Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Lặng lẽ mưa xuân

  Lặng lẽ mưa xuân 
Những mầm lá mới bật, những nụ hoa mới nhen, ngày nào có được hạt mưa xuân li ti bám vào dường như lớn lên từng giây. Lúc ấy, nghe thoảng trong gió, lặng trong mưa xuân như đâu đây có tiếng tách vỏ bật mầm. Tiếng tách vỏ rất nhẹ. Nhẹ lắm. Nhẹ như gió và thoảng như gió. 
Khi cái lạnh không còn châm da chích thịt. Khi sáng sáng lớp sương mỏng như tờ giấy pơluya la đà trên hàng cây bên nhà. Khi phảng phất đâu đây khói lụa đưa chút thơm thơm chỉ đủ cho con người cảm nhận được hơi ấm từ những đống củi còn sót lại bên đường đêm qua có người khách vãng lai dừng chân bớt giá. Và mưa. Những hạt mưa nhỏ li ti phơ phất bay, bậu hờ lên mái tóc, thoa nhẹ lên má, lắc thắc trên vạt áo. Ấy là lúc mùa xuân về.
Lại nhớ, những tháng năm tuổi thơ. Cứ vào độ mưa xuân, lũ trẻ trâu lại réo nhau đi xí phần mấy cành mơ, cành mận ngoài sân đình. Khi chọn được cành ưng ý, lấy miếng vải màu chị cho hay cái dây lạt dùng để gói bánh, thậm chí có đứa còn lấy cả cái giải rút quần buộc đánh dấu. Thế rồi, sáng cũng như chiều, lũ trẻ trước lúc đưa trâu ra đồng hay khi dắt trâu về đều kiểm tra lại những dấu buộc. Chẳng may có ai, bị thay đổi dấu hay bị người khác nhận mất phần, đánh bệt xuống đất ngồi khóc. Những lúc ấy, cụ trông coi đình lại thủng thẳng bước ra, hứa sẽ trả lại đúng cành mơ, cành mận đã buộc dấu. Nghe cụ coi đình nói thế, đưa hai ống tay áo lên lau nước mắt. Ống tay ao nhem nhuốc bụi than từ cái bùi nhùi rơm, chạy thành một đường nhọ cắt ngang mặt. Nhìn đường vạch trên mặt, lũ trẻ trâu lại được trận cười đến vỡ làng, vang tổng.
Rồi năm tháng qua đi, lũ trẻ cũng mỗi người một hướng. Người ở lại quê hương cày cấy. Đồng đất làng và con sông quê bám theo đời người. Người đi làm cán bộ, thi thoảng về thăm lại chốn quê xưa. Người lên rừng kiếm sống, người xuống biển mưu sinh. Còn tôi, theo con đường cha anh nhập ngũ. Những ngày trên điểm tựa, ôm cây súng trong tay, lưng tựa vách chiến hào, mắt hướng về phía bên kia biên giới, nỗi nhớ quê bừng bừng trong dạ. Bên cạnh chiến hào, có cây đào bị đạn pháo phạt mất ngọn, thân sù sì những lớp rêu phơn phớt xanh. Mấy cái cành bật ra từ gốc, lòa xòa cố vươn thoát khỏi bóng cây trẩu, cây dẻ. Mỗi độ có gió mùa đông bắc, có mưa phùn, trên các nách lá những mầm cây bật lên nép vào cánh những chiếc lá đã ngả mầu vàng vàng. Rồi cũng từ những nách lá ấy, những nụ hoa nhú lên. Lúc đầu chỉ có mầu nâu nâu, vàng vàng, nhỏ như hạt vừng. Trong giá rét, giữa mưa phùn, những nụ hoa cứ lớn lên, bằng hạt gạo rồi hạt ngô. Khi lạnh đã bớt, trời đã trong, nắng đã dịu, những nụ hoa từ từ tách cánh, xòe ra. Những ngày như thế, cánh lính lại gọi nhau ra xem hoa đào nở. Có người bắt chước, bàn tay đang nắm cũng từ từ mở ra theo hoa. Ấy cũng là lúc xung quanh chiến hào hồng lên sắc đào, sắc ban. Những hạt mưa li ti li ti đậu trên mỗi cánh hoa lấp lánh sáng trong ánh vàng của nắng.
Chiến tranh kết thúc. Tôi rời quân ngũ trở lại đất quê. Lo chuyện mưu sinh, chỉ đến khi, những làn mưa bụi phơ phất bay, mấy nhà trong xóm bàn chuyện đụng lợn, chợt nhớ đến kỷ niệm của một thời chăn trâu cắt cỏ. Tìm ra nơi có cây đào, cây mận với những dải vải màu, sợi dây lạt, cái giải rút buộc dấu nhận phần khi xưa mới hay, cây đào, cây mận đã không còn. Nơi cây đào, cây mận trổ hoa, chỉ còn cái hố với cỏ dại. Dân làng kháo nhau, có người đã bứng về để trồng hai bên lối ra vào cổng nhà. Sân đình vắng hoe, chỉ còn tiếng guốc mộc lộc cộc làm bằng gốc tre của cụ trông đình vọng lại trên nền gạch.
Năm nay dường như cái lạnh dài hơn, gió về nhiều hơn. Và mưa. Những hạt mưa bay không còn nhỏ li ti mà có vẻ nặng hơn. Chợt nhớ chuyện năm nào, mấy cái cành cây lũ trẻ trâu xí phần là những cành có nhiều mầm, nhiều nụ. Trên những cái cành mốc xì có lớp rêu xam xám, những cái mầm mầu nâu nâu. Phủ bên ngoài của mầm lá, còn có những sợi lông tơ trăng trắng, phía trên có những hạt mưa xuân. Kế bên cạnh những mầm lá ấy là những nụ hoa, nhỏ li ti như chiếc cúc áo bấm. Những mầm lá mới bật, những nụ hoa mới nhen, ngày nào có được hạt mưa xuân li ti bám vào dường như lớn lên từng giây. Lúc ấy, nghe thoảng trong gió, lặng trong mưa xuân như đâu đây có tiếng tách vỏ bật mầm. Tiếng tách vỏ rất nhẹ. Nhẹ lắm. Nhẹ như gió và thoảng như gió. Vào những ngày có mưa phùn giá rét, lũ trẻ lại cầm bùi nhùi rơm đi xung quanh cây.
Thấy vậy, cụ trông đình chậm rãi đi ra, đưa tay vuốt vuốt chòm râu, nhẹ nhàng: Nụ, mầm bật lên từ giá lạnh mới có sức sống mãnh liệt. Cũng như con người ấy. Khi khó khăn vất vả, khi nguy nan, đớn đau mà vượt lên được. Đó chính là sự khẳng định ý chí và nghị lực. Và khi đã vượt qua được, sẽ không có điều gì trong đời còn lo lắng nữa. Nói đoạn, cụ túc tắc đi vào đình.
Mỗi ngày trời thêm lạnh. Lớp sương mù và giá lạnh dường như trùm lên mọi ngõ ngách. Cái lạnh không đỏng đảnh như xưa mà buốt nhói. Lạnh thế này, giá thế này, mưa thế này, liệu mầm, nụ cây đào, cây mận có còn bật lên để đón xuân? Và cây đào bên vách chiến hào có còn không? Tôi lắng tai nghe, tìm lại tiếng tách vỏ bật mầm, hé nụ. Những hạt mưa bậu lên mi mắt. 
Xuân lặng lẽ trôi. Tôi để mưa trên tóc, trên áo đi giữa xuân, lắng nghe mầm, nụ sinh sôi. Tôi nghe như đâu đây, tiếng guốc mộc lộc cộc của cụ trông đình vọng lại.
Phạm Thanh Khương
Theo http://chieulang.com.vn/



Những loài hoa trong truyện Kiều

Những loài hoa trong truyện Kiều 
Tả cảnh để tỏ tình là một thủ pháp thi ca. Trong thơ của người xưa, những cảnh đó là núi, sông, mây, gió … 

