Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Trần Nhân Tông và tư tưởng cư trần lạc đạo phú

Trần Nhân Tông và tư tưởng 
cư trần lạc đạo phú
(Trích ĐẠO PHẬT NGÀY NAY 
SỐ 47 (11/2014), Nxb. Phương Đông)
Trong tất cả các sáng tác mà hiện nay còn tồn tại của vua Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú là tác phẩm thể hiện rõ nét tư tưởng thiền học của ông. Là tổ thứ sáu của dòng thiền Yên Tử, ngài đã kế thừa những tinh hoa mà người trước để lại và tiếp tục phát triển theo cách riêng của mình; đặc biệt là việc thống nhất các thiền phái về một mối duy nhất - Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã đưa thiền học đi vào hoạt động theo một hệ tư tưởng nhất quán mang đậm tính dân tộc, phù hợp với lối tư duy và phong tục của người dân Việt, thoát khỏi tư tưởng ngoại lai mà trước đó chưa từng thực hiện được.
Khi xưa, Trần Thái Tông bỏ cung vàng điện ngọc một thân một mình rong ruổi lên tận ngọn Yên Tử, quyết chí xuất gia cầu đạo. Khi đến nơi, vua vào yết kiến Thiền sư Viên Chứng – tức Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư bảo:“Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là Phật. Nay bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài.” [1]. Lời nói của Quốc sư đã khái quát lên được tư tưởng thiền học lúc bấy giờ, đó là tư tưởng nội quán và tư tưởng biện tâm. Dòng tư tưởng này trở thành dòng tư tưởng chính trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo của vua Trần Thái Tông. Và nó được truyền thừa cho các thế hệ sau này. Đặc biệt đến thời đại vua Trần Nhân Tông, ngài đã kế thừa phát huy một cách sáng tạo, biến chúng thành hệ tư tưởng chủ đạo của thiền phái Trúc Lâm. Điều này thể hiện rất rõ trong Cư trần lạc đạo phú.
1. Tư tưởng nội quán - Phật tại tâm
“Trong núi không có Phật, Phật ở trong lòng”. Lời nói của Quốc sư Trúc Lâm mở đầu cho xu hướng nội quán để tìm cầu chân lý tối hậu. Phật (chân lý) không ở bên ngoài phàm thân này, nó tồn tại ngay trong lòng. Chính vì thế mà không cần hướng ngoại vọng cầu, càng tìm bên ngoài thì càng đi xa và mãi mãi không tìm được chân lý. Đến lượt mình, vua Trần Nhân Tông tiếp tục thể hiện điều đó như sau:
“Bụt ở cong[2] nhà,
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản[3] nên ta tìm Bụt,
Đến cốc[4] hay chỉn Bụt là ta”. (Hội thứ 5)
Phật giáo thừa nhận có một chân lý đằng sau hiện tượng và thoát vượt cái đối đãi có – không của hiện tượng. Ta không thể dùng cách nhận thức thông thường của tư duy logic để nắm bắt hay nhận thức. Chân lý đằng sau hiện tượng ấy tạm biểu đạt bằng khái niệm Phật tính, giác tính, bản thể…
Phật tính, giác tính, bản thể… vốn dĩ mọi người đều có, nó hiện hữu trong mọi người, nhưng do mê lầm vọng chấp mà quên đi (khuây bản) và không tin nhận mình có bản thể ấy. Nội quán là quay về bản thân để giác ngộ và thể nhập bản thể ấy. Tư tưởng nội quán này, Trần Nhân Tông đã thọ nhận trực tiếp từ Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngài đã viết trong hành trạng Tuệ Trung Thượng Sĩ như sau:“Một hôm ta hỏi người về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được” Ta bỗng nhiên bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy”.[5]
Có thể nói tư tưởng nội quán là tư tưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Thiền tông Việt Nam, không đợi đến Thiền tông đời Trần mới có, chẳng qua đến thế hệ Trần Nhân Tông thì nó được xiển dương hoành tráng và phát triển một cách có hệ thống và quy mô hơn mà thôi. Ta thấy ở thời Lý, Thiền sư Khuông Việt (933-1011) đã từng đề cập đến xu hướng nội quán:
“Mộc trung nguyên hữu hỏa                                        
Nguyên hỏa phục hoàn sinh                                       
Nhược vị mộc vô hỏa                                                   
Toàn toại hà do manh?”
