Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Hoàng Hiệp, mối lương duyên giữa thơ và nhạc

Hoàng Hiệp, 
mối lương duyên giữa thơ và nhạc
Hoàng Hiệp là một trong số ít nhạc sĩ có nhiều ca khúc phổ thơ rất thành công. Trong trường hợp không thể phổ trọn vẹn bài thơ, ông dùng cách dựa theo ý thơ để làm ca từ với chủ đích tải cho được nội dung hay của bài thơ vào ca khúc. Bằng hai cách này, Hoàng Hiệp đã cho ra đời nhiều ca khúc hay và đẹp, thể hiện mối lương duyên tuyệt vời giữa thơ và nhạc.
Sáng tác đầu tiên của Hoàng Hiệp có sự kết hợp giữa thơ và nhạc là bài Trên đường Trung du lời dựa theo thơ Phạm Ngọc Cảnh, ra đời năm 1961: “Đường Trung du ta vui bước lên cao/Lá cọ xòe tay tựa vẫy chào… Kìa cô em lên Yên Bái hay sang Tuyên/ Huy hiệu đoàn viên trước ngực đang ngời lên…”. Bài hát ca ngợi tinh thần của lớp lớp thanh niên tạm xa đồng bằng lên khai phá đất Trung du. Năm 1965, Hoàng Hiệp dựa vào thơ của Môlôychoi (Tây Nguyên) sáng tác bài Cô gái vót chông, giai điệu mang đậm âm hưởng dân ca Tây Nguyên “Như bao cô gái ở trên non/ Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon/ Tay vót chông miệng hát không ngừng/ Như bao cô gái ở trên non…”. Qua giọng hát của tốp nữ văn công Tổng cục Chính trị QĐNDVN, hình ảnh các cô gái Tây Nguyên tham gia đánh Mỹ đẹp rạng rỡ.
Cũng trong năm này, Hoàng Hiệp cùng với một số nhạc sĩ đi thực tế ở Khu Bốn, nơi bị không quân địch đánh phá dữ dội, có hệ thống đèn báo động đặt khắp tuyến đường. Năm 1966, tình cờ gặp bài thơ của Chính Hữu viết về hệ thống đèn này, Hoàng Hiệp nhớ lại trước đây từng chứng kiến nên đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc Ngọn đèn đứng gác rất thành công: “Trên đường ta đi đánh giặc/ Dù về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu…”.
Năm 1968, tình cờ Hoàng Hiệp bắt gặp một bài thơ của Dương Hương Ly nói về những bà mẹ miền Nam đêm đêm đào hầm để che giấu bộ đội giải phóng: “Mẹ đào hầm từ lúc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh…”. Ông rất xúc động, nhanh chóng hoàn thành việc phổ nhạc bài thơ này để thành ca khúc Đất quê ta mênh mông, giai điệu tha thiết gợi lên hình ảnh những bà mẹ anh hùng.
Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, có một nhà thơ trẻ mặc áo lính cho ra đời một loạt bài thơ viết tại chiến trường rất nổi tiếng. Đó là Phạm Tiến Duật. Hoàng Hiệp rất tâm đắc những tác phẩm nóng bỏng của nhà thơ này và trong năm 1971, ông đã chọn bài thơ để phổ nhạc thành các ca khúc Qua cầu Tùng Cốc, Nghe hò đêm bốc vác, Tiểu đội xe không kính và nhất là bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây nổi tiếng. Với giai điệu mượt mà, tình cảm nhưng bài hát vẫn thể hiện tính chiến đấu kiên cường: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây… Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến/ Như tình yêu nối lời vô tận…”.
Năm 1975, Hoàng Hiệp lại có một loạt sáng tác kết hợp với thơ khá thành công. Trước hết phải kể đến bài Lá đỏ phổ thơ Nguyễn Đình Thi được quần chúng yêu thích, nhất là giới trẻ: “Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đổ/Em đứng bên đường như quê hương/Vai áo bạc quàng súng trường…”. Năm 1976, Hoàng Hiệp lại phổ bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương thành một ca khúc tuyệt vời thể hiện tình cảm nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát… Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền…”. Có thể nói đây là một trong những ca khúc viết về Bác hay nhất từ trước đến nay.
Kế tiếp, Hoàng Hiệp lại phổ nhạc các bài thơ của Diệp Minh Tuyền, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Giang, Võ Quê, Trần Mạnh Hảo, Lê Thị Kim, Thân Thị Ngọc Quế… để hình thành một loạt tình khúc khá phù hợp với giới trẻ.
Hoàng Hiệp còn dành cảm xúc, tình yêu thương cho các em thiếu nhi qua hai bài hát nổi tiếng. Sau ngày giải phóng ít lâu, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tổ chức nhóm “Dây leo xanh” gồm mấy chục em thiếu nhi TPHCM hàng tuần tập tành ca hát ở trụ sở Hội Văn nghệ. Một ngày năm 1980, Hoàng Hiệp đưa cho ông một bài hát thiếu nhi mới sáng tác nhan đề Nghĩ về cô giáo em, ca từ dựa theo thơ của Khánh Chi. Giai điệu tươi vui, tình cảm thể hiện lòng biết ơn chân thành của các em học sinh đối với cô giáo đã tận tình dạy dỗ các em. Thế là bài hát được nhóm “Dây leo xanh” tập luyện thành tiết mục tốp ca để đưa vào một chương trình ca nhạc thiếu nhi “Bông hoa nhỏ” nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Sau thành công của bài hát thiếu nhi này, năm sau - 1981 - nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết tiếp bài Hôm nay mẹ trực đêm, ca từ dựa theo thơ của Lê Bá Diễm Chi: “Hôm nay mẹ trực đêm bữa cơm chiều ăn vội? Đèn đường chưa kịp lên mẹ đã ra đi rồi/ Cơn mưa nặng hạt rơi, chớp bên ngoài sáng rực/ Con lo mẹ tới nơi hay còn đang giữa trời...”. Khác với bài hát năm trước sáng tác cho tốp ca, bài này Hoàng Hiệp viết cho đơn ca với tính cách tha thiết, thương cảm. Và một em gái trong nhóm “Dây leo xanh” có giọng hát thể hiện đúng tính cách này được chọn biểu diễn trong chương trình “Bông hoa nhỏ” nhân dịp kỷ niệm “Ngày 8-3” trên truyền hình và đài phát thanh. Tuy viết cho thiếu nhi chỉ có hai bài nhạc phổ thơ nhưng cả hai đều thành công.
Trương Vân Tiên
Nguồn: sggp.org.vn
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ

"Trăm năm một thuở": Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân,...