Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Bầy thú hoang dã

Bầy thú hoang dã
Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".
Minh họa: Ngọc Thảo Nguyên
Đọc lá thư tôi cười và đột nhiên nhớ lại một kỷ niệm với ông, kỷ niệm cuối cùng trước khi tôi rời thị trấn Lộc Bảo, nơi tôi và vợ chồng ông Lâm sống cạnh kề nhau một thời. Kỷ niệm ấy chỉ là một chuyện nhỏ nhặt nhưng điển hình về tính cách của ông Lâm. Chuyện như thế này. Ông Lâm có làm một vồng đất để trồng rau sau hè nhà. Đất vừa làm xong, buổi tối tôi đi tiểu vô tình dẫm đạp lên trên để lại một dấu chân lún sâu ở một mé góc. Thế mà, sáng hôm sau, vừa mở mắt dậy, ông Lâm xồng xộc nhảy vào phòng tôi như thể bắt được quả tang thằng ăn trộm hoặc đốt nhà; ông xỉa xói mắng nhiếc tôi một thôi một hồi đến xùi cả bọt mép. Cậu là một thằng mất dậy! Trên đời nầy tôi chưa thấy một thằng nào ích kỷ như cậu, ghen tị như cậu, khốn nạn như cậu... v.v. và v.v... Đại loại như vậy; có nghĩa là ông cho rằng tôi cố tình phá hoại công trình sản xuất của ông, hoặc cố tình chọc tức ông, vì ghen ghét, tị nạnh thành quả lao động của ông. Tính khí của ông tôi đã quen, hễ ông đã bám vào điều gì thì nó phải là như vậy, hoặc giả, ông có phịa ra nữa, ông cũng biến nó thành ra thật và cuối cùng ông cũng tưởng là nó thật. Thế nhưng hôm ấy tôi đã chịu đựng không nổi; tôi tức giận đến nỗi phải tuôn ra một tràng chửi tục ông mới thôi. Và cũng chỉ đến thế thôi bởi vì tiến xa hơn nữa thì ông Lâm không thể làm được, thí dụ như việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay chẳng hạn. Tóm lại là ông chỉ giỏi võ mồm thôi. Nhân chuyện này tôi nhớ một chuyện khác, chuyện này thì do ông Lâm kể cho tôi nghe hồi tôi mới quen ông. Hồi ấy, khi ông vừa hoàn thành tập thơ đầu tay, có một ân nhân, cũng có làm thơ nhưng lại có tiền, đã đứng ra in tập thơ cho ông. Tập thơ in xong hai người có chuyện xích mích to tiếng, to tiếng đến nỗi vị mạnh thường quân đã giáng cho ông Lâm một bạt tai. Dĩ nhiên ông Lâm không trả lại được một bạt tai nào vì nhà thơ kia vừa to, cao lại vừa nổi tiếng là hung dữ. Nhưng ông Lâm đã trả được mối nhục theo cách của ông. Tối hôm ấy ông thủ sẵn hai cục đá to trong túi quần và rình vị ân nhân của mình nơi góc phố ngả rẽ vào nhà ông ta. Kết quả cuối cùng: một cục đá va vào trụ điện, cục kia, may mắn hơn, trúng vào hông của địch thủ. Xong, ông Lâm ba chân bốn cẳng: chạy. Chuyện này ông Lâm chỉ kể cho tôi nghe cụ thể đoạn cuối, còn đoạn đầu do vị ân nhân vô phước của ông kể lại. Tựu chung, tôi nghĩ, sự việc có sao chăng nữa thì chắc chắn xuất phát điểm của nó là do tính khí của ông Lâm mà ra thôi.
Thế nhưng, giữa tôi với ông Lâm hình như có một sợi dây vô hình của số mệnh cột chặt không thể rời. Trong nhiều năm tôi cứ nghĩ mãi điều ấy và chờ đợi một sự thay đổi ở ông như là chờ đợi sự đổi thay của định mệnh. Đối với tôi một sự thay đổi của ông Lâm ngang tầm một biến cố trọng đại của một đời người. Bởi vậy sau ngày giải phóng tôi cố tìm mọi cách để đi lên thị trấn cũ ấy một chuyến mà mục đích là để biết vợ chồng ông Lâm ra sao. Thực ra, trong mười năm nay, tôi cũng có biết ít nhiều về vợ chồng ông qua tin tức đồn đại của những người quen biết. Tất cả đều là chuyện động trời, từ chuyện ông Lâm dẫn vợ con lên sống trong một cái hầm chứa nước ở trên núi cách ly hẳn với mọi người, chuyện sáu thằng con trai ông sống như người rừng... cho đến tin đồn cuối cùng là ông Lâm điên rồi. Nói chung tất cả những tin tức đồn đại ấy đều đúng cả, chỉ trừ chuyện ông Lâm điên. Tôi quả quyết như vậy bởi vì mới đây tôi đã lên thăm được thị trấn cũ ấy và có gặp vợ chồng ông.
Bà Phụng gọi tôi đầu con dốc cửa ngõ thị trấn, lúc tôi vừa ở chỗ vợ chồng bà về. Lúc tôi lên chỉ gặp ông Lâm và mấy đứa con. Tôi hỏi bà, ông Lâm nói bà về chợ, nhưng trong bụng tôi ngờ ngợ không tin, cứ nghĩ chắc là bà cố ý tránh tôi...

Bây giờ tôi gặp bà ở đây. Ông Tân! Ông Tân phải không? Bà gọi tôi một cách mừng rỡ và kinh ngạc trong lúc đang đẩy chiếc xe đạp thồ những bao bì lỉnh kỉnh, có lẽ là gạo cơm, mắm muối... những thực phẩm cần thiết cho những người ở núi. Thoạt tiên tôi không nhận ra bà, Bà già và khác đi một cách kinh khủng, cái già của một người bị thời gian tràn qua tàn phá một cách dữ dội và nhanh chóng đến nỗi không để lại dấu ấn của tuổi tác. Mãi đến khi bà dựa chiếc xe đạp vào gốc cây bên đường, gỡ tấm khăn trùm đầu lau lớp mồ hôi lết bết trên mặt tôi mới giật mình. Chị Phụng! Trời ơi! tôi vừa lên chỗ chị! Tôi nhận ra bà ở đôi mắt sâu hoắm và tấm thân dài ngoẵng, những vết tích khắc nghiệt còn sót lại của một nhan sắc một thời mà chỉ có những người quen biết nhau lâu mới nhận ra.
Đôi mắt đó ngày xưa tròn và xanh biếc đến bao nhiêu thì nay sâu hoắm và vàng đục bấy nhiêu, còn tấm thân thanh mảnh ngày nào nay đã khô đét và gãy gập như cái cây khô bị dầm dãi nhiều ngày giữa mưa nắng. Tôi định thốt lên sao mà bà già và khác đi đến thế. Nhưng bà đã cướp lời tôi và lại hỏi tôi câu tôi định nói với bà. Sao ông già thế, ông Tân? Câu hỏi của bà làm cho tôi càng bối rối. Nhưng, lại một lần nữa, không đợi tôi trả lời và hình như cũng không biết sự bối rối của tôi, bà lại cướp lời nói huyên thuyên đủ mọi thứ chuyện, bà nói như thể lâu lắm rồi không được nói và sợ không còn dịp nào để nói. Và, vẫn như ngày xưa, câu chuyện chỉ xoay quanh ông Lâm, chồng bà. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm sao chỉ trong chừng ấy phút ngắn ngủi mà bà có thể kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện xảy ra trong vòng mười lăm năm tôi xa họ...
Minh họa: Ngọc Thảo Nguyên
Căn nhà của họ như một cái chuồng bò nằm lõm sâu giữa ba ngọn đồi cao, trên cái nền cũ của một khu tịnh cốc đã đổ nát. Trước kia một nhà sư có tiếng tăm cùng các đệ tử của ông có ý muốn xây dựng ở dây một trung tâm văn hóa lớn của Phật giáo. Công trình bị phá bỏ vì chiến tranh. Những năm ác liệt nhất của cuộc chiến, khu vực này nằm trong vùng oanh kích tự do. Bom đã xóa sạch, để lại những đống tường vỡ trên những lớp nền loang lổ cây cỏ đã phủ đầy. Vật duy nhất nguyên vẹn còn sót lại là cái hầm chứa nước nổi nằm trên đỉnh ngọn đồi, nơi vợ chồng ông Lâm đã sống trong đó mấy năm trước khi dựng nhà. Từ đó đến nay họa hoằn lắm mới có người qua lại, phần lớn là những người đi làm rừng.
Đứng trên cái hầm chứa nước có thể nhìn rõ ba phía trước mặt. Những đồi chè dưới thấp trải dài mênh mông. Dưới xa hơn nữa là những cụm nhà san sát dọc hai bên đường quốc lộ nối dài đến thị trấn. Đó là những giáo xứ di cư sầm uất, giàu có như một vành đai chiến lược bảo vệ cửa ngõ. Có lẽ một trong những ý của các nhà sư khi xây dựng khu tịnh cốc trên cao là muốn ngăn chặn sự lây lan mỗi ngày mỗi rộng của những cụm nhà bên dưới. Ở đấy cũng có thể nhìn thấy thị trấn Lộc Bảo nổi lên một cụm xanh ngắt của những cây xà cừ cổ thụ trồng từ thời Pháp thuộc. Từ thị trấn đến đây cách khoảng mười cây số đường chim bay. Phía sau là rừng - khu kinh tế của gia đình ông Lâm.

Đến cả bà Phụng cũng không thể trả lời được vì sao ông Lâm trở lại thị trấn và lên chỗ heo hút này sau ngày giải phóng. Trước đó chính họ đã từ bỏ nó trở về quê cũ của bà Phụng ở thị xã Dương Bình, nơi họ có một gian nhà yên tĩnh trong vườn ngôi chùa của ông cậu của bà Phụng trụ trì, khi chết ông trăn trối lại. Bà Phụng nói với tôi: "Cái ông khỉ gió, điên khùng gây gổ người ta làm chi..." Ý bà muốn nói việc ông Lâm gây gổ mạt sát những cán bộ chính quyền địa phương khi họ đến mời ông tham gia công tác. Họ mời ông cũng phải thôi bởi vì ông là một trí thức có cả một quá trình bất hợp tác với chế độ cũ, lại còn bị hành hạ gian truân đủ điều. Nhưng bà Phụng chỉ nói thế thôi, nói như một lời trách móc cam phận, bởi vì bà thừa biết rằng sự gây gổ khiêu khích là bản tính thường trực của chồng bà và cũng không hẳn vì thế mà ông Lâm bỏ đi. Đối với bà từ khi kết chặt đời mình với ông Lâm, mọi quyết định của ông là bất di bất dịch; bà quan niệm nó như là vấn đề của số kiếp đặt để. Cũng bởi vậy cho nên trong những chuyện kể với tôi dù nó được mô tả một cách trần trụi, và có khi, bà gọi ông Lâm là thằng khùng, hoặc nói đến ông như một ngôi thứ ba xa lạ nào đó trong câu chuyện, bà vẫn chấp nhận ông Lâm như là số phận của bà không hề oán trách. Tôi không biết bà Phụng với ông Lâm có yêu nhau không nhưng, ít ra, cũng như loài thú họ đã chọn chung hang ổ để ăn ở với nhau sinh con đẻ cái.
Ông Lâm có sức đề kháng của một con mãnh thú cho nên trông ông ít thay đổi hơn bà Phụng, chỉ có già đi vì năm tháng và những trận sốt rét. Việc tôi xuất hiện đột ngột sau mười lăm năm xa cách, phải vượt cả ngàn cây số và leo cả ba ngọn đồi để đến thăm ông, ông làm như thể, hoặc giả vờ như thế, như là một việc tự nhiên phải vậy, và tỏ ra như ông đã biết trước rồi. A! Cậu đó à? được! Tốt lắm! Nói xong ông chắt chắt cái lưỡi rồi cứ loay hoay như đang bận tâm đến một vấn đề gì rất ghê gớm. Tôi biết như vậy có nghĩa là ông có xúc động, nếu không ông đã phủ đầu tôi tức khắc bằng những câu chưởi xâm xỉa độc địa của ông rồi. Chỉ có một điều làm tôi sửng sốt là sáu đứa con của ông. Mặc dù tôi đã được nghe mô tả từ trước nhưng khi nhìn thấy chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Chúng nó đúng là những con thú con chưa hề bước ra khỏi hang ổ. Chúng nhốn nháo lên khi tôi xuất hiện và nhìn tôi bằng những đôi mắt lấm lét, nghi kỵ, lạ lùng. Thấy vậy ông Lâm hét lên một tiếng, chúng liền sợ hãi dạt ra trốn vào các xó góc như những con chuột ngấp nghé ở miệng hang. Chỉ có thằng nhỏ nhất là khóc ré lên như động kinh trên chiếc võng bện bằng dây rừng. Cả sáu thằng, ngoại trừ thằng đầu, đẻ cách ba năm, và thằng cuối, nằm trên võng, tôi phân biệt được, còn bốn thằng còn lại tôi không tài nào biết đứa nào anh đứa nào em vì chúng đẻ cách nhau năm một và lem luốc như những con dã nhân. Thằng con đầu, đẻ hồi tôi còn ở thị trấn nầy, như vậy là đã đến 15 tuổi. Hồi ấy ông Lâm nói với tôi là ông sẽ đặt tên nó là Đá, nhưng không hiểu sao cuối cùng ông đặt là Thạch.

