Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Cảm nhận tác phẩm "Đất rừng phương Nam"

Cảm nhận tác phẩm
"Đất rừng phương Nam"

Như tác giả cuốn sách gắn liền với tuổi thơ mỗi chúng ta qua bao thế hệ: Dế Mèn phiêu lưu ký - nhà văn Tô Hoài đã từng nói: “... đọc Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi càng thấy đất nước ta đáng yêu biết bao”. Quả đúng thật như vậy. Đất nước Việt Nam ta như trong lời bài hát của người nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn “1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày…” vậy mà vẫn kiên cường, bất khuất, cương quyết bảo vệ lấy từng tấc đất, non sông tươi đẹp của cha ông bao đời gầy dựng.
Quê hương ta đẹp lắm! Trên đường Hà Giang ra biên giới, có những dãy núi đá xám xanh lô xô kéo từ Vằn Chải lên Sà Phìn rồi Má Lé- chỗ chóp nón tận cùng đất nước đối xóm Mũi Cà Mau trông ra biển Đông trong ấy. Đất rừng phương nam của Đoàn Giỏi đã khơi gợi ra bao nhiêu quang cảnh và con người trên khắp đất nước đáng yêu.
Việt Nam đẹp lắm ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Có thể nói Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là những khám phá tinh tế, đặc sắc, được sàng lọc một cách cẩn thận về cái đẹp của thiên nhiên, con người, đất nước. Đất rừng phương nam của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ miêu tả cụ thể, đặc sắc vẻ đẹp hoang sơ của những vùng đất mới, khắc họa rõ nét sự chất phác, hiền lành, đôn hậu nhưng cũng không kém phần anh dũng của những người con chân lấm tay bùn của miền nam mà nó còn đưa ta đi tới mọi phương trời, góc bể của đất nước mình, từ Bắc chí Nam rồi tới vùng cực nam Tồ Quốc, ra tiếp liền tới biển Đông lúc nào không biết qua những ngày lưu lạc của cậu bé An.
An - một cậu bé tuổi chừng 13, 14 tuổi, “lớn lên trong cái thành phố vừa đông vui trù mật vừa yên tĩnh dịu dàng, tràn ngập một thứ gió gió sông nhiễm đầy mùi phù sa và nắng ấm”, sống hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu ruột thịt. Cho tới một ngày những thứ ấy đều tan biến. Sau cái ngày “đằng mình” cướp được chính quyền, bọn thực dân Pháp đã nổ súng đánh ta ở Sài Gòn, Tân An, Định Tường và rồi tới Mỹ Tho… trong khi ta còn án ngữ ở hai đầu cầu quan trọng trên 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. “Đùng… đoàng… àng… àng…” giặc đã chính thức kéo vào thành phố nơi An sống.

Chạy giặc rồi mẹ mất, mẹ dặn phải đi tìm cha (cha An làm cách mạng), cậu bé bắt đầu bước vào cuộc sống phiêu bạt khắp đất rừng phương Nam. Bằng những từ ngữ miêu tả sinh động, khắc họa rõ nét tác giả đã đưa ta tới bối cảnh khi Pháp tấn công miền Nam, cuộc chạy giặc của những người dân thành thị, sự chất phát, đôn hậu, giàu lòng thương người, đùm bọc, sẻ chia của những người nông dân đối với những con người đồng bào mà họ chưa từng quen biết, sự anh dũng của những người dân nghèo yêu nước
“Ai có dao dùng dao, có mác dùng mác, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mới phôi thai”.
Bắt đầu cuộc sống lưu lạc, phiêu lưu, cả một vùng đất phương nam rộng lớn như hiện ra trước mắt An. Nếu như những cửa sông Hằng ở Ấn Độ trắng xóa những cồn cát và những bãi cát pha đỏ ối màu trời sớm rực nắng. Hay các cửa sông Đa-nuýp ở Trung Âu bờ sậy xanh rờn ngang mặt. Thì cửa sông Cửu Long hùng vĩ đổ ra biển ở vùng đất mũi như bộ râu quai nón oai phong mà từng sợi râu là vô vàn những con đường nước chi chít, li ti. Ở phương nam nước ta, có những cánh rừng bao bọc ra tận cửa sông. Càng đổ về vùng cực nam Tổ quốc, càng nhiều kênh rạch, vũng lầy, rừng lá với những cái tên nôm na, bình dị, tưởng chừng như rất quen thuộc: Năm Căn, Bọ Mắt, Mái Giầm, … Không những thế ta còn được chứng kiến một hệ sinh thái đẹp đẽ, sống động đến lạ lùng. Những con cá trê, cá lóc từng đàn, cá sấu, kì đà cho đến những con rắn cạp nong cạp nia, hổ mang, hồ lửa, nai, vượn, khỉ, và còn có cả những con hổ, báo,… nữa. Rừng ngập mặn, rừng đước cùng biết bao những loài chim muôn hình vạn trạng, những mối quan hệ cộng sinh giữa các loài đã tạo nên một bức tranh về miền đất rừng phương nam hoang vu nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ, sinh động, tràn đầy những sắc màu tuyệt đẹp. Vùng đất rừng phương nam hoang sơ dưới ngòi bút đầy sáng tạo của Đoàn Giỏi đã trở nên sống động, nhộn nhịp đến kì ảo, là một kiệt tác không thể nào chối bỏ của thiên nhiên. Không chỉ được khám phá một vùng đất với biết bao điều kỳ thú, cậu bé An còn được gặp gỡ, quen biết với những người con anh dũng của đất rừng phương nam như ông bà Hai, chú Võ Tòng, dì Tư Béo, lão Ba Gù, thầy Bảy, chú Huỳnh Tấn,…và cậu còn được giáp mặt với bọn gián điệp sâu dân hại nước, bán rẻ mảnh đất quê hương, phản bội lại giống nòi như vợ chồng Tư Mắm,…
Được tận mắt nhìn thấy cảnh nhân dân ta bị bọn xâm lược, bè lũ tay sai áp bức; những chiến sĩ cách mạng yêu nước bị đối xử tàn bạo; những cuộc biểu tình, khởi nghĩa của nhân dân ta bị đàn áp dã man; được tiếp xúc với những con người yêu nước, tất cả đã hun đúc trong An một lòng yêu nước mãnh liệt. An nhận ông bà Hai làm cha mẹ nuôi, từng bước tham gia con đường hoạt động cách mạng. Và rồi lúc kết thúc tác phẩm, cậu bé An ngày nào đã trở thành một người chiến sĩ du kích, đã làm được điều từ bấy lâu mình hằng mong ước: gia nhập đội quân du kích, cầm súng chiến đấu chống lại quân thù, góp chút sức mình trong công cuộc giành độc lập, tự do dân tộc.

Bằng những quan sát tinh tế, cụ thể, lời văn đặc sắc, miêu tả chi tiết, từ ngữ có sự chọn lọc kỹ càng nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, bình dị, óc sáng tạo nhạy bén nhưng cũng không kém phần chân thật; tất cả đã tạo nên một Đất rừng phương nam đầy màu sắc, hoang vu nhưng không kém phần đẹp đẽ, sinh động, lôi cuốn người đọc từng câu từng chữ, đưa ta tới vùng đất rừng phương nam thật xa nhưng cũng thật gần. Tác giả đã cho ta thấy trên vùng đất mới ấy, người ta đã lặn lội khai phá, chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đấu tranh với những loài ác thú ở dưới nước trên rừng vì bản năng sinh tồn. Tệ hơn hết thảy, họ phải đối mặt với bọn xâm lược tàn bạo, bè lũ tay sai hung ác. Tất cả các bước hiểm nguy đó đều được cắt nghĩa từ bộ mặt thật của tình hình xã hội nước ta đương biến đổi lúc bấy giờ.
Không chỉ vẽ nên quang cảnh đất rừng hùng tráng, nhà văn Đoàn Giỏi đã khéo léo lồng ghép trong đó số phận của những người dân đen thấp cổ bé miệng, chịu sự đối đãi bất công của chế độ xã hội lúc bấy giờ. Không phải tự nhiên những người bình thường như vợ chồng ông Hai, chú Võ Tòng tự nhiên muốn ngang tang đi dựng lều ở khuất nẻo rừng rồi thả thuyền đi câu rắn, tìm mật ong. Họ vốn chỉ là những người nông vốn hiền lành chất phác quen làm ăn và chung sống quay quần làng xóm đông vui. Nhưng bọn chúa đất, Tây chủ nào để họ được yên. Với trí óc quật cường và đôi bàn tay làm nên tất cả họ vẫn sống, vẫn tiếp tục âm thầm góp chút công sức giành độc lập quê hương.
Nhưng bọn chúng nào chịu để yên. Cuộc sống ở đâu cũng quyết liệt, bao nhiêu lần phải lao mình vào kiếm cái sống giữa đất trời mênh mông, hoang vu. Bởi vậy, cả đến các em bé cũng biết rằng mình cũng cần phải đứng lên đánh giặc! Ý nghĩa to lớn ấy đã được tỏ rõ sâu sắc trong Đất rừng phương nam.