(Lửa trong cây có sẵn
Dù tắt lại bùng ngay                                                   
Nếu bảo cây không lửa
Xát mạnh sao cháy cây?)[6]
Hoặc trong một bài kệ khác cũng thể hiện khá rõ điều này :
“Đạo vô ảnh tượng                                                      
Xúc mục phi dao                                                         
Tự phản suy cầu                                                           
Mạc cầu tha đắc                                                         
Túng nhiên cầu đắc                                                      
Đắc tức bất chân                                                          
Thiết sử giả chân                                                          
Chân thị hà vật?”                                                       
(Thiền sư Nguyện Học) (?-1181)
(Đạo không hình bóng
Chẳng thực đâu mà
Nơi mình tìm thấy Chớ tìm đâu xa
Dù cho tìm được
Chẳng thực đâu mà                                                    
Ví được cái thực Thực ấy là chi?)
(Đỗ Văn Hỷ dịch) [7]
Lửa mà Thiền sư Khuông Việt nói, chính là chân lý tối hậu, nó vốn tồn tại nơi phàm thân. Nếu ai tin nhận và thể nhập vào chân lý này thì lập tức thành tựu Phật quả, không phải nhọc tìm kiếm chân lý bên ngoài:
“Biết chân như, tin Bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Đông Tây;
Chứng thực tướng, ngỏ [8] vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc” (Hội thứ 4)
Sự giác ngộ không ở chân trời góc bể xa xôi, không chỉ có ở sơn lâm vắng vẻ hay đất Phật sạch thơm mà sự giác ngộ có ngay trong cõi đời trần tục và ngay trong phàm thân này:
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ ngờ hỏi đến Tây phương;
Di-đà là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc”.(Hội thứ 2)
Đức Phật A-di-đà là vị giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc, ngài có các công đức: vô lượng thọ, vô lượng quang. Tự tâm, bản tính của mọi người cũng không thiếu những thứ ấy. Con người sinh ra khác nhau ở hình tướng nhưng giác tính thì không khác, nó vượt ra ngoài sự đối đãi nhị nguyên. Dù ở quả vị thánh nhân hay địa vị phàm phu, giác tính không vì đó mà tăng thêm hay giảm đi, giác tính là bình đẳng. Chẳng qua ở bậc thánh thì giác tính đã được hiển lộ còn ở phàm phu thì nó bị vô minh phiền não che lấp, chính vì lẽ đó mà sinh ra muôn nghìn sai khác ở hình tướng:
“Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bẵng[9] nhau ;
Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vàn vàn thiên lý”(Hội thứ 10)
Tư tưởng “nội quán – Phật tại tâm” nhằm khẳng định niềm tin nơi mọi người, trình bày rõ ai ai cũng có tính Phật đang tồn tại trong lòng, ai ai cũng đều có khả năng thành Phật. Vì thế chỉ cần hướng về nội tâm mình thì có thể trực nhận và thể nhập chân lý mà không cần tìm kiếm ở chỗ khác vì nơi phàm thân vốn dĩ đã có đầy đủ mọi công đức và trí tuệ của đấng Như Lai. Đó là chỗ mà Trần Nhân Tông bảo: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch”(Trong nhà có báu thôi tìm kiếm).
2. Tư tưởng biện tâm
Một khi đã nhận thấy được nơi mình có khả năng đạt tới giải thoát thì điều cần thiết là tìm phương pháp thực hành nhằm đạt đến kết quả ấy. Phương pháp mà Trần Nhân Tông chủ trương chính là biện tâm. Biện tâm là điều phục tâm, an trụ tâm, làm cho tâm được ngay thẳng không còn bị phiền não tham, sân, si, ái quấy rối:
“Miễn được lòng rồi,
Chẳng còn phép khác.
