Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Tản mạn văn, nhạc, họa

Tản mạn văn, nhạc, họa
Nói đến mối quan hệ giữa văn chương và hội họa, âm nhạc, tôi lại nhớ hồi còn là học sinh cấp ba, thầy giáo dạy văn của tôi nói rằng: “Khi được sinh ra, trong mỗi con người đều có 30% năng khiếu văn chương, 30% năng khiếu hội họa, 30% năng khiếu âm nhạc, còn lại chỉ có 10% là năng khiếu khác”. Thầy tôi nói như thế, không có nghĩa tất thảy ai sinh ra cũng theo con đường văn chương, hội họa hay âm nhạc. Tuy nhiên, nhiều người do hoàn cảnh sống nên năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh không phát triển được. Nhưng dẫu trưởng thành ở bất kể ngành nghề nào, kể cả lao động chân tay, trong họ vẫn tiềm ẩn những khả năng văn chương, hội họa và âm nhạc. Khả năng tiềm ẩn “ba trong một” con người ấy khiến họ dễ dàng cảm nhận được cái hay trong ca từ và giai điệu của một ca khúc, đọc được ý tưởng trong một bức tranh và nhìn thấy màu sắc, hình ảnh của một bức tranh trong một đoạn văn hay một bài thơ nào đó. Khả năng tiềm ẩn ấy cộng với sự đam mê sẽ dẫn đến sáng tạo nghệ thuật.
Ngoại trừ những người đã được đào tạo cơ bản để đi theo thiên hướng văn chương hay hội họa, âm nhạc, không ít người học và lập nghiệp trong các ngành nghề khác vẫn nổi danh ở các lĩnh vực nghệ thuật nói trên. Từ khả năng bẩm sinh cùng sự cảm nhận tinh tế và trải nghiệm cuộc sống, họ sáng tạo ra những tác phẩm văn xuôi, thơ, các thể loại tranh hoặc ca khúc. Trên thực tế có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ từ sáng tác nghiệp dư trở thành chuyên nghiệp.
1. Thời trẻ, ai chẳng cảm nhận được cái hay cái đẹp khi nghe những câu chuyện cổ tích từ bà từ mẹ, từ phong cảnh thiên nhiên quanh nơi mình sống… Những rung động thẩm mỹ đầu đời đó, cùng với trí tưởng tượng phong phú và tố chất nghệ sĩ tiềm ẩn, đã thôi thúc sự sáng tạo văn chương, hội họa, âm nhạc. Nhà văn Tô Hoài đã quan sát, tích lũy vốn sống từ thuở ấu thơ để đến năm hai mốt tuổi (1941), ông đã cho ra đời ba chương đầu của tác phẩm truyện có tên Con Dế Mèn. Được độc giả khích lệ, ông viết tiếp bảy chương tiếp theo, đến năm 1955 gộp lại và lấy tên: Dế Mèn phiêu lưu kí. Xuyên suốt từ chương đầu đến chương cuối, ở góc độ văn học, sự hình thành nhân cách của Dế Mèn chính là sự phát triển nhân cách của một con người bình thường và chân chính.

Cũng trong tác phẩm, người đọc nhỏ tuổi với tâm hồn nhạy cảm có thể thu nhận những khúc nhạc phát ra từ các loại côn trùng và gió, lá trên mỗi cung đường chàng Dế đi qua. Đặc biệt, những đoạn văn tả cảnh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hiện lên thật sinh động như một bộ tranh tứ bình, đầy phẩm tính hội họa. Đoạn văn tả cảnh mùa thu ở phần kết tác phẩm là ví dụ tiêu biểu, với sự đối xứng màu sắc hài hòa, cổ điển và mực thước như trong một bức tranh thủy mặc: “Giờ đương mùa thu. Mùa thu, hoa cúc vàng nở lưng giậu, lối mòn đầy lá đỏ rơi. Từ hôm vào mùa mới, đất trời u ám mưa phùn, cảnh buồn mà lòng vui”. Không chỉ có họa, bất cứ ai có “năng lực thẩm âm” cũng nhận ra chất nhạc ở trong đó. Những bức tranh, những giai điệu ấy mãi hiện hữu ở từng đoạn văn trong Dế Mèn phiêu lưu ký.
