Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Feste Lariane - Kim Chung

Feste Lariane - Kim Chung
Nhạc nền
FESTE LARIANE: Tang lễ Lariane, là tác phẩm của nhạc sỹ Italia Luigi Mozzani, nó được cho rằng là nhạc khúc để tưởng nhớ người phụ nữ của ông, bài này rất hay.
Cũng vì bản nhạc rất hay, nên đã có nhiều câu chuyện hư cấu theo giai điệu của bản nhạc này. Dưới đây là một trong những chuyện như vậy.
Có chuyện hư cấu thêm rằng, có hai người yêu nhau, nhưng không đến được với nhau, nên cùng tìm đến cái chết. Họ đã gieo mình xuống dòng sống nước chảy xiết. Bản nhạc có 3 tiết tấu khác nhau.
Tiết tấu 1 nhẹ nhàng, đơn giản, như khởi sự tình yêu của hai người. Tuy nhiên, nó giật liên hồi như báo hiệu điều chẳng lành sẽ đến với họ.
Tiết tấu 2 nghe rối rắm, như thể tình yêu của họ không có lối thoát.
Tiết tấu 3 là tiếng đàn trémolo tựa như tiếng dòng sông réo rắt chảy xiết, cuốn theo tình yêu của hai người trai gái xấu số đó...
Theo https://www.facebook.com/

Bài học nghề nghiệp từ Hoài Thanh

Bài học nghề nghiệp từ Hoài Thanh
Vào nghề viết, tôi thường xem Hoài Thanh như là một trong những mẫu mực sáng tạo để nghiêm túc học hỏi. Văn nghiệp của ông bao giờ cũng gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ về đời và nhất là về nghề. Còn nhớ vào đầu năm 1997, trong một tiểu luận văn chương, tôi có nóng lòng bày tỏ nỗi ao ước sớm xuất hiện một Hoài Thanh mới trong phê bình. Khi còn ở dạng bản thảo, một đồng nghiệp đọc xong bèn chân tình khuyên tôi: “Chớ nên viết thế ! Ở xa Hà Nội, ông không biết đâu, Hoài Thanh đang có vấn đề đấy!” Chả là dạo ấy, Nhà nước mới cho công bố Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, trong danh sách không thấy có tên ông. Tôi bảo: “Công việc nào mà chả có sơ sót, nhất đây lại là công việc liên quan đến xét đoán chân giá trị nghệ thuật”. Theo ý tôi, Hoài Thanh hoàn toàn xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu. Thời nào chẳng vậy, tài năng sáng tác thì nhiều, trong khi tài năng phê bình nào có bao nhiêu. Tôi đang nói tới thực tài, mà đã là thực tài thì có lẽ học hỏi, trao dồi bao nhiêu cũng không đủ. Còn có gì đó như trời cho, dẫu chỉ là một chút, một chút ít thôi. Vậy thì phải xem đây là viên ngọc quý hiếm, cần trân trọng nâng niu, lại càng cần làm cho sáng thêm cùng với thời gian.
Xin được trở lại với Hoài Thanh. Thú thật là tôi không có cái may mắn được gần gũi ông như nhiều đồng nghiệp khác. Nhưng giờ đây, mỗi lần giở lại những trang văn dung dị mà kết lắng như màu xanh của lá, màu vàng của nắng kia, tôi lại cồn cào nhớ đến ông. Với chúng ta, nỗi nhớ không đơn thuần là một trạng thái cảm xúc. Nó là một hành động, tích cực như bao hành động khác. Chính vì thế mà nỗi nhớ bao giờ cũng mang một năng lượng tinh thần riêng, không thể xem là thói đa sầu đa cảm của những kẻ yếu mềm. Tôi muốn nói, nhớ tới Hoài Thanh là nhớ tới những bài học thấm thía từ ông, từ những trang phê bình lấp lánh ý nghĩa, đặc biệt từ số phận đầy vinh quang mà không ít cay đắng của chúng. Văn nghiệp của ông, như bao văn nghiệp của những tài năng lớn khác, luôn thật sự sống trong lòng các thế hệ mai sau là theo tinh thần ấy. Nhờ vậy mà các giá trị văn chương đích thực được lưu chuyển qua năm tháng đến được với muôn đời.
Hôm nay, tại diễn đàn trọng thể này, tôi xin được nói tới đôi bài học từ Hoài Thanh, có liên quan đến nghề viết văn danh giá mà không ít cay nghiệt của chúng ta. Sinh thời, ông là một tín đồ trung thành của một thứ tôn giáo đầy sức mê hoặc có tên là “Truyện Kiều”. Trước Cách mạng, ông luôn bị ánh sáng tỏa ra từ con chữ của Nguyễn Du quyến rũ. Và sau Cách mạng, như chính lời Hoài Thanh, bước chân đi theo Kháng chiến của ông đỡ ngập ngừng hơn do sớm gặp một lãnh tụ của Đảng cũng mê “Kiều” như ông. Trong vô vàn cảm nhận tinh tế mà sâu sắc của Hoài Thanh, tôi đặc biệt thích thú một đánh giá mang sức bao quát sau về nhân vật Kiều : Có thể gói gọn thân phận của nàng trong một chữ “đa” – đa tài, đa tình, đa sắc mà đa nạn. Một ai đó đã phát hiện ra rất đúng cái tài của Nguyễn Du qua việc mô tả dáng vẻ bên ngoài của Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Và của Thúy Kiều:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Số phận sau này của mỗi người đã được đoán định trong cái cách thể hiện ấy rồi. Kiều “đa nạn”, đời nàng là một chuỗi bi kịch “đứt ruột” kế tiếp nhau. Vậy mà nếu tôi có hỏi các đồng nghiệp của mình rằng muốn số phận của người cầm bút viết văn suôn sẻ như Thúy Vân hay trầm luân như Thúy Kiều? thì chắc không mấy ai trả lời ngoài dự đoán của tôi : Thúy Kiều. Bởi vì, Kiều bị dằn vặt, đọa đầy, đau khổ là do những năng lực và phẩm chất khác người đồng thời hơn người của chính mình. Chợt nhớ tới câu nói của một người bạn tôi cách đây 30 năm. Chúng tôi vốn cùng học phổ thông. Lên đại học, anh học Khoa Toán, còn tôi thì học Khoa Văn. Lúc ấy, anh âm thầm yêu một cô gái học cùng lớp với tôi mà chưa được đáp lại.
- Ông không biết con gái học văn phức tạp ư? – Tôi hỏi.
- Biết, biết rất rõ! Có điều, mình thà chấp nhận sự phong phú mà phức tạp, chứ không chịu nổi sự thuần nhất mà nghèo nàn.
