Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Nghe những tàn phai

Nghe những tàn phai
Những điều dưới đây, tôi viết bằng cảm xúc lắng đọng trong những lúc phiêu diêu, sắp xếp bằng những cảm xúc mơ hồ, phi logic nên có thể câu cú lộn xộn và tối nghĩa. Nhưng nếu bạn yêu Trịnh, và bạn thích Haruki Murakami, thì bạn sẽ hiểu được ít nhiều. Vì tôi mượn rất nhiều ca từ và hình ảnh trong những ca khúc và tiểu thuyết của họ để làm nổi rõ những gì mình muốn nói.
Tôi phải thú nhận rằng, tôi không hiểu hết những gì mình viết. Tôi chỉ giải thoát và tạm sắp xếp lại tất cả những điều cứ vơi đầy trong tôi, để ít nhiều tôi có thể cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Tôi đang phiêu diêu… lơ lửng… Và tôi đang tạm thời là một kẻ điên…
Chỉnh sửa lại những điều mình đã viết trước đây, tôi đặt lại cái tên chung cho tất cả là “Nghe những tàn phai” thay vì “Gần như niềm tuyệt vọng”. Vì dẫu sao, tôi viết những điều này không phải trong lúc tôi buồn hay tuyệt vọng, mà là trong khi tôi đang phiêu diêu với những cảm xúc hư vô…
1. Những dòng sông nhỏ
Có những dòng sông nhỏ chỉ đi ngang qua cuộc đời tôi, rồi bỏ tôi đi và không bao giờ quay trở lại. Tôi có thể chạy theo, nhưng thôi, tôi mệt mỏi, tôi chẳng đủ sức chạy theo những dòng sông nhỏ kia nữa… Dẫu sao, tôi đã làm được một điều: đó là nối kết những dòng sông nhỏ để chảy ra biển lớn… Ừ nhỉ, những dòng sông đều về với biển…
Gió cuốn đi rồi…
Có những dòng sông một thời đã tưới mát tâm hồn tôi. Nhưng rồi bỗng cạn khô, tôi bỏ dòng sông và dòng sông cũng bỏ tôi.
Có những dòng sông nhỏ chỉ hiện hữu trong những giấc mơ… rồi tan biến như ảo ảnh…
Từng người tình bỏ ta đi
Như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa…
Những dòng sông nhỏ, những người bạn, những người tình… Dù có thế nào, tôi vẫn trân trọng những gì đã qua…
2. Gọi tên bốn mùa
Cuộc đời phải chăng chỉ toàn những ngày buồn?
Khi bước chân ta về,
Đêm khuya nhìn đường phố,
Thành phố hoang vu
Như một lần qua cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh?
Buồn tênh… Nghe cứ nhẹ bẫng đi, tưởng như nỗi buồn không tồn tại… Nhưng không, không những nó tồn tại, tồn tại vĩnh viễn mà còn mênh mang vô tận, như thấm vào cả đất trời…
Đời sao im vắng
Như rừng núi bỏ hoang
Như đồng lúa gặt xong
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Cuộc đời còn có những niềm vui, nhưng những niềm vui kia thật mong manh, trong khi nỗi buồn lại mênh mang quá…
“Có một thứ tuổi đời mà cứ mỗi mùa Xuân đến, lòng cứ nhẹ đi những niềm vui mong manh mà lại nặng thêm những nỗi buồn vu vơ không nắm bắt được.”; “Cái sự buồn buồn kia không giống chút nào với nỗi buồn bây giờ khi một năm vừa cạn, vừa tàn, vừa tắt.”