Thạch cũng là đá thôi, tôi nghĩ và cười. Tôi nhớ trước khi đẻ nó ông Lâm đã nói với tôi hai điều: một là ông sẽ đặt tên con như vậy và hai là ông sẽ không cho nó học hành gì cả, tự nó sẽ tìm chỗ của nó giữa trời đất. Như vậy là điều thứ nhất ông có thực hiện một nửa. Còn điều thứ hai thì ông làm triệt để. Trước khi tôi lên đây một năm, có một cô giáo trẻ ở thị trấn nghe kể chuyện về mấy đứa nhỏ đã mua một số kẹo bươn bả lên thăm chúng. Lúc bấy giờ vợ chồng ông Lâm đang hái măng trong rừng. Cô giáo chưa kịp bước vào cửa thì thằng anh cả, tức thằng Thạch, đã chỉ huy mấy đứa em vừa ném đá vừa dùng gậy la hét một cách man rợ làm cho cô gái thất kinh hồn vía tưởng bọn nhỏ sắp ăn thịt mình. Cô phải về đến nhà nằm khóc nức lên vì tức giận và xấu hổ. Câu chuyện đó vang động cả thị trấn một hồi và người ta đồn là ông Lâm sắp điên đến nơi.
Nhưng chắc chắn là ông Lâm không điên. Tôi thấy ông vẫn giống như chục năm về trước, khác chăng là trạng thái tinh thần của ông được đẩy đến mức tận cùng của nó. Đó là tính cuồng ngông ông sử dụng như một cứu cánh để tồn tại. Ông ta giăng lưới và tự đánh bắt mình, tự nhốt ông vào cái rọ do tự ông đan lấy, rồi cứ thế lăn xả vào người khác như những thủ phạm chính đã bức hại ông. Ông luôn luôn trang bị ý thức cảnh giác và tự vệ của những con thú bị săn đuổi. Những đứa con của ông cũng được huấn luyện đầy đủ ý thức ấy và chúng đã thực hiện bằng bản năng hoang dã nguyên sơ của chúng. Trong buổi gặp gỡ với tôi, ông Lâm đã mở đầu bằng một câu chuyện mà ông rất thú vị. Câu chuyện về hũ tương. Ở nhà ông luôn luôn có một hũ tương do ông tự làm lấy. Ban ngày cái hũ được phơi ngoài trời, bên hông nhà. Ở ngay chỗ đó, trên vách, ông Lâm khoét một lỗ tròn vừa đủ mắt nhìn và ông bắt những đứa nhỏ thay phiên nhau canh gác vì sợ kẻ trộm lấy mất hoặc xúc bớt. Ông khẳng định với tôi dứt khoát phải như vậy vì ông tin rằng khả năng ấy có thể xảy ra mặc dù ở chỗ ông họa hoằn lắm mới có người đi qua. Rồi, từ câu chuyện hũ tương, ông Lâm liền bắt ngay vào cuộc đàm đạo một chiều với tôi như tiếp tục câu chuyện mới hôm qua còn bỏ dở. Ông nói: Cái chủ nghĩa tư bản đã thối ình ra rồi, nhưng cái chủ nghĩa xã hội của cậu cũng hỏng bét - Hỏng bét! Cậu biết không? Hôm tay bí thư xã lên đây tôi đã cho y một mẻ, y định cho du kích bắt, nhưng đừng hòng... Rồi cứ thế ông châm chọc người này, xâm xỉa người kia trong các mối quan hệ này khác của ông và tôi. Phép biện chứng của ông được phát triển theo một lô-gích hết sức bất ngờ. Đại loại ông có thể chộp đâu đó một cộng rác rồi sẵn sàng qui kết: Đấy, chủ nghĩa xã hội của cậu là như thế đấy - toàn rác! Vậy cho nên câu chuyện bí thư xã mà ông Lâm nêu thành gương điển hình của sự hỏng bét cũng không lạ gì. Trong khi ông nói, tôi vừa im lặng ngồi nghe không tranh cãi, vừa quan sát cái hang ổ của ông để cố lần ra dấu vết vì sao ông lên chỗ thâm sơn cùng cốc nầy và phải chăng ông đã đoạn tuyệt hẳn thế giới loài người. Đột nhiên ông làm tôi giật mình. Này, cậu có đọc thằng cha này không? Ông Lâm nhắc đến tên một nhà văn mà tôi biết. Thằng cha này viết giỏi đấy, giỏi đấy. Ông nói - Hắn viết như lấy dao thọc vào bụng người ta. Nhưng mà lưỡi dao hắn bằng... nhựa! Còn thằng này nữa - Ông Lâm nói tiếp - Nếu hắn không là đảng viên thì sẽ khá biết bao nhiêu. Ông nhắc đến một nhà văn khác. Không - tôi nói - Ông ấy là người ngoài đảng - Vậy à? Nhưng dù sao hắn cũng nằm trong vòng kìm tỏa của đảng các cậu thôi. Tôi cười ha hả làm ông Lâm bực mình. Cậu cười cái gì? Hai thái dương ông giật giật giật như bị động kinh. Không, tôi không cười về ý kiến của anh đâu. Tôi cười là vì hóa ra anh vẫn chưa đoạn tuyệt hẳn với cuộc đời, văn chương... Như người bị mắc lỡm, ông Lâm văng tục. Tôi ỉa vào cuộc đời các cậu, văn chương các cậu. Nói xong ông đứng dậy bỏ ra ngoài, leo lên cái bể nước hang ổ cũ của vợ chồng ông. Tôi biết như thế là cuộc gặp gỡ đã chấm dứt, tôi theo ông ra ngoài để chia tay. Tôi chỉ tiếc một điều là đã cắt ngang câu chuyện của ông quá sớm để có thể lần ra dấu vết nguyên nhân vì sao ông đưa vợ con lên đây mà trong đó tôi vẫn mơ hồ nghĩ tới một người đàn bà có quan hệ với ông một thời...
Việc quen biết giữa tôi và ông Lâm cũng thật hạn hữu, cách đây đã gần hai chục năm. Hồi đó ông Lâm đã là một nhà văn nổi tiếng ở chế độ cũ qua một số tác phẩm. Đột nhiên ông tự quảng cáo và cho xuất bản một tờ báo văn nghệ. Tôi có gửi bài cho tờ báo của ông. Một ngày kia tôi nhận được một lá thư của ông mời tôi cùng vào làm báo với ông. Lúc bấy giờ ông Lâm đang dạy Anh văn cho một trường trung học tư ở Dương Bình, một thị xã ở miền Đông Nam Bộ. Bức thư, tờ báo và những tác phẩm của ông Lâm kích thích tính phiêu lưu của tôi. Tôi quyết định đi. Năm ấy tôi chưa đầy 20 tuổi. Ông Lâm lớn hơn tôi cả chục năm. Tôi rời Huế từ đấy và cũng từ đấy cuộc đời tôi bắt đầu những chuyến viễn du dài. Nhưng quan hệ văn chương và thực tế cuộc đời đôi khi làm người ta thất vọng.
Điều ấy đã xảy ra cho cả tôi và cả ông Lâm khi tôi đến Dương Bình. Bởi vậy, những xung đột liền nẩy sinh và càng ngày càng dữ dội. Ông Lâm mạt sát tôi là thằng bạc nhược, còn tôi cũng nhìn ông bằng con mắt khác. Ông là một con người độc đoán, nghiệt ngã trong mọi công việc, luôn Iuôn khiêu khích gây hấn đến nỗi tôi nghĩ rằng đó là một nhu cầu bẩm sinh xuất phát từ một trạng thái bệnh lý. Tính chất ấy nó được cấu tạo bởi một hoàn cảnh và một thể trạng đặc biệt. Cao một thước năm, đầu gồ, mắt lé, đi loắt thoắt, ông có dáng dấp của một người vượn nguyên thủy. Ông sống cô độc từ nhỏ trong một gia đình tan rã, cha mẹ anh em mỗi người một nơi và người này như là nghiệp chướng của người kia. Bởi vậy cho nên sau một trận gây gổ tôi bỏ đi. Thực ra, nếu không có chuyện ấy tôi cũng phải đi thôi vì tờ báo của ông Lâm chỉ ra được một số duy nhất trên đời. Cuộc chia tay không sớm và cũng không muộn, tất yếu nó phải thế. Tôi cũng gặp bà Phụng ở đấy, trong một ngôi chùa cổ, nơi tôi và ông Lâm thường lui tới. Vị sư trụ trì là một người tốt bụng, là cậu ruột của bà Phụng. Mẹ bà tự tử và gởi bà lên chùa cho người em ruột năm bà mới lên hai. Bà là kết quả của một vụ cưỡng hiếp trong một đợt Tây càn quét qua làng. Năm ấy bà Phụng mới 16 tuổi. Cây trái, sông nước miền Đông, không khí u tịch của cửa thiền và dòng máu lai đã un đúc nên một nhan sắc như tranh vẽ. Bây giờ tôi vẫn không hề quên được hình ảnh của bà thời ấy, cái thân hình thanh mảnh, mái tóc vàng hoe và đôi mắt tròn to xanh biếc của bà như bay tỏa cả rừng cây những buổi chiều lộng gió. Đó là hình bóng của thần tiên bay thoát trên cuộc đời. Nhưng tôi đi một thời gian thì được tin ông Lâm cưới bà. Ông Lâm đã kéo bà ra khỏi thế giới thần tiên và hóa thân bà bằng tất cả sức mạnh nghiệt ngã cường thú của ông. Sau này có lần bà Phụng nói với tôi, sở dĩ bà lấy ông Lâm vì ông Lâm dọa bà nếu không lấy, tôi sẽ nhẩy xuống giếng. Cái giếng dưới chân đồi ngôi chùa cổ sâu ngun ngút toàn đá găm, giả dụ như ông Lâm nhảy xuống chắc chắn bây giờ chẳng còn gì để nói nữa rồi.
Bốn năm sau do hoàn cảnh đưa đẩy tôi lại gặp ông Lâm tại thị trấn này. Căn nhà cũ tôi và ông Lâm sống một thời nằm khuất sau con dốc nơi tôi gặp bà Phụng. Thị trấn yên tĩnh vùng cao nguyên bát ngát những đồi chè và hoa muồng vàng đất đỏ và sương mù, gồm toàn dân tứ xứ, thật an toàn cho những người bị săn đuổi trú ẩn. Lúc bây giờ tôi và ông Lâm đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Cả hai đều bị bắt lính, rồi trốn, bị bắt, rồi trốn lại. Căn nhà cũ tôi và vợ chồng ông Lâm ở chung là căn nhà bỏ hoang của một trường trung học chuyên nghiệp, do một giáo viên quen biết cho ở. Phòng tôi và vợ chồng ông Lâm đối diện nhau trong gang tấc, ban đêm có thể nghe được tiếng sương thấm qua những tấm ngói vỡ rơi lách tách. Ông Lâm về đây trước, sau khi ông ra khỏi nhà giam, vài tháng sau bà Phụng mới từ Dương Bình lên.
Những vết lằn nhục trên thân xác mà những trại lính, nhà tù gây ra càng làm ông Lâm không ngớt lời nguyền rủa, nhưng cũng chẳng làm ông khác đi bao nhiêu. Ông vẫn cố chấp nghiệt ngã, nhìn con người, sự vật, lịch sử và cuộc chiến tranh theo lăng kính của ông. Hình như những khái niệm dân tộc, huyết thống, đạo đức, lý tưởng đối với ông không có giá trị gì. Bởi vậy những ngày gặp lại ông Lâm ở Lộc Bảo mối quan hệ giữa tôi với ông Lâm không thay đổi. Tôi gần như tuyệt mù hy vọng sẽ có một biến cố làm cho ông Lâm đổi khác đi. Riêng bà Phụng từ khi ở Dương Bình lên tôi thấy bà lạ hẳn đi. Bà đẹp ra một cách dữ dội, nhất là sau khi sinh đứa con đầu lòng. Nhưng giống như những con người hoang dã vừa tiếp xúc với cuộc đời, bà trở nên cục súc một cách ngây thơ làm cho tôi thất vọng, ngậm ngùi. Đúng là bà vừa bước ra từ một bức tranh vẽ chỉ mới biết cuộc đời trong vòng tay thô bạo của ông Lâm, còn ông Lâm, khi những dục vọng của ông đã thỏa, người đàn bà nầy chỉ còn lại là một sinh vật đồng loại mà thôi, không thể nào trở nên nỗi khát vọng lớn lao của ông được.
