Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Hồng hoang biển

Hồng hoang biển 
Tôi rất thương Mẹ mỗi lần nhìn thấy khối cơ thể ấy vỡ vụn ra, nát tan từng mảnh trong ngôi miếu cũ. Mẹ nằm đó, trong cỗ quan tài bằng gương nhiễu điều phủ đỏ. Thân thể Mẹ màu xanh biển sớm, trong như màu mắt  ngư phủ ngày cá đầy khoang. Phía bên trái quan tài, xiêm y màu phỉ thúy của Mẹ ánh lên thứ dung nghi trầm kha của đại dương sâu thẳm. Dân làng Việt Hải tôn thờ Mẹ, một niềm tin khả hữu của những đứa con suốt đời dầm mình trong gió mặn và biển chát. Mỗi lần cha tôi đi biển dài ngày thường đến miếu viếng Mẹ với một mâm lễ chuối, cau trầu, rượu và những thỏi trầm. Tôi thường xách giỏ đồ cúng chạy theo cha đi lễ, tất tả và hồn nhiên như một cơn sóng con.
“Nghề đi biển là vậy, phải có người chở che sóng gió. Nếu không cũng sớm làm mồi cho cá thôi”, cha nói.
“Thế Mẹ là ai hở cha?”        
“Một nữ thần cưu mang những ngư phủ như chúng ta, những đứa con của Mẹ.”
Cha bắt đầu kể về Mẹ khi chúng tôi lạo xạo bước đi trên cát chiều khô gió. Giọng cha trầm xuống kính cẩn, một thứ giọng đầy hương muối, mùi liêu trai tôi chưa từng nghe bao giờ.
“Dân tộc ta gọi mẹ  Âu Cơ là quốc tổ mẫu, thì Mẹ Thái Dương là Mẹ nuôi của làng ta đấy.”
Mẹ là cô gái làng biển có số phận bất hạnh. Cô yêu nhầm anh trai bị thất lạc, kết làm vợ chồng, biết chuyện, người anh ân hận bỏ đi khi cô đã mang thai. Nhớ chồng, ngày ngày cô ra biển đợi chồng về, nước mắt hòa vào dòng biển mặn. Cô cứ ngồi mãi như thế cho đến khi hóa thành khối đá xanh nằm bên Bãi Lạc hoang vắng.
“Chuyện buồn cha nhỉ?”, tôi nói. Sau này tôi mới biết, ai kể về Mẹ cũng thổi vào đấy cả một bể thiêng liêng, ngập tràn lòng biết ơn vô hạn về đấng cứu rỗi đầy bao dung của biển dành cho những ngư phủ nghèo. Những đứa con tôi về sau cũng gióng tai lên nghe tôi kể về Mẹ như thế khi tôi đã xế chiều.
Cha kể tiếp, vẫn nuôi cái giọng cũ nhưng tươi sáng hơn. Một người ngư phủ lương thiện, sống côi cút một mình, không nhà không cửa, nghèo rớt mùng tơi, ngày ngày kiếm sống bằng nghề chài lưới. Ngày nọ, biển động dữ dội, trời tối đen như bưng, người ngư phủ đi ra biển, buồn quá, lại thấy khối đá nằm trên cát liền gối đầu lên mà ngủ quên. Giữa đêm, anh nằm mộng thấy người đàn bà mang thai lay đầu mình dậy bảo rằng “Ta là Thai Dương phu nhân, sao ngươi dám dựa vào ta như thế?” 
Người ngư phủ hoảng sợ tỉnh giấc, vội vàng khấn vái trước phiến đá mà nói rằng: “Con quê mùa ngu dốt, xin thần xá tội. Xin giúp cho con ra biển thuận lợi, tôm cá đầy ghe.” Quả nhiên, hôm đó người ngư phủ đạt được ý nguyện như lời cầu xin. Ông liền lập một miếu nhỏ lợp tranh để thờ khối đá và gọi là Thai Dương phu nhân. Sau, dân chài ở làng Việt Hải thấy làm lạ, hỏi ra mới biết sự tình bèn chung tiền của, xây dựng một cái miếu khang trang rồi rước phiến đá về phụng thờ. Từ đó, nữ thần giúp đỡ rất nhiều cho dân làng, đi biển hầu như chẳng bao giờ trở về tay không, ghe thuyền cũng không gặp nạn bão tố nữa. Mỗi lần họ cầu xin điều gì đều được Thai Dương phu nhân giúp đỡ như ý. Tôi bỗng thấy Mẹ rất gần, như có thể nhắm mắt lại, ước gặp Mẹ và khi mở mắt thì Mẹ hiện ra trước mặt rồi.