Gìn tánh sáng tánh mới hầu an,
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác”. (Hội thứ 2)
Mới hay rằng cách thức hành thiền của Trần Nhân Tông rất giống với phương pháp mà Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú:
“Khó nắm giữ khinh động,                               
Theo các dục quay cuồng.                    
Lành thay điều phục tâm                                  
Tâm điều an lạc đến”. (Kệ 35)
“Tâm khó thấy tế nhị,
 Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,  
Tâm hộ an lạc đến”. (Kệ 36)[10]
Tư tưởng biện tâm mà Trần Nhân Tông chủ xướng không khác phép an tâm mà Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma (?-529) đã dạy cho Thần Quang (494-601). Tại động Thiếu Thất, Thần Quang chặt cánh tay dâng lên tổ cầu xin pháp môn tu hành, tổ bảo: “Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân. Nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, lòng cầu đạo như vậy cũng khá”. Thần Quang thưa: “Pháp ấn của chư Phật, con có thể nghe được chăng?”.
Tổ bảo: “Pháp ấn của chư Phật không phải từ người ngoài được”.
-“Tâm con chưa an, xin thầy an tâm”. Thần Quang thưa.
-“Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho”. Tổ nói.
Im lặng hồi lâu, Thần Quang thưa: “Con tìm tâm không thể được”
Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Thần Quang nhân đó khế ngộ và được đổi tên là Tuệ Khả.[11]
Vì “Chỉn[12] Bụt là lòng” nên phải biện tâm. Biện tâm để tinh Phật ấy được hiển lộ, tức cần phải  gạn lọc lòng mình cho hết phiền não, một khi các phiền não không còn thì tâm sẽ được vắng lặng và sáng suốt. Đó chính là chỗ mà Thiền sư Viên Chứng bảo “Lòng lặng mà biết tức là Phật thật”. Đi đến giải thoát có nhiều con đường và cách thức khác nhau nhưng đích cuối cùng là nhận ra được bản tâm và rèn luyện tâm ấy đến trạng thái lặng trong sáng suốt, tức là tâm không còn vọng động, không còn bị phiền não chi phối. Trạng thái đó còn được gọi là vô tâm:
“Hãy xá[13] vô tâm,
Tự nhiên hợp đạo.
Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm, (thân- khẩu- ý)
Đạt một lòng thì thông tổ giáo”. (Hội thứ 6)
Mọi phương pháp thực hành đều không ra ngoài phạm vi Giới – Định – Tuệ, đây là ba nấc thang mà bất cứ hành giả nào cũng phải trải qua, nó được xem là cương lĩnh của đạo. Tuy phân làm ba nhưng chúng có quan hệ biện chứng, trong Giới hàm chứa Định, Tuệ và ngược lại. Ban đầu khởi tu nơi ba nghiệp thân – khẩu – ý, ba nghiệp phải được dừng, nghĩa là không còn đi vào con đường sai trái và tội lỗi. Mọi hành vi của thân – khẩu – ý đều phải phù hợp với luân lý đạo đức của nhân loại, phù hợp với giới cấm mà Phật đã quy định. Có như thế thân tâm mới an lạc và mới trở thành “Bồ-tát trang nghiêm”,“Trượng phu trung hiếu”:
“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm;
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ [14]mới Trượng phu trung hiếu”. (Hội thứ 6)
Sống trọn nhân nghĩa, vui say đạo đức, gìn giữ tịnh giới và đoạn trừ tham sân si thì đó chính là việc làm của chư Phật, là nguyên nhân để đạt đến chân lý:
“Tích nhân nghì, [15] tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di-lặc”. (Hội thứ 4)
Để tâm luôn được sáng trong và an trú trong hỷ lạc, bên cạnh việc tu tập Giới -Định – Tuệ, hành giả còn phải làm các việc phúc thiện ngoài xã hội. Bởi quả giải thoát được xây dựng trên sự viên mãn của phúc và tuệ, trên sự viên dung của lý và sự:
“Dựng cầu đò, giồi [16]chiền[17] tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;
Săn[18] hỷ xả, nhuyễn[19] từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc”. (Hội thứ 8)
