Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Ô mê ly đời sống với cây đàn

Ô mê ly đời sống với cây đàn
Trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp của mùa Giáng Sinh cuối cùng của thế kỷ 20, nhạc sĩ Văn Phụng sau năm ngày hôn mê đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 17 tháng Mười Hai, 1999, vào lúc 6 giờ chiều, đúng một tuần trước ngày kỷ niệm Chúa sinh ra đời. Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, từ Montreal và ngay từ thành phố nơi ông cư ngụ là Fairfax, Virginia, tôi đã được ông nhận lời dành cho một buổi nói chuyện tại căn nhà trong khu chung cư dành cho người lớn tuổi trên đường Typring. Nhưng rất tiếc đúng ngày hẹn, vào buổi sáng 29 tháng Tám, 1999, ông lại bị đưa khẩn cấp vào bệnh viện Fairfax, là nơi từ hơn một năm qua ông vẫn ra vào thường xuyên, có khi đến tuẩn lần mỗi tuần. Lại một cái hẹn nữa được ấn định vào buổi trưa ngày 7 tháng Mười, 1999 dành cho một cuộc nói chuyện qua điện thoại. Với một giọng mỏi mệt vì ông đã phải thức trắng đêm lo lắng cho bệnh tình của vợ ông là nữ danh ca Châu Hà, vào bệnh viện đêm hôm trước vì bị tức ngực. Mặc dù trong sự mỏi mệt và bi quan về bệnh tật, đôi lúc bản tính “ tếu” của ông vẫn lộ ra qua những câu nói khôi hài của một nghệ sĩ rất yêu đời, đầy lạc quan trước đó... 
‘Ô mê ly đời sống với cây đàn’ 
Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh tại Hà Nội năm 1930. Ngoài một người chị đã mất, ông còn hai người em trai, một người hiện ở tiểu bang Iowa và một người còn lại Việt Nam. Ông học bậc tiểu học ở trường Louis Pasteur, trung học ở trường Albert Sarrault. Là một học sinh rất xuất sắc, nên năm 16 tuổi ông đã đậu Tú Tài. Văn Phụng đam mê âm nhạc từ nhỏ và đã được hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng chỉ dẫn về nhạc khí này. Nhờ có một năng khiếu đặc biệt, vào năm 15 tuổi ông đã đoạt giải nhất về dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đến năm 1946, trong thời gian ở hậu phương ông đã được linh mục Mai Xuân Đĩnh chỉ dẫn thêm về nhạc, và sau đó tự học hỏi qua sách vở và “Cái gì không hiểu tôi cũng lò mò lấy tự vị, dictionnary ra học. Chỉ học lấy vì ông cụ đâu có cho học!” 

Vì quá mê nhạc nên ông đã không học thêm về ngành y khoa sau khi đã theo học một năm theo yêu cầu của thân phụ, rất thích ông trở thành một bác sĩ vì “Ôâng cụ thời ấy khó lắm, chỉ có muốn tôi làm bác sĩ thôi, đâu có muốn tôi làm nhạc sĩ.” 
Trước quyết định của Văn Phụng “Ông cụ bực lắm. Nhưng mà nhân thể tôi viện cớ là phải vào lính. Một là mình đi lính chiến, hai là mình đi lính nhạc. Mà lính nhạc thì nghe có vẻ dễ chịu hơn... Cầm súng, cầm siếc chán lắm.” 
Đó là vào năm 1948, lệnh tổng động viên được ban hành, Văn Phụng gia nhập ban Đệ Tam Quân Nhạc, tiểu đoàn danh dự ở Hà Nội, cùng một thời kỳ với các nhạc sĩ Đan Thọ, Nhật Bằng, Nguyễn Túc, Nguyễn Hiền, Đan Phù, Vũ Thành, v.v. Ông được quân nhạc trưởng người Pháp gốc Đức là Schmetzer hướng dẫn và trở thành một trong những nhạc sĩ chuyên soạn hòa âm đầu tiên những nhạc phẩm Việt Nam dành cho dàn đại hòa tấu trên 80 người của ban Quân Nhạc. 