Ừ mà phải, đã từ lâu, tôi chợt nhận ra rằng mình không thích mùa xuân, hay nói đúng hơn là ghét. Mùa xuân, nó mang lại những cảm xúc mong manh khó diễn tả, cái mùa xuân xứ bắc này. Mùa xuân ư? Mùa xuân sao lại có lá vàng? Mùa xuân sao vẫn rét buốt, vẫn lạnh cóng đôi tay? Phải chăng mùa xuân không về nữa? Trong tôi, mùa xuân đã chết tự bao giờ…
Còn mùa đông ư? Vâng, mùa buốt giá… và theo lẽ thường, mỗi năm chỉ có một mùa đông… Nhưng đối với tôi, mùa đông mênh mang lắm… Và dường như 12 tháng trong năm đều có gì đó rất lạnh… Vì vậy, trong tôi khái niệm về mùa đông không còn…

Tôi đã từng say đắm nói rằng “mùa thu chỉ đẹp khi đó là mùa thu Hà Nội, và Hà Nội đẹp nhất là Hà Nội mùa thu.” Nhưng giờ Hà Nội trong tôi bỗng trở nên xa lạ… tôi vẫn còn một Hà Nội rất khác (hoàn toàn không phải Hà Nội với khói bụi và đông đúc như mọi người vẫn biết) Hà Nội ấy lung linh và quyến rũ, một Hà Nội mà không phải ai cũng thấy được, không phải ai cũng cảm nhận được và không phải ai cũng bước vào được… Nhưng giờ Hà Nội ấy đã ở rất xa… tôi không chắc tôi đã bỏ Hà Nội hay Hà Nội đã bỏ tôi…. Nhưng dù gì thì tôi cũng rất khó có thể quay trở về chốn bình yên ấy. Mùa thu với những chiếc lá vàng bay trong gió lại gợi đến một thứ tuổi đời lặng câm và lạnh lùng và chai lì như đá… Và chỉ còn lại những cơn mưa dầm dề và bầu trời u ám… mùa thu say đắm trong tôi cũng mất…
Còn mùa hạ, với những mưa nắng vô thường cũng trở nên quá xa xăm… Trước kia, những cơn nắng sưởi ấm trái tim tôi… Và những cơn mưa xoa dịu tâm hồn tôi. Nhưng bây giờ mùa hạ trong tôi đã chết. Tôi chợt nhận ra rằng mưa thật buồn, nhưng nắng lại buồn hơn mưa… “chút nắng vàng giờ đây cũng vội, khép lại từng đêm vui” Vậy là mùa hạ chìm vào trong sương khói bảng lảng… Tôi như lênh đênh trên một dòng sông hư vô không bến bờ.
Rồi mùa xuân không về
Mùa thu cũng ra đi
Mùa đông vời vợi
Mùa hạ khói mây
Trong tôi bây giờ không còn khái niệm mùa Xuân, mùa Thu, mùa Hạ hay mùa Đông nữa… Mà chỉ còn lại những mùa không tên…
Tôi như chim vô vọng
Linh hồn rất mỏng manh
Trong tim tôi có lần
Một mùa ôi rất lạnh
3. Giấc mơ đời hư ảo
Có nhiều lần khi tỉnh dậy, tôi thấy gối mình ướt đẫm nước mắt – tôi hoàn toàn không nhớ những gì tôi đã thấy trong khoảng thời gian “sau khi ngủ và trước khi tỉnh dậy” – giấc mơ đêm hôm trước. Điều tôi đã thấy là gì? Nó kinh khủng đến mức nào khiến tôi khóc ướt đẫm cả gối? Tôi hoàn toàn không nhớ gì hết.
Và cũng có khi đang ngủ, tôi giật mình tỉnh dậy… Có những đêm tôi thức dậy đến mấy lần mà không rõ lý do… Có Những giấc ngủ chập chờn không yên…
Có lần, khi tỉnh dậy, tôi phải mất một vài giây để tan hết những gì mờ ảo khói sương tôi đã mơ, và để nhớ lại những gì đã xảy ra trước khi tôi đi ngủ.
Và thường xuyên, trong giấc ngủ, tôi rơi vào hết cơn mộng mị này đến cơn mộng mị khác. Ở cơn mê này, tôi là người này, ở cơn mê này, tôi lại là người khác… Và khi tôi muốn thoát khỏi cơn mê này, tôi lại rơi vào cơn mê khác… Còn ở trong cuộc đời, tôi là tập hợp của những mảnh ghép, là một sự chắp vá những mảnh tâm hồn…
Cuộc đời… phải chăng cuộc đời chỉ là cơn mộng mị dài… và là sự lắp ghép lại những cơn mê ngắn… Tất cả đều quá xa xăm, tưởng chừng không nắm bắt được. Liệu có gì là thật? Nhiều lúc tôi cảm giác như mình đang lơ lửng lưng chừng trời, xung quanh bốn phía chỉ toàn một màu trắng của mây… Nhưng lắm khi tôi lại cảm thấy hình như mình đang rơi… rơi xuống vực thẳm của hư vô… xung quanh tôi chỉ đen đặc một màu… Có những điều tưởng là thật, nhưng thực chất lại chỉ là ảo giác. Có những điều tưởng như không thật, nhưng lại quá sống động. Tôi bị lẫn lộn giữa ảo và thật. Tôi là tên mục đồng, tôi cưỡi ngựa hồng lên đường phiêu linh, tôi rong chơi cuộc đời… Nhưng tôi cũng là con chim nhỏ, tôi cũng là mưa, và tôi cũng là nắng… Khái niệm không gian và thời gian bỗng trở thành không xác định.