Bản chất hư vô cuồng loạn càng ngày tách ông Lâm ra khỏi thế giới đồng loại. Hình như đối với ông những đồng loại được sinh thành chung quanh luôn luôn sẵn sàng tư thế để phủ nhận ông nếu có điều kiện. Bởi vậy, nếu ông có lỡ dành cho ai một chút lòng yêu mến ông liền thủ sẵn cả ngàn sự cố chấp đã trở thành căn bệnh hoài nghi cố hữu. Chỉ duy nhất một người đàn bà mà tôi biết ông hoài niệm suốt đời. Đó không phải là bà Phụng. Người đàn bà ấy đã đi qua đời ông thật ngắn ngủi, nhưng điên cuồng như cơn lốc, đến nay vẫn còn làm ông Lâm choáng ngợp không thể nào xóa đi được hình ảnh của bà. Điều ấy cũng có thể dễ hiểu bởi vì bà ấy đã chết, chết sau khi đến với ông. Cả tôi cả ông Lâm đều có quan hệ với bà: Đó là người đã cho cả chúng tôi trú ẩn trong căn nhà hoang phế kia. Bà chết cùng với đứa con gái mười tuổi bên dòng sông Mê-Kông trong một ngôi chùa biên giới, trong đợt chính quyền ngụy Lonnon "cáp duồn" người Việt. Bà đến đó xuống tóc khi quyết định bỏ chồng sau cuộc gian díu với ông Lâm. Bà là một phụ nữ học thức, không đẹp nhưng kiêu hãnh. Tôi biết bà từ hồi ở Huế, lúc đó bà đã nổi tiếng học giỏi và kiêu ngạo rồi. Chồng bà cũng là một trí thức có tiếng tăm nhưng lại quá bạc nhược với vợ. Chính điều đó làm bà chán nản và đến với Lâm. Sau khi bà chết đi cuộc tình vụng trộm đó mới xôn xao lên trong một số người quen biết. Dĩ nhiên nhiều người lấy làm lạ và không tin. Nhưng tôi thì lại biết rất rõ. Tôi biết cả con đường nào bà thường đến với ông Lâm lúc nửa đêm, thời gian bà Phụng còn ở Dương Bình. Một người đàn bà kiêu hãnh như thế mà đã luồn qua hàng rào, leo qua cửa sổ đến với người đàn ông thô bạo như ông Lâm kể ra cũng là chuyện hiếm có trên đời. Phải chăng đấy là điểm bổ sung tính cách, giữa lòng kiêu hãnh và tính cuồng ngông? Sự ngông cuồng và sức mạnh dã thú của ông Lâm có thể là cả một hấp lực mạnh mẽ kích thích người đàn bà bung phá những ức chế đã kiềm tỏa bà bao nhiêu năm, để cho con quỉ được che phủ bởi bóng đêm sương pha dày đặc vượt ra khỏi nơi giam cầm của nó, kêu lên những tiếng kêu sổ lồng man dại... Cái dáng lom khom của chiếc lưng cong với đôi mắt không bao giờ nhìn lên trong những chiếc áo dài màu lạnh của người đàn bà những buổi chiều một mình trên những con đường đất đỏ xám xịt bóng cây gợi cho tôi hình ảnh của một vị tu kín u uẩn với những cơn sóng ngầm bão táp. Tôi cũng không rõ tình yêu của người đàn bà ấy với ông Lâm ra sao, bởi vì có khi sự cuồng loạn chưa phải là dấu ấn của tình yêu. Một buổi sáng người đàn bà đã dẫn cô con gái ra đi không một ai hay biết, kể cả chồng bà và ông Lâm. Buổi tối hôm ấy ông Lâm lấy chiếc armonica đi suốt trên những con đường của trường trung học, nơi người đàn bà thường đi, thổi vang lên một bài hát buồn quen thuộc. Tiếng kèn vang suốt đêm. Chỉ có những lúc xúc động nhất ông Lâm mới như thế và ông là một trong những người thổi kèn hay mà tôi được biết. Phải chăng đấy là nguyên nhân đưa ông Lâm đến đây.
Bà Phụng đã đẻ đứa con thứ hai trong hầm chứa nước của khu tịnh cốc. Bà không la hét, chỉ vùng vẫy một cách đau đớn như con cá đồng bị chằn trên cạn trước mặt ông Lâm và đứa con đầu. Ông Lâm đã làm tất cả mọi việc. Ông cắn nhau, lau đứa nhỏ và mẹ của nó rồi đặt cái sinh vật đỏ hỏn hon kia trong lớp áo quần rách mướp. Ông vừa làm vừa chắt chắt cái lưỡi như mỗi khi ông gặp chuyện xúc động. Còn thằng Thạch, đứa con đầu trong cái hầm tối, nó hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra, nó chỉ phân biệt được tiếng rên đau đớn của mẹ nó khác với mỗi lần ông Lâm đánh bà. Đến khi tiếng oa oa cất lên thì mắt nó đã nhíu lại và nó nằm vật xuống ngủ một giấc như chết. Còn ông Lâm khi làm xong mọi việc, ông leo lên nắp hầm, ông ngồi như thế rất lâu và huýt gió một bài hát quen thuộc của ông giữa bao la núi đồi, nghĩ đến chuyện nhân sinh hệ lụy còn hơi nóng trên bàn tay.
Đó là tất cả hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra qua những lời kể đơn giản của bà Phụng. Bà không hề tỏ ra đau đớn, vì tất cả sự đau đớn của các bà mẹ đều giống nhau. Tiếng kêu la của các bà mẹ khi đẻ con một phần do đau đớn, một phần mang ý nghĩa của một lời thông báo về cái việc thiêng liêng của họ với mọi người. Còn bà Phụng, bà đã không kêu la vì bà chẳng cần thông báo cho ai, công việc của bà cũng như các sinh vật, có cưu mang là có sinh đẻ. Đứa con đó đã chết năm nó lên ba, sau một cơn sốt.
Gia đình họ đã sống trong cái hầm chứa nước đó đến mấy năm. Họ đã thả xuống những tảng tường vỡ làm bậc cấp lên xuống cái cửa duy nhất là cái nắp hầm. Đến khi bà Phụng sinh tiếp đứa con sau, một người thợ rừng đi qua đã giúp ông Lâm đập vỡ một khoảnh tường bên, trổ thông một cái cửa mới. Còn những đứa con tiếp theo sinh trong căn nhà mà tôi vừa đến. Căn nhà cũng được dựng lên trên một cái nền cũ bằng tất cả vật dụng phế thải của khu tịnh cốc và cây lá trong rừng. Suốt mấy năm nay họ sống bằng nghề lấy củi, bẻ măng, hái sim như những người nguyên thủy. Khác chăng là thỉnh thoảng bà Phụng hoặc ông Lâm về đổi lấy gạo và những thức dùng cần thiết. Những đứa con họ chưa hề ra khỏi khu tịnh cốc. Chỉ có thằng Thạch được quyền thỉnh thoảng về dưới chân đồi đón bố mẹ nó mỗi khi họ từ thị trấn về mang đồ đạc lỉnh kỉnh giúp đẩy xe lên dốc. Chỉ ngang chừng ấy thôi, chưa bao giờ thằng bé dám vượt qua giới hạn mà ông Lâm đã vạch cho nó. Thằng bé đã mười lăm tuổi nhưng trông nó như mới lên mười, có đôi mắt giống hệt ông Lâm: mắt cáo. Trông đôi mắt nó tôi không thể hiểu nổi nó đang suy nghĩ gì. Nó cứ bám dõi theo tôi không rời trong suốt buổi tôi nói chuyện với ông Lâm, như con thú đang chờ rình chụp con mồi hoặc chờ đợi một điều gì đó. Tôi rất muốn nói chuyện với thằng bé nhưng ông Lâm luôn luôn án ngữ trước mặt. Đó là sự tinh khôn của con cáo già: Ông không muốn ai đụng đến trật tự hang ổ của ông. Trông mắt thằng bé tôi biết uy lực của ông Lâm ghê gớm biết bao nhiêu. Ông cột chặt nó trong vòng đai mà nó chưa hề dám đụng tới để biết nó làm bằng chất gì và vì sao như vậy. Mãi đến khi từ giã ông Lâm về đến dưới chân dốc tôi mới gặp lại thằng bé. Nó đứng thu lu trong một lùm cây dại bên lối mòn, như một con chó đen đủi, hai con mắt lấm lét nhìn tôi vừa sợ hãi vừa kêu cứu. Hình như nó có ý đợi tôi từ lâu. Nhưng khi tôi gọi nó thì đột nhiên nó vùng bỏ chạy, nó chạy một mạch như bị ma đuổi... Ngay cả mẹ nó, bà Phụng, bà cũng giống như con nai tơ bị cáo thuần chủng, khi chưa biết những đồng cỏ xanh đã quen hơi thở của loài mãnh thú. Bởi vậy không ai đến với họ và ngược lại họ cũng chẳng đến với ai. Những năm đầu khi nghe tin vợ chồng ông Lâm trở lại thị trấn một vài người quen cũ có lên thăm nhưng dần dần do thái độ của ông Lâm, mọi người không còn ai đến nữa. Chuyện bí thư xã dưới chân đồi là chuyện có thật và, tất nhiên, không phải như quy kết của ông Lâm. Đồng chí ấy đi thăm một hiện tượng quái lạ trong địa phương để biết ra làm sao thôi, dĩ nhiên là không thể tránh được việc khuyên can, động viên này khác. Sau đó du kích có dọa ông Lâm thật vì thấy ông hung hăng quá, nhưng không ai bắt ông làm gì. Cuối cùng chính quyền xã ghép ông vào loại thần kinh để ông làm gì thì làm trên vùng đồi núi giang sơn của ông. Từ đó đến nay cùng sống với họ chỉ có muông thú và bệnh sốt rét. Bà Phụng kể lại với tôi rằng có lần ông Lâm lên cơn sốt nặng đến nỗi tưởng không qua nổi. Ông vừa sốt vừa đi chảy, bà Phụng phải làm công việc mà ông Lâm không muốn là đưa ông về bệnh viện thị trấn cấp cứu. Bà dìu ông đi suốt gần mười lăm cây số, đến nơi đã nửa đêm. Lúc bấy giờ bà có cảm tưởng như chỉ cần ai đụng khẽ bà một cái là bà đổ sụm xuống như cái cây mục. Thế nhưng bà không thể để sáu đứa nhỏ một mình ban đêm giữa núi đồi. Bởi vậy khi bệnh viện cấp cứu ông Lâm thì bà quay về. Bà không hiểu nhờ đâu mà bà có thể bò lên được con dốc trước cửa nhà. Nhưng, bỗng nhiên, như có một ngọn đèn chiếu rực vào mắt làm bà nổi đom đóm. Bà hét lên bất tỉnh khi biết đó là cái gì. Đến khi bà tỉnh dậy, trong bóng đêm đen kịt lặng ngắt bà như còn ngửi thấy mùi hôi của con cọp. Bà lết vội vào nhà và, cảm ơn trời đất, sáu đứa trẻ vẫn còn nguyên! Chúng lăn mỗi đứa một góc trên cái sạp tre như những con thú dại ngủ say trong hang ổ, bao nhiêu thời đại có đổi thay chắc chúng cũng chẳng cần biết làm gì
Kể xong những câu chuyện bà Phụng như hơi tỉnh hẳn, giống như vừa trút được một gánh nặng từ lâu chất chứa trong người. Và khi sực nhớ đến thực tại, bà vội vàng trùm lại chiếc khăn, chia tay tôi một cách vội vàng rồi tiếp tục đẩy chiếc xe lên dốc. Trong bà như vừa qua một trạm nghỉ. Khi cái dáng khô đét của bà lom khom bên chiếc xe đẩy chỉ còn một chấm nhỏ đằng xa tôi vẫn còn đứng giữa đường. Bỗng nhiên tôi nhớ lại câu nói nửa đùa nửa thật với ông Lâm khi chia tay: "Anh coi chừng đấy, sẽ có ngày bọn nhóc trói gô anh lại, chứ không phải là ai khác đâu!". Dĩ nhiên chỉ nửa đùa nửa thật với ông Lâm thôi, còn tôi đã nghĩ phải như thế. Và chỉ có như thế thôi, đến khi thằng Thạch nó đủ sức vượt qua giới hạn của bố nó đã vạch ra chắc thế giới này mới có đổi thay.
Huế 9-1984/4-1985
Thái Ngọc San
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/


Ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn

Ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn
Ba bài thơ của Văn Cao (1923-1995) viết về Quy Nhơn có thể coi là một chỉnh thể mà mỗi bài là một yếu tố đôc lập, tự đứng lấy được, vừa có quan hệ với nhau tạo nên một hệ thống hình tượng và một hệ thống cảm xúc của tác giả. Cả 3 bài thơ là môt chỉnh thể được xây dựng trên một hệ trục thời gian từ tương lai, hiện tại trở về quá khứ. Mỗi bài thơ tiêu biểu cho một thời đoạn mà tác giả dùng làm góc nhìn để “nhìn” vào chiều sâu Quy Nhơn.
Quy Nhơn I có điểm nhìn chính là tương lai nhưng là tương lai- hiện tại.
Quy Nhơn II có điểm nhìn chính là hiện tại nhưng là hiên tại- tương lai.
Quy Nhơn III có điểm nhìn chính là quá khứ nhưng là quá khứ –hiện tại.
Có 2 hệ thống hình ảnh: Quy Nhơn- cảnh và Quy Nhơn- ngườiđược Văn Cao thể hiện trong 3 bài thơ của mình.
Quy Nhơn trong thơ Văn Cao như là một doi cát lớn vươn ra biển Đông, có cả những ngày tràn nắng lóng lánh lên từng lá dừa non, có cả những đêm trăng thơ mộng chuênh chuếch rười rượi gió biển. Quy Nhơn thực là như thế. Nhưng cảm nhận của Văn Cao là cảm nhận lãng mạn  có tính phát hiện:
 Một nửa hình con trai
ngày
lấp lánh sắc cầu vồng
một nửa mình trăng
đêm
nằm nghiêng trên bãi biển
Quy Nhơn được Văn Cao cảm nhận rất bình dị nhưng vô cùng đẹp, với tất cả vẻ đẹp vốn có của nó. Đó là Quy Nhơn với “vài dây buồm nhỏ- vài con đường phố nhỏ- vài ngôi nhà nho”. Cảnh của Quy Nhơn có hình khối, màu sắc và “những chùm chim yến lại bay về đảo”, “nắng làm khô những là dừa non”. Hơn thế nhạc điệu trầm bỗng vút lên từ những cảnh ấy. Bởi vì, cuốn hút Văn Cao còn là những tháp Chàm cổ kính huyền ảo, giống như những nốt nhạc sắc màu và  âm thanh của chính Quy nhơn:
Từ trời xanh
 rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
Từ những tín hiệu sắc màu, hình khối, âm thanh được Văn Cao miêu tả như thế- Quy Nhơn hiện hiện lên với một vẻ đẹp hư thực, trải dài suốt  chuỗi thời gian từ quá khứ –hiện tại đến tương lai, với sự phát hiện mang tính lãng mạn về Quy Nhơn:
Một nửa hình con trai
ngày
một nửa mình trăng
đêm
vẫn ngày đêm lấp lánh
ngày đêm làm ngọc
Vì thế vẻ đẹp của Quy Nhơn không chỉ là ở một thời khắc nào, mà là thời-gian-vĩnh-viễn. Quy Nhơn bao giờ cũng là hằng mơ hằng nhớ, dù tác giả chưa đến:                     
Chưa về Quy nhơn
mà nhớ em
Khuôn mặt càng dịu hiền
càng lấp lánh
lấp lánh…
“Về” chứ không phải là “đến” “đi”. Như là về nhà mình, về chốn cũ thân tình vậy.
Như vậy, Quy Nhơn có vẻ đẹp dịu hiền, hư thực và vĩnh viễn trong cảm nhận của Văn Cao. Đó là điều mà tác giả muốn và đã thông điệp cho chúng ta.
Đấy là Quy Nhơn- cảnh. Còn người – Quy Nhơn thế nào?
Theo như chuyện cũ tích xưa, người ta giải thích hai từ Quy Nhơn như là nơi hội tụ của nhân tài hay là sự quy tụ của con người từ các miền đất khác nhau. Không hiểu điều đó có thật đúng hay không, nhưng với Văn Cao, nhà thơ giải thích sự sinh thành của mảnh đất này rất hình ảnh: “Từ núi xuống-từ biển vào-từ cánh đồng mọc lên – con trai – con gái”.
Quy Nhơn ngày nay như là kết quả của sự hội tụ đó. Những con người đó, lúc nhà thơ đến ,được cảm nhận như thế nào?
Một Quy Nhơn như “hằng mơ” hằng tưởng của Văn Cao phải là một Quy Nhơn- người tương ứng với một Quy Nhơn- cảnh. Phải là một Quy Nhơn như ông đã từng biết đến qua những trang thơ hay và đẹp mà ông đã từng đọc. Thế nhưng, lúc Văn Cao đến, cảm nhân về Quy Nhơn trong ông hụt hẫng. Con người ở đây hình như hờ hững đối với ông. Tất cả như im lặng và lầm lũi với nhịp sống lẳng lặng của một thanh phố nhỏ để đáp lại lời chào đầy thân tình của tác giả đã từng ấp ủ bấy lâu nay. ( Chào mẹ-các mẹ già lặng im/ Chào các em-các em nhỏ lặng im/ Chào đường phố-những đường phố lặng im-lầm lì).
Đáp lại tấm lòng nồng nhiệt của tác giả (chào mẹ/ chào các em/ chào đường phố) chỉ là sự lặng im, lầm lũi. Hờ hững tột cùng. Các từ “lặng im” “lầm lũi” được nhắc đi nhắc lại một cách tập trung và nhiều lần, làm tăng thêm sự hờ hững đó. Sự hờ hững đó còn lan rộng đến cả những hoạt động xung quanh của họ
 Khuôn mặt những con thuyền cá
Những người dân lầm lũi
sau chiến tranh
những người lái xe
những xóm mọc bên đường
Đấy là những vết hằn của chiến tranh vẫn còn đâu đó trên khuôn mặt Quy Nhơn sau những năm tháng chiến tranh.
Rõ ràng có sự đối lập giữa một bên là cảnh và một bên là người. Quy Nhơn cảnh đẹp, huyền ảo sống động, lấp lánh với một bên là Quy Nhơn –người lầm lũi, lẳng lặng, lầm lì , hờ hững.
Tâm hồn nghệ sĩ- thi sĩ Văn Cao như chông chênh trứơc hai hiện thực trái ngược đó của Quy Nhơn. Đó còn là sự đối lập của một Quy nhơn- thực và một Quy Nhơn –mơ trong tâm hồn Văn Cao lúc bấy giờ.
Sự thật trái ngược này làm cho Văn Cao thất vọng. Tác giả cảm thấy mình như một khách lạ, và nơi  mà tưởng chừng rất quen, rất gần trong tâm tưởng hoá ra lại xa cách đến thế trong thực tại. (Không phải Quy nhơn- chỉ một thành phố lạ…Không phải Quy Nhơn đẹp- Các nhà thơ tôi đọc-Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Yến Lan ,Xuân Diệu ). Dùng điệp từ “không phải…không phải” để chối bỏ thực tại, Văn Cao đi đến chỗ thốt lên thất vọng :
một thành phố lạ
tôi đến đây làm gì…
Bởi đến cả những con yến cũng hững hờ với tác giả, “những chùm chim yến lại bay về đảo”. Người đọc cảm nhận được điều tác giả muốn nói ở đây. “Ôi Quy Nhơn hằng mơ”, chưa về thì nhớ, trực diên thì thất vọng. Đối lập từ cảnh/ người chuyển sang đối lập trong cảm xúc của tác giả là vậy.
Nhưng Quy Nhơn- Bình Định còn là mảnh đất giàu có với bao sản vật và có cả một truyền thống lao động bền bỉ cần cù của người dân ở đây. Đó là “những chùm chim yến”, là “muối Sa Huỳnh” trắng tinh kết tinh từ giọt giọt mồ hôi , đó là đường ngọt như “mồ hôi đọng”, là những làng dừa xanh mát đi vào ca dao “ Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan”. Không chỉ có thế. Mảnh đất này còn có cả truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm để gìn giữ thành quả lao động của mình. Máu đã đổ cho lúa thêm xanh, cho đường thêm ngọt, cho dừa rợp trời, và yến tự do bay…
Truyền thống đó đã có từ thuở trước (Vẳng nghe tiếng trống Quang Trung) vang vọng cho đến tận gần đây và bây giờ (Xác xe tăng bên đường Mười Chín). Tựu trung, đó là mảnh đất thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt (không- đất này mọc lên- từ- nước mắt).          
Từ mảnh đất ấy đã vẳng lên một tín hiệu:
bỗng một ngày bà mẹ Quy Nhơn
nói với tôi một lời
một tiếng
à con!
Ôi cái tình của người Mẹ Quy Nhơn mới lạ làm sao, làm thăng bằng tất cảsự chông chênh trong tâm hồn tác giả.  Văn Cao giữ mãi cái tình không phai nhạt ấy của người Quy Nhơn trong suốt cả cuộc đời mình:
Khuôn mặt càng dịu hiền
càng lấp lánh
lấp lánh…
 Trần Xuân Toàn
Theo http://xunauvn.org/



Cảm nhận ca khúc: Anh còn nợ em

Cảm nhận ca khúc: Anh còn nợ em
Anh còn nợ em Công viên ghế đá Công viên ghế đá Lá đổ chiều êm
Thơ: Phan Thành Tài
Nhạc: Anh Bằng

Trình bày: Quang Dũng

Anh còn nợ em công viên ghế đá, công viên ghế đá lá đổ chiều êm.

Và còn nợ em dòng xưa bến cũ, dòng xưa bến cũ con sông êm đềm.
Anh còn nợ em chim về núi nhạn, trời mờ mưa đêm, trời mờ mưa đêm.
Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng, nụ hôn vội vàng, nắng chói qua rèm.
Anh còn nợ em con tim bối rối, con tim bối rối, anh còn nợ em.
Và còn nợ em cuộc tình đã lỡ, cuộc tình đã lỡ, anh còn nợ em.

Có lẽ cũng từ nguyên tác bài thơ nên xuyên suốt ca khúc, câu hát Anh còn nợ em đã dẫn dắt người nghe cùng tác giả tìm lại cuộc tình đánh mất còn lẩn khuất nơi nào đó trong trái tim mình…
Ngay từ tựa đề ca khúc đã thu hút sự tò mò vốn có của phái nữ, và dĩ nhiên cũng đoán biết được đây là món nợ tình yêu…
Nhưng, anh còn nợ em những gì để anh mãi hoài vương vấn khi dòng đời đã chia hai người hai lối?!

Tôi nghe ca khúc này qua nhiều giọng hát, và cảm nhận rằng trong trái tim mỗi người đều “vương nợ”, và món nợ này nhiều hay ít đều được thể hiện chính trong tiếng hát - tiếng lòng của riêng mình!
Một cuộc tình tan vỡ, chia ly phải chăng cả hai cùng có lỗi? Và khi thời gian đưa chúng ta xa dần những kỷ niệm ngọt ngào, khi hương ngày cũ phôi pha, bao giận hờn yêu thương lắng đọng như những vùng xoáy lặn sâu dưới đáy biển đời thì chính lúc đó vết thương mơ hồ thuở nào lại bừng lên cơn đau nhức nhối.
Anh nợ em từ những “dấu vết” bình thường trong cuộc sống nơi mình đã từng qua… Đó là chiếc ghế đá công viên dãi dầu mưa nắng những chiều tà giữ chúng mình bên nhau, vô tư ngắm sắc vàng của từng chiếc lá rơi, xòe tay đón hạt mưa tinh khiết, trong veo như mắt em ngày ấy.
Anh nợ em dòng thời gian êm đềm chở theo mình bao lời yêu say đắm, con sông mang ánh chiều rực nắng thêm hồng đôi má thắm duyên. Chúng mình cùng ngắm cánh chim tung bay tìm về tổ ấm, và mái tóc em xõa làn hương huyền hoặc quấn quýt hồn anh ngọt cả giấc mơ dài.
Anh nợ em ánh trăng vàng lặng thầm soi lối, mỉm cười nhìn anh vụng về lần đầu ghé đóa môi em, hai trái tim hòa nhịp rung ngân bối rối trong chiếc hôn dịu say ngơ ngác vội vàng…
Anh nợ em cuộc tình không đoạn kết để suốt đời mang nỗi niềm đau đáu ngóng trông về phương ấy một câu hỏi chạnh lòng: Em có hạnh phúc không?! Dòng lệ đắng đêm chia tay ướt nhòe lời giã biệt, một lần đã trót quay lưng là một đời đành đánh mất nhau rồi!
Anh còn nợ em... Anh còn nợ em... Anh còn nợ em... Anh còn nợ em... Anh còn nợ em... Ca khúc như không bao giờ khép lại trong câu hát buồn mênh mông hòa cùng giai điệu tiếc nuối xót xa! Anh nợ Em nhưng có phải chính Em cũng là người luôn mắc nợ với Anh… nếu không thì vì sao ca khúc này lại cứa vào lòng em vết thương xưa quắt quay, đớn đau như thế và vì sao mùa giông bão tự nơi nào đổ về giăng kín trái tim em!!!.