Đọc một đoạn trong truyện ngắn Nhiên, nghệ sĩ múa của nhà văn Ma Văn Kháng, người đọc lại như nhìn thấy bức chân dung bằng tranh của người thiếu nữ ấy. “Nhiên đẹp, tất nhiên là từ gương mặt thánh thiện đến làn da tẩm hương và dáng hình thanh tú. Thân hình nàng cao đúng bảy lần mái đầu nàng. Nàng đạt những số đo lí tưởng, biểu hiện giới tính đến độ rực rỡ nhất ở vòng ngực, bờ vai, vùng eo hông. Chân dài và thẳng muốt. Đôi mắt hai mí của nàng đen lay láy, gò mũi của nàng cao và một nốt ruồi ở xế trái ở cạnh mũi nàng là dấu ấn tinh tế tách nàng ra khỏi những chuẩn đích số học, khiến nàng cao hơn hẳn trạng thái mô phỏng…”. Từ những câu văn đặc tả ngoại hình nhân vật trong truyện, một họa sĩ có thể tạo nên một bức chân dung hoàn mỹ mà không thuộc hình thể trực diện của thiếu nữ nào.
Về phong cảnh, ta cũng dễ dàng nhìn thấy bức tranh tịch mịch, âm u và bí ẩn ở một đoạn văn trong cuốn tiểu thuyết Miền hoang của nhà văn Sương Nguyệt Minh: “Chỉ một màn đêm bàng bạc huyền bí bao phủ. Phía trên là ánh sáng đỏ quạch như máu. Phía dưới là vòm cây tăm tối, còn mặt đất thì loang lổ đỏ đen. Trăng vung vãi màu đỏ rót qua những khoảng trống, kẽ lá vòm cây. Anh có cảm giác khi trăng đi qua đầu mình, rồi cũng đổ máu nhuộm đỏ thân anh…”. Đọc kỹ văn cảnh này, họa sĩ nào đó có thể vẽ được một bức tranh gần như trực cảnh, hoặc có thể vẽ nên một bức tranh lập thể, ẩn dụ ý tưởng sâu sắc từ nghệ thuật văn chương. Trong tiểu thuyết Miền hoang có rất nhiều đoạn văn mang màu sắc hội họa.

Trong thơ cũng có những khổ có thể tạo ra một bức tranh khái quát ý nghĩa và thi tứ của toàn bài, như bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay… Bài thơ giàu thi ảnh và thi nhạc, vừa mang màu sắc mờ ảo như khói sương vừa vấn vương nhạc điệu trầm buồn gợi lên từ cảm xúc chia li, tan hợp của kiếp người. Hay bài thơ Thi đánh đu của Hoàng Cầm: Luồn tay ôm say/ giấc bay lay đỉnh núi/ tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/ đùi chảy bước dài thon nhún vội/ bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh Với tôi, đấy là một bức tranh dân gian bằng thơ. 
2. Không chỉ “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), mà còn “Họa trung hữu thi” (trong họa có thơ). Bằng màu sắc và đường nét, hội họa có thể phản ánh chân thực đời sống xã hội theo cách của mình, và về mặt nào đó, nó cũng rất gần với văn chương. Người xem dễ dàng đọc được ngôn ngữ của văn chương trong từng chi tiết của một bức tranh, cũng như trên một bức phù điêu hoặc một tác phẩm điêu khắc.
Năm 1883, họa sĩ người Nga, Ivan Nikolaevich Kramskoi hoàn thành bức tranh sơn dầu Người đàn bà xa lạ. Bức tranh vẽ chân dung một người phụ nữ ngồi trên xe ngựa mui trần giữa buổi sáng mùa đông nước Nga, khi tuyết phủ trắng các mái nhà. Nguyên mẫu của bức tranh là một bí ẩn với nhiều phỏng đoán, nhưng có nhiều người cho rằng đó là nhân vật Anna Karenina trong tiểu thuyết cùng tên của Lev Tolstoy. Thuở ấy rất nhiều người hỏi Kramskoi về nguyên mẫu. Ông giữ im lặng về điều đó, trong cả triển lãm và trong nhật kí của mình. Thời kỳ sau này, một số người đã nhận xét: “Qua chân dung Người đàn bà xa lạ là cả một thời đại”.
