Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Gởi lời cho gió mang đi

Gởi lời cho gió mang đi...
Tôi là một độc giả trung thành của Giai Điệu Xanh - trung thành từ khi tạp chí Giai Điệu Xanh còn chưa xuất hiên trên cõi đời này nữa kia (cõi đời khác thì tôi không biết.).
Bạn cười ư? Không sao, tôi vẫn sẽ bảo lưu quan điểm ấy bởi với tư cách là một bạn yêu nhạc, trong tôi và trong chúng ta luôn có một giai điệu xanh, thậm chí cho dù giai điệu xanh không được Giai Điệu Xanh đánh thức thì nó vẫn luôn xanh giai điệu của chính mình. Hình như tôi vừa đảo ngữ hay gì gì đó phải không?
Ngày lại ngày qua đến với Giai Điệu Xanh, tôi đã rất rất vui khi được trao đổi, chia sẻ và cảm nhận từng hơi thở của âm nhạc, từng bước chân đi của các ca khúc, ca sĩ, nhạc sĩ, công nghệ tổ chức biểu diễn, qua bao nhiêu trăng trầm thay đổi đổi thay... cũng không ít lần chợt buồn khi phải nghe, thấy những yếu kém khách quan lẫn chủ quan cũng trong âm nhạc. Nhân vừa rồi tình cờ được xem loạt bài của hai anh Nguyễn Bách và Trần Minh Phi (bài Tiêu chuẩn nghệ thuật để đánh giá một ca khúc và bài Don Quichotte vẫn còn đó của tác giả Nguyễn Bách - bài Phê bình lại một bài báo phê bình và bài Rất may là vẫn còn Don Quichotte của tác giả Trần Minh Phi), tôi cảm thấy thú vị nên xin được mạo muội góp đôi lời với các anh từ góc độ của một độc giả, dù có thể, chỉ là gởi lời cho gió mang đi như một câu thơ của Bùi Nguyễn Trường Kiên...
Ba điều lợi

Thứ nhất, xin được ngỏ lời cảm ơn cả hai anh, bởi từ cuộc tranh luận này, chúng tôi có dịp hiểu thêm khá nhiều điều về cái-gọi-là lý luận phê bình âm nhạc, hiểu thêm về những lắt léo trong tiếng Việt cũng như những gian nan khi sáng tác ca khúc, viết ca từ. Tuổi trẻ chúng tôi, như cách nói của Gs. Cao Xuân Hạo, đang phải học “cái thứ 100% không phải là tiếng Việt” (trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động), nên những cuộc tranh luận như thế này luôn bổ ích cho việc giữ gìn sự trong sáng, rõ ràng của tiếng Việt, ngõ hầu chúng ta sử dụng tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn tiếng mẹ đẻ.
Thứ hai, cũng từ đây, ta lại thấy thêm một vấn đề khá nhức nhối - không chỉ ở ta mà thuộc phạm vi thế giới – về hiện tượng sao chép, tái sao chép lẫn nhau. Những cái ta học, ta nói hôm nay phải chăng chỉ là sự kế thừa và phát huy từ những điều đã có sẵn cộng thêm một chút sáng tạo của ta để bổ sung vào kho tàng trí tuệ nhân loại? Kinh Thánh nói đại ý rằng: Không có điều gì mới dưới ánh mặt trời. Cái gì hôm nay có thì ngày xưa cũng đã có rồi và ngày sau cũng thế. Ta bảo đoạn văn, câu viết, ca từ, ý tưởng... nào đấy là “của ta” phải chăng chỉ vì ta không biết liệu trước ta đã có ai công bố chúng hay chưa? Và như vậy, nếu có một lúc nào đó ý tưởng mà ta đã dụng công sáng tạo vô tình trùng lặp với ai đó, liệu có thể gọi đấy là “đạo” lẫn nhau? Suy đến tận cùng, xem ra tôi đang “đạo từ điển” phải không nhỉ, bởi tất cả từ ngữ tôi dùng trong bài viết này đều lấy trong từ điển ra cả đấy. Rất nhiều ý “của tôi”, cho đến khi bạn đọc đến dòng này, đều là sự cóp nhặt từ đâu đó và sẵn sàng được bạn chấp nhận dù tôi không hề trích dẫn nguồn. Một câu hỏi tất cả chúng ta cần suy nghĩ: Trích dẫn của ai, ở đâu, khi nào thì cần dẫn nguồn và khi nào không? Tôi không trả lời được mà mỗi người cần tự trả lời cho mình trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Thứ ba, chúng tôi được lợi khi nghe các anh tranh biện và phản biện, bởi từ đây, khi cảm nhận âm nhạc, nghe một ca khúc nào đó, chúng tôi có thể nhìn rõ hơn những cái hay và cả những cái chưa hay trong giai điệu, ca từ. Nhạc sĩ được lợi khi chú ý hơn đến câu chữ, ngữ nghĩa khi viết ca khúc, hy vọng từ đó sẽ bớt đi những hạt sạn vốn đang còn quá nhiều để công chúng có được những tác phẩm tốt hơn. Cả những nhà lý luận phê bình cũng được lợi khi buộc phải cẩn trọng hơn trong đánh giá, nhận định về ca khúc, âm nhạc, đến cả chuyện tác quyền khi trích dẫn lẫn nhau.

