Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Bước nhảy của chim hồng

Bước nhảy của chim hồng
Buổi ra mắt sách “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ Và Phương Trời Mộng” của tác giả Thích Nguyên Siêu tại San Diego là dịp đồng bào hiện diện được nghe nhắc về Thiền-sư Thích Tuệ Sỹ.
Nhắc về Thầy Tuệ Sỹ không phải chỉ là nhắc về chú điệu Nguyên-Chứng cực kỳ thông minh và hiếu học của gần sáu thập niên trước, không phải chỉ là nhắc về vị giảng sư rất trẻ trên bục giảng các Đại học Phật đường, không phải chỉ là nhắc về một trí tuệ uyên bác làu thông Kinh, Luật, Luận, tư tưởng triết học đông tây, kim cổ, không phải chỉ là nhắc về nhà sư vóc hạc, chân trần, mắt ngời sáng long lanh nhìn thẳng vào sức mạnh bạo quyền không một chút nao núng…
Có lẽ không ai, và không thể, khi nhắc về Thầy Tuệ Sỹ mà tự thể cá nhân người đó có thể phác họa được Chân Dung Tuệ Sỹ một cách tạm đầy đủ. Mỗi người chỉ có thể, bằng cảm nghĩ riêng mình, đứng ở vị thế, môi trường mình mà nhìn Thầy Tuệ Sỹ theo góc cạnh nào đó.
Vì Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là một ông thầy tu, pháp danh Tuệ Sỹ.
Trải qua khúc quanh cực kỳ nghiệt ngã của lịch sử, thầy Tuệ Sỹ đã đồng nghĩa với Lịch Sử, đồng nghĩa với Quê Hương, đồng nghĩa với Dân Tộc. Bước đường Thầy đã, và đang đi không chỉ thể hiện tinh thần Bi Trí Dũng của Đạo Phật mà còn thể hiện Không Khí để con người được thở, Tự Do để con người được sống, Cơm Áo để con người được ấm no. Hình ảnh Thầy cũng đã gắn liền với xương sống Quê Hương là Trường Sơn, mà trên đỉnh núi tuyết đó, vạt áo nhật bình mong manh lồng lộng gió không thể lay động hình hài gầy guộc của tấm lòng Bồ Tát đang đi vào Sinh Tử, đòi hỏi Quyền Làm Người cho người dân Việt Nam.
Thầy Tuệ Sỹ như thế, mà tôi đang ngồi đây, trong am thất nhỏ bé của mình để mạo muội viết đôi nét về Thầy!
Làm sao tôi hiểu biết đủ, để viết về Thầy?
Tất nhiên, tôi cũng chỉ chia xẻ những xúc cảm mà từ một góc độ nào đó, qua hình ảnh Thầy, đã cho tôi niềm xúc cảm. Một góc độ hết sức giới hạn mà thôi.
Trong hội trường buổi ra mắt sách “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” ngoài những trang trí thông thường, còn có một màn ảnh lớn, chiếu hình ảnh sinh hoạt thường nhật của Thầy Tuệ Sỹ ở quê nhà. Đồng bào hiện diện đều rất xúc động khi được nhìn thấy vóc dáng gầy guộc của Thầy quanh quẩn ra vào thư phòng, trầm ngâm bên kệ sách, chăm sóc dăm nhánh hoa hay nghiêm túc trước tăng sinh. Những hình ảnh đó rào rạt trong tôi thành bước nhảy của con chim Hồng.
“Không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc, mà như những đợt nhảy của con chim Hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.”
Có thể không mấy người biết con chim Hồng như thế nào, nhưng đọc đoạn ngắn trên đây, trích từ luận đề “Tánh Không luận là gì?” của Thầy Tuệ Sỹ, hẳn tấm lòng người đọc như có sự nhiệm mầu đang nhẹ nhàng vén tấm màn vô minh mờ ảo, mở ra, mở rộng ra, để cảm nhận bao la từ ái của những cánh bướm làm đẹp cho hoa, của những tiếng ve làm rộn rã nhạc hè, của những con đò đưa người qua sông, của những cơn mưa làm lúa trổ bông, của những cho đi mà không chờ nhận lại …
Nói về những tột cùng sâu thẳm tâm linh, về sự sống còn, thành hoại hoặc ngay cả về bước ngoặt bi thảm của lịch sử, mà bằng Tâm Từ của Thầy, chúng ta cũng chỉ bắt gặp những từ ngữ đơn sơ, đôi khi lại là những hình ảnh thi ca cực kỳ diễm lệ như:
“Sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại những đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng, hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ còn ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên nhiên, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu.”