Ôi! Cái nghề của chúng ta mới thật cao quý và ý nghĩa làm sao! Chỉ cần ai cũng hiểu được vậy thì không một người nào trong chúng ta lại không sẵn lòng lao vào công việc cực nhọc đầy hiểm nguy, chả gì có thể ngăn ta nổi. Nhưng trong đời viết văn còn có nhiều cái ngại khác, vô hình mà rắn đanh, dễ làm chùn chân mỏi gối ngay cả những người tâm huyết nhất. Ấy là số phận của những đứa con tinh thần thường được sinh ra trong sự sáng tạo cô đơn đến mức ngặt nghèo. Nhà văn phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mới mẻ mình vừa viết ra. Không phải bao giờ cũng êm chèo mát mái. Bởi có cái mới nào lại không chịu thử thách đâu? Nhưng ta lại hoàn toàn không có quyền thoái lui. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, không trách cứ ai được. Lại nhớ tới một bài học khác từ Hoài Thanh. Một lần, ông bình hai câu thơ của Tố Hữu trong bài “Mẹ Tơm” thế này: Câu đầu  “Sống trong cát chết vùi trong cát”  âm vang lên trong tâm trí người đọc những triết lý bi thảm về cuộc đời, rằng đời là một thung lũng nước mắt, rằng con người đã khóc khi vừa sinh ra và nấm mồ xanh rì đang chớ ta ở phía trước, rằng thân cát bụi sẽ trở về vối cát bụi… Nghĩa là câu thơ đã đẩy người viết đến bờ vực thẳm chênh vênh, chỉ nhích một chút thôi là có nguy cơ lao xuống vực, không ai cứu giúp nổi cả. Thế rồi câu thơ kế theo kịp thời xuất hiện : “Những trái tim như ngọc sáng ngời” . Nó thật sự đã giữ Tố Hữu đứng vững ngay nơi giáp ranh của hiểm nguy, để không rơi vào cái vòng u ám, bi lụy mà câu đầu có thể đẩy tới…
Mỗi khi nghĩ về số phận của tài năng văn chương, tôi hay liên tưởng tới lời bình tuyệt hay ấy của Hoài Thanh. Tài năng là vậy, dám đứng chân bên bờ vực, mà lại đứng vững, không bị sa xuống vực thẳm. Bản lĩnh cao cường của người cầm bút bộc lộ chính ở đây. Tôi thiết tha mong mỏi nền văn chương hiện đại của dân tộc ta trong điểm giao của hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ sẽ sản sinh ra được nhiều, thật nhiều những tài năng lớn với bản lĩnh khác thường như thế!.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/



Phần thiêng liêng ấy của lòng ta

Phần thiêng liêng ấy của lòng ta
Đường Trần Phú nối liền với đường Trần Hưng Đạo và xa hơn nữa về phía ngoại vi là đường Hùng Vương, có lẽ là con đường đẹp nhất của Đà Lạt. Đường rộng, phẳng và ít khúc quanh, vốn hiếm thấy ở Đà Lạt, thành phố của những con đường quanh co. Độc đáo cũng vì thế mà thơ mộng cũng vì thế! Đó là những con đường của những biệt thự xinh xắn, những hotel sang trọng mà riêng cái tên đã trở nên thân quen đối với du khách xa gần. Đó cũng là con đường của những trung tâm văn hóa thông tin lớn : Bưu điện tỉnh, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trường phổ thông trung học Thăng Long và Thư viện tỉnh.
Thư viện nằm trong một khuôn viên khá rộng và tương đối yên tĩnh. Bước lên những bậc tam cấp thân thuộc, qua ngưỡng cửa đi vào phòng đọc tổng hợp, tôi như lạc vào thế giới khác, yên lặng, yên lặng đến lạ lùng ! Các ghế ngồi hầu như đã kín chỗ. Đôi lúc một ai đó giở trang sách báo sột soạt, âm thanh này làm tăng thêm vẻ tĩnh lặng, tĩnh lặng mà sâu thẳm, vì trong sự tĩnh lặng ấy chứa bao khát khao về cái đẹp và hiểu biết, bao trăn trở cho tìm tòi và sáng tạo... Có lẽ đó là những điều bình thường và dung dị. Nhưng giá thiếu chúng, ta sẽ không thể hình dung nổi cuộc đời  này sẽ ra sao!
Vâng, đúng vậy, tôi đang lạc vào một thế giới khác. Ngoài kia là cuộc sống sôi động, trong này là cuộc sống kết tinh. Chỉ cần băng qua một đoạn đường, thả xuống một con dốc, bạn sẽ bắt gặp một Đà Lạt khác hẳn : Đà Lạt của những dòng xe nối đuôi nhau chạy xuống từ trung tâm Hòa Bình; Đà Lạt của chợ búa, không ồn ào náo nhiệt như thường thấy ở đồng bằng, nhưng dẫu sao vẫn là nơi giao dịch và thương mại, kẻ mua người bán với bao lo toan, tính toán hàng ngày; Đà Lạt của những nhà hàng, những tiệm cà phê, những rạp hát, những sàn nhảy... dành cho sự vui chơi. Tôi vừa qua Đà Lạt đó để tới đây, để trở về với một Đà Lạt khác -  Đà Lạt của sự trầm tư sâu lắng. Tôi lặng nhìn những bàn tay nhăn nheo đang lần giở những trang báo; những cặp mắt trang nghiêm đang chăm chú dõi theo những trang tạp chí khoa học nước ngoài, và kia là những dáng  ngồi ngay ngắn của những chàng sinh viên, những cô nữ sinh gần như bất động. Mọi cử chỉ đều gượng nhẹ, mọi trao đổi nếu có đều cố ý thầm thì. Tôi nghĩ, không ở đâu giáo dục ý thức tự trọng  mình và tôn trọng người tốt hơn ở phòng đọc của một thư viện. Trong khi những phẩm chất ấy  lại vô cùng cần thiết để duy trì mối quan hệ xã hội, lối sống tập thể. Muốn tạo ra chất văn hóa phải xây dựng môi trường văn hóa là vì vậy chăng!
Tôi lặng nhìn những gương mặt ngời sáng của các thủ thư. Bộ đồng phục sáng màu như làm tăng thêm vẻ trang nghiêm vốn cần thiết ở họ. Bạn đang quan tâm tới vấn đề gì? Nếu những ngăn mục lục phân loại chưa đáp ứng yêu cầu của bạn thì hãy hướng tới thủ thư, mạnh dạn trao đổi với họ. Và hãy xem, thái độ của họ mới ân cần làm sao ! Vốn là một người giảng dạy và nghiên cứu văn chương, một lần tôi cần tìm hiểu văn chương Mỹ hiện đại. Người thủ thư không chỉ đưa ra những cuốn sách theo phiếu đề xuất của tôi mà còn giới thiệu thêm một số tài liệu thú vị và bổ ích khác. Với ai không rõ, với tôi sự lựa chọn và hướng dẫn của thủ thư bao giờ cũng đáng tin. Tôi tin họ như tin vào chính lương tri của mình. Mà ai cũng biết để chiếm được lòng tin của người khác, để duy trì lòng tin ấy thật không một  chút dễ dàng. Với thủ thư, hiểu biết phải đến nơi đến chốn đã đành. Còn phải hết lòng vì độc giả của mình nữa. Tôi biết tiền lương của họ, cũng như của người phụ trách thư viện kia, nào có nhiều nhặn gì đâu. Vậy mà họ, như bao viên chức chỉn chu khác, phải sống và làm việc. Phải sống, nghĩa là phải thỏa mãn bao yêu cầu tối thiểu khác nhau của con người. Phải làm việc, nghĩa là phải phục vụ, phải học hỏi -  học nghiệp vụ, học văn hóa, học ngoại ngữ... Không ai đòi hỏi cao với mình lại có thể thỏa mãn, tự hài lòng về mình cả. Mỗi ngày trôi qua là bao lo toan, trăn trở trôi qua. Vậy mà nét mặt của họ vẫn thư thái, lời nói của họ vẫn nhỏ nhẹ, thái độ của họ vẫn trầm tĩnh. Thật đáng khâm phục biết nhường nào ! Có phải trong họ tiềm tàng những phẩm chất ấy hay chính công việc đã tạo nên chúng ? Có lẽ cả hai ! Nếu vậy họ quả là những người may mắn. Họ chủ động đến với cuộc đời và cuộc đời dang tay đón họ. Không phải họ không cần tới những đáp ứng chính đáng về vật chất cũng như những sự động viên cần thiết về tinh thần. Bởi họ không phải là thiên thần, mặc dầu họ mang trong mình những vẻ đẹp có thể sánh được với thiên thần. Tôi đã nói quá về họ chăng ? Nếu bạn nhận ra vai trò vốn có của họ gắn liền với một trong những thứ qúy giá nhất của con người đó là sách. Họ là những nhịp cầu diệu kỳ nối liền sách với độc giả để cho nguồn tri thức của bao thế hệ không bị ngừng trệ.  “Nếu ta được là vị chúa trời, thì ngai vàng của ta sẽ là sách”. Tôi không rõ ai đã từng nói câu đó. Có điều, tôi biết chắc rằng Gorki - một trong những nhà văn lớn của nhân loại không thể kìm được nỗi xúc động sâu xa mỗi khi nói tới sách. Đó là gốc của mọi thiên tài.