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông” (Hồ Chí Minh)
Vì để tỏ tình nên cũng trời mây non nước đó, đẹp hay xấu, vui hay buồn, hy vọng hay thất vọng cũng được các thi nhân miêu tả phù hợp với tâm trạng khi đó của mình hoặc của nhân vật của mình: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Phong cảnh, hoa lá được sử dụng đặc biệt nhiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Nếu chỉ là từ Hoa nói chung thì trong truyện Kiều nhiều lắm, hơn 130 lần Nguyễn Du dùng tới. Không một truyện thơ Nôm nào của Việt Nam (Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa,…) có được tần suất xuất hiện của hoa trong thơ nhiều như vậy. Còn tên của các loài hoa cụ thể thì Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có tới 15 loài hoa được nhắc đến: Đào (21 lần), Mai (12 lần), Sen (13 lần), Lan (5 lần), hoa Lau (2 lần), Hồng (6 lần), Lê (5 lần), Cúc (4 lần), Hải đường (2 lần), Trà mi (2 lần), Phù dung, Lựu, Mẫu đơn, Liễu, Huệ.
“Truyện Kiều” Nguyễn Du
Trong truyện Kiều có những câu thơ tả cảnh thiên nhiên tuyệt diệu tới mức trở thành kinh điển, với các loài hoa đẹp đặc trưng cho mỗi mùa. Mùa xuân, mùa sinh sôi, nảy nở của muôn loài, mùa của lễ hội và tình yêu, Nguyễn Du như một khách du xuân với tâm hồn thư thái, đã ngợi ca bức tranh thủy mặc được bàn tay Hóa công tô sắc màu tươi sáng trong hội Đạp thanh:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành Lê trắng điểm một vài bông hoa
(41-42)
Và đâylà cảnh mùa hè đã về, vào ban đêm trăng thanh, thấp thoáng những bông Lựu đỏ màu lửa ấm áp:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa Lựu lập lòe đơm bông
(1307-1308)
Hoa đồng nghĩa với vẻ đẹp. Tên các loài hoa thường được dùng để đặt cho con gái. Sắc đẹp của hoa thường được dùng để ví với người đẹp. Vẻ thanh tao và sắc đẹp của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân cũng được ví với hoa Lan (Xuân) và hoa Cúc (Thu):
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân Lan, thu Cúc mặn mà cả hai
(161-162)
Không chỉ tả cảnh, tả người, Nguyễn Du còn dùng hoa để tả tâm trạng con người. Đây là Thúy Kiều sau khi mơ thấy trò chuyện cùng Đạm Tiên mà thảng thốt cho phận mình mai sau:
Cớ sao trằn trọc canh khuya,
Màu hoa Lê hãy dầm dề giọt mưa?
(225-226)
Khi yêu, tuổi trẻ (mà kể luôn cả tuổi già nữa) luôn mơ mộng, luôn hy vọng, luôn khắc khoải đợi chờ khoảnh khắc “được lời như cởi tấm lòng” để ngay lập tức Kim và Kiều trao kỷ vật ước hẹn:
Sẵn tay bả quạt hoa Quì,
Với cành thoa ấy tức thì đổi trao
(357-358)
Khi  “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” của Kim thì mặc dù “tình trong như đã” nhưng lễ giáo vẫn giúp Kiều tỉnh táo, khéo léo chối từ mà vẫn nói được tấm chân tình của mình:
Vẻ chi một đóa yêu Đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
(503-504)
Khi yêu thì đợi chờ như làm thời gian thêm dài hơn, như trôi qua chậm hơn nhưng dẫu ngày có dài thì vẫn không thể dài bằng nỗi sầu khi Kiều nhớ Thúc sinh được:
Sen tàn Cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
(1795 -1796)
Hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Dùng các loài hoa để nói về tình cảm yêu đời, yêu người, để nói về tâm trạng vui vẻ cũng đã là khó nhưng vẫn chưa là gì so với khi dùng hoa để  nói về tâm trạng sầu đau của con người. Ví như khi phải bán mình chuộc cha thì tâm trạng, sắc diện tiều tụy của Kiều càng thêm xót xa lòng người:
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như Cúc, điệu gầy như Mai.
(637-638)
Hay như tâm trạng đau khổ của Kiều khi bị Hồ Tôn Hiến ép bán cho thổ quan:
Nàng càng ủ liễu phai Đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
(2603-2604)
Hoặc khi Kiều đã phải mang phận kỹ nữ “bên ngoài cười nụ bên trong khóc thầm” cũng được Nguyễn Du dùng hoa để nói về tâm trạng tiếc thương danh tiết của người con gái:
Tiếc thay một đóa Trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về
(845-846)
Rồi sau bao thăng trầm tủi nhục, đến ngày Kim Kiều tái hợp, gia đình đoàn viên thì hoa như thắm hơn, nụ như non hơn để cùng vui với tâm trạng mọi người:
Những từ Sen ngó Đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây
(3137-3138)
Trong 74 lần sử dụng các loài hoa với tên gọi cụ thể để tả cảnh, tả tình thì Nguyễn Du có tới 21 lần nói đến hoa Đào. Tiên Điền, Nghi Xuân không phải là đất của hoa Đào. Phải chăng, cảnh và hoa của Thăng Long, của đất Kinh Bắc đã thấm sâu vào tâm hồn thơ của Nguyễn Du đến mức dù không trực tiếp viết về Kinh Bắc mà người ta vẫn thấy đất và con người Kinh Bắc qua hoa Đào. Vẫn là hoa Đào, vẫn là hoa Mai… mà Nguyễn Du đã nói được cảnh, được tình thật sâu xa, thật đằm nghĩa mà mỗi khi đọc truyện Kiều người ta lại thấy sâu hơn sự tinh diệu của tiếng Việt qua thiên tài Nguyễn Du.
Lê Nguyên Hợp 
Nguồn petronews
Theo http://chieulang.com.vn/

Nhiếp ảnh và văn chương - Những cuộc gặp gỡ

Nhiếp ảnh và văn chương - Những cuộc gặp gỡ 
Tuy văn chương và nhiếp ảnh mỗi lĩnh vực đều có cách tư duy nghệ thuật riêng biệt, được thiếp lập trên những phương tiện, chất liệu riêng biệt nhưng giữa chúng có điểm chung đó là đều thể hiện được cái nhìn của người nghệ sĩ về con người, về cuộc đời, về thế giới khách quan và thế giới chủ quan. 

Bèo bọt - Nguyên Quân
Suy cho cùng, nghệ thuật thành công, trước hết là ở chỗ người nghệ sĩ đứng ở đâu để nhìn về đối tượng, để khai thác đối tượng. Người ta gọi đó là góc nhìn, điểm nhìn. Góc nhìn nghệ thuật trước hết giúp người nghệ sĩ bày tỏ được cách anh ta nhìn về thế giới, từ đó đưa ra được thông điệp của mình. Đứng ở đâu để nhìn đối tượng, lựa chọn những đối tượng nào để cấu thành nghệ thuật cũng là những điều chứng minh bản lĩnh của một nhà văn hay một nhiếp ảnh gia. Cái cuối cùng của nghệ thuật văn chương hay nhiếp ảnh là đưa được thông điệp của mình tới người đọc và người xem.
Một người nghệ sĩ có thể thực hành nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực sẽ giúp họ bày tỏ được quan niệm của mình về cuộc sống. Dĩ nhiên môi trường, nền văn hóa, lịch sử, con người... của mảnh đất mà người nghệ sĩ đang tồn tại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tác của họ. Huế là một vùng đất mà từ khởi thủy đã sản sinh ra nhiều tác giả lớn, theo dòng mạch đó, đến ngày nay, Huế vẫn là nơi khởi đi cho nhiều tài năng. Đối với một nghệ sĩ sống ở vùng đất này thì làm nghệ thuật trên một lĩnh vực có lẽ không được thỏa mãn bởi Huế có nhiều thứ để mộng mơ và dự phóng. Gần đây, chúng ta thấy có một số nhà văn ở Huế, với đam mê của mình đang bước qua lĩnh vực nhiếp ảnh, hoặc đó là sự ngẫu hứng trong một thời điểm nhất định; tất nhiên họ sẽ song trùng giữa văn chương với nhiếp ảnh và thực sự nhiếp ảnh đã nuôi dưỡng cho họ lòng đam mê đối với nghệ thuật và sự khát khao phát đi thông điệp của mình qua những tác phẩm.
1. 