Từ lâu mọi người buông bỏ bản tâm hướng theo trần cảnh, nay được chỉ bảo hướng về bản thân tin nhận chính bản thân mình có giác tánh và nên ra sức dồi mài gạn lọc thân tâm cho sạch phiền não để giác tính được hiện bày. Sự nghiệp ấy không thể trong thời gian ngắn ngủi mà đạt được vì vậy phải chuyên cần như người đãi cát tìm vàng :
“Vàng chưa hết quặng, xá tua[20] chín phen đúc chín phen rèn;
Lộc chẳng còn tham , miễn được một chay thì một cháo”.(Hội thứ 6)
“Rèn lòng làm Bụt, xá tua một sức dồi mài;
Đãi cát kém vàng, còn phải nhiều phen lựa lọc”. (Hội thứ 8)
Chỉ có sự chuyên cần công phu như thế mới mong đoạn hết phiền não, giác tính sẽ hiện bày khi lòng không còn tham sân, nhân ngã:
“Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực Kim cương ;
Dừng hết tham sân, mới làu lòng mầu Viên giác”. (Hội thứ 2)
Trong phương pháp biện tâm mà Trần Nhân Tông trình bày, có một vấn đề mà ngài thường hay nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc, đó là phải phòng hộ và gìn giữ sáu căn (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn), không cho sáu căn đắm nhiễm vào sáu trần (sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần). Vì lẽ tâm có được an trú và điều phục hay không đều phụ thuộc vào việc sáu căn có bị sáu trần chi phối hay không. Trong cuộc sống hằng ngày, sáu căn của chúng ta luôn tiếp xúc sáu trần, muốn chúng không đắm nhiễm vào trần cảnh thì quả thật đó là một vấn đề rất khó. Nhưng đây lại là con đường, là cửa ngõ duy nhất nhằm ngăn chặn không cho “ngoại chướng” từ ngoài xâm nhập vào và “nội ma” từ bên trong khởi lên để tâm được an trú trong an lạc:
“Miễn cốc[21] một lòng,
 Thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân,
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc”. (Hội thứ 4)
Nên
“Trọng đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa”. (Hội thứ 5)
Hơn thế nữa,
“Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một chút ngại lo;
Rất thửa cơ quan, rựa còn để tám hơi lọt lọc”. (Hội thứ 8)
Và phải
“Nhận biết làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên;
Chùi cho vặc vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo”. (Hội thứ 6)
Đây là chỗ tương đồng với kinh Kim cang Bát-nhã-ba-la-mật mà Phật dạy cho Tu-bồ-đề về cách thức hàng phục tâm và an trú tâm: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. [22] (Chẳng nên trụ nơi sắc sinh tâm, chẳng nên trụ nơi thanh hương vị xúc pháp sinh tâm. Nên không chỗ trụ mà sinh tâm mình). Điều đó có nghĩa là khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài phải giữ lòng không đắm nhiễm vào trần cảnh, phải gìn giữ lòng được bình lặng trước các hiện tượng khách quan. Chính là chỗ Thiền sư Phổ Nguyện (749-834) gọi “Bình thường tâm thị đạo”.[23]
3. Ngưỡng cửa cho việc hành Bồ tát đạo tại nhân gian
Phương pháp nội quán và biện tâm mở ra một ngưỡng cửa rất lớn cho mọi người dễ dàng tiến bước vì lẽ ai cũng có giác tính và ai cũng có khả năng đạt được giải thoát, đạt được chân lý. Hơn nữa, phương pháp này bất kỳ ai cũng có thể thực hành được do nó không câu nệ vào đối tượng tu hành (xuất gia hay tại gia), không phụ thuộc vào hoàn cảnh sống của hành giả (sơn lâm hay thành thị). Hễ ai muốn được giải thoát thì chỉ cần thực hành theo phép biện tâm. Sống trong cõi đời trần tục mà thực hành đúng phương pháp vẫn có thể được an lạc giải thoát và điều này còn quý hơn kẻ xuất gia sống trong sơn lâm yên tĩnh mà không tìm được chân lý tối hậu:
“Ang tư tài, tánh sáng chẳng tham, há ở Cánh Diều Yên Tử;
Răn thanh sắc, niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả uổng công”. (Hội thứ 3)
Mới hay rằng chỗ then chốt của sự việc không phải là người tại gia hay xuất gia, sống ở sơn lâm hay thành thị. Vấn đề là làm sao để đạt được chân lý. Chân lý có thể tìm ở bất kỳ nơi đâu, không loại trừ cuộc sống trần tục.
