Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Dòng sông hoài niệm

Dòng sông hoài niệm
Đã có nhiều bài viết chứa chan cảm xúc về con sông Bằng Giang, dòng sông mà tôi và bạn mình những kẻ xa quê, mỗi lần hẹn gặp nhau nơi xứ người, trong muôn chuyện vẫn thường dành cho sông những tâm tình, kỷ niệm một thời xa ngái, nay con nước ấy vẫn cần mẫn thao thiết chảy vào nỗi nhớ khôn nguôi. Mỗi lần nhắc lại bồi hồi thương nhớ. Sông Bằng Giang, cái tên đã trở thành nguồn cảm hứng cho những thơ, nhạc, mỹ thuật và cả những tác phẩm văn xuôi ra đời như tấm lòng hiếu thảo ân nghĩa bao người.
Một khúc Bằng Giang trôi trong ráng chiều được ghi vào máy ảnh, một phác họa dáng hình, sắc màu con nước soi bóng mây trời, một câu thơ chứa chan hoài niệm của thi sỹ đã nói thay nỗi lòng bao người. Mỗi tâm tình ấy đều như châu ngọc, đều như vàng son lung linh nắng tỏa. Này đây, sông hiền hòa đẹp đến mê đắm như sinh ra từ cổ tích. Hẳn là thế rồi, bởi dáng hình, sắc màu ấy có lẽ tương sinh với đất trời Mục Mã tự thủa hồng hoang, được mẹ tự nhiên xắp đặt, tô điểm, giờ chỉ đợi khoảnh khắc rung động trong lòng nghệ sỹ, chọn lấy những tinh túy, giản dị, gần gũi trước là để thỏa nỗi lòng riêng, sau sẻ chia với người, để chiêm ngưỡng, đồng cảm mà nuôi dưỡng tình với sông không bao giờ nhạt phai.
Sông mộng mơ và lãng mạn nhường nào. Này là câu chuyện viết về đôi lứa buổi đầu hò hẹn bên sông như nhắc rằng, thủa ấy tóc xanh, em môi thắm má hồng, ta vụng về hồi hộp, và ngờ nghệch nữa. Chuyện tưởng đã xa, xa lắm nay đọc trên báo, nghe trên đài, nhẩn nha trong trang sách thấy từa tựa mình, như thể kể ta nghe chuyện của riêng ta ngày xưa vậy. Người viết sao tài! Ngày đó ở đâu, có cùng thời mà rõ chuyện đến vậy? Đưa ta về với tuổi thơ ta, với tình người và non nước một thời. Chưa hẳn đâu, ai từng gắn bó với Bằng Giang cũng sẽ mang trong mình những kỷ niệm lưu luyến vô cùng.
Tình đôi lứa mỗi người một riêng, nhưng tình sông nước đều chung một nỗi. Là cái chung tình vậy. Cái chung tình bền bỉ lòng người phải kể tới những bài ca viết về sông. Bằng Giang bao lần vang trong khúc hát không thể nhớ! Chỉ biết, đã có nhiều nhạc sỹ lấy sông làm cảm hứng tự tình. Tự tình thôi, bởi khi những âm điệu đầu tiên cất lên chỉ mục đích thỏa lòng, vậy mà tiếng ca ấy đã bước ra trang giấy, đi vào cuộc đời, lay động tâm hồn bao thế hệ. Lúc thầm thì, lúc ngân nga gửi gắm yêu thương của bao lớp người sinh ra, lớn lên trên đất Mục Mã. Nghe trong khúc ca có tiếng cá quẫy mình, tiếng sào khua đáy sông, con mảng dáng khèn bè lướt trên dòng xanh ngọc ngậm ánh chiều.