Nhà văn đầu tiên đam mê nhiếp ảnh mà chúng tôi muốn nói tới đó là Nguyên Quân, một người viết nhiều thể loại và có nội lực. Nguyên Quân mới bước vào lĩnh vực nhiếp ảnh trong một thời gian ngắn gần đây nhưng anh đã có tác phẩm được giới thiệu trang trọng trên Khoảnh khắc đẹp của Sông Hương. Quan sát sự chuyển biến trong nghệ thuật nhiếp ảnh của Nguyên Quân chúng tôi đi tới một kết luận là nghệ thuật nhiếp ảnh của anh có tư duy trùng khít với văn học của anh. Với Nguyên Quân, nghệ thuật bắt đầu từ đau khổ. Không gian trong nhiếp ảnh của Nguyên Quân không phải là những không gian rộng lớn mà không gian đó chủ yếu nằm trong lòng thành phố Huế. Nhưng không gian bên ngoài, không gian được hiện lên qua các hình ảnh mà Nguyên Quân chộp bắt chỉ mới là một nửa trong tác phẩm, phần không gian rộng hơn, nặng hơn, sâu hơn chính là không gian bên trong của mỗi tác phẩm, không gian đó không phải bất cứ người xem nào cũng nhìn thấy được. Đó là cái không gian thăm thẳm của nội tâm, không gian đó tưởng chừng như vô ngôn nhưng sự tác động của chúng rất lớn trong việc khiến người xem suy ngẫm về cõi nhân sinh hữu hạn.
Trước khi đi vào phân tích tác phẩm Bèo bọt, chúng tôi muốn nhìn về thế giới văn chương của Nguyên Quân để thấy được sự nhất quán trong tư duy nghệ thuật của nhà văn này. Có thể kể tới những truyện ngắn hay của Nguyên Quân như Vỏ và cánh, Sâu hút, Mê cung… truyện dài Căn phòng có ánh đèn vàng cùng với nhiều tập thơ đã được xuất bản. Văn chương của Nguyên Quân có cái nhìn về cuộc sống có phần ảm đạm. Dù ở lĩnh vực nào, là văn xuôi hay thơ thì tác phẩm của Nguyên Quân cũng mang cái sức nặng của những suy nghiệm về cuộc đời, về con người, về thân phận của những người cùng khổ, những người bị rớt lại với cuộc sống nghèo hèn. Cái làm nên sức nặng trong văn chương của Nguyên Quân bắt đầu từ những tìm tòi về bút pháp và sau đó là đề tài lựa chọn. Nguyên Quân thường nhìn về phía những thân phận không may trong xã hội. Cũng bởi vì thế văn chương của anh có sự thật, đôi khi là sự thật trần trụi chua chát nhưng chúng luôn hiện tồn trước mắt. Đó là những nỗi thống khổ của người mẹ, của người tình, của tha nhân và của chính chủ thể sáng tác. Cảm thức cô đơn và nỗi hoài nghi cũng luôn đeo bám Nguyên Quân. Nguyên Quân hoài nghi sự thật, hoài nghi tình yêu, thân phận và hoài nghi về chính sự có mặt hay vắng mặt của chính bản thân mình.
Trở lại với tác phẩm nhiếp ảnh Bèo bọt, chúng ta thấy rằng tư duy nghệ thuật trong văn chương và nhiếp ảnh của Nguyên Quân gần như trùng khít với nhau. Không gian trong tác phẩm Bèo bọt là một không gian hẹp. Màu đen choán lấy mọi vật. Dòng sông đen, tường thành đen, nhân vật xám, thỉnh thoảng có vài đốm sáng điểm xuyết bởi những hạt nước tung tóe vì những cái khua chèo mệt mỏi của con người, tường thành trăm năm lở loét như đang ôm lấy con người nhỏ bé và hữu hạn. Con thuyền nhỏ nhoi, con người mỏi mệt đang dần bị nuốt chửng bởi hố đen chính giữa tác phẩm. Có ánh sáng nhưng đó chỉ là ánh sáng của những hạt nước trong khoảnh khắc, khi sức người cạn kiệt thì nước sẽ trở về sông đen và ánh sáng từ nước sẽ tắt. Con thuyền có thể đang đi nhưng đi trong một không gian chật chội, và đi không định hướng. Sự đối lập giữa cái vĩnh cửu của tường thành và thân phận con người càng khiến không gian nặng nề hơn… Tất cả xô đẩy người xem vào một cảm giác bí bức trước khi nhìn thấy cái đẹp của sự u sầu.

Để nhìn về cuộc sống mà chính mình đang lưu trú, đang đối mặt, để có thể lột tả được sự đau khổ của nó trước hết Nguyên Quân đưa ra một cảm thức hoài nghi. Cảm thức hoài nghi chính là cảm thức chung của nghệ thuật hiện đại. Nghệ sĩ ngày nay, đứng trước cuộc sống có nhiều biến đổi, cảm thức cuộc sống hiện đại không ngừng va đập và tâm trí họ nên sự nghi ngờ, hoài nghi về mọi thứ là điều không thể tránh đối với tâm hồn nhạy cảm. Trước hết Nguyên Quân hoài nghi chính bản thân mình qua chính những bức chân dung của chính anh. Nhìn vào những tấm ảnh và người nhiếp anh đang tự vẽ mình, Nguyên Quân tự hỏi mình là ai, mình tới từ đâu, đâu là con người thật của mình... Điều đó chính thơ anh cũng đã từng nói: “Nó và tôi/ ai là người/ ai là dư ảnh của thời hiện sinh...”. Theo triết học hiện sinh thì con người sinh ra đã vướng mắc vào những điều phi lý mà con người không thể tự giải thoát, con người lao vào những cuộc chơi tự mình bày ra và đôi khi chính con người trở thành con thú mắc bẫy với những vết thương không thể chữa lành. Những tác phẩm nhiếp ảnh thuộc dòng Chân dung phố của Nguyên Quân như buộc chính con người tự soi vào khuôn mặt mình để hiểu mình, nhìn rêu mốc trên khuôn mặt mình để tự hỏi về sự đọa đày của thân xác trên mặt đất hoang vu. Cuộc sống buồn đau hơn khi Nguyên Quân khai thác nhiều về hình tượng những người đàn bà vô danh hay những người mẹ u uẩn. Nếu như xem dòng tác phẩm nhiếp ảnh Chân dung phố và đọc thơ của Nguyên Quân thì chúng ta sẽ thấy nhiều hơn về những nỗi đau: “Phận người trìu trĩu nón mê/ bàn chân kéo chiếc dép lê cùng trời...”. Sự u uẩn, bóng tối nhiều hơn ánh sáng bám lấy thân phận những người mẹ đi cho đến khi chấm dứt cõi tạm bợ này được thể hiện trong nhiếp ảnh và cả trong thơ của Nguyên Quân: “Mẹ ơi cho đến bây giờ/ cái hắt hiu đó trong mơ vẫn còn.”
Bắt bóng - Nguyên Quân
Với chúng tôi thì tác phẩm Bắt bóng của Nguyên Quân là một tác phẩm đẹp. Tất nhiên trước hết cái đẹp ở đây không nằm ở sự mới lạ bởi chủ đề này đã được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác nhưng đây là cái đẹp của nội giới, của thế giới bên trong tác phẩm. Tác phẩm này không được chụp từ cảm thức duy mỹ thuần tùy mà ở đây cái đẹp đến từ sự trĩu nặng của lòng người, của người chụp và của đối tượng. Thông thường thì chúng ta thấy những tác phẩm chụp cảnh sông nước, chụp cảnh ngư dân lao động trên sông nước thường hướng tới một cái đẹp lãng mạn với không khí “đèm đẹp” nhưng ở đây dường như không còn cái không khí đó. Một hình nhân không rõ hình dạng đang chơi vơi giữa dòng nước có màu xanh lạnh đang bị màu đen ăn dần, chiếc bóng của hình nhân trở nên yếu ớt trong cái lan tỏa của màu đen. Lưới tung lên không trung dường như muốn khoát khỏi cái không gian o bế nhưng bất lực, rồi tất cả bị nuốt chửng vào dòng sông lạnh… Tác phẩm này của Nguyên Quân làm tôi nhớ tới không khí trong truyện dài Căn phòng có ánh đèn vàng của chính anh. Căn phòng có ánh đèn vàng xét riêng về kỹ thuật viết thì cái thành công của nhà văn Nguyên Quân trong tác phẩm này đó là sự xây dựng nên một không gian có sức ám ảnh và gợi mở cho biên độ của trí tưởng tượng ở bạn đọc. Đó là một không gian lạnh, nhiều bóng tối, trộn lẫn giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa những hình ảnh của ký ức, thực tại và những hình ảnh dự phóng ở phía trước. Trong không gian đó thân phận con người dần dần được hé mở. Con người luôn đi tìm hơi ấm, đi tìm hạnh phúc trên những niềm đau. Họ tự thắp lửa để cùng nhau vượt lên sự tủi nhục của thân phận người. Căn phòng có ánh đèn vàng luôn kiềm lời, ngôn ngữ lạnh lùng thậm chí có khi chua chát. Tác phẩm này có nhiều khoảng trắng vẫy gọi sự kiến giải của người đọc.
Những người mẹ, những người đàn bà vô danh là những hình ảnh thường thấy trong nhiếp ảnh của Nguyên Quân. Mẹ và đêm tối chính là hai hình ảnh song trùng, kéo lê nhau đi miết đêm thâu. Trước hết những hình ảnh này đến từ thơ của anh: “Dạ thưa mẹ đêm rất dài/ tiếng chân hoang thú vọng hoài rừng mưa...”. Xen lẫn với hình ảnh của mẹ, của đêm là hình ảnh của những người đàn bà tội nghiệp: “Khi thành phố đã ngủ yên/ chị còn lê chổi quét phiên chợ chiều...”; hay “đêm nay có mảnh sao rơi/ tiếng chỗi quét chợt nữa vời lặng thinh/ chị quay về phía bóng mình/ con mắt ướt đẫm vô tình lẫn nhau...
Hình ảnh của những người đàn bà giấu đêm tối vào trong mắt mình cứ kéo lê nhau đi mãi trong hành trình đầy u ám mà Nguyên Quân đã chụp và đã viết nên. Có lẽ điểm chung của những nghệ sĩ có nhiều vương lụy, nhiều đau buồn, nhiều đỗ vỡ là họ thường quan sát những người đàn bà, thân phận của những người đàn bà khốn khổ để mà bám vúi lấy hơi ấm mong manh của họ, kiểu như tìm về với suối nguồn của đời mình vậy: Người đàn bà mắt sững sờ/ người đàn bà đa mang/ người đàn bà phù vân khóc ào... tất cả là một bức tranh được đắp nổi lên bởi màu tím bầm, màu rêu xanh, màu đục trắng màu xanh leo lét của phận người trong nhiếp ảnh của Nguyên Quân...
2. 