Anh còn nợ em - Anh Bằng - Quang Dũng
Theo http://www.khuvuonbimat.info/

Lâu đài trên cát

Lâu đài trên cát
Buông điện thoại, Dung trở nên đẫn đờ như kẻ mất hồn, căn phòng như ngả nghiêng khiến Dung cảm thấy choáng váng, chóng mặt. Cô lảo đảo rồi ngã quỵ xuống sàn nhà… Trời đất như tối sầm lại Dung không còn hay biết gì nữa.
Có lẽ phải khá lâu Dung mới lờ mờ nhận ra những tiếng lao xao rì rầm quanh cô. Dung nghe rõ tiếng chị Cúc đang nói với mọi người:
Rõ khổ, già nửa đời người rồi mà vẫn còn yêu đắm đuối đến ngu muội rồi bây giờ mới ra nông nỗi này đây …
Mà cũng chẳng ai dại và sĩ như bà này, chỉ vì thích oai, thích tiếng nên mới ném hết tiền của cho “sếp”, giờ trắng mắt ra thì đã muộn mất rồi …
Dung nghe rõ tiếng chì chiết khinh miệt trong giọng nói của Oanh. Dung cảm thấy trái tim mình như có ai cầm dao cứa … Cảm giác đau đớn, cay đắng, nhục nhã dồn nén trong con tim bé nhỏ khiến nó đau thắt tưởng chừng đến nghẹt thở … Dung biết mọi người đang chĩa mũi nhọn nhằm vào mình để xỉ vả không thương tiếc. Câu chuyện của cô đang là đề tài nóng hổi cho những kẻ rỗi hơi, ngồi lê đôi mách và đơm đặt chuyện tha hồ dè bỉu, tô vẽ hay phóng đại … Biết làm sao được khi cơ sự đã như thế này? Dung vẫn nhắm mắt nằm im vờ như không nghe thấy nhưng bên tai cô, tiếng chị Loan vang lên rõ mồn một:
Sang bên này cặp bồ, cặp bịch dựa vào nhau để làm ăn cũng đã có lỗi với chồng con ở nhà rồi … Đằng này, cặp bồ để đến nỗi khuynh gia bại sản, bán hết nhà cửa tài sản khiến chồng con phải vất vưởng đi ở nhờ nhà người khác thì loại đàn bà này có nhảy xuống sông mà tự vẫn cũng không gột rửa được hết ô nhục, tội lỗi được …
Dung cảm giác như có khối đá ngàn cân đang đè nặng lên đầu cô và trời đất xung quanh cô như sụt lở … Dung cay đắng khi những hình ảnh quá khứ dẫu cô cố gắng muốn quên đi nhưng nó vẫn cứ tái hiện như mới hôm qua thôi …
Đầu tháng 04-1999 Dung từ Mátxcơva xuống nhà một người bạn ở Kiev. Trước mắt là khảo sát qua thị trường cho đợt hàng mùa hè cô sắp “đánh” xuống, dưới này họ nhận và giao. Sau nữa là cô muốn ghé qua Kharcov đòi số nợ mà người ta lấy hàng của cô hơn một năm nay chưa thanh toán. Vợ chồng anh chị Đức Hoa chuẩn bị đón tiếp Dung rất chu đáo. Biết cô vốn thích vui văn nghệ nên hai vợ chồng bàn nhau sắm cả một bộ dàn karaoke vi tính xịn để phục vụ mua vui cho Dung dù anh Đức tiếc tiền đến đứt cả ruột. Chị Hoa thẽ thọt động viên chồng:
Chẳng gì chị ấy cũng là “soái” lớn trên Mát° xuống đây để bàn chuyện làm ăn và rót hàng cho nhà mình chứ có chơi không đâu? Đúng ra mình còn phải đưa đi nhà hàng, khách sạn ấy mới xứng tầm. Nhưng điều kiện không cho phép nên mình phải tiếp đón người ta ở nhà. Như thế vừa rẻ, vừa tiện cho mình anh ạ! Chỉ cần tìm cho “bà” này một “ông” nào hình thức kha khá, biết tán chuyện và ngồi hát karaoke đôi với bà ấy thì việc gì cũng "thông đồng bén giọt "cả thôi!
Nghe vợ nói cũng có lý, nhất là nhìn thấy những món lợi nhuận béo bở của những container hàng mà Dung sắp “đánh” xuống cho họ nên Đức đành phải tuân thủ theo sự dàn xếp, sắp đặt của vợ …
Khi chuyến tàu Mátxcơva-Kiev vừa vào ga Dung đã nhận ngay ra vợ chồng Đức Hoa cùng với một người đàn ông lịch sự, bảnh bao và khá điển trai tay ôm một bó hồng nhung đỏ sẫm đang đứng chờ trên sân ga. Dung cảm thấy trái tim đập rộn rã … Cô mở hộp mỹ phẩm ngắm nhìn lại mình một lần nữa dù vừa mới trang điểm khi vừa ngủ dậy, xong cô vẫn thoa nhẹ thêm một lớp phấn mỏng để che dấu bớt những nếp nhăn và sự mệt mọi trên gương mặt do dấu ấn thời gian để lại.
Vừa bước xuống tàu, cả ba người cùng lao ra đón cô. Vợ chồng Đức Hoa ôm chầm lấy cô mừng ríu rít, người đàn ông lạ mặt đến bên cô nhẹ nhàng nói:
Anh là bạn thân của vợ chồng Đức Hoa, anh đã được nghe Hoa kể rất nhiều về em, mãi đến hôm nay mới có được vinh dự cùng Đức Hoa đi đón em … Rất vui mừng được gặp em! - Miệng nói tay Lê – tên người đàn ông đó ,trao cho cô bó hoa hồng và cúi xuống hôn nhẹ lên gò má cô rất kiểu cách, lịch thiệp. Dung mỉm cười sung sướng. Mùi nước hoa thoang thoảng, hăng hắc của Lê có một sức hút lỳ lạ khiến cô ngất ngây …
Chiếc xe Toyota đời mới, màu mận chín bóng lộn của Lê chở hai vợ chồng Đức Hoa và Dung đang lăn bánh về nhà. Hai chị em Dung và Hoa đang rôm rả trò chuyện bỗng thấy xe chạy chậm và dừng lại.
Nhanh thế, đã đến rồi hả em? – Dung quay sang hỏi Hoa.
Ồ không! Nhà Đức Hoa thì còn xa nhưng em ngồi tàu hàng ngàn cây số cũng đã mệt mỏi rồi, đằng nào từ giờ đến tối em vẫn có mặt ở nhà Hoa, lúc ấy hai chị em còn có bao nhiêu thời gian để tâm sự và bàn bạc cơ mà. Chính vì thế anh muốn mời vợ chồng Đức Hoa và Dung vào nhà anh nghỉ tạm một lát cho Dung đỡ mệt, rồi anh sẽ đưa mọi người về nhà. Vừa nói, Lê vừa mở cửa và đưa tay đỡ Hoa và Dung ra khỏi xe …

Trong thâm tâm vợ chồng Đức Hoa có vẻ không thoải mái về quyết định đường đột của Lê, song dù sao thì cũng đã đến nơi rồi chẳng lẽ lại từ chối thì thật là bất lịch sự. Hơn nữa, thấy Dung có vẻ cũng có cảm tình và tỏ ra vui vẻ khi nghe Lê mời nên hai vợ chồng đành phải ghé qua nhà Lê “nghỉ ngơi” một cách bất đắc dĩ.
Căn hộ của Lê được sắp xếp bố trí một cách hài hòa, lịch sự, gọn gàng và rất đẹp mắt. Chỉ nhìn thoáng qua cách sắp xếp bố trí ở phòng khách, Dung cũng đủ hiểu chủ nhà là người ưa hình thức và có khiếu thẩm mỹ. Dung đang thả hồn với những ý nghĩ của mình nên không để ý Lê đang đứng bên cô từ lúc nào …
Em vẫn còn mệt phải không? – Lê nhẹ nhàng hỏi cô. Ròi chẳng để cho Dung kịp trả lời Lê giục cô:
– Thôi em vào tắm và ngâm mình trong nước ấm một lát sẽ tỉnh táo ngay, còn Hoa ra đây cho anh nhờ chút nhé.
Thực lòng Dung chẳng cảm thấy mệt mỏi vì cô đã quá quen với công việc của mình, hơn nữa, từ Mát xuống Kiev cô ngủ một mạch đến sáng đấy chứ … Thấy Dung có vẻ lưỡng lự, Lê cười bảo:
Anh là bạn thân của vợ chồng Đức Hoa nên em đừng ngại. Nước ấm anh đã chuẩn bị rồi đấy. Em vào tắm đi.
Lê và Hoa sang phòng bên, Đức ngồi trên đi-văng xem ti-vi nhưng đã gà gật từ bao giờ. Còn lại mình cô, Dung ngắm nhìn căn phòng sang trọng và nhớ lại những lời nói, ánh mắt, cử chỉ của Lê, có một cái gì đó rất đặc biệt khiến cô thấy lòng mình cứ nôn nao. Cầm chìa khóa ra mở cốp xe lấy túi đồ, Dung bước vào phòng tắm. Một mùi thơm nhè nhẹ lan toả .Cô trút bỏ y phục ngâm mình trong bồn nước ấm trắng xoá bọt sữa tắm pha tinh dầu hương hoa dìu dịu khiến Dung cảm thấy khoan khoái vô cùng.
Bước ra khỏi bồn tắm cô với tay lấy hộp kem trên giá mỹ phẩm, Dung bỗng thấy ghen tị với người đàn bà nào đó có được người chồng hào hoa, lịch thiệp và tâm lý như Lê. Giá như … nhưng Dung chợt tắt ngấm cái ý nghĩ ấy khi cô nhìn thấy gương mặt và tấm thân đẫy đà, lõa lồ của mình trước gương. Cô vội vàng mặc bộ véc lửng màu vàng nhạt, trang điểm qua và bước ra khỏi phòng tắm. Bữa cơm thịnh soạn được dọn ra, mọi người vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ. Lê luôn tỏ ra là một người chủ nhà lịch sự và hiếu khách. Suốt bữa cơm, anh gắp thức ăn và quan tâm đến mọi người, đặc biệt là Dung.
thế nhỉ? Hãy vứt bỏ những ý nghĩ lạc hậu ấy đi thì mới khá được! “Cơ chế” phải thoáng lên chứ lị …”. Nói là nói như vậy chứ trong thâm tâm nhiều khi Dung cũng cảm nhận được rằng những người đàn ông quanh cô săn đón, chiều chuộng cô là để lợi dụng đồng vốn mà cô rót bằng hàng xuống cho, chứ đâu có phải vì cô hấp dẫn họ … Ngược lại, cô cũng giao được nhiều hàng mà lãi vẫn cao chứ có phải bồ bịch không đâu? Thực ra cả đôi bên cùng có lợi thì tội gì mà không “vui vẻ”?
Trong số những người tình “ga xép” ấy hầu như ít ai có được hình thức và galant như Lê mặc dù họ cũng vung tiền để mua vui và chiều chuộng cô. Tiền bạc bây giờ có nghĩa lý gì với cô đâu, khắp các thành phố lớn ở Liên bang Nga cô đều cho họ lấy hàng, nợ tiền. Bản thân cô muốn gì được nấy nhưng cô vẫn thấy như thiêu thiếu một cái gì đó . Khi đặt chân đến Kiev và gặp Lê cô mới hiểu ra cái điều mà bấy lâu cô cảm thấy như thiêu thiếu ấy chính là sự quan tâm chu đáo của một người đàn ông lịch sự hào nhoáng dành cho mình.
Lê giới thiệu qua cho Dung biết về công việc của mình đang làm . Dung vô tâm khuyên Lê nên chuyển sang làm hàng vải vì lãi suất rất cao mà không để ý đến thái độ khó chịu của vợ chồng Đức Hoa.
Sáng hôm sau, vợ chồng Đức Hoa đi chợ hết, chỉ còn mình Dung, cô vừa tắm xong thì Lê bấm chuông, anh đến để đưa cô đi ăn sáng và thăm quan thành phố. Loay hoay một hồi cô mới chọn được bộ đồ ưng ý để đi chơi cùng Lê. Dù “quá niên đã ngoại tứ tuần” nhưng Lê trông vẫn còn rất phong độ, hơn nữa, anh lại biết chọn cho mình những bộ đồ sang trọng và luôn tỏ ra là một người đàn ông chu đáo, tâm lý và rất galant. Ăn sáng xong, anh dẫn cô vào siêu thị, chọn mua tặng cô son phấn, nước hoa, quần áo … Anh bảo cô:
Theo anh, màu son này có vẻ hợp với em hơn, hay em mặc thử chiếc váy này để anh ngắm thử có được không? Anh thấy em mặc chiếc váy này trông có vẻ cao hơn, thon thả hơn và trẻ ra nữa đấy, Dung ạ …!
Dung ngụp trong niềm hạnh phúc bởi những lời khen của Lê. Cô xoay người ngắm nghía trong gương một cách chăm chú – “Ừ, quả thật, hôm nay mình có vẻ ưa nhìn và trẻ hơn thì phải.”
Đi dạo một vòng dọc mấy cửa hàng lớn ở trung tâm thủ đô, hai người đã thấm mệt, Lê cho xe đưa cô về nhà mình. Dung không còn cảm thấy ngại ngùng nữa vì căn hộ hôm nay chỉ có hai người. Cô ngả đầu dựa vào chiếc ghế mềm như nhung, miệng lẩm nhẩm hát theo lời bài hát quen thuộc mà cô rất thích. Một lát sau, Lê từ nhà tắm bước ra, anh đã thay bộ đồ sang trọng bằng chiếc kha-lát°° màu xanh rêu.
-Ta uống một chút gì em nhỉ? – ,Miệng nói, tay Lê đã rót rượu vào hai chiếc ly để trên bàn. Rượu để trong tủ lạnh nên mát và ngọt lịm, hơn nữa, rượu nho cũng dễ uống. Lê ngồi xích lại gần và rót tiếp cho cô. Dung nghe tim đập loạn xạ khi Lê đặt bàn tay lên đùi, lần ngược theo chiếc juyp ngắn cô đang mặc. Rượu ngọt nhưng cũng làm cho Dung chuếnh choáng khi cạn đến ly thứ ba. Căn phòng lung linh ánh đèn mờ, tiếng nhạc du dương, mùi nước hoa dìu dịu, hăng hắc, cùng với mấy ly rượu ngọt khiến cho cả hai đang tuổi “hồi xuân” bỗng bừng trỗi niềm khao khát, rạo rực … Lê cởi áo và ôm hôn cô một cách điệu nghệ và thành thục. Dung mềm đi trong vòng tay của Lê.
Sau lần đó, Dung trở về Mát. Khoảng chục ngày sau, Lê cũng làm thủ tục bay lên đó vì nhớ cô. Dung cảm động lắm, nhưng phải bố trí cho Lê ở khách sạn vì sợ Tiến - anh bồ ở cùng ,biết được. Họ quấn lấy nhau trong khách sạn. Dung cũng không giấu nổi tình cảm của mình, cô bộc bạch tâm sự:
Anh biết không? Từ hôm ở Kiev về, em như người mất hồn, ăn uống chẳng thấy ngon miệng gì cả. Em nghĩ, tốt nhất anh nên chuyển sang làm hàng vải đi. Như thế em sẽ có lý do hợp lý để xuống với anh thường xuyên được mà lão Tiến vẫn không thể nghi ngờ …
Lê trầm ngâm ra chiều suy nghĩ một lát rồi bảo cô:
Anh cũng nhớ em và muốn bay ngay lên với em sau khi em về Mát. Nhưng giấy tờ thủ tục, viza làm gấp mà gần một tuần mới xong. Còn vấn đề em vừa nêu ra anh sẽ về công ty rút tiền và bảo vợ anh chuyển thêm sang để làm.Như thế anh sẽ có cơ hội được gần em nhiều hơn.