Bất cứ một người nào sinh ra và lớn lên thì cũng đều có bổn phận đối với bản thân, gia đình, đất nước; ai cũng có trách nhiệm phải làm. Phương pháp nội quán-biện tâm không những không làm cản trở nghĩa vụ của mọi người trong một đất nước đang bị ngoại xâm phương Bắc đe dọa (hoàn cảnh đất nước Việt thời Trần) mà còn giúp cho mọi người có một nội tâm vững chải và bình tĩnh trước những biến đổi thịnh suy của cuộc đời. Bản thân tác giả là một minh chứng, thân làm vua một nước, hàng ngày phải lo trăm công nghìn việc nhưng ngài vẫn có được cuộc sống an lạc:
“Mình ngồi thành thị,
Nết dùng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh;
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. (Hội thứ 1)
Rõ ràng thân trong trần lao (thành thị ) nhưng tư cách và việc làm đều phù hợp với đạo (sơn lâm) lòng thì tự tại, thể tính thì lặng an sáng suốt. Phải là người đã hàng phục tâm, an trú tâm rồi mới có thể sống trong trạng thái an nhiên và vững chải như vậy.
Điều căn bản để được “lạc đạo” là lòng không còn bị dục vọng chi phối, lòng không còn đắm nhiễm trần cảnh. Khi lòng đã được phòng hộ, được điều phục rồi thì sẽ an trú trong trạng thái an lạc ngay giữa cuộc đời đầy những đổi thay ngang trái:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,                         
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.                             
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền)[24]
Sống giữa cuộc đời với bao công việc, với bao lo toan… nhưng tâm vẫn vững chải, bình lặng và an trụ trong an lạc. Đó chỉ có thể là nếp sống của người lòng đã hết phiền não tham sân si ái, được như vậy người ta mới có thể tùy duyên trước cuộc đời. Hình ảnh “Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” là biểu hiện thái độ tùy duyên và tự tại . Những người bước vào cảnh giới như trên thì không còn điều gì trên thế gian này có thể làm cho họ đắm nhiễm, họ hoàn toàn làm chủ được thân tâm mình, giống như chỗ Thiền sư Bách Trượng (724-814) nói:
“Tùy duyên tiêu cựu nghiệp,                              
Nhậm vận trước y xiêm”.                                   
(Tùy duyên tiêu nghiệp cũ,
Mặc tình mặc áo xiêm).[25]
Tinh thần vô ngại ấy được thể hiện rất rõ trong nếp sống thanh bần của tác giả:
“Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quí nữa thiên cung;
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”. (Hội thứ 2)
Hoặc
“Ao miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa”. (Hội thứ 5)
Tóm lại, nội quán và biện tâm là tư tưởng chủ đạo của thiền học Trần Nhân Tông. Tư tưởng này mang đậm tính nhân văn sâu sắc, khẳng định niềm tin và sức mạnh tuyệt đối nơi con người. Bất kỳ ai cũng đều tồn tại trong mình một chân lý tối hậu, đều có khả năng đạt được chân lý ấy và làm cho nó được phát huy tác dụng; bất kỳ ai cũng đều có giác tính, đều có khả năng đạt được giải thoát an lạc và thành tựu Phật quả. Tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ bản thân chúng ta, không phải ở bên ngoài thân này vì thế không cần hướng ngoại tìm cầu, càng hướng ngoại tìm kiếm thì càng cách xa chân lý. Chỉ cần khi tiếp xúc với trần cảnh, tâm được điều phục và an trú, lặng trong và sáng suốt, bình thản và vững chải thì sức mạnh nội tại sẽ phát huy tác dụng của nó:
“Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,                
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”                    
(Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền) [26]
Tư tưởng nội quán và biện tâm có mối quan hệ biện chứng, trong nội quán đã hàm chứa biện tâm và ngược lại. Tư tưởng này có tác dụng rất tích cực trong việc đào tạo và xây dựng mẫu người lý tưởng - “Bồ-tát trang nghiêm” đời Trần. Đó là những người mà cuộc đời họ luôn vì đạo pháp và dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Thích Minh Châu dịch, 2000, Kinh Pháp Cú, NXB Tôn Giáo Hà Nội.
Ban Phật giáo Việt Nam-Ban Phật học chuyên môn, 1992, Thiền học đời Trần, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
Đạo Nguyên, 2006, Cảnh Đức truyền đăng lục, tập1 (quyển 1- quyển 10), Lý Việt Dũng dịch, NXB Tôn Giáo.
Thích Nhật Quang, 2004, Nửa ngày của Thái thượng hoàng. Viết về Cư trần lạc đạo phú, NXB Tổng Hợp Tp.HCM.
Lê Mạnh Thát, 2000, Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB Tp.HCM.
Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 1, NXB KHXH Hà Nội.
Trần Lê Sáng (chủ biên),1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 2, NXB KHXH Hà Nội.
Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội.
Thích Thanh Từ, 2002, Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm, NXB Tôn Giáo.
Thích Thanh Từ, 1993, Kim Cang giảng luận, Thành Hội Phật Giáo TP.HCM ấn hành.
[1] Trần Lê Sáng (chủ biên), 1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 1, NXB KHXH Hà Nội, tr 40.
[2] Cong: trong.
[3] Khuây bản: quên gốc.
[4] Cốc: biết.
[5] Trần Lê Sáng (chủ biên), 1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 2 , NXB KHXH Hà Nội, tr400.
[6]  Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr48.
[7] Trần Lê Sáng (chủ biên), 1997, Tổng tập văn học Việt Nam quyển 1, NXB KHXH Hà Nội, tr34.
[8] Ngỏ: thấu hiểu.
[9] Bẵng: bằng.
[10] Thích Minh Châu (dịch), 2000, Kinh Pháp Cú, NXB Tôn Giáo Hà Nội  , tr15.
[11] Đạo Nguyên, 2006, Cảnh Đức truyền đăng lục, tập1 (quyển 1- quyển 10), Lý Việt Dũng dịch, NXB Tôn Giáo, tr203.
[12] Chỉn: chỉ.
[13] Xá: nên.
 [14] Đi đỗ: đi đứng
[15] Nhân nghì: nhân nghĩa.
[16] Giồi: xây dựng.
[17] Chiền:chùa
[18] Săn: sốt sắng.
[19] Nhuyễn: nhuần nhuyễn
[20] Xá tua: hãy nên.
[21] Cốc: biết.
[22] Diêu Tần, Cưu-Ma-La-Thập dịch, Kim Cang Bát-Nhã-Ba-La-Mật kinh,  Đại chánh tân tu đại tạng kinh, quyển 8, tr 748.
[23] Đạo Nguyên, 2006, Cảnh Đức truyền đăng lục, tập1 (quyển 1- quyển 10), Lý Việt Dũng dịch, NXB Tôn Giáo, tr 670.
[24] Thích Thanh Từ dịch.
[25] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích, 1993, Thiền uyển tập anh, NXB Văn Học Hà Nội, tr31.
[26] Thích Thanh Từ dịch.
 Cát Tường
Theo http://cattuong.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...