Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Đêm cuối cùng

Đêm cuối cùng
Ca khúc: Đêm Cuối Cùng
Nhạc sĩ: Phạm Đình Chương
Ca sĩ: Thùy Dương

Thùy Dương - Đêm Cuối Cùng
Sau những lần đầy nộ khí, la hét, con người thường rơi vào trạng thái im lặng. Khoảnh khắc ấy thường đọng lại, thiền tịnh khiến người ta trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết.
Mỗi buổi chiều, chúng ta thường nhìn xuống để học sự kiên nhẫn. Hằng đêm, chúng ta lại nhìn lên bầu trời đầy tinh tú để học về lòng bao dung. Cứ cần mẫn như một loài kiến, say mê như đàn ong, hân hoan như những con chim hót trong vườn mỗi sớm mai, chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật đáng quý.
Đêm yên ắng và thanh bình đến lạ thường. Những lúc như thế, lòng cứ thích nghe những ca khúc xưa. Trong không gian riêng tư và khắc khoải, chỉ có âm nhạc mới ru chúng ta về miền phiêu lãng, quên đi hiện tại, đắm chìm trong những tháng ngày xưa cũ. Dĩ vãng thường nuôi dưỡng và vỗ về tâm hồn bởi đời sống ngày càng ồn ào, tranh giành và náo nhiệt.
Hãy sống như ngày mai sẽ có một cuộc chia ly. Đêm cuối cùng, con người thường gần nhau, yêu thương và ngọt ngào hơn…
“…Nắm tay không lời,
Cố hé run run môi cười
Lúc chia tay bên trời tiếc thương…”
“Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương là một trong những ca khúc của kỷ niệm. Giai điệu cứ ngọt ngào, len lỏi và day dứt mãi một tình yêu đã qua đi. Âm nhạc của Phạm Đình Chương luôn đau buồn và cắn rứt. Tình yêu của ông là chuỗi dài của những âu lo, tan tác. Ái tình và sự chia ly ấy, cách đây hơn một năm, bloger đã viết lại trong entry “Nửa hồn thương đau và bi kịch của một gia đình”. 
Để cảm nhận được sự xót xa trong ca khúc “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương, Xin được giới thiệu đến bạn đọc ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại đó là ca sĩ Thùy Dương sẽ đem đến cho chúng ta những giai điệu mượt mà và quyến rũ.
Đêm Cuối Cùng
Đêm nay đêm cuối cùng gần nhau
Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau
Nhịp mưa bâng khuâng ngoài phố lạnh
Giọt sầu rơi ướt hồn phiêu linh
Nắm tay không lời,
Cố hé run run môi cười
Lúc chia tay bên trời tiếc thương
Đêm nay đôi mái đầu còn xanh
Ngậm ngùi thầm trao nhau giấc mộng chưa thành
Em ơi đừng khóc sầu biệt ly .
Vì lệ tuôn rơi làm héo xuân thì .
Dù đêm không như hồn chúng mình
Dù không gian cách trở mong manh
Hãy tin một điều
Nỗi nhớ thương xưa vẹn tuyền
Sẽ cho ta ngày về thắm duyên
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau
Hẹn hò một ngày sau nối mộng ban đầu
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau
Hẹn hò một ngày sau nối mộng ban đầu...
Đêm nhớ về Sài Gòn
Ca khúc: Đêm Nhớ Về Sài Gòn
Sáng tác: Trầm Tử Thiêng
Thể hiện: Khánh Ly

