Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Tiếng dương cầm trong đêm

Tiếng dương cầm trong đêm
Tôi xin kể một câu chuyện có thực để các bạn nghe, chuyện này chính tôi đã được chứng kiến, và tôi sẽ kể rất trung thực, không thêm không bớt điều gì.
Ngày ấy, cách đây mấy năm, tôi hay phải đi đây đi đó. Là một hoạ sĩ chuyên vẽ phong cảnh nên tôi rất gần gũi với thiên nhiên, điều đó vừa cần thiết cho công việc vừa là sở thích của tôi. Tôi yêu bầu trời cao rộng, yêu những áng mây luôn thay hình đổi dạng trên nền trời, yêu sắc vàng của những tia nắng lúc hoàng hôn, yêu đàn chim sải cánh về những phương trời xa lạ, yêu những cánh buồm no gió hay một con thuyền lặng lẽ nằm trên cát mịn ven sông, yêu làn gió cuốn tung tóc những người thiếu nữ... Vì lẽ đó, tôi thường phải đi xa để tìm cảm hứng cho những tác phẩm của mình.
Một ngày nọ, tôi tới một nơi cách thành phố không xa lắm. Đó là một vùng quê đẹp với dòng sông trong vắt, những luống rau xanh mướt ven đê, cánh đồng hút tầm nhìn, những luỹ tre bình yên bao bọc xóm làng, vài con bò ung dung gặm cỏ...
Mải mê vẽ, trời về chiều lúc nào không hay, bóng tối ập xuống rất nhanh. Đó là một ngày cuối tháng nên trăng sẽ lên rất muộn. Tôi định trở về, nhưng lại tiếc vì muốn ở lại để ngày mai vẽ tiếp. Và tôi quyết định ở lại.
Tôi tìm đến một ngôi nhà khang trang, hơi cách biệt với xóm làng. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn rộng, cây cối um tùm, bao quanh vườn là những bức tường rêu cũ kĩ. Mở cổng cho tôi là một người đàn ông, tuy có tuổi nhưng còn khoẻ mạnh. Thấy tôi mang vác lủng củng nào giá vẽ, nào hộp màu, ông tò mò nhìn. Sau khi biết ý định của tôi là xin ngủ nhờ, ông vui vẻ mời tôi vào nhà.
Tôi nhìn phòng khách, căn phòng đơn sơ nhưng trang nhã, một bộ salon cũ, một chiếc đàn piano cổ kê ở góc phòng gần cửa sổ, một giá sách, vài bức tranh trên tường. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn cây đàn, ông giải thích ngắn gọn:
- Tôi có con cháu học nhạc trên thành phố. Cây đàn để cháu tập.
Cơm đã dọn ra, gia đình chủ nhà niềm nở mời tôi dùng bữa cùng họ. Nhà có bốn người, hai ông bà già và vợ chồng anh con trai, họ mới cưới nhau được ít ngày.
Sau bữa cơm, bên chén trà nóng, chúng tôi chuyện trò rôm rả. Thì ra, ông là một nhà giáo. Trước đây ông dạy học trên thành phố. Nay nghỉ hưu, ông về giúp vợ chăm sóc vườn tược, sinh hoạt cùng những người về hưu và vui cảnh già. Các con của ông bà đã ở riêng chỉ còn vợ chồng anh con trai ở cùng cha mẹ. Họ làm việc cũng gần nhà, sáng đi chiều về nên ông bà cũng đỡ thấy trống vắng.
Chuyện trò kéo dài đến gần 10 giờ tối. Ông bảo anh con trai dẫn tôi sang phòng bên kề với phòng khách để nghỉ kẻo mệt. Vì quen ngủ muộn, tôi mượn ông quyển sách để đọc. Ông nói:
- Sách ở trên giá, anh muốn đọc quyển nào tuỳ thích. Tôi đi ngủ trước nhé!