Điều thú vị, đó là văn hào Lev Tolstoy và họa sĩ Ivan Kramskoi là đôi bạn. Trong tiểu thuyết của Tolstoy có đoạn tả một họa sĩ đang vẽ chân dung cho Anna Karenina, mà nguyên mẫu của họa sĩ này có thể là Kramskoi. Câu chuyện về tình bạn giữa các nhà văn và các họa sĩ, mối liên hệ giữa hội họa và văn chương trong tác phẩm của họ… vẫn thường được nhắc đến, mà ở Nga, còn một trường hợp khác là tình bạn giữa hai con người nổi tiếng - nhà văn Anton Chekhov và họa sĩ Ixaac Levitan.

Trong tiểu thuyết Kiếp sau, nhà văn Pháp Marc Levy đã viết về danh họa Nga Vladimir Radskin và hậu họa từ những bức tranh của họa sĩ ấy. Một đoạn văn ông viết như sau: “… và mười bức khác được vẽ theo cảm hứng về đời sống khổ cực của nhân dân. Những khung cảnh đường phố ấy chính là nguyên nhân khiến Radskin bị trục xuất vĩnh viễn và buộc phải rời bỏ quê hương mà không bao giờ còn được quay trở lại. Sa hoàng căm giận vì họa sĩ đã cả gan vẽ lại những thống khổ của dân chúng còn sống động hơn cả việc ca ngợi sự ưu việt của triều đại”.
Bức tranh Người đàn bà xa lạ của Ivan Kramskoi 
được cho là có nguyên mẫu từ nhân vật Anna Karenina 
trong tiểu thuyết cùng tên của Lev Tolstoy  Ảnh: TL
3. Ở Việt Nam, trường hợp tiêu biểu cho sự song hành ba tài năng trong một con người là Văn Cao. Ông là nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ. Nhiều đồng nghiệp đã gọi ông là “Nghệ sĩ trên nghệ sĩ”.
Những ca khúc bất hủ của Văn Cao đã nằm lòng nhiều lứa tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám đến bây giờ. Tất cả những nhạc phẩm, ông đều phổ từ thơ của ông hoặc tự viết ca từ cho ca khúc của mình. Điều đặc biệt là, những bài thơ, những ca từ ông viết ra đều mang màu sắc hội họa, bởi ngoài tài danh văn chương và âm nhạc, ông còn là một họa sĩ đích thực. Từ những năm 1943 - 1945, những bức sơn dầu, bột màu của ông đã được đánh giá cao trong triển lãm mỹ thuật. Hiện nay một số tranh của ông vẫn được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Người không có tranh triển lãm mỹ thuật nhưng thực sự là người đa tài, đó là Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn cũng không phổ thơ của ai. Những bài thơ ông viết ra đã thành ca từ cho những ca khúc trữ tình của riêng ông. Tất cả những thi phẩm ấy đều nói về quê hương, tình yêu và thân phận con người. Từng con chữ lẫn ý thơ đều bảng lảng như mây như gió, nhưng lắng nghe và suy tưởng thì thấy trong đó có chiều sâu của một bức tranh trừu tượng. Trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn, thi - nhạc - họa đã quyện vào nhau mà thăng hoa, bay bổng và lắng sâu trong trái tim mỗi con người.

Không chỉ Văn Cao và Trịnh Công Sơn, nền văn nghệ hiện đại Việt Nam mấy thập kỉ qua còn xuất hiện nhiều con người đa tài khác, như Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ, Quang Dũng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha… Họ là những con người có “nhiều nhà trong một nhà” - nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà viết kịch, nhạc sĩ, họa sĩ… Trong nền văn nghệ đương đại, chỉ tính riêng những tác giả vừa cầm bút vừa cầm cọ, có thể kể đến Nguyễn Ngọc Thuần, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Danh Đoàn, Trần Kiến Quốc, Nguyễn Thúy Hằng, Song Phạm, Trần Ngọc Sinh… (miền Nam), Đỗ Phấn, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Bàng Ái Thơ, Trần Nhương, Nguyễn Anh Vũ… (miền Bắc).
4. Năm 2014, trước khi tặng tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Mai mỗi người một  cuốn tranh ngựa, người họa sĩ ấy (đồng nghiệp với họa sĩ Lê Trí Dũng) đã nói: “Hai em hãy xem tranh ngựa và viết cảm xúc bằng thơ gửi cho anh đọc nhé”.