Cũng vào năm 1948, trong niềm vui sống trong âm nhạc là con đường ông đã quyết định chọn lựa, Văn Phụng sáng tác nhạc phẩm đầu tiên “Ô Mê Ly, trở thành một nhạc phẩm rất quen thuộc cho đến nay. Ngoài việc sáng tác và hoạt động trong ngành quân nhạc, Văn Phụng còn trình diễn trong các vũ trường ở Hà Nội trong việc giải trí cho các quân nhân Pháp và “cũng kiếm thêm được tí tiền còm” như ông nói. 
Ô mê ly dạo phím rồi ca vang 

Khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của mình với “Ô Mê Ly” vào năm 1948 và kết thúc với “Chán Nản” vào năm 1972, Văn Phụng đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như “Các Anh Đi,” “Tình,” “Suối Tóc,” “Mưa,” “Tiếng Hát Với Cung Đàn,” là “Tiếng Dương Cầm,” “Trở Về Huế,” “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn,” v.v. Tuy ông nói cứ sáng tác “lai rai... chẳng có lúc nào mạnh, lúc nào yếu cả,” tuy nhiên trong thời gian từ 25 đến 45 tuổi được coi là thời kỳ sung mãn nhất, như ông nói: “Đời người ta từ khoảng 25 tuổi đến 45 tuổi là thời gian mạnh giỏi nhất. Mười lăm tuổi thì coi như chưa biết gì, coi như còn non. Hai mươi lăm tuổi mới biết được, thế rồi 35 tuổi thì khá hơn nhưng hơi bừa bãi một chút. Rồi đến 45 tuổi thì chín chắn. Năm mươi lăm tuổi là bắt đầu già rồi.” 
Văn Phụng là một nhạc sĩ không chú trọng về việc phân loại những sáng tác của mình để “cứ làm đại thôi! Có hứng là làm, gặp cái gì làm cái đó,” đúng như lời nữ danh ca Châu Hà đã nói về người chồng nghệ sĩ của mình: “Ông ấy sáng tác lúc nào cũng được, cứ có hứng là làm, ngay như ngồi chợ Cầu Ông Lãnh cũng làm nhạc được.” 
Nguồn cảm hứng đến với Văn Phụng bất chợt, như trong thời gian đầu quen biết với Châu Hà, ông đã sáng tác “Suối Tóc” để tặng người vợ tương lai của mình. Gặp trường hợp buồn của người bạn, ông đã viết “Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu,” trong khi nhạc phẩm “Tình” được sáng tác chung cho mọi người, vì theo ông “của ai thì cũng bấy nhiêu chuyện. Mình đã già đời về tình ái rồi, đã biết được chữ Tình nó là cái gì.” 
Khi được hỏi những nhạc phẩm nào khiến ông hài lòng nhất, Văn Phụng cho biết: “Nói đúng thì đối với tôi, bài nào tôi cũng hài lòng. Không có bài gì đặc biệt lắm. Nhưng cũng có một vài bài hơn hơn một chút, thí dụ như bài ‘Suối Tóc’ chẳng hạn, tôi thích lắm. Hay như bài ‘Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn.’ Mọi người đều thích những bài đó. Gần đây nhất là bài “Chán Nản,” vào độ 72, 73 gì đó, thiên hạ thích lắm.” 
Tình duyên đôi ta sẽ hòa, sẽ hòa như 
muôn tiếng hát với cung đàn 
Tiếng hát Châu Hà và tiếng đàn Văn Phụng đã hòa cùng một nhịp điệu vào khoảng năm 56, 57, vài năm sau khi ông “ghé bến Sài Gòn.” Lúc đó Văn Phụng là nhạc trưởng tại đài phát thanh Quân Đội, nơi ông cộng tác một thời gian dài, cùng một lúc còn phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn và đài Truyền Hình Việt Nam. Trong khi đó Châu Hà ở trong thời kỳ đầu tiên đi hát và hợp tác với một số chương trình ca nhạc trong đài phát thanh. Sau lần gặp gỡ Châu Hà, Văn Phụng sáng tác nhạc phẩm “Suối Tóc,” cho đến nay chỉ có tiếng hát Châu Hà mới diễn tả trọn vẹn được nhạc phẩm này và phần lớn những nhạc phẩm khác của Văn Phụng, cùng với tiếng hát của Kim Tước và Mộc Lan là những tên tuổi lớn trong thập niên 60 tại Việt Nam. 