Tôi thực sự là ai? Tại sao tôi lại lạc vào giấc mơ đời hư ảo này? Đâu là ảo và đâu là thật?

4. Tôi sẽ chết trên căn phần mình
Từ nhỏ, khi đã lờ mờ biết về cái chết, tôi đã bị ám ảnh bởi nó. Chết là gì? Chết là phải nằm trong một cái hòm gỗ, dưới tầng đất sâu lạnh lẽo và tối đen, vĩnh viễn không bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời, không có ai bên cạnh để trò chuyện… Mọi người dần dần sẽ lãng quên tôi, quên như chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của tôi. Và tôi sẽ phải nằm đó… cô đơn một mình… Vĩnh viễn… Tôi đã từng sợ cái chết, vì bóng tối và nỗi cô đơn…
Đến bây giờ tôi không còn bị ám ảnh bởi cái chết như hồi nhỏ, và không còn thấy sợ nó như ngày nào nữa. Cái chết đối với tôi giờ đây không còn đáng sợ. Tôi hóa thân từ cát bụi, và khi tôi chết, tôi lại là cát bụi… Đã có lần tôi trong cơn tuyệt vọng, tôi muốn bỏ cuộc đời này mà đi, để trở về với cát bụi, để không còn phải khóc, để không còn phải đau… Nhưng tôi đã ở lại, tôi chợt nhận ra mình vẫn yêu cuộc đời, với trái tim của một kẻ tuyệt vọng. Tôi chợt nhận ra rằng nếu cuộc đời đã cho tôi những giọt nước mắt, thì cuộc đời cũng sẽ hong khô những giọt nước mắt ấy và mang đến cho tôi những nụ cười. Và quả thật, sau khi thả trôi đi những tị hiềm, dù ít dù nhiều tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi vẫn yêu cuộc đời, bằng trái tim cả của một tên tuyệt vọng.
Nhưng để thả trôi được hết những tị hiềm ấy không phải việc đơn giản. Tự tôi lại làm cho tôi khô héo… Những nỗi buồn lơ lửng, bám riết lấy tôi, chực vồ lấy tôi.
Tôi lại chui vào cái vỏ ốc của mình với những nỗi buồn mênh mang. Tôi sẽ chết trên căn phần mình.
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi

5. Phác thảo chân dung tôi
Trong tôi hình như không chỉ có một, mà thường xuyên có 2 cái Tôi đối lập. Có cái Tôi vui vẻ hồn nhiên. Nhưng cũng có cái Tôi sầu muộn.
Tính cách tôi thay đổi thất thường, thất thường đến mức chính tôi cũng không hiểu nổi mình. Có người bảo đó là sự ẩm ương sớm nắng chiều mưa rất đặc trưng của con gái Hà Nội, cũng như thời tiết Hà Nội.