Đó là tư tưởng Triết Lý Tánh Không được nói bằng ngôn ngữ của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy nói về Tánh Không nhưng có phải chỉ là Tánh Không đâu! Khi “Kiên trì dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu”, thầy Tuệ Sỹ đã dừng lại giữa dòng thác đổ ấy, khi phát nguyện ở lại cùng Quê Hương, cùng Dân Tộc, khi lịch sử quằn quại trong triền thác vô minh. Bồ Tát đã mang Nguyện Lực mà đi vào Nghiệp Lực của chúng sinh, thể hiện những bước nhảy hào sảng của chim Hồng “Nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời”
Khi đọc những bài viết về Triết Học Tánh Không của Thầy Tuệ Sỹ, Thích Phước An đã từng than: “Đọc Triết Học Tánh Không chẳng hiểu gì cả!” thì Thầy Tuệ Sỹ cười, và nói đùa lại rằng: “Tôi là tác giả của nó mà đọc lại còn chưa hiểu, huống gì là ông!”
Tất nhiên, đây chỉ là một cách nói thân mật trong tình huynh đệ giữa hai nhà sư, nhưng chính câu đối thoại thân thương này lại vô tình hiển lộ nét đa dạng hài hòa kỳ diệu nơi Thầy Tuệ Sỹ.
Triết Học Tánh Không, tự nó, đã tiềm ẩn những dị, đồng, cực kỳ vi tế khi Ngài Long Thọ, nhà hiền triết lỗi lạc của Ấn Độ từ mười tám thế kỷ qua, đã coi phương tiện và cứu cánh là một.
Bước vào thế giới của triết học khô khan và rối bời “Chính mâu thuẫn đã phối trí thành một trật tự mạch lạc để cho mâu thuẫn là mâu thuẫn. Tức là, mâu thuẫn chỉ được thừa nhận là mâu thuẫn thực sự khi người ta có thể tìm được mạch lạc của nó trong một trật tự nào đó. Bởi vì, nếu không có sự mạch lạc giữa những mâu thuẫn và không mâu thuẫn, làm thế nào ta nhận biết đó là mâu thuẫn?” (*), thầy vẫn có thể dẫn chúng ta tìm đến khu rừng già bí hiểm bằng những lối đi quang đãng, tươi mát hơn “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn”.
Con bướm mùa hè hay bước nhảy của chim Hồng mà Thầy dẫn chứng như triết lý của “những đời sống trong băng lạnh và trong núi cao” mà triết gia Nietzsche đã từng nói. Những đời sống đã vượt khỏi sự chi phối của định luật vô thường thì dù đời thường đón nhận thế nào, tự thân những đời sống đó chỉ là Tự Tại, là Thong Dong, là Cô Liêu, là Lững Thững:
“Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa!” (**)
Nếu đi tìm “Sự mâu thuẫn trong mạch lạc” thì khô khan và rắc rối biết bao, trong khi, bằng thi ca thơ mộng, hãy thử nhìn triết-gia-Tuệ-Sỹ qua hình ảnh nhà-thơ-Tuệ-Sỹ thì “sự mâu thuẫn trong mạch lạc” này sẽ mạch lạc vô cùng! Sao kể chuyện cũ xa xưa mà người phải “đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng?” Phải chăng, đây là “Khi nói về cái Có thì nói trong sự bao dung của cái Không; Khi nói về cái Không thì nói trong sự bao dung của cái Có” (*) nên lòng sông này chẳng phải lòng sông nước chảy mà là lòng sông lịch sử. Ở lòng sông lịch sử này, người mới kể chuyện ngày xưa Giác Ngộ cho ngày nay vô minh được nghe. Và con bướm nhỏ, với đôi cánh mỏng vẫn thầm lặng, thanh thản đi, về nên chiếc lá, tưởng là bâng khuâng chốn về nhưng thật ra, lá đã biết đường về từ lúc chưa rơi.
