Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Mùa xuân đến

Mùa xuân đến*
Hoa mận vừa tàn thì mùa xuân đến. Bầu trời ngày thêm xanh. Nắng vàng ngày càng rực rỡ. Vườn cây lại đâm chồi, nảy lộc. Rồi vườn cây ra hoa. Hoa bưởi nồng nàn. Hoa nhãn ngọt. Hoa cau thoảng qua. Vườn cây lại đầy tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Những thím chích chòe nhanh nhảu. Những chú khướu lắm điều. Những anh chào mào đỏm dáng. Những bác cu gáy trầm ngâm…
Chú chim sâu vui cùng vườn cây và các loài chim bạn. Nhưng trong trí thơ ngây của chú còn mãi sáng ngời hình ảnh một cánh hoa mận trắng, biết nở cuối đông để báo trước mùa xuân tới…
Nguyễn Kiên
*Tiếng Việt 2, tập hai
LỜI BÌNH
Mùa xuân – mùa của tràn đầy sự sống. Mùa của sinh sôi nẩy nở. Mùa của  niềm tin. Mùa đẹp nhất trong cả bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Có ai không háo hức khi mùa xuân đến? Hơn ai hết, tuổi nhỏ lại càng nôn nao ngóng đợi khi trăm hoa đua nở, khi chim hót vang trời. Xuân đến đất trời rạo rực, chim muông như cũng bâng khuâng. Và nhà văn Nguyễn Kiên hồ hởi trải lòng mình hòa cùng cỏ cây, hoa lá… reo vui chào:  “Mùa xuân đến”.
Mùa xuân. Xao động. E ấp. Và sinh nở. Thời khắc hoa mận vừa tàn thì cũng chính là lúc mùa xuân đến. Từ thì là chiếc cầu nối thời khắc giao mùa tiễn đông qua, đón xuân sang. Có phải nhắc tới mùa đông dễ gợi ám ảnh cái lạnh se người nên tác giả thay vào đó bằng hình ảnh hoa mận vừa tàn?
Kìa, cái gì vừa xuất hiện trước mắt ta kia?  Xanh biếc của bầu trời.  Ưng ửng vàng của nắng. Chồi non nõn nà, lộc nảy của vườn cây. Tất cả đang hiển hiện lộng lẫy như tấm áo khoác rạng rỡ của nàng tiên  thoắt hiện. Vẻ xuân ngồn ngộn tràn ra, đầy lên nhờ tác giả sử dụng các từ tăng tiến: đã thêm, rồi càng, rồi lại, nào đâm nào nảy v.v…
Phải chờ đến khi tác giả thông báo: Rồi vườn cây ra hoa thì nàng xuân lả lướt, dịu dàng mới là chủ nhân rạng rỡ, tươi cười cùng ta đó! Không biết tự lúc nào, hoa tươi xòe nở, các loài chim thì thi nhau vươn mình dõng dạc cất tiếng. Không hiểu mùa xuân vẫy gọi giục giã hoa nở, chim hót hay hoa nở, chim hót vẫy gọi giục giã mùa xuân? Ai  mà biết được. Chỉ biết rằng một buổi sáng mai thật dịu, thật êm: trăm hoa đua nhau khoe sắc, tỏa hương. Và đàn chim rộn rã thi nhau cất tiếng đắm say ca vang sự sống bổng trầm. Ta ngắm, ta nghe các loài hoa qua cách tả, cách cảm của nhà văn. Ta tận hưởng nguồn suối mát lành từ những dòng chữ hiện lên, hiện lên, dựng dậy, ngân lên nốt nhạc, ý thơ. Đây hoa bưởi, kia hoa nhãn, xa kia nữa hoa cau…mỗi loài hoa trong  vườn nhà bỗng nhiên sao mà bình dị mà thân thương đến thế! Rồi hương thơm, mật ngọt tinh chất của đất trời, từ từ tỏa ra đằm thắm say người như chờ sẵn như mời mọc: nồng nàn của hoa bưởi, ngọt ngào của hoa nhãn, cho đến cái hương nhè nhẹ  thoảng qua của hương cau mới tinh tế làm sao!