Tôi nhớ một lần để trả lời câu hỏi : “Bằng cách nào ông trở thành nhà bác học vĩ đại ?” Niutơn nói : “Vì tôi biết đứng trên hai vai người khổng lồ”. Người khổng lồ mà ông nói đây là kho tàng tri thức của nhân loại. Tất nhiên chỉ có những người bản lĩnh cao cường mới biết đứng và đứng vững “trên vai người khổng lồ”, nhưng nếu không tồn tại “người khổng lồ” ấy thì mọi ý tưởng sáng tạo dù táo bạo đến đâu cũng chỉ biến thành những ảo tưởng đẹp đẽ. Thật hạnh phúc cho cuộc đời những ai gắn liền với quá trình đi tới của nhân loại.
Tôi đang nghĩ về thủ thư, về lòng tận tụy với công việc của họ. Nhưng sẽ là khiếm khuyết lớn nếu không nói tới tính nguyên tắc của họ. Ai cũng biết Thư viện vừa là nơi lưu chuyển, vừa là nơi bảo tồn sách. Con số sách báo của Thư viện tỉnh Lâm Đồng chưa phải đã lớn, chừng trên 250.000 bản sách và khoảng 3000 loại báo chí trong và ngoài nước. Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã là kho tài sản quý giá lắm rồi. Phải bảo quản ra sao đây ? Giáo dục, tuyên truyền ? Trông cậy vào ý thức của độc giả ? Cái đó cần nhưng chưa đủ. Phải có phép tắc, luật lệ. Phải tôn trọng phép tắc, luật lệ. Không thể khác được ! Có lần, một cán bộ của tỉnh bạn đến Đà Lạt công tác rất cần sử dụng một vài tài liệu quan trọng trong phòng đọc. Không có thẻ, làm sao đây? Anh trình bày với nhân viên thủ thư. Phải đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc dù người đó là ai. Thế nhưng không thể xa rời nguyên tác. Chính thủ thư thay mặt Nhà nước bảo quản tài sản của nhân dân. Cuối cùng, người cán bộ kia đã nhận tài liệu cần thiết đọc ngay tại chỗ, sau khi gởi lại nhân viên phục vụ chứng minh nhân dân và số tiền cược gấp nhiều lần giá sách. Lần khác, một cán bộ Tỉnh đội đang quan tâm tìm hiểu một vấn đề về nước bạn Campuchia. Anh rất cần sử dụng từ điển Việt - Khơme trong nhiều ngày. Phòng mượn không có. Chỉ có một cuốn duy nhất ở phòng đọc. Lại thêm một khúc mắc nữa. Trong công việc luôn nảy sinh những vấn đề tương tự. Cần phải giải quyết. Sau khi xin ý kiến của Giám đốc Thư viện, người sĩ quan quân đội đã nhận từ điển với tờ cam kết cũng như phải để lại giấy giới thiệu và một số giấy tờ tùy thân quan trọng khác. Khó tính ư ? Nhiễu sự ư ? Vậy mà sách quý vẫn mất, vẫn rách. Được biết từ  năm 1992, Thư viện chủ trương phạt tiền những ai không bảo quản sách hoặc giữ sách quá thời hạn quy định. Đây cũng là biện pháp bất đắc dĩ mà thôi ! Giá độc giả nào cũng có ý thức giữ sách như nhà văn Đích - ken.
Có những quyển nhà văn nổi tiếng người Anh đọc đến lần thứ 121, thuộc làu làu, vậy mà sách vẫn như lúc mới mua. Đíchken là người “chủ sách” rất khó tính. Ai mượn sách của ông mà làm dây bẩn, làm nhàu nát là lần sau mượn lại nhà văn liền móc túi đưa tiền và vui vẻ bảo : “Vui lòng cầm lấy ra hiệu sách mua mà đọc”. Một lần có người bạn thân của ông đến chơi và ngỏ ý mượn vài quyển sách qúy của nhà văn. Nể bạn, Đíchken đành cho mượn nhưng trong lòng rất áy náy khi thấy bạn vừa cầm lấy sách đã gập lại rất mạnh tay. Lúc nhận sách, ông thấy ruột mình đau như cắt vì bìa sách đã bung, nhiều trang gập thành nếp, và nhất là vài trang còn bị rách và vấy mực nữa. Đíchken giận đến mức không buồn nghĩ đến ăn tối. Có thể đó là giai thoại. Song lẽ nào trong đó không chứa những hạt nhân của sự thật. Kể chuyện này để bạn đọc thêm cảm thông với những biện pháp cần phải có của Thư viện. Xin đừng trách móc, đừng nặng lời với họ.
Nhiều năm này, tôi là bạn đọc thủy chung của Thư viện tỉnh. Tôi coi đây là một may mắn lớn. Được làm bạn với sách, với những người có tâm hồn rộng mở, bao dung và hào hiệp như sách lại không là may mắn hay sao ! Bởi vậy ký ức trong tôi hay sống dậy những kỷ niệm thật khó phai mờ. Đà Lạt vinh dự thường xuyên đón các văn nghệ sĩ từ nhiều miền đất nước về thăm, nghỉ dưỡng và sáng tác. Hầu như nhà văn, nhà thơ có tiếng nào khi dừng chân ở Đà Lạt đều tiếp xúc với bạn đọc của Thư viện. Là người làm công tác văn học, ít khi tôi bỏ qua những buổi chuyện trò như vậy. Đó là chất kích thích qúy báu cho suy tư, cho sáng tạo. Một lần tôi nghe nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đọc thơ. Chị đến thăm Đà Lạt không phải một lần. Và như để trả món nợ tinh thần đối với mảnh đất gợi nhiều thương nhớ trong lòng, chị đã viết về Đà Lạt. “Một ngày Đà Lạt” là một bài thơ hay của chị. Trong đó tôi rất chú ý tới câu thơ này đi giữa Đà Lạt mà:
Như gió lạc vào huyền thoại
Như em lạc vào tình yêu của anh.
Kết thúc buổi sinh hoạt, tôi gặp chị hỏi: “Có thể đối câu “Như em lạc vào tình yêu của em” được không, thưa chị?” Chị mỉm cười rất duyên rồi trả lời : “Có lẽ như vậy chăng nếu tôi là đàn ông !”. Tôi chợt thấm thía cái điều đã trở thành nguyên lý : văn chương hay là thư văn chương chân tình chân thành, chân tình chân thành đến cùng. Vai trò của cá tính sáng tạo lớn lao cũng vì vậy.
Nhiều lần tôi vinh dự được mời đến trao đổi những vấn đề văn học khác nhau tại Thư viện. Mỗi buổi có mỗi vẻ riêng nhưng không lần nào tôi xúc động như lần nói chuyện về “Thung lũng Cô Tan” của Lê Phương. Đó là vào tháng 7/1984, mùa mưa ở Tây Nguyên và Đà Lạt. Dường như chiều nào trời cũng mưa. Hôm ấy, 14 giờ bắt đầu nói chuyện, thì 13 giờ 30 trời mưa như trút. Ngồi nhà, chờ xe đến đón, lòng tôi bồn chồn như lửa đốt. Mãi tới 13 giờ 45 mới có cán bộ thư viện đến, không phải bằng xe hơi mà xe máy. Chị phân trần rằng vì xe hơi của Ty (thời ấy gọi là Ty) có việc đột xuất, và mong tôi thông cảm. Thế là chúng tôi gấp rút mặc áo mưa băng đến thư viện.  Phòng đọc được sắp xếp lại thành nơi sinh hoạt văn học. Có chừng 30 thính giả, chủ yếu là những bạn đọc thân tín của Thư viện. Chưa có buổi nói chuyện nào của tôi lại ít người nghe đến như vậy. Nhưng cũng chưa buổi nói chuyện nào tôi lại xúc động đến như vậy. Họ đã đội trời mưa đến nghe phân tích, đánh giá tác phẩm văn chương. Liệu những gì tôi nói có ý nghĩa bao nhiêu với họ ? Tôi hào hứng nói và quên rằng thời gian hai tiếng đã trôi đi. Sau buổi nói chuyện, chị Đặng Việt Nga, Chi hội trưởng Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng chân tình tâm sự: “Hôm nay anh nói hấp dẫn quá !” Không rõ buổi đó tôi có nói hấp dẫn hay không. Nhưng riêng điều này thì tôi biết rất rõ : Tôi đã gắng xứng đáng với sự quan tâm của các thính giả đáng kính trọng đang ngồi nghe mình nói. Đó là bài học thấm thía trong cuộc đời hoạt động văn học của tôi.