Tôi cũng như các bạn, cũng đã từng đọc khá nhiều câu chuyện phiêu lưu li kỳ, hấp dẫn, chẳng kém gì những ngày lưu lạc của cậu bé An trong tác phẩm. Nhưng những nét đặc sắc trong tác phẩm Đất rừng phương Nam đã lôi cuốn tôi, đưa tôi quay ngược dòng không gian và thời gian đưa tôi về với cảnh rừng phương nam trù phú, hoang sơ. Cách dẫn chuyện lôi cuốn cùng với những hình ảnh miêu tả cụ thể chi tiết về đất rừng phương nam được lồng ghép thêm những thước phim sinh động chân thật tình hình miền Nam lúc bấy giờ trong giai đoạn lịch sử, lòng yêu nước nồng nàn của người dân tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn đến không ngờ tới người đọc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, bao cuộc bể dâu, cuối cùng dân tộc ta cũng được giải phóng. Sự kiện ngày 30-4-1975 lịch sử đã đánh dấu cột mốc quan trong trong trang vàng lịch sử chói lọi của ta: miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kì hòa bình và công cuộc đổi mới đất nước trong thời kì gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, nhưng những cảnh rừng nguyên thủy, hoang vu, những loài động vật quý hiếm đã không còn nữa. Còn thấy chăng là qua sách vở, báo đài, hay ờ các rừng quốc gia. Công nghiệp hóa hiện đại hóa đã kéo theo một loại vấn đề về môi trường. Rừng xanh không còn, chim muông cũng không thấy, trẻ con trong tương lai sẽ không còn thấy được thế nào là rừng xanh và thế nào là muông thú; còn người lớn chỉ còn thấy còn sót lại một chút hoài niệm mà thôi. So sánh thực trạng bây giờ và những gì ta thấy được trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi sao thật khác biệt, thật làm người khác chạnh lòng.
Chúng ta sau khi đọc xong tác phẩm này hãy tự mình đặt ra câu hỏi: “Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không bảo vệ môi trường thì liệu những năm sắp tới đây, những thế hệ nối tiếp chúng ta sau này sẽ có còn thấy một đất rừng phương nam hùng tráng, oai vệ như trong tác phẩm có được hay không?. “Chúng ta sau khi đọc xong tác phẩm hãy gióng lên một hồi chuông báo động, chung tay trả lại cho đất rừng phương nam nói chung và toàn thế giới nói riêng vẻ đẹp thuần khiết trong sáng tựa như ánh ban mai lúc đầu, không còn bị tàn phá ô nhiễm.

Nếu bạn chưa từng đọc Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi thì xin hãy đọc một lần, tôi dám cá với bạn rằng bạn sẽ không tài nào rời mắt được nó và rồi sẽ giống như tôi nhận ra rằng có những điều tưởng chừng như bình thường, những vẻ đẹp tưởng chừng như giản dị, dưới ngòi bút đầy sáng tạo, sắc nét của nhà văn Đoàn Giỏi đã trở thành một tuyệt tác không thể nào chối cãi, một bức tranh về sự sống ở đất rừng phương nam đầy màu sắc, muôn hình vạn trạng, biến đổi kì ảo đến không ngờ và càng thêm yêu cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam.

 Tường Vy
Theo http://truongphunhuan.edu.vn/





Nếu em không phải một giấc mơ

"Nếu em không phải một giấc mơ"...
If only it were true by Marc Levy
Nếu em không phải một giấc mơ 
Marc Levy
"Đơn giản là một cuốn tiểu thuyết kỳ diệu."
New York Post 
"Nếu em không phải một giấc mơ" là tác phẩm được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp "Et Si C'etait Vrai?". Cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện về tình yêu vượt trên tất cả. Chính từ nội dung mà nhà văn Marc Levy đề cập đến, đã bày tỏ cho thế giới giá trị cao vời của tình yêu. Bên cạnh đó, tình yêu luôn luôn được thử thách. Với niềm tin tưởng và trân trọng lẫn nhau, tình yêu sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại nhất trên trần gian mà không gì có thể đánh bại được.
"Đây là cuốn sách mà tác giả của nó, một kiến trúc sư người Pháp ở San Francisco, đã khiến Hollywood sôi sục..."
- Publisher Weekly -
Qua "Es Si C'etait Vrai?", nét ảo mộng nhưng hiện thực đã tạo nên thương hiệu của Marc Levy. Ông như một người hướng dẫn, một người thầy, một người thuyền trưởng, đưa chúng ta đến với những mảnh đất của tình yêu. Cuốn tiểu thuyết vừa đề cao tình yêu, vừa đề cao giá trị nhân sinh, khi đặt con người vào ranh giới giữa sự sống và cái chết. Ba trăm linh một trang sách mang lấy một bài học triết lí tưởng chừng rất khô khan, nhàm chán, nhưng lại tràn đầy nhựa sống, chút hoang đường và vô cùng chân thật.

Điều đặc biệt nơi cách viết của tác giả, thể hiện qua cách ông xây dựng hình tượng hai nhân vật chính. Nàng bác sĩ trẻ đầy cá tính Lauren và chàng trai lạ mặt hiền lành Arthur. Cô gái trẻ bất ngờ gặp tai nạn và rơi vào cơn hôn mê sâu thẳm, sau một lần tưởng chừng như đã chết. Nằm bất tỉnh trên giường bệnh, Lauren cảm thấy bất lực khi phải chứng kiến hết người này đến người khác lo lắng và quan tâm đến cô. Và lạ lùng thay, khi linh hồn lang thang của Lauren được gặp gỡ một Arthur trọn vẹn cả xác lẫn hồn. Nhưng, duy chỉ có Arthur mới có thể nhìn thấy Lauren và biết đến câu chuyện của cô nàng "Hồn ma" này. Lần đầu gặp nhau trong đầy hoài nghi, nhưng Lauren đã thuyết phục Arthur hãy tin cô:
"Những gì tôi sắp nói với anh thật khó tin, khó chấp nhận, nhưng nếu anh chịu lắng nghe câu chuyện của tôi, nếu anh có thiện chí cho rằng tôi nói thật thì có thể là cuối cùng anh sẽ tin đấy, và anh có tin hay không là một việc rất quan trọng vì anh là người duy nhất mà tôi có thể chia sẻ điều bí mật này, mặc dù anh không hề hay biết."
Trích "Nếu em không phải một giấc mơ"
Vượt qua trở ngại về những lí thuyết y học cũng như khoa học, một linh hồn và một con người lại có thể nảy sinh tình yêu. Lauren đặt mọi niềm tin mà cô có vào Arthur. Còn Arthur, anh tin Lauren như một điều đúng đắn nên làm. Là hai người hoàn toàn xa lạ, nhưng anh đã chọn tin tưởng Lauren, chọn bước vào cuộc đời của cô ấy và chọn để đón nhận tình yêu mà cuộc sống ban tặng. Mặc những suy nghĩ và mọi người người xung quanh dị nghị, Arthur cũng đặt niềm tin vào Lauren, vào câu chuyện của cô ấy. Cả hai không tình cờ chọn nhau để trao phó niềm tin, mà chính tình yêu chọn họ. Để từ đó, hai người cùng nhau đi tìm sự sống cho Lauren.