Cha chợt dừng lại, mặt hướng ra biển nhìn những chú chim hải âu chao nghiêng mặt nước xanh. Lão Thoại nghêu ngao đi dọc Bãi La, mồm không ngớt chửi đổng. Gặp cha tôi, ông giơ tay nói.
“Họ sẽ đến, sẽ đến đấy…”
Tôi nhấp nhỏm tránh con sóng to vỗ vào bờ cho khỏi ướt chân, tránh cả lão Thoại đang đứng ngáng đường. Cha chẳng nói gì, chỉ chìa tay ra nắm lấy tay lão. Lão Thoại nở một nụ cười rất kín, rồi đi mất. Tôi nhìn cha đứng lặng một hồi, làn da sạm đen vì nắng gió, đôi mắt vời vợi xanh.
“Sao cha không nói gì thế?”
Cha cười, rồi nắm lấy tay tôi đi về hướng Hòn Rùa.
Câu chuyện về Mẹ kết thúc khi hai cha con tôi bước qua những hòn đá đen lấp xấp sóng để vào miếu. Những hòn đá đen đều có một vết lõm như mắt. Những con mắt thuở hồng hoang biển. Những con mắt ấy chứa chan hình ảnh Mẹ.
“Mẹ mang thai nhưng chưa sinh ra con, thế nên tất cả dân làng Việt Hải đều là con của Mẹ” – cha tôi nói.
“Cha và con cũng vậy phải không cha?” - tôi ngập ngừng hỏi.
“Ừ, chúng ta là những đứa con nuôi của Mẹ Thai Dương. Mẹ sẽ che chở chúng ta thoát khỏi cơn hoạn nạn.”
Đến bây giờ, câu nói của cha ngày nao vẫn mãi là điểm tựa lớn. Tôi nghĩ đến mộ trứng ngỗng và những con tàu gớm ghiếc ngoài kia, lòng như lửa đốt. Những ý nghĩ cứ bám riết tôi, cha tôi khi bước qua những tảng đá đen để vào ngôi miếu nhỏ vững chãi giữa lưng chừng Hòn Rùa, bốn bề cây phủ xanh kín.
 “Xin Mẹ phù hộ cho chúng con giữ yên cuộc đất này, giữ yên biển và những ngày mai”.
Tôi nghe hơi thở biển hổn hển từng nhịp bước chân đi. Tiếng hải âu xao xác ngoài xa, dậy lên thứ men xanh ngày mai của những chuyến tàu kín chật ngoài khơi.
Muốn biết đại dương bao la thế nào chỉ có lên Hòn Rùa mới biết được. Hòn Rùa đập vào trí tưởng thơ bé của tôi là một khối núi xanh nhô ra biển, nơi có miếu Mẹ Thai Dương mà tôi rất thích đến. Khối núi xanh ấy có hình dạng như một chú rùa biển. Mai rùa là cả rừng cây dương cổ thụ nối với đất liền bằng một dải cát mỏng, đầu rùa là khu nghĩa trang, ngực rùa giữa lưng chừng là miếu Mẹ Thai Dương trấn biển và những dấu chân rùa đây đó còn lại những hòn đá đen khổng lồ dưới chân núi. Mỗi năm nhà chúng tôi chỉ lên Hòn Rùa một lần để chạp mộ tổ tiên, đó là quy lệ. Trên đỉnh Hòn Rùa là một nghĩa trang thờ cụ kị khai canh, khai khẩn cho đến những vị kiệt hiệt, có công với làng Việt Hải đều nằm trên ấy. Nằm thoải sau đầu rùa là một ngôi mộ hình trứng ngỗng khổng lồ, một nửa nổi lên mặt đất, xưa xây bằng hợp chất ô dước, vôi, mật mía, cứng như đá, rêu phủ xám xịt, to phải bằng một đống rơm lớn chướng cả lối đi. Xung quanh quả trứng ngỗng ấy là một vòng tròn đất đen, nhô lên như một thứ ranh giới ma quái. Xưa, người làng tôi sợ mộ yểm, không dám bước chân qua khỏi vòng đất đen để vào khuôn viên khu mộ đó. Nó như một trái núi nhát giữa Hòn Rùa. Các cụ xưa đã nghĩ ra cách rất hay để dẹp cái trứng ngỗng ấy đi. Mỗi khi ai có việc lên Hòn Rùa, đi qua đấy phải mang một hòn đá hay nắm đất tấp vào mộ. Lâu dần, cái trứng ngỗng bị lấp mất. Giờ thì cái mộ ấy phủ một lớp đá đen, cây cỏ mọc lên như một trái núi hoang. Có lần đi tảo mộ, tôi chạy băng qua vòng đất đen, lấy tay bới đất đá, cha thấy vậy hét lớn: “Đừng, con…!”, như thể tôi sẽ nổ tung tức khắc. Tôi hỏi cha: “Mộ của ai thế hở cha?”. Cha im lặng, về nhà mới kể cho tôi nghe. Thế là, mỗi lần lên trên ấy, tôi khệ nệ bưng một hòn đá thật to, rồi đặt lên mộ trứng ngỗng, lòng dạ hả hê lắm. Có khi tôi còn lôi đám trẻ làng hì hục mang đất đá lên để lấp cho kì hết. Những chuyện ấy giờ thành kí ức, thứ kí ức lửa hun đúc nội chất tôi, biến tôi thành một người con biển như bây giờ.
Bên trái Hòn Rùa là mộ của cụ khai canh nhà tôi, một ngôi mộ nhỏ hình chữ nhật, viền cánh sen xung quanh, vôi vữa mục nát đến không thể biết xây từ đời nảo đời nao. Mộ cụ xung quanh có la thành đắp thấp, bốn phía gắn trụ sen. Phần quynh sau mộ nhô cao, ở đó một cây bồ đề hoang mọc lên, che tán xanh phủ kín ngôi mộ. Nghe người làng nói, cụ nhà tôi rất giỏi phong thủy, cụ bảo Hòn Rùa đích thị là thế “kim quy trấn hải”, nhưng là quy bị chột một mắt. Vì là người có công với làng nên khi chết cụ xin được chôn vào con mắt sáng để giữ lấy khí thiêng. Cụ còn vẽ cả địa đồ thủy khí chỉ cho dân làng những nơi có long mạch để táng những người có công trạng vào đấy, làng sẽ hưng khởi.
Tôi luôn nuôi ý nghĩ một ngày nào đó sẽ nằm trên phiến đá phẳng như thớt dưới bóng cây bồ đề trên đỉnh Hòn Rùa, gác tay lên trán và đếm trăng sao ngoài biển rộng. Khi tròn mười hai tuổi, có lần một mình tôi chạy lên đỉnh Hòn Rùa vào một đêm trăng sáng tháng Năm. Ở trên ấy, tôi được nghe tiếng đại dương thao thiết hiền hòa giữa trăng sao giăng kín bầu trời. Trong thảm ánh trăng bạc, những đoàn người bước đi nhấp nhô ngoài khơi xa như một phép màu. Họ bước đi trên nước như ta đi trên đất, họ nhảy nhót, hát ca rồi khuất dạng sau những con sóng to tấp tập ghé bờ. Có lần tôi hỏi cha:
“Sao chỉ lên viếng mộ các cụ có một lần thôi cha?”
“Hòn Rùa bị yểm”, cha chỉ nói vậy. Nếu có hỏi thêm một câu nào nữa, cha sẽ cáu tiết lên như đụng phải vết thương sâu thẳm nào đó của cha trên ấy. “Đi mà hỏi ông mày ấy”, cha bực mình nói. Tôi mang máng điều gì đó khi nghe dân làng Lạc Dương ở kế bên bảo thỉnh thoảng lại thấy Hòn Rùa phát ra thứ ánh sáng đỏ trong đêm tối. Người làng nghe vậy càng thấy sợ.
Tôi ngồi bó gối trên bãi cát dài trắng xóa những hàng dương, nhìn xa xăm vô số ánh chớp xé tan trời mây xầm xập phía Đông. Mắt tôi vằn vện tia sét tức bờ duyên hải. Tôi thấy ông nội ngồi đó, dáng một lão ngư lồi lõm đê chài, da ông hăng hắc mùi biển mặn. Tôi rất thích dựa vào người ông để hít thở cho kì hết cái vị ấm nồng ấy. Điếu thuốc rê vấn víu trên tay, ông đưa lên phà làn khói mảnh dấu xóa những bóng thuyền xa xa. Một buổi chiều yên, ráng hoàng hôn nhuộm tím bao đầu sóng lơi lả vỗ lên bờ. Tôi ngồi bên ông, nhìn biển. Ông khoác tay lên vai tôi như khoác lên vai một người bạn đồng thuyền.
“Chớ thấy non cao mà sấp mặt, thấy biển rộng sông dài mà xoay lưng!”, ông nói.
Tôi gật đầu nhìn ông.
“Rồi cháu sẽ gánh vác công việc của biển cả.”
Ông rít điếu thuốc.
“Đó là sự vinh quang.”
Tôi trầm ngâm.
“Cháu đã vạm vỡ ra rồi đấy. Ngày kia cháu sẽ được cha cho ra biển.”
 “Thật không ông?”, tôi mừng quýnh.
Bầu trời trôi nhẹ trên đầu, tôi cố xua tan đi lớp lớp mây đen bằng hồi ức của những cơn gió thổi nghiêng hàng dương cuối làng.
“Cháu biết biển đang làm gì không?”, ông nhìn tôi, hỏi.
“Nó chuẩn bị đi ngủ đấy ông ạ.”, tôi nói.
Ông cười hiền từ:
“Không, biển đang hát đấy. Cháu nghe xem. Biển nói với chúng ta rằng: “Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn.”
Một tiếng bước chân lọt thọt sau lưng. Tôi quay lại, dáng lão Thoại nhem nhuốc trong khoảng tối chạng vạng. Lão buông tiếng.
 “Ông về lúc nào thế? Trên ấy có vui không?”
 Không ai trả lời. Lão ngồi đánh phịch xuống bên tôi, móc chai rượu đế ra uống suông.
 “Họ sắp đến phải không ông?”, lão hỏi ông tôi nhưng chỉ có tiếng sóng gào đáp lại.
Đúng như lời ông nói. Hai hôm sau, cha kêu tôi vào nhà pha ấm trà. Cha bảo sẽ cho tôi ra biển cùng cha. Tôi mừng quýnh, chợt nhớ đến ông nhưng chẳng muốn kể điều gì về ông cho cha nghe cả. Cha trầm ngâm, nhìn về Hòn Rùa, cha nói.
 “Trên đó đầy máu.”
 Tôi lập tức dập ngay cái ý nghĩ nằm trên tảng đá phẳng ngắm nhìn trăng sao.
“Rất nhiều người đã chết ở đó.”
 “Ai hở cha?”
Cha châm điếu thuốc hút. Khói thuốc phả vào tóc cha, trong thoáng chốc tôi cứ nghĩ cha bước ra từ sương khói.
Chiều hôm đó, cha nói muốn thử sức tôi. Muốn đi biển phải gánh được thuyền nan, gánh không được thì ở nhà nhé. Tôi lọ mọ đi theo cha ra Bãi Lạc. Thuyền nhà tôi nằm đấy, vạm vỡ trong nắng chiều. Cha bảo tôi kê vai một bên mạn thuyền, ở đấy đã có một kèo gỗ nhô ra để tỳ vai.
 “Con nâng lên thử nhé”, cha nói. Tôi vận hết sức mình, nâng thuyền lên như nâng một khối đá. Cũng may tôi bơi biển hằng ngày, hai ba tiếng liên tục vẫn không biết mệt là gì. Vậy mà khi nâng thuyền vai tôi đau điếng, xương như muốn nhũn ra. Cha bảo.
 “Xoạc chân ra, đứng thế tấn mới vững được.”
 Tôi làm theo, quả nhiên thấy vững hơn. Cha hô một tiếng, vai tôi nhấc thuyền lên được một khoảng.
 “Khá lắm, cha khen, xoay nhé!”
Tôi chẳng biết xoay là gì. Cha hét lên cho tôi nghe rõ.
 “Cha làm trụ, con xoay thuyền đi!”
 Tôi nhớ những động tác mỗi lần mang thuyền ra khơi của những ngư dân làng tôi. Vai tôi gồng lên, một lực đẩy như sóng vỗ lên thân tôi, hai chân xoạc tấn rồi khép lại, tôi thoăn thoắt đi xe trên cát, xoay một vòng tròn trong khi cha bình thản đứng một chỗ. Thuyền nan đặt xuống, cha cười hiền. Tôi cũng cười. Vậy là vai tôi đã đủ cứng cỏi đứng thành trụ một bên giúp cha nâng thuyền ra biển, tay tôi đủ sức cuốn lưới đầy cá. Cha bảo tôi.
 “Khuya đi biển với cha. Đi quen cha sẽ cho đi tàu xa bờ. Ngoài ấy hay lắm.”
 Rồi cha bảo tôi đem mâm lễ theo cha lên miếu Mẹ Thai Dương xin ra biển.
Ba giờ sáng hôm sau, cha đánh thức tôi dậy. Tôi vác dầm, lưới đi trong trời đêm đầy ánh sao. Cha con tôi và hai người khác trong xóm gánh thuyền nan ra biển. Trời tối đen như mực. Khi thuyền ra xa độ 10 hải lí, mẻ lưới đầu tiên kéo lên. Mẻ lưới đầu tiên đời ngư phủ của tôi. Cha nói.
 “Con thử kéo đi.”
Tôi vận hết sức mình tời lưới. Lúc ấy, những tia bình minh đầu tiên le lói mặt biển. Lưới đã sát thuyền. Một đàn nục, ớt mó, ghẹ đỏ, tôm càng chen chúc nhau nằm trong lưới. Tôi hét lên.
“Con đánh lưới được rồi!”
 Cha cười hiền hậu. Cả ngày hôm đó, thuyền chúng tôi còn cất ba mẻ nữa, đánh đến khuya thì cá đầy khoang, chúng tôi quay thuyền vào bờ. Trời vừa hửng sáng. Tôi nhìn xuống đại dương thăm thẳm một màu, mắt ngóng đoàn người kì lạ nhấp nhô trên biển thuở trước sẽ hiện lên. Cứ như thể sự tưởng tượng ấy sẽ cho tôi một kí ức nào đó về hồng hoang biển.
Cha hứa tháng sau sẽ cho tôi đi chuyến đánh bắt xa bờ bằng tàu công suất 650cv. Tôi mừng thầm, chợt nhớ tới chuyện Hòn Rùa và cái trứng ngỗng xấu xí kia, tôi hỏi cha. Cha bắt đầu kể về Hòn Rùa bằng một thứ giọng cương mãnh, rất đỗi tự hào. Làng Việt Hải êm đềm tận hưởng cuộc sống của một làng chài sung túc. Đầu thời Nguyễn, các đảng cướp Tàu Ô bắt đầu hoạt động mạnh dọc duyên hải nước ta. Một ngày kia, chúng đổ bộ lên làng Việt Hải cướp bóc. Quan binh ở xa, dân làng tính thế chống không lại được liền rủ nhau chạy lên Hòn Rùa trú ẩn. Chúng đuổi theo truy sát, rất nhiều người đã chết trong rừng dương cổ thụ. Toàn bộ tài sản của cả làng bị chúng cướp sạch, đốt sạch. Bọn Tàu Ô ấy máu rất lạnh, hễ ai chống cự liền bị chém chết ngay. Người làng Việt Hải không sợ sóng sợ gió nhưng lại sợ cướp. Liệt tổ của con khi ở trên đỉnh Hòn Rùa đã nói.
 “Chúng đốt nhà, ta đốt tàu.”
 Nói xong tập hợp những tráng đinh khỏe nhất, bơi lội giỏi nhất theo liệt tổ xuống bái yết Mẹ Thai Dương xin phù hộ. Đêm đó, bọn Tàu Ô ăn uống, phá phách thỏa thuê trong làng. Thừa cơ đó, những dũng sĩ Việt Hải lặn xuống biển bơi ra tàu. Chỉ trong tích tắc, mấy chiếc tàu gỗ lớn của giặc Tàu Ô bốc lửa cháy phừng phực trong đêm. Chúng tức mình kéo nhau lên Hòn Rùa định trả thù. Lũ Tàu Ô thật ngốc, chúng không đi bằng doi cát mà đi qua miếu Mẹ Thai Dương.
