Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Tài năng âm nhạc của thần A pô lông

Tài năng âm nhạc của thần A pô lông
Trong thần thoại Hy Lạp, A-pô-lông là con trai của thần Dớt và nữ thần Lê-tô, chàng trai này nổi tiếng trong thần thoại vì sự nghiệp bảo vệ chân lí, truyền bá Âm nhạc và Thơ ca.
Nữ thần Trí tuệ và Nghệ thuật A-tê-na là người sáng tạo ra cây sáo có âm thanh réo réo rắt, véo von như tiếng sơn ca. Nhưng khi nữ thần phồng má, chúm môi thổi sáo ven dòng suối, nhìn xuống mặt nước thấy khuôn mặt mình mất tự nhiên, A-tê-na bèn vứt cây sáo đi và nguyền: “Kẻ nào nhặt được chiếc sáo này sẽ bị trừng phạt tàn nhẫn!”.
Ma-xi-át là tuỳ tùng của thần Rượu nho, lão ta vừa có hai sừng và có đuôi dê. Vô tình, Ma-xi-át nhặt được cây sáo, lão chẳng biết lời nguyền của A-tê-na. Ma-xi-át đưa sáo lên miệng và mầy mò tập thổi. Lão chẳng quan tâm đến việc khuôn mặt mình mất tự nhiên và xấu đi khi thổi sáo vì lão vốn chẳng đẹp đẽ gì. Cuối cùng Ma-xi-át thổi được và thổi sáo rất hay, ngày càng hay hơn, đến nỗi khi tiếng sáo của Ma-xi-át cất lên là chim chóc đang kiếm săn dừng lại lắng nghe, hươu nai đang gặm cỏ trong rừng ngừng ăn dỏng tai nghe nhạc. Con suối nghe tiếng sáo lại ngỡ tiếng thủ thỉ của bạn mình. Còn rừng cây nghe tiếng sáo của Ma-xi-át như muốn hút lấy mọi âm thanh. Người ta bảo chúng học thuộc những giai điệu để khi tiếng sáo cất lên là cùng hòa tấu. Ma-xi-át đưa cây sáo về quê mình, để dạy cho mọi người biết sử dụng nhạc cụ đơn giản mà lại rất hay. Danh tiếng của Ma-xi-át lừng lẫy đến nỗi lão sinh ra kiêu căng. Lão tự hào về tài năng của mình song lại mất tỉnh táo đến nỗi cho rằng, không nhạc cụ nào có thể hay bằng cây sáo, không một ai có thể biểu diễn giỏi bằng lão. Ma-xi-át nảy ra ý định ngông cuồng là thách thức vị thần bảo trợ cho Âm nhạc là A-pô-lông thi tài. Thần A-pô-lông chấp nhận cuộc thi. Các nàng tiên Muy-dơ và nhà vua Mi-đát trị vì đất Phri-gi, được mời làm ban giám khảo.
Cả thần A-pô-lông và Ma-xi-át đều đồng ý, kẻ thất bại trong cuộc thi sẽ phải nộp mình cho người chiến thắng toàn quyền định đoạt. Cuộc thi diễn ra. Thần A-pô-lông với cây đàn kitar biểu diễn trước. Khó mà có thể diễn tả được hết phong thái biểu diễn tài hoa chinh phục lòng người của thần A-pô-lông. Khoác một tấm áo choàng may cực kì đẹp đẽ, A-pô-lông cầm cây đàn bước ra đĩnh đạc mà vẫn không mất đi vẻ duyên dáng, tươi tắn. Những tiếng đàn của thần bật lên thánh thót như rót vào lòng người. Ngón tay của thần mềm mại, uyển chuyển lướt đi trên những dây đàn tưởng chừng như bước chân của các nàng tiên Muy-dơ đang xoay trên bậc thềm vàng của cung điện Ô-lym-pia. Còn lão Ma-xi-át, con người thô thiển của rừng rú quê mùa, dù có trổ hết tài năng thổi sáo cũng không thể nào điêu luyện bằng vị thần đã dạy âm nhạc cho các nàng Muy-dơ xinh đẹp. Ban giám khảo bỏ phiếu kín để quyết định người thắng cuộc. Tám nàng Muy-dơ đều bỏ phiếu cho A-pô-lông, có mỗi vua Mi-đát bỏ cho Ma-xi-át. Như vậy là A-pô-lông chiến thắng. Vòng nguyệt quế trên vầng trán cao của vị thần trông thật kiêu hãnh.
Ma-xi-át quì xuống nộp mình trước mặt thần A-pô-lông. Mặc dù đã giành thắng lợi vẻ vang, song A-pô-lông vẫn không nguôi tức giận vì Ma-xi-át đã ngạo mạn, kiêu căng dám thách thức vị thần Ô-lym-pia thi tài. Thần A-pô-lông treo Ma-xi-át lên một cây thông rồi lột da lão! Thật khủng khiếp! Tấm da của Ma-xi-át treo trên cây ở gần vùng đất Phri-gi như để làm gương cho những kẻ dám cả gan thách thức với thần thánh. Tấm da Ma-xi-át thật kì lạ. Người ta kể mỗi khi có tiếng sáo từ vùng Phri-gi nổi lên thì tấm da Ma-xi-át lại bay lên như rung động vì tiếng sáo. Nhưng khi nghe tiếng đàn kitar từ đâu vẳng đến thì tấm da lại thẳng đườn ra, không mảy may chuyển động. Sau này A-pô-lông đã hối hận vì hành động trừng phạt quá tàn nhẫn của mình. Thần đã biến tấm da thành hồ nước và trao cây sáo của Ma-xi-át cho thần Rượu nho.
Thần thoại Hy Lạp
Theo http://www.music.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...