Chuyện rút tiền để sau cũng được, vấn đề trước mắt anh về tìm mối tiêu thụ, sau một tuần em sẽ xuống Odessa để nhận hàng với anh. Còn bây giờ, mặc quần áo rồi em đưa anh đi siêu thị mua ít quà cho mấy đứa nhỏ, ngày mai về rồi em sợ anh không có thời gian đâu, hơn nữa em cũng phải về không lão Tiến lại tra hỏi, rồi cằn nhằn vì em đi lâu.
Vừa nói Dung vừa với lấy bộ quần áo mặc vào người.
Về Kiev, Lê cứ mong đứng, mong ngồi đến ngày Dung điện xuống nhận hàng. Lần này xuống, Lê đón cô về thẳng nhà. Hai người lại quấn lấy nhau như thể lâu lắm rồi mới gặp … Dung có cảm giác chưa hề yêu ai cuồng nhiệt như Lê. Mỗi lần gặp Lê, cô lại thấy trong người trào dâng niềm khao khát chuyện ái ân mà khi ở bên Tiến cô không có cảm giác ấy. Về sức khỏe và thể lực thì Lê không thể bằng Tiến được. Tiến là con người quen mang vác nặng nên cơ bắp nổi cuồn cuộn. Mỗi lần bên cô, Tiến không biết dùng ngôn ngữ màu mè, hoa lá gì cả, những lời thủ thỉ, những cử chỉ âu yếm vuốt ve cũng không, anh ta chỉ biết hùng hục cho xong phận sự rồi lăn ra ngáy như sấm. Bù lại, anh ta có một thân hình tráng kiện, khỏe mạnh, nên luôn đem lại sự no nê thỏa mãn cho người đàn bà đang ở độ tuổi hồi xuân như cô … Có lẽ chính vì thế mà cô chọn Tiến trong số những người tình của mình để cặp bồ hay nói cách khác là anh ta được chọn làm “ga chính”. Số còn lại, chẳng có gì nổi trội nên họ được cô xếp vào loại “ga xép” mà thôi. Ngay cả với Hải – chồng cô cũng vậy, tuy xa nhau lâu ngày nhưng mỗi lần về phép cô chẳng thấy hứng thú gì “chuyện ấy” cả. Nhìn cặp kính cận dày như đít chai của chồng, cô thấy anh cứ chậm chạp, khô khan và cù lần đến phát chán. Chính vì thế, cô chỉ đảo qua nhà ít ngày rồi lại bay vào Sài Gòn với người tình mới. Mỗi lần cô đi như thế, Hải chỉ im lặng, chỉ có thằng Duy là năn nỉ mẹ ở nhà thêm ít ngày với nó. Nhưng cô giải thích với nó rằng công việc không cho phép. Thằng bé phụng phịu nhưng không dám nì nèo thêm, nó thấy vừa sợ mẹ lại vừa xa lạ chứ không gần gũi như bố nó, vả lại nó cũng đã quen với sự vắng mặt của mẹ từ lâu rồi.
Chỉ có Lê trong số những người đàn ông mà cô gặp mới thực sự làm cô si mê đến cuồng nhiệt. Người ta bảo, đàn bà thường yêu bằng tai quả không sai chút nào cả. Nhiều khi nghe Lê khen, dù biết rằng không có thực nhưng cô vẫn cứ muốn nghe, mà Lê lại khéo ăn nói, vừa biết cách nói chuyện hấp dẫn mê hoặc người nghe lại vừa có khiếu kể chuyện hài hước khiến cho người nghe cứ ôm bụng mà cười. Dung thầm nghĩ, chắc phải có nhiều người đàn bà phải điêu đứng, khổ sở vì yêu Lê, vậy mà giờ đây Lê đã là của cô.
Tuy nhiên, cô vẫn ngại vợ chồng Đức Hoa biết chuyện lần này xuống Kiev, cô không đến nhà họ. Dung điện cho vợ chồng Đức Hoa và thông báo rằng chuẩn bị có hàng mới, vài ngày nữa cô sẽ bay thẳng xuống Odessa để nhận hàng, vợ chồng Hoa không phải đón tiếp cô nữa. Hoa giận lắm vì nhà cô có máy điện thoại hiện số, cô biết Dung hiện đang sống với ai, ở đâu? Song cô vẫn im lặng và không dám nói, vì sợ chồng biết sẽ nổi giận và hỏng việc.
Theo như kế hoạch thì hai container hàng áo phông, quần soóc Dung sẽ giao cho Hoa và Lê, mỗi người một nửa. Thế nhưng hai vợ chồng cô cháu hờ của Lê nói rằng hàng này đang “cháy chợ”, nên Lê muốn lấy cả hai container đó. Dung lấy làm phân vân, khó nghĩ. Sau một lát đắn đo suy nghĩ, Dung bảo Lê:
Hay anh bảo vợ chồng đứa cháu giao cho vợ chồng Đức Hoa một nửa hay 1/3 số hàng cũng được, chẳng gì thì cũng nhờ họ mà chúng mình quen được nhau phải không anh! Chiều mai sẽ về Mát nhận lô hàng mới xong sẽ chuyển cho mình anh, anh đồng ý không?
Thay cho câu trả lời, Lê nhỏm người dậy rót thêm ly rượu, dường như để tiếp thêm sinh lực cho nguồn sinh lực tự nhiên đã bị cạn kiệt. Hơn nữa, ngày mai Dung về chuẩn bị “đánh” tiếp hàng xuống nữa. “Phải cố gắng thôi!” – Nghĩ vậy, Lê ngửa cổ và uống cạn ly …
Dung về Mát được được ít ngày, hai vợ chồng cô cháu hờ cùng Lê bàn bạc tính toán, sau đó họ chuyển tiền qua dịch vụ lên cho Dung, dù tiền hàng chưa thu về hết. Dung nức nở khen mối làm ăn mới sòng phẳng và nhanh thu được tiền về chứ không như vợ chồng Đức Hoa, mãi chẳng giao được hàng mà tiền thì mỗi đợt gửi một ít, chẳng ra tấm ra món gì cả.
Có lẽ mình phải cắt cầu vợ chồng nhà này thôi! – Dung quay sang nói với Tiến.
Nhưng dù sao thì mình cũng làm ăn với vợ chồng nó lâu rồi. Tiền nong dẫu có chậm một chút nhưng vợ chồng nhà ấy rất đứng đắn và sòng phẳng ... – Tiến định cản Dung nhưng Dung lại liến thoáng ngắt lời Tiến:
Anh không biết đấy thôi, “cửa” mà em mới tìm được họ làm ăn lớn và uy tín lắm, tiền nong không phải lo nghĩ.
Mà thôi, việc giao hàng cho khách đường xa là phần em, anh chỉ lo phần trên Mát này thôi – nghĩ cản cũng chẳng được nên Tiến cũng chẳng muốn nói thêm. “Nhưng dù sao em cũng phải thận trọng và dè dặt với các “cửa” mới kẻo không có ngày bán nhà đi mà đền đấy”– Tiến cố dặn dò thêm.
Rõ là dở mồm! – Dung cười và ném cho Tiến một cái nguýt dài rõ tình tứ rồi cởi đồ đi vào phòng tắm.
Còn về phần 2 vợ chồng Đức Hoa thì đang quay sang dằn vặt, trách móc và đổ lỗi cho nhau vì bị Lê nẫng mất “cầu cửa” của họ. Đức đay nghiến vợ vì đã nghĩ ra trò nhờ Lê đi đón rồi hát karaoke đôi để cho họ quen nhau, giờ thì mới trắng mắt ra. Hoa cũng nhận ra sự sai lầm, ngu xuẩn của mình. Cô gọi điện gặp Dung để khuyên Dung nên tỉnh táo và thận trọng trong quan hệ với Lê. Mọi người trong ốp – nơi mà Dung thuê để mỗi lần từ Mát xuống cô sẽ ở đó – đều khuyên cô nên cảnh giác với Lê. Dung nghĩ vợ chồng Đức Hoa hậm hực vì cô không giao hàng cho họ nên mới quay sang nói xấu Lê. Thực tế họ làm sao hiểu Lê bằng cô được.
Ở dưới Kiev rất nhiều người đặt loại hàng này với cả chú Lê cho nên chú muốn cô làm hoặc đứng ra lấy giúp cho chú ấy. Khi nhận được hàng, chú sẽ chuyển ngay tiền để cô trả người ta.
Thấy Tùng nói thế Dung sợ Lê và Tùng nghĩ cô lo lắng chuyện tiền nong, liền bảo ngay:
Được rồi! Cháu bảo chú cứ yên tâm. Cô sẽ đứng ra bảo lãnh chuyện tiền nong, cháu bảo chú không phải lo nghĩ gì chuyện ấy cả. Khi nào có giấy báo nhận hàng cô sẽ xuống, nhớ bảo chú thế nhé!
Hai tuần rồi ba tuần trôi qua, Dung không thấy Lê điện nói có giấy báo nhận hàng, cô nghĩ chắc trục trặc hải quan đây! Quả nhiên, sau đó ít ngày Lê điện lên thông báo lô hàng đang bị hải quan giữ, nhưng dù sao cũng sẽ chạy được ra và khuyên cô cứ yên tâm. Đúng lúc ấy, cô lại phải bay sang Trung Quốc để ký hợp đồng mới với cơ sở sản xuất áo da bên đó. Hơn một tuần sau cô mới về đến Mát, cô liền điện ngay cho Lê xem lô hàng đã làm xong thủ tục hải quan chưa, nhưng Lê trả lời rằng:
Phải mất ít nhất là ba mươi lăm ngàn đô cho ba container áo da và hai container đồng hồ cơ. Số tiền này anh đã điện về bảo vợ anh chuyển sang rồi, chỉ có điều cô ấy bảo sẽ trực tiếp mang tiền sang xem anh làm ăn ra sao. Em biết đấy, từ ngày có em, anh chẳng muốn cô ấy sang đây nữa, nhưng lần này bất đắc dĩ đành phải để cô ấy sang thì anh mới lấy được mấy container hàng ra được. Thôi đành phải xa em một thời gian vậy …