Bỗng tôi sực nhớ có nhà văn nói rằng: “Chỉ có hoa dù cho ngát hương, thắm sắc bao nhiêu mà thiếu đi sự hiện diện của chim ca thì chưa đủ nghĩa trọn vẹn của mùa xuân”. Quả đúng thế, thì đây: vườn cây lại đầy tiếng chim và… Không phải ngẫu nhiên mà trước đó, câu văn đang 5 chữ, câu 4 chữ thậm chí có câu chỉ 3 chữ mà đến đây tác giả trải ra, dãn ra, duỗi ra tới mười,  mười một chữ, đọc lên nghe ngân nga mang âm hưởng như một dòng thơ: Vườn cây lại đầy tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Động từ bay có giá trị trung tính thì đúng rồi chim bay, nhưng chưa thể bằng lòng dừng lại mà tác giả tung hứng xuất thêm động từ nhảy nữa mới mong diễn tả hết cái rạo rực lòng mình. Như một sự nổ dây chuyền, các từ loại khác cũng háo hức góp “cổ phần”. Dành cho chim, tính từ chẳng đắn đo ngần ngại, ngay lập tức xuất  chữ: đầy, chỉ có nghĩa của đầy mới diễn tả hết ý (đầy tiếng chim).  Nhưng đặc sắc, sinh động nhất, hay nhất có lẽ tác giả đã cao tay sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa: chim mà cũng có họ hàng đủ cung, đủ bậc: nào thím, nào chú, nào anh rồi còn có cả bác nữa cơ đấy! Loài chim dưới con mắt mùa xuân của tác giả là một đại gia đình đông vui, hòa thuận và đặc biệt coi trọng quan hệ họ hàng thân tộc! Đó là những thím chích chòe, những chú khướu, những anh chào mào, tất nhiên không thể sót tên những bác cu gáy nữa. Những tính từ chỉ được gắn liền với hoạt động của con người thế mà mùa xuân đến được tác giả đặc cách trao bản quyền cho loài chim mới có lí và dễ thương sao! Nhanh nhảu chỉ có thể gắn được với những thím chích chòe bởi thân hình nhỏ nhắn, “thắt đáy lưng ong” dễ thương, thoắt ẩn, thoắt hiện chuyền trên trăm ngàn cành cây to, nhỏ mà chỉ trong nháy mắt thôi. Lắm điều, với cái nghĩa vui vui ( chẳng có ác ý một tí nào!) dành cho những chú khướu say mê hót, hình như chú này chẳng vương vấn mảy may rơi rớt một tí buồn nào nên luôn miệng véo von, hay thật là hay. Còn anh chào mào thì đúng là mang điệu bộ đỏm dáng đứt đi rồi, nào có oan chi, bởi ngoài bộ lông mịn màng sặc sỡ nhất rồi kia, chàng ta còn mất bao nhiêu là công sức trang điểm, bày vẽ tỏ ra mình “ăn chơi, sành điệu” có hạng - đội cái mũ có một không hai, xanh pha đỏ điệu nghệ  bằng cái chỏm cong cong, nhòn nhọn trên đầu! Cuối cùng còn anh cu gáy của chúng ta thì sao nhỉ? chàng này tuy tuổi chẳng hơn ai nhưng lúc nào cũng mang dáng trầm ngâm cố tạo ra dáng vẻ ta đây là bậc cao niên nhất trong họ, có như thế mới xứng với bậc lão nhất nhì trong làng chim và rồi tự bắt buộc mình mọi nơi, mọi lúc bất đắc dĩ, luôn luôn ở trong tư thế chau mày, suy tư và trầm mặc!
Thật đúng là: “Mỗi (người- chim!) mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”
Đoạn văn ngắn nhưng dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, mùa xuân hiện lên thật đẹp, thật sống động, tươi vui. Bao nhiêu hương, thơm của hoa tỏa ngát trong ta. Bao nhiêu tiếng hót của bầy chim là bấy nhiêu tiếng ríu rít  thiết tha của đất trời lan tỏa thấm đẫm vào da thịt ta, vào hơi thở ta, vào trí não, cảm xúc ta, đọng lại trong tâm trí cho ta thêm yêu cuộc sống, ta cảm được cái diệu kì của mùa xuân nguyên khiết, trong lành, bất tận. Đáng yêu sao!
Đoạn văn kết lại bằng hình ảnh “Cánh hoa mận trắng, biết nở cuối đông để báo trước mùa xuân tới”. Trước khi sắp tàn, hoa mận một lần nữa cố rút hết cái tinh khiết, trắng trong nhất còn lại của lòng mình, của đời mình để thăng hoa làm cái việc cuối cùng đẹp nhất là nở (biết nở) làm sứ giả báo tin cho muôn loài biết mùa xuân tới.
 Đẹp biết bao cái hoa mận trắng tinh, biết nở hồn nhiên ấy! Cái đẹp thấm đẫm tình đời, tình người ấy! Phải chăng cũng vì thế mà nó thấm đẫm đầy chất nhân văn?
Thật có lí khi đoạn văn này có mặt  trong sách giáo khoa lớp 2 dành cho tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mải đắm sắc hoa, mải đắm say chim hót.
Thái Hà
Theo http://trannhuong.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh

Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều "Lấn cấn" về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương...