Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Bước ngoặt đường đời

Bước ngoặt đường đời
Tôi lần tìm về thăm khu trang trại của anh Nguyễn Văn Nguyên ở khu vực Hát Sản thuộc phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng. Là vùng đất thuộc thành phố mà phải đi gần chục cây số men theo bờ sông Bằng Giang tôi mới tới trang trại của anh. Cơ ngơi là một căn nhà xây ba gian nằm giữa vườn cây vải thiều đang mùa quả chín với không gian thật khoáng đạt, phong cảnh thật sơn thủy hữu tình. Cô Lê Thị Dung, vợ của Nguyên đang cùng vài người bốc xếp những thùng quả vải chín mọng lên xe để mang đi giao. Thấy tôi, Dung gọi với cho Nguyên:
- Anh ơi! có khách nè. Hôm nay anh ở nhà để em khác đi chợ được rồi.
Thấy có khách, Nguyên vồn vã:
-  Anh đấy à ! Lên nhà đi, để em giúp Dung xếp nốt hàng  đi chợ.
Nguyên giúp Dung xếp nốt số hoa quả gọn gàng lên xe rồi mới  đến máng nước rửa tay.
- Anh xem em đã giống nông dân thực sự chưa? Vất vả lắm, nhưng có được sản phẩm từ bàn tay lao động của mình làm ra cũng vui anh ạ.
Vừa pha chè, Nguyên vừa lan man kể về chuyện anh quyết định khai hoang rừng để lập khu trang trại rồi dẫn tôi đi thăm vườn của mình. Đi giữa bạt ngàn các loại cây ăn quả như trám, nhãn, xoài, vải thiều, chanh, cam, quýt,  mỗi loại cây một lô riêng biệt. Những loại cây như chuối, chanh, vải thiều, nhãn đã cho sản phẩm mười năm nay. Thấy Nguyên say sưa kể về quá trình xây dựng khu trang trại này, tôi thầm nghĩ: Nếu lần đầu gặp anh, hẳn ít ai nghĩ rằng cách đây gần hai chục năm Nguyên chính là chủ nhân của nhà hàng Như Quỳnh đầy tai tiếng về  chứa gái mại dâm ở thị xã Cao Bằng.
Ngược dòng thời gian cách đây hai chục năm, người dân thị xã Cao Bằng hẳn ai cũng biết tụ điểm mại dâm có quy mô lớn nhất, đó là nhà hàng Như Quỳnh. Với một tòa nhà khá khang trang nằm ven quốc lộ 3 cách trung tâm thị xã chừng hơn cây số. Tại đây, lúc cao điểm có tới gần chục nữ tiếp viên trẻ luôn sẵn sàng phục vụ các quý ông từ A đến Z. Vào một ngày giữa tháng 5 năm 1995, lực lượng cảnh sát hình sự tỉnh Cao Bằng đã bất ngờ tấn công và bắt quả tang hành vi chứa gái mại dâm của chủ nhà hàng Nguyễn Văn Nguyên. Chỉ một thời gian sau, vụ án nhà hàng Như Quỳnh được đưa ra xét xử. Nguyễn Văn Nguyên bị kết án 5 năm tù cùng vợ là Lê Thị Dung bị kết án 2 năm. Biết vợ chồng Nguyên  cũng chỉ là nạn nhân mơ ước làm giàu bị ảnh hưởng mặt trái nền kinh tế thị trường, thêm vào đó, anh chị đều biết ăn năn hối cải về lỗi lầm của mình và hứa quyết tâm cải tạo tốt nên ban lãnh đạo trại tạm giam đã đề nghị cho cả hai người được ở lại lao động phục vụ trại, tạo môi trường cho hai người làm lại cuộc đời. Những ngày ở trại tạm giam Khuổi Tào, lúc nào Nguyên được gặp vợ, hai người lại động viên an ủi nhau cố gắng cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng.