Khoảng những năm 1960 đến 1970 của thế kỷ trước nhiều người còn nhớ ca khúc: “Hoa nở bên sông Bằng” của nhạc sỹ Trương Vĩnh. Ca khúc gợi kỷ niệm bao lớp người. Thỉnh thoảng nghe đâu đó vang lên tiếng hát, lại nhắc nhớ thị xã một thời nhỏ xinh, thưa vắng bóng người. Nhớ buổi hoàng hôn tím dần sau dãy Lam Sơn, chợt nghe giọng ca nữ da diết cất lên trên loa truyền thanh thị xã: “Rực rỡ đôi bờ, Bằng Giang bốn mùa hoa nở, sương mai long lanh, cánh đỏ nhụy vàng…”. Tiếng hát của thời đạn bom lan trên mặt nước lấp loáng ánh đèn, theo bước chân ai sau một ngày lam lũ trở về ngõ nhỏ. Những con ngõ lọt giữa những tường rêu, lối đi ẩm ướt điểm khóm chua me, cúc dại tím, vàng. Ngõ của những Vườn Cam, phố Cũ, những Nước Giáp, phố Thầu, những Tân An, Thanh Sơn, Tam Trung, Nà Cạn, Nà Gà. Lời ca ấy, tiếng ca ấy tận bây giờ vẫn ngân thiết tha, nhắc nhớ thời nghèo khó mà đầm ấm thanh bình. Người bên nhau thân ái nghĩa tình. Rộng lòng chia sẻ buồn vui. Biếu nhau bát canh, mớ rau qua hàng rào râm bụt. Nay sao không còn nghe mấy ai hát? Lẽ nào không còn hợp thời? Sao có thể chứ? Những điều hay lẽ tốt có ích với người sẽ là thứ không có tuổi. Giá trị của nó, số phận của nó sẽ còn mãi với thời gian, còn mãi trong tâm tưởng những người biết yêu và chân trọng cái đẹp. Bởi cái đẹp luôn nâng đỡ con người, giúp con người ta sống mà không quên trân quý vạn vật, từ đó biết chấp nhận và tha thứ, để được làm người tử tế hơn. Mơ một giấc mơ, ngày nào đó bài hát lại trở về.
Nhắc đến những bài ca viết về vùng đất quê nhà, tôi nhớ một kỷ niệm. Vào cuối năm 1999, tôi được Nhà xuất bản Quân đội mời dự trại sáng tác tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Cùng dự có nhiều nhà văn, nhà thơ các tỉnh, thành phố. Trong một chiều sắp kết thúc trại, viết gần xong cuốn tiểu thuyết “Hoa mận đỏ” (tiểu thuyết sau được dựng thành phim Khỏa nước sông Quy), tôi tự cho mình tạm nghỉ ngơi, thả bộ dọc bờ biển. Đang lững thững chợt nghe phía sau có ai hỏi. Quay lại, nhận ra nhà văn Nam Hà, nguyên đại tá quân đội, cùng tham gia trại viết lần này. Những năm chiến tranh ác liệt nhà văn Nam Hà từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, Đông Nam bộ, rồi sau về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông nổi tiếng với các tiểu thuyết “Đất miền Đông”, “Trong vùng tam giác sắt”… và tập thơ “Khi Tổ quốc gọi lên đường”, bài thơ lấy tên cho tập thơ đó có câu thơ nổi tiếng ai cũng nhớ: “Đất nước của những người con gái, con trai đẹp như những bông hồng cứng hơn sắt thép…”. Tôi đã nghe tên  và ngưỡng mộ ông từ lâu. Ông là người ít nói. Vẻ từng trải, dạn dày bom đạn dường như vẫn nguyên trên khuôn mặt cương nghị. Ông khẽ hỏi: Sơn ở Cao Bằng à? Tiểu thuyết em viết sắp xong chưa? Rồi khuyên, em đừng hút thuốc lá nhiều, hại sức khỏe lắm. Tôi cảm động trước sự quan tâm của người lính già. Ánh mắt ông xa xăm, mình có kỷ niệm với Cao Bằng. Rồi ông kể, năm 1950 khi mới 15 tuổi ông đã tình nguyện nhập ngũ, và vinh dự được tham gia chiến dịch Biên giới. Những ngày đầu Cao Bằng giải phóng, một chiều bên sông Bằng, tâm hồn người lính trẻ chợt rung động trước vẻ đẹp mộng mơ của con nước. Trong hoa nắng lung linh, ông chợt thấy bóng một thiếu nữ áo màu chàm, trên vai quẩy đôi thùng gỗ, dáng đi mềm mại đang bước từng bước xuống bến sông gánh nước. Thấy có người đứng nhìn, má nàng ửng đỏ, khẽ nghiêng đầu cười e lệ. Bóng áo chàm vừa mới đó đã lại khuất dần sau rặng cây. Ông đứng ngây như đang giấc mơ tiên. Ánh mắt, nụ cười ấy đã theo ông suốt những năm tháng trận mạc. Tên nàng là gì, nhà ở đâu trong thị xã nghèo vắng này tận bây giờ vẫn chưa hay? Nhưng tình thì đã sâu nặng mất rồi. Lạ chưa! Chỉ một thoáng xanh chàm mà ám ảnh cuộc đời. Mỗi khi nhớ lòng lại ngân khúc u hoài. Ông bảo, lúc ấy chợt đâu đó vọng đến tiếng ai hát. Bài hát  lần đầu tiên được nghe như tiếng lòng ngân trên sông nhuộm ánh chiều. Lời ca mộc mạc, sâu lắng mà như mang cả tâm hồn và tình người phố núi. Bài ca ấy giờ vẫn in sâu trong lòng. Mình hát Sơn nghe. Ông khẽ hát, giọng đã chùng, có phần đuối hơi do tuổi tác nhưng lời rõ và cảm xúc dâng tràn: “Chiều Cao Bằng kìa núi lam xa mờ, cây xanh biếc trong nắng vàng, chiều Cao Bằng bóng áo chàm khuất sau bóng núi đồi gió heo hút. Ôi lòng xao xuyến tình, núi sông đều như ấm ngày thanh bình…”.