Cuộc đời rất cần những kỷ niệm, vốn liếng tinh thần quý giá của mỗi con người. Mỗi lần có dịp nhớ lại tâm hồn ta được thanh lọc trở nên trong sáng cao đẹp hơn lên. Cách đây 10 năm, tôi đã ghi những dòng sau đây vào “Sổ cảm tưởng” của Thư viện tỉnh Lâm Đồng:
“Là một người nghiên cứu và giảng dạy văn chương tôi không thể hình dung được tâm hồn, hiểu biết và công việc tôi, nghĩa là con người và cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu thiếu đi những thư viện như thế này. Tôi rất yêu qúy và trân trọng các bạn vì lẽ đó. Quả thật các bạn đã giúp đỡ chúng tôi, những độc giả của Thư viện rất nhiều. Giữa bao nỗi eo sèo, nghiêng ngả ngoài đời, đặt chân đến Thư viện, tôi như sống giữa những người đồng chí thân tình nhất, giàu văn hóa nhất. Gặp những người như vậy, con người ta trong bao nỗi trăn trở, ngổn ngang vẫn có cái để mà tin, vẫn có chỗ dựa tinh thần mà sống cho xứng đáng. Thư viện, đó là một mảng quý giá của tâm hồn tôi, một mảnh phong phú của cuộc đời tôi.
Có thể ai đó, độc giả hoặc cán bộ thư viện chưa thật hài lòng với công việc ở đây. Cũng chẳng khó hiểu gì ! Thói thường, người ta không dễ đánh giá hết giá trị của những cái bình thường nhưng lại là điều kiện sinh tồn của đời sống chúng ta. Và, riêng với các cán bộ quản lý thì thói quen khe khắt với mình cũng là một nét đáng yêu. Có lẽ ở đây tốt hơn là làm một phép so sánh chăng ? Chúng tôi có may mắn từng làm việc ở nhiều thư viện khác nhau, trong nước có, ngoài nước có. Có thể dễ chỉ ra những thư viện quy mô hơn nhiều, nhưng không dễ tìm thấy một thư viện trong hoàn cảnh ngặt nghèo của riêng mình, đã thực sự vươn lên để đáp ứng những nhu cầu tinh thần dồi dào, đa dạng ngày một tăng của con người như ở đây.
Có điều thắc thỏm này hay trở ngại trong tôi với tư cách là một độc giả bình thường của Thư viện: mình phải làm gì để đáp lại tấm lòng bè bạn ?”.
Đến giờ, 10 năm đã trôi qua, vật đổi, sao dời. Cùng với năm tháng, có lẽ tôi đã từng trải hơn, chín chắn và đằm thắm hơn. Vậy mà những dòng chữ ấy vẫn đúng với suy nghĩ và tình cảm của tôi lúc này. Đó là phần thiêng liêng sâu thẳm của lòng tôi. vì vậy, nó dám lên tiếng thách thức với thời gian, cái sức mạnh ghê gớm từng hủy diệt nhiều thứ ghê gớm trên đời. Nếu có gì cần viết thêm thì đó là nỗi vui mừng của tôi trước sự trưởng thành đáng kể của Thư viện sau 10 năm này. Rồi lòng mong mỏi nữa: Thư viện tỉnh Lâm Đồng hãy vươn lên một tầm cao mới xứng đáng với lòng tin và hy vọng của độc giả đã dành cho mình.
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/
                                    

Khúc hát thành phố cao nguyên

Khúc hát thành phố cao nguyên
Đà Lạt.
Buổi sáng.
Trời lạnh, xanh và trong.
Căn phòng sơ sài mà ấm cúng.
Vườn rau mượt mà phía trước…
Chủ nhân của căn phòng, vườn rau và của cả… đất trời Cao nguyên kia là Nguyễn Lương. Tôi có thể nói vậy vì xem kìa: anh đang say sưa đọc hàng chục bài thơ của chính anh  về Đà Lạt, trong đó có một bản trường ca gồm 5 chương dầy dặn. Rất nhiều trải nghiệm. Rất nhiều tâm huyết. Giọng anh xao động và trầm ấm. Người nghe duy nhất chỉ một mình tôi. Mà không, cả đất trời, cảnh vật Cao nguyên nữa chứ! Hiểu như thế nên tôi chăm chú lắng nghe, không bỏ sót một câu, một chữ. Đôi chỗ chưa rõ hoặc chưa hiểu, tôi nhờ anh đọc lại. Chẳng hạn, đoạn thơ này:
            Lối mòn vượt lên đỉnh núi
            Âm thầm thở dốc rìa buôn
            Lối mòn lặng lẽ về xuôi
            Như con suối không tên hòa vào sông cái…
Thơ Nguyễn Lương là vậy, hình ảnh dung dị, ít đại ngôn, lấy việc giãi bày chân thực cảm nghĩ làm trọng, có thể đôi khi dàn trải một chút, kể cả dễ dãi nữa, nhưng không khi nào không gợi lên một điều gì, buộc người đọc phải suy ngẫm. Cái lối mòn âm thầm thở dốc gắng vượt lên đỉnh núi cao, hay lặng lẽ về xuôi hòa vào đường cái, đại lộ, xa lộ như suối đổ vào sông rồi đổ ra biển cả – cái lối mòn quen thuộc được viết đầy dụng ý ấy như muốn nhắn nhủ ta những điều khác, cao hơn, sâu hơn về sự đời và lẽ đời. Sống, với người có ý thức, luôn bao hàm sự nghiền ngẫm về đời sống. Và người sống lâu trên cõi đời phải là người phát hiện ra nhiều điều thẳm sâu từ đời sống. Ở người làm thơ, nhờ được vậy, mà sự liên tưởng tinh tường hơn, trường liên tưởng, cũng nhờ vậy mà khoáng đạt hơn:
            Âm thanh này qua rất nhiều lặng im
            Qua núi cao đèo dốc
            Qua khe đá lá cành
            Mới nên khúc hát
            Róc rách, dạt dào, vẹn nguyên…
Đó là cảm nhận của Nguyễn Lương về Âm thanh của thác Prenn. Tôi nghĩ, chắc phải trải qua nhiều ngọt bùi cay đắng ở đời mới dễ tiếp nhận thơ của một người có thể chưa thật  tài hoa song luôn trăn trở trước lẽ sống còn, chuyện được mất, sự vinh nhục của đời người như thơ anh. Nguyễn Lương quả có thế mạnh trong sự phát hiện bề sâu. Điều này càng đặc biệt nổi rõ khi ngòi bút nơi anh chạm vào Đà Lạt – một chất liệu sáng tạo dễ biến thơ thành nhợt nhạt của sự dễ dãi, sáo mòn. Từ chất giọng trầm lắng phải thừa nhận là chưa có gì thật nổi trội của mình, anh hình dung ra thành phố của chúng ta: 
Thành phố nằm nghiêng nghiêng
Đôi cánh hoang sơ soãi về biển cả. 