Tôi buồn vì những điều rất vu vơ và tôi vui vì những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt. Tôi vui khi đi thấy những tán cây xào xạc trong gió, nhưng tôi buồn khi thấy những chiếc lá vàng bay trong gió… Tôi vui khi thấy một cô gánh hàng hoa, hai quang gánh toàn là cúc đại đóa màu vàng, nhưng nỗi buồn lại đến với tôi mỗi khi gió mùa về…
Tôi thấy trong tôi đong đầy những cảm xúc, nhẹ tênh cũng có mà nặng như đá cũng có. Và thường xuyên, tôi sống với những cảm xúc không tên, những cảm xúc của chính mình nhưng tôi không bao giờ có thể hiểu thấu và gọi đúng tên…
Tôi thường xuyên mệt mỏi với những cảm xúc đó, và bị chúng chi phối rất nhiều, nhưng thà rằng cứ vơi đầy những cảm xúc như thế, dù buồn có nhiều hơn vui, nhưng còn hơn là trở thành gỗ đá… Tôi chắc chắn điều đó, vì tôi… đã từng là gỗ đá…
Tôi ngốc dại, tôi tự làm mình héo khô, héo khô như một cái cây muốn mình xanh tốt, nó vươn vai đắm mình trong ánh sáng mặt trời. Nhưng rồi sức nóng của mặt trời làm cái cây dần dần trở nên héo úa, mất sức sống…

Mỗi ngày soi gương tôi lại nhận thấy khuôn mặt mình có thêm những nét hốc hác, phờ phạc, chẳng có nét tươi tắn nào của một cô gái đang ở độ tuổi ngoài đôi mươi. Tôi chợt nhận ra rằng thời gian trôi quá nhanh mà mình vẫn chưa làm được gì cho đời, cho những người tôi yêu thương, hay chí ít là cho riêng tôi. Bao nhiêu mơ ước tôi vẫn chưa thực hiện được. Giờ tôi vẫn chỉ có hai bàn tay trắng… Tôi đã không được đi con đường tôi muốn đi, tôi đã lỡ rẽ sang một hướng khác… quá xa… Tôi vẫn muốn quay lại để đi con đường ấy, dù có gian nan, nhưng đó là lẽ sống của tôi… Đó là con đường của nghệ thuật, tôi yêu nghệ thuật, say đắm và mê dại… nhưng… liệu quay lại có kịp không, khi khoảng thời gian thượng đế dành cho một con người chỉ có giới hạn…
Thường xuyên, tôi không hiểu được chính mình, tôi không thể gọi đúng tên của những cảm xúc và những suy nghĩ đang bộn bề trong tôi… Nhưng khi nghe Trịnh, và đọc Haruki Murakami, tôi đã tìm thấy tôi… tôi đã có thể tự trả lời những câu hỏi mà tưởng chừng không có lời đáp… Tôi cảm giác như người nhạc sỹ ấy, nhà văn ấy viết ra những bài hát, những cuốn tiểu thuyết ấy… là để dành cho tôi…
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Ngoài Trịnh, chưa có nhạc sĩ nào lại có thể sáng tác được những bài hát vang vọng đến những góc sâu nhất trong tâm hồn tôi đến như vậy. Càng nghe Trịnh, tôi càng hiểu rõ con người tôi. Và nhạc Trịnh, đối với tôi, là những lời ru êm đềm nhất; nếu như những lời ru của mẹ tôi chỉ đi theo tôi trong những năm tháng đầu đời, thì những lời ru của Trịnh đi theo tôi suốt cả cuộc đời, cho đến khi về bên kia thế giới…
Khi đọc truyện của Haruki Murakami, tôi gặp mình trong nhiều nhân vật, tôi vừa là Reiko vừa là Naoko trong “Rừng NaUy”, tôi là ông lão Nakata trong “Kafka bên bờ biển” hay Miu trong “Người tình Sputnik”, tôi cũng mơ về những hạnh phúc xa xôi ở một nơi mơ hồ “phía nam biên giới”, tôi là người nông dân làm việc trên cánh đồng mênh mông xứ Xiberi…
Có những điều không thể diễn đạt bằng lời... chỉ có thể hiểu bằng cảm xúc... Tôi luôn luôn vơi đầy những cảm xúc, tôi đã muốn viết thật nhiều, thật nhiều, nhưng hầu như mỗi lần cầm bút, mỗi lần đặt tay lên bàn phím là bao nhiêu điều kia bỗng dưng chìm xuống dưới đáy sâu tâm hồn; và nhiều khi tôi không sao hiểu và sắp xếp được những gì đang diễn ra trong tôi… Đó là lý do tại sao, thường xuyên, tôi không viết được gì, trong khi có rất nhiều điều muốn viết.
6. Chỉ có ta trong cuộc đời, quán trọ trần gian
“Phải chăng trái đất sinh ra là để nuôi dưỡng sự cô đơn của con người?” – Tôi đọc được câu này trong một cuốn tiểu thuyết, và nó đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ… Phải chăng sinh ra trên cõi đời đã là một niềm bất hạnh và đã phải chuốc lấy sự khổ đau và nỗi cô đơn?
Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi
Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người
Nghe xót xa hằn trên tuổi trời
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi
Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người
Người ta tự ru mình bằng nhiều cách, có người làm được, nhưng có những người luôn thất bại. Vẫn có những người luôn bị ám ảnh bởi cái chết và sự khổ đau như tôi…
Luôn được ở bên cạnh những người mình yêu thương, nhưng tôi vẫn cảm thấy trong tôi có một khoảng trống của nỗi cô đơn mà tôi không sao lấp đầy được.
