Tiếng gì thế cô?
– Tiếng thác. Thác Linh Hai ở gần nhà em.
Vì trời không lạnh lắm, nên Quang bảo cô gái Thổ cho mượn cái chiếu để chàng nằm ngủ ngoài sân sàn. Chàng vừa ăn cơm no, và uống ít rượu nên thấy trong người dễ chịu, khoan khoái. Bữa cơm chỉ có một đĩa chả trứng và một bát canh măng mai, nhưng chàng ăn rất ngon miệng; xưa nay chàng không thích rượu, mà bữa cơm ấy chàng cũng uống nổi hai chén, vì rượu đó chàng thấy có một hương riêng phảng phất như hương lan. Cha mẹ cô gái Thổ đối với chàng rất là ân cần. Chàng mừng rằng lỡ đường lại gặp được một gia đình tử tế như vậy, và nhất là được gặp một cô gái Thổ xinh đẹp. Chàng mỉm cười, sung sướng, đánh diêm châm thuốc lá hút và đợi cô gái Thổ mang chiếu ra để được nhìn lại nét mặt cô dưới bóng trăng. Giải chiếu xong, chàng nằm một lát rồi ngủ thiếp đi.
Lúc Quang sực tỉnh thì trăng đã lên cao, sương đã tan hết. Trời trong lắm, nên những ngọn núi trông như ở sát ngay cạnh nhà, mấy giải rừng đen trên ngọn núi in rõ nền trời đầy sao.
Nghe có tiếng dệt vải sau nhà, Quang tìm đến chỗ dệt vải định xin nước uống và nhất là để gặp mặt cô gái Thổ, vì chàng chắc rằng chính cô đương ngồi dệt vải.
Cô gái Thổ ngừng thoi, mỉm cười, nhìn Quang hỏi:
– Ông chưa đi ngủ?
Quang hỏi lại:
– Thế cô cũng chưa đi ngủ.
– Em còn dệt vải.
– Còn tôi thì khát nước, nên không ngủ được.
Cô gái Thổ lại cúi xuống bắt đầu dệt.
– Ông ra suối mà uống.
– Tôi sợ lắm, sợ hổ nó ăn thịt.
Cô gái Thổ bật cười. Quang thấy hết cả ngượng nghịu, chàng tiến lại đứng sát bên khung dệt, hỏi:
– Tên cô em là gì?
– Tên em là Sao.
Quang mỉm cười nói:
– Thảo nào mà cô đẹp như sao trên trời.
Cô Sao ngây thơ đáp:
– Em chẳng đẹp.
Nhưng câu đó cô ta nói bằng một thứ giọng cố làm ra nũng nịu, và vừa nói vừa đưa mắt nhìn Quang một cách tinh nghịch.
Bỗng Quang thấy thoảng qua một cơn gió thơm ngát mùi hoa, và ngay lúc đó Quang nhận thấy nét mặt cô gái Thổ tươi lên bội phần. Nàng nói:
– Nửa đêm rồi.
Quang lấy đồng hồ xem thì kim chỉ đúng mười hai giờ. Chàng ngạc nhiên hỏi:
– Sao cô biết đúng thế?
– Vì hoa lan nở. Ông không ngửi thấy mùi thơm à?
– Có, nhưng mà lan gì vậy?
– Hoa lan rừng, nở đúng nửa đêm.
Cô Sao đặt thoi xuống, rồi nhìn thẳng vào mặt Quang, nói:
– Ông có đi chơi rừng không… đi xem lan nở, và nhân tiện em đưa ông ra suối uống nước.
Quang thấy một cô gái rủ mình đi chơi rừng đêm, lấy làm ngạc nhiên vô cùng, song chàng nghĩ rằng người đường rừng có tính tự nhiên, chất phác, nên sự đó, họ cho là thường chăng.
Quang để cô Thổ đi trước mình một ít. Qua mấy thửa ruộng ngô non, hai người đến một cái khe suối, nước chảy lấp lánh như bạc sau những ngọn cỏ đen.
Quang hỏi:
– Nước này uống có sợ sốt rét không cô?
– Không sao. Ngày nào em cũng uống. Anh trông người em tươi tắn thế này thì đủ biết.
Quang bạo dạn tiến lên trước rồi quay lại cúi nhìn vào tận mặt cô Thổ, mỉm cười nói đùa:
– Thử xem mặt cô Sao có tươi tắn thật không nào.