Nhà văn đến với cuộc đời thông qua chữ viết, người nghệ sĩ nhiếp ảnh đến với cuộc đời bằng ống kính máy ảnh. Vì chất liệu, phương pháp sáng tác khác nhau nên sự tác động tới người thưởng thức nghệ thuật cũng sẽ khác nhau. Nhưng tựu trung, tất cả đều đi ra từ tâm thức của nghệ thuật, từ tiếng lòng nghệ sĩ. Tâm thức nghệ sĩ sẽ được phóng chiều qua tác phẩm và để lại trong tác phẩm những tiếng nói đa thanh, những tiếng nói chờ đợi sự đồng sáng tạo của người yêu nghệ thuật. Lấy tâm thức Phật giáo để nhìn về vạn vật là lối thực hành nghệ thuật của Nhụy Nguyên trên cả lĩnh vực văn chương cũng như ở sự đam mê nhiếp ảnh của anh. Nhụy Nguyên đến với đọc giả văn chương bằng những truyện ngắn ấn tượng như: Tiên Thiên vũ nữ, Vòng luân hồi của chữ v.v. Truyện ngắn của Nhụy Nguyên khó tiếp nhận bởi dung lượng kiến thức và triết học tôn giáo, văn hóa đòi hỏi ở người đọc một căn nền. Mặt khác, truyện ngắn của anh thường đảo chiều thời gian, không gian, cấu trúc truyện phức tạp, chằng chéo nhiều chi tiết và cái khó tiếp cận nữa là truyện của Nhụy Nguyên thiên về truyện ngắn ý niệm. Chỉ khi nhìn thấy ý niệm ẩn sau truyện ngắn của tác giả thì người đọc mới nhận thấy cái hay, cái thú vị.


Ảnh: Nhụy Nguyên
Bộ ảnh Sen tàn của Nhụy Nguyên đã chứng minh được cách nhìn độc đáo của anh về thế giới. Thông thường, người ta hay tìm tới vẻ đẹp của sen lúc sen mới nụ hay khi sen đang vào mùa rực rỡ màu sắc. Nhưng có lẽ, nghệ thuật trước hết phải đến từ cách nhìn khác, nhìn khác và khai thác đối tượng ở những phía khuất lấp mà người khác ít để ý nhất thường đem tới sự thành công. Nhìn sen vào lúc sen tàn là lựa chọn của Nhụy Nguyên. Bộ ảnh Sen tàn đã chứng minh cho cách nhìn khác. Nhụy Nguyên không hướng tới cái rực rỡ mà hướng tới sự tàn phai sau khi sen đã đem đến cho đời hương sắc. Qua Sen tàn chúng ta thấy được lẽ sinh diệt của vạn vật, sự luân hồi của vũ trụ và kiếp nhân sinh bé nhỏ. Nhìn hình ảnh gương sen đã biến dạng lúc cuối mùa sen trong tác phẩm Sen tàn chúng ta sẽ nhớ về hình ảnh một nụ sen mới chớm trước đó rồi tới cái bông sen thơm ngát và sau đó là những cánh sen hồng mong manh lần lượt rơi xuống và cuối cùng chỉ còn lại gương sen. Tất cả dần tàn phai theo thời gian, tàn phai không thể cứu chuộc. Và rồi chỉ còn lại hai hạt sen sống sót trong gương sen khi các hạt sen khác đã héo úa. Các hạt đã khô quắt trong gương sen biến dạng đó chính là chứng tích của sự đau khổ, của sự đấu tranh để sinh tồn nhưng đã thất bại. Hai hạt sen khỏe mạnh vươn lên ánh sáng phía trên như minh chứng cho sức mạnh của sự sinh sôi, của sự kế thừa vụ trụ. Hai hạt sen chắc tròn như hai con mắt nhìn về sự sống, báo hiệu cho một mùa sen sau. Cứ thế, vòng tuần hoàn sinh diệt mãi mãi nằm ngoài sự chi phối của con người. Phía sau của gương sen biến dạng là những chiếc lá còn xanh và những chiếc lá đã héo rũ, lá còn xanh hay lá úa tàn rồi cũng biết mất khi đổi mùa. Sen sinh ra từ bóng tối rồi bung nở khi ánh sáng mặt trời chói chang và rồi chúng lại biến mất trong bóng tối của bùn lầy và nước. Tùy thuộc vào phong nền văn hóa, tâm thức khác nhau mà người ta nhìn sen với nhiều biểu tượng khác nhau. Người Ai Cập xem sen như là âm hộ mẫu gốc duy trì sự sống, suối nguồi của sự sống; người Ấn Độ xem sen như biểu tượng lớn nhất của tinh thần; Phật giáo xem sen là bản thể, là tiêu biểu cho pháp môn di diệu vượt thoát sanh tử. Dù nhìn nhận ở cảm quan nào thì sen luôn là biểu tượng cho những điều thiêng liêng và nhìn cái thiêng liêng khi nó đang đi vào hồi kết của một chu trình để đợi chờ một chu trình khác là cái nhìn rất riêng của Nhụy Nguyên.
Tiến hóa 
Nhụy Nguyên
Ngoài bộ ảnh Sen tàn, nhà văn Nhụy Nguyên còn những tác phẩm thuộc về nhiếp ảnh ý niệm. Dĩ nhiên, khi một nhà văn bước sang lĩnh vực nhiếp ảnh thì sẽ gặp nhiều khó khăn, hơn nữa nhiếp ảnh ý niệm đòi hòi ở người nghệ sĩ nhiều thứ ngoài kỹ thuật nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh ý niệm đòi hỏi người chụp phải giàu ý tưởng, thậm chí là tư tưởng, phải có sự quan sát và kết hợp các hình ảnh với nhau để sản sinh ý niệm biểu đạt. Tiến hóa của Nhụy Nguyên theo chúng tôi là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm đáng chú ý. Đây là tác phẩm bao hàm trong nó nhiều tiếng nói khác nhau, nhiều cách diễn giải khác nhau tùy thuộc vào người xem. Tác phẩm gói gọn vào trong đó nhiều lớp không gian, nhiều khoảnh khắc thời gian. Ở đó có sự đối lập của các hình ảnh thông qua góc nhìn độc đáo của người chụp. Hình ảnh trung tâm của tác phẩm này là hai con khỉ. Cái mạnh nhất trong tác phẩm này chính là ý tưởng, một ý tưởng đột khởi. Tác giả chộp bắt khoảnh khắc khi nhìn thấy cái tượng khỉ thật và cái tượng khỉ được phản chiếu qua tấm gương chiếu hậu của một chiếc xe máy. Ngay lập tức không gian của vật thể được chia làm hai, người xem nghĩ ngay tới cái khởi nguyên và cái của thực tại, cái hư và cái thực, cái ngụy tạo và cái có thể nắm bắt được của sự vật. Cái được ngụy tạo nằm cạnh cái hiển hiện thực sự. Tượng khỉ phía ngoài gương nằm ở một khoảng không gian hoang phế, phải chăng đó là khởi nguyên. Con khỉ ở trong cái gương đang nằm trong cái không gian của cuộc sống hiện tại, một cuộc sống sôi động, ồn ào và bị bao vây của cơ giới. Như vậy, cùng một lúc, ở một điểm nhìn, người chụp đã kêu gọi vào trong tác phẩm nhiều lớp không gian, thời gian, bao hàm nhiều tiếng nói, nhiều suy ngẫm. Tác giả đặt tên bức ảnh là Tiến hóa, tất nhiên chúng ta không thể kết luận nhìn về phía nào là tiến hóa, nhìn về phía con khỉ khởi nguyên là tiến hóa hay nhìn về phía con khỉ thực tại trong gương là tiến hóa. Thông thường, người ta nghĩ rằng hướng đến cuộc sống hiện đại là tiến hóa những có lẽ ở một gốc độ nào đó chính cuộc sống cơ giới hiện đại đang dần đẩy thế giới đi vào sự hủy diệt thay cho sự tiến hóa theo cách hiểu thông thường.
3.
Em bé H’Mông 
Lê Vũ Trường Giang
Lê Vũ Trường Giang là một tác giả trẻ nhưng đã định hình cho mình một phong cách khá riêng biệt trên văn đàn hiện nay. Là người viết đều với nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, nghiên cứu văn hóa. Nhìn chung phương pháp sáng tác của Lê Vũ Trường Giang đó là đi và viết. Là tác giả trẻ nên anh đi nhiều, lấy tư liệu từ thực tế của những chuyến đi để  sáng tác. Thành công của Lê Vũ Trường Giang nằm ở chỗ nhà văn này đã kết hợp được những kiến thức văn hóa, lịch sử tộc người vào trong những tác phẩm văn chương hư cấu của mình. Là người đi nhiều và thường có thói quen chụp lại, lưu lại những hình ảnh trên những cung đường đi qua. Nhưng ảnh trong tâm thế, cảm quan, lăng kính của một nhà văn nên chúng giàu tính nghệ thuật chứ không chỉ là những bức ảnh mang tính chất tư liệu báo chí. Xem ảnh của Lê Vũ Trường Giang chúng ta thấy đúng là giữa tư duy nhiếp ảnh và văn chương của nhà văn này cũng như của Nguyên Quân và Nhụy Nguyên, tư duy sáng tác văn học và nhiếp ảnh rất gần gủi nhau. Lê Vũ Trường Giang thành công trên bút pháp viết truyện về đề tài lịch sử, những bút ký của anh thời gian gần đây cũng giàu tính văn hóa và giàu sự khám phá về những điều mới lạ trong tập quán của những vùng đất, con người nơi anh đã qua. Trong nhiếp ảnh, Lê Vũ Trường Giang cũng thường chú ý về những vẻ đẹp của một thời vang bóng, những nét đẹp tưởng chừng như đã nằm yên trong sử thi quá vãng. Bằng cái nhìn của một nhà văn, anh chụp lại chúng nhưng có lẽ ảnh của anh không chỉ dừng lại ở việc ghi lại hình ảnh vật thể mà còn kêu gọi được cái hồn cốt của đối tượng hiển lộ.
Chú nghê bên cửa Hiển Nhơn - Lê Vũ Trường Giang
Tác phẩm Chú nghê bên cửa Hiển Nhơn của Lê Vũ Trường Giang là một trong những tác phẩm chụp về đề tài văn hóa lịch sử. Tác phẩm này đã chuyển tải được cái bề dày của lịch sử văn hóa ở một vùng đất qua điểm nhìn từ dưới lên. Vì lựa chọn điểm nhìn này nên hình ảnh chú nghê hiện lên với tư thế vững chãi và mang không khí của sự trường tồn vĩnh cửu. Góc nhìn từ dưới lên nên khiến cho khung cảnh được mở rộng, mọi thứ như được kéo lên cao hơn và vật thể trở nên to lớn hơn. Trung tâm của bức ảnh là điểm sáng màu đỏ trong tác phẩm, điểm sáng này được dựa trên phong nền màu xám xung quanh, tác phẩm vừa lấy tối để diễn sáng nhưng cũng vừa lấy sáng để diễn tối. Tối là sự thăng trầm của lịch sử, điểm sáng minh chứng cho sự sống của lịch sử, lịch sử ở đây không là lịch sử chết cứng mà lịch sử đang vận hành cùng thời gian, cùng vạn vật và lòng người.
Ngủ giữa trùng sơn là tập truyện ngắn đầu tay của Lê Vũ Trường Giang, bao gồm 9 truyện ngắn được triển khai với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Những tác phẩm trong tập truyện này hầu hết dựa trên nền tư duy lịch sử, lấy lịch sử làm căn cốt để từ đó hướng tới những khả thể hư cấu, tạo ra những cách lý giải khác biệt về lịch sử và con người. Văn chương và nhiếp ảnh của Trường Giang bổ trợ cho nhau, có thể nói trong thế hệ trẻ ở Huế hiện nay, Trường Giang là người chịu khó đi và viết vì thế sự dấn thân của anh đã có nhiều ảnh hưởng tới các cây bút trẻ khác.
Là một thạc sĩ chuyên ngành lịch sử nhưng khi bước vào khai thác đề tài này, Lê Vũ Trường Giang đã thoát ra khỏi những kiểu nhìn khô cứng về lịch sử; dựa trên vốn kiến thức về quá khứ, về những điều tưởng chừng đã ngủ yên, tác giả làm sống lại, thậm chí hướng những điều tưởng chừng như xưa cũ trở nên có sức ám ảnh hơn, mở ra được nhiều chiều hướng ý nghĩa mới bởi tính chất lấp lửng của hình tượng, biểu tượng và ngôn từ. Lê Vũ Trường Giang đã từng tâm tư với bạn đọc rằng: Chúng tôi còn quá trẻ để hiểu hết lịch sử nhưng chúng tôi tin rằng mình nuôi được một ngọn lửa cảm thức lịch đại để khi cần hóa thân vào đó và kể lại những câu chuyện thời nảo thời nao.
Sự liên kết giữa các loại hình nghệ thuật trong sáng tạo của một người nghệ sĩ là điều thường thấy, tuy nhiên không phải ai cũng thành công được trên nhiều lĩnh vực. Có thể, một nhà văn, một nhiếp ảnh gia chỉ xác lập được căn cước của mình trên lĩnh vực của họ. Nhưng việc thực hành sáng tạo nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực để nuôi dưỡng, tìm cảm hứng và năng lượng của các nhà văn, nhà nhiếp ảnh ở Huế hiện nay là một điều đáng khâm phục để Huế lại có thêm một một mùa màng rực rỡ.
Lê Viễn Phương 
Theo http://chieulang.com.vn/