Đồng thời, bên nhau trọn vẹn từng chút thời gian ít ỏi còn lại. Tình yêu được xây dựng và gìn giữ bằng sự tin tưởng lẫn nhau, sẽ là một tình cảm vượt lên trên tất cả. Với Lauren và Arthur, tình yêu của họ đã vượt lên mọi thứ, kể cả khi bị thử thách ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Marc Levy không những thành công trong việc xây dựng câu chuyện và các nhân vật, mà ông còn làm rất tốt với việc truyền tải thông điệp nhân văn đến người đọc. Một góc nhìn khác về trạng thái hôn mê, những khía cạnh sâu thẳm bên trong giấc ngủ mê đó, Marc Levy đã tạo nên một không gian mơ hồ và quá đỗi nhẹ nhàng. Những linh hồn mong mỏi vực dậy được thể xác, khao khát thời gian, ước ao được sống, yêu và được yêu của con người, tất cả đều được bày tỏ qua ngòi bút của một văn sĩ người Pháp. Từ bối cảnh con đường lúc ban mai, nơi bệnh viện vắng vẻ, đường nét ngòi bút của tác giả đã miêu tả không thể đẹp hơn cảnh vật và không gian. Điểm sáng nhỏ khác nơi tác phẩm này, chính là chi tiết tai nạn, một điều không hề tốt đẹp, nhưng lại trở nên chậm rãi và nhẹ nhàng qua bàn tay của Marc Levy.Tình yêu giữa Arthur và Lauren không đơn thuần được viết bằng tài năng nghệ thuật, mà nó còn được trọn vẹn nhờ tâm tư tình cảm và những kinh nghiệm sống của Marc Levy. "Nếu em không phải một giấc mơ" chính là giấc mơ đẹp của tình yêu được hóa thành hiện thực.
Toàn bộ câu chuyện lôi cuốn người đọc từ những khung cảnh đầu tiên rất êm ái, cho đến cái kết "đậm chất Marc Levy". Quyển sách khép lại với kết thúc không dễ đoán trước, nhưng vô cùng thích hợp để tạo điểm nhấn giúp tác phẩm trở nên đáng nhớ trong lòng độc giả.
"Một câu chuyện tình ấm áp, không thể nào quên, lay động trái tim độc giả từ đầu đến cuối."
Audio File 
"Es Si C'etait Vrai?" là tác phẩm đầu tiên thành công ngoài sức tưởng tượng của Marc Levy. Cuốn tiểu thuyết trong sáng, giản dị với câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng mà sâu sắc này đã được phiên dịch sang hơn ba mươi bảy quốc gia. Ở Việt Nam, nhờ lời dịch của Nguyễn Thị Bạch Tuyết, câu chuyện tình của Lauren và Arthur được đến gần với các độc giả nước nhà. Nhà xuất bản Nhã Nam đã có những nhận xét rất xúc tích về tác phẩm hấp dẫn này:
"Nếu em không phải một giấc mơ là như thế, một chuyến phiêu lưu nhiệt thành và nhẹ nhõm, đã mang trong mình tinh túy của một tình yêu lãng mạn, mở ra cánh cửa trước khả năng vô biên của con người khi trong lòng có niềm tin... "
Giữa cuộc sống ngày nay, khi mà con người ta dần lãng quên giá trị của tình yêu đích thực, thì thế giới rất cần những câu chuyện này, những cuốn tiểu thuyết như thế này. Không phải vô tình mà những giá trị nhân văn sâu sắc trong các tác phẩm ngày bị mai một. Nhưng là do cuộc sống mỗi ngày mỗi đổi thay, con người tìm thấy nhiều điều và chợt thay thế những giá trị cao đẹp ấy. Một điểm đáng lưu ý, dưới lối viết của Marc Levy sẽ khiến các bạn trẻ yêu thích, ham mê đọc sách dễ nhận ra. Chúng ta cần nhiều hơn nơi các tác phẩm văn học ngày nay, một thông điệp nhân văn, hơn những điểm chạm đến cảm xúc nhưng hời hợt. Việc cho ra một tác phẩm không phải không quá khó, nhưng việc truyền tải thông điệp đúng nghĩa lại vô cùng quan trọng. Một thông điệp đúng đắn sẽ dẫn dắt cả một thế hệ. Ngày hôm nay là Marc Levy - nhà văn Pháp, ngày mai và tương lai sẽ là giới văn học Việt Nam.
"Nếu em không phải một giấc mơ" là cuốn tiểu thuyết phù hợp với hầu hết mọi đối tượng. Số trang không quá nhiều và gắn mác "dày cộm" như các quyển tiểu thuyết khác thường thấy. Bài học tình yêu mang tính nhân văn của Marc Levy rất hợp với "túi tiền" của các độc giả. Bìa sách lại vô cùng tươi trẻ, không quá sặc sỡ, không quá tối, rất vừa ý các bạn đọc có đôi mắt thẩm mỹ cao. Và nội dung, hứa hẹn sẽ làm thổn thức trái tim của bạn đọc. Tìm mua, đọc sách và cùng nói lên cảm nghĩ của mình ra thế giới nhé.
Nguyễn Bảo Ngọc Trâm
Theo http://truongphunhuan.edu.vn/


Cảm nhận về cuốn sách "Ngồi khóc trên cây"

Cảm nhận về cuốn sách 
"Ngồi khóc trên cây"
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn mà tôi rất yêu thích. Sách của ông thường hay viết về tình yêu trong sáng của tuổi học trò, mỗi cuốn sách của ông luôn mang lại những màu sắc khác nhau. Lúc thì nhẹ nhàng, hồn nhiên lúc thì ngân nga, bay bổng. Tất cả đều mang đến những cảm xúc thật tuyệt vời. “Ngồi khóc trên cây” là một trong số những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã để lại cho tôi cảm xúc thật trọn vẹn.
Tình yêu trong sáng như những bông hoa vừa hé nở. 

“Dài nhanh lên với
Tóc xõa ngang mày
Lớn nhanh lên với
Bé bỏng chiều nay.”

Chuyện kể về cô bé Rùa hồn nhiên, trong sáng ở tuổi mười bốn đầy sự ngây ngô và anh chàng Đông là người duy nhất thân thiết và luôn lắng nghe Rùa. Cuộc gặp gỡ đầy lạ lẫm rồi trở nên thân thiết lúc nào không hay? Một khu rừng mà chẳng ai đặt chân đến trừ những người thợ săn lại là nơi mà bé Rùa đã dẫn Đông đến, là nơi mà cô bé đã bảo vệ những loại động vật, đã dùng những loại cây cỏ, thảo dược có sẵn trong rừng để chữa lành vết thương cho chúng và đó cũng là nơi mà nụ hôn đầu vụng dại diễn ra thật nhẹ nhàng trong một buổi chiều mưa.

“Ở trong xa cách
Một đôi vai gầy
Ở trong tan vỡ
Nụ cười thơ ngây”

“Tôi dặn lòng lần này về tôi sẽ bù đắp cho con Rùa. Tôi tặng sách cho nó đọc, lên xóm chơi với nó mỗi ngày và khi không có ai tôi sẽ cầm tay nó mà không đợi nó phải nhắc.” Khi tình cảm đang dần lớn lên theo từng ngày cũng là lúc chàng Đông phải quay lại thành phố và biết bao nhiêu sóng gió diễn ra sau đó. Trong khoảng thời gian đó tình cảm của Rùa và anh chàng Đông không hề với đi mà còn sâu đậm hơn hết. Đằng đẵng 4 năm trời cũng đến ngày mà Đông trở về làng nhưng lúc đó thì Rùa đã mất trong một cơn bão lớn. Nó vốn là đứa bơi giỏi nhất làng nhưng khi nó cố hết sức cứu những đứa bé nhỏ hơn thì nó đã bị nước chảy xiết cuốn trôi. “Rồi tôi sẽ nói với nó tôi sẽ không bao giờ xa nó lâu như lần trước. Ờ, không bao giờ có chuyện như thế nữa…” Trở về lại nơi thân thương đến thế cứ ngỡ là sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết nhưng không sao tin được Rùa là ra đi không một lời từ biệt.
“Ngôi sao may mắn
Một ngày rồi thôi
Về nhìn nước chảy
Nghe sông vắng người.”

Hồi đó con Rùa rất thích dẫn Đông đến khu rừng để chăm sóc những con thú của nó, nó mân mê và yêu thương chúng vô cùng. Đến bây giờ thì chỉ còn mỗi Đông đi vào khu rừng và bảo vệ chúng như đã từng làm với Rùa, không còn Rùa giờ chỉ toàn là nỗi buồn.
“Tim tôi như ngừng đập khi tôi nhận ra đó là con Rùa.. Như vậy là con Rùa đã giữ lời hứa. Nó đã cố lớn, và cố sống, để đợi tôi về.”
“Chỉ có nước mắt tuôn ra dàn dụa trên mặt tôi, thi nhau rơi xuống”
Câu chuyện khép lại với cảm xúc thật đong đầy, giọt nước mắt đã xóa tan những nỗi niềm. Nước mắt không chỉ là buồn đau mà nó còn là một sự hạnh phúc tột cùng. Thứ hạnh phúc mà phải trải qua biết bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu hồi hộp thót tim cuối cùng cũng đã đến. Những ngôn từ giản dị, nhẹ nhàng, những câu chuyện về tình yêu thật trong sáng pha chút mặn đắng đã khiến cho tôi liên tưởng đến những chuyện tình của ngày xưa ấy.
“Ngồi khóc trên cây” quả thật là cuốn sách mà tôi rất yêu thích. Tôi thích những gì nhẹ nhàng mà không quá ồn ào. Nó mang lại cho tôi những cảm xúc lâng lâng và khiến tôi thèm có được một tình yêu như thế. Đôi khi tình yêu không cần quá mãnh liệt mà thay vào đó là một chút sâu lắng và nhẹ nhàng thì cũng thật hay ho. Chắc chắn tôi sẽ không thể kể hết, phần thú vị ở sau bạn hãy tìm và đọc thì mới có thể cảm nhận được hết sự trọn vẹn và đọng lại ở trong lòng.