Tôi không khỏi ngạc nhiên về trí nhớ của ông. Đã hơn nửa thế kỷ, vậy mà người Cao Bằng mấy ai còn nhớ. Lòng thật vui khi nghe một người không phải công dân đất mình lại nhớ và hát trọn vẹn ca khúc. Tôi bảo, đó là bài “Chiều Cao Bằng” của nhạc sỹ Văn Đức, viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thế hệ chúng tôi về trước một vài người vẫn nhớ, có người nhớ cả bài, có người lõm bõm đôi ba câu, nhưng nay thì không còn nghe mấy ai hát nữa. Trong những ca khúc viết về Cao Bằng đây là một bài hay. Họa hoằn được nghe ai đó hát lại, như hiện lên cả giai đoạn lịch sử của một vùng núi biếc, sông xanh. Tôi nghe có tiếng thở dài kín đáo. Nhà văn nhìn ra biển, thì thầm như thể riêng cho mình nghe… đã đi nhiều và đến nhiều nơi nhưng chưa thấy đâu đẹp như Cao Bằng. Mảnh đất không chỉ có những di tích lịch sử Cách mạng quan trọng bậc nhất, mà còn rất nhiều cảnh đẹp thần tiên. Sông Bằng Giang là vẻ đẹp thần tiên đó. Khúc ca “Chiều Cao Bằng” là vẻ đẹp thần tiên trong tâm hồn. Bài hát không chỉ lưu giữ quá khứ hào hùng, mà còn lãng mạn, trầm lắng, yêu thương đậm cốt cách con người xứ sở. Đó là vẻ đẹp bên trong, một vẻ đẹp không thể cầm nắm, nhưng cần phải được lưu giữ như một báu vật, đừng bao giờ để rơi vào quên lãng.
Sau rồi, tôi biết đôi lần nhà văn Nam Hà đã trở lại Cao Bằng, và một mình lặng lẽ tìm về bến sông xưa. Hy vọng một lần được gặp lại bóng giai nhân. Nhưng thời gian đã hơn nửa thế kỷ. Ngày xưa kia chỉ còn trong ký ức. Giai nhân giờ nếu còn nét hoa xuân có lẽ đã phai, hoặc biết đâu đã hóa người thiên cổ. Nhưng ông vẫn nuôi trong lòng cảm xúc một thời, cảm xúc ấy giúp lòng ông ấm áp, nhiều trang viết có ích hơn với cuộc đời.
Những chuyện về sông của những kẻ xa xứ cứ như thể không có hồi kết. Chuyện nọ nối chuyện kia, có lúc rơi vào im lặng. Rồi ai đó thầm thì, Bằng Giang là “dòng sông ký ức” của chúng mình. Là thật vậy. Đó là nơi luôn dạt dào hoài niệm.  Dòng xanh trôi hiền hòa ấy cũng có lúc trỗi mình như thoáng giận dỗi của tình yêu lứa đôi khi mỗi độ lũ về. Nhưng lắng sâu ký ức vẫn dáng lụa mềm như thiếu nữ đương thì gắn với tuổi thơ, gắn với bạn bè, với thủa nhú nhí tình nụ. Nay đâu vắng cả, tận phương trời nào, có còn nhớ hay đã quên người xưa ta ơi?
Sông cũng có khi in sâu ký ức những phận đời xê dịch, xê dịch tận miền non nước Cao Bằng. Cái người dưng ấy hẳn khách phương xa, là người lính đồng bằng đồn trú biên viễn, là anh địa chất, là các thầy cô giáo đem chữ lên vùng cao ươm trồng, là ai đó trong hành trình mưu sinh vất vả với miếng cơm, manh áo…  một ngày dừng bên con nước, chợt động lòng trước dáng hình sông núi đẹp tựa tranh thủy mặc, rồi sinh tình với sông, sinh tình với thiếu nữ áo chàm trong suy tưởng. Cái nỗi ấy còn cao hơn, lớn hơn cả tình yêu thông thường, cứ lưu luyến, lưu luyến khiến bước chân kẻ viễn xứ không muốn rời.