Đêm đó, nằm bên Tiến mà cô cứ trằn trọc mãi mà không sao ngủ được, phần thì lo Tiến biết chuyện, phần thì lo hàng nếu bị giữ lâu sẽ gặp rất nhiều phiền toái vì đã hơn 1 tháng trôi qua, áo da mỏng chỉ bán vào mùa thu thôi. Ngoài ra, còn hai container đồng hồ cô đứng ra lấy hộ nữa chứ, chủ hàng đã nhắc thanh toán rồi mà hàng vẫn chưa nhận được. Đã thế, bà vợ Lê lại định sang… Dung cứ nghĩ đến cảnh người đàn bà khác đang âu yếm trong vòng tây của Lê là Dung thấy nóng ran cả người. Cô biết rằng mình không có quyền ghen ngược nhưng chẳng hiểu sao máu trong người cứ sôi lên. Cô rón rén ra bếp, đóng chặt cửa, ngồi châm thuốc và nghĩ cách …
Nhận xong lô hàng mới, cô để cho mình Tiến giao cho khách, còn mình thì bí mật đi vay lãi và bay ngay xuống Kiev. Công việc đầu tiên là cô thông báo cho Lê biết là cô đã lo được tiền để đút lót cho hải quan rồi. Công việc thứ hai là anh sẽ không phải xa cô vì có đủ tiền thì sẽ không cần vợ Lê phải mang sang nữa.
Sáng hôm sau, Lê ăn mặc chỉnh tề rồi bảo Dung trang điểm để hai người đi ăn sáng, sau đó anh và cô sẽ đi giao tiền và nhận hàng. Trước khi đi, hai người cẩn thận kiểm tra lại tiền. Ba chục ngàn đô Dung vừa đưa được xếp gọn gàng vào trong chiếc cặp số sang trọng của Lê. Dời nhà hàng, Lê chở Dung đến một ngôi nhà gần Đại lộ Chiến Thắng, sau đó anh bảo cô ngồi trong xe chờ vì có người lạ mặt họ sẽ không nhận và lỡ việc. Dung lo lắng sợ có điều gì bất ổn, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của Lê, nhưng Lê cười bảo anh đã điện cho họ xuống cửa đón và anh động viên cô đừng lo.
Nửa tiếng sau, anh quay trở lại, nhìn gương mặt không giấu nổi niềm vui của Lê, Dung mới thấy thở phào nhẹ nhõm.
Hai ngày sau, giữa đêm khuya, khi Lê và Dung đang say giấc nồng thì một hồi chuông điện thoại vang lên. Dung không giấu nổi sự bàng hoàng khi Ngọc Anh – vợ Lê – gọi điện báo là đang chuẩn bị ra sân bay để sang chỗ Lê. Không nén nổi, Dung quay sang trách Lê sao vẫn để vợ sang nhưng Lê lại ngọt ngào dỗ dành:
Khổ quá! Vì em báo lo được tiền muộn quá nên khi anh điện về cô ấy đã lo xong thủ tục rồi. Nhưng không sao, cô ấy bảo chỉ ghé qua thăm bố con anh ít ngày rồi bay sang Úc thăm cậu em ruột bên đó ngay. Tạm thời, em dọn vào trong ốp ở mấy bữa nhé. Hàng ngày anh sẽ vào thăm em.
Vào ốp đã 3 ngày, mà cô không thấy Lê đâu cả, cô điện vào máy di động thì máy bận liên tục, hàng hóa lại chưa thấy động tĩnh gì cả, khiến ruột gan cô cồn cào, cả ngày cô cứ nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Đến chiều hôm đấy thì cả gia đình Lê cùng vào trong ốp. Không thể chịu đựng được hơn nữa, Dung lao vào túm lấy Lê hỏi dồn dập khi Lê vừa bước chân ra khỏi xe:
Anh ở đâu mà mấy hôm nay không thấy mặt? Hàng hóa sao mãi không thấy báo đi nhận? Anh có biết trên Mát người ta đã gọi điện đòi tiền mà tôi phải tránh mặt đấy không? Thế mà anh …
Có chuyện gì thế anh? – Một người đàn bà mặt trát một lớp phấn dày nhưng không che nổi 2 gò má bị nhám, có lẽ do dùng quá nhiều mỹ phẩm bước ra khỏi xa, ném một cái nhìn đầy ngạo mạn về phía cô và hỏi Lê.
À, không có gì! Người ta nhờ anh lo chạy khâu hải quan để lấy hàng ra ấy mà! – Lê lấp liếm.
Ôi dào, tưởng chuyện gì quan trọng, hóa ra lại nhờ vả. Bây giờ đang bận, không phải lúc nhờ vả, anh bảo với mọi người như thế. – Nói xong cô ta cong cặp môi xẻ chắc vừa qua phẫu thuật thẩm mỹ và định bước đi …
Dung giận sôi người vì cách ăn nói ngang ngược và vẻ mặt ngạo mạn của con đàn bà ấy. Ngay lập tức, cô rảo bước đuổi theo và chặn mụ ta lại. Thế là cuộc đôi co, xô xát nảy lửa giữa hai người đàn bà bắt đầu …
Mọi người trong ốp đổ ra xem, Lê chỉ còn nước độn thổ mà không được. Lợi dụng lúc mọi người không chú ý, anh ta chuồn thẳng lên phòng và khóa trái cửa lại.
Dung bước về phòng, áo quần, đầu tóc tả tơi sau trận giao tranh, toàn thân cô rũ ra như tàu lá héo. Đúng lúc ấy, ở trên Mát, Tiến giục cô phải chuyển tiền về trả cho chủ đồng hồ ngay bởi vì họ đang làm ráo riết. Hơn nữa, chủ áo da cũng bay từ Trung Quốc sang và đang chờ cô ở nhà. Ruột gan rối bời nhưng cô phải vội bay về Mát để thu xếp công việc. Với chủ tàu, cô không được phép trì hoãn. Đến nước này, cô buộc phải nói thật với Tiến cũng như chủ áo da và chủ đồng hồ toàn bộ sự thật về lô hàng đang bị giữ và xin khất họ thêm ít ngày nữa. Cũng may cô cũng là người có uy tín trong chuyện làm ăn nên mọi người cũng để cho cô thu xếp dần. Công việc trên Mát thu xếp tạm ổn, cô lại vội vàng bay xuống Kiev để chờ lấy hàng. Nhìn cô lo lắng gầy rộc đi, chị Cúc và chị Loan cứ động viên cô giữ sức khỏe kẻo ốm ra thì khổ, nhưng cô làm sao mà nuốt nổi cơm bây giờ? Hàng hóa vẫn chưa có tin tức gì, tiền vay ngân hàng ở Việt Nam cũng đã đến ngày phải trả cả gốc lẫn lãi, mà cũng chẳng liên lạc được với Lê nên cô càng sốt ruột.
Thằng cha này nó lừa mày rồi, tiền nong chắc nó cuỗm sạch rồi chứ đút lót gì. Tốt nhất là bây giờ nhờ công an can thiệp hay nhờ bọn đầu gấu bắt cóc hai vợ chồng nó, rồi gọi điện cho lũ con mang tiền đến nộp rồi xẻo cha nó tai, cho chúng nó chừa bớt cái kiểu lừa đảo thất đức ấy đi. – Chi Loan cay cú thay Dung.
Khổ quá! Thực ra anh lê không phải muốn lợi dụng em hay cố tình lừa đảo đâu. Anh ấy cũng vất vả, chạy ngược chạy xuôi để lo lấy hàng ra đấy chứ. – Dung vội vàng ngắt lời chị Loan để lý giải, biện bạch và bênh vực cho Lê - khổ nỗi, đang lúc lo công lo việc gần ổn thỏa rồi thì con “mặt nạ” – Dung muốn ám chỉ vợ Lê vì cô ta đã đi thẩm mỹ lại tất cả những chi tiết chính trên gương mặt nên không còn giống như khuôn mặt tự nhiên – xuất hiện và giở trò ghen tuông và không cho anh Lê đi lo chạy chọt nữa thành ra công việc bị ách lại.
Tôi không thấy ai si tình và dại trai như bà! Đến bây giờ mà vẫn còn tin cái thằng lừa đảo ấy được thì tôi cũng chịu bà. – Chị Oanh vừa cho con ăn vừa với theo. Bà tưởng tự nhiên vợ con lão ta lại bay sang đúng lúc thế ư? Nhầm to. Tất cả chuyện bị hải quan giữ hàng để bà lo tiền chạy, rồi mụ vợ lão ta bay sang giở trò ghen tuông …, tất cả đều do chính tay Lê vừa là người viết kịch, vừa là đạo diễn và kiêm luôn cả vai chính nữa. Cả gia đình lão ta lừa bà vào tròng và bà đã sập bẫy mà không mở mắt ra …
Em đừng đổ tiếng ác cho người ta như thế! – Dung phản đối có vẻ yếu ớt.
Bà dốt lắm, đã thế tôi cũng mặc xác bà. – Chị Oanh nổi cáu. Trong giọng nói không giấu được vẻ giận giữ.