Chỉ một cuộc tranh luận nhỏ thôi mà có nhiều điều lợi đến thế, sao ta không nhân rộng ra cho mọi người? Bao nhiêu bài báo, bao nhiêu ý kiến, dư luận về những hiện tượng chưa hay, chưa đẹp không hề nhận được phản hồi của các tác giả, ca sĩ, nhạc sĩ... liên quan. Giá như mọi người đều có thể mạnh dạn trao đổi, thẳng thắn phê bình bằng chính tên thật của mình như thế này thì hay biết mấy, phải không các anh?
Vài lời góp ý
Thế nhưng, bên cạnh những điều lợi, những lời cảm ơn, cũng xin cho tôi góp ý vài điều cho trọn vẹn nửa chữ “phê” trong cụm “phê bình”.
Tranh luận là điều tốt và chúng tôi hoan nghênh vì như trên đã nêu, từ cuộc tranh luận của các anh, chúng tôi được quá nhiều lợi ích. Nhưng tranh luận không đồng nghĩa với chỉ trích cá nhân theo cách mai mỉa lẫn nhau, bởi dẫu sao Giai Điệu Xanh cũng là tờ báo (phải gọi là một tạp chí chứ nhỉ!) chứ không phải góc quán café, nơi người ta có thể vung tay múa chân nói những điều mình thích bao lâu cũng được để bảo vệ cái lý tưởng tưởng như rất có lý của mình. Chúng tôi đến đây để tìm hiểu âm nhạc, để lắng nghe, để yêu ghét giận hờn cùng âm nhạc chứ không phải để biết ai là Don Quichotte, ai là Bao Bất Đồng, ai là Vi Tiểu Bảo. Điều đó không cần thiết. Nếu cần mỉa mai hay chỉ trích, sao ta không email cho nhau hay điện thoại, hẹn hò gặp nhau và đấu súng vì danh dự? Ai đó đã từng nói rằngđến cả Thượng đế còn đợi khi người ta chết rồi mới luận công và tội huống chi chúng ta cũng chỉ là những con người!
Và cuối cùng, xin cảm ơn toà soạn tạp chí Giai Điệu Xanh đã tạo ra được một sân chơi bổ ích, nơi mọi người đều được quyền phát biểu những ý nghĩ đôi khi trái ngược nhau của mình, nơi chúng tôi được học tập lẫn nhau chứ không chỉ đơn thuần là giải trí như hầu hết các tạp chí trực tuyến lẫn ngoại tuyến khác. Mong rằng sắp tới chúng ta sẽ lại được xem tiếp những cuộc tranh luận khác (chứ không phải đấu súng) về tác quyền, “dấu coda”, phong cách trình diễn, và vô vàn “vấn đề” của âm nhạc Việt Nam. Thương lắm, Giai Điệu Xanh ơi!.
Lê Hoàng
Theo http://www.giaidieuxanh.vn/
                                                                                                             


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín 14 Tháng Tám, 2023 2739 Bùi Công Thuấn (Vanchuongphuongnam.vn) – Nhân đọc Tiểu thuyết của Nguyễn M...