Đinh Hoàng Thanh Trúc
Theo http://truongphunhuan.edu.vn/



Cảm nhận 12 câu thơ đầu trong đoạn trích "Trao duyên"

Cảm nhận 12 câu thơ đầu 
trong đoạn trích "Trao duyên"
Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) tên chữ là Tố Như là một thiên tài văn học, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Truyện Kiều là một tuyệt tác của Nguyễn Du, bài thơ như tiếng khóc ai oán của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những thối nát, bất công. Đoạn trích “Trao duyên” đã nói lên nỗi lòng đau xót của Thúy Kiều khi phải trao mối tình mặn nồng giữa nàng và Kim Trọng cho Thúy Vân, cũng là phần mở đầu cho cuộc đời đầy đau khổ của Thúy Kiều. Và đặc sắc nhất có lẽ là 12 câu thơ đầu. Chỉ 12 câu nhưng sao như tiếng nấc uất nghẹn ngào.
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ chân tình, thuần hậu để nói chuyện với Thúy Vân. Từ “cậy” được sử dụng thật đặc sắc, là “cậy” chứ không phải “nhờ”, người được “cậy” khó lòng từ chối. Thúy Kiều đã đặt hết niềm tin tưởng của mình vào Thúy Vân và Thúy Vân không thể thoái thác được và phải “chịu lời”. Kiều đã đặt Vân lên vị trí cao hơn, hạ mình xuống như để van nài, kêu xin. Không có người chị nào lại xưng hô với em mình bằng những từ ngữ tôn kính chỉ dùng với bề trên như “thưa, lạy”. Kiều muốn chuẩn bị tâm lí cho Vân để đón nhận một chuyện hệ trọng mà nàng chuẩn bị nhờ cậy em bởi nàng hiểu rằng việc mà nàng sắp nói ra đây là rất khó khăn với Vân và cũng là một việc rất tế nhị:
“Hở môi ra những thẹn thùng
Đề lòng thì phụ tấm lòng với ai”
Từng từ được thốt ra đều được nhân vật cân nhắc kỹ càng, chọn lọc, Nguyễn Du đã sử dụng những từ ngữ rất “đắt”. Cái hay, cái sắc của từ ngữ cũng chính là cái tinh tế trong thế giới nội tâm mà Nguyễn Du muốn diễn tả. Sự chọn lọc chính xác ấy cho ta thấy Kiều đã suy nghĩ rất nhiều, rất kĩ rồi mới quyết định trao mối nhân duyên mà nàng đã từng mong ước sẽ “đơm hoa kết trái”, mối nhân duyên mà nàng mong ước sẽ được lâu bền lại cho Thúy Vân:
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
“Gánh tương tư” là của chị, tình yêu sâu nặng là của chị nhưng giờ giữa đường lại “đứt gánh” còn đâu. Tơ duyên là của chị, khi đến với em nó đã là “tơ thừa”. Chị hiểu em tuổi còn trẻ có thể chưa biết đến tình yêu. Đáng lẽ em còn được hưởng bao mật ngọt của tình yêu nhưng xin em hãy xót người chị bạc mệnh này mà đáp nghĩa cùng chàng Kim. Ôi! Lời của Kiều thật thống thiết. Cái băn khoăn của Kiều là băn khoăn cho Kim Trọng phải lỡ làng nhân duyên. Cái ray rứt của Kiều là ray rứt cho Thúy Vân phải “chắp mối tơ thừa” của mình. Từ “mặc” sử dụng ở đây không phải là mặc kệ em, mặc cho ra sao thì ra mà có nghĩa là Kiều muốn phó thác, giao phó trách nhiêm lại cho Thúy Vân, tin tưởng tuyệt đối vào sự cậy nhờ của mình nơi Vân.
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày hẹn ước khi đêm chén thề”
Từ “khi” được lặp lại ba lần như muốn nhấn mạnh tình cảm mà Kiều dành cho Kim Trọng nào đâu phải tình cảm một sớm một chiều. Những kỉ niệm đẹp giữa nàng và Kim Trọng như sống lại trong những câu thơ “ngày hẹn ước, đêm chén thề”. Câu thơ ẩn chứa những tình cảm ngọt ngào, những niềm vui nhưng cũng nghe như tiếng nấc nghẹn của Thúy Kiều, những kỉ niệm đẹp ấy sẽ kết thúc, chỉ còn lại chuỗi ngày bi thảm tiếp sau.
“Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
“Sóng gió bất kỳ” là khi Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan, cha và em Kiều bị bắt, Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Những biến cố xảy ra liên tục, đẩy Kiều vào chỗ bế tắc, là người chị cả, Kiều phải hi sinh bản thân mình để gia đình được đoàn tụ, êm ấm, bởi lẽ: “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”.
Chữ Hiếu là một phạm trù đạo đức trong đạo Nho, vì hiếu con người ta phải dẹp bỏ tình riêng, là một quan niệm đạo đức phổ biến của người xưa. Và Kiều cũng thế, nàng không bao giờ cho phép mình trở thành người con bất hiếu. Nàng đã chôn vùi tình cảm riêng tư để báo hiếu cho cha mẹ:
“Nỗi riêng riêng những bàng hoàng
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn”
Khi đã quyết định bán thân chuộc cha và em, Kiều lại nhớ đến Kim Trọng, nàng tự thấy mình là người phản bội, không xứng đáng với chàng:
“Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa”
Ở đời, phàm, người ta thường hi sinh tất cả mọi thứ vì tình yêu. Là người ai chẳng khát khao được gắn bó với người mình yêu. Và ở người con gái đa sầu đa cảm như Kiều thì khát vọng ấy lại càng mạnh mẽ gấp bội, vì tình yêu nàng đã từng vượt qua cả lễ giáo phong kiến khắc khe nhất để “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Vậy mà giờ Kiều lại đành lòng vứt bỏ, thật đau đớn xiết bao! Nhưng vì:
“Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”
Có lẽ chỉ có những người con gái mang trong mình trái tim bao dung như Thúy Kiều mới đủ sức mạnh để làm những việc tưởng chừng khó khăn nhất như thế!.
Sợ chưa thuyết phục được em, Kiều đã dùng hết lý lẽ, sự tỉnh táo nhất của lí trí để trải lòng cùng em:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non”
Đúng vậy, Thúy Vân còn trẻ, còn nhiều thời gian vun đắp cho tình cảm riêng tư nên xin hãy nhận lời chị kết duyên cùng chàng Kim. Để thêm thuyết phục và Vân không thể chối từ, Kiều đã đem “tình máu mủ” ra để cầu xin Vân. “Máu chảy ruột mềm” còn gì thiêng liêng hơn tình chị em gắn bó, ruột thịt. Em hãy giúp chị thay “lời nước non” cùng chàng. Kiều cũng đã đặt mình vào địa vị của Vân, phải kết duyên cùng người mình không quen biết, mà còn là người yêu của chị mình, ta có thể cảm nhận ở đây Thúy Vân là người thiệt thòi nhất…
Tuổi của Kiều và Vân xấp xỉ nhau “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” thế nhưng đối với Kiều giờ đây, tuổi xuân của nàng đã kết thúc. Khoảng thời gian xuân xanh đẹp đẽ giữa nàng và Kim Trọng nay chỉ còn là những kỷ niệm mà không có tương lai. “Trao duyên” cho em, nghe thật kì lạ nhưng trong hoàn cảnh của Kim,Vân, Kiều thì đây là một việc không khó hiểu trong xã hội phong kiến ngày xưa. Những dòng nước mắt không thể chảy ra nhưng cứ âm ỉ, phảng phất trong từng câu, từng chữ… Nỗi đau đớn đến xé lòng nhưng vẫn phải dằn xuống, kìm nén để nói những lời trao duyên cho em. Thật đau xót thay! Chữ Tình đối với Kiều vô cùng quan trọng, thế nhưng nàng lại từ bỏ nó để làm tròn chữ Hiếu. Mất đi tình yêu đối với nàng là mất đi tất cả. Nói đến đây Kiều tưởng như cuộc đời mình đã kết thúc, không còn gì để luyến tiếc, níu giữ:

“Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Bản thân phải hi sinh, Kiều không đắn đo thiệt hơn, nhưng khi nhờ cậy đến em gái thì đó là một cái ơn lớn đối với nàng. Cho nên lời nhờ cậy của Kiều thật thiết tha, lời cảm tạ của Kiều thật sâu sắc, cảm động. Xét về ngôn từ thì lời nói của Kiều khẩn thiết mà vẫn đúng mực, kêu nài mà vẫn chí nghĩa chí tình. Nhờ cậy thì vịn đến tình máu mủ ruột thịt. Cảm tạ thì đề cao ơn nghĩa của Thúy Vân và nói đến sự bạc mệnh của mình. Kiều quả thật là người “sắc sảo mặn mà”.
Kiều đã hy sinh tất cả, kể cả cuộc đời nàng đang độ xuân xanh vì gia đình. Thúy Vân dù có vô tư đến đâu cũng có thể hiểu nỗi đau và sự hi sinh quá lớn của chị nên chắc chắn rằng nàng không thể khước từ và chỉ ngậm ngùi đồng ý nhận duyên từ chị. Có lẽ vì thế nên ngay từ đầu chúng ta không nghe một lời đối thoại nào của Vân mà chỉ nghe những lời thuyết phục, van nài và bộc bạch nơi Kiều. Vân đã chấp thuận.
Khi trao duyên cho em xong, Kiều đã nghĩ đến cái chết: “thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối”. Cuộc đời nàng sau khi báo đáp ơn nghĩa sinh thành thì coi như chấm dứt. bởi lẽ mất đi tình yêu là nàng đã mất tất cả, mất hi vọng, mất định hướng, linh hồn nàng như tê dại và đông cứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời đầy tăm tối ở ngày mai.
Xã hội phong kiến thối nát đã chia rẽ tình yêu đôi lứa, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, chà đạp lên số phận của người phụ nữ, những con người xinh đẹp, tài hoa:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân!”
kiếp số của họ:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Qua đoạn trích “Trao duyên”, ta nhận thấy Nguyễn Du thật sự là một bậc đại tài trong việc thấu hiểu từng khía cạnh tinh tế nhất của tâm can con người. Chính sự thấu hiểu sâu sắc ấy cùng với nghệ thuật dùng từ điêu luyện, đã khiến tác phẩm của Nguyễn Du tồn tại như một giá trị vĩnh cửu vượt qua tất cả thử thách khắt khe của thời gian, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đối tượng tiếp nhận, đã khiến cho triệu vạn người phải rơi nước mắt khóc than cho số phận nàng Kiều:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

(Kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu)
Hay như Mộng Liên Đường cũng đã từng nhận xét: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều như có máu rỏ lên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy", quả thật không ngoa chút nào!.
Phạm Thị Hạnh Dung
Theo http://truongphunhuan.edu.vn/



Gửi về em, mùa thu Hà Nội

Gửi về em, mùa thu Hà Nội
Ngày còn nhỏ, tôi vẫn nghe bà nội nói: “Mẹ nó này, hôm nay mưa dầm cả ngày, giời đất cứ như ngoài Bắc… Để phần mẹ nó bát bún thang, có cả cà cuống, không thơm bằng cà cuống Bưởi”; hay: “Trong này hoa mai vàng, mạn ngược nhà mình lại sính hoa đào...” Thế nên, đất Bắc không chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ mà còn là nỗi ràng buộc rất sâu. 
Ngày vào Nam, tôi còn quá bé, nhớ chẳng được nhiều. Nhớ nhất làng Bưởi. Lối vào làng lát gạch đỏ au. Màu đỏ cam tươi nõn ưa nhìn. Có lần dọn nhà, phải bỏ đi bao nhiêu thứ, nhưng tôi vẫn cố giữ một bình đất nung, không tráng men không hoa văn, vẻ đẹp mộc mạc, gợi nhớ những viên gạch Bát Tràng làng Bưởi.
Từ đầu làng đến nhà cậu tôi phải đi qua một cái ao. Cái ao này lớn hơn ao ở Hưng Yên quê ngoại. Quanh ao trồng môt hàng dừa vốn khá hiếm ở đất Bắc. Lá dừa xòe ra như nan quạt. Những quả dừa bé tí rụng đầy mặt ao. Bờ ao viền gạch Bát Tràng. Những bậc thang cũng lát gạch, ý chừng muốn chiều chuộng bàn chân các cô gái đi gánh nước. Các cô cẩn thận bấm chân trên cầu. Tay kéo váy đen chùng xuống bắp chân, bờ mông nhịp nhàng theo hai thùng “sắt tây”, yếm nâu buộc hờ có khi tung tăng hai quả vú vừa bằng cái bánh giò. Tôi thích nhìn theo các cô đong đưa đòn gánh trên vai. Thương không để đâu cho hết, hình như chẳng bao giờ có được cái thùng nào lành lặn. Mỗi bước đi những tia nước nhỏ xòe xuống nền gạch đỏ ngoằn ngoèo trông như một đàn giun. Chiều nào đi tắm ao, tôi cũng vòi được chạy loăng quăng theo dấu nước ấy.
Hai bên đường vào làng có những bụi dâu rực những chùm quả mầu hồng hồng đo đỏ, núm phơn phớt vàng, ăn vào chua chua ngọt ngọt. Quanh làng có những bụi thầu dầu, lá đỏ tía xòe ra như ngôi sao. Tôi xin chị hái cho mươi quả, tách ra lấy cái nhuỵ bé tí mầu trắng, trên đầu có đội một cái mũ đỏ chói. Chị kính cẩn gọi là cô tiên của Tây Vương Mẫu bị giáng xuống trần. Xếp hàng cho mươi cô tiên nằm ngay ngắn trên lá dâu xanh, tha thẩn cứ thế mà chơi cho hết một buổi sáng. Đang chơi, nghe tiếng rao của bà bán kẹo mach nha là bỏ hết cả. Tiếng bà thanh và cao như tiếng chị tôi. Nhưng thật ra bà đã già rồi. Bà gánh hai nồi đất nung, đầy kẹo mạch nha trong mầu hổ phách. Bà mặc quần chân què, yếm nâu đã bạc, chân đi đất. Tóc vấn vội vàng trong mảnh khăn đen. Mắt hấp háy kèm nhèm vì nắng. Khuôn mặt nhăn nheo chịu đựng. Lúc đó tôi cứ không hiểu tại sao có những người Hà Nội cực khổ đi khắp hang cùng ngõ hẻm đổi tóc rối và vỏ quít phơi khô. Nhưng tôi rất siêng năng nhặt tóc rối đưa cho bà nội cất vào một bình sứ nhỏ, đành đổi lấy những que kẹo mạch nha ngọt rất thanh. Bà cười rất xinh, đôi môi ăn trầu hàng răng đen đã bạc. Những người đàn bà quê hương muôn thuở đều như thế. Sắc không lộng lẫy mà lòng thuần thục. Chịu bao oan khổ tình đời mà lòng không tê tái.