Giấc mộng làm giàu từ nghề kinh doanh thân xác phụ nữ của Nguyên hoàn toàn tan vỡ. Anh đã phải trả giá đắt cho những tính toán sai lầm của mình. Cuộc sống trong trại giam đã giúp anh hiểu thêm nhiều điều thấm thía: Một ngày được sống tự do, quý giá biết nhường nào. Xót thương cho số phận của mình đã đành, điều mà Nguyên lo lắng nhiều là con cái sẽ sống và học hành ra sao khi mà bố mẹ của chúng đều nằm trong trại. Từ cuộc sống ăn trắng mặc trơn đến với cuộc sống cùng cực, Nguyên đã khủng hoảng tinh thần thực sự. Những đêm dài không ngủ để suy nghĩ về những ân hận muộn màng, Nguyên đã để lại phía sau một quá khứ với nhiều kỷ niệm đẹp: Sinh ra và lớn lên ở phố huyện Nguyên Bình, anh đã được học hành tử tế. Năm 1973, Nguyên vào bộ đội khi vừa tròn 20 tuổi. Đã từng hành quân trên những nẻo đường Trường Sơn. Năm 1980 được phục viên về làm ở ngành lương thực, sau đó chuyển sang làm ở xí nghiệp may Đồi Mát. Cuộc sống khó khăn của thời bao cấp đã buộc Nguyên tự tìm cho mình con đương sống, thế là anh xin thôi việc để về nhà tính toán chuyện kinh doanh. Nguyên là người ham học hỏi, quan hệ rộng và hào phóng nên luôn đươc nhiều lời khuyên từ phía bạn bè. Có căn hộ mặt đường, Nguyên đã nảy sinh ý định kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng bạn bè lại khuyên anh nên kinh doanh hàng  ăn uống lãi chắc hơn, vậy là anh nghe theo. Khách đến ăn lại khuyên anh nên có thêm nhiều dịch vụ khác, anh cũng thấy có lý. Có người lại bày cho anh phát triển dịch vụ phục vụ khách phải từ A đến Z, anh lưỡng lự, nhưng cũng thử làm xem sao, kinh tế thị trường mà. Thấy kinh doanh kiểu này cũng được, Nguyên đã mạnh dạn tuyển thêm những nữ tiếp viên trẻ, đẹp và cuối cùng kiểu suy nghĩ nhẹ dạ đã đưa anh đến kết cục bi thảm nhất của cuộc đời. Những ngày vợ chồng Nguyên phải thụ hình cải tạo thì Như Quỳnh, cô con gái lớn nết na, giàu nghị lực phải về ở với cậu Tiến, còn cháu Hiếu và Hiền phải sống bên ngoại ở Trùng Khánh để tiếp tục học hành. Thương các con, Nguyên chỉ còn cách duy nhất là cố cải tạo thật tốt để mong có ngày được giảm án. Những ngày trong trại giam, Nguyên luôn được những cán bộ quản giáo giàu lương tâm và trách nhiệm động viên an ủi anh vững tin vào tương lai. Và cũng từ đó anh đã nhen nhóm cho mình ước mơ làm lại cuộc đời.
Trong trại giam, những người biết ăn năn hối cải, có nỗ lực cải tạo tốt đều có phần thưởng xứng đáng. Thành tích trong cải tạo của Lê Thị Dung đã được ban giám thị trại ghi nhận và phần thưởng là được giảm mức án từ 2 năm xuống chỉ còn 1 năm. Được trả tự do, nhưng trước mặt Dung đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Căn nhà đã bị ngân hàng phát mại bán cho chủ khác. Hoàn cảnh đã buộc Dung phải đi làm thuê ở tận Thái Nguyên để kiếm tiền nuôi con ăn học. Cuối năm 1998, Nguyên được hội đồng ân xá cho ra trại với mức giảm án 1 năm 6 tháng. Bước chân ra ngoài đời sau hơn 3 năm trong trại giam, Nguyên choáng ngợp trước sự thay đổi nhanh chóng của quê hương, anh có cảm giác như mình đang chập chững với những bước đi đầu tiên. Vừa lạ lẫm, vừa mặc cảm với chính mình, anh cảm thấy lo lắng cho những bước đi trên chặng đường sắp tới để làm sao không lặp lại những tính toán sai lầm. Trong lúc gia đình đang trong cảnh “xẻ đàn tan nghé”, chưa biết mình sẽ làm lại cuộc đời bằng cách nào thì cậu Tiến là em ruột Dung đã chỉ cho anh một hướng đi: “ Anh hãy vào khu rừng nhà em ở Hát Sản mà sinh cơ lập nghiệp”. Miệng nói, tay làm, Tiến bỏ tiền ra mua lá cọ mang vào rừng giúp Nguyên dựng lán.
Đêm đầu tiên nằm ở lán giữa rừng hoang vắng, Nguyên  không sao chợp mắt được, anh cảm thấy buồn, cô đơn pha chút lo sợ. Hồi ở bộ đội cũng đã từng có những đêm nằm bên xác đồng đội, vậy mà đêm giữa rừng anh laị sợ nỗi cô đơn. Những đêm tiếp theo, Nguyên đặt đầu là thiếp đi vì ban ngày phải lao động mệt nhọc nhưng mỗi lần thức giấc, nỗi cô đơn lại ập về dày vò tâm trí làm anh thao thức.Trong ánh đèn dầu leo lét, đã có lúc Nguyên cảm thấy mình tuyệt vọng. Công việc khai phá rừng làm vườn thật nặng nhọc mà nguồn lợi đem lại đâu phải trong ngày một ngày hai. Thêm vào đó là nguồn vốn đầu tư đâu phải ít.
Những lúc như vậy trong anh lại chợt lóe lên suy nghĩ: hãy trở về nơi đô thị phồn hoa để thuê một ki ốt buôn bán, cuộc sống sẽ nhàn nhã và kiếm đồng tiền dễ hơn. Rồi anh lại lo lắng nhỡ có lúc nào đó không kiềm chế được lòng tham  lại đi vào con đường phạm pháp. Bám lấy vùng đất hoang này ư ? Tiềm năng thì nhiều nhưng vốn đầu tư không có. Hôm ra trại, cả hai bên nội, ngoại và bạn bè chỉ gom góp được cho anh 1,8 triệu đồng. Suy nghĩ nhiều nhưng cuối cùng anh quyết định thử sức mình: quyết bám rừng mà xây dựng cho mình một cuộc sống chân chính. Việc đầu tiên là anh phát rừng, rồi đi mua rau lang giống về trồng. Nghe bạn bè mách bảo, anh lên trung tâm giống ở Vò Đạo mua được 400 cây chuối cấy mô về trồng để thực hiện kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”. Giữa lúc Nguyên đang tập trung mọi sức lực của mình cho việc làm vườn thì Hội nông dân thị xã Cao Bằng tổ chức vận động nhân dân có đất tham gia trồng cây gây rừng theo dự án PAM. Được anh Sĩ, chủ tịch xã Duyệt Trung và chị Việt, cán bộ chương trình PAM động viên, anh đăng ký tham gia trồng 6 héc ta rừng. Vậy là từ dự án trồng rừng, anh đã được hỗ trợ trong 3 năm với mức mỗi năm 1 tấn gạo, số lương thực này đủ nuôi sống cả nhà. Có nguồn lương thực ổn định, năm 2000 Nguyên quyết định đón vợ về xum họp để chung sức thực hiện dự án trồng rừng và mở rộng diện tích trồng vườn cây ăn quả. Vợ Nguyên vốn là phụ nữ phúc hậu, hay lam, hay làm đã không quản sớm, trưa, chăm sóc cho vườn cây. Hai cháu Quỳnh và Hiếu cũng biết thương cha mẹ, tối thắp đèn đi cắt rau lang để sáng sớm hôm sau mẹ đi chợ. Có tiền gom góp được, Nguyên lại đầu tư nuôi hai con lợn nái, mỗi lứa lợn cũng cho anh thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng. Thấy Nguyên đầu tư có hiệu quả 11 héc ta đất rừng, ban quản lý dự án PAM của thị xã Cao Bằng đã quyết định cho anh làm một con đường dài 2 cây số vào khu vực Hát Sản với giá trị tương đương 13 tấn gạo. Phấn khởi trước sự quan tâm từ phía nhà nước, Nguyên hăm hở đi thuê máy, thuê nhân công mở đường. Vậy là chỉ một thời gian ngắn với số tiền ít ỏi, người dân  Hát Sản đã có một con đường dân sinh để đi lại thuận tiện. Vợ chồng Nguyên bàn với nhau quyết định vay tiền xây nhà để gắn trách nhiệm cao hơn với nghề làm kinh tế vườn.
Thấy Nguyên cần cù, chăm chỉ và say mê với nghề làm vườn, có người cháu gọi Nguyên bằng cậu rủ đi tham quan cách trồng và chăm sóc vải thiều ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nguyên gom góp được 2 triệu đồng, hai cậu cháu cùng đi tận Bắc Giang để học kinh nghiệm trồng vải. Đến Lục Ngạn, anh thấy đất ở đây xấu hơn đất rừng nhà mình nhưng họ có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, ở những nơi đất có độ dốc họ đều áp dụng chống trôi màu bắng cách cắt thành nhiều tầng. Sau chuyến đi ấy, Nguyên đã mua được160 cây giống vải thiều về trồng. Người ngủ mà cây không ngủ, anh nghĩ vậy và tập trung đầu tư chăm sóc vườn cây, chẳng mấy chốc mà vườn cây nhà anh đã lên xanh tốt. Chị Việt, phó chủ tịch hội nông dân thị xã khi đến thăm vườn đã truyền đạt cho kỹ thuật chiết ghép để phát triển vườn và khuyên anh nên mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Thấy chị nói điều hay, lẽ phải, Nguyên lại gom tiền đi tận Chí Linh, Hải Dương mua thêm được 200 cây vải thiều nữa về trồng. Như cảm nhận được vị ngọt của kinh tế vườn. Nguyên bắt đầu say mê thật sự với việc trồng cây ăn quả. Tất cả tiền thu được từ bán sản phẩm như chuối, chanh và sản phẩm chăn nuôi anh gom góp lại, còn thiếu thì vay thêm đầu tư thuê nhân công cắt tầng đất để chống xói mòn, thuê người đào 3 chiếc ao để giữ nguồn nước phục vụ tưới tiêu, ban đêm thì dùng chạy máy phát điện đồng thời cũng để nuôi cá phục vụ cải thiện sinh hoạt. Một khu vườn trên đồi cao mà quy hoạch xây dựng được cả ao, chuồng thì quả là điều hiếm có.