Trời cao đất rộng, một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận, một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi…

Khoảng thời gian thượng đế dành cho con người chỉ có giới hạn. Trần gian này phải chăng chỉ là quán trọ? Nếu đây chỉ là quán trọ, thì nơi đâu mới là nhà cho loài người? Rời xa nơi này rồi ta sẽ đi về đâu? Có những gì ở bên kia thế giới? Liệu cõi vĩnh hằng có thật không? Hay chỉ là trí tưởng tượng của loài người, để làm giảm nỗi sợ hãi về cái chết?

Tôi đã được đọc câu chuyện về một căn bệnh kỳ lạ của người nông dân xứ Xiberi, sống trên một cánh đồng mênh mông, tưởng như trải dài vô tận. Chỉ có anh và cánh đồng, cũng như chỉ có cánh đồng và anh. Sáng sớm, khi mặt trời mọc, anh vác cuốc ra đồng làm việc và đến khi mặt trời lặn, anh trở về nhà ngủ. Ngày hôm sau cũng diễn ra như thế. Hết ngày này qua ngày khác, những chuỗi ngày đều đặn, tẻ nhạt và vô vị. Rồi đến một ngày, có một cái gì đó vỡ vụn trong anh, anh vứt cuốc, cứ thế đi thẳng về phía mặt trời lặn, anh cứ đi như bị ma làm. Và rồi đến khi kiệt sức, anh gục xuống và chết. Phải chăng, con người, ai sinh ra cũng đều phải đi một cuộc hành trình về phía Tây mặt trời như thế, cho dù có muốn hay không.
Bởi vì cuộc sống là cuộc sống, nên nỗi buồn mới nhiều hơn niềm vui, và khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Có vị đắng của nỗi buồn và khổ đau, ta mới cảm nhận được vị ngọt của niềm vui và hạnh phúc. Hãy đừng quá bon chen, nhưng hãy sống hết mình, sống bằng cả trái tim, để khi phải rời quán trọ trần gian này, ta không có gì phải hối tiếc…
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim.
7. Ôm lòng đêm… [May 2nd 2009]
Ôm lòng đêm
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua…
Hình như sau khi viết ra được hết những điều cứ vơi đầy mãi trong mình suốt một thời gian dài, những điều mà mình đã muốn viết hết ra nhưng mãi về sau mới viết được, con người ta lòng cứ nhẹ bẫng đi… và hồn cứ phiêu diêu ở nơi nào đó phía trên cao kia…
Dạo này tôi hay thức rất khuya, hững hờ lướt net, nói chuyện dăm ba câu với một vài người bạn, nghe Trịnh, và lắng nghe sự im lặng của đêm… Để tâm hồn mình tĩnh lại sau một ngày dài…
Đêm… tôi càng cảm thấy rõ hơn sự hoang vu của cuộc đời cũng như sự hoang phế của tâm hồn mình…
Đêm… tôi càng thấy rõ một điều, rằng trái đất sinh ra để nuôi dưỡng sự cô đơn của con người. Cái sự cô đơn quanh tôi ngày càng lớn dần, nó bủa vây lấy tôi, và tôi không cách nào chế ngự được nó.
Đêm… tôi bị lẫn lộn giữa Bình Yên và Trống Rỗng. Tôi sợ sóng gió, sợ bão tố nhưng cũng sợ những khi sóng yên gió lặng. Đêm mang lại cho tôi sự bình yên hay trống rỗng? Hay cả hai? Hay không gì cả?
Đêm… tôi nghĩ về cuộc đời… về sự sống và cái chết. Cái chết không phải là cái đối lập với sự sống mà là một phần của sự sống. Sự sống nuôi dưỡng cái chết. Nhưng cái chết cũng nuôi dưỡng sự sống. Cái chết? Tại sao không phải là sự chết?
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người
Còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi
8. Vô thường nắng… vô thường mưa… [May 17th 2009]
Chìm dưới cơn mưa và chìm dưới đêm khuya
Trời đất bao la còn chìm đắm trong ta
Hạt cát ngu ngơ nằm chìm dưới chân đi
Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới hư vô
Dù nắng hay mưa cũng đều mang đến cho tôi những niềm bang khuâng khó tả. Và thường đó là những nỗi buồn thật vu vơ. Hình như, cả mưa và nắng đều mang trong mình một nỗi buồn. Nhưng mưa buồn hơn nắng, hay nắng buồn hơn mưa?