Đến năm 1963, Văn Phụng và Châu Hà thành hôn và đã có với nhau hai người con gái, đều cư ngụ tại Hoa Kỳ. 
Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến một đảo ở Mã Lai. Sau năm, sáu tháng ở đây, gia đình ông đến tiểu bang Virginia, cư ngụ tại Fairfax cho đến nay. Sở dĩ Văn Phụng chọn Virginia vì ở đây là nơi cư ngụ của thân mẫu Châu Hà, một người em trai của ông và một số người thân thích khác. Ông không muốn sống ở California như đa số nghệ sĩ khác, hơn nữa “ơœ đây nó mọc rẽ ra rồi thành ra khó đi lắm.” 
‘Tình là một chuyện muôn màu, 
tình là mình hạnh phúc thật mau’ 
Tự ví cuộc đời mình như cuộc đời một con bướm, Văn Phụng đã trải qua nhiều mối tình trước khi lập gia đình với Châu Hà. Đời ông là cả một sự bay bướm với những cuộc tình “loạn lên,” như ông nói cũng như đã xác nhận mình có số “đào hoa.” Quan niệm của ông về tình yêu đã được ông phơi bầy trong nhạc phẩm “Tình” là một bài “vừa ca ngợi vừa chán nản tình yêu” vì theo ông “Người ta vui vì tình cũng nhiều, người ta buồn vì tình cũng nhiều, cho nên nghĩa cái chữ tình nó khó lắm. Thật ra thì thí dụ như tôi hay chú, hay ai đó vừa mới gặp một nàng nào vừa mắt một tí là thấy trong lòng đã yêu rồi, mê rồi! Mê rồi thì đến lúc muốn gặp, muốn ôm lấy, muốn hôn, muốn làm tình, muốn làm đủ các thứ. Nhưng mà làm tình xong rồi sẽ có một thời gian bị buồn về những chuyện khác. Thường thường là như vậy. Ít khi nào có một cuộc tình mà bền bỉ và êm đềm suốt một đời. Thế nào nó cũng có sóng gió.” 
Tuy “loạn lên” trong tình yêu, nhưng Văn Phụng chưa hề một lần đau khổ vì tình và “đặc biệt là không bao giờ bị thất tình gì hết cả. Không bị ai bỏ rơi hết cả. Chỉ có tôi bỏ rơi người ta thôi, chứ không có ai bỏ rơi tôi cả.” 
‘Nỗi buồn ai hay cùng tôi, nỗi buồn xé nát tim tôi’ 
Nhưng vào những ngày tháng cuối đời, Văn Phụng đã mang một nỗi buồn lớn do bệnh tật gây nên. Ông cho biết bệnh ông là “các thứ bệnh... bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, bệnh phổi, đủ hết các thứ,” đến từ sự tác hại của bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy “mình cũng vẫn ăn uống, vẫn ăn phở, cà phê, cà pháo, cứ phây phây, cứ tưởng bở... ”. Khi nói câu này Văn Phụng đã liên tưởng đến những buổi tụ tập nơi nhà nhạc sĩ Nguyễn Túc vào mỗi ngày thứ Năm, nơi thường xuyên có mặt những nghệ sĩ cùng thời với ông khác cùng cư ngụ một vùng như Nhật Bằng, Anh Ngọc, v.v. Do thói quen đó, tại đây những nghệ sĩ tên tuổi này đã đặt tên cho nhóm của họ là “Club Jeudi” tức “Hội Quán Ngày Thứ Năm” để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa của một thời vàng son bên nồi phở bốc khói và ly cà phê đậm đà do nhạc sĩ Nguyễn Túc “sáng tác” và “hòa âm.” Một hội viên của “Club Jeudi” đã vĩnh viễn rời xa bạn bè trong sự luyến tiếc của các “hội viên” còn lại với tất cả sự ngậm ngùi, nhớ về hình ảnh một người bạn yêu đời và vui nhộn ngày nào trong ban tam ca “Do Si La... ” 