Tôi bỗng nhìn ra Triết Học Tánh Không khó nhai khó nuốt, bàng bạc ngay ở những áng thơ óng mượt này. Cứ chủ quan cho như thế để phấn khởi, tiếp tục men theo nhà thơ Tuệ Sỹ mà tìm triết gia Tuệ-Sỹ:
“Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài
Xót xa đời lữ khách
Mệnh yểu thế mà hay!” (**)
A! Trong bốn câu thơ năm chữ này có đủ cả vui, buồn, thân phận, tử, sinh, nhưng chấm dứt với hai chữ “mà hay” đã biến dạng toàn bộ những chi phối của định luật vô thường. “Mà hay”, như cánh hạc vút lên cao, ra khỏi tầng mây xám để không cơn mưa nào làm ướt được đôi cánh, như Thiền-sư Thõng Tay Vào Chợ trong Thập Mục Ngưu đồ “Lưng trần, chân đất, chợ người. Cát lầm bụi vẩn, ta cười say sưa. Thần tiên bí quyết cũng thừa. Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng” (**). Cho nên, dù những gì Thầy đang nói, có vẻ như có sự hiện hữu của tự ngã, có tôi trầm mặc, xót xa, mệnh yểu nhưng tất cả những cái Có đó lại lồng vào cái Không trong hai chữ “Mà hay!”, thể hiện tinh thần Bát Nhã “Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị” nên cái Không đã phủ trùm lên cái Có, khiến các triết gia luận về Tánh Không phải nhận rằng: “Khi truy nhận về một tập hợp sắc, mà tập hợp ấy lại không có các phần tử cực vi hội tụ lại, thì tập hợp ấy há không phải là một tập hợp trống không? Và như vậy, cái Không vẫn có thể hiện diện như là đối tượng của nhận thức” (*)
Trong những kỷ niệm Thầy Nguyên Siêu ghi lại về những ngày đầu của lớp học chuyên khoa dưới mái Phật Học Viện Hải Đức, Nha Trang, cả Viện đã háo hức, xôn xao chờ đợi khi được tin Thầy Tuệ Sỹ sẽ từ Sài Gòn ra đảm nhận lớp học.
Thầy Nguyên Siêu chia sẻ: “Lần đầu tiên nghe Thầy giảng sao mà khó hiểu quá! Có lẽ chưa quen hay trình độ mình quá kém chăng? Chắc là cả hai!”
Tăng sinh ngỡ ngàng trước những danh từ Triết học mới lạ khi Thầy thao thao bất tuyệt giảng Triết học Tây phương qua tư tưởng của các triết gia Henry Miller, Jean Paul Sartre, Platon…; rồi lại sửng sốt ngưỡng phục khi Thầy hào sảng đọc những bài Đường thi của các danh nhân Lý Bạch, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha … khi giảng về triết học Đông phương; và tận dụng sự chú tâm khi Thầy dạy Tam Tạng giáo điển, Kinh, Luật, Luận …
Sự ngỡ ngàng của Tăng sinh khi mới tiếp nhận cách chỉ dạy của Thầy chỉ là giai đoạn đầu, vì với tấm lòng thiết tha trao truyền kiến thức cho hàng hậu duệ, Thầy Tuệ Sỹ tất tìm ra phương thức thích hợp nhất để học trò lãnh hội được bài học, nên thầy Nguyên Siêu lại chia xẻ: “Suốt bốn năm Trung đẳng, từ 1970-1974, ngày hai buổi đều đặn cắp sách đến lớp học, Thầy trò chẳng rời nhau. Thời gian bốn năm tuy không dài nhưng anh em đã học được rất nhiều nơi Thầy, từ sự tu tập bản thân đến kiến thức trên nhiều lãnh vực.”
Tất cả tài năng, trí tuệ, cùng tấm lòng Từ Bi vô lượng, Thầy Tuệ Sỹ đã cung hiến trọn vẹn cho Đạo và Đời, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không từ nan, như cánh chim Hồng lồng lộng, miệt mài bước nhảy hằn dấu chân in vạn nẻo, cuối cùng, bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.
Trí tuệ tuyệt luân đã đạt tới tận cùng cái Không: “Không có trí, không có đắc, không có chứng. Bởi vì Vô Đắc”
(*) Tánh Không Luận - Thích Tuệ Sỹ 
(**) Thơ Thích Tuệ Sỹ.
Mùa thu lá đỏ
Huệ Trân 
Theo https://hoavouu.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...