Mưa Hà Nội luôn là những cơn mưa dai dẳng. Có những trận mưa kéo dài hết ngày này sang ngày khác. Có nhiều khi mưa tạnh, hửng nẳng rồi một chút lại mưa tiếp. Cùng một trận mưa, nhưng có lúc nhẹ nhàng, lắc rắc, có lúc lại ào ào như thác đổ. Tựa như một người đang khóc, có lúc khóc rấm rứt, nhưng lại có khi khóc òa lên… Có những chiều mưa, tôi phóng xe về nhà, Mưa không to, nhưng cũng đủ làm ướt cặp kính tôi vừa lấy tay lau vội, kính nhòe nước, lớp màn mưa mỏng làm tôi không thấy rõ đường, chỉ nhìn thấy những ánh đèn mờ mờ phía trước. Mưa… tựa như nỗi buồn làm con người ta trở nên mù quáng… và nước mắt rơi chẳng kịp lau…

Nhưng còn nắng… Nắng như một người lặng lẽ và cô độc. Nắng nóng bỏng và gay gắt. Khi mặt trời lặn thì nắng cũng tắt. Đời sống của nắng thật ngắn ngủi. Nắng lịm dần, lịm dần rồi nhường chỗ cho bóng đêm. Nắng như một sinh linh yếu ớt phải sống dựa vào mặt trời. Đời sống của nắng thật ngắn ngủi… Nắng luôn mang cho tôi cảm giác bình yên giả tạo, không buồn, mà cũng chẳng thể vui. Thà rằng trong lòng cứ nặng trĩu những nỗi buồn, còn hơn là để tâm hồn mình trở nên hoang phế…
Đêm chờ ánh sáng, mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần…
Mưa và nắng có buồn thật không? Phải vì nắng mưa vô thường nên người đời mới gán cho những nỗi buồn như thế? 
Hà Nội dạo này mưa thật nhiều. Sáng mưa… chiều mưa… tối mưa… và đêm cũng mưa… Trên bầu trời xanh, giữa những đám mây trắng xốp như bông, lại có những đám mây xám xịt, như một người đang yêu đời bỗng nhiên có những nỗi niềm u uẩn… Một đêm mưa Hà Nội, mắt ráo hoảnh, mênh mang buồn… và lơ đãng với những cảm xúc không tên… và những nỗi nhớ hư ảo…
Đôi khi có mưa giữa khuya
Hồn tôi bỗng vu vơ…

9. Sinh nhật [May 28th 2009]
Hà Nội, mùa hạ thứ 23 trong cuộc đời… 
Nơi tôi sinh – Hà Nội
Ngày tôi sinh – một ngày bỏng cháy
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó
Đêm nằm lặng nghe trong gió

Tiếng sông Hồng thở than…
Tôi sinh ra ở Hà Nội, vào một buổi sáng mùa hè nóng bỏng. Và tôi cũng lớn lên ở mảnh đất ngàn năm văn vật này. Hà Nội với 4 mùa lá rụng. Hà Nội bình yên… bình yên đến kỳ lạ… Nhưng hình như chính sự bình yên ấy lại gieo vào tôi hạt mầm của sự đa cảm và đa sầu… Tôi hay buồn nhưng chẳng biết tại sao mình buồn… và cũng chẳng biết mình buồn về điều gì. Tôi chỉ biết duy nhất một điều, lúc nào tôi cũng cảm thấy vu vơ buồn… 
Từ khi tôi cảm thấy mình đã lớn, tôi không còn cảm thấy háo hức, không còn mong chờ ngày sinh nhật của chính mình như ngày nào nữa… Không còn cả hứng thú với việc tổ chức sinh nhật. Vì khi ấy, tôi bỗng cảm nhận rõ hơn dòng chảy của thời gian, rằng tôi chẳng còn được lưu lại quán trọ trần gian này bao lâu nữa… Vì tôi cảm giác, mỗi lần sinh nhật đến, là tôi lại bước đến gần hơn về chốn xa xăm cuối trời, phía miền cát bụi, phía tây mặt trời… 