Chàng đứng lặng nhìn không chớp mắt: mầu da cô Thổ dưới bóng trăng, chàng trông trắng mát như mầu một cành hoa phong lan và đôi mắt đen phảng phất như hai chấm đen trên cành hoa. Bỗng Quang thấy một thứ hương thơm thoảng qua, cũng một thứ hương thơm như ban nãy.
Cô Sao nói:
– ở bên suối đây có một cây lan. Cây này ít khi có hoa lắm. Nếu có thì chỉ nở một cái hoa là cùng. Ông muốn xem?
Quang lấy làm lạ; chàng vừa ví mặt cô Thổ với hoa lan thì cô ấy đột nhiên nói đến hoa lan như đã đọc được ý nghĩ của chàng.
Nhìn theo phía ngón tay trỏ của cô Thổ, Quang thấy một bông hoa trắng na ná như một bông huệ to, nhưng hai cành phía trên có hai chấm đen như mực. Thật là một thứ hoa lạ, chàng chưa được thấy bao giờ.
Quang tiến lên toan ngắt, thì cô Thổ vẻ mặt sợ hãi giơ hai tay giữ lấy tay Quang:
– Em xin ông. Chỉ có mỗi một cây này gần nhà, em quý lắm. Chốc nữa vào rừng vô số, ông tha hồ bẻ… Ông uống nước, rồi ta đi.
Quang cúi rạp xuống mặt suối uống nước và tưởng mình lúc đó như một con hổ đương uống bóng trăng.
Lúc ngửng lên, chàng để ý đến một vật gì trăng trắng ở giữa dòng suối. Nhìn kỹ thì là một hòn đá. Hòn đá ấy, kỳ dị thay, Quang thấy phảng phất giống hình một cái vai của một người con gái trắng trẻo nằm dưới làn nước. Chàng bảo cô Thổ:
– Trông hòn đá như vai người con gái, cô Sao ạ.
Cô Thổ cười bảo đùa Quang:
– Sao ông không đánh thức cô ta dậy để cùng vào rừng chơi… Nhưng mà cô ta còn mải tắm, chúng mình đi thôi.
Chữ “chúng mình” Quang thấy cô Thổ nói một cách thân mật, âu yếm. Lúc đó chàng cũng bắt đầu coi cô Thổ như một người tình nhân quen biết đã từ lâu. Chàng nắm lấy tay cô Thổ, nói:
– Chúng mình cùng nhẩy qua suối nào.
Lúc qua bên kia bờ suối, Quang hỏi cô bạn:
– Sao tay em lạnh thế em?
– Lúc nãy em vừa rửa tay ở nước suối.
Quang không để ý nên không biết là cô Thổ vừa nói dối chàng.
Hai người đi qua một bãi cỏ, rồi vào một cái rừng thưa. Bóng cành cây in trên đất, trên áo hai người lại càng tăng vẻ sáng của đêm trăng. Cô Thổ nói:
– Qua một cái rừng nữa thì đến chỗ lan nở.
Hai người đi vào bóng tối đen của rừng già. Quang có cảm tưởng như người vừa ở ngoài nắng vào trong rợp, chàng hơi sợ, nắm chặt lấy tay cô Thổ.
Đi khỏi một cái dốc, chàng thấy hiện ra ở trước mặt một mảng trắng xóa dưới bóng trăng.
– Rừng lan.
Cô Sao mừng rỡ vừa nói vừa kéo tay Quang chạy vào trong đám hoa. Hương thơm ngát, Quang thấy đầu óc choáng váng; chàng mơ màng thấy cô Thổ kéo mình ngồi xuống giữa rừng lan. Chàng lắc đầu dụi mắt để cố nhìn cho rõ, nhưng không thể được. Trong lúc bàng hoàng, chàng thấy hình như tất cả những bông hoa trong rừng đều ngả cả về phía chàng, những bông hoa mềm và mát rung rinh bên má chàng như mơn man, ve vuốt…
… Lúc chàng mở mắt ra chàng thấy mình nằm ở trên cỏ, chung quanh chỗ nằm, những bông lan đều ngả dẹp xuống đất. Chàng thấy có bóng đen che khuất ánh trăng, liền quay đầu nhìn lại: cô Thổ đứng bên cạnh chàng, tay cầm bó lá to, mỉm cười:
– Sao ông ngủ say thế. Em đánh thức mãi, ông mới tỉnh.
Quang ngạc nhiên:
– Tôi vừa ngủ? Thế mà tôi không biết đấy.