Một con chim khổng lồ soãi đôi cánh về biển Đông… Tôi thích trạng thái động của thành phố, động nơi hình hài, động trong tâm tưởng. Dường như, con chim kia bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nâng mình lên khỏi mặt đất, bay xa bay cao về phía mặt trời…
Xin cảm ơn tấm lòng của Nguyễn Lương dành cho thành phố Đà Lạt. Để rồi chúng ta có dịp đọc nhiều vần thơ hay viết về hoa của anh. Chẳng là, nói tới Đà Lạt mà không nói tới hoa thì coi sao được. Anh bảo, từ xa xưa, khi khuôn mặt còn chìm trong sắc lá Đà Lạt đã là thành phố của hoa. Đúng quá rồi! Cái khó là viết sao đây cho thật ấn tượng. Cây bút Nguyễn Lương đã hiến cho những người muốn đưa hoa vào thơ không ít bài học phải nói là quý giá. Trước hết, anh luôn nhìn hoa bằng đôi mắt lạ hóa vốn có ở người nghệ sỹ. Này nhé:
Hoa lồng đèn dấu mặt làm duyên
Và:
Hoa bìm bịp như những dấu chân
Biếc tím in lên sườn núi. 
Quả là Cõi thần tiên màu sắc như anh từng thú nhận. Chúng có sức huyễn hoặc bạn đọc là phải. Tuy nhiên, bí quyết thành công chính lại nằm ở sự gắn bó thành máu thịt giữa hoa và người. Có sự gắn bó thật sự ở nghĩa đen: 
… Bộ cúc áo dát vàng
Làm bằng hoa cúc dại
Cho em gái tôi hóa thành công chúa
Mỏng mảnh đôi tay em xòe múa
Hồng hồng
Tim tím
Cánh hoa me… 
Sâu xa hơn là sự gắn bó ở nghĩa bóng, nghĩa phái sinh. Đây là nỗi đau: 
Nghe gai tường vi bấu vào da thịt
Giọt lệ lăn tròn trên mỗi cánh hoa
Còn đây là niềm kiêu hãnh cao sang:
… Ông mặt trời
Thè những cánh lửa màu, đỏ rực
Là hoa trạng nguyên
Những cánh lá thiêng liêng
Non tơ nên đỏ thắm
Khoe với đời hơi ấm trẻ trung 
Hoa, đẹp ở sắc màu, quyến rũ ở hương thơm, đi vào thơ lại thêm sắc, thêm hương nhờ thấm đẫm tâm sự của người làm thơ. Nó có ý nghĩa nhân bản cao sâu hơn nhiều. Nhưng viết những vần thơ như vậy, một ai đó giàu có hồn thơ tạt qua Đà Lạt đôi ba ngày như du khách của cái đẹp cũng có thể làm được. Anh Nguyễn Lương còn có những vần thơ hay khác mà chỉ có những ai ăn đời ở kiếp nơi đây như là chủ nhân của cái đẹp mới viết nổi. Tôi muốn nhắc đến chương Quên giọng nói riêng mình của bản trường ca. Ở đây, không chỉ tồn tại sự cảm nhận mà còn tồn tại sự thức nhận: Tự giấu riêng mình/ cho chung thành phố. Hơn 100 năm qua, bao nhiêu thế hệ người Việt từ khắp mọi miền đất nước đã đến đây mang một ý nguyện chung ấy. Để cho:
Rừng núi dang tay thành câu hát ví
Trong điệu “mái nhì” xa lắm sông Hương
“Ra ngõ mà trông” nhớ lời “ví dặm”
Xôn xao từng nhịp “ xẩm xoan”… 
Bao làn điệu dân ca vang lên từ ba miền giờ kết lại trong một điệu khúc mới, đằm thắm và cuốn say. Ấy là vì: điều cốt lõi nhất đã được hết thảy mọi người Đà Lạt thấm nhuần: hãy chung sức chung lòng làm cho Thành phố ngày một sáng đẹp thêm lên.
Mùa xuân về trên thành phố ngàn hoa
Tôi xin lấy câu kết của bản trường ca để kết thúc đôi lời về tập thơ đầu tay của một cây bút thơ quen thuộc với Đà Lạt, với Lâm Đồng: anh Nguyễn Lương. Mời các bạn cùng thưởng thức.
Đà Lạt, 12/2001
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


Bài ca "Những người con của bản"

Bài ca "Những người con của bản"
Cầm trên tay bản trường ca Những người con của bản, tôi không khỏi sững sờ. So với nhiều cây bút người dân tộc thiểu số, con đường văn chương của Cầm Hùng quả chưa phải đã dài. Mãi đến năm 1998, anh mới có tập thơ in riêng mang tựa đề Đoàn quân đi làm ánh mặt trời. Dù thiện cảm với anh tới đâu cũng chẳng thể coi tập thơ là dầy dặn, mặc dầu nó cũng đã để lại một đôi ấn tượng tốt đẹp cùng một vài tia hy vọng ấm áp trong lòng người đọc. Vậy mà, có ngạc nhiên không, Cầm Hùng đã chấp nhận bao thách thức về tầm bao quát, về vốn sống, về khả năng xử lý chất liệu - những thách thức không dễ vượt qua, để đến với trường ca. Liệu có đuối sức, hẫng hụt không đây? Tôi buộc lòng phải đặt ra câu hỏi ấy. Và xin thú thật, phải tới khi đọc xong chương cuối cùng Thành phố những vì sao, tôi mới hầu như hết e ngại.
Chợt nhớ tới ý thơ của Dương Thuấn: Tắm nước suối mới là người của làng bản; tắm nước sông anh trở thành người của quốc gia; chỉ tắm nước đại dương anh mới trở thành người muôn nơi. Từ đó, tôi nảy ra một ý nghĩ khác: ta đã trải khắp đại dương thì khi trở về quê mình, nhìn nước của sông, của suối sẽ khác đi rất nhiều. Cái khác ấy sao đây? Đâu là cái tương đồng, còn đâu là dị biệt ? Đâu là sự hạn hẹp, còn đâu là sự giao hòa, rộng mở?... Biết bao vấn đề thiết cốt rất cần được giải đáp. Bởi vì nhờ đó mới biết cái gì cần nâng niu, gìn giữ và cái gì cần can đảm vượt qua. Lại phải giải đáp bằng văn chương, bằng nghệ thuật, nghĩa là bằng một hình thái dễ lôi cuốn, dễ thuyết phục mà lại có sức neo giữ bền lâu. Có thể nói, bản trường ca Những đứa con của bản ở mức độ nào đó có thể xem là đã đáp ứng được mong mỏi ấy của chúng ta.
Đọng lại trong lòng bạn đọc là lời ngợi ca không dứt những người con ruột già của bản mường dưới ánh sáng chói lòa của thời đại mới:
Nếu chàng trai nào chưa đến Sơn la
Nắm bàn tay
Cô gái Thái múa xòe
Thì đời như thiếu nắng, thiếu mưa.
Và:
Cô gái nào chưa được hôn
Chàng trai người Thái
Sẽ bâng khuâng hẫng hụt
Suốt đời người.
Ai đã từng sống hết mình với bản, với người Tây Bắc sẽ không thấy nhà thơ của chúng ta nói quá lời. Nhưng cái khiến tôi thật sự xao lòng là niềm kiêu hãnh được là người dân tộc Thái, được sống ở vùng núi Sơn La - niềm kiêu hãnh này thấm đẫm trong từng lời của bản trường ca từ câu đầu tới câu cuối. Những chàng trai, cô gái sinh ra từ nơi đầu nguồn bó nước, có những cánh rừng huyền thoại, những dãy núi sừng sững tưởng với tới được trời. Hạnh phúc ban đầu của họ có được là nhờ sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người:
Hoa lau nở thành gối
Hoa gianh nở thành đệm
... Sợi chỉ nắng khăn piêu
Rực rỡ hoa mặt trời
Những câu thơ mang vẻ đẹp dung dị lại nói được những điều lớn lao. Ta đang sống  những ngày ít ỏi còn lại của thế kỷ XX. Một trăm năm qua, nhân loại từng chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Văn minh vật chất vì vậy không ngừng tăng trưởng. Biết bao sự biến đổi mà ở cuối thế kỷ trước còn nằm ngoài giấc mơ ở ngay cả những người giàu óc tưởng tượng nhất! Giờ đây, con người có quyền đứng ở tầm cao vòi vọi để có thể hãnh diện một cách chính đáng với muôn loài. Từ đó, dễ nảy sinh ra xu hướng sai lầm coi con người có thể dời sông lấp biển, bất chấp mọi quy luật khe khắt của tự nhiên. Câu thơ của Nguyễn Du Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều được ngâm nga trong mọi hoàn cảnh. Xin được nhấn mạnh: không phải bao giờ cũng phù hợp đâu! Biết bao bài học nhãn tiền mà cái giá phải trả đâu có nhỏ. Một trong những bài học thấm thía ấy là: hãy biết tìm hạnh phúc bền vững trong sự chung sống thân thiện với tự nhiên khi vẫn không ngừng vươn lên chế ngự nó. Đoc thơ Cầm Hùng, và nói chung của các cây bút dân tộc ít người khác, tôi thường lưu tâm nhất tới điều này. Các chàng trai cô gái miền núi được tắm nơi bó nước, nên: Những đứa trẻ chào đời/ Trai lớn lên thành Ka-Đông/ Văn hay võ giỏi. Còn: Gái lớn lên thành Căm-Lau/ Thành dâu hiền.../ Dịu dàng thương chồng con.