Một hôm, bà nội tôi chào bà kẹo mạch nha: “Bà ơi, hôm nay bà cho bà cháu tôi đãi bà năm hào. Chào bà ở lại nhớ, mấy hôm nữa tôi cho các cháu vào Nam”. Tiếng bà kẹo mạch nha kêu toáng lên: “Lạy thánh mớ bái, sao cụ lại đi vấy?”. Giọng bà nội tôi rầu rầu: “Nào tôi có muốn đi, nhưng bố mẹ cháu đổi vào trong ấy, đâm ra phải đi theo trông cháu. Bà tính, cứ là đứt cả ruột gan chứ lại gì. Đấy, mấy ngày hôm nay đi ra đi vào chẳng còn hồn vía sất cả. Có ai muốn đi đâu bà nhể…?”. Bà nội và bà kẹo mạch nha sụt sùi một lúc, tôi nghe mãi mới hiểu là nhà tôi sắp đi xa, xa lắm. Chẳng thế mà đang ở đường Hồ Trúc Bạch, mẹ tôi mang cả nhà đến Bưởi ở với ông ngoại đợi ngày đi.
Từ lúc ấy, linh tính như báo cho tôi một cuộc chia ly. Tôi thơ thẩn trong sân, cố chơi với tất cả những gì có trong mảnh sân vuông ấy. Bể nước mưa xi măng chứa đầy nước dành uống quanh năm. Hai cây cau trồng hai bên lúc đó đang tuổi trổ hoa. Hoa cau từ từ nhú lên trong bẹ, đến lúc vỡ tung ra, từng tia trắng ngà vươn ra như cổ tay một cô công chúa mười sáu tuổi. Chị tôi nói cứ như đã được gặp một cô công chúa. Hoa cau trắng rụng lấm tấm xuống nền gạch đỏ trông như một chùm pháo bông. Chạy chơi khát nước, chúng tôi xin dì Út một gáo nước mưa. Uống phải ngửa cổ nhìn trời, dốc ngược cả gáo dừa lên mặt. Dì tôi không cho bỏ một giọt nào: “Cháu ạ, của trời cho, không được phí”. Trời nắng hoa cau thơm gắt. Nhưng khi mưa xuống, mùi hoa dịu hơn. Tôi thích nhìn dòng nước trong thoăn thoắt từ trên trời cao rơi đan nhau, trôi tuột qua tầu cau, len lỏi như một đàn rắn hối hả trườn qua chùm hoa cau trắng mướt. Dì Út và chị tôi cười khúc khích: “Hôm nay trời tắm cho công chúa”. Hạt nước như những chuỗi ngọc, quấn quít lấy những bông hoa cau, liên tiếp rớt xuống. Nước quấn hoa, hoa đỡ nước, âu yếm không rời. Dì ẵm tôi cho hai dì cháu soi bóng trong vại nước mưa. Mặt nước sóng sánh in mây trắng rắc hoa cau lấm tấm. Dì nói nhỏ vào tai tôi: “Cháu đi có quên dì không?”. Tôi úp mặt vào trong vại, tiếng nói rền vang: “Cháu nhớ dì, cháu nhớ dì cho ăn bánh đúc…”. Dì cười, đôi mắt khép lại, gò má xuân thì nhợt nhạt vì thiếu ăn chợt xinh ửng lên: “Cháu nói giống người bạn của dì quá”. Dì ôm tôi thật chặt, nhắc đi nhắc lại mãi, mắt thoáng mơ màng. Nhưng hình như không phải nói với tôi.
Về sau này, khi đọc hai câu thơ của thi sĩ Quang Dũng, 
Vại mưa in dáng mây trời
Em soi bóng có nhớ người xa em 
Tôi ngẩn người mang máng hiểu chắc lúc ấy dì đang chờ đợi. Một người nào đó ở phương xa cũng đang chờ đợi. Cả hai người cùng chờ ngày lại cùng soi bóng bên vại nước mưa. Chỉ những nhà thơ sống nhiều và yêu thật mới có thể làm được một câu thơ như thế. Câu thơ như một máy ảnh thu được hình ảnh của thế hệ 1954. Một thế hệ phủ đầy bóng tối của chia lìa. 
Hẹn mai về, hẹn mai về
Xuân rồi xuân quạnh quẽ
Người gái quê, người gái quê
Xuân buồng xuân vắng vẻ 
[1] 

Dì tôi có gặp lại người ấy hay cả hai cứ bên chờ bên hẹn? Tôi không bao giờ hỏi dì. Bởi vì tôi chưa về Hà Nôi. Nhưng lúc nào tôi chẳng gặp Hà Nội. Nhất là vào ngày giỗ chạp, bà tôi nhắc chị tôi nhớ cúng chè hoa cau.
Tôi cũng nhớ mùi hoa móng tay, bụi hoa trồng ngay cửa sổ gần giường hai bà cháu. Hoa có mùi thơm lạ. Mãi về sau tôi không tìm được hoa nào thơm biêng biếc như vậy nữa. Dì Út giã lá hoa buộc vào mười đầu ngón tay tôi, ngày mai móng ửng hồng. Hai dì cháu đang hí hửng bị ông ngoại bắt gặp mắng cho một trận nên thân. Đám con gái bị mắng suốt ngày, đủ thứ tội. Làm đẹp cũng là một tội sao? Hoa móng tay mầu ngà, nở thành chùm như hoa khế. Hoa thơm nức buổi sáng sớm khi nắng chưa lên. Còn hoa buởi lại thơm vào buổi tối. Trèo lên cây bưởi hái hoa, nhà cậu không có vườn cà cho nên vắng nụ tầm xuân.
Những ngày hôm sau ấy tôi được đi chơi với mẹ. Thật ra là chào họ hàng truớc khi vào Nam. Bà cô mở ruột tượng, cho mẹ tôi một đôi khuyên “cho cháu làm vốn nuôi con”. Ông chú ân cần dặn dò: “Này, cháu phải nhủ con cái nhớ lấy gia phả nhà mình. Người có gốc sông có ngọn. Mẹ con nhà mày đi như thế là chú lo lắm đấy.”
Các dì tôi đã soạn sẵn đồ đoàn cho mẹ. Dì Ba gói cho mẹ tôi một chục bát mẫu rất mỏng, mẹ tôi chối mãi mà không được. “Chị mang theo tập cho trẻ con, ăn cơm hẩm cũng được, nhưng bát đĩa phải cho đẹp, chị ạ. Cái nết nhà mình nó như thế.” Dì Năm ép mẹ tôi nhận tấm áo nhung huyết dụ, “Nghe nói trong Nam nóng lắm chị ạ. Biết đâu chị mang cái rét của mình vào Nam. Em mới luôn xong tà tối qua. Thầy bắt thùa khuy tết, thầy không cho dùng khuy bấm đâu. Em vừa may vội, vừa nhớ chị, kim đâm nát cả đầu ngón tay thế này này…”
Mẹ tôi dắt đi phố Hàng Đào ra Hồ Hoàn Kiếm rẽ vào đền Ngọc Sơn. Lúc ấy trời đã vào thu. Nhưng cây liễu bên bờ đã đổi màu. Tôi chạy đuổi theo hàng trăm chiếc lá cuốn tròn trong gió. Hai mẹ con bước lên cầu Thê Húc. Cầu gỗ sơn đỏ uốn cong nối bờ hồ với ngọn đồi nho nhỏ. Mẹ tôi sẽ sàng thắp sáu nén hương. Mẹ đưa cho tôi ba nén, thành kính nhìn xuống mặt hồ sóng gợn. Mẹ xin gì nữa đây? Có còn lại gì đâu sau mấy năm chạy loạn. Có mỗi một tí quê hương lại sắp sửa rời xa. Hay là, mẹ khấn gửi lại cho thần Tháp Rùa chuỗi đời xuôi nguợc, ngôi nhà thấp thoáng hình ảnh gia đình, và cả bực thềm đã cùng mẹ thuộc lòng những truyện truyền kỳ từ trăm năm trước?
Chiều hôm đó hai mẹ con đi xe điện từ Hà Nội về Bưởi. Chẳng hiểu sao xe điện chạy chầm chậm rồi dừng hẳn. Hành khách xôn xao chán rồi cũng phải xuống đi bộ. Hai mẹ con cố đi cho kịp, trời đã về chiều. Bên đường, mấy bụi cây có những chùm hoa nhỏ li ti mầu đỏ. Tôi xin mẹ chạy đến hái vội một chùm, chợt thấy một đám dây màu vàng phủ đầy. Mẹ gọi với: “Đừng hái dây tơ hồng, bửn cả tay. Về nhanh kẻo bà mong”. Tôi quay nhìn mẹ. Nền trời màu vàng nhạt. Mẹ tôi đứng cạnh con tàu điện bị bỏ quên bên đường tàu song song, quần trắng guốc mộc, áo dài nỉ màu mơ chín, cổ đeo chuỗi ngọc xanh. Tóc rẽ ngôi giữa, búi lơi buông sau gáy.

Mẹ nhìn tôi âu yếm, nét buồn cổ điển dịu dàng. Nửa như phân vân không biết đoạn đường sắp tới liệu có nuôi nổi đàn con gà vịt. Nửa như đánh liều nhắm mắt. Thôi thì cứ đi. Từ đó trở đi, dù lòng riêng mang tám chín cái biệt ly, nhưng xao xuyến nhất vẫn là bóng một thiếu phụ nghiêng nghiêng bên đường xe điện. Những thiếu phụ chưa được hưởng chút xuân vui trong lòng Hà Nội đầy gió bão.
Hôm cuối cùng, mẹ tôi ghé lại ngôi nhà đường Hồ Trúc Bạch chào lần nữa. Không theo mẹ vào nhà, tôi đứng chơi ngoài cổng gặm nốt cái ngô luộc. Cái cổng gỗ mộc và hàng rào nở rực những chùm tường vi. Có lẽ nhớ hoa qua màn sương mờ ảo của thời gian, nên màu tường vi Hà Nội hình như phơn phớt so với tường vi Đà Lạt. Từ trên giàn cao, hoa rơi xuống từng chùm phớt trắng, phớt hồng, phớt đỏ. Tôi với mãi không sao chạm tới, giống như yêu Hà Nội mà không rõ vì sao. Hôm ấy vắng tiếng chim kêu, không “có tiếng oanh ca bên bờ tường vi…” như ông Song Ngọc viết. Bài hát đầm đìa tình yêu Hà Nội, dù tác giả chưa biết bao giờ.
Song Ngọc trong Nam đã thế, nói gì đến những tài hoa miền Bắc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm nổi tiếng với nghệ thuật đen trắng “Ảnh đen trắng chụp cành tre cũng có màu xanh”. Ảnh đen trắng khêu gợi được chiều sâu thẳm của cảnh và tình, dù người nghệ sĩ đã khuất rồi. Bức ảnh Hồ Gươm bắt gặp vạt nắng soi trên thân cây gân guốc in trên mặt nước dịu dàng. Ngàn năm rồi, cành cây vạt nắng mặt hồ đã chứng kiến bao mùa xuân mùa thu Hà Nội, đã chịu bao ngọn roi phũ phàng của lịch sử? Năm mươi năm nữa liệu có còn Hồ Gươm, còn Tháp Bút, còn tháp vua Lê? Một đêm xuân não nề chín năm sau 1954, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã biên vào tấm ảnh: 

