Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Xúc cảm hiện thực trong bài thơ “Có một mùa Thu không trở lại”

Xúc cảm hiện thực trong bài thơ 
“Có một mùa Thu không trở lại”
Người lính lên đường rồi hy sinh trong chiến tranh luôn gợi lên những day dứt và xúc cảm mạnh mẽ trong lòng mỗi độc giả. Đó cũng là mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng, chất liệu hiện thực quý giá để những tác phẩm thi ca hay ra đời. Từng là người lính ra đi từ làng quê yên bình, nhà thơ Võ Ngột dường như vừa là người trong cuộc vừa là người quan sát, mang nỗi niềm đồng cảm, sự sẻ chia chân thành trong chính câu chuyện mà mà ông kể bằng thơ: “Có một mùa Thu không trở lại”.
Đối với những người yêu thơ, sự cuốn hút của “Có một mùa Thu không trở lại” đến ngay từ nhan đề của nó. Một nhan đề buộc độc giả khi mới bắt gặp đã phải tự đặt ra câu hỏi: “Vì sao mùa Thu không trở lại”? Có cái gì đó không đúng với quy luật của đất trời? Bởi Xuân, Hạ, Thu, Đông cứ vậy mà tuần hoàn, chia tay mùa Thu vàng úa của năm nay những kẻ đa sầu có thể tiếc đấy, nhưng nỗi buồn ấy cũng chỉ thoáng qua vì giờ này sang năm, vạn vật thiên nhiên sẽ lại được nhuộm đầy một màu vàng nắng. Vậy nên, “mùa Thu” trong nhan đề “Có một mùa Thu không trở lại” không đơn giản là mùa Thu của thiên nhiên tuần hoàn mà đó chính là một phép ẩn dụ mang đầy tính hình tượng, gợi lên những suy tư, đánh thức tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu trong lòng người đọc.
Và rồi sự tò mò của bạn đọc, dần được tác giả hé mở ở khổ một của bài thơ: “Lạc trái tim yêu/ nụ hôn đầy đắm đuối/ ánh trăng chảy tràn bờ đê/ hẹn… ước - mùa Thu sau anh trở về”. Đây rõ ràng là buổi chia tay giữa anh bộ đội làng với người thiếu nữ anh yêu trước ngày hành quân vào chiến trường đỏ lửa. Khung cảnh một buổi tối thu nơi đồng quê Bắc Bộ với “ánh trăng chảy tràn bờ đê” thật thơ mộng. Dưới ánh trăng thu xanh, mơn mởn “chảy tràn” đầy sức sống, hai người ngồi kề bên nhau để trái tim yêu bắt đầu đập những nhịp “lạc” đắm say, quyến luyến không rời, nụ hôn đắm đuối nồng nàn và lời hẹn ước của ngày trở lại: “Hẹn… ước - mùa Thu sau anh trở về”. Với dấu ba chấm được đặt giữa hai từ “hẹn” và “ước”, rồi dấu gạch nối ngắt đôi ý thơ, câu thơ cuối dường như có cái gì đó nghẹn ngào và thắt lại trong dòng cảm xúc của chàng trai và cô gái trong đêm chia tay. Trước cuộc chiến khốc liệt, tuy người ta không bi lụy, nhưng hiện thực chiến tranh đâu phải trò đùa con trẻ, nên lời thề dẫu đinh ninh “mùa Thu sau anh trở về” mà nghẹn lại trong cổ, đứt quãng trong từng tiếng nấc “hẹn… ước”. 
Hiện thực chiến tranh khốc liệt, anh bộ đội làng đi mãi, đi mãi qua bao mùa Thu chưa trở về, để nỗi nhung nhớ cho người ở lại. Sự chờ đợi, đợi chờ cao cả biết bao nhiêu, nhưng lại càng thấm đượm nỗi buồn man mác trong khung cảnh mùa Thu: “Đã bao mùa lá vàng rơi/ xóm vắng lặng thầm hương ổi/ na mở mắt chờ/ cúc vàng bối rối/ ngõ thu trống trải hoàng hôn”. Cả khổ thơ, hình ảnh con người được ẩn đi, thay vào đó là cảnh sắc và thiên nhiên rất đặc trưng của mùa Thu ở đồng bằng Bắc Bộ. Đó là mùa lá vàng rơi, là xóm quê yên bình, vắng lặng, thoảng hương ổi thì thầm, phả trong gió heo may, là mùa na chín mở mắt ngoài vườn, cúc vàng bối rối, ngõ thu trống trải bóng hoàng hôn. Một mùa Thu đẹp với đầy đủ những cung bậc âm thanh hình ảnh vốn có, nhưng phảng phất sự trống vắng, mòn mỏi trong nỗi đợi chờ sâu vời vợi. Rồi ánh trăng lại xuất hiện, ánh sáng vẫn lan tỏa khắp đất trời, nhưng khác với đêm thu chia tay trên bờ đê năm nào, ánh trăng giờ đây mang hình ảnh đơn côi và đồng hành với nó là nỗi buồn hiu quạnh lan trong đêm như cỏ dại. Chiến tranh không những vĩnh viễn cướp mất đi người con trai mà còn giết chết tuổi xuân của người con gái thủy chung. Bởi chị vẫn đợi, một sự chờ đợi vượt thời gian nên qua bao mùa lá vàng rơi, giờ đây: Hết một thời con gái/ Nắng sớm, mưa chiều/ chị âm thầm lặng lẽ…
Đến lúc này, bài thơ có thể kết thúc được ở đây, bởi tác giả đã hoàn thành sứ mệnh kể lại câu chuyện xúc động về sự ra đi của người lính và nỗi nhớ, đức hy sinh thầm lặng mà cao cả của người con gái. Tuy nhiên, nếu không có đoạn cuối thì việc dụng công đặt nhan đề của nhà thơ ở phía trên dường như vô nghĩa. Có thể khẳng định, khổ thơ cuối là lời lý giải khúc triết cho cách đặt tên bài thơ rất sáng tạo của người viết. Đọc đến đây, độc giả hoàn toàn gỡ bỏ được sự tò mò và trả lời được câu hỏi mà mình đã tự đặt ra trước đó, dẫu cho nhiều người cũng đã phần nào cảm nhận được ý tưởng của nhà thơ thông qua nội dung từ các khổ thơ trên. Và “có một mùa Thu không trở lại” ấy, chính là “Anh bộ đội làng tôi/ mang mùa Thu đi mãi/ chẳng về.
“Có một mùa Thu không trở lại” là một tác phẩm hay, lay động được những xúc cảm tinh tế trong lòng bạn đọc.
ANH DŨNG
Theo http://www.quankhu3.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân,...