Ngẫm nghĩ một lát, chàng nói tiếp:
– Có lẽ không phải tôi ngủ đâu, vì say hương lan, nên thiếp đi một lúc đấy.
Quang nhìn cô Thổ một lúc rồi trong lòng sinh ra một mối nghi: hay cô con gái này không phải là người. Chàng vừa sợ vừa hỏi:
– Sao đầu tóc cô rối bời thế?
– Vì em phải chui qua bụi rậm để bẻ trộm ngô.
Cô Thổ vứt xuống bên cạnh Quang một bó ngô.
– Ông có diêm không để nướng ngô ăn?
– Không, tôi không mang diêm theo.
– Thế thì đi về đi, ông đi. Về nhà ăn ngô, em đói lắm.
Nghe tiếng cô Thổ nói, và trông điệu bộ, Quang lại thấy hết cả nghi ngờ.
Lạ nhất là đêm khuya ở giữa rừng có mỗi một mình mình với một cô con gái yếu ớt mà chàng không thấy có cái ham muốn của một người con trai khi gần người con gái. Chàng lại có cảm tưởng mà chàng cho là vô lý là người con gái ấy đã thuộc về chàng rồi.
Cô Thổ bảo Quang:
– Bây giờ ông muốn hái hoa thì tha hồ hái. Em không cấm nữa đâu.
Quang đứng dậy thấy trong người mỏi mệt lạ thường. Chàng không thiết hái hoa nữa; chàng chỉ muốn về ngay vì không chịu nổi hương lan thơm một cách hắc quá.
– Về đi, cô Sao.
Sáng hôm sau thức dậy, Quang nhìn phong cảnh chung quanh không thấy có vẻ huyền ảo như đêm qua nữa. Cô Thổ bưng ra một bát cháo nóng mời chàng một cách thân mật:
– Ông xơi cháo.
Quang đăm đăm nhìn cô Thổ. Dưới ánh sáng mặt trời, chàng thấy cô Thổ có cái vẻ đẹp hồng hào của một người con gái khỏe mạnh.
Ăn cháo xong Quang xin đi một cách vội vàng. Chàng chỉ mong đến nhà ông Vi Văn Hoài thu xếp cho chóng xong công việc, khi về chàng sẽ rẽ qua đây.
Quang nhìn cô Thổ:
– Đến mai xong công việc, đi qua đây tôi sẽ rẽ vào thăm cô.
Cô Thổ gật:
– Để em tiễn ông ra khỏi rừng, sợ ông lạc đường.
Quang dắt ngựa đi theo cô Thổ. Đi qua một cái suối, Quang hỏi:
– Hòn đá trắng đêm qua đâu mất rồi.
Cô Thổ đáp:
– ở về phía sau nhà em cơ. Rừng lan cũng ở về phía ấy.
Bỗng Quang thấy trước mặt sương dày đặc như khói. Cô Thổ bảo:
– Đây là khe núi, sáng nào cũng có sương. Phải quen đường mới đi qua được… Vì thế em mới phải tiễn ông ra tận đây.
Ra khỏi chỗ sương, Quang nhẩy lên ngựa từ biệt cô Thổ.
Ngựa đi được mươi bước, Quang quay đầu nhìn lại vẫn thấy cô Thổ đứng trong sương mù nhìn theo. Quang giơ tay nói to.
– Đến mai…
Lúc lên tới đường cái, Quang để ý đến hai cây chò lên cao vút như hai cái cột quét vôi trắng.
Hôm trước, Quang đã lầm đường vì người cho thuê ngựa quên không nói rõ cho chàng biết rằng: dọc đường, trước khi đến cái chùa đổ, có một cái miếu cũng đổ nát.
Quang mới đến cái miếu đã rẽ về bên tay phải. Chàng không trách gì người cho thuê ngựa, vì sự lầm đường ấy đã cho chàng được biết một cảnh thú vị.
Chiều hôm sau ở nhà ông Hoài ra, chàng cho ngựa phóng hết sức mau, vì chàng nóng lòng được gặp mặt cô Thổ. Đến cái miếu đổ nát, chàng rẽ về tay trái, rồi cứ đi mãi vào trong. Gặp hai cây chò, chàng cho ngựa đi rẽ xuống. Chàng lần theo vết cũ, rẽ cỏ đi được ít lâu thì đến cái thung lũng có nhà cô Thổ. Chàng cho ngựa nhẩy qua cái suối hôm nọ, nhưng lúc ngửng lên nhìn thì, bỗng chàng biến sắc mặt, nắm chặt lấy dây cương, mắt mở to nhìn thẳng về phía trước: ở chỗ đất mà chàng chắc là có cái nhà của cô Thổ, thì không có cái nhà nào cả. Đấy chỉ là một bãi cỏ.