Ngôi miếu đêm đó bỗng phát ra ánh sáng xanh huyền ảo, hào quang của ngọc thể Mẹ. Giặc tranh nhau vào cướp, tên chủ tướng lúc ấy mới ra uy bảo đem hòn đá lại. Hắn lấy rìu bổ mấy nhát vào khối đá vì nghĩ trong ấy có ngọc. Đá vừa vỡ tan từng mảnh nhỏ, hắn cũng hộc máu chết tại chỗ. Tôi mới hiểu vì sao ngọc thể Mẹ bây giờ rời rạc từng mảnh thế kia. Mẹ Thai Dương đã trừng phạt hắn, bảo vệ con dân của làng. Đám lâu la sợ quá bỏ chạy ra ngoài. Trời tối như bưng, chúng va vào nhau, ngã đập đầu vào những vết chân rùa đá đen. Liệt tổ khi ấy dùng ốc u thổi vang kiêu hùng, hô hào dân làng ném đá, phóng lao xuống. Nhiều tên gục chết tại chỗ. Bọn còn lại cuống cuồng bỏ chạy. Sáng ra, dân làng xuống miếu, một vùng biển loang đỏ. Người làng thấy tội nghiệp khiêng xác chúng lên chôn sau Hòn Rùa, máu thấm khắp núi.
Lão Thoại khi ấy đi qua con ngõ nhà tôi, miệng lẩm bẩm.
“Họ đã đến đấy, đến thật rồi!”
Ngắt quãng, lão lại than, “Khốn!”, rồi đi mất.
Thi thoảng Mẹ lại lên gặp tôi với đôi mắt buồn da diết. Mẹ như một dáng liễu mỏng manh, dung nghi cao quý, chầm chậm bước dọc Bãi Lạc rồi đi vào bến miếu. Ở đó có hòn đá đen tôi ngồi mòn suốt tuổi thơ, chỉ vì muốn được gặp Mẹ, Mẹ là thật, không phải là chiêm bao. Hôm đó, Mẹ mặc một chiếc áo Nhật Bình màu phỉ thúy, có thêu loan ổ, đầu đội khăn vành, lưng khoác áo choàng màu đỏ tía, đi hài thêu loan. Gió mặn tạt từng tiếng kêu gào lên dáng Mẹ. Một tỳ nữ mặc áo dài rêu, tay cầm lọng đỏ theo hầu. Xa xa, đoàn tùy tùng với cờ lọng, nghi trượng nhấp nhô trên sóng nước. Một tiếng ốc ù rền thiết bi ai, át đi cả tiếng gió gào, sóng dội.  m thanh kéo dài, đâm xuyên qua hàng dương Bãi Lạc, khảm sâu lòng người nỗi sầu lụy của đại dương xanh thẳm. Tâm trí tôi như làn khói mảnh, tản ra bốn bể mênh mông.
“Con sẽ dong buồm ra khơi chứ?”
Mẹ hỏi.
“Dạ, con…”, tôi bỗng im lặng.
“Biển là tặng vật”, Mẹ nói.
“Dạ.”
Mẹ lại hỏi, “Con muốn gì nào?”
Tôi buột miệng nói, “Con tàu sắt có quả đấm thép. Mẹ cho con được không?”
Mẹ nhìn tôi cười.
“Rồi con sẽ có được hơi thở mát trong của biển.”
Tôi nói như van xin.
“Lâu rồi con không gặp ông nội”
Mẹ cười, “Ông luôn ở bên con mà.”
Nói xong, Mẹ đi vào miếu. Màn đen nhập nhoạng xuống nhanh, kéo theo chút mơ hồ trống trải. Tôi bước nhanh về nhà, để không phải làm phiền Mẹ nữa, Mẹ Thai Dương đầy ân huệ.
Cha nói, “Ông là người rất vĩ đại.”
Ông có thể bơi cả ngày mà không biết mệt. Thời trai trẻ, có lần ông bơi ra tận hạm đội xa tới bốn năm hải lý chỉ để xem chúng trông hiện đại thế nào. Ông luôn ở bên tôi ngày bé. Giờ lớn rồi tôi chợt nhớ lời ông “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, nhớ cả tấm địa đồ thủy khí mà ông tìm được, duy nhất hiểu được.