Cứ vậy, cứ vậy... họ lớn lên về thể xác nhất là về tinh thần. Tầm nhìn của họ được mở rộng, tri thức của họ thêm giàu có, và bản tính hiền hòa, yêu lao động, dũng mãnh trước kẻ thù, biết thương yêu, bao dung, hy sinh vì đồng loại được giữ gìn/ dựng xây/ cho đẹp mãi đất này. Tất cả, tất cả những điều quý giá đó, bạn đọc có thể tìm thấy ở bản trường ca của Cầm Hùng. Tôi xin trân trọng mời các bạn cùng thưởng thức.
Đà Lạt, tháng 9/2000
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


Người mang Đà Lạt về xuôi

Người mang Đà Lạt về xuôi
 Kể ra, với Đà Lạt, tôi vẫn luôn tự xem là kẻ đến sau. Mãi đến 1982, tôi mới chính thức được Đà Lạt chấp nhận. Mười sáu năm trời, biết bao vui buồn. Và tôi biết mình không thể sống xa thành phố mến yêu này mà có thể bình yên, thanh thản cho được. Đó là thành phố của tôi. Tự khi nào, tôi đâu có hay! Mà Đà Lạt đâu chỉ “của tôi”. Nhớ lại cuộc chia tay mới đây với một nhà thơ đến từ Thủ đô Hà Nội. Anh có nhiều sáng tác hay về Đà Lạt. Tôi thành thực nói: “Xin cảm ơn những bài thơ đầy ấn tượng của anh về Đà Lạt của chúng tôi”. “Ồ, Đà Lạt của chúng ta chứ! Vậy sao lại cảm ơn” - Anh vặn hỏi lại. Nghe giọng nói và nhìn vào mắt anh, tôi biết là anh cũng thành thực như tôi. Phải rồi, đó là “Đà Lạt của chúng ta” - những ai nặng lòng với nó, suốt đời tự nguyện vì nó. Như một thứ báu vật trời cho, có phải càng nhiều người nhận quyền sở hữu, Đà Lạt càng nhiều phần giá trị hơn lên?
Trong số những nhà văn nặng tình nặng nghĩa với Đà Lạt, tôi nghĩ nhiều đến Triệu Lam Châu. Anh là nhà thơ dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, hiện đang giảng dạy tại Trường trung học Kỹ thuật công nghiệp Tuy Hoà, Phú Yên. Mới đây, Triệu Lam Châu cho in tập Trăng sáng trên non có lời đề tặng trân trọng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tôi không kìm nổi sự xúc động khi đọc chùm thơ chân tình và nồng ấm về Đà Lạt của anh, gồm các bài: Chút tình cờ đáng quý, Một nét lòng tôi trên phố núi, Mặt trời Đà Lạt, Anh mang Cam Ly về xuôi, Tâm tình Đà Lạt. Tất cả là 5 bài, số lượng đâu có ít. Có lẽ chẳng thua kém ai cả. Đáng nói nhiều hơn là tấm lòng dạt dào, sâu nặng của Triệu Lam Châu với Đà Lạt:
                                    Bao nỗi niềm xúc cảm trong lòng
                                    Cứ trùng điệp như rừng thông kia đó
 Phải rồi, chính anh, bằng những vần thơ đằm thắm của lòng mình, đã thật sự mang Đà Lạt về xuôi…
 Nhiều người thú nhận, đứng trước Đà Lạt như đứng trước người đẹp ấy, tốt nhất là nên im lặng mà ngắm nghía, mà thưởng ngoạn. Mọi lời tán dương tuồng như thừa thãi. Ngôn từ có vẻ như bất lực, thậm chí thành vô nghĩa, vô duyên. Nhưng lẽ nào cứ im lặng mãi. Trong khi: Tim đập mạnh thế này làm sao yên được. Bao điều thôi thúc tự bên trong buộc phải nói ra. Mà phải nói sao cho thật tương xứng với lòng mình trước thiên nhiên nơi đây: Tôi cứ muốn hoà tan trong gió cho rừng thông xoá hết. Vậy nên, tôi xin được chia sẻ với Triệu Lam Châu về món nợ tinh thần khó bề đền đáp nổi trước Đà Lạt của chúng ta. Nếu có gì còn phải trăn trở chỉ là mong sao phải viết về Đà Lạt cho hay hơn thôi:                              
                                    Bài thơ đã viết xong rồi
                                    Trong tâm tưởng
                                    Nhưng chưa hiện được hình trên trang giấy
                                    Đà Lạt khất nợ nần cho tôi
Nhưng trước mọi chuyện là phải thật với chính mình. Không gì quý hơn trong thơ cho bằng một chữ chân. Đó là con đường ngắn nhất, giúp thơ đi thẳng vào trái tim con người. Tôi không trách cứ mà thêm quý mến sự cẩn trọng sau của nhà thơ:
                                    Tôi rất sợ tính vồ vập của mình
                                    Mới gặp lần đầu, nói yêu ngay, sao được
Kinh nghiệm cho hay, những người như thế khi đã nói lời yêu là ta có thể tin cậy được. Thêm một lần tin khi biết nhà thơ của chúng ta chỉ nói những gì trái tim mách bảo: Tôi giơ bàn tay chai sần cho thành phố/ làm quen. Không một chút điệu đàng, uốn éo. Nguyên vẹn một trái tim trần trước một thành phố mang nhiều vẻ kiêu sa. Đà Lạt sẽ hiểu lòng anh. Để rồi Đà Lạt sẽ thể tất cho những ý thơ chưa thật mới mẻ này của anh:
                                    Đà Lạt diệu huyền trong sương kỳ ảo
 Và:
                                    Đồi cỏ mượt như nhung
                                    Thung lũng tình yêu đẹp như huyền thoại
Chỉ bởi nhiều thi sĩ trước anh đã phát hiện ra rồi. Tôi biết Triệu Lam Châu luôn ý thức được cái thách thức nghề nghiệp nghiệt ngã kia. Anh còn biết cách để khẳng định đóng góp của riêng mình. Bằng phương thức nào đây? Bằng chính việc lặng lẽ ngắm trời xanh qua kẽ lá/ Lưới tình ai đan kín không gian. Bí quyết thành công trong thơ nằm ở lưới tình đấy thôi. Từ đó, cảnh trí Đà Lạt như được sống dậy, bổi hổi bồi hồi trong ta. Xin phép đưa ra hai dẫn chứng trong bài Chút tình cờ đáng quý và bài Một nét lòng tôi trên phố núi. Ở bài đầu tôi để ý đến hai câu sau:
                                    Rừng thông hát rì rào như gợi nhớ
                                    Một cái gì chợt đến đã đi xa
Viết rừng thông hát rì rào thì chưa vượt thoát khỏi cách nói thông thường dầu có nhân hoá gì gì đi nữa. Rừng thông hát rì rào như gợi nhớ có lay động vì xác định hơn, nhưng vẫn chưa có gì thật đáng nói. Gợi nhớ: Một cái gì chợt đến đã đi xa kia! Ôi, lẽ vô thường! Mọi cái chợt đến chợt đi trong khoảnh khắc đầy biến ảo. Và lòng người cũng vậy: Thoáng một chút ngỡ ngàng bối rối. Nói gọn lại, câu thơ trên đứng được là nhờ sự gợi nhớ thoảng qua ấy của người làm thơ. Còn đây là hai câu trong bài thứ hai:
                                    Thành phố bồng bềnh trong sương sớm
                                    Giấu nơi nào giấc mơ đêm qua