Chàng nghĩ mình lầm đường và cho rằng tại cảnh đường rừng phần nhiều hay giống nhau. Chàng tiến ngựa lên trên bãi cỏ không thấy một dấu vết gì có thể chứng rằng ở chỗ ấy mới hôm qua đây còn có người ở, còn có nhà cửa.
Chàng lắng tai nghe: xa xa có tiếng thác chảy. Chàng lẩm bẩm:
– Rõ tiếng thác Linh Hai!
Chàng cho ngựa xuống và đi men theo dòng suối. Bỗng chàng ghì cương ngựa lại: sau đám cỏ chàng trông thoáng thấy một vật trăng trắng. Chàng nhẩy xuống ngựa đến gần xem thì đó là một hòn đá trắng; chàng kinh ngạc thấy hòn đá đó trông phảng phất giống hòn đá gần nhà cô Thổ, nghĩa là cũng giống hình như một cái vai của một người con gái trắng trẻo nằm dưới làn nước.
Quang lúc đó tưởng mình đang mê ngủ. Chàng muốn định thần trí lại để cố nghĩ cho hiểu sự lạ lùng ấy, nhưng không thể được. Hòn đá chàng thấy như có vẻ sống và dưới ánh sáng mặt trời chàng trông rõ một tia đỏ chạy ngang hòn đá như một tia máu.
Chàng cúi xuống giơ hai tay múc nước để rửa mặt cho tỉnh. Nước suối lạnh làm chàng rùng cả mình mẩy. Bỗng chàng thấy – rõ ràng chàng thấy – bên cạnh bóng mặt chàng in xuống đáy nước có bóng mặt một người khác nữa, mặt một người con gái Thổ chàng trông phảng phất giống cô Sao.
Chàng rợn người, đứng thẳng lên, nhìn quay lại thì không có ai cả. Chỉ có con ngựa của chàng đứng sau đang rứt cỏ ăn. Thoảng thấy hương lan, chàng nhìn quanh quẩn. Lúc ngửng lên, chàng thấy ở ngay trên đầu có một bông lan, hoa trắng nuột, cành điểm hai chấm đen… Bông lan rừng.
Quang toan giơ tay hái bông hoa, nhưng có một nỗi sợ vô cớ làm ngừng tay chàng lại. Văng vẳng bên tai chàng tưởng như nghe thấy tiếng cô Sao nói với chàng đêm hôm trước:
– Em xin ông, chỉ có mỗi một cây này gần nhà, em quý lắm.
Lúc ra đến ngoài đường cái, Quang đợi mãi mới gặp được một người Thổ kiếm củi đi qua. Chàng gọi lại hỏi:
– ở trong kia có nhà ai ở không?
Người Thổ đáp:
– Quanh đây không có nhà ai cả. Ai dám ở đây. Nhiều hổ lắm.
Quang bảo người Thổ lắng tai nghe tiếng thác rồi hỏi:
– Có phải thác Linh Hai đó không?
Người Thổ ngạc nhiên không hiểu:
– Thác Linh Hai? Linh Hai?… Không phải, đấy là thác Na Panh. ở khắp châu nầy không có thác Linh Hai.
Mấy hôm sau, người cho thuê ngựa thấy Quang sáng nào cũng đến thuê ngựa rồi cứ chiều tối mới đem ngựa về trả.
Bẵng đi mấy tháng, người cho thuê ngựa lại thấy Quang đến, nhưng lần này chiều không thấy đem ngựa về. Ngày hôm sau cũng không thấy bóng ông khách thuê ngựa đâu. Nửa đêm nghe tiếng động ở cửa, người cho thuê ngựa đem đèn ra soi thì thấy con ngựa của mình đứng bên giậu, hục hặc tìm lối vào.
Trên lưng ngựa, yên còn đóng nguyên, mà người thuê không thấy đâu cả.
Rút từ tập truyện ngắn Hai buổi chiều vàng, Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1937.
Truyện ngắn kinh dị Lan Rừng – Nhất Linh
Lạnh Lùng – Nhất Linh (Truyện Audio Hay)
Nhất Linh
Theo http://thocuchuoi.com/

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...