Có lần, tôi hỏi ông.
“Địa đồ thủy khí là gì thế ạ?”
“Bảo vật để trấn biển?”
Tôi dạ vâng.
Năm tôi bảy tuổi, mấy tháng trời làng tôi thất bát, thuyền về không cá, người đi không về. Biển xâm thực nhiều chỗ dọc Bãi La, nhiều hộ phải chuyển nhà. Dân làng Lạc Dương bên cạnh bảo Hòn Rùa tỏa ánh đỏ, nhìn vào rất đau mắt mỗi đêm. Khi sóng còn cách nhà tôi một khoảng ngắn đủ để thấy hơi nước bay vào trong nhà, ông bái lạy tổ tiên, lấy tấm địa đồ thủy khí ra. Ông ngồi như vậy suốt một ngày trời không ăn uống. Hôm sau, ông xách một giỏ đi lễ Mẹ, vai vác thêm cuốc, xà beng đi về phía Hòn Rùa. Tôi khi ấy còn nhỏ, ông bảo ở nhà, ông về sẽ cho quà. Ngày hôm đó, tôi ngồi chơi, nghe một tiếng nổ nhỏ ở phía Hòn Rùa. Tối hôm đó, ông mình trần trùng trục về nhà, người ông toát ra mùi thơm kì lạ. Ông nói.
“Xong việc rồi. Làng yên rồi.”
Rồi ông lên giường nằm ngủ một giấc dài. Cha đi biển về chỉ còn biết quỳ lạy, khóc nức nở bên ông.
Người làng kể lại, ông lên Hòn Rùa dùng cuốc đào 4 hình nhân gỗ ở bốn góc mộ trứng ngỗng. Lại lấy xà beng cạy một thanh thép dài 4 thước sau quynh. Một tiếng nổ vang lên, nước phun lên cao mát rượi, một làn khí thơm lan tỏa quanh những hàng dương cổ thụ. Đêm đó, cả làng ngát thơm ngây ngất. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mùi hương ấy. Sau ngày đó, sóng lùi xa nhà tôi, biển không còn xâm thực làng nữa, tôm cá về đầy thuyền, làng Việt Hải vui đời sống mới. Cả Hòn Rùa xanh màu ngọc bích, đêm đêm tỏa sáng như một ngọn hải đăng mà người làng Lạc Dương quả quyết thấy rõ ràng sau cái ngày ông tôi lên phá yểm. Hòn Rùa mãi xanh ngát một màu cổ sử. Tôi muốn gọi tên những cơn mơ đầy hà bám.
“Con tàu sắt có quả đấm thép.”
Tôi đừng ước mơ như thế. Gần đây biển dậy sóng. Tàu làng tôi hễ ra biển là gặp họ, đông như kiến cỏ, hung hãn và cường bạo.
“Con muốn ngồi trên con tàu sắt có quả đấm thép”, tôi nói với cha. Cha tôi gật đầu đồng ý.
“Con nhớ trở về, đừng như ông nhé!”, giọng cha chợt mặn chát.
Một bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi. Một hơi thở mạnh phả vào gáy tôi, ngập ngụa mùi sóng, gió, mùi của đau thương, mùi của chia lìa, chua xót.
“Họ sẽ đến. Nhưng họ sẽ phải cút đi. Bọn cướp nước. Tay tao chưa bao giờ chịu buông súng xuống! Tao thề đấy, khi tao còn ở đảo.”
Hơi thở ấy tản ra. Tôi quay lại, bóng lão Thoại liêu xiêu đi trên cát. Lão đang nấc lên cho nỗi cay đắng ngoài kia, nơi lão cũng từng là một chiến binh dạn dày sóng gió và đã ngậm ngùi khi họ đến. Sóng vỗ dưới chân tôi, những con sóng giấu lửa.
Một tiếng ốc u xa vắng chiêu hồn tôi trong đêm tối. Tiếng ốc u kiêu hùng đã thổi mòn những bãi cát vàng, phiêu diêu cùng những chiến thuyền giong buồm ra bể. Hồng hoang biển mở ra trước mắt một màu xanh phẳng lặng. Con tàu không còn mắc cạn trong bóng mắt những kẻ chỉ biết đợi chờ.
Ngày mai, tôi ra khơi.
 LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Theo http://hopluu.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...