Câu đầu chưa có gì đáng nói chỉ vì đã được nói quá nhiều. Khi nối với câu sau ý thơ tự nhiên biến ảo đến xôn xao trong tâm tưởng người đọc. Đà Lạt là xứ sở huyền ảo - huyền ảo ở cảnh bồng bềnh trong sương sớm, huyền ảo còn ở chiều khác của thực tại giấc mơ đêm qua. Hơn một lần huyền ảo! Cái âm vang của cõi thơ ở đây là vậy. Tác giả đã nhập vào hồn Đà Lạt, để mỗi câu mỗi lời thốt ra như được ướp trong hương hoa Đà Lạt, như được phủ bởi làn sương Đà Lạt. Không, tôi không muốn nói quá lời. Xin hãy cùng tôi đọc những dòng thơ sau:
                                    Nắng tươi hồng, hàng thông nhẹ vút
                                    Xao động hoài cơn gió ban mai
Hai câu thơ có nắng, có gió, và có hàng thông. Đâu chỉ Đà Lạt mới có những thứ ấy! Nhưng thói thường sự khác biệt lại tồn tại ở ngay cạnh sự gần gũi, tương đồng. Ở đây là nắng tươi hồng, hàng thông nhẹ vút, trong sự xao động của lòng người qua cơn gió ban mai. Đà Lạt hiện ra rồi đấy. Mọi thứ, nhờ chan chứa cái tình của người làm thơ, giờ mới được giao hòa trong âm thanh, sắc màu kỳ lạ của đất trời bao la:
                                    Lòng cứ nghĩ hoa rừng lên tiếng hát
                                    Cho đất trời suối núi long lanh
Rồi có người sẽ bảo tôi: nào có gì thật đặc sắc đâu, những câu thơ ấy. Xin được dẫn ra bài Mặt trời Đà Lạt của Triệu Lam Châu để thêm một lần cảm thông với đánh giá của tôi. Nhà thơ để trí tưởng tượng của mình được thoả sức tung hoành. Đây, mặt trời Đà Lạt vào buổi sáng:
                                    Mặt trời ngủ dưới hồ Xuân Hương
                                    Sương sớm mới tan lâu đến thế
Tôi ngỡ ngàng thảng thốt. Cái lý giải thích sương mờ lâu tan tuyệt nhiên không phải để thoả mãn đầu óc mà để thoả mãn con tim. Đó là cái lý của thi ca, của nghệ thuật đấy mà! Còn đây, mặt trời Đà Lạt lúc xế chiều:
Mặt trời nằm trong mỗi vòm thông
                                     Nên nắng mới dịu dàng đến thế
Lại dùng lý để diễn tình mà ta không có cảm giác khó chịu vì sự trùng lặp. Nhà thơ của chúng ta không chỉ chan hoà trong cảnh mà trân trọng nâng niu cảnh, tuồng như mọi cử chỉ đều phải sẽ sàng, sợ động mạnh một chút sẽ làm tan biến cái vẻ đẹp mong manh của Đà Lạt chúng ta… Lạ nhất phải nói là mặt trời Đà Lạt về đêm:
                                    Mặt trời nằm trong mỗi trái tim say
                                    Cho thành phố bước vào huyền thoại
 Vẫn lý lẽ, nhất quán với mạch chung của cả bài thơ. Thi phẩm như nhắc người Đà Lạt chúng ta chớ nên vô tình trước vẻ đẹp vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thành phố cao nguyên. Có phải không ít lần trong đời, do nỗi thúc bách của cơm áo đời thường, ta đã xao nhãng ánh nắng mật ong kia, đồi thông trập trùng kia, thác trắng xoá như áo dài tiên nữ kia (thơ Phạm Vĩnh). Vụt đến trong óc tôi câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
                                    Gió trăng chứa một thuyền đầy
                                    Của kho vô hạn biết ngày nào vơi
Sự giàu có của vẻ đẹp thiên nhiên chỉ ở những tâm hồn giàu có. Gió trăng mãi mãi chỉ là “vật tự nó” lạnh lùng và cách biệt nếu con người chưa biết chuyển thành “vật cho ta”.
Tôi thật sự trân trọng những vần thơ đẹp mà Triệu Lam Châu đã hào phóng dâng tặng cho Đà Lạt. Tình yêu đích thực phải chăng là vậy, chỉ biết cho mà chả nghĩ đến nhận bao giờ:
                                    Ôi những rừng thông trùng điệp
                                    Nối theo nhau đưa nhạc tới cuối trời
Chùm thơ của Triệu Lam Châu như là những ngọn gió trong lành thổi vào cảnh sắc Đà Lạt, giúp đưa vẻ đẹp của thành phố cao nguyên tới mọi chân trời…
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


Bút ký văn học

Bút ký văn học
Dạo này, tôi thường hay đọc lại những trang hồi ký của các nhà văn Việt Nam về nghề nghiệp, về thời cuộc, nhất là các cuốn “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học”, “Chiến trường, sống và viết”... Rồi Nguyên Hồng, Tô Hoài, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thị... Đó là những tư liệu sống thật sự quý giá. Đọc chúng quả rất bổ ích, ngay cả lúc này, khi mọi chuyện về nghề viết tưởng như khác trước, khác rất nhiều rồi.
Trong chiến tranh, thiếu thốn đủ thứ. Cái ăn, cái mặc còn thiếu, nói gì đến phương tiện để viết. Nhà văn Thanh Giang kể  “Ở chiến trường, sáng tác về đêm. Chỉ dưới ánh đèn hạt đậu bằng chai rượu cồn, chúng tôi viết trang này qua trang khác, viết thâu đêm” (Chiến trường sống và viết). Còn nhà văn Phan Tứ thì nhớ mãi cái “chỗ ngồi viết lý tưởng” của mình vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là kho thóc của B28 (tức Đảng ủy Nam Tam Kỳ) ở trong một cụm rừng ven núi, giữa thôn Tứ Mỹ và nóc ông Bền - một làng người Thượng. Ông cam đoan sẽ tự túc gạo, muối và giữ kho thóc. Tuy ông cũng được ưu tiên hưởng sinh hoạt phí 5 đồng tiền Ngụy, đủ để mua hai lon gạo và một ít muối. Trong Ban Tuyên huấn khu V chỉ có đồng chí Phó Ban và ông là được cấp đến mức này (Chiến trường sống và viết). Sống kham khổ vậy mà nào có được yên để viết. Đỗ Chu, theo hồi ức của Lưu Quang Vũ, khi còn là một chiến sĩ phòng không, “ở trong một chiếc lều vải bạt cùng với các chiến sĩ của khẩu đội. Bàn viết của Chu là một hòm đạn pháo 57. Anh đang chuẩn bị tập “Phù sa” cho Nhà xuất bản Văn học; công việc của anh luôn bị ngắt quãng bởi những hiệu lệnh báo động. Đỗ Chu bỏ bút, chụp lên đầu cái mũ sắt, chạy ra ụ pháo, ngồi vào vị trí pháo thủ số 5 mà anh đã rất thành thạo” (Chiến trường sống và viết).
Có thể đọc nhiều, rất nhiều những dòng, những trang như vậy. Và chợt một câu hỏi lớn nảy ra trong đầu tôi : Vậy tại sao giờ đây, khi điều kiện sống và viết của các nhà văn ta đã được cải thiện về căn bản, hầu như không còn ai sống quá kham khổ, quá chật vật, mà sao vẫn có người chưa dám xả thân vì nghề, chưa thật thiết tha với trang giấy và ngòi bút như cần phải có ? Để phần nào giải đáp câu hỏi lớn nhức nhối này, tôi lại lần dở tiếp những trang sách còn nóng hổi sự sống văn chương kia. Và...