Chín giao thừa tám năm dư
Cành mai trắng mộng đêm trừ tịch xuông 
Lòng sung như lòng vả, lòng vả tựa lòng sung, nỗi nhớ nhà không phải riêng ai. Hóa nên những tấm tài tử đa tình ngồi giữa lòng quê mà vẫn thổn thức tiếc quê hương.
Với một đứa bé, cầu Gia Lâm dẫn đến sân bay quả là một con ngoáo ộp. Đầu này nuốt chửng hàng chục cáí xe, đầu kia nhả ra hàng trăm đôi mắt mếu máo tràn nước mắt. Tôi ngồi lọt trong lòng mẹ, cố nhoài người nhìn những thanh sắt đen sì thoăn thoắt giật lùi. Mẹ tôi khẽ nói: “Thế là mình đi thật rồi”. Về sau này, tôi mới hiểu cảm giác “đi thật hay chưa” là một tiếng than dài từ nỗi đau tím bầm gan ruột.
Vào đến trong Nam, bà nội tôi vẫn luôn nhắc về miền Bắc. Phủ Lý, Tháí Nguyên, Nho Quan, Ninh Bình, cốm vòng, cháo sườn, ốc bung, chè nụ… Một hôm bà bảo mẹ tôi: “Khéo không năm nay giời rét hơn cái năm mình mới vào Nam ấy nhỉ”. Tôi thật ngạc nhiên, bà tôi, một bà cụ răng đen áo cánh trắng quần thâm không biết chữ, lại có cùng ảo tưởng như thi sĩ Nguyễn Bính: 
Mình đi trăm núi nghìn sông
Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam 
Chẳng riêng gì bà tôi hay thi sĩ Nguyễn Bính, mà còn biết bao cụ ông cụ bà “Bắc kỳ di cư 54” không bao giờ ngờ rằng trong tay nải mang theo, có cả nỗi oan khiên khiến thời tiết cũng nghiến răng thay đổi. Không giống như nhân vật tiểu thuyết được nhào nặn, các cụ đã tự mình lựa chọn một chuyến phiêu lưu gian khổ với đầy đủ trách nhiệm trong vô thức. Cuộc di cư ấy tưởng chỉ là chia ly sinh tử của gần chín trăm ngàn người [2]. Nhưng tích cực nhìn lại, là một nhịp cầu lịch sử nối liền sông Gianh với sông Bến Hải. Tiếp sức cho đồng bằng sông Hồng 2000 năm bền bỉ chống ngoại xâm. Nối Thăng Long cổ kính điêu tàn với Sài Gòn son trẻ bừng bừng sức sống. Nối 14 triệu người miền Bắc với 12 triệu người miền Nam và làm tiền đề cho bước di tản sau này: thổi một làn hơi sung mãn vào nền văn minh nông nghiệp sau luỹ tre làng. Ngày rời miền Bắc, các cụ không bao giờ nghĩ mình sẽ là gì. Ấy thế, các cụ đã làm nên lịch sử, đã là chứng nhân cho một khoảnh khắc kỳ lạ của cả hai miền Nam - Bắc.
Thế hệ “Bắc kỳ di cư 54” đã làm xong bổn phận. Đã liều bước tử sinh, dìu dắt cháu con xuyên cơn bão táp. Những đôi vai lảo đảo bồng bế trẻ thơ và cõng trên lưng cả nỗi đau chạy trốn trên chính đất nước mình, trao những đứa bé ấy vào đôi tay rộng mở của một miền Nam hồn nhiên và nhân hậu. Có bao giờ những người như bà nội tôi, bố mẹ tôi có một phút nào tạm dừng bước, thở một hơi dài trước khi bắt đầu một cuộc sinh tồn? Trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, ở miền Nam mưa nắng hai mùa, dù hạnh phúc hay khổ đau, bất hạnh hay may mắn, những mảnh đời phiêu bạt ấy đã cố gắng hết sức mình chu toàn cho cả gia đình và đất nước.
Năm 1975, một lần nữa, người Việt lặp lại sự lựa chọn giữa lưu đầy và quê nhà.
Ở trong nước, một giằng xé nhị nguyên hầu như bất tận, giữa đoàn kết và đấu tranh, giữa can đảm và sợ hãi, giữa hận thù và khoan dung… Thù và bạn, thua và thắng, hoà bình và chiến tranh… Trận chiến này không biên giới rõ ràng như trước 1954.

Ở ngoài nước, kỳ lạ không kém! Năm 54, người miền Nam chia cơm nhường áo cho người miền Bắc. Còn ở thổ ngơi xa lạ này, vấn đề cơm áo không còn đặt nặng, có chăng là thiếu vắng lòng tử tế ân cần.
Thế hệ “Di tản 75” trợn trừng đối mặt với những nhị nguyên không kém phần toé lửa: sự dùng dằng giữa nhiệt tình và lòng tự phụ, giữa oán hờn và hàn gắn, giữa di sản văn hoá và văn minh tối tân… Bao lần chuyện nhỏ xé toang thành chuyện lớn. Chuyện lớn chôn vùi dưới những ti tiện. Những ti tiện lại được lớn tiếng vinh danh. Chí lớn làm chuyện nhỏ, chí nhỏ làm chuyện lớn. Có khi cất kỹ chí trong két sắt nhà băng kiếm lời. Cứ như thế, khiến toan tính tử tế đôi khi cũng khó thành. Đã vượt biển rồi, làm gì còn chỗ nào nữa mà đi? Cũng không thể nào thều thào trông cậy vào thế hệ mai sau. Không! Mỗi thế hệ chịu trách nhiệm cho thời đại của mình. Cuộc Di cư 1954 và Di tản 1975 sẽ vô lý đến vô luân nếu những người di cư - di tản chỉ thu vén được nồi cơm của riêng mình.
Sự chịu đựng của những người ở lại gồng gánh non sông cũng sẽ uổng phí đến tàn nhẫn nếu xả thân giữ nước xong lại giương mắt nhìn mảnh giang sơn vuột khỏi bản đồ đất nước.
Đảo đi đằng đảo, núi cũng sắp đi đằng núi. Rặng Tiểu Ngũ Lĩnh ngàn năm làm phên dậu, nay World Bank “tử tế” đang có dự án tài trợ đắp một con đường nhựa đâm thủng trái tim đồng bằng sông Hồng: từ Vân Nam, xuyên Hà Nội đến cảng Hải Phòng. 

Đó là mơ ước nhòm ngó của tư bản da trắng từ hai thế kỷ nay, khiến họ kiếm đủ thứ lý do wýnh nhà Thanh tan tành xí wách. Mấy đời bánh đúc có xương… Họ có cần gì môi anh nào hở, răng anh nào lạnh!
Chinh chiến đã tàn, Việt kiều vượt biển vượt sông. Việt cộng thắng Tây thắng Mỹ. Liệu chữ “Việt” chung nhau ấy có đủ lấp nổi dòng Bến Hải li ti ở trong tâm mỗi người tự nhận là người Việt? Đã 32 năm rồi, dài hơn 21 năm của thế hệ “Bắc kỳ di cư”, trong - ngoài có cùng một giấc mơ “Trông bốn phương mờ hàng lệ thắm. Mơ đến em một ngày đầm ấm”? [3]
Có khi một hai trăm năm nữa trôi qua, nếu chưa mất nước, thì giấc mơ ấy là điều duy nhất người Việt mình có được.
Cứ mơ! Miễn là đừng mơ hơn điều chúng ta làm. 
[1] Hà Nội ngày tháng cũ, Song Ngọc, Hoa Kỳ
[2] “Về số người Công giáo di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Genève”, Đặng Phương Nghi. Dòng sử Việt số Hai, 2007, Alameda, Hoa Kỳ: Con số người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 của Uỷ ban Kiếm soát Quốc tế dựa trên báo cáo của chính phủ hai miền: miền Nam báo cáo: 888.124; miền Bắc báo cáo: 892.876 vào Nam, 4.269 người Nam tập kết ra Bắc.
[3] Ngày về, Hoàng Giác, Hà Nội.
Trần Thị Vĩnh Tường   
Theo http://www.talawas.org/