Một cõi đi về - Cõi đời theo mây gió

Một cõi đi về - Cõi đời theo mây gió...
(Viết nhân kỷ niệm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi xa…)
Thì ra “chân kinh vô tự” cũng chính là “chân tâm vô niệm”! Kinh không chữ của Phật chỉ có ai thực sự thanh thản, biết buông bỏ mới có thể đọc hiểu được. Và như thế, nhạc Trịnh Công Sơn như dòng nước mát dội trôi cát bụi trần ai còn bám phủ những mảnh hồn người.
“Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm nay.
Ám ảnh, vì bài hát này mang đậm chất Thiền, với những chiêm nghiệm của một con người đã thấu mọi nỗi hồng trần. Vì những triết luận về cõi tạm khiến lòng ta vừa u uẩn, vừa giác ngộ ra vẻ đẹp nguyên vẹn của một tâm hồn luôn gắn bó máu thịt với cuộc đời.
“Cõi đi về” - Đó là vòng đời quẩn quanh cứ lặp đi lặp lại:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Đoạn ca khúc mở đầu phác họa về cuộc đời con người là một vòng luẩn quẩn “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, thế mà bao năm vẫn chưa dừng lại, vẫn “mãi ra đi”. Bởi cuộc đời là những chuyến đi, và con người luôn đam mê khám phá hành trình sự sống. Chợt nhớ câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhựt viễn gia hương vạn lý trình

(Trần Nhân Tông)
Tạm dịch:
Lang thang mãi khách phong trần
Ngày xa vạn dặm muôn phần cố hương 
(Thùy Anh dịch)
Có điểm tương đồng giữa bước chân lang thang của người nhà Phật và bước chân loanh quanh của người đời: cùng vô định giữa cõi vô thủy vô chung này! Vòng sinh tử luân hồi khiến con người cứ trôi mãi giữa cõi đi về mà chưa tìm được chốn dừng chân, dẫu nhật nguyệt trên đầu soi rọi nhưng đâu phải ai cũng nhận thức được mình. Những sắc màu tâm trạng tương phản cùng hiện diện: Màu trầm “mỏi mệt” của con đường xa ngái và màu sáng rực của đôi vầng nhật nguyệt trên vai, để từ đó, nhạc Trịnh gợi những suy niệm về thân phận con người, cho người hát, người nghe tự thấm thía về chính đường đời của mình.
“Đôi vầng nhật nguyệt” và “một cõi đi về” ấy đã từng xuất hiện trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn với nhiều tên gọi: “nguồn cội” (Biết đâu nguồn cội), “chân như” (Giọt lệ thiên thu), “địa đàng” (Dấu chân địa đàng)… Đó đều là những hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời và ý thức tự nhìn thấu suốt đời mình. Trịnh Công Sơn từng nói : "Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều”. Ta chợt hiểu vì sao Trịnh Công Sơn hay viết về nhật nguyệt và cõi hư vô! Vì như chính ông đã nói: “vào hư vô của chính mình, vào hư vô của sự vật”, “trong hư không đó mình sẽ tìm thấy được mình và sự vật ở vẻ vẹn nguyên”. Thì ra “chân kinh vô tự” cũng chính là “chân tâm vô niệm”! Kinh không chữ của Phật chỉ có ai thực sự thanh thản, biết buông bỏ mới có thể đọc hiểu được. Và như thế, nhạc Trịnh Công Sơn như dòng nước mát dội trôi cát bụi trần ai còn bám phủ những mảnh hồn người.
Để rồi sau đó, người ta có thể lắng nghe được hồn cây cỏ:
Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Sự xuất hiện của hình ảnh “cây” và “cỏ lạ” không phải vô tình, cũng không phải chỉ là những hình ảnh của thiên nhiên sự sống đơn thuần. “Lời cây” là lời của sự sinh sôi, vươn lên sâu rễ bền gốc với đời. Còn “lời cỏ lạ”, phải chăng là lời của những thân phận bé nhỏ mong manh? Khi người ta đã hiểu quy luật “sinh ký tử quy”, thì “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, cây lớn hay cỏ lạ cũng là thực thể đang sống giữa đời, lắng nghe hồn cây cỏ là lắng nghe sự sống trong “một chiều ngồi say”, thấy mọi thứ nhẹ tênh! Và vòng thời gian vẫn quay, xuân tàn, hạ hết, thu về, đến khúc cuối chặng đường, ta nghe “Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”, bình thản chờ cỗ xe thổ mộ đưa ta về nơi cát bụi.
Nhạc Trịnh gói trọn cả cuộc đời trong những thanh âm dìu dặt, sâu thẳm, vút cao. Mây nắng trên đầu, sông dài biển rộng dưới chân, để ta thấy chiều kích con người giữa vũ trụ bao la không hề bé nhỏ. Vì con người ấy thấu suốt cõi ta bà, con người ấy hiểu rằng, hình hài có tan vào hư vô nhưng linh hồn là vĩnh viễn, bởi đôi cánh tâm linh đã giúp người bay lên khỏi vòng tục lụy trần gian.
Đoạn 2 của “Một cõi đi về”, vòng quay cuộc đời lại tiếp tục với thiên nhiên vô tận:
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.
“Đôi chân ta đi, sông còn ở lại” – Sự đối lập Đi và Ở, Động và Tĩnh giữa con người hành động và dòng sông tâm tưởng một lần nữa phác họa ra “một cõi đi về” hư thực, còn riêng trái tim một đời chỉ biết yêu thương là hiển hiện thật cụ thể: “Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi - Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Hóa ra, cây cỏ, núi đồi, sông biển… cũng đều là hình bóng con người đấy thôi! Dù ở thể này hay thể khác, thì con người vẫn luôn là “niềm đau chôn giấu” trong trái tim đa cảm nặng tình với cõi nhân sinh.
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Nhật nguyệt, cây cỏ, mây, nắng, và mưa! Thiên nhiên trong nhạc Trịnh lần lượt xuất hiện, tỏa sáng, lịm tắt, rồi có lúc lại bừng lên, có lúc vội vã, ào ạt, có lúc lặng chìm, miên man. Như lúc này đây, mưa rơi một phương trời mà khiến lòng hoài nhớ về miền xa mưa đổ: “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa”. Bởi những cơn mưa ấy là sự nhắc nhớ kỷ niệm không thể phai nhòa. Mưa ngoài trời và mưa trong hồn “mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ”, thấm thía đến từng thớ thịt, làn da một cái lạnh khôn cùng, vì “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”, cố hương lại xa vời vợi, cõi đi về này thật quá mênh mông!
Càng mênh mông, càng đau đáu suốt cuộc hành trình:
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Cái “loanh quanh mỏi mệt” ở đoạn đầu đã tái hiện ở đây trong con đường “chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Bi kịch của thân phận con người chính là cái vòng luẩn quẩn của danh lợi phù hoa. Nó khiến người ta mỏi mệt, tiều tụy, sống mòn! Muốn thoát khỏi nó, cần đôi vầng nhật nguyệt rạng soi từ trên đầu, chứ không chỉ “trên hai vai ta”, có vậy mới Minh được! (Trong chữ Hán, ghép chữ Nhật và Nguyệt, thành chữ Minh). Nếu Vô Minh thì đường vòng chỉ dẫn tới khổ đau phiền não mà thôi! Vì thế mà có “bờ cỏ non”, “bờ mộng mị ngày qua” – hình ảnh gợi liên tưởng đến bờ mê bến giác. Trịnh Công Sơn từng viết: "Bờ bến của một cuộc tình cũng không phải hẹp đâu. Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa giòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ đã đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm. Và bỗng nhiên một nụ cười thanh thản bỗng nở ra. Một khi đã qua được bờ bên kia rồi tất cả sẽ thấy lòng mình tràn ngập một nỗi hân hoan lạ thường và từ đó cái nguồn cội của khổ đau không còn lừa gạt ta được nữa..."
Không còn phiền não, cũng sẽ lắng nghe được lời của hoàng hôn, cũng giống như ở trên, con người thức tỉnh nghe được lời cây cỏ.
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.
Tà dương, mộ địa – không gian thiếu sinh khí, trầm lặng, hoang vu bao phủ. Có nắng đấy, nhưng đó là nắng tà dương – nắng chiều sắp tắt. Có đất đấy, nhưng đó là nơi lạnh lẽo của những âm hồn. Lời mặt trời cuối ngày là lời người đã khuất, lời sông bể là lời mạch nguồn tuôn chảy. Một vòng đời đã hiện hữu ở đây: mặt trời mọc, rồi lặn. Người sinh ra rồi về với đất. Nước nguồn chảy ra sông, rồi sông cất tiếng nói về nguồn. Kết thúc là nấm mồ ngủ yên trong bóng chiều hoang lạnh. Lần thứ hai, cái chết đươc nhắc đến trong bài. Ám ảnh như được báo trước. Như là một lời hẹn của người với đất, linh thiêng…
Chữ “đi” và “về” cứ trở đi trở lại trong toàn bài tạo thành một vòng tròn khép kín, dù không gian rất rộng, có cả sông biển mênh mông thì cũng vẫn không ngoài vòng tròn ấy.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì
“Ta về lại nhớ ta đi” – Đó là sự ngập ngừng lưu luyến của người muốn đi mà lòng không nỡ. Mâu thuẫn tâm lý này rất chân thực, nó phản ánh cái tình thiết tha khắc khoải của con người khi nghĩ về cuộc sống. Nhưng càng khắc khoải, day dứt với đời, càng nhận ra cuộc đời này thật vô cùng khắc nghiệt! “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng - Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Loài người (mà Trịnh Công Sơn dùng từ “nhân gian”để gọi) rất thiếu tình thương và sự bao dung: “chưa từng độ lượng”, và cõi người lồng lộng “ngọn gió hoang vu” tái tê giá buốt. Đến tận cuối đời mới nhận ra sự thật ác nghiệt này!
Nhưng dù vậy, chưa bao giờ vòng tay con người đa cảm ấy buông lơi cuộc đời này, ông vẫn yêu, vẫn say, vẫn “ôm đời ngủ muộn”, và vẫn “tiếc xuân thì”. Trái tim ấy sao mà dâu bể, sao mà nặng trĩu cả tình yêu vô lượng và nỗi cô đơn tận cùng!
Và vì thế, “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh mãi không thôi!
Và cũng vì thế, tôi luôn cảm thấy Trịnh Công Sơn chưa bao giờ rời cõi tạm này. Nhạc của ông, tấm lòng của ông, vẫn đang theo gió, cuốn đi, cuốn đi…
MỘT CÕI ĐI VỀ
Trịnh Công Sơn
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt mỏi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.
(Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì).

Một cõi đi về - Lệ Quyên ca tại Warszawa - YouTube

25/3/2016
Thùy Anh 
Theo http://chieulang.com.vn/


Ẩn ngữ trong Phôi pha và Một cõi đi về

Ẩn ngữ trong Phôi pha và Một cõi đi về
Ôm lòng đêm 
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ ...