Nguyễn Thi thổ lộ: “Ước mợ của tôi là được sống và chiến đấu cùng với đồng bào Nam bộ. Nghệ thuật của tôi cũng bắt nguồn từ đó. Tsêkhốp đã từng nói: Nghệ thuật sở dĩ đáng quí và thuyết phục được mọi người chính là ở chỗ không cói dối được đó. Tôi phải đi chiến trường mới được” (Chiến trường sống và viết). Nguyễn Thị, một nhà văn - chiến sĩ tiêu biểu nhất đã đổ máu vì những trang viết chân thực như vậy đấy! Ở đời mỗi người tự chọn cho mình một cách chết, và cách chết thể hiện cách sống của mỗi người là theo ý nghĩa này chăng? Con người ấy sẽ làm nên trang viết ấy, nào có khó hiểu gì đâu.
Ý nghĩ của nhà văn Nguyễn Thi có gì thật gần gũi với ý nghĩ của nhà thơ Xuân Diệu trong cuộc kháng chiến chống Pháp khi lần đầu tiên ông tiếp xúc với chất thơ mới mẻ của bài “Cá nước”. “Một chất gì đó đã sinh ra - Xuân Diệu kể lại - cái chất đó có thể sinh ra được do tâm hồn người... Đó là lòng chân thành , chân thành, đó là Tố Hữu, Tố Hữu. Chúng tôi, một số thi sĩ đã viết thơ từ trước Cách mạng tháng Tám, không phải là chúng tôi không biết xào nấu cho thơm điếc mũi lên ! Nhưng chúng tôi đứng lặng trước cái chất tình người này : Một thoáng lặng nhìn nhau - Mắt đã tìm hỏi chuyện - Đôi bộ áo quần nâu - Đã âm thầm thương mến, trong tiếp xúc hàng ngày, những con người đã thấu đến cốt lõi của nhau: Tình giai cấp, tình kháng chiến” (Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy). Cách viết của Xuân Diệu là vậy: Đầy cảm xúc và rất phóng khoáng. Nhưng thật, thật lắm! Ta hoàn toàn có thể tin được.
Ở một góc độ khác, Nguyên Ngọc “nhớ lại và suy nghĩ”: “Những năm tháng  đó trên chiến trường, những người viết văn và làm nghệ thuật chúng tôi đều thầm có một mong muốn, còn hơn thế nữa, một khát vọng, một nhu cầu tinh thần bức bách : Khát vọng được sống như những người anh hùng”. (Chiến trường sống và viết). Tôi nghĩ “khát vọng” này đã thật sự truyền sức sống sang “Đất nước đứng lên”, “Đường chúng ta đi”, “Rừng Xà nu”... cùng nhiều tác phẩm say cuốn lòng người khác của anh. Người đọc được soi sáng bởi lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp của nhà văn, để rồi:
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
                                     (Thơ Chế Lan Viên)
Những trang sách đi ra từ tầm cao của cuộc đời và góp phần nâng cuộc đời lên những tầm cao mới...
Tôi lại đọc, đọc hồi ức của Nguyên Hồng về những ngày cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng - một nhà văn không chỉ lớn nơi trang sách mà còn lớn, rất lớn trong cuộc đời riêng: “Nguyễn Huy Tưởng mổ xong, nằm thiêm thiếp. Gương mặt anh hốc hác, nhợt nhạt. Người anh đẫy chắc thế mà gầy rám xuống giường. Thấy tôi vào, Nguyễn Huy Tưởng từ từ mở mắt. Anh đưa ngay tay đón bắt tay tôi, cười, giọng thều thào :
- Tơ rai!... Tơ rai!  ... Tơ rai! (Tiếng Anh) nghĩa là: Tin tưởng!) (Sức sống của ngòi bút). Hãy nhớ lại, Nguyễn Huy Tưởng sống trong những năm tháng đầy khó khăn như thế nào ! Mọi chuyện đâu đã được an bài. Xung đột là có thật, cuộc xung đột quyết liệt diễn ra hàng ngày, trong từng văn nghệ sĩ. Vậy mà họ đâu có mất niềm tin và hy vọng vào sự nghiệp này, vào cuộc sống này. Và họ đã tìm cách để vươn dậy, để vượt thoát mọi thách thức, mong giữ cho được lòng tin. Thử tưởng tượng, một người bình thường khi mất lòng tin thì sẽ ra sao? Huống hồ, đây lại là nhà văn. Bạn đọc biết nương tựa vào đâu khi nhà văn - người đại diện cho lương tri của thời đại, lương tâm của dân tộc lại bị nao núng, bị lung lạc. Đừng đánh mất cái quí giá nhất của người cầm bút, đó là lòng tin. Bài học thấm thía rút ra từ cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Tưởng đâu có nhỏ.
Nghĩ tới ông, tôi hay liên tưởng tới Phađêev ở Liên Xô (trước đây), nhà văn gần như sống cùng thời và có hoàn cảnh tương tự như Nguyễn Huy Tưởng. Hoàn cảnh sống càng tăm tối, tấm gương của nhà văn này lại càng tỏa sáng... Đấy là chưa nói thiếu hoặc mất lòng tin, thì nhà văn chưa thể cầm bút để viết được cái gì cho ra hồn cả. “Các tác giả chỉ nhằm trình bày một sự thật mà họ tin hoàn toàn rằng chính đó mới là sự thật. Họ chỉ cốt diễn tả một chân lý mà họ tin đến tuyệt đối rằng chính điều đó mới là chân lý” (Nguyễn Khải - Một bản thu hoạch).
Tôi đọc tiếp những hồi ức của Văn Cao về Thâm Tâm. Khoác ba lô đi theo kháng chiến, từ “chân trời của một người” tới “chân trời của tất cả”, Thâm Tâm viết khá chật vật. Do vậy khi làm xong bài thơ “Chiều mưa đường số 5”, nhà thơ vui sướng lắm, tâm đắc lắm. Ông nói với Văn Cao :
- Đã lâu mình mới làm được một bài đấy!
- Sao anh không làm nhiều vào?
Thâm Tâm cười khẩy:
- Cũng muốn làm nhưng không được.
Vâng, làm thơ, viết văn, một thứ văn thơ đích thực, đâu có dễ dàng như... đi dạ hội, hay như... đi ăn tiệc. Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm (Kiều), ấy là khi cảm hứng dâng đầy, câu chữ cứ như tuôn trào dồn dập, tự nhiên. Không thể dừng, không thể dứt được! Nhưng cảm hứng, nói như văn hào Pautôvxki, sẽ không đến nếu ta bỏ “đói” nó. “Tứ khổ, ngôn cam”, suy nghĩ khổ đắng, nói ra mới ngọt ngào được! Thấy nhiều nhà thơ (thường là loại “bậc trung”), viết nhanh đến phát khiếp đi được... Khi mà tài năng ở người cầm bút chưa đủ lớn, tôi có thói quen đoán định giá trị của tác phẩm qua công sức của người viết. Trở lại câu chuyện trên, Thâm Tâm viết khó khăn là thế mà Văn Cao cũng đã hài lòng với bài thơ ấy đâu: “Tôi không thích bài thơ ấy lắm, mặc dù nội dung của nó đã khác hẳn thơ anh ngày trước. Tôi thấy bài thơ hơi dễ dãi, không mang màu sắc gì riêng của tác giả” (Chiến trường sống và viết).
Ôi, cái nghiệp văn chương mới cay nghiệt làm sao! Nhiều người kinh hãi là phải. Rất dễ đi vào và rồi bước ra tay trắng lại hoàn tay trắng như chơi. Văn chương, nghệ thuật, đâu phải chuyện “lấp trống thời gian... việc giống nhau ngày này qua ngày khác... chuyện kỹ xảo... không phải là cuộc sống dễ dàng” (Pautôvxki).            
Phạm Quang Trung
Theo http://www.pqtrung.com/


Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...