Với tay lên giá sách, tôi lấy một quyển xuống và sang phòng bên nằm đọc. Cuốn sách nói về cuộc đời của nhạc sĩ Su-man, tôi bị cuốn hút bởi cuốn sách nên mải mê đọc. Đến khi nhìn đồng hồ thì đã gần 12 giờ đêm, tôi vội tắt đèn đi ngủ.
Tôi lơ mơ sắp chìm vào giấc ngủ thì thoảng nghe tiếng nhạc vọng đến. Bản nhạc Ngôi sao ban chiều- một giai điệu của Su-man mà tôi rất quen thuộc.
Thật là một sự tình cờ thú vị- tôi nghĩ- mình vừa đọc về Su-man xong thì lại được nghe nhạc của ông. Ai chơi đàn hay thế nhỉ, mà lại chơi giữa đêm khuya thế này? Tiếng đàn nghe mơ hồ như từ nơi nào xa xôi vọng lại. Tôi nhổm dậy xem mình tỉnh hay mơ. Tiếng đàn im bặt, nhưng âm thanh còn ngân lên một lát sau mới tắt hẳn. Lạ thật, vùng quê này mà lại có nhiều người biết chơi piano như vậy sao? Chắc nhà đó cũng ở gần đây. Mai mình phải hỏi ông cụ xem thế nào. Tôi nghĩ và lại nằm xuống ngủ tiếp.
Tôi đã ngủ và bắt đầu một giấc mơ thì tiếng đàn đột nhiên lại vọng đến. Hình như nó phát ra từ chiếc dương cầm ngoài phòng khách thì phải. Vẫn là bản Ngôi sao ban chiều. Thế này thì lạ thật đấy, mình nhất định phải xem chuyện này ra làm sao. Tôi véo vào tay mình thật đau để biết rằng mình không hề ngủ mơ và mở to mắt khẽ ngồi dậy, định lần ra phòng khách ngó xem ai chơi đàn. Tiếng đàn lại ngừng bặt. Tôi rón rén đi tới cánh cửa dẫn ra phòng khách: căn phòng sáng mờ mờ, qua cánh cửa sổ mở, ánh trăng khuya rọi vào chiếu chênh chếch trên nắp cây đàn thành những vệt sáng lung linh. Tôi nhìn qua cửa sổ, khu vườn vẫn chìm trong yên lặng, những hàng cây đứng trầm mặc trong đêm. Không một tiếng côn trùng rỉ rả, không một tiếng chó sủa trăng. Một sự im lặng tuyệt đối. Tôi tự đấm vào đầu mình: mình bị tâm thần chăng?
Lần thứ ba tôi lại bị đánh thức bởi tiếng đàn. Lần này là bản Khúc hát nàng Son- vây của Grigơ. Vẫn tiếng đàn ấy, lúc gần, lúc xa, lúc mơ hồ, lúc rõ rệt. Bực mình thật, cái anh chàng nào chơi đàn cứ chập chờn như ma thế nhỉ? Tôi quay mặt vào tường ngủ tiếp. Trong giấc mơ, tiếng đàn vẫn vẳng bên tai tôi và người chơi dường như phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Sáng hôm sau tôi dậy muộn, hai vợ chồng anh con trai đã đi làm. Trong bữa ăn sáng mà gia đình đã chuẩn bị, tôi kể cho ông cụ nghe về chuyện đêm qua, ba lần tôi đã được nghe những bản nhạc bởi bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ nào đó trong vùng. Hai ông bà yên lặng. Rồi ông lẩm bẩm: Ở vùng này chẳng nhà nào có đàn và cũng không ai biết chơi đàn cả. Ngừng một lát, đột nhiên ông nói to:
- Đêm qua anh đã được nghe tiếng đàn rồi, bây giờ anh lên phòng khách uống nước, tôi sẽ kể cho anh nghe về lai lịch cây đàn.
Và đây là câu chuyện của ông.