Đêm nhớ về Sài Gòn - Khánh Ly
Sài Gòn dịu nhẹ, Sài Gòn thương ... Sài Gòn chứa những giấc mơ bên giường. Ru êm những tháng ngày cắp sách! Sài Gòn nhớ những chiều lịch lãm, ghé nhà em đón em dạo phố rong chơi... Và đôi môi sao tìm hoài hương vị cũ, vị Sài Gòn vì nắng nóng vị mưa chiều không tên gọi... lãng du!.
".... Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi"
Phải thực là như thế! Có đêm nào mà ta thôi không nhớ Sài Gòn kia chứ. Người Hà Nội có nỗi nhớ về phố Cổ Ngư thì người Sài Gòn, ta cũng nhớ về con đường thênh thang Thống Nhất hay đường Duy Tân ồn ào nhưng lại không kém phần lãng mạn giữa lòng trung tâm. Con đường Phùng Khắc Khoan với lá bay bay trong những chiều nắng nhạt. Những con đường đó đang khát khao chờ đợi ta hay chính ta nhớ cuồng nhiệt, chờ đợi ngày về để tung tăng lại khắp nẻo phố phường đây? Những con đường lớn lên cùng ta theo ngày tháng. Những con đường mà "anh con trai mười bảy“ ngày nào đạp xe như mây như gió cùng lũ bạn đi chè nước linh tinh. Những con đường mà nỗi buồn thi cử hay vì nhung nhớ một tà áo dài quen thuộc vẫn thấp thoáng còn đâu đây...
"Đường im nghe quá khứ trong sầu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu"
Ta ra đi. Ta để vui buồn lại. Ta cất kỹ nỗi nhớ vào lòng. Ta đi mà chẳng có một người để ngóng tin và ta đi để nghe trong đêm một chút lẻ loi từ quá khứ. Sài Gòn trông xô bồ và ồn ào thế nhưng vẫn có những kỷ niệm rất nhân bản trong ta. Còn nhớ ngày xưa lời tỏ tình trên phố đông quanh Hồ con Rùa, chẳng kịp nói xong đã vội vàng bỏ đi, chẳng kịp nhìn khuôn mặt ai đó. Để ngày nối ngày tự hỏi mình chuyện ngu ngốc gì đã xảy ra. Nghe Quang Dũng mà cứ ngỡ là chính mình vẫn còn đó trên chiếc xe đạp cuộc ngày nào qua phố.
"Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa"
Người Sài Gòn như ta lớn lên cùng nhạc dân ca Nam bộ, nhạc Trịnh và nhạc Vàng. Dù nhạc Vàng - nhạc Trịnh rất kén thính giả hưởng thụ say mê, nhưng đâu đó trong ngõ ngách của Sài Gòn ta vẫn còn nghe được những khúc ca không những mang đậm tính lãng mạn nhân văn mà còn là một nét rất Sài thành. Đêm Sài Gòn là đêm của những ngọn đèn đường rực rỡ, lần về năm ngoái từ trên máy bay nhìn xuống khi sắp hạ cánh, ta thấy những con đường chạy dài với những ngọn đèn vàng - như tấm vải đêm đính hoa lộng lẫy kiêu sa. Cảm giác lúc ấy thật lạ, chỉ muốn xuống thật mau để chạy dưới ánh đèn vàng. Vì thế có những tối lái xe dọc theo dòng người dạo mát. Chạy hoài không chán, cũng chỉ là những con đường đã quá quen thuộc ngày xưa.
Sài Gòn có mưa đêm là một trong những điều khó quên trong cuộc đời. Nhớ ngày đó căn phòng không bị khuất những tòa nhà cao tầng kế bên. Cửa sổ hướng ra khu vườn sau nhà kế, nên mưa cứ thế mà tuôn như thác, tiếng mưa rơi vào những miếng lá thép cửa sổ rào rào, ta thì cuộn mình trong cái mền lớn bên cạnh là một ca trà đá, một cuốn sách dày cộm. Đó là cảm giác an bình mà không thể tìm lại được sau này. Tự nhiên không rõ ta có già không, khi bắt đầu nghĩ về những ngày xưa cũ?
"Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông"
Người Sài Gòn có thói quen ngồi cafe. Sáng cafe, trưa cafe, tối cafe. Sang trọng có, bình dân có. Những lần đi cafe đầu tiên là năm mười lăm tuổi, chỉ là những quán cóc. Nói thế nào bây giờ? Đó là mùa hè và ta có dịp đi làm thợ phụ hồ. Sáng sớm thì người anh họ đã đánh thức và cả hai chạy đến một quán cafe cóc mà dân lao động hay ghé vào. Cả hai xì xụp tô mì mặn chát mùi nước mắm và lỏng chỏng vài cọng giá sống. Ăn cứ như là được sơn hào hải vị! Đâu vào đó cái bụng thì bắt đầu ngồi nhâm nhi ly cafe sáng chờ giờ làm việc. Sương sớm và cafe là hai thứ đi cùng nhau một cách tuyệt hảo. Thằng nhóc mười lăm tuổi thấy mình lớn hẳn.
"Gợi bao nhiêu cho cùng..."
Cho dù ta nhớ cách mấy, hình dung ra cách mấy thì cái cảm giác gợi nhớ đó cũng chẳng bù đắp nổi sự thiếu vắng. Đi là chấp nhận thử thách, đi là chấp nhận rủi ro và bỏ lại sau lưng những vui vẻ thơ ấu. Không phải đi là cực hình hay là đày đọa mà là đi để cuộc sống tốt hơn.
"Yêu mẹ một khối tình quê
Yêu em từng bước tình si
Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về"
Sài Gòn với đèn vàng, với gia đình với cả những bóng hình đã qua. Những cơn mộng đó chợt đến chợt đi và càng ngày càng thưa thớt. Ít mơ đi nhiều, ít trằn trọc nhiều nhưng lại thừa những giây phút trống rỗng lạ kì. Đã nhiều lần dặn lòng không nên nghiêm trọng hóa sự việc mà sao cứ nghĩ mình như là Kinh kha qua sông Dịch. Nực cười cho tuổi trẻ.
"Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn"
Chính xác. Chỉ là cố vui để lớn. Và rồi cũng đã lớn lên. Thấy mình nhỏ bé trước dòng thời gian, nhỏ bé trước thay đổi cuộc sống. Ôi ta thơ dại, dẫu mặt người qua lại những dòng sâu...
"Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Đã gặp người một trời yêu thương
Cho lòng thêm chút ấm
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau“
Không thể ví mình như Kinh Kha thì cũng tự ví mình như một lãng tử có lòng không sức. Cứ đi và cứ nhớ. Thèm một chút ấm như người hát đêm. Thèm một chút thong thả trong cuộc đời. Vẫn còn nhiều điều chưa nói hết. Nhớ quá Sài Gòn ơi...
Võ Doãn Mỹ 
Theo http://www.vodoanmy.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười một phút 2

Mười một phút 2 Chương 11 Công ty người mẫu gọi đến ngày hôm sau và hỏi về những tấm ảnh, cũng như thời điểm buổi trình diễn thời trang được...