Cuối năm 1991 có một câu chuyện nữa không thể quên. Tôi có người bạn văn Tạ Duy Anh cùng học trường Viết văn Nguyễn Du, đem lòng yêu cô gái dân tộc Tày Chu Thị Nga người Nà Pế, Duyệt Chung thị xã Cao Bằng. Ngày hai người tổ chức lễ cưới tôi được bạn mời cùng về dự. Trưởng đoàn nhà trai đi đón dâu là Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, Hiệu phó nhà trường, người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên Hà Nội với các bài giảng kinh điển về văn học Nga. Sau đám cưới, trước khi về Hà Nội, thầy nói với tôi muốn đi thăm một số nơi quanh thị xã. Tôi đưa thầy đi qua những phố phường. Đến bên sông Bằng thầy dừng lại ngắm nhìn con nước như vòng tay mềm mại ôm lấy thị xã xinh đẹp. Rồi thầy khẽ xúc động: “Sông Bằng Giang đẹp hơn cả sông Sel em ạ”. Đó là lời nhận xét chân thành, bởi tôi biết thầy đã đi nhiều nơi trên thế giới. Nước Pháp cũng là nơi thầy từng đặt chân không ít lần. Nhận xét đó khiến tôi ngỡ ngàng. Bởi biết thầy là người kiệm lời khen một ai đó hay việc gì đó khi nhận định chưa chắc chắn. Vậy mà sông Bằng quê mình lại được đặt hơn cả vẻ đẹp sông Sel. Điều đó khiến tôi tự hào, và hãnh diện. Những năm sau gặp lại, mỗi lần nhắc kỷ niệm thầy như vẫn xúc động với vẻ thuần khiết của Bằng Giang ngày đó. Rồi thầy thành thật nói lên suy nghĩ của mình, giá Cao Bằng cách nào xây một con đập phía hạ lưu cho nước sông dâng lên để thuyền bè có thể tấp nập, vừa khai thác được nguồn du lịch, vừa đưa nước lên cho người dân hai bên bờ canh tác, và mong sao mọi người hãy bảo nhau giữ cho sông luôn trong sạch. Sông sạch là sông sống, sông bẩn là sông chết. Được như thế chắc chắn sẽ là một thành phố rất đẹp em ạ, đẹp không kém bất cứ một thành phố nổi tiếng nào trên thế giới đâu. Tôi thầm cảm ơn về ấn tượng ấm áp của thầy với dòng sông quê nhà, về những mong muốn chân thành của một trí thức với sự bảo tồn và phát triển của thành phố quê mình.
Cái tình của khách viễn xứ thật đáng để chúng ta trân trọng, và cũng rất đáng để chúng ta lưu tâm về một dòng sông cần có hẳn chiến lược xây dựng và giữ gìn nét đẹp có tự bao đời.
Yêu sông, cảm xúc về sông có lúc rưng rưng hiện trên trang viết ai đó tại quê nhà. Lạ chưa, đang bên sông mà vẫn nhớ sông. Vậy là tâm giao, tri kỷ rồi. Sông đã là người, đã thành máu thịt trong ta. Bài viết đó, gợi ta nhớ người yêu ta xưa, nhớ tuổi thơ cùng lũ bạn sau buổi học chạy đuổi nhau bên bờ con nước in bóng những mái nhà lợp ngói âm dương, những rặng cây, ngọn núi xa mờ. Giờ người đang lạc bước phương nào, còn nhớ? Bạn ơi, người yêu ta ơi! Sông vẫn đây, người vẫn đây, dù bao lớp tiền nhân những điển hình nết người Mục Mã thời đã thưa vắng, nhưng dòng xưa vẫn nguyên, vẫn một lòng thủy chung chờ đợi. Giá đủ mặt bè bạn cuộc gặp, cho chúng ta bé nhỏ lại như ngày nào. Là ước thế, sao được nữa! Con người ta trở lại quê nhà bằng lối cũ, nhưng trở về kỷ niệm chỉ có thể bằng ý nghĩ thôi. Thấy đó mà thấm thía giới hạn phận người. Vậy là người quê nhà đã lấy sông, mượn sông làm cớ để viết và ghi lại cái đang hôm nay và ký ức một thời, để gợi nhắc nhau đừng quên, nuôi dưỡng cho bền tình non nước, hẹn ngày tái ngộ.