Theo Nguyên leo lên đỉnh đồi cao thoáng gió, ngoảnh lại nhìn xuôi theo triền dốc ven sông Bằng Giang là cả một vạt đồi mênh mông với 5 héc ta vườn rừng trồng theo dự án PAM với đủ các chủng loại cây: Thông, keo, vầu, trúc sào…Còn vườn cây đã cho sản phẩm khá, nhà em phải thuê nhân công thu hái. Đồng bào Mông ở đây họ lao động khỏe, tích cực làm khoán mỗi ngày cũng thu tới vài trăm ngàn”. Ngắt một chùm vải thiều mời tôi, anh vui vẻ:
- Anh biết không, vụ đầu tiên vải thiều cho quả, em hái những chùm quả ngon nhất đem biếu anh Lục Minh Nhậm, giám thị và những cán bộ quản giáo trại tạm giam Khuổi Tào. Vì em nghĩ rằng nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo của các anh ấy thì em mới có ngày hôm nay. Có được thành công hôm nay, em luôn biết ơn các cán bộ, chiến sĩ trại tạm giam Cao Bằng, những ngày em thụ hình cải tạo luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các anh. Có thể nói là lúc nào em cũng coi thời gian ở tù là những ngày tháng học chương trình “ Đại học” về nhân cách sống và làm người lương thiện và sự thật đã chứng minh cho em tạo được bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Anh xem kìa, nhiều chim đã về khu vườn này làm tổ, điều đó báo hiệu rừng đang dần trở lại cân bằng sinh thái.
Theo chiều tay anh chỉ, từng đôi chim chào mào ríu rít đùa trên những cành nhãn xum xuê. Nhìn anh tủm tỉm cười mãn nguyện, tôi hỏi vui:    
- Nếu bây giờ cho anh một điều ước thì anh ước gì.
 Không cần suy nghĩ lâu, anh vui vẻ trả lời:
- Em nghĩ một ngày không xa đây có sẽ là nơi thư giãn cho những ngày nghỉ cuối tuần theo kiểu du lịch sinh thái. Miền Nam có du lịch miệt vườn, ta cũng có thể làm được như họ chứ. Mặt khác, nhà nước còn có thể thực hiện mục tiêu giãn dân vào khu vực này để chăm sóc và bảo vệ rừng. Tôi yêu cuộc sống ở đây, mặc dù hoang vắng nhưng rất bình yên.
Ngắm vườn cây ăn quả và rừng có giá trị tiền tỉ, tôi thầm nghĩ: Khu vườn này mỗi năm có thể thu hàng chục tấn quả. Ngoài ra còn nguồn lợi từ rừng và chăn nuôi. Nguồn sản phẩm có giá trị kinh tế lớn lao ấy sẽ càng có ý nghĩa hơn khi biết rằng Nguyên đã xây dựng và phát triển từ hai bàn tay trắng cộng với ý chí làm giàu chính đáng của một người tù hoàn lương. Điều mà Nguyên trân trọng hơn đó là anh đã có một gia đình hạnh phúc thực sự. Từ nỗ lực của chính mình mà anh đã trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi, được bầu làm ủy viên ủy ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh Cao Bằng. Được chọn là đại biểu  dự đại hội thi đua của tỉnh và là cá nhân điển hình tiên tiến đi dự đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI. Tất cả những gì mà anh có được cũng đủ để tự hào về quá khứ với những chặng đường đời khúc khuỷu, nhưng điều quan trọng là những năm tháng cải tạo được các cán bộ quản giáo giúp anh nhận ra để rèn luyện bản lĩnh làm lại cuộc đời. Điều làm Nguyên vui nữa là ngày càng có nhiều bạn bè đến động viên, khích lệ. Sống giữa tình cảm chan hòa của bạn bè, anh tự xóa dần những mặc cảm để vững tin vào tương lai tươi đẹp. Ai đã một lần đến đây, hẳn sẽ không khỏi tỏ lòng thán phục vợ chồng Nguyên, một điển hình hoàn lương và làm kinh tế giỏi.
Phan Nguyệt
Theo http://vannghecongnhan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...