Tôi chưa được quen biết họa sĩ Lê Trí Dũng, nhưng khi xem cuốn tranh ngựa của ông, tôi đã bị ám ảnh kì lạ. Mỗi màu sắc đen, đỏ, trắng, bạc, mỗi thế tung bờm cuộn vó trong mỗi bức tranh đều toát lên sự  thăng trầm, cô đơn, đau đớn đến tột cùng nhưng vẫn rất kiêu hãnh. Tất cả những bức tranh ngựa ấy đều không có bóng dáng con người. Tranh ngựa, chỉ có ngựa với mặt trời đỏ như máu hoặc mặt trăng tròn, trăng khuyết bàng bạc lạnh lẽo. Theo cảm nhận của tôi, trong mỗi bức tranh, họa sĩ đã thể hiện cuộc đời của con người. Tôi và Nguyễn Thị Mai không trao đổi với nhau và cả hai đã làm hai bài thơ về ngựa cảm tác từ tranh của Lê Trí Dũng. Hai bài thơ khác nhau về cách lập tứ, lập từ nhưng lại gặp gỡ nhau ở một sự cảm nhận. Bài Nước mắt trăng của tôi có năm đoạn. Xin trích ra đây ba đoạn.

…Bỏ lại đằng sau mịt mù cát bụi/ vó ngựa cuộn bay về ánh nắng mai/ lòng kiêu hãnh tung bờm rẽ gió/ cháy đỏ ước mơ hừng hực đất trời…
…Dường như/ đường tên chạm vào bí ẩn/ nên dây cương quặn thắt ánh ngày/ mặc đêm tối/ một dây cung/ một ngựa/ một vành trăng đơn chiếc nẻo mây…
…Ánh nắng mai vẫn ẩn trong mắt núi/ đêm buông chùng sương khói khơi vơi/ từng giọt trăng ướt về nhân thế/ “lành lạnh hồng hoang”/ Bóng ngựa hồn người.
Mùa rộ hoa hướng dương năm 2010, họa sĩ Lan Hương rủ tôi ra bãi sông Hồng ở Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội để vẽ trực cảnh. Nhưng cơn bão đêm trước đó đã làm cả cánh đồng hướng dương đổ rạp. Sau khi cận cảnh trước sự tan tác của cánh đồng hướng dương, tôi đã vẽ bức tranh có hình mờ ảo một thiếu nữ nude hoàn toàn. Nửa kín do lá và hoa hướng dương che lấp, nửa hở vẫn rõ thân hình mềm yếu của người thiếu nữ đang nâng đóa hướng dương lên trên luồng gió. Mỗi ngày ngắm tranh mình tự vẽ, tôi lại ngẫm đến những trận giông bão đổ xuống thân phận của phái yếu, và rồi từ bức tranh ấy, truyện ngắn Sương của tôi đã ra đời (truyện đã in trên Văn nghệ công an và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam).
Nói về mối quan hệ giữa văn chương với hội họa, âm nhạc thì cảm nhận và hiểu biết của một cá nhân trong bài viết ngắn này chưa thể thấu đáo. Chỉ có thể nói rằng, đây là một vấn đề rộng và thú vị. Từ thời La Mã cổ đại, người ta đã nhận định “Họa là văn chương không lời, văn chương là họa có lời”, hoặc “Văn là họa hữu thanh, họa là văn vô thanh”.
Sáng tác của nhà văn, nếu giàu năng lượng thẩm mỹ, trong đó không nhiều thì ít cũng chứa đựng ngôn ngữ của hội họa và âm nhạc. Tranh vẽ của họa sĩ, nếu giàu phẩm tính nghệ thuật, sẽ hàm ẩn ngôn ngữ của âm nhạc và văn chương. Và những tác phẩm âm nhạc ưu tú cũng hội tụ đủ đầy các yếu tố trên. Cho nên văn chương, hội họa và âm nhạc là ba loại hình nghệ thuật riêng biệt, nhưng lại gặp gỡ nhau về ngôn ngữ nghệ thuật và không thể tuyệt đối tách rời.
Tây Hồ, mùa thu 2015 
Nguyễn Thị Ngọc Hà 
Theo http://vannghequandoi.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...