Vật đổi, sao rời. Thời gian vẫn nhích đi từng giây, từng giây. Vậy mà cái thứ tích tắc chậm rãi ấy đã gặm nhấm bao kiếp nhân sinh. Lấy đi một cách thản nhiên từng giây sống, đưa người ta về cõi không thể đảo ngược. Đó là thời gian. Thời gian là gang sắt, tước đoạt lạnh lùng sinh mệnh muôn loài; là thứ không thể thương lượng. Chỉ sông là không thế. Sông cần mẫn ôm ấp thành phố (xưa là thị xã, không hiểu sao tôi vẫn quen gọi thị xã Cao Bằng). Sông vẫn trôi qua bao thăng trầm lịch sử trên mảnh đất quê nhà. Hành trình của sông bắt nguồn từ phía Bắc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, vào Sóc Giang Hà Quảng, qua Hòa An, đến thành phố Cao Bằng, xuôi xuống Phục Hòa. Trên con đường một đi không trở lại đó Bằng Giang được tiếp nhận thêm các phụ lưu sông Nguyên Bình, sông Hiến, sông Giẻ Rào trở nên đầy đặn, vạm vỡ hơn rồi tiếp tục vươn mình qua Trung Quốc. Những con số khô khan nhưng có lẽ nên tìm hiểu để biết thêm. Bằng Giang có diện tích lưu vực 4000 km2, dài 113 km. Hành trình không thay đổi suốt ngàn năm đó đã minh chứng sức bền bỉ, không khuất phục trước thời gian của con nước. Sông trở đầy phù sa dung dưỡng cho đất đai màu mỡ, để dân cày mùa mùa bội thu, nhà nhà no ấm. Tôm cá và muôn loài sinh sôi mang niềm vui sống cho con người. Những gì sông dâng hiến có là bài học về lòng nhân từ và độ lượng? Chỉ biết cho đi mà không đợi nhận về! Hãy tạm quên đi cái ồn ào của đời sống hàng ngày, dành ít phút thả hồn chậm lại. Chầm chậm thôi, mà lắng nghe tiếng thầm thì của sông. Ta sẽ nghe thấy lời dịu dàng của con nước. Đó là chuyển động của những âm thanh ngọt ngào nhất, tận hiến bền bỉ đời mình để duy trì sự sống muôn loài. Đó là tình của sông, sự vĩ đại của dòng chảy với sự sống con người. Ý nghĩa đó, cảm nhận thiêng liêng đó đã ám ảnh lòng người quê nhà. Những thổn thức tỏ bày trong từng con chữ những muốn nhắc mình và bạn phương xa.
Sống chỉ một lần, hãy gắng sống hơn một cuộc đời mình có. Tận hiến những gì tử tế nhất, ý nghĩa nhất cho cuộc đời. Yêu và cả biết rộng lòng tha thứ cho bản thân, cho cuộc đời người khác có lúc nào đó đã khiến ta đau đớn. Và tự biết bằng lòng với thứ mình có. Bấy nhiêu thôi đã khoan thai nhẹ nhàng. Bởi có mặt ở cuộc đời này đã là thứ cao quý nhất với ta rồi. Tình yêu mang cho ai khác, cho vạn vật hữu sinh khác ắt sẽ được nhận lại tình yêu. Ấy là tâm tình của sông vậy. Hãy học ở sông lòng cao cả dâng hiến và sức chịu đựng bền bỉ, để mà rằng không gì là mất đi tất cả. Cái tình người mới chính là sự cứu rỗi tâm hồn người. Sông cũng là người. Cái ý ấy có nghĩa thật trọn vẹn. Mọi thứ sinh tồn cùng con người đều phải được đề cao phẩm giá như một con người. Khi con người không đặt mình trên hơn những thực thể thiên nhiên thì mới thực là con người của khiêm nhường biết hòa đồng và trân trọng. Hãy dành chút thời gian để được sống chậm. Sống chậm thôi ta sẽ nghe thấy tiếng nước miên man, tiếng thổn thức từ trái tim với nỗi niềm cao đẹp vọng từ dĩ vãng và hiện tại. Sống chậm thôi sẽ nghe thấy tiếng trở mình mệt mỏi của sông, dấu hiệu ốm yếu của dòng nước bị tác động bởi sự xả thải, vấy bẩn vô trách nhiệm của con người. Sông sạch là sông sống, sông bẩn là sông chết. Hãy giữ cho sông luôn sạch trong như châu ngọc để Bằng Giang chảy mãi trong ký ức muôn người.
Tin chắc rằng, một ngày nào sông sẽ trẻ đẹp lại như xưa. Để sẽ mãi là nguồn cảm hứng cho văn học, nghệ thuật bày tỏ tấm lòng với tất cả niềm kính trọng và yêu thương nhất của tình người nghệ sỹ.
Cao Duy Sơn
Theo http://www.tienphong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...