Thôi, Oanh! Dung nó cũng đang rối ruột, rối gan lên, em đừng chấp nó. – Chị Loan nhẹ nhàng lên tiếng. – Chỉ có điều này thì Dung cần phải lưu ý và ngay ngày mai em phải ra chợ xem thực hư ra sao vì chiều nay Oanh nó bảo với chị là buổi sáng nay, chợ đuội nên nó và cái Trâm rủ nhau đi lượn chợ chơi. Khi nó đi ngang qua dãy công Tàu, thấy Tây xếp hàng để mua, còn tranh nhau chí chóe. Thấy lạ, hai đứa chúng nó cũng ghé vào xem hàng gì mà chạy thế. Em biết không? Thì ra là họ bán áo da giống hệt như hàng mẫu em mang xuống, chỉ có điều, không phải bảy tám mươi đô như giá em định giao mà chỉ có bảy mươi, tám mươi grivna thôi. Thảo nào, dân tình tranh nhau như cướp cháo thế là phải! Dung thấy tối sầm mặt mày, cô linh cảm thấy có điều gì đó chẳng lành, suốt cả đêm cô trằn trọc không sao ngủ được. Mới sáng sớm tinh mơ, cô đã có mặt ở ngoài chợ, phải khá lâu, những người chủ công mới ra. Vừa nhìn qua hàng bày mẫu, cô đã nhận ngay ra tên nhãn hiệu của cơ sở sản xuất mà cô đã đặt tận bên Trung Quốc. Cô hỏi 2 container, họ đều nói là hàng “đánh” từ Tàu sang, đi đến mấy container cách đó 1 đoạn, cô vờ vào thử hàng và tỏ vẻ nghi ngờ hàng chất lượng kém nên mới bán rẻ, người bán hàng thuê nói như phân bua:
Hàng chất lượng tốt đấy, mấy ngày hôm nay chúng tôi bán mỗi ngày được mấy trăm chiếc ấy chứ, nghe ông chủ tôi bảo là người đánh áo da này cần bán nhanh để thu tiền đưa cả gia đình về nước hay đi đâu đó, thành ra họ mới phải bán tháo vốn. Tính ra giá thành còn thấp hơn bao nhiêu lần so với giá mua ở tận gốc ấy, cô ạ. - Dung thấy tai ù đi, người lảo đảo chực ngã. Sau giây lát trấn tĩnh lại, cô vội bắt taxi lao đi.
Đây rồi, căn hộ này đây đã từng chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm, chứng kiến những phút giây cô tưởng như hạnh phúc nhất đời, và cũng căn nhà này Lê đã ôm cô trong vòng tay và hứa xong chuyến hàng này sẽ đưa cô đi Krưm để nghỉ ngơi và chọn mua tặng riêng cho cô một biệt thự sang trọng gần biển. Khi hè đến cô từ Mát sẽ bay xuống nghỉ ngơi trong tòa lâu đài hạnh phúc ấy. Dung bơi trong niềm hạnh phúc và háo hức chờ đợi cho chuyến hàng nhanh chóng đến tay người tình. Giờ đây căn nhà sao bỗng dưng xa lạ với cô đến thế. Cô run run ấn chuông, lòng phấp phỏng lo âu hồi hộp. Con tim đập loạn xa, tưởng chừng muốn bắn ra khỏi lồng ngực. Một lát, có một người đàn ông đầu đen ra mở cửa, có lẽ là người Azecbaizan. Dung lạnh toát sống lưng, đôi chân run lẩy bẩy, tưởng muốn ngã quỵ.
Có chuyện gì thế? Cô đến tìm chủ cũ phải không? Họ không còn sống ở đây nữa, nhà này đã bán rồi. – Thấy cô ngạc nhiên đến giật mình, người đàn ông lên tiếng.
Có thật thế không? Làm sao mà làm giấy tờ nhanh thế được cơ chứ? Mà họ đi đâu ông có biết không? – Dung cuống quýt hỏi.
Chủ nhà mới nhìn cô một lượt dường như đoán có việc gì quan trọng liên quan đến chủ cũ, nên ông ta dè dặt trả lời:
Tôi và ông ta đã ra công chứng để thông qua các thủ tục hành chính gần 1 tháng nay rồi cơ, nhưng tôi mới chính thức dọn về đây ở được hai ngày .
Thế họ đi đâu ông có biết không? – Dung vội vàng hỏi tiếp.
Chính xác thì tôi không biết nhưng nghe nói hình như họ về nước hay đi nước khác gì đó vì thấy vợ con cũng đi theo. – Người đàn ông lịch sự trả lời trước khi chào tạm biệt và bước vào trong, để lại cho Dung bao suy nghĩ ngổn ngang trong đầu.
Dung mở cửa phòng và gieo người xuống ghế, đúng lúc ấy thì có tiếng chuông điện thoại vang lên, cô cố gượng dậy và nhấc ống nghe:
A lô! Ai đấy? – Dung mệt mỏi hỏi.
Chị làm ơn cho gặp Dung ở Mát có chuyện gấp. – Đầu dây bên kia hỏi gấp.
Ai đấy? Dung đây – Dung ể oải hỏi.
Trời ơi, Dung đấy hả? Tao Quế đây! Dung ơi, mày thu nhanh tiền hàng ở dưới đó, rồi cùng lão bồ dưới đó bỏ trốn càng nhanh càng tốt, thằng chủ hàng áo da nó bảo nếu mày không gửi tiền sang trả nó thì tuần này nó bay sang đây để tính sổ với mày đấy. Lão Tiến nghe tin, sợ nó sang cắt cổ nên cùng với con Chinh – bồ lão Tài “bọ” vét sạch tiền nong rồi cuỗm hết cả đi rồi, còn mụ Ngân thì đang lồng lên ở trên này vì mày chưa thanh toán cho mụ tiền hai container đồng hồ mày đánh xuống đấy. Mụ ấy đang bận nhận hàng mới, thấy bảo xong việc sẽ bay xuống Kiev tìm mày đấy, viza làm cũng sắp xong rồi. À, mà mày nhờ lão bồ dưới đấy đứng tên chuyển tiền về cho bố con ông Hải ở nhà đi, hôm qua hai bố con ông ấy điện sang báo, ngân hàng đã niêm phong tịch thu toàn bộ nhà cửa vì đã quá hạn phải trả ngân hàng rồi đấy, bây giờ hai bố con đang đi ở nhờ. Hình như ông ấy đã khóc, nghe tội lắm… - Quế làm cho 1 tràng dài, chẳng hiểu Dung có nghe được từ nào không nữa.
Dung thấy đầu óc quay cuồng, cô lại lịm đi … Quanh cô như có tiếng rì rầm của những con sóng biển đang xô bờ, và hình như cô đang ngồi bên cửa sổ của tòa lâu đài đang được xây bằng những con ốc biển xanh biếc, chiếc ghế cô ngồi được làm bằng những viên ngọc trai lấp lánh. Xung quanh bậu cửa sổ, những chùm san hô đỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nhưng sao hai bố con Hải trông đen đúa, gầy guộc đến thế nhỉ? Họ đều dang tay chạy về phía cô, như thể đang cố chống đỡ một điều gì nguy hiểm đang tới. Mà hình như họ đang khóc mới lạ chứ ??? Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, những cơn sóng tạo thành những cột nước lớn, hung dữ chồm lên. Tòa lâu đài nguy nga tráng lệ ấy của cô bị những con sóng đánh tan tành và chìm dần xuống đáy biển sâu. Còn cô đang chới với giữa đại dương bao la. Dung thấy khoảng cách với bờ ngày càng xa dần, xa dần. Có lẽ cô đang chìm dần theo tòa lâu đài của cô chăng?. Đang vùng vẫy trong cơn tuyệt vọng, Dung bỗng nhìn thấy bố con Hải đang lao ra cứu cô. Khoảng cách giữa họ và cô ngắn dần… ngắn dần, cô nghe thấy tiếng gọi:
Du … du … u … Dung … !!!
Mẹ … e … e … ơ … ơ…ơi …ơi…!
Dung khẽ cựa mình … A, nó tỉnh rồi!!! Dung nghe như tiếng ai reo lên, cô từ từ mở mắt … giọt nước mắt nóng hổi đang trào ra từ hốc mắt đen sẫm của cô.
°) Mát - tên gọi tắt của Mátxcơva ,thủ đô nước Nga.
°°) Khalat -là loại áo khoác mặc trong nhà có dây để buộc ngang lưng.
Thương Giang
Theo http://khotruyenhay.mobi/

Nam Cát Tiên - Bản hòa ca của rừng

Nam Cát Tiên - Bản hòa ca của rừng
Nếu bạn đam mê du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch thiên nhiên, du lịch văn hoá mà chưa một lần đến với Nam Cát Tiên, hãy mạnh dạn “xách ba lô lên và đi”. Với một người đam mê du lịch, Nam Cát Tiên chắc chắn sẽ là một trải ngiệm thú vị mà bạn sẽ không bao giờ quên.
Vườn Quốc Gia Cát Tiên là nơi có một trong hai khu vực đất ngâp nước Ramsar duy nhất của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận của Việt Nam, Sinh cảnh sống trên đất liền cuối cùng của loài Tê giác Java đặc biệt quý hiếm.
Nằm cách thành phố 160km đường bộ, hướng đi Đà Lạt mộng mơ và cách quốc lộ 20 khoảng 25 km. Bạn mất khoảng 4 tiếng để tạm ra rời thành phố nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam để đến với vùng thanh bình, yên tĩnh và không gian xanh mát của núi rừng.
Tham khảo chương trình tour Nam Cát Tiên 2 ngày 1 đêm của công ty Hành Trình Việt.

Cây Tùng cổ - Photo Phương Bùi
Cây Si trăm nhánh trong rừng Quốc Gia 
Nam Cát Tiên - Photo Phương Bùi
Nam Cát Tiên được ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một con sông Đồng Nai uốn mình xanh trong bao quanh 73 ngàn héc ta rừng tự nhiên trải dài trên ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Hệ động thực vật phong phú và đa dạng đã tạo nên một Nam Cát Tiên nên thơ với nét tự nhiên hoang sơ đầy thu hút.
Thật thú vị khi được đặt chân đến núi rừng bạt ngàn và hoang dã, hòa nhập với thiên nhiên đất trời, với muôn ngàn các loài sinh vật nơi đây. Đến với rừng, bạn sẽ cảm nhận được hơi thở khoan thai của gió luồn qua tóc mát rượi; ngước mắt lên và đón những tia nắng lấp lánh xuyên thủng qua tầng tầng lớp lớp tán cây; đi dạo giữa những đường xanh du dương bản giao hưởng rộn ràng của chim trời và cây lá.
Các bạn sẽ được rảo bước khắp khu rừng và tận mắt ngắm nhìn cây cối ở chốn rừng già cao vun vút, thân cây to đến chục người nắm tay nhau ôm mới xuể. Những bông hoa bằng lăng tím của cây cổ thụ sáu ngọn gần như vươn ra che phủ một góc rừng và có thể khiến bạn choáng ngợp. Còn những “lão làng” như cây Ông Đồng, cây Tùng, cây Si trăm thân, cây Thiên Tuế cao to hùng vĩ như người khổng lồ đứng sừng sững trong rừng xanh.
Bạn cũng có thể thử sức mình với quãng đường rừng và chục cây số. Mang theo đôi giày chống vắt, nước suối, đạp xe xuyên qua những cánh rừng già nua, tán cây cong cong chạm đầu vào nhau, đại thụ uy nghi sừng sững, dây leo dây gai uốn lượn quyện vào nhau muôn hình vạn trạng. Trong rừng có rất nhiều bướm, hàng ngàn con bướm dọc đường đi, đạp xe đến đâu, chúng bay theo cả đàn đến đó, bạn có thể chạm vào chúng và đùa giỡn, gió thổi mát rượi mang theo bản hòa ca của muôn thú, đẹp như truyện cổ tích.

Buổi tối, bạn không nên bỏ lỡ tour xem thú đêm đặc trưng tại rừng Nam Cát Tiên. Từ trụ sở Vườn xe ôtô sẽ đưa bạn đi xuyên qua những khu rừng và những bãi cỏ tranh nối tiếp nhau. Trong bóng đêm tĩnh lặng của rừng, dưới ánh sáng đèn xe ô tô và đèn pha, bạn có thể nhìn thấy những đàn Nai đang nhởn nhơ ăn cỏ, những chú lợn rừng đang di chuyển kiếm ăn trong đêm, những chú mèo rừng với đôi mắc sáng như sao trong đêm, những chú chim cuộn mình rúc vào nhau đậu trên những cành cây thanh bình ngủ… Tất cả tạo nên cho bạn một cảm giác thú vị như được chạm tay vào thiên nhiên hoang sơ một cách trọn vẹn nhất.
Ngoài việc được hoá mình thanh thiên nhiên một cách sống động nhất, được lắng tai nghe đâu đây văng vẳng tiếng thú rừng hay tiếng chim hót vang lanh lảnh, lắng nghe tiếng suối róc rách reo, bạn còn có cơ hội trải ngiệm văn hoá của người dân bản địa nơi đây. Họ - cộng đồng dân tộc bản địa là Mạ và Stiêng với những nét sinh hoạt còn đậm tính truyền thống, một kho tàng văn hoá đặc trưng như: lễ hội đâm trâu, những truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo, những nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hoá và tâm linh như: bộ cồng chiêng, trống, khèn bầu, tù và, sáo trúc…
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về con người và văn hoá từng hiện diện nơi rừng thiên này, mời bạn đến với Thánh địa Cát Tiên. Toàn bộ khu di tích đáng giá này nằm trải dài từ Quãng Ngãi đến xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên. Thánh địa Cát Tiên nằm dọc sông Đồng Nai, gồm nhiều quả đồi và bãi bồi ven sông, bao vây bởi những dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Nơi đâyđược công nhận là di chỉ văn hóa khảo cổ cấp Quốc gia. Trong quá trình khai quật thánh địa Cát Tiên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều bộ Linga và Yoni bằng nhiều chất liệu khác nhau có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V (sau Công nguyên).
Thời gian tốt nhất các bạn nên đi Nam Cát Tiên là khoảng tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Đi vào mùa này sẽ tránh được những cơn mưa nhiệt đới và các sinh vật như vắt và muỗi - mà vắt và muỗi Nam Cát Tiên có thể nói là nhiều không đếm xuể và "khét tiếng" cả xứ Nam này. Tuy nhiên đi đường rừng mùa mưa, bạn cũng sẽ cảm nhận được cái đẹp lãng đãng khói sương của Nam Cát Tiên mùa nước nổi, những con đường rừng ngập tràn cánh bướm chấp chới và những con đường với những chùm hoa tím thơ mộng ngả mình , đung đụa theo từng cơn gió nhẹ.

Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, khám phá thú vị. Hãy lên đường, và biết đâu bạn là người may mắn khi gặp và chụp được những bức hình tuyệt đẹp của các loài động thực vật quý hiếm nơi đây.
Cát Tiên - Vùng đất của sự hội tụ văn hoá, thiên nhiên một cách hài hoà nhất. Cát Tiên đón bạn bằng khung cảnh thơ mông, xanh bạt ngàn đồi núi với bản hoà ca bất tận của chim muông và hoa lá để rồi lưu luyến từng bước chân du khách cũng với vẻ mộc mạc, xanh trong đầy sức sống của mình.
Hiện nay công ty du lịch Hành Trình Việt có tổ chức tour riêng cho từng nhóm du khách từ hai khách trở lên khám phá rừng Nam Cát Tiên. Mời các bạn tham khảo tại đây: Tour du lịch Nam Cát Tiên.
Điều hành tour du lịch tại Hành Trình Việt - Vietventures.
Email: resa05@vietventures.vn
Bài viết có sử dụng thông tin từ các nguồn sau:
http://www.namcattien.vn/
http://diendandulich.vn/.
Tổng hợp bởi Thương Thương
Theo http://www.dulichhanhtrinhviet.com/


  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...