Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Trịnh Công Sơn và miền Huế thương

Trịnh Công Sơn và miền Huế thương
Bao nhiêu năm rồi, anh mãi ra đi, về cõi hư vô để tiếp nối những ngày tháng hát thơ nơi ấy. Anh, Trịnh Công Sơn, «người tình của cuộc sống», đã để lại cho đời vô vàn câu ca, đậm sâu tình yêu nhân loại và chiêm nghiệm về lẽ sống con người.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất cố đô xưa Thuận Hóa, con người và âm nhạc của Trịnh Công Sơn không nằm ngoài nhịp thở của dòng Hương Giang yêu kiều. Đó là thứ âm nhạc trầm mặc, lắng đọng mà người ta phải nghe đến rất nhiều lần mới cảm nhận được.
Chính anh đã từng nói: «Có thể là đúng ở chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn của mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều rất lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy».
Trịnh Công Sơn không hề nhắc đến «Huế» nhưng tất cả các ca khúc của anh đều là Huế cả. Từng con đường, từng hàng cây, trong Mưa Hồng, anh đã hát «Em đi về cầu mưa ướt áo. Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau». Cho dù lúc nắng lên, hay khi mưa về, nỗi buồn không tên rất Huế luôn hiện hữu: «Lùa nắng cho buồn vào mắt em. Bàn tay xanh xao đón ưu phiền...» (Nắng Thủy Tinh) hay «Mưa lạnh lùng rơi ướt giữa đêm về, nghe não nề. Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi» (Ướt Mi).
Trong một cuộc phỏng vấn, anh thổ lộ: «Ví như ở Huế có “đường Âm Hồn” mà trên thế giới này không nơi nào có được chứ đừng nói ở Việt Nam và mình đã viết: "Đêm nghe gió thở dài, đêm nghe tiếng khóc của bào thai". Chỉ có đường âm hồn mới có những hồn thai với những ngọn đèn leo lét trong am miếu như "nghe trong tiếng thở dài, nghe lăng miếu trùng vây, nghe xa cách cuộc đời, nghe lăng miếu cạnh đây". Chỉ có Huế mới có lăng miếu, chỉ có Huế mới có tiếng thở dài rất buông trùm xa xôi. Tất cả những điều đó đều là Huế, vậy cần gì phải nhắc đến từ "Huế" nữa! Thậm chí "Một cõi đi về" cũng là Huế, chứ không thể ở chỗ khác mà viết được».
Nhà tưởng niệm Trịnh Công Sơn Bình Quới, TP. HCMinh.
Trịnh Công Sơn được coi là một trong những tác giả lớn của dòng âm nhạc đại chúng cũng như nền Tân nhạc Việt Nam. Những bản nhạc Trịnh là trái ngọt từ cuộc hẹn hò của âm hưởng phương Tây và tâm hồn phương Đông. Cấu trúc và tứ nhạc trong những tác phẩm của anh đều khá giản dị, phần lớn ở thể hai đoạn. Lối chuyển đoạn từ phần đầu sang cao trào của ca khúc nhỏ nhẹ như cô gái Huế vậy, chỉ là vệt màu loang từ từ, không quá nhiều tương phản.
Thế nhưng cái hồn mà anh thả trong ca từ mới là điểm hút vô định. Từ những lần hữu duyên dạo chơi cửa chùa, hay cái tứ tà áo bay trong gió từ điệu Lý Mười Thương hóa thành câu ca «Ôi áo xưa lồng lộng...». Chỉ từng ấy thôi cũng đủ phôi thai những bản tình ca và thiền ca mang tên Trịnh, quyến rũ, hồn nhiên, lại khiến người nghe phải suy ngẫm.
Huế và Đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của Trịnh Công Sơn. Dịch giả, nhà văn Bửu Ý và cũng là một trong những người bạn thân của Trịnh Công Sơn lý giải:
«Tính Phật giáo ở trong tư tưởng hay trong ca khúc Trịnh Công Sơn thì đúng là thấm đẫm rất nhiều. Cái đó đầu tiên chẳng qua là Huế là một cái đất của chùa chiền, một cái đất của Phật giáo (...) Từ cái chỗ nhà chùa nó sinh ra những thói quen trong đời sống, thí dụ như thói quen ăn chay. Mỗi lần như vậy thì cái tư tưởng của người ăn chay, của người ở gần chùa tự nhiên nó có một cái gì đó nó thoát tục, nó không còn suy nghĩ theo cái cách rất là vật chất, đời thường nữa mà nó có cái gì hướng thượng. Thì đó là cách sống của Trịnh Công Sơn hay của chúng tôi ngay từ lúc nhỏ cho đến cả về sau này».
Đạo Phật dạy rằng «Hiện tại là hình bóng của quá khứ và tương lai là hình bóng của hiện tại», cuộc đời là một vòng tiếp nối «sinh, lão, bệnh, tử», hạt bụi hóa kiếp thân người, một mai «tóc trắng như vôi» lại trở về với cát bụi. Trong những lời kinh cầu mang tên Cát Bụi, Trịnh Công Sơn cho rằng không ai trong mỗi chúng ta thoát khỏi vòng luân hồi nhiều biến hóa. Những chuyến đi là những lần quay trở lại. Anh nói: «Đi - về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Đó là một trò chơi, vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho».
Về mặt âm nhạc, không phải ngẫu nhiên mà bản thiền ca Cát Bụi lại có cấu trúc ba đoạn (A-B-A). Nếu như phần A là hiện thân của hạt bụi nhỏ nhoi được viết ở điệu thứ buồn tênh, thì phần B hạt bụi ấy đã hóa kiếp người, chuyển sang điệu trưởng báo hiệu «tin vui». Để rồi, sau đó, phần A tái hiện, chúng ta lại quay về thân cát bụi, «kiếp rong chơi» này quả là ngắn ngủi.
Tuy đã về với cát bụi, nhưng có lẽ ở đâu đó, Trịnh Công Sơn vẫn là kẻ rong chơi, phiêu bồng với những lời ca mà anh đã hát cho cội nguồn, thế gian. Giờ đây anh đã có một cõi để đi về...
Xin được mượn lời anh: «Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài gòn và Hà nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà.Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế».
Hoài Dịu 
Theo http://vi.rfi.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang đư...