Nhìn lại, tôi vẫn thấy mình chưa làm được gì cho đời, cho những người tôi yêu thương; hay chỉ đơn giản là chính tôi. Tôi vẫn chỉ còn có 2 bàn tay trắng. Tôi đã để tuột mất nhiều điều… Cứ mỗi lần sinh nhật, tôi lại nhìn lại quá khứ, nhìn lại mình, và lần nào tôi cũng kết luận rằng tôi đã thay đổi nhiều, nhiều đến mức tôi không còn nhận ra tôi, đến mức tôi chưa kịp làm quen với con người mới này thì con người mới khác đã đến thế chỗ. Đến chính tôi cũng không thể hiểu được tôi – nên tôi chẳng dám hi vọng sẽ tìm được ai đó hiểu được mình… 
23 năm… tôi không còn nhỏ. Nhưng cũng chưa thực sự trưởng thành. Tôi lớn lên bằng lời những lời ru của bác Trịnh nhiều hơn là của mẹ tôi. Những năm tháng đầu đời ngắn ngủi, từ khi sinh ra cho đến khi bắt đầu đi mẫu giáo, tôi lớn lên bằng lời ru của mẹ tôi. Và nhiều năm về sau, khi tôi lớn, khi tôi hiểu được nhạc Trịnh, thì lời ru của bác Trịnh đã theo tôi suốt từ hồi đó, và chắc chắn là còn rất lâu về sau, cho đến khi tôi trở về với cát bụi… Vì đối với tôi, tìm đến nhạc Trịnh là tìm đến với sự bình yên… là tìm lại mình, là tìm thấy con đường để bước tiếp…
10. Bay lên và rơi xuống

Tôi vốn là một người lúc nào cũng để đầu óc mình lơ lửng trên mây. Hầu như lúc nào tôi cũng lơ lửng trên đó, không biết làm thế nào để xuống đất, và thực sự tôi cũng chẳng muốn xuống… Dưới kia đâu có gì vui đâu?
Hà Nội, có một ngày cuối tháng 5… Nhưng thời tiết lại dịu dàng như cuối mùa thu, sau một cơn mưa… mưa to… mưa rả rich rồi tạnh. Tôi, một kẻ luôn lơ lửng lưng chừng trời, luôn ở trong trạng thái phiêu diêu, lại càng bay cao hơn. Chiều tan học, tôi lên Bờ Hồ hóng gió, định vào một quán nhỏ quen thuộc bên hồ để ngồi làm thơ… Nhưng khi tôi lên gần đến nơi… đường đông… khói bụi, và nhìn lên quán, chỗ ngồi quen thuộc của tôi ngoài ban công đã không còn trống. Mà ngồi trong quán thì mất hết ý nghĩa trong một ngày lộng gió như thế, nên tôi quay về. Đường vẫn đông và tắc. Khói và bụi kéo tôi về với thực tại. Phải chăng mọi người cũng đi hóng gió như tôi? Không phải. Họ trông hối hả và tất bật lắm. Tôi chợt nhớ ra rằng, người ta phải lo mưu sinh và kiếm sống, phải lo trăm công nghìn việc, chẳng mấy ai dở hơi lại đi loanh quanh hóng gió như tôi… Hà Nội lung linh vụt biến mất. Chỉ còn lại một thành phố ồn ã, khói và bụi. Và tôi rơi… từ trên tầng mây thứ 9, tôi rơi oạch xuống đất… đau điếng…
11. Nghe những tàn phai
Hà Nội, một chiều gió… Trời nổi gió sau một ngày nắng nóng và oi ả… Gió mát lạnh… Phố xá đã vắng bớt… Lẽ thường, tâm hồn tôi phải phiêu diêu theo gió, nhưng không.
Có điều gì đó thật lạ… 
Nỗi buồn hư không nào đó bỗng xâm chiếm và bủa vây lấy tôi. 
Hà Nội, một đêm mưa… Mưa không to. Nhưng lành lạnh. Gió và hơi lạnh phả vào phòng làm tôi thức giấc. 2 giờ sáng… Chợt muốn viết... Tôi bật dậy
Bỗng thấy thèm nghe Trịnh kinh khủng. Gần như là một cơn khát… Nhạc Trịnh lại như là những giọt nước mưa ngọt ngào, còn tâm hồn tôi là một cánh đồng cằn khô hạn hán… Tôi vừa nghe Trịnh, vừa nghe mưa... vừa viết...
Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời
Nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời
Làm mây… trôi…
Tâm hồn tôi bỗng trở về hoang phế… Trái tim tôi lại héo khô… Tôi lại rơi… Lần này không phải rơi từ trên tầng mây thứ nào xuống đất, mà rơi vào cõi hư vô, rồi chìm lút vào trong đó…
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
Từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa
Về là về đâu? Về đâu? Về đâu?
Tôi như con chim buồn
Bay về lúc chiều hôm
Thôi quên đi thiên đường
Một đời tôi mãi tìm.
Có lẽ là về lại cõi hư vô. Cõi đời là một cõi đi và về. Ta đi loanh quanh, ta tìm cho mình một chốn bình yên, một nơi nương náu. 
Ta chạy lòng vòng
Ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn
Nào có hay cạn đời…

Ta mù đời

Ta chạy mòn hơi
Quì té trên đường đời
Sợi tóc vương chân người…
[tự nhiên đang nghe Trịnh lại nhớ đến mấy câu hát của Phạm Duy]
Nhưng nơi đó là nơi đâu? Có lẽ là cõi hư vô… Trốn vào hư vô, mọi nỗi buồn, mọi nỗi đau đều hóa thành hư không… Có lẽ cũng là cõi Trịnh… Đối với tôi, nhạc Trịnh luôn mang đến cho tôi sự bình yên… Tôi không thể vững bước nếu không có Trịnh.
Bỗng nhiên thèm nói chuyện với một người, thèm nghe giọng nói ấy, giọng hát ấy… Chẳng biết có còn được nữa không… Cảm giác như người ấy đã xa… xa lắm rồi… như thuộc về một thế giới khác hẳn… xa mờ và hư ảo như một giấc mơ… Có lẽ… lại một dòng sông nhỏ nữa bỏ đi…
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành
Í a… í à… ì à… a…
Trăm năm ở đậu nghìn năm
Đêm tối ở trọ xung quanh nỗi buồn
Ngàn năm… í a… buồn như… í a
Í a… í à… ì à… a…
Ô hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
Í a… í à… ì à… a…
12. Hoa và thời gian [June 5th, 2009] 
Tôi vốn rất thích hoa. Nhưng thường không mấy khi mua về, mà chỉ ngẩn ngơ nhìn những bông hoa tươi thắm mà người ta bán bên đường. Bởi lẽ ở trong gánh hoa của người bán, bông hoa nào cũng hãy còn tươi và quyến rũ. Còn nếu mua về, tôi sẽ lại thấy buồn và tiếc nuối khi những bông hoa ấy úa tàn đi. Nhìn cái chỗ trống nhỏ trên bàn, cái chỗ trống mà mấy hôm trước còn đặt lọ hoa, tôi lại cảm thấy trong mình có một khoảng trống đến mênh mang…
Năm nay mùa hoa loa kèn kéo dài thêm một tháng. Tôi đã chớp được cái thời điểm cuối mùa ấy để mua cho mình một bó hoa nhỏ. Như một nỗ lực để cố níu giữ thời gian. Cho dù biết là vô ích.
Những bông hoa trong lọ đa phần đã tàn hẳn. Chỉ còn vài bông vẫn cố gồng mình lên chống chọi với thời gian… Tôi cũng chưa dám bỏ lọ hoa ấy đi. Vì thay vì được cắm vào lọ, và được đặt lên bàn tôi, chúng lại sắp trở thành rác… Hoa và rác… Mới nghe qua, tưởng như đối lập. Nhưng một khi hoa tàn. Tôi chống chếnh, chơi vơi. Và nuối tiếc… Bởi lẽ tôi chẳng muốn chia tay với những bông hoa đã ở bên tôi suốt mình suốt mấy ngày qua.
Thời gian cứ trôi… trôi thật nhanh. Nhanh như một cơn lũ quét. Thời gian đã lấy mất của tôi nhiều thứ. Tôi chạy theo đến hụt hơi mà không theo kịp. Chẳng thể giữ được gì cho mình, cũng chẳng thể chạy trốn, tôi đành thả mình trôi… trôi theo dòng chảy ấy…
Có lẽ… phải mất một thời gian dài tôi mới lại mua hoa…

Nghe những tàn phai 
Trịnh Công Sơn - Ngọc Lan
Katty
Theo http://thanhcavietnam.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...