Cách đây vài năm, khi còn dạy học trên thành phố, tôi có quen và chơi với một nhạc sĩ, ông là thầy dạy đàn của cháu gái tôi. Gia đình ông trước đây rất giàu có. Ông sống với hai người con trai. Vợ ông cũng là nghệ sĩ dương cầm, bà đã mất từ khi hai con ông còn nhỏ. Ông ở vậy nuôi con, quyết không đi bước nữa vì sợ hai con mình khổ. Hai anh con trai lại không theo nghề của bố mẹ, họ đang học ở hai trường đại học trong thành phố. Cuộc sống tuy hơi quạnh hiu nhưng yên ổn thì bỗng tai hoạ ập đến. Ông mắc một căn bệnh hiểm nghèo, nằm bệnh viện một thời gian dài nhưng các bác sĩ cũng đành bất lực. Ít lâu sau ông mất, để lại hai người con trai với vô số nhạc cụ trong ngôi nhà to rộng giữa thành phố. Tôi hay đến thăm, chuyện trò cùng họ. Một hôm hai người cho tôi biết họ đã bán căn nhà ấy và chuẩn bị dọn đến một căn nhà nhỏ khác. Họ tỏ ra băn khoăn vì không biết để mấy cây đàn của bố mẹ ở đâu. Thấy thế tôi ngỏ ý muốn mua cây piano cho cháu tập. Họ đồng ý và bán cây đàn này cho tôi với một cái giá rẻ như cho không.
Từ khi có cây đàn, cũng như anh, đã nhiều lần mọi người trong nhà nghe thấy tiếng đàn trong những đêm khuya vắng. Thoạt đầu, ai cũng nghĩ là mình mơ, nhưng về sau thì biết là không phải. Vợ tôi sợ cứ giục tôi bán cây đàn, nhưng vì tôn trọng vợ chồng người nghệ sĩ, hơn nữa cây đàn cũng chẳng hại gì ai, gia đình tôi vẫn sống bình thường khoẻ mạnh nên tôi vẫn giữ nó lại.
Ông cụ ngừng lời. Chúng tôi ngồi lặng đi một lát. Tôi tới bên cây đàn, mở nắp nó ra, những hàng phím trắng đen nằm ngay ngắn bên nhau. Những phím đàn sạch sẽ không hề có bụi, dường như nó vẫn được những ngón tay của người nghệ sĩ nào đó sử dụng.
Trước khi đi, tôi cám ơn ông giáo về câu chuyện ông kể, về sự đón tiếp nhiệt tình của gia đình ông và từ biệt họ. Tôi cũng nghiêng mình trước cây đàn, thầm vĩnh biệt vợ chồng người nghệ sĩ tài hoa. Tôi cũng bỏ dở bức tranh đang vẽ để về thành phố. Dọc đường, câu chuyện của ông giáo và những gì tôi đã được chứng kiến cứ vương vấn mãi trong đầu. Tự nhiên tôi liên tưởng tới truyền thuyết về Vương Bột- một nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Ông bị chết đuối khi còn rất trẻ. Đêm đêm, bên bờ sông vắng, ông thường hiện lên ngâm hai câu thơ tuyệt tác của mình:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Hai câu thơ trên là bức tranh tuyệt đẹp, đó là cánh cò đơn độc bay giữa ráng chiều, là sông nước mùa thu hoà một màu cùng trời rộng.
Và tôi chợt nhận ra rằng, nghệ thuật kì diệu biết bao, kỳ diệu đến mức mà khi ta yêu, gắn bó với nó thì nó ngấm vào máu thịt, lắng đọng trong tâm hồn ta, kể cả khi đã chết, ta cũng không thể xa lìa nó.
Phải chăng những người nghệ sĩ ấy đã vượt qua cái chết để trở về với niềm mê say của mình và sự mê say đó đã làm cho họ trở thành bất tử.
Cuộc sống thật quí giá biết bao nhiêu- tôi tự nhủ- may mắn là nó chưa xa rời mình. Ta sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất vì cuộc sống.
Lê Ngọc Mai
Theo http://www.music.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy q...