Vào tháng Sáu năm 98, Văn Phụng được mời qua California tham dự một chương trình đặc biệt do ban hợp xướng Ngàn Khơi tổ chức để vinh danh ông. Lúc đó tình trạng sức khỏe của ông bắt đầu suy sụp để đến nỗi suýt bị té khi bước lên sân khấu mặc dù được nhiều người dìu đỡ, sau khi đã cẩn thận dặn dò một số bác sĩ thành viên của ban Ngàn Khơi phải đưa ông vào bệnh viện ngay trong trường hợp xẩy ra tình trạng nguy ngập. Ngay cả khi ngỏ lời trước khán giả, ông cũng bị lao đao, không vững. Và đó cũng là lần cuối cùng ông bước lên sân khấu trong cuộc đời nghệ sĩ của mình. “Đấy là bắt đầu từ tháng Sáu. Bắt đầu triệu chứng là nó như thế, nó lao đao, muốn té như là người sau rượu ấy. Vừa mới tháng Sáu năm ngoái thôi, còn phây phây. Về đến nhà thì bắt đầu tháng Mười năm 98 bị một cái heart attack, xụm ngay lập tức. Lúc bấy giờ như là cái cây rau luộc, đang tươi tốt như thế này, đem bỏ vào nước sôi một cái là ‘đi đoong’ đến như thế. Chán đời lắm.” Ông nói thêm với một giọng chán nản “Cho nên 55 đến 65 là bắt đầu ‘đi đoong.’ Như anh bây giờ 70, bắt đầu thành cái dẻ rách rồi,” và kết luận với một niềm bi quan cùng cực: “Mình ốm đau một năm nay, chán lắm chú ơi! Xin lỗi chú, chú chưa gặp cái cảnh ốm đau như tôi thế này. Như tôi một năm nay cứ đi ra vào nhà thương như là đi chợ ấy. Gặp hết bác sĩ lại y tá, toàn như thế không thôi. Nó chán và buồn ghê lắm. Đến nỗi bây giờ tôi đau cái tay không đàn được, khổ ghê lắm và buồn chán lắm.” Chán đến nỗi, ông không còn hy vọng gì nơi những tiến bộ về y khoa vì “Khi nó đã ‘attack’ mình thì mình cũng như là cái miếng sắt đã rỉ rồi, không thể nào làm gì được khác cả. Chỉ có vứt đi thôi.” Ông còn ví von một cách khôi hài pha lẫn một sự buồn chán: “Trước đó không có triệu chứng gì ca.! Cứ vẫn phây phây như thường, y như cái xe mà đang chạy, bị nổ lốp đến đùng một cái là nó xẹp ngay xuống. Nói cho chú nghe là trong đời người ta nó có cái trường hợp nó buồn đến như vậy.” Nỗi buồn thấm thía nhất đối với Văn Phụng có lẽ là khi “nghe những cái tapes ngày xưa mình làm, ngồi nghe mà buồn lắm. Bây giờ tay trái đâu có đánh đàn được nữa. Tay trái nó gần như là tê bại, paralyzed.” 
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Túc, Văn Phụng trước khi hôn mê một ngày, còn có mặt trong một tiệc cưới một gia đình người bạn thân tại nhà hàng Fortune ở Virginia. Và đó là lần xuất hiện cuối cùng của ông - một người theo đạo Tin Lành - trước khi được Chúa cất đi vào ngày 17 tháng Mười Hai năm 1999. Lễ phát tang của ông đã được tổ chức vào ngày 19 tháng Mười Hai tại Domaine Funeral Chapel ở Springfield để sau đó thi hài người nhạc sĩ tài hoa này sẽ được vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng đất ngày 22 tháng Mười Hai.
Trường Kỳ
Theo http://www.dactrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...