Mưa chiều qua ngõ Tạm Thương

Mưa chiều qua ngõ Tạm Thương
Năm trước tôi có một số công việc nhà phải ra Hà Nội. Số là cô em tôi tên là Thúy Vy, khi làm giấy tờ lại “được” một nhân viên hành chánh bất cẩn đánh máy sai thành Thúy Vi. Giấy tờ này có liên hệ với một công ty nước ngoài, và họ không chịu rằng Vy với Vi chỉ là một người, tên được phát âm như nhau. Khác với trường hợp chữ Y và chữ I ở chữ Thúy có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Quả là rắc rối, và tôi được dịp khăn gói từ Sài Gòn ra Hà Nội để điều chỉnh lại sự vụ I &Y này. Ôi, sai một I (Y) là đi ngàn dặm!
Ðây là lần thứ hai tôi đến thủ đô. Lần đầu tiên cách đây 19 năm. Ban đầu tôi tính đi bằng máy bay, nhưng khi so sánh giá vé máy bay với giá vé tàu lửa cả hai lượt khứ hồi thì số chênh khá lớn. Nếu đi bằng tàu lửa thì số tiền chênh lệch này đủ cho tôi làm thêm vài chầu bù khú với bạn bè. Vả lại, tôi cũng muốn nhìn ngắm phong cảnh và sự thay đổi của những vùng đất trên quê hương mà 19 năm trước mình đã đi qua.
30 giờ trên xe lửa đủ dài cho tôi mệt nhoài. Tàu đến ga Hàng Cỏ vào mờ sáng. Tôi nhờ một anh xe ôm đưa đi tìm nơi ngả lưng. Tiêu chuẩn là càng rẻ càng tốt, bất kể nơi đó được gọi là gì: nhà nghỉ, mini hotel, nhà khách, nhà trọ, khách sạn, phòng cho thuê, room for rent... miễn sao có một cái giường, và nhà vệ sinh sạch sẽ là được.
Theo kinh nghiệm giang hồ vặt, tôi gợi ý thử tìm đến phố Tây ba-lô. Anh chở tôi đến phố Tạ Hiển, khu Tây ba-lô của Hà Nội. Loanh quanh mãi vì giờ này chưa ai mở cửa. Sau cùng tôi cũng thuê được phòng ở phố Bát Sứ, tắm rửa rồi ngủ một giấc ngắn, chờ sáng.
Hà Nội tháng 6 nóng ghê hồn, cái nóng hầm hập ẩm làm người lúc nào cũng rin rít mồ hôi. Phòng trọ không có cửa sổ, được xây kín bưng, một quạt trần và quạt máy mở hết cỡ cũng không cứu vãn được tình thế. Tôi quyết định phải tìm nơi khác tạm trú thôi, một nơi chí ít cũng có cửa sổ để tôi nhìn Hà Nội. Chiều đó, tôi dọn qua ngõ Tạm Thương.

Có bao giờ bạn bực mình hay thất vọng vì tên của những con đường trong thành phố? Bực mình vì sự xa lạ và rối rắm của chúng. Thất vọng vì những cái tên không gợi lên hay để lại một ấn tượng gì trong trí. Riêng tôi, tên của những con đường mang một chữ cái như: đường A, đường G... hay mang một con số như: đường số 7, số 45... hoặc vừa mang một chữ cái, vừa mang một con số như: D2, M1... thường gây cho tôi những cảm giác như trên. Ngược lại những con đường hay địa danh có tên ngồ ngộ thường làm tôi nhớ hoài, cho dù có khi bản thân chúng không có cảnh vật hay có điều gì đặc sắc cho lắm.
Hà Nội có một đặc điểm thú vị trong việc sở hữu những địa danh, tên đường, tên ngõ, tên phố, tên ô... đọc lên nghe thật lạ lẫm, không giống ở các thành phố khác. Nào là Quan Chưởng, Nhà Chung, Cấm Chỉ, Cổ Ngư, Giảng Võ, Thiền Quang... và dĩ nhiên, có cả Tạm Thương. Tuy nhiên những cái tên thơ mộng như thế cũng có hao hụt dần theo thời gian. Có lần tôi phải hỏi rất nhiều người nhưng không ai biết đường Cổ Ngư ở đâu, mãi sau mới được biết rằng con đường nhỏ nằm giữa hai Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây lâu nay đã đổi thành đường Thanh Niên.
Tạm Thương là một con ngõ rất hẹp và ngắn, chỉ chừng hơn 100 mét từ phố Hàng Bông đi vào, cuối ngõ là đụng ngõ Yên Thái cắt ngang. Bề ngang của ngõ xe hơi khó bề lái vào. Nếu mang Tạm Thương vào Sài Gòn, thì có lẽ nó sẽ được gọi là con hẻm, hẻm Tạm Thương, không khác mấy lắm với những con hẻm dọc đường Phạm Ngũ Lão hay Ðề Thám của khu Tây ba-lô ở Sài Gòn.
Mà hẻm Tạm Thương thì nghe không mê hoặc, không “mùi” bằng ngõ Tạm Thương. Ví dụ như có khi lòng thổn thức bèn làm thơ, ngõ Tạm Thương em thương thì ngỏ, phải không nào?
Buổi chiều, nhiều căn nhà hai bên ngõ biến thành quán bán nem nướng, nem chua, khách khá đông ngồi lai rai bia hơi, rượu cuốc lủi cho đến khuya. Ði vào khoảng 50 mét, bên tay trái có một ngôi đền thờ bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Ngôi đền luôn đóng kín cửa trong những ngày tôi ở trọ, tàng lá cổ thụ và dây leo buông thõng lắt lẻo bên tường rêu cổ kính. Sau ngôi đền là đến một dãy những căn hộ được sửa sang thành mini hotel cho dân du lịch ba-lô.
Tạm Thương, sao con ngõ có cái tên thơ mộng làm vậy? Tôi hỏi những người bạn Hà Nội cái tên này do đâu mà có, thì cũng ít người biết tường tận. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc cho tôi nghe bài thơ của Chế Lan Viên có tên "Thơ vui về ngõ Tạm Thương" như sau: Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Ngõ rất cụt mà hồn sâu thẳm/ Thương một đời đâu phải tạm thương.

Tôi nghĩ, theo ý của bài thơ này thì tạm thương có nghĩa là... thương tạm (thời), là thương giai đoạn, là thương hờ, là thương sơ-cua, là thương qua ngày đoạn tháng, là thương mây bay gió thoảng, là temporary love...
Theo một người có tuổi đã sống ở Hà Nội từ lâu thì ngõ này có nhiều nhà cô đầu, nhà thổ nên khách ghé qua “thương” một tí, rồi đi, vì thế ngõ được đặt tên là Tạm Thương. Giả định này nghe cũng không phải là không có lý.
Nhà văn Nguyễn Tiến Văn lại cho một ý khác. Ông bảo rằng, có lẽ Tạm là tạm thời, Thương là nhà thương. Vì gần ngõ là nhà thương Phủ Doãn. Ngày xưa có khi trên ngõ này có một trạm cấp cứu để bệnh nhân đến để sơ khám trước khi được chuyển qua nhà thương Phủ Doãn. Là nơi ở tạm trước khi sang nhà thương. Nên dần dà được rút ngắn, gọi tắt là Tạm Thương như ngày nay chăng? Nếu thế thì tình thương trong trường hợp này không phải là tình thương (yêu) của đôi lứa riêng lẻ nữa, mà là tình thương của con người mang nghĩa rộng lớn hơn. Có thể xem như... thương vi mô và thương vĩ mô (?). Tuy vậy, tôi vẫn thú vị với Tạm Thương vi mô với đôi lứa mơ mòng hơn.
Hà Nội tháng sáu có những cơn mưa chiều nặng hạt. Mưa gõ trên mái tôn dồn dập rồi trở nên đều tiếng.
Nhìn ra cửa sổ, trời tối dần, sấm chớp lóe từng hồi rền vang, ngõ vắng nhòa trong màn nước. Không dưng lòng cô quạnh bất ngờ.
Không dưng, đêm ấy tôi chiêm bao thấy một người con gái tuyệt đẹp, áo đen hồ ly như trong Liêu Trai Chí Dị, đến thăm tôi rồi ở lại, cho đến lúc tạnh mưa.
Tỉnh ra, muốn nói với áo đen rằng, Này Tạm Thương! (Tôi) thương một đời đâu phải (chỉ) tạm thương!. 

Nam Đan  
Theo http://www.talawas.org/


Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...