Bóng đêm khổng lồ ngoài trời và bóng đêm khổng lồ trong lòng. Ôm lòng mình, ôm lòng đời và ôm lòng trời đêm, nhiều đêm, để rồi nhận ra ý nghĩa gắn liền từ vầng trăng xuất hiện hôm nay. 
Ôm lòng đêm 
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du 
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua

(Trịnh Công Sơn, Phôi Pha)
Một ngày kia sẽ đến bờ tử diệt. Đời người cũng ngắn ngủi như cơn gió đi qua. Trăng đã đi như người đã ra đi, rồi nay trăng lại về như người đã trở về. Trăng về đêm nay rồi trăng lại khuất mất đêm nay. Trăng mất dấu giang hồ đi đâu, rồi trăng lại tái xuất giang hồ nơi đâu. Một đời trăng phù du, một đời người phù du. Người tất bật đi đâu, rồi người hối hả về nơi đâu. Người tưởng mình cặm cụi đi giữa đời với một mục đích gì, rồi người chợt hiểu rằng thật ra chẳng có mục đích gì đích thật. Người tưởng mình đi mãi tới vô tận thế giới, rồi người chợt nhận ra chẳng có vô tận thế giới. Người tưởng mình lưu danh bất tử, rồi người một ngày chứng nghiệm ảo tưởng trường sinh. Một đời trăng phù du, một đời người phù du.
Mùa xưa rụng xuống trong chiều
Ta nghe đời mỏi liêu xiêu bước về
Cuộc tình gãy cách đam mê
Mộng tan tác mộng bên trời phù du
Xót tình chút lệ phân ưu 
Hoàng hôn đá dựng hoang vu bãi sầu

(Bùi Giáng, Chút Lệ Phân Ưu)
Từ tuổi hồn nhiên hôm trước đến tuổi kinh nghiệm hôm nay, bao nhiêu mộng ước đã lần lượt tan tành mộng ước., bao nhiêu đam mê đã lần lượt gãy đổ đam mê, còn lại chăng là những sự thật buồn thảm được phơi ra giữa đời giông gió. Bước đi mỏi mệt liêu xiêu. Ngựa đã bao lần buông vó, người đã bao lần chùng chân. Dùng dằng lưỡng lự bên trời phù du. 
Từng tuổi xuân đã già. Một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua. Người tỉnh giấc giang hồ. Người dừng bước giang hồ. Đảo mắt nhìn ra ngoài trời, thấy tất cả quá khứ một lần nữa nhòe nhòa dâng trào lên khóe mi buồn tủi. Trăng đã giang hồ đi đâu, mà nay trăng ngồi buồn tủi nơi đây. Bật khóc. Và rồi tỉnh giấc. Tự nói với mình. Đừng nhắm mắt lao sâu thêm vào chốn điên đảo nữa. Hãy mở to mắt. Hãy đứng dậy. Hãy lau khô giòng nước mắt. Hãy lắng nghe tiếng nói chân thật giữa đời. Hãy tạm đặt cuộc đời phù du qua bên lề, hãy lắng nghe tiếng nói của cuộc đời đích thực. Hãy mạnh mẽ đi tìm về lại bầu không khí ấm cúng của mái nhà xưa. Tìm về với tuổi thơ cố quận. Tìm về tinh cầu của Hoàng Tử Bé. Tìm về với mưa nguồn của Cô Em Mọi. Tìm về với Hương Màu Nguyên Xuân. Hãy ghi nhớ rằng đây là cuộc hành trình đơn độc, cuộc hành trình quay về với lẽ chân, quay về với lẽ thật, cuộc hành trình tự giải thoát khỏi mê lầm.
Không còn ai, đường về ôi quá dài 
Những đêm xa người
Chén rượu cay, một mình tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi

Bước đi. Mỗi bước đi tới là thêm mỗi bước cô đơn. Mỗi bước đi cô đơn là thêm một niềm vui bỏ lại. Mỗi niềm vui bỏ lại là mỗi nỗi buồn tiềm ẩn được đoạn trừ. Chỉ có mình tự giúp mình. Tự giúp mình từ bỏ con đường mê muội phù du, giúp mình hướng về lối ngõ thanh tịnh chân thật. Thôi về đi. Dù đường về rất cô đơn, dù đường về còn dài hun hút. “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi. Đời như vô tận, một mình tôi về với tôi.” (Trịnh Công Sơn, Lặng Lẽ Nơi Này). 
Đường về quê xưa quá dài. Đường về cố quận quá xa. Sở dĩ quá xa, vì tâm trí người đã rời bỏ quê mình quá lâu, và đã đi quá xa suối nguồn từ dạo ấy. Vì tâm trí người đã giang hồ phù vân quá lâu trong xứ sở mê muội từ dạo ấy. Vì người đã học hành quá nhiều loại sách vở từ chương từ dạo ấy. Vì người đã hấp thụ quá nhiều lý thuyết máy móc, trì thủ quá nhiều định kiến xã hội từ dạo ấy. Vì người đã bị tiêm nhiễm quá nhiều thói quen phàm phu trần tục từ dạo ấy. Nay muốn quay về với hương màu cố quận, muốn trở lại với suối nguồn nguyên xuân, trở lại với tâm hồn thuần tịnh hồn nhiên xưa kia người vốn có – tinh cầu Hoàng Tử Bé – quả thật là đường xa biết bao, cô đơn biết bao. 
Không còn ai, đường về ôi quá dài
Những đêm xa người
Chén rượu cay, một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi

(Trịnh Công Sơn, Phôi Pha)
Trên đường hồi hương cô độc ấy, còn phải đối diện biết bao thử thách bên trong và bên ngoài chính mình. Nào những đêm xa người, xa anh, xa em, xa những thói quen cũ của mình. Nào những ngày chùng chân, những cơn lưỡng lự, những trận dùng dằng, vân vân… Tất cả những câu chuyện đời ấy, chung qui là những chén đời cay đắng mà một mình tôi độc ẩm. Mỗi người phải tự uống những chén rượu cay của đời mình, không ai có thể uống thay cho mình được, và cũng không ai từ bỏ nó thay cho mình được. Uống đi và về đi. Trả lại tất cả vui buồn cho nhân gian, để mình được thanh thản đi vào cõi xứ không vui không buồn. 
Một mình tôi uống chén rượu cay của đời tôi. Rồi một mình tôi đơn độc trên đường về cố quận của tôi. Con đường phía trước còn dài thăm thẳm. Dài nhưng vẫn phải quay về. Không phải thân xác quay về, mà trí quay về, mà tâm quay về, mà ý chí quay về. Đi về và vui lòng trả lại tất cả buồn vui mê lầm cho nhân gian còn nấn ná chưa về. 
Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời
Nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời làm mây trôi

(Trịnh Công Sơn, Phôi Pha)
Tỉnh bước giang hồ. Về ngộ nơi cố quận. Về ngồi trong những ngày. Nhìn từng hôm nắng ngời. Nhìn từng khi mưa bay. Mưa Nguồn bay trên cố quận nguyên sơ. Tỏa ra những Hương Màu Nguyên Xuân cố quận. Ấy là xuất thế. Là xa đời. Là xa đời thế tục. Là quay về lại với đời Nguyên Xuân. Là gỡ bỏ hệ lụy trần gian điên đảo. Là thoát tục. Là tâm hồn nhẹ nhàng như mây trôi cuối trời. 
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời làm mây trôi

Có những chân nhân như vậy đó, họ đã xa lánh cõi đời quá nhiều hệ lụy, họ đã “quay về” lại nơi cuối trời không hệ lụy, sống một cuộc sống thanh thản nhẹ nhàng như mây trôi.
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì

Đường trần đâu có gì! Đường trần đâu có gì! “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật. Thế cho nên tất bật đến bây giờ”. Đường trần đâu có gì! Đường trần đâu có gì! Thế mà người đã bao tháng năm tất bật mỏi mệt với nó, lận đận tiến thoái loanh quanh dường như không lối thoát.
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về...
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng 
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì

(Trịnh Công Sơn, Một Cõi Đi Về)
Bước đi giữa đời mà không biết đời sẽ đi về đâu. Đi loanh quanh mãi trên con đường vô định. Hành động có vẻ như mình đang chủ động hằng ngày, mà thật ra là mình đang thụ động hằng ngày. Sống mà không thật sự có sinh khí, cứ cắn răng thủ phận làm con người đau khổ suốt một cuộc đời hoang vu. Hoang vu để mà hoang vu. Thật vô nghĩa.
Ai có biết cứu cánh tối hậu của cuộc tồn sinh là gì không? Mục đích cuối cùng của tạo hóa đối với nhân loại đau khổ này là gì? Để làm gì mà loài người đã thù hận nhau hàng ngàn năm nay vẫn chưa thôi? Tạo hóa chỉ muốn tạo ra một thế giới hỗn loạn cho vui vậy thôi sao? Khi nào mới chấm dứt trò chơi đẫm máu phi lý này? Chính tạo hóa có thẩm quyền chấm dứt trò chơi này không? Hay là cõi đời cứ tiếp tục trôi dạt phù du như vậy cho tới ngày tận thế tình cờ?
Không có ai trả lời. Còn vũ trụ thì trả lời bằng những lời không tiếng. Trái đất vẫn quay quanh mặt trời. Bốn mùa vẫn thay lá thay hoa. Trên hai vai ta vẫn đôi vầng nhật nguyệt. Người vẫn đi lên non cao rồi đi về biển rộng. Cho tới một hôm, bất chợt nghiêng tai nghe ngóng vạn vật chung quanh thì thầm, nghe ngóng tiếng gọi xa xăm từ một chân trời khác:
Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ, ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Nhìn cuộc đời trôi qua, nhìn vầng trăng mới về, lắng nghe cỏ lá rì rào bên ngoài, lắng nghe lòng mình thao thức bên trong. Tha thiết sống giữa đời mà như hờ hững xa lánh cuộc đời. Không phải vì chán đời, nhưng vì quá yêu đời. Càng yêu cuộc đời chân thật bao nhiêu, càng chán ngán cuộc đời bê bối nhà ma bấy nhiêu. Cho nên ngồi đây tại cõi ta bà, mà hồn cứ mơ tưởng tới cõi bờ tiên cảnh xa xăm, cứ mơ hồ nghe như ngày sẽ đến là ngày mình ngồi trên lưng ngựa để về với chốn thần tiên hạnh lạc. Thôi về đi, về làm mây trôi cuối trời đi thôi. Trả lại buồn vui cho nhân gian chờ đợi. Thôi về đi.
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Đôi chân bước đi mà toàn thể phần còn lại của cơ thể chưa chịu bước đi. Hôm qua vừa mới chán đời thế tục, hôm nay lại cảm thấy yêu đời thế tục. Tưởng rằng dễ quên, nhưng không dễ dàng quên chút nào. "Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ". Nhớ. Nhớ mãi. Tình Nhớ. Biển Nhớ. Từng vẻ đẹp của quá khứ vẫn còn sống động nhảy múa trong ta. Tấm thân phận người phức tạp vẫn còn giằng co mãi trong lòng ta. Con người yêu tinh này trong ta níu kéo con người thiên thần nọ trong ta. Tiên cảnh hứa hẹn điều gì, mà tục cảnh không hứa hẹn điều gì? Bên nào nghe cũng có lý lẽ hợp lý của nó, nghe cũng có chất duyên dáng đáng yêu của nó. Thật không đành lòng thiên vị bên nào.
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Ta đi, trên đường về cố quận, chợt thấy trong ta xuất hiện hình bóng con người xưa cũ của ta. Thấy con tim phàm tục trong ta giằng co với con tim bồ đề trong ta, con người yêu tinh trong ta lôi kéo con người thiên thần trong ta. Con thiên thần trong ta, tuy vậy, cũng không nỡ nặng lời với con tinh trong ta. Vì nói cho công bằng, con tinh yêu thương trong ta nào có tội lỗi gì đâu. Cả hai đều là anh em nằm chung trong một tấm thân phận người. Cho nên lòng ta cứ cắn rứt mãi. Lúc muốn đi. Khi muốn ở. Muốn thoát ra mà lại cứ vướng vào.
Đôi mắt ướt, tuổi vàng, khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

(Tuệ Sĩ, Không Đề)
Vậy đó mà cuộc giằng co vẫn cứ giây dưa dai dẳng. Đường về cố quận quả thật còn xa biết bao. Trong khi ta về lại nhớ ta đi. Đi lên non cao rồi đi về biển rộng. Lòng vòng mãi chưa thôi. Cứ nhớ nhung hình bóng cũ mãi. Con tinh yêu thương cứ động đậy hồn nhiên mãi. Những ước mơ thần tiên nào của tuổi hoa niên vẫn còn lảng vảng mãi quanh ta. 
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Mỗi bình minh xuất hiện là mỗi bình minh trôi qua. Từng hoàng hôn đang tới là từng hoàng hôn đang mất dạng. Từng suối khe xuất hiện từng giờ, từng suối khe mất dạng từng giờ. Từng bể sông trôi chảy từng giờ, từng bể sông biến dạng từng giờ. Tất cả đêu trôi chảy tự bao ngàn năm rồi.
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Đứng tại chỗ này, bờ mê thế tục này, nhìn ra muôn hướng chung quanh. Đi đâu? Về đâu? Về cố quận ư? Về chốn quê nhà ư? Nhưng làm sao về quê nhà được khi chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà? Làm sao về lại chốn cũ khi mà thời gian không bao giờ quay lại, khi trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ? Làm sao về lại chốn cũ khi bể sông biến dạng từng giờ, khi tất cả đều trôi chảy từng giây? 
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Thật ra chẳng có quê nhà địa lý nào cả để mà về. Quê nhà chỉ là tên gọi, chỉ là ngôn từ, chỉ là khái niệm dùng để chỉ cõi tịnh độ. Về lại quê nhà là tỉnh giấc mộng tưởng điên đảo. Là tỉnh bước giang hồ. Là về ngộ nơi cố quận. Là chiêm nghiệm và sống với những giá trị chân thật nguyên sơ. Mưa Nguồn bay trên cố quận nguyên sơ. Tỏa ra những Hương Màu Nguyên Xuân cố quận. Ấy là xuất thế. Là xa đời thế tục. Là hít thở bầu không khí của đời phi thế tục. Là gỡ bỏ hệ lụy trần gian mộng tưởng. Là thoát vòng tục lụy. Là tâm hồn nhẹ nhàng như mây trôi. Tâm hồn nhẹ nhàng ngay tại chốn này, tại chốn trần gian tiên tục điên đảo này.
Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này

(Bùi Giáng, Chỗ Này)
Nói “đi về”, không phải là quay bước đi lùi theo nghĩa đen. “Đi về“ cũng là một cách nói khác của “đi tới”. “Hồi đầu thị ngạn” tức “đáo bỉ ngạn”. Đi. Đi mãi. “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. Bất kể ngày đêm, giòng sông cứ chảy mãi như vậy đó” (Khổng Tử). “Không bao giờ bạn có thể tắm hai lần trên cùng một giòng sông”. Nghĩa là thời gian không quay trở lại.
Tết đi Tết đến Tết về
Tết bao nhiêu bận Tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về

(Bùi Giáng)
Ngôn ngữ tại cõi mê: “Tết đi Tết đến Tết về”. Ngôn ngữ tại xứ tịnh: "Tết bao nhiêu bận Tết đề huề đi. Đi về đi ở đi đi. Tết (hay bất cứ cái gì) đi là đi biệt từ khi chưa về”. Thời gian không quay lại. Nó đi từ vô cực này tới vô cực kia. Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ. 
Kinh Kim Cương: “Nhược hữu nhân ngôn, Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tòng lai diệc vô sở khứ. Cố danh Như Lai". 
If someone says: "NhuLai had come, had gone, had sit, had lied", that man did not understand what I described. Why is that? NhuLai, he who comes from nowhere and goes to nowhere. That's NhuLai. 
Mê Ngộ cũng là tại chốn này, giờ phút thường xuyên trôi chảy này. Nói “trở về” là hàm ý nói “ra đi”. Ra đi là lên đường từ bỏ cõi mê. Trở về nghĩa là trở về với xứ tịnh. Lộ trình trở về với tịnh xứ (cố quận) không khác lộ trình lên đường từ bỏ cõi mê. Ra đi là đi tới tịnh xứ chốn này hôm nay chứ không phải tịnh xứ hôm qua hay tịnh xứ ngày mai. Đi. Đi mãi. Từng giây từng phút.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì

"Trong khi ta về lại nhớ ta đi. Đi lên non cao đi về biển rộng." Nếu đi nếu về theo nghĩa "Tết đi Tết đến Tết về" thì đó là đang đi trong mê lộ. Nếu đi nếu về theo nghĩa "đi là đi biệt từ khi chưa về" thì đó là đang đi trong tịnh xứ.
Nếu nhân gian chưa từng độ lượng mình thì mình độ lượng nhân gian. Mình độ lượng nhân gian tức là mình cùng lúc độ lượng chính mình. Độ lượng ắt vô hiệu hóa ngọn gió hoang vu. Thanh thản bước đi giữa đời. Làm một "Nam Hải Điếu Đồ. Trụ vô ngại xứ. Kỳ tâm tịch tĩnh. Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần." (Bùi Giáng). Thôi đừng ngốc dại tự làm khô héo mình nữa, hãy tự độ lượng với mình, hãy về với mình thôi, về lại chốn quê nhà thôi, về với tịnh xứ thôi.
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
Từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa

(Phôi Pha)
Bước chân người nhẹ nhàng như không, dường như từ vườn Lộc Uyển xưa bước về, từ vườn địa đàng xưa bước về. Bàn chân ai xưa rất nhẹ. Bàn chân em xưa rất nhẹ. Bàn chân anh xưa rất nhẹ. Bàn chân tôi xưa rất nhẹ. Bàn chân Cô Em Mọi trên rừng xưa rất nhẹ, bàn chân Hoàng Tử Bé trên tinh cầu xưa rất nhẹ… Họ, lúc nào họ cũng an nhiên tự tại Như Lai. 

Phôi Pha - Khánh Ly | NHAC.VN

MỘT CÕI ĐI VỀ - KHÁNH LY - YouTube

NGUYỄN QUANG THẠNH
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/

  Việt Bắc – Suối nguồn thi ca 15